1/3/15

Đêm nghe tiếng Ráp Nah Sơn
















Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược: Nguyễn Vũ Sơn, còn được gọi là Nah, một nghệ sĩ rap trẻ và là một du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, sáng tác bài rap "ĐMCS" vào đầu năm 2015. "ĐMCS" là nhạc rap chính trị, chống đối sự thối nát của chế độ cộng sản Việt Nam. "ĐMCS" có những lời chửi thẳng vào nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, công an cảnh sát, và những người dân bị tẩy não hoặc hèn nhát không dám đứng lên chống lại cộng sản. Nah trình bày "ĐMCS"gần như hoàn hảo với nhịp điệu vừa phải, vần điệu chuẩn, và phát âm chính xác với giai điệu và quãng nghỉ thích hợp với nội dung. Nhạc nền và các lời hát phụ họa giúp bài hát sống động và lôi cuốn khán giả. Qua "ĐMCS," Nah chứng tỏ anh là một người trẻ có tài năng khác thường, đầy nhiệt huyết, yêu nước, can đảm, và hiểu biết am tường các vấn đề chính trị và xã hội tại Việt Nam. "ĐMCS" là lời nói huy hoàng của tuổi trẻ Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn mới cho tuổi trẻ thức tỉnh và vùng lên để lấy lại chính nghĩa cho tổ quốc.

*

Lời báo trước: Bài này có phần thảo luận về một số từ ngữ thô tục, chửi thề, và tục tĩu liên hệ đến bài "ĐMCS." Vì lý do duy trì tính chất toàn vẹn của lời bài hát, ý nghĩa và tác dụng của các từ ngữ này, tôi viết các từ ngữ dưới dạng đầy đủ và không viết tắt hoặc che giấu mẫu tự. Các từ ngữ này có thể không thích hợp hoặc chướng với một số độc giả.

Trong số ra ngày 21 tháng 9 năm 2016, tạp chí Time, một tạp chí hàng đầu tại Hoa Kỳ, có một bài đăng về một cuộc nổi dậy tại Việt Nam. Một phần trong bài đó như sau: 

Từ một vụ xô xát giữa một khách hàng và nhân viên nhà băng vì nhà băng không có đủ tiền đưa cho vị khách hàng khi ông ta muốn rút hết tiền trong trương mục, cuộc khủng hoảng tài chánh tại Việt Nam lan rộng trên toàn quốc. Trong khi cuộc giằng co giữa dân chúng và cơ quan tài chánh đang diễn tiến, một cuộc nổi dậy của sinh viên học sinh bùng nổ. Cuộc nổi dậy kêu gọi toàn dân đứng lên giải tán đảng cộng sản Việt Nam. Kỳ lạ nhất, những người trẻ, trai và gái, tuổi từ 16 tới 25, cùng hô một khẩu hiệu ngắn gọn trong các cuộc biểu tình bãi khóa của họ. Trong một quốc gia tôn trọng lễ nghĩa và cha mẹ ngăn cấm con cái dùng những lời chửi thề tục tĩu, khẩu hiệu đó gây kinh hoàng trên toàn quốc. Khẩu hiệu đó là: "Địt Mẹ Cộng Sản." 

Vâng, đó là chuyện xảy ra trong tương lai.

Sẽ có người cho rằng đoạn văn trên chỉ có trong tiểu thuyết hoặc nằm trong trí tưởng tượng của những người đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Nhưng đối với nhiều học giả về xã hội học, lịch sử, chính trị, đoạn văn trên mô tả một cảnh tượng rất có thể xảy ra. 

"Địt Mẹ Cộng Sản" là câu trong bài nhạc rap "ĐMCS," viết và trình bày bởi Nah, một rapper Việt trẻ, vào đầu năm 2015. "ĐMCS" đang tạo ra một làn sóng hưởng ứng trong nước và hải ngoại với sự nhiệt thành bất ngờ. Hiện tượng "ĐMCS" và Nah Nguyễn Vũ Sơn dường như là một kết quả của những tương tác hạn hẹp theo một mô hình đấu tranh dưới hình thức hê thống thích ứng phức tạp (Complex Adaptive Systems) mà tôi đề nghị trong các bài trước (Xem, thí dụ như, Cao-Đắc 2014a). Trong mô hình này, có nhiều tương tác hạn hẹp (local interactions) theo một cơ chế tự nhiên giữa các tác nhân hoặc thành phần trong cả hai phe dân chủ và cộng sản. "Sự tương tác hạn hẹp của các tác nhân dần dần đưa đến một sự nổi lên (emergence) có sức mạnh rộng lớn và có quy củ trật tự" (Cao-Đắc 2014a). "ĐMCS" sẽ dẫn đến những hiện tượng khác và con đường đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam đang có đà đi đến một nổi dậy bất ngờ.

Trong bài này, tôi sẽ thảo luận "ĐMCS" qua phân tích bài nhạc dưới các tiêu chuẩn của nhạc rap, và các khía cạnh chính trị của âm nhạc và nhạc rap. Tôi có dịp liên lạc với tác giả Nguyễn Vũ Sơn và có được nhiều ý tưởng của anh về "ĐMCS."

Sau đây là tiểu sử vắn tắt của tác giả (Nguyễn Vũ Sơn 2015).


Nah tên thật là Nguyễn Vũ Sơn, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1991 tại Sài Gòn. Nah học cấp 1 tại trường Kết Đoàn, cấp 2 và cấp 3 tại trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Nah tốt nghiệp đại học và có bằng cử nhân từ trường RMIT tại Singapore. Nah hiện đang học thêm bằng cử nhân thứ hai tại Hoa Kỳ. Nah có nguyện vọng học lên thạc sĩ và tiến sĩ. Nah cho biết anh chọn nhạc rap vì anh có duyên với cuộc sống đường phố và thấy ở đường phố những bài học mà trường học không dạy. Gia đình Nah đều đang sống tại Sài Gòn.

Có nhiều cách gọi nghệ sĩ nhạc rap. Tại Hoa Kỳ, người trình bày nhạc rap có thể được gọi là MC (Master of Ceremonies, người điều khiển chương trình), emcee (từ chữ MC), rapper (người rap), lyricist (người viết lời nhạc), hoặc rap artist (nghệ sĩ rap) (Edwards 2009, xii). Thứ nhì, một bài rap thường gồm có phần điệp khúc (gọi là hook) và các phiên khúc (verse). Như các bài hát thường, điệp khúc là phần quan trọng nhất, vì nó được lập đi lập lại nhiều lần, và do đó thường chứa ý chính.

Nguyên văn lời bài hát "ĐMCS" như sau (Nguyen 2015). 

Tên tao là Nah. Quê hương tao là Sài Gòn. Tao thà để cho tụi mày căm ghét tao còn hơn để cho tụi mày sống ngu muội thêm 40 năm nữa. Nghe đây.

[Hook]

Tao không vào địa ngục thì ai? Địt mẹ cộng sản.
Muốn thay đổi đất nước là sai? Địt mẹ cộng sản.
Mày dám bán đất đai tổ tiên? Địt mẹ cộng sản.
Giết người, bịt mắt, bịt miệng? Địt mẹ cộng sản.
Thảm sát đồng bào tại Huế? Địt mẹ cộng sản.
Tao đéo chịu làm nô lệ. Địt mẹ cộng sản.
Tụi mày sẽ sớm bị lật. Địt mẹ cộng sản.
Tất cả sẽ biết sự thật. Địt mẹ cộng sản.

[Verse 1]

Nguyễn Tấn Dũng sẽ trốn đi đâu với tất cả tài sản?
Cả đám ăn cướp chuyên nghiệp, kế hoạch quá bài bản
Dân thì ai oán, nước này ai bán
Mấy thằng tham nhũng rồi sẽ phải chết mà không được mai táng
Tụi công an đứng đường sẽ là những đứa bị giết trước
Tao hứa sẽ đái vào xác tụi mày mà không cần tiếc nước
Cái tội tụi mày bắt bớ đánh đập người dân thật vô cớ
Trả lại từng đồng ăn chặn tụi tao, mày đổ nợ
Từ ngày mai tao sẽ không đưa công lộ một cắc nào
Tao không làm gì sai đụ má mày đừng có ngoắc tao vào
Tao không hối lộ, tao không luồn cúi
Tao không hèn như những con cừu mày nhốt trong chuồng cũi
Mày đòi tịch thu xe của tao? Tao đéo đưa rồi sao?
Mày sẽ bắt tao vào trong đồn làm tình làm tội tao?
Tra tấn tao như mày đã tra tấn bao nhiêu người khác?
Mày sẽ giết hết người Việt Nam? Cho tao cười phát

[Verse 2]

Sẽ đéo có trang web Việt Nam nào dám đăng bài này
Bọn cừu ngoan của chế độ đéo dám nghe bài này
Tụi nó chỉ thích ngồi bàn tán về thằng Kenny Sang
Trong khi Cộng Sản lấy đất của tổ tiên để đem đi bán
Cả một thế hệ bị tẩy não thật khốn nạn
Như những con zombie có bắn vào cũng tốn đạn
Ghét cộng sản nhưng đéo dám nói, mày có miệng như câm
Ghét công lộ nhưng vẫn xì tiền, mày bị điên hay hâm?
Cách ăn nói của tao lấc cấc, nhưng mà tao dám nói
Thù trong giặc ngoài bọn Trung Cộng nó vẫn đang đói
Muốn đuổi được tụi nó thì phải thay đổi trong nhà nước
Xử bọn tham nhũng và bán nước ở trong nhà trước
Sách lịch sử con nít đang học, nhiều câu chuyện cổ tích
Bắt học thuộc như những con vẹt, đéo có gì bổ ích
Thật buồn cười khi suốt cuộc đời, mày có mắt như mù
Sống mà luôn bị kiềm hãm, khác gì sống trong tù

[Verse 3]

Đâu có dễ, để có thể trở thành một huyền thoại
Sống làm sao, chết thế nào, người đời truyền lại
Sống buồn chán, không mục đích, thì mày sống làm gì?
Rượu chè hay cờ bạc, hay chổng mông làm đĩ?
Nếu mày có một lý tưởng, có dám chết vì nó?
Dám sẵn sàng hi sinh hết, để đi tìm tự do?
Ở Việt Nam, ngày nào mà chẳng có kẻ chết
Nỗi đau của những người đó, không ai kể hết
Sau bài này, sẽ có kẻ tìm cách để hại tao
Thuê côn đồ, gây tai nạn, để đánh bại tao
Để đánh bại những con người, đéo làm gì sai
Để gieo rắc những nỗi sợ hãi và những điều bi ai
Nhưng tụi nó quên đo độ cứng của hòn bi tao
Tụi nó quên mặt trời vẫn mọc ở ngoài kia sao?
Muốn làm hại tao nhưng mà đéo được
Mày không biết ông trời đánh tao còn khéo trượt


Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung, hình thức (nhịp điệu và vần điệu) của "ĐMCS," và lối Nah trình diễn "ĐMCS." Tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về ý nghĩa của lời nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.

A. "ĐMCS" là một bài hát chính trị chống đối và thuộc loại "cực đoan hóa" chính trị trong nhạc rap

"ĐMCS" là một bài hát chống đối chế độ cộng sản Việt Nam rõ ràng và cụ thể. Thể loại nhạc rap thích hợp cho lối chống đối rõ ràng, thẳng thừng, và dễ gây ấn tượng mạnh trên khán giả, nhất là giới trẻ. 

1. Bài rap "ĐMCS" thuộc về thể loại chính trị chống đối:

Sức mạnh của âm nhạc đã được biết từ xưa. Theo triết lý của Tàu thời xưa, âm nhạc là căn bản của mọi việc (Tame 1984, 16). Yehudi Menuhin (1916-1999), một nhạc sĩ nổi tiếng, từng nói, "Âm nhạc tạo ra trật tự từ hỗn loạn" (sđd., 14). Không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của âm nhạc trên xã hội. "Trong suốt lịch sử nhân loại, âm nhạc là nguồn gốc của sợ hãi và đối tượng của đàn áp" (Street 2012, 9). Vài thí dụ cho ta thấy ảnh hưởng này. Chính phủ Tàu cộng giam mười bốn ni cô Tây Tạng vì họ hát các ca khúc hỗ trợ nền độc lập của nước họ (Index 1998, 134; Wikipedia 2015d). Giới cầm quyề̉n Taliban, khi họ nắm quyền, cấm tất cả thể loại âm nhạc tại Afghanistan (Index 1998, 135-138; Street 2012, 9-10). Lý do cho ảnh hưởng mạnh mẽ này là tính chất chính trị của âm nhạc. Mối liên hệ giữa âm nhạc và chính trị là một đề tài có nhiều nghiên cứu và khảo luận. Ở đây, ta phải hiểu "chính trị" với ý nghĩa tổng quát và không hạn hẹp trong khuôn khổ về chính quyền và thể chế chính phủ và quốc gia. Thí dụ của chính trị gồm có: kêu gọi thay đổi các vấn đề xã hội như kỳ thị chủng tộc, môi trường, bạo loạn, phản đối một chính sách nào đó, chống đối chính quyền. 

Theo định nghĩa của Street (2012, 7), "ĐMCS" là một bài hát chính trị rõ ràng. Lời ca đưa ra nhiều sự lựa chọn, trực tiếp và gián tiếp: đứng lên lật đổ chế độ hay chấp nhận cuộc sống như tù, dung dưỡng hay chấm dứt tham nhũng. Bài hát là lời kêu gọi công chúng và vạch ra những vấn đề ảnh hưởng đến mọi người như bắt bớ dân vô cớ, giáo dục nhồi sọ. Ngoài ra, bài hát không phải chỉ nói lên sự bực bội cá nhân của tác giả mà cho thấy nỗi ưu tư của toàn dân trong cảnh xã hội thối nát, ngoại xâm, và bán nước.

Âm nhạc có thể đóng nhiều vai trò trong chính trị, gồm có huy động các nhóm người, tạo văn hóa, và dùng như khí cụ để diễn tả quan điểm chính trị (Pecore 1999, 31). Thí dụ, bài hát "The Internationale" trong cuộc biểu tình của sinh viên Tàu tại Thiên An Môn năm 1989 khiến sinh viên biểu tình đoàn kết và can đảm hơn (Pecore 1999, 31-32); những bài hát đồng ca, nhạc dân gian, và các ngày hội ca hát trong cuộc Cách Mạng Ca Hát tại ba quốc gia Baltic nhấn mạnh lòng ái quốc và là lý do chính đưa ba quốc gia này đến độc lập ra khỏi khối Soviet năm 1991 (Smidchens 2014, 3, 158-159, 312-314).

Âm nhạc có mục đích chính trị rõ rệt thường được phân loại thành hai loại: nhạc chống đối (protest music) và nhạc đề kháng (music of resistance) (Street 2012, 44). Nhạc chống đối thường xác nhận một vấn đề hoặc kẻ thù rõ rệt cụ thể. Những bài hát chống đối nhắm vào nhiều mục tiêu, chú trọng đến các khía cạnh xã hội như kỳ thị chủng tộc, phản chiến. Nhạc đề kháng không có sự chú trọng đó, và tính chất chính trị có thể chỉ là hành động hát (Street 2012, 44). "ĐMCS" thuộc về nhạc chống đối với đối tượng rõ rệt (chế độ cộng sản), lý do chống đối (bán nước, tham nhũng, bất công, nhồi sọ), và lời kêu gọi lật đổ chế độ. "ĐMCS" còn đi quá sự chống đối thông thường và vượt quá nó để trở thành lời kêu gọi cho một cuộc nổi dậy bất ngờ.

2. Nhạc rap và tính chất chính trị của nhạc rap:

Nhạc rap có vài sắc thái khác với nhạc thông thường. Nhạc rap có thể coi là phối hợp của nói, văn viết, thơ, và ca hát (Wikipedia 2015a). Chữ "rap" nguyên thủy có nghĩa là "nói nhanh" là kiểu đối đáp nhanh có trước dạng âm nhạc. Chữ "rap" được dùng trong tiếng Anh của người Anh (British English) từ thế kỷ thứ 16, và có nghĩa rõ rệt là "nói" từ thế kỷ thứ 18 (Wikipedia 2015a).

Nhạc rap, nhiều khi gọi là hip-hop, khởi đầu từ Hoa Kỳ trong khoảng thập niên 1980. Hip-hop là một hình thức diễn tả hoặc biểu lộ, và là "một phong trào văn hóa nổi lên từ nền văn hóa đô thị của người Mỹ gốc Phi châu trong thập niên 1980" (Brown 2008, 183). Tuy hip-hop thường được dùng để gọi nhạc rap, hip-hop thực ra bao gồm bốn đặc tính văn hóa: nhạc rap, diễn đĩa nhạc (disc jockey, hoặc DJ, hoặc dee-jaying), nhảy nhào lộn (break dancing), và vẽ tường công cộng (graffiti) (sđđ., 183-187;  Wikipedia 2015c). Hip hop bây giờ lan tràn trên khắp thế giới, kể cả các xứ ĐôngÂu, Palestine, Cuba, Tàu, Miến điện, Việt Nam, v.v. (Xem thí dụ như Malone vả Martinez 2015; Lidman).

Nhạc rap thường có lời mạnh bạo, và nhiều khi dùng từ ngữ thô tục, kể cả chửi thề, để diễn tả ý tưởng có khuynh hướng thay đổi xã hội. Brown (2008, 189-207) chia nhạc rap thành bốn loại: (1) có ý nghĩa liên quan đến xã hội (socially relevant); (2) cực đoan hóa lời hoa mỹ chính trị (radicalization of political rhetoric); (3) chiến tranh giai cấp (class warfare); và (4) nổi loạn da trắng (white rebellion). Dưới sự phân loại này, "ĐMCS" có thể coi là thuộc loại cực đoan hóa lời hoa mỹ chính trị. Tuy nhiên, sự phân loại của Brown có phần eo hẹp vì Brown chỉ chú trọng nhạc rap trong bối cảnh Hoa Kỳ. Brown hàm ý "cực đoan hóa" là khuynh tả vì sự chống đối xảy ra trong một quốc gia dân chủ tự do (Hoa Kỳ). Để có một phân loại chính xác hơn, Brown cần phải gồm cả "cực đoan hóa" trong quốc gia dưới chế độ độc tài cộng sản. Ngoài ra, "ĐMCS" không nhất thiết "cực đoan hóa" mà thực ra vạch trần sự thật một cách chính xác.

Các bài nhạc rap thường có từ ngữ mạnh bạo, chửi rủa, và thô tục. Những từ ngữ này gồm có: fuck (địt/ đụ/ đù/ đéo), shit (cứt), bitch (chó cái/ đĩ ngựa), và các từ ngữ về bộ phận sinh dục nam và nữ. Powell-Morse (2014) nghiên cứu thống kê cho các từ ngữ tục tĩu này trong nhạc rap từ năm 1985 cho tới năm 2013 (cũng xem Coplan 2014), và cho biết trung bình có khoảng 14 chữ tục tĩu trong một bài. Vài thí dụ như sau. Bài "Niggaz For Life" của NWA có 26 chữ "fuck" và 13 chữ "shit." Bài "Fuck You" của 50 cent có 57 chữ "fuck." Bài "Gangster of Love" của Geto Boys có 29 chữ "fuck," 4 chữ "shit," và 14 chữ "bitch." 

Bài "ĐMCS" của Nah có 8 chữ "địt," lập lại 5 lần (một lần mở đầu, ba lần sau ba phiên khúc, và lần chót chỉ lập câu "Địt mẹ cộng sản" tám lần) thành 40 lần, 1 chữ "đụ," 8 chữ "đéo," và 1 chữ "đĩ." Với 49 chữ fuck (địt/ đụ/ đéo) và tổng cộng 50 chữ tục tĩu (địt/ đụ/ đéo/ đĩ), "ĐMCS" đứng hạng khá cao về từ ngữ tục tĩu so với các bài nhạc rap ở Mỹ. Tuy nhiên, ta không nên đánh giá tính chất tục tĩu của một bài nhạc rap qua số lượng các chữ tục tĩu. Ta cần phải xem xét các chữ này được dùng như thế nào và trong bối cảnh nào. Như sẽ được trình bày sau, phẩm chất chửi thề trong "ĐMCS" (nếu có cái gọi là "phẩm chất chửi thề") vượt xa phẩm chất chửi thề trong các bài nhạc rap của các nghệ sĩ rap Hoa Kỳ.

B. "ĐMCS" chửi chế độ cộng sản thẳng thừng, cho thấy Nah là người hiểu biết và am tường chính trị, lịch sử, và xã hội:

"ĐMCS" là lời tuyên bố trực tiếp về chế độ cộng sản tại Việt Nam, sự thối nát của chế độ, và lời kêu gọi lật đổ chính quyền. Bài hát có bố cục rõ ràng: lời mở đầu, điệp khúc (hook) và ba phiên khúc (verses).

1. Lời mở đầu giới thiệu tác giả, nhắc đến thời điểm cộng sản thôn tính miền Nam, và ngạo nghễ ngỏ lời với đám cộng sản:

Nah mở đầu bài hát với câu tự giới thiệu tên và quê hương mình là Sài Gòn. Anh sau đó giải thích lý do tại sao anh viết "ĐMCS" là anh không muốn thấy họ sống trong ngu muội thêm 40 năm nữa ("Tên  tao là Nah. Quê hương tao là Sài Gòn. Tao thà để cho tụi mày căm ghét tao còn hơn để cho tụi mày sống ngu muội thêm 40 năm nữa. Nghe đây."

Có vài điểm đáng nói trong đoạn mở đầu này. Trước hết, Nah tuyên bố quê hương anh là Sài Gòn, thay vì là Việt Nam. Dùng tên một thành phố thay vì quốc gia là quê hương không có gì lạ. Nah muốn nhấn mạnh nơi sinh trưởng của Nah là Sài Gòn. Với "Sài Gòn," thay vì "thành phố Hồ Chí Minh," Nah cho thấy rõ lập trường của anh: anh không chấp nhận cái tên Hồ Chí Minh, thủ lĩnh của đảng cộng sản Việt Nam, đặt lên thủ đô trước đó của miền Nam. Thứ nhì, Nah dùng "thêm 40 năm nữa," rõ ràng dùng quy chiếu năm 1975 lúc cộng sản xâm chiếm miền Nam. Với quy chiếu thời gian này, ta hiểu tâm hồn Nah gắn bó với miển Nam trước năm 1975, tuy anh chỉ mới sinh ra năm 1991. Thứ ba, Nah dùng xưng hô "mày tao" trong cuộc đối thoại. Với nội dung chửi "địt mẹ cộng sản" trong bài, lối xưng hô này không phải là lối xưng hô thân thiện giữa bạn bè, mà là lối xưng hô thù ghét với kẻ thù, hoặc khinh thường kẻ khác. Thứ tư, với "Nghe đây," Nah dõng dạc nói với đám cộng sản và những kẻ ngu muội hãy chú ý lời anh sắp nói. Câu "Nghe đây" có cái gì uy dũng, ngổ ngáo, ngạo nghễ, trịch thượng, như lời la mắng của bậc trưởng thượng với kẻ dưới.

2. Điệp khúc (hook) vạch tội cộng sản bán nước, tàn ác, và lừa đảo, chửi cộng sản đích danh, và tiên đoán chế độ cộng sản sẽ xụp đổ: 

Phần này gồm có tám câu kết tội cộng sản. Mỗi câu được chấm dứt bởi khẩu hiệu "Đị̉t mẹ cộng sản." Trước khi đi vào chi tiết các câu này, ta hãy thảo luận về chữ "địt mẹ." 

"Địt mẹ" là lời chửi thề. Nguyễn Dư (2014) có một bài viết lý thú về chửi thề và văng tục. Ý nghĩa của "địt mẹ" tương tự như "đụ mẹ," "đụ má," "đù mẹ," hoặc "đéo mẹ." Tuy nhiên, động từ "địt" không hoàn toàn tương đương với "đụ" hoặc "đéo." Đó là vì "địt" có hai nghĩa tùy theo miền. Trước năm 1975 trong miền Nam, câu chửi "địt mẹ" là của người Bắc, và câu chửi "đụ mẹ/ đụ má" là của người Nam. Sau 1975, nhiều người Bắc vào Nam sinh sống và mang theo cách ăn nói (gồm có chửi rủa). Do đó, sau bốn mươi năm, có thể nguồn gốc Nam Bắc này mất dần đi. Ta phải hiểu đây không phải là vấn đề kỳ thị Nam Bắc mà chỉ là vấn đề dùng chữ khác nhau ở các miền. Tại miền Bắc, "địt" là cách nói thô tục của "giao cấu" và do đó tương đương với "đụ" (dùng trong miền Nam). Trong miền Nam, "địt" hoàn toàn không có ý nghĩa giao cấu mà có nghĩa "đánh rắm" (đẩy hơi ra ngoài cơ thể qua hậu môn). Sự khác biệt về ý nghĩa của chữ này đã tạo ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc, và đôi khi khôi hài, khi người hai miền nói chuyện với nhau. 

Khi dùng trong câu chửi thề, các câu chửi dùng "địt/đụ" không mô tả hành động giao cấu, mà chỉ là lời chửi tổng quát. Tuy "địt/ đụ" là động từ, khi dùng trong câu chửi, chúng tự đứng một mình và không liên kết với chủ từ hoặc túc từ (bổ từ) nào. Khi một người chửi "địt/đụ mẹ thằng Dũng," người đó không hàm ý "tao địt/đụ mẹ thằng Dũng" mà chỉ dùng "địt/đụ mẹ" như là một nhóm chữ liên kết sự nguyển rủa vào đối tượng là "thằng Dũng" và không nhất thiết do hình ảnh cụ thể của động từ "địt/đụ" làm một hành động giao cấu với mẹ của "thằng Dũng." Với cách dùng đó, "địt mẹ" hay "đụ mẹ/ đụ má" được dùng như mọi câu chửi khác như "tổ cha (nhà)," "tiên sư cha," "tổ mẹ (nhà)," "tiên bà," "khốn nạn," "khốn kiếp," v.v.

Nah cho tôi biết anh không phân biệt "địt mẹ" và "đụ mẹ/ đụ má" trên phương diện Nam Bắc. Tuy nhiên, với những người biết rõ nguồn gốc các câu chửi thề này, câu "địt mẹ cộng sản" (thay vì "đụ mẹ/ đụ má cộng sản") có ý nghĩa lý thú. Ý nghĩa đó là câu "địt mẹ cộng sản" nhắm vào cộng sản Bắc Việt, những kẻ khởi đầu chế độ cộng sản từ năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Điều đó không có nghĩa là cộng sản miền Nam thoát bị chửi, nhưng chính những người cộng sản miền Bắc là thủ phạm đem chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, nên câu "địt mẹ cộng sản" chửi đích danh họ. Người Bắc, tuy có thể hiểu "đụ mẹ" hoặc "đụ má," nhưng có thể không cảm nhận đích đáng bằng "địt mẹ." Nếu bạn muốn chửi người nào, bạn nên dùng ngôn từ đích đáng mà người đó hiểu và họ sẽ cảm thấy thấm thía hơn.

Còn "đéo mẹ" thì sao? Chữ "đéo" thực ra có nhiều nghĩa. Khi dùng là động từ, nó có nghĩa tương đương với "địt" (tiếng Bắc) hoặc "đụ" (tiếng Nam). Khi dùng là phụ từ, nó có nhiều nghĩa. Nghĩa thứ nhất là phủ định; thí dụ, "tao đéo hiểu nó nói gì." Nah dùng lối này trong "Tao đéo chịu làm nô lệ," "Ghét cộng sản nhưng đéo dám nói." Nghĩa thứ nhì là chữ đệm ý chỉ "cái quái" ("nó là cái đéo gì mà phách lối vậy?"). Vì có nhiều nghĩa, chữ "đéo mẹ" không có tác dụng mạnh khi dùng để chửi người khác, mà thường được dùng như một lời chửi đổng, một câu ta thán ("Đéo mẹ, trời hôm nay nóng quá."), hoặc một diễn tả bực bội, cảm tưởng mạnh về chuyện nào đó ("Đéo mẹ, con bé đó xinh thật.").

Tác dụng của câu chửi thề "Địt mẹ cộng sản" như thế nào?

Chửi thề hoặc dùng từ ngữ tục tĩu thường bị chê bai và ngăn cấm nhất là trong các xã hội coi trọng truyền thống như Việt Nam. Tuy nhiên, không phải lúc nào chửi thề hoặc dùng từ ngữ tục tĩu cũng là xấu. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy kết quả tốt đẹp của chửi thề hoặc dùng từ ngữ tục tĩu khi những  ngôn từ này được dùng một cách có suy nghĩ và chín chắn. Chửi thề hoặc dùng ngôn ngữ tục tĩu thường để nhấn mạnh cảm nghĩ (Scherer và Sagarin 2006, 140). Quan trọng hơn, chửi thề tục tĩu làm gia tăng mức độ thuyết phục và cảm nhận cường độ của người nói (sđd., 144). Chửi thề còn giúp chúng ta đối phó với đau đớn thể xác. Ta có thể chịu đau lâu hơn khi chửi thề (Mohr 2013, 5, 252). Người ta chửi thề về những chuyện mà họ quan tâm (Mohr 2013, 14).

Trong bối cảnh bài "ĐMCS," câu chửi thể "Địt mẹ cộng sản" có nhiều khía cạnh khác hơn những câu chửi thề thông thường. Nó không chỉ là một câu chửi thể tục tĩu biểu lộ sự hận thù căm phẫn, khinh miệt lũ cộng sản, mà còn gói ghém một cái gì đau thương, một chút gì hối hận, như thể tác giả đang tự trách mình hoặc người dân đã khờ dại để cộng sản lừa gạt bao nhiêu năm, để đất nước ra nông nỗi này. Với hình ảnh đó, các câu chửi thề trong "ĐMCS" không phải là những câu chửi thề vô giáo dục, thiếu văn hóa, mà là những lời nói thiết tha, bi đát cho số phận dân tộc và đất nước Việt Nam. Những câu chửi thề̀ đó là lời tuyên bố mạnh mẽ của tuổi trẻ với sự nhiệt thành chân thật, là "tiếng hát của loài chim tuyết" (Nguyệt Quỳnh 2015). Mức độ thuyết phục của "Đị̉t mẹ cộng sản" tăng lên thật cao vì khán giả cảm nhận được cường độ của lời nói. Ngược lại những câu chửi thể trong các bài nhạc rap Mỹ thường chỉ biểu lộ sự tức tối, căm phẫn, nhưng thiếu yếu tố bi thương và uất hận của tuổi trẻ về số phận đất nước. Do đó, "phẩm chất chửi thề" trong "ĐMCS" vượt xa "phẩm chất chửi thề" trong đa số các bài rap Mỹ.

Trở về phần điệp khúc, Nah đặt câu hỏi, đa số là câu hỏi tu từ, vì không cần câu trả lời, và nói những lời xác nhận về bản chất cộng sản, và sự xụp đổ của chế độ cộng sản nay mai. Có vài điểm ta nên chú ý trong điệp khúc. 

Trước hết, câu hỏi "Nếu tao không vào địa ngục thì ai (vào bây giờ)?" cho thấy Nah tuyên bố trách nhiệm của mình, đại diện cho giới trẻ, là vào địa ngục để vạch ra tội ác và tìm bắt lũ ma quỷ. Địa ngục đây là địa ngục trần gian, nghĩa là đất nước Việt Nam bị lũ cộng sản biến thành địa ngục đầy đọa người dân. Nếu Việt Nam là địa ngục trần gian, và Nah sinh trưởng ở Việt Nam, thì tại sao Nah hỏi "Nếu tao không vào địa ngục thì ai?" Với câu này, Nah biểu lộ khả năng diễn tả ẩn ý một cách điêu luyện. Nah đang muốn nói rằng không phải ai sống trong địa ngục cũng biết hoặc công nhận là họ sống trong địa ngục. Do đó, tuy sống trong địa ngục, Nah vẫn phải "vào địa ngục" để vạch rõ sự thối nát của nhà nước cộng sản và lôi ra những ma quỷ cộng sản để trừng trị. Ẩn ý này sau đó được lộ ra trong những câu sau ("Cả một thế hệ bị tẩy não/ mày có mắt như mù," v.v.).

Thứ nhì, Nah nói ra lời kết tội cộng sản với các tội trầm trọng nhất: tội bán nước ("Mày dám bán đất đai tổ tiên?"), tội gian ác giết người bịt miệng ("Giết người, bịt mắt, bịt miệng?"), tội thảm sát dân lành tại Huế vào Tết Mậu Thân ("Thảm sát đồng bào tại Huế?"). Quả thật vậy, tội nặng nhất của lũ lãnh đạo cộng sản là tội bán nước, cắt đất đai nhượng lại cho Tàu cộng hoặc cho Tàu cộng khai thác tài nguyên thiên nhiên đất nước, đề đổi lại tiền bạc và ủng hộ của Tàu cộng. Tội kế tiếp là tội giết người bịt miệng, che giấu các tội ác khác. Nghe tới đây, khán giả không khỏi không liên tưởng tới những vụ giết người bịt miệng trong vụ án Nông Thị Xuân, và biết bao nhiêu vụ khác. Nah lôi ra một thí dụ khác: cuộc thảm sát tại Huế vào Tết Mậu Thân 1968. Tại sao Nah chọn cuộc thảm sát Mậu Thân trong số muôn ngàn tội ác giết người tập thể và hàng loạt của cộng sản như vụ thảm sát dân lành trong Cải Cách Ruộng Đất vào năm 1953-1956? Nah (Nguyễn Vũ Sơn 2015) cho tôi biết anh dùng vụ thảm sát tại Huế là vì hai lý do. Thứ nhất, đó là một việc làm dã man, một tội ác không thể được che giấu. Thứ nhì, họ ngoại anh có quê quán ở Huế. Vụ thảm sát Mậu Thân quả thật là một tội ác không thể được che giấu, khi biết bao đồng bào Huế vẫn còn nhớ và là những nhân chứng. Vụ này tiêu biểu cho bản chất tàn bạo, dã man, hèn hạ, dối trá, lừa đảo, và ngu xuẩn của cộng sản (Trần Trung Đạo 2015; Cao-Đắc 2014b). Nah chỉ là một thanh niên hai mươi bốn tuổi, nhưng sự lựa chọn thảm sát Mậu Thân tiêu biểu cho bản chất cộng sản cho thấy anh là người có trí tuệ thông minh, biết tìm tòi nghiên cứu lịch sử, và tìm sự thật.

Thứ ba, Nah kết luận với nhận định rằng chế độ cộng sản sẽ bị lật đồ vì ai cũng sẽ biết sự thật. Một lần nữa, Nah cho thấy anh có cặp mắt quan sát và ý thức tinh vi. Cái nhận xét chỉ cần ai cũng biết sự thật là họ sẽ lật đổ chế độ cộng sản cho thấy những điểm đặc thù về tình trạng Việt Nam. Sự tàn bạo dã man của cộng sản đã có từ lâu, không phải mới đây như những kẻ coi là lão thành cách mạng thường nói "trước tốt sau xấu." Qua mọi tuyên truyền tẩy não, bưng bít và giấu giếm tội ác, nhà nước cộng sản lừa bịp dân chúng trong suốt bao thập kỷ. Khi dân biết được sự thật, một việc đang xảy ra nhờ tiến triển về các phương tiện truyền thông, họ sẽ hiểu được bản chất tàn bạo dã man, bán nước cầu vinh, bóc lột dân lành, và họ sẽ phẫn uất và nổi dậy lật đổ chế độ. Một tội ác tự nó đã xấu, nhưng khi được bao che, giấu giếm, lừa bịp, sẽ tạo ra hậu quả còn khốc liệt hơn biết bao nhiêu lần khi dân biết được sự thật. 

3. Phiên khúc 1 (verse 1) kể tội viên chức cộng sản trong việc bán nước, tham nhũng, và hà hiếp dân:

Trong phiên khúc 1 (verse 1), Nah vạch ra những sự thối nát, bẩn thỉu, và hung tàn của chế độ cộng sản. Nah mắng chửi quan chức cộng sản tham nhũng và công an cảnh sát bắt bớ dân lành và ăn tiền hối lộ.

Nah bắt đầu bằng kết tội lũ tham nhũng, điển hình là Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng và những âm mưu kế hoạch dung dưỡng tham nhũng. Những vụ tham nhũng này khiến dân đau thương, và do mưu đồ bán nước. Do đó, sau này, những tên tham nhũng sẽ bị giết mà không được chôn cất ("Nguyễn Tấn Dũng sẽ trốn đi đâu với tất cả tài sản?/ Cả đám ăn cướp chuyên nghiệp, kế hoạch quá bài bản/ Dân thì ai oán, nước này ai bán/ Mấy thằng tham nhũng rồi sẽ phải chết mà không được mai táng.") Lời kết tội của Nah khiến khán giả liên tưởng tới các vụ Vinashin, Vinalines, với thất thoát lên đến hàng tỉ đô la Mỹ. Rồi vụ án Dương Chí Dũng, cái chết bí ẩn của Phạm Quý Ngọ, và gần đây Nguyễn Bá Thanh. Tại sao Nah chọn Nguyễn Tấn Dũng tiêu biểu cho những kẻ tham nhũng tại Việt Nam? Việc dùng Nguyễn Tấn Dũng tiêu biểu cho tham nhũng cho thấy Nah, tuy còn trẻ tuổi, rất am tường tin tức, dữ kiện, và biết gạn lọc hư thực để tìm ra sự thật. 

Nah (Nguyễn Vũ Sơn 2015) cho tôi biết anh chọn Nguyễn Tấn Dũng vì đó là "tay cáo già nhất và giàu nhất" trong bộ máy cộng sản Việt Nam, và "hắn hay dùng chiêu trò mị dân, làm người ta hy vọng rằng hắn sẽ giúp thay đổi đất nước." Ngoài ra, hắn còn "chơi hai mang," vừa thân Mỹ, vừa thân Tàu cộng "để mưu lợi cho riêng bản thân, bán rẻ dân tộc." Nhận xét của Nah, một thanh niên chưa tới hai mươi lăm tuổi, nên khiến cho những người hâm mộ hoặc hy vọng ở Nguyễn Tấn Dũng xấu hổ. Sự tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng đã được biết rõ (Xem, thí dụ như, Đặng 2013). Gần đây, trang mạng Chân dung Quyền lực tung ra bản tin về cuộc sống xa hoa và khối tài sản khổng lồ của Phùng Quang Hải, con của Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc Phòng (Chân dung Quyền lực 2015). Qua sự tố cáo những kẻ dưới quyền Nguyễn Tấn Dũng, Chân dung Quyền lực gián tiếp cho thấy, một cách vô tình, Nguyễn Tấn Dũng là chủ chốt của mọi vụ tham nhũng trong chính phủ vì Dũng là Thủ tướng, có toàn quyền kiểm soát hành động của các Bộ trưởng.

Sau khi mắng chửi tham nhũng, Nah chửi đám công an cảnh sát, nhất là cảnh sát công lộ và công an bắt bớ dân. Nah có vẻ căm thù công an đứng đường, và tuyên bố là chúng sẽ bị giết trước tiên hết, và Nah sẽ đái vào xác chúng mà không tiếc rẻ nước đái ("Tụi công an đứng đường sẽ là những đứa bị giết trước/ Tao hứa sẽ đái vào xác tụi mày mà không cần tiếc nước.") Câu "mà không cần tiếc nước" cho thấy sự khinh miệt công an giao thông tột độ.

Những tội ác của công an giao thông là đánh đập vô cớ dân lành và tham nhũng, ăn chận tiền dân đóng phạt. Lũ công an ăn tiền dân quá nhiều đến độ nếu chúng phải trả lại tiền cho dân, chúng sẽ bị đổ nợ ("Cái tội tụi mày bắt bớ đánh đập người dân thật vô cớ/ Trả lại từng đồng ăn chặn tụi tao, mày đổ nợ.") Nah cam đoan là anh sẽ không hối lộ cảnh sát giao thông và thách thức đám cảnh sát tịch thu xe hoặc đánh đập tra tấn anh ("Từ ngày mai tao sẽ không đưa công lộ một cắc nào/ . . . Mày sẽ bắt tao vào trong đồn làm tình làm tội tao?"). Nah tin rằng lũ công an cảnh sát không thể nào giết hết mọi người Việt Nam ("Tra tấn tao như mày đã tra tấn bao nhiêu người khác? Mày sẽ giết hết người Việt Nam? Cho tao cười phát.") Tuy không nói ra, Nah hàm ý là nếu tất cả người dân Việt Nam đồng loạt không cho công an cảnh sát hối lộ và không sợ bị mang về đồn đánh đập hoặc tra tấn, thì lũ công an cảnh sát phải chịu thua vì chúng không thể giết hết nổi tất cả người Việt. Câu "Mày sẽ giết hết người Việt Nam? Cho tao cười phát" là một lời kêu gọi đến toàn thể dân Việt hãy chấm dứt đồng lõa với công an cảnh sát trong việc đưa tiền hối lộ.

4. Phiên khúc 2 (verse 2) mắng dân Việt gồm có những kẻ bị tẩy nảo, hèn nhát, và phục tòng chế độ:

Trong phiên khúc 2 (verse 2), Nah chuyển sang mắng chửi dân Việt, nhất là những người trẻ tuổi như anh. Anh gọi những người này là đám "cừu non" chỉ biết ngoan ngoãn nghe lời chính quyền hoặc không làm gì ích lợi cho đất nước, mà chỉ phí thì giờ trong việc tán gẫu, theo dõi tin tức những người có tiếng tăm như Kenny Sang ("Sẽ đéo có trang web Việt Nam nào dám đăng bài này/ Bọn cừu ngoan của chế độ đéo dám nghe bài này/ Tụi nó chỉ thích ngồi bàn tán về thằng Kenny Sang.") Ta nên hiểu Nah không có ý định vơ đũa cả nắm, nhưng anh chỉ nhắm vào đa số tuổi trẻ hiện nay. Thực ra, qua các cuộc phỏng vấn Nah (Xem, thí dụ như, SBTNOfficial 2015), ta cũng hiểu những lời mắng chửi dân Việt của Nah cũng là lời anh tự mắng anh, vì anh cũng đã từng bị nhồi sọ và thiếu hiểu biết như vậy.

Nah mắng chửi cả một thế hệ gồm có hai phần: một phần bị tẩy não không biết cộng sản bán đất nước tổ tiên, và họ như những con zombie có giết cũng bằng thừa, vì họ bị tẩy não đến độ không còn trí tuệ để lý luận và hiểu được trái phải; và một phần là những kẻ hèn nhát và sợ sệt, ghét cộng sản nhưng không dám công khai phát biểu ý kiến, hoặc ghét cảnh sát công lộ nhưng vẫn đồng lõa đút lót chúng. Nah tự nhận anh ăn nói cấc lấc nhưng anh có can đảm nói ra sự thật ("Trong khi Cộng Sản lấy đất của tổ tiên để đem đi bán/ Cả một thế hệ bị tẩy não thật khốn nạn/ Như những con zombie có bắn vào cũng tốn đạn/ Ghét cộng sản nhưng đéo dám nói, mày có miệng như câm/ Ghét công lộ nhưng vẫn xì tiền, mày bị điên hay hâm?/ Cách ăn nói của tao lấc cấc, nhưng mà tao dám nói/ "). Sự ví von những kẻ bị tẩy não như những con zombie thật chính xác. Những kẻ bị tuyên truyền, tẩy não nặng nề, nên trở thành nô lệ cho nhà nước, như những con zombie không còn trí tuệ chỉ biết làm nô lệ cho những phù thủy hiểm ác ("boko" trong chuyện dân gian ở Haiti, xem, thí dụ như, University of Michigan). Amy Wilentz, giáo sư Anh văn tại trường đại học University of California, Irvine, viết, "Con zombie không có ý thức và do đó không thể phê bình cái hệ thống đã bẫy nó... Nó là một công nhân của hãng Foxonn ở Tàu; một cô thợ may trong vùng phi thương mại tại Guatemala; một công dân Bắc Hàn" (Wilentz 2012). Wilentz chưa biết đến những con zombie ở Việt Nam, nhưng Nah đã thấy được và anh đã vạch ra.

Nah biết rõ muốn đuổi Tàu cộng ra khỏi Việt Nam thì phải lật đổ chế độ cộng sản trong nước trước tiên ("Thù trong giặc ngoài bọn Trung Cộng nó vẫn đang đói/ Muốn đuổi được tụi nó thì phải thay đổi trong nhà nước/ Xử bọn tham nhũng và bán nước ở trong nhà trước.") Nhận xét chính xác của Nah phải khiến những học giả xưng là trí thức tại Việt Nam thấy nhục nhã cho chính mình. Trong khi các vị học giả này thảo luận bàn tán cách "thoát Trung" nào hay nhất (Bà Đầm Xòe 2014) thì Nah, một người trẻ hai mươi bốn tuổi, thấy rất rõ cách hay nhất là thay đổi chế độ trong nước trước hết. Chỉ cần xử bọn tham nhũng và bán nước trước tiên (Xem, thí dụ như, Lê Dủ Chân 2014).

Nah chế nhạo sách lịch sử dạy trong trường học như là những chuyện cổ tích. Học trò học như vẹt mà chẳng có ích lợi gì. Nah coi những người trẻ sống trong cuộc sống kiềm hãm đó như kẻ mù và chẳng khác gì sống trong tù ("Sách lịch sử con nít đang học, nhiều câu chuyện cổ tích/ Bắt học thuộc như những con vẹt, đéo có gì bổ ích/ Thật buồn cười khi suốt cuộc đời, mày có mắt như mù/ Sống mà luôn bị kiềm hãm, khác gì sống trong tù.") Thực ra, Nah rất nhẹ tay khi chỉ mắng chửi sách lịch sử như chuyện cổ tích và học như vẹt không có ích lợi gì. Ta biết trên thực tế, lịch sử do cộng sản viết là môn mà bịa đặt, xuyên tạc, giấu giếm xảy ra nhiều nhất. Biết bao nhiêu lừa đảo lịch sử đã xảy ra trong suốt nhiều thập kỷ (Xem, thí dụ như, Cao-Đắc 2014b).

5. Phiên khúc 3 (verse 3) thách thức công an cảnh sát và răn dậy dân Việt phải biết biết hy sinh cho lý tưởng:

Trong phiên khúc 3 (verse 3), Nah tiếp tục mắng đám dân Việt ngu muội và thách thức công an cảnh sát. Anh xác nhận trở thành huyền thoại không dễ, và sống thế nào để bia miệng truyển lại. Anh trách những kẻ sống không có mục đích, chỉ biết ích kỷ lo lấy thân, hoặc đam mê cờ bạc, rượu chè nhậu nhẹt, hoặc bán thân để nuôi miệng hoặc kiếm tiền tiêu xài ("Đâu có dễ, để có thể trở thành một huyền thoại/ Sống làm sao, chết thế nào, người đời truyền lại/ Sống buồn chán, không mục đích, thì mày sống làm gì?/ Rượu chè hay cờ bạc, hay chổng mông làm đĩ?") 

Nah hỏi mọi người có dám hy sinh tất cả, kể cả sinh mạng, cho lý tưởng tranh đấu cho tự do. Nah cho biết ngày nào ở Việt Nam cũng có người chết, và biết bao nhiêu người đau thương về những cái chết đó. ("Nếu mày có một lý tưởng, có dám chết vì nó?/ Dám sẵn sàng hi sinh hết, để đi tìm tự do?/ Ở Việt Nam, ngày nào mà chẳng có kẻ chết/ Nỗi đau của những người đó, không ai kể hết.") Nah xác nhận lại ý nghĩa sống cho có huyền thoại không phải là vì hám danh mà vì sống có lý tưởng, và biết hy sinh cho lý tưởng đó. Cách nói của Nah như là lời răn dậy hơn là nhắc nhở. Nah ngụ ý cái chết, tuy bi thảm, nhưng rất thông thường ở Việt Nam, và những cái chết này không đi đến đâu vì không có những cuộc hy sinh cho tự do, mà có thể chỉ là những cái chết lãng nhách như tai nạn xe cộ, bị tra tấn bởi công an cảnh sát, bị ám hại bởi kẻ gian ác trong xã hội đồi trụy.

Đã sống trong chế độ cộng sản, Nah thừa biết phản ứng nhà nước cộng sản thế nào vể bài hát và lời chửi "Địt mẹ cộng sản" của anh. Anh biết công an cảnh sát sẽ cố tìm cách hãm hại anh, dùng những trò đê tiện như thuê mướn côn đồ, hoặc giả trang làm côn đổ, để đánh đập anh hoặc gây tai nạn, như chúng đã từng làm với những người không làm gì sai quấy. Những thủ đoạn đê tiện này chỉ nhắm mục đích tạo sơ hãi và thảm thương cho những người tranh đấu như anh và nhiều người đang đấu tranh cho tự do dân chủ khác ("Sau bài này, sẽ có kẻ tìm cách để hại tao/ Thuê côn đồ, gây tai nạn, để đánh bại tao/ Để đánh bại những con người đéo làm gì sai/ Để gieo rắc những nỗi sợ hãi và những điều bi ai.")

Nah thách thức lũ cộng sản, và cho biết anh không ngán chúng, vì sự thật muôn đời là sự thật. Anh cho biết là lũ cộng sản không thể hãm hại anh được, vì ngay cả ông Trời cũng không đánh được anh ("Nhưng tụi nó quên đo độ cứng của hòn bi tao/ Tụi nó quên mặt trời vẫn mọc ở ngoài kia sao?/ Muốn làm hại tao nhưng mà đéo được/ Mày không biết ông trời đánh tao còn khéo trượt.") Ta biết "độ cứng của hòn bi" là tiếng lóng nói vể mức độ gan dạ của thanh niên; "mặt trời vẫn mọc" hàm ý sự thật luôn luôn là sự thật và cộng sản không thể nào giấu giếm chuyện hãm hại anh. Với "ông Trời đánh tao còn khéo trượt," Nah cho thấy anh đã từng thoát nhiều nguy hiểm mà không hề hấn gì. "ĐMCS" là một bài rap bất hủ. Với lời chửi "địt mẹ cộng sản" một cách nặng nề và thẳng thắn, "ĐMCS" không chỉ là một bài rap chính trị chống đối chính quyền trực tiếp và mạnh mẽ, mà còn là một tiếng chuông thức tỉnh giới trẻ trong nước về chế độ cộng sản tàn bạo, thối nát, lừa bịp, và ngu xuẩn tại Việt Nam.

C. Nah diễn tả "ĐMCS" hữu hiệu qua nhịp và vần điệu thích ứng, giọng miền Nam rõ rệt, giai điệu đúng lúc, và nhạc nền độc đáo:

Nhạc rap gồm có ba thành phần: nội dung (content), lưu chuyển (flow), và trình diễn (delivery) (Edwards 2009, 3-21). Như đã trình bày ở trên, "ĐMCS" có nội dung chống đối chính quyền và thuộc  vào thể loại ý thức. Lưu chuyển là nhịp điệu (rhythm) và vần điệu (rhyme) trong bài rap. Đây là hai khía cạnh quan trọng trong nhạc rap. Nhạc rap không có giai điệu (melody) và không có những ghi chú nốt nhạc như nhạc thường. Thay vì đó, một bài rap thường có biểu đồ lưu chuyển (flow diagram). Biểu đồ lưu chuyển là bản ghi lời nhạc dưới mỗi nhịp và cho thấy các âm nhấn mạnh trong mỗi nhịp trong một quãng (Edwards 2009, 63-79; Edwards 2013, xiii-xiv). Trình diễn là cách thức nghệ sĩ rap trình diễn bài rap như ca sĩ nhạc thông thường. Khác với nhạc thường, nghệ sĩ rap hầu như luôn luôn vửa là người viết nhạc vửa là người trình diễn. Do đó, sắc thái đặc thù của một bài nhạc rap gồm cả cách trình diễn của nghệ sĩ. Trình diễn gồm có nhiều khía cạnh: điều khiển hơi (breath control), phát âm (enunciation), cách dùng giai điệu (melody), cách đổi/ biến nhịp (syncopation) (Edwards 2009, 239-257).

1. "ĐMCS" có nhịp điệu vừa phải và vần điệu cuối câu rất chuẩn:

Nhịp điệu (rhythm) rất quan trọng trong nhạc rap, vì nó tạo nên sắc thái sống động và lôi cuốn khán giả. Vì giai điệu (melody) không được chú trọng (nhưng thỉnh thoảng được dùng để làm tăng thêm nét nghệ thuật hoặc khôi hài của câu ca), nhịp điệu là yếu tố quan trọng trong việc trình bày một bài rap. Nah trình bày "ĐMCS" với nhịp điệu trung bình, không nhanh và không chậm, rất thích hợp với nội dung bài hát. Bài hát là những lời kết tội cộng sản và vạch ra những xấu xa của chính quyền và những người dân ngu muội hoặc hèn nhát. Do đó, nhịp điệu cần phải trung bình, như lúc nói chuyện bình thường để khán giả nghe được rõ ràng và không có cảm tưởng người kết tội đang bị kích động tâm hồn (nếu nói nhanh quá) hoặc thiếu tự tin (nếu nói chậm quá). Để tạo thay đổi, anh nhấn mạnh từng chữ trong câu (thí dụ, "Địt mẹ cộng sản.") Anh dùng quãng nghỉ đúng lúc (thí dụ, "...tụi tao, mày đổ nợ.") Anh kéo dài giọng khi muốn chế nhạo hoặc kể lể. Tất cả nhửng kỹ thuật này giúp cho bài hát đỡ nhàm chán và tạo chú ý cho khán giả.

Một trong những điểm quan trọng trong nhạc rap là vần điệu. "Vần điệu thường được coi là yếu tố quan trọng nhất trong việc viết nhạc rap... vần điệu là cái cho lời rap tính chất âm nhạc." (Edwards 2009, 340; Wikipedia 2015a).

Vần trong nhạc rap thường là vần ở cuối câu (end rhyme). Thí dụ: "Lũ khỉ Ba Đình thường tuyên bố những lời nhảm nhí/ Dốt hay nói chữ, chúng tưởng hay, đu dây đắc chí." ("nhảm nhí" vần với "đắc chí.") Vần cũng có thể được gieo ở giữa câu (internal rhyme). Thí dụ: "Hồ là kẻ gian ác, còn giở giọng đạo đức giả/ Giáp trốn sau trận mạc, lại được coi là anh hùng." ("gian ác" vần với "trận mạc.") Vầ̀n đa âm (multisyllabic rhyme) cũng thịnh hành với các nghệ sĩ Kool G Rap, Big Daddy Kane, Rakim, Big L, Nas và Eminem (Wikipedia 2015a). Thí dụ: "Nó ngửi hơi đô la, lao vào giở trò múa may chó cái/ Thấy đại gia giàu xụ, nó chạy theo muốn vươn tay mó dái." ("may chó cái" vần với "tay mó dái.") Sự phân loại cuối câu hoặc giữa câu thực ra có phần vô nghĩa vì đa số bài rap không có  xác định "câu" rõ rệt mà lời được giới hạn trong mỗi quãng nhạc (bar) (Edwards 2013, 191-194). Tuy nhiên, trong những bài rap có xác định "câu" rõ rệt, như "ĐMCS," qua nội dung hoặc quãng nghỉ, ta có thể xác định vị trí của vần cuối câu hay giữa câu. 

Trong "ĐMCS," Nah gieo vần rất điêu luyện. Anh thường dùng vần cuối câu và dùng rất chuẩn và tự nhiên, nhiều khi linh động. Thí dụ: "sớm bị lật/ biết sự thật; tài sản/ bài bản, giết trước/ tiếc nước, vô cớ/ đổ nợ; thật khốn nạn/ cũng tốn đạn, tao dám nói/ vẫn đang đói; đéo làm gì sai/ những điều bi ai, mà đéo được/ còn khéo trượt." Ta cũng nên để ý là khác với thơ, nhạc rap tiếng Việt thường dùng vần trắc vì vần trắc nghe mạnh bạo, thích hợp với độ nhanh và khí thế của nhạc rap. "ĐMCS" dùng hầu hết là vần trắc, làm gia tăng sức mạnh cho các câu chửi.

2. Nah trình diễn "ĐMCS" hữu hiệu, phát âm giọng miền Nam rõ rệt, và có giai điệu thích ứng nội dung, nhưng thiếu đồng đều trong điều khiển hơi thở:

Với nhạc thường, đa số ca sĩ dùng giọng Bắc để hát. Với nhạc rap, giọng Nam, Trung, hay Bắc đều thích hợp. Lý do chính là nhạc rap thường nói về thực trạng xã hội và do đó giọng người trình bày nên phản ảnh cái thực trạng đó, gồm cả giọng người dân mọi vùng. Tuy nhiên, "ĐMCS" nghe hay hơn với giọng miền Nam, nhất là kiểu phát âm của Nah. Trước hết, bài hát có lời lẽ cho thấy tác giả sinh trưởng ở miề̉n Nam (quê hương Sài Gòn). Sinh trưởng trong Nam không có nghĩa là sẽ nói giọng miền Nam, nhưng trình bày giọng miền Nam sẽ phù hợp hơn. Thứ nhì, câu chửi "Địt mẹ cộng sản" là câu chửi miền Bắc (ít nhất đối với những ngưởi còn chịu ảnh hưởng xã hội miền Nam trước 1975). Phát âm giọng Nam nhưng dùng ngôn từ miền Bắc để chửi tạo tác dụng mạnh hơn trên một số khán giả.

Trong suốt bài hát, Nah phát âm rõ và không phạm lỗi phát âm sai của đa số người miền Nam (thí dụ hỏi ngã, "v" và "d"). Thực ra, cho dù có phát âm sai cũng không sao, nếu không muốn nói là còn làm tăng giá trị bài hát thêm vì nó phản ảnh tính chất bình dân của người dân. Nah có lối phát âm rõ rệt, lưu loát nhưng dằn từng chữ, rất thích hợp cho nội dung kể tội cộng sản.

Nah dùng giai điệu đúng lúc làm sống động lời. Anh lên cao giọng khi nói "Tao đéo đưa rồi sao?" Anh cười nhạt với câu "Cho tao cười phát." Anh nhấn mạnh chữ một cách điêu luyện để làm tăng ý nghĩa của câu và lôi cuốn khán giả (thí dụ chữ "mắt" trong "mày có mắt như mù"). 

Tuy nhiên, phần thâu âm của bài "ĐMCS" không được đều về điều khiển hơi thở. Nah cho tôi biết anh không có dụng cụ thâu âm đắt tiền. Có thể vì vậy mà anh không điều chỉnh âm thanh một cách nhất quán. Phần điệp khúc gần như hoàn hảo và không có một dấu vết mất hơi hoặc lấy hơi. Nhưng trong phiên khúc 2-3, ta có thể nhận ra chút âm lấy hơi ở cuối mỗi câu ("đăng bài này," "nghe bài này," "thằng Kenny Sang").

3. Nhạc nền và lời hát phụ họa gia tăng nét sống động:

Một điểm đặc biệt của nhạc rap là nhạc hậu cảnh hoặc nhạc nền (background music). Thông thường, nhạc nền được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều đoạn nhạc trong các bài hát khác, gọi là lấy mẫu (sampling) (George 1998, 93; Watkins 2005, 231; Wikipedia 2015b). 

Nah cho tôi biết anh thuê mướn nhạc nền cho "ĐMCS" từ một trang mạng chuyên về nhạc nền cho rap. Nhạc nền của "ĐMCS" là âm thanh nhạc khí (instrumental) gần như hoàn hảo. Khúc dạo dẫn nhập qua các nốt nhạc chậm và nhẹ nhàng. Sau đó là loạt nhạc với giai điệu dồn dập như thúc giục, kêu gọi mọi ngưởi. Giai điệu này rất thích hợp với lời kể tội cộng sản và lời chửi thề. Ngoài nhạc nền xuất sắc, "ĐMCS" có những lời hát, nói phụ họa (ad-libs) đúng lúc để làm nhấn mạnh thêm ý nghĩa lời. Nhạc nền và các lời nói phụ họa làm sống động bài rap "ĐMCS" và lôi cuốn khán giả.

D. Kết Luận:

"ĐMCS" là một bài hát bất hủ trong nền âm nhạc Việt Nam. Nah Nguyễn Vũ Sơn biểu lộ một khả năng khác thường trong bài "ĐMCS" qua sự hiểu biết lịch sử, chính trị và nhận xét tinh tế về thời cuộc. Với những lời kể tội chính xác, mắng chửi, và thách thức cộng sản, Nah Sơn cho thấy lòng thiết tha cho dân tộc tổ quốc và tinh thần bất khuất của người Việt. Anh còn chứng tỏ anh là một nghệ sĩ rap đa tài, với tài năng sáng tạo tuyệt vời qua cách dùng nhịp điệu và vần điệu điêu luyện, và lối trình diễn độc đáo. 

Tuy nhiều người không coi nhạc rap là nhạc "chính thống," ảnh hưởng của nhạc rap trên xã hội, nhất là giới trẻ, rất hiển nhiên. Nhạc rap thực ra đang được coi như lả thể loại âm nhạc có tầm quan trọng trong xã hội. Berklee, trường âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới tại Boston, Hoa Kỳ và Harvard đem hip hop vào chương trình học có uy tín (Watkins 2005, 244). "ĐMCS" sẽ không còn thuộc thể loại nhạc đường phố, mà nên được thưởng thức bởi mọi người trong xã hội Việt Nam. Những từ ngữ chửi thề tục tĩu trong "ĐMCS" thực ra không có chút gì là vô giáo dục hoặc thiếu văn hóa vì chúng được thốt ra với lòng thiết tha cho dân tộc và tổ quốc. So với những hành vi tàn bạo, giết người, cướp bóc, tra tấn người dân của cộng sản trong suốt 85 năm, những từ ngữ chửi thề này vẫn còn rất là nhẹ nhàng và  lịch sự. Thực vậy, "mấy tiếng 'chửi tục' ĐMCS chỉ là tiếng thở dài thiếu hơi trước cảnh quê hương dân tộc VN đang phải đứng giữa, đối diện với nghìn trùng ngao ngán do 'Bác và Đảng' CS dựng nên" (Nguyễn Bá Chổi 2015). 

Ngoài mặt, "ĐMCS" là lời chửi rủa cộng sản với tội ác bán nước, tham nhũng, tàn ác, lừa đảo. Sâu đậm hơn, khi nghe "ĐMCS," ta thấy phảng phất tiếng khóc bi thương của tuổi trẻ trước sự suy tàn của đất nước dưới chế độ tàn bạo cộng sản. Tiếng khóc bi thương của uất ức, chịu đựng. "ĐMCS là tiếng nói của sự căm phẫn, là lời tố cáo thật nhất của những con người bị dồn đến chân tường" (Nguyệt Quỳnh 2015). Nhưng tiếng khóc đó không phải là phản ứng yếm thế, mà biểu lộ một nỗi niềm tiếc nuối, có chút gì hối hận, cho nhận thức muộn màng về thảm họa diệt vong của đất nước. Cái nhận thức muộn màng đó loé lên tia hy vọng cho một cuộc nổi dậy do tuổi trẻ khởi động. Với niềm hy vọng đó, "ĐMCS" là lời nói huy hoàng của tuổi trẻ Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn mới cho tuổi trẻ thức tỉnh và vùng lên để lấy lại chính nghĩa cho tổ quốc. Nah, với "ĐMCS," tạo nên niềm tin vào tuổi trẻ và khiến mọi người hân hoan "tin các em đủ bản lĩnh và trí khôn để biết phải làm gì đối với vấn nạn Việt Nam hôm nay" (Hạt Sương Khuya 2015).

CẢM TẠ

Tôi chân thành cảm tạ anh Nguyễn Vũ Sơn, tức Nah, đã bỏ thì giờ trả lời những câu hỏi của tôi.



__________________________________________

Tài Liệu Tham Khảo:

1. Bà Đầm Xòe. 2014. Về hội thảo làm gì để thoát Trung đang diễn ra tại 53 Nguyễn Du, Hà Nội. 6-6-2014.

2. Brown, Courtney. 2008. Politics in Music – Music and Political Transformation From Beethoven to Hip-Hop. Farsight Press. Atlanta, Georgia, U.S.A.

3. Cao-Đắc, Tuấn. 2014a. Biết người biết ta (Phần 1): Tính chất và một mô hình cuộc đấu tranh. 17-7-2014. 

4. _______. 2014b. Những lừa đảo lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam. 2-10-2014. 

5, Chân dung Quyền lực. 2015. Ông Phùng Quang Thanh: ông có thể cho biết những điểm nào trong khối tài sản khổng lồ sau đây là xuyên tạc, bịa đặt? 9-1-2015. 

6. Coplan, Chris. 2014. Well, hot damn: here’s a breakdown of rap’s most profane artists. 1-4-2014. 

7. Đặng Chí Hùng. 2013. Những sự thật cần phải biết (Phần 36) - “ X, Hai Bao, Mr.Bean” : Tất cả chỉ là một tên tội đồ. 20-11-2013.

8. Edwards, Paul. 2009. How to Rap: The Art & Science of the Hip-Hop MC. Chicago Review Press, Chicago, Illinois, U.S.A.

9. _______. 2013. How to Rap 2: Advanced Flow & Delivery Techniques. Chicago Review Press, Chicago, Illinois, U.S.A.

10. George, Nelson. 1998. Hip Hop America. Penguin Group. New York, New York, U.S.A.

11. Hạt Sương Khuya. 2015. Nah... người nghệ sĩ đường phố. 2-2-2015. 

12. Index on Censorship. 1998. Smashed Hits. The Book of Banned Music. Vol. 27, No. 6, November/ December 1998, Issue 185. Writers & Scholars International Ltd., London, U.K.

13. Index on Censorship. 2010. Smashed Hits 2.0. Vol. 39, No. 3, 2010. Writers & Scholars International Ltd, London, U.K.

14. Lê Dủ Chân. 2014. Thoát Trung, thoát cộng, thoát gì trước? 4-6-2014. 

15. Lidman, Melanie. Không rõ ngày. Hip-Hop Hanoi-style: Dancing in the shadow of Lenin and Uncle Ho. Không rõ ngày. 

16. Lynskey, Dorian. 2011. 33 Revolutions per minute. A history of protest songs, from Billie Holiday to Green Day. HarperCollins Publishers, New York, New York, U.S.A.

17. Malone, Christopher và Martinez, George (Eds.). 2015. The Organic Globalizer. Hip hop, Political Development, and Movement Culture. Bloomsbury Academic. New York, New York, U.S.A.

18. Mohr, Melissa. 2013. Holy Shit. A Brief History of Swearing. Oxford University Press. Oxford, U.K.

19. Nguyen, Son. 2015. DMCS (Địt Mẹ Cộng Sản / Fuck Communism) - Nah. 13-1-2015. 

20. Nguyễn Bá Chổi. 2015. Đêm nghe tiếng Ráp Nah Sơn. 4-2-2015. 

21. Nguyễn Dư. 2014. Chửi thề, văng tục! 11-2014. 

22. Nguyễn Vũ Sơn. 2015. Thư riêng gửi cho Cao-Đắc Tuấn. 25-2-2015.

23. Nguyệt Quỳnh. 2015. Nah: Tiếng hát của một loài chim tuyết. 26-2-2015. 

24. Pecore, Joanna T., Schweitzer, Ken, and Fan, Yang. 1999. Telling the story with music. The Internationale at Tiannanmen Square. Education about ASIA, Vol. 4, No. 1, Spring 1999, pp. 30-36. 

25. Powell-Morse, Andrew. 2014. The Best F*cking Article You’ll Read Today: Prof anity in Rap Lyrics Since 1985. 1-4-2014.

26. SBTNOfficial. 2015. THE KIM NHUNG SHOW: Phỏng vấn rapper Nah - Nguyễn Vũ Sơn. 31-3-2015.

27. Scherer, Cory R. và Sagarin, Brad J. 2006. Indecent influence: The positive effects of obscenity on persuasion. Social Influence, 1 (2), pp. 138-146.

28. Smidchens, Guntis. 2014. The Power of Song: Nonviolent national culture in the Baltic Singing Revolution. University of Washington Press, Seattle, Washington, U.S.A.

29. Street, John. 2012. Music & Politics. Polity Press. Cambridge, U.K.

30. Tame, David. 1984. The secret power of music. Destiny Books. Rochester, Vermont, U.S.A.

31. Trần Trung Đạo. 2015. Hãy nói trước ngày chết. Đăng lại: 25-2-2015. 

32. University of Michigan. Không rõ ngày. Haiti & the Truth About Zombies. Không rõ ngày. http://www.umich.edu/~uncanny/zombies.html (truy cập 21-2-2015).

33. Watkins, S. Craig. 2005. Hip Hop Matters. Politics, Pop Culture, and the Struggle for the Soul of a Movement. Beacon Press, Boston, Massachusetts, U.S.A.

34. Wikipedia. 2015a. Rapping. Thay đổi chót: 9-2-2015. 

35. Wikipedia. 2015b. Hip hop production. Thay đổi chót: 6-2-2015. 

36. Wikipedia. 2015c. Hip hop music. Thay đổi chót: 21-2-2015. 

37. Wikipedia. 2015d. Ngawang Sangdrol. Thay đổi chót: 11-2-2015. 

38. Wilentz, Amy. 2012. A Zombie Is a Slave Forever. 30-10-2012. 

© 2015 Cao-Đắc Tuấn

nguồn: Dân làm báo http://danlambaovn.blogspot.de/2015/03/mcs.html#more


Nguyễn Vũ Sơn: Chiến lược đi tìm tự do - Phần 1

Lê Văn (Danlambao) - Quí bạn thân mến,

Nah – NGUYỄN VŨ SƠN – đang nổi như cồn từ trong cho đến ngoài nước, từ blog cá nhân đến các mạng đài quốc tế, Cách Rap của Nah đang bật dậy như biểu tượng mới của cách tranh đấu mới từ các đường phố tại Việt Nam. Nó tựa như cách Rap vỉa hè… vừa uốn éo vừa trẹo ngang hay chổng ngược, Nó dùng đến các ngôn ngữ đường phố như Fuck hay… ĐMCS đến địt mẹ CS mở màn cho bài Rap, đến cách hát giựt khựng vừa ngưng giọng để vừa nối khúc kể lễ các tội ác CS,

Nah… đang nổi lên như cái cách tranh đấu mới mang hơi hám giang hồ vừa thô tục lộ liễu nhưng rất hồn nhiên như cách Rap của các thanh niên da đen Chicago, Phila hay New York nhưng nội dung lời hát lại vừa mang tính thời thượng, hiển hiện, thể hiện cho làn sóng tranh đấu mới tại xứ VN cộng sản.

Tại sao cách tranh đấu mới nầy lại tệ hại đến mức như vậy, đảng csvn chắc phải “xứng đáng” được giới thanh niên đánh trả theo kiểu giang hồ đường phố nầy chăng?

Dân gian Việt Nam ta có câu “bánh ích đi – bánh qui lại” hay “nhân nào thì quả nấy”!!! phải vậy không?

Có phải các cách tranh đấu bình thường đã không mang lại kết quả… từ các phản ứng đàng hoàng của trí thức đến tiếng la thét ngoài đường hay nằm vạ trước cổng hoặc thậm chí rất đau lòng như phải “tụt quần phản kháng!!!

Nhưng tất cả hầu như vô hiệu, mọi cách phản đối chống bất công bạo ngược từ người dân đều vô nghĩa, đáp lại bạo quyền trả đũa ngày càng mạnh hơn, dứt khoát hơn quỉ quyệt hơn, bên công an tám cân người dân cũng nửa lạng, không ai nhường ai, cứ mỗi cuộc phản đối là cường độ mạnh hơn, cách đánh trả độc ác hơn, dữ tợn ơn và tàn mạt hơn làm cho cuộc đối đầu giữa Dân và CS nay đang đi vào thế một mất một còn.

Chế độ CS này phải chăng đã hết thuốc chữa và nó xứng đáng được gán cho cái danh từ ĐM mà không có danh từ khác có đủ ý nghĩa hơn giành cho cái ĐCS nầy, cái chế độ tận cùng bằng số này

Xin mời quí độc giả đi vào Phần 1 của cách “đấu khác từ đường phố” của tác giả.



*

Nguyễn Vũ Sơn: Chiến lược đi tìm tự do - Phần 1

FB Nah- Nguyễn Vũ Sơn - Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ cho các bạn cách để bắt đầu con đường tìm tự do cho chính mình và cho con em mình ngay từ hôm nay. Ko cần comment vào bài viết của tôi, khi đã hiểu nhau thì không cần nói. Tập im lặng cũng có nghĩa là đang tập thiền. Im lặng đọc, im lặng like, im lặng chia sẻ cho bạn bè, rồi im lặng làm.

BƯỚC 1: HỌC SINH ĐÌNH CÔNG

Các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo có tư tưởng tiến bộ nên khuyến khích con em mình nghỉ học những môn không cần thiết. Đó là cách chúng ta lên tiếng để yêu cầu nhà trường và bộ giáo dục phải sửa đổi. Tiếp tục nhồi nhét con em chúng ta nghĩa là tước đoạt sự tự do của chúng.

Các bạn trẻ, khi đi học, hãy tự hỏi bản thân, mình có thích học môn này hay ko? Học để làm gì? Nếu thích, thấy hữu ích, hãy học thật hăng say. Nếu ko thích, nghỉ học môn đó liền ngay lập tức. Rủ bạn bè nào suy nghĩ giống mình nghỉ theo. Các bạn nên nghỉ môn gì đó dạy về lý thuyết Mác Lênin là vừa. Phụ huynh hỏi tại sao con nghỉ thì kiên quyết trả lời là: “Con ko thích bị nhồi sọ”. Chấp nhận bị chửi mắng 1 tí cũng được, đó là cái giá rất nhẹ phải trả cho tự do. Tôi cũng ko nói các bạn phải nghỉ học luôn, chỉ cần nghỉ những môn các bạn không thích là được.

Có 1 sự thật. Phần lớn học sinh sinh viên tốt nghiệp xong đều thất nghiệp, hoặc phải làm những công việc chẳng liên quan gì đến kiến thức mình học. Suy ra, việc chay theo điểm số rồi nhận tấm bằng là phí thời gian và tiền bạc, cứ như những con rô bốt, người ta bảo gì làm nấy. Có những người còn dùng tiền hoặc dùng thân xác để mua điểm, vậy thì điểm số đó có ý nghĩa gì? Có 1 sự thật nữa, đó là 90% những người thành công và giàu có mà tôi biết đều là những kẻ bỏ học từ rất sớm để đi làm chuyện mà họ thích. Hãy làm người biết nhìn xa: bạn không cần điểm số, bạn cần thành công ngoài đời thực.

Nghỉ học những thứ bạn ko thích rồi bạn sẽ hoàn toàn tự do về thời gian để tập trung làm thứ bạn thích. Đó là bí quyết để thành công. Không ai có quyền ràng buộc các bạn và ép các bạn học. Học là cho các bạn, ko phải cho thầy cô hay cho cha mẹ. Tiền mất rồi thì có thể kiếm lại được, chứ thời gian mất rồi thì ko kiếm lại được đâu. Đừng lãng phí thời gian làm thứ mình không thích. Quyền quyết định thuộc về các bạn.

BƯỚC 2: TÌM ĐỒNG MINH – LOGO ZOMBIE

Có nhiều bạn trẻ cảm thấy mình cô đơn khi dám lên tiếng phê phán cái sai. Cảm thấy ko ai nghĩ giống mình. Sai rồi. Dạo một vòng facebook, các bạn sẽ thấy có rất nhiều người treo hình Zombie làm ảnh đại diện.

Zombie Nguyễn là một nhân vật trong bộ truyện tranh chúng tôi đang vẽ, phê phán những cái xấu trong xã hội, và truyện sẽ được up free cho mọi người đọc. Treo ảnh đại diện Zombie, nghĩa là nói cho tất cả biết: “ĐCS tìm cách tẩy não tôi, nhưng ko được. Tôi đang trên đường đi tìm sự thật. Tôi đang trên đường đi tìm tự do.”

Những ai có máu kinh doanh, đây là cơ hội. Hãy in áo/nón/phụ kiện có logo #ZombieNguyen#DMCS. Những người ko hiểu Zombie Nguyễn ý nghĩa là gì, họ vẫn sẽ mua về mặc, vì lý do là nó cool và nhiều người thích nó. DMCS thì ai hỏi, ta có thể trả lời là “Đam Mê Cuộc Sống” =]]

File xịn để in áo, hãy liên hệ facebook Khang Nguyen.

Anh em cũng có thể vẽ graffiti, in sticker dán khắp nơi, vv. Đây là cách để chúng ta đánh dấu, nhận ra nhau, nhận ra rằng, có một người giống mình đã từng đi ngang qua đây.

Logo này hoàn toàn an toàn, vì sau cùng, nó chỉ là 1 bức ảnh. Không ai có thể bắt bớ bạn vì bạn mặc một cái áo có hình cái đầu Zombie. Hồng Kông có biểu tượng cây dù, chúng ta có biểu tượng Zombie.

BƯỚC 3: TÌM NIỀM VUI VÀ MỞ RỘNG THẾ GIỚI QUAN

Hầu hết những cuộc đấu tranh tìm tự do, muốn thành công lâu dài thì phải có niềm vui và sự an lạc trong khi đấu tranh. Như vậy thì mới giữ đầu óc tỉnh táo và minh mẫn được. Có nhiều cách để làm chuyện này, có cách khó, có cách dễ. Tuy nhiên, tất cả các cách có một điểm chung: làm những thứ mình chưa từng làm bao giờ. Niềm vui luôn đến từ những điều mới lạ.

Với các anh chị, cô chú, hãy tập ăn chay và tập thiền. Ăn chay ko khó, nếu ko muốn nói là có thể còn đa dạng và ngon hơn ăn mặn. Thiền cũng dễ. Tôi có cách thiền này khá đơn giản và dễ làm, xin chia sẻ với mọi người. Lên giường nằm ngửa, nhắm mắt, hai tay hai chân thả lỏng. Sau đó, cố gắng nhất quyết ko cử động, dù có ngứa muốn gãi. Cứ nằm im, chú ý vào từng hơi thở, cơn ngứa sau vài phút sẽ qua đi. Cứ để suy nghĩ và tiếng độc thoại trong đầu trôi qua tự nhiên, đừng cố gắng cản nó. Nhưng cũng đừng đuổi theo tiếng độc thoại. Tới 1 điểm nào đó, khi suy nghĩ trôi qua hết, mình sẽ phát hiện ra một khoảng lặng. Có một cái gì đó trong đầu mình đang im lặng quan sát khoảng lặng trống rỗng đó, im lặng lắng nghe từng hơi thở. Cố gắng giữ khoảng lặng đó càng lâu càng tốt, nếu buồn ngủ thì cứ chìm vào giấc ngủ.

Với các bạn trẻ còn sung sức, hãy dành nhiều thời gian đi chu du và gần gũi với thiên nhiên. Để cho chân trần được đi trên nền cỏ. Đi tắm biển leo núi gì cũng được.

Thích đọc những thứ về xã hội, triết học, tâm linh, thì tìm đọc ở facebook: Triết học Đường phố.

Thích chất thức thần (cỏ, nấm, LSD, ayahuasca, DMT…) thì nên nghiên cứu và sử dụng. Không nên nhầm lẫn chất thức thần với ma túy, vì chất thức thần hoàn toàn không gây nghiện. Nó cũng ko phải là thứ để các bạn xài chơi cho vui, mà phải thật sự nghiêm túc khi sử dụng nó. Nó sẽ chỉ cho các bạn những tiềm năng lớn lao trong bản thân các bạn. Chỉ cho các bạn biết tự do là gì, ý nghĩa của cuộc sống này là gì. Nên nhớ rằng, người tạo ra LSD là một trong những người thông minh nhất thế giới hiện nay. Steve Jobs cũng từng nói việc dùng LSD là một trải nghiệm quan trọng của ông ta, giúp ông có ý tưởng phát minh những thứ kì diệu cho nhân loại.


Tóm lại, những bước đầu tiên trên hành trình đi tìm tự do có thể được tóm tắt đơn giản như sau: hãy ngưng làm những thứ bạn không thích, thay vào đó là làm những thứ bạn thích, tìm niềm vui và an lạc trong đời sống, rồi rủ bạn bè, người thân của các bạn làm theo. Đây là chặng khởi đầu, để các bạn có thể sẵn sàng cho chặng tiếp theo: đối mặt với những thay đổi lớn.

Chúc các bạn thành công.

Thân thương,
Nah

4-2-2015

Đêm nghe tiếng Ráp Nah Sơn


Nguyễn Bá Chổi (Danlambao)
- Tác giả xin bắt chước tên một chuyện dài nổi tiếng trước 1975 của nhà văn Nhã Ca, Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, để đặt tựa bài Đêm Nghe Tiếng Ráp Nah Sơn.

Thú thật, ngày xưa người dân Miền Nam sợ tiếng đại bác “giải phóng” bao nhiêu, thì ngày nay Chổi này cũng “nổi da gà” với tiếng nhạc Ráp bấy nhiêu, mặc dầu loại nhạc được gọi là “nhạc của hè phố” này không gây nên cảnh máu đổ thịt rơi khắp nơi, từ nhà ở đến sân trường và gây nên đủ thứ tang thương; nói chung là nhạc Ráp không làm hại gì ai. Lý do “sợ” nhạc Ráp của bỉ nhân rất đơn giản: chỉ vì không hợp “nhĩ vị”, chứ chẳng hề do suy nghĩ ý tứ, dám oánh giá nọ kia một loại nhạc được không ít người hâm mộ.

Nhưng đêm qua nghe Nah Sơn ráp “ĐMCS”, bỗng dưng tôi tự nhiên “dừng chổi lắng nghe” (chữ của Trịnh Công Sơn).

Tôi nghe Nah Sơn ráp, không phải vì ghét, hận CS để khi nghe thiên hạ chửi “ĐMCS” là “khoái cái lỗ tai”; vốn đã “dị ứng” với nhạc Rap, nay lại bị đụng thêm hai tiếng “Đỗ Mười” là thứ “phản cảm” cực kỳ, nên thoạt nghe, tôi đã phải vùng dậy khỏi giường để “tắt đài” ngay (bài Rap “ĐMCS”), nhưng chưa kịp, thì tiếp sau bốn “tiếng thô bỉ” ấy đã lọt vào tai những lời lẽ làm tôi “cảm khái cách gì” (chữ của Hoàng Hải Thủy”), và tất nhiên tôi nghe đi nghe lại mấy lần sau đó.

Tôi không trích ra đây lời bài Ráp “ĐMCS”, vì “Tiên sư Anh Tẹc Nét” chưa gì đã phổ biến đầy dẫy loại tin tức không “chính thống” này, mà ngài “tưởng thú “Ba Ếch mới đây tự thú “không thể ngăn cấm được”, mà ai cũng đã nghe. Tôi chỉ ghi lại cảm tưởng sau khi nghe bài hát.

Khi đó tôi chưa biết Nah Sơn là ai. Dựa theo từ ngữ và câu cú, vần điệu của bài hát, tôi có cảm nghĩ đây là “sản phẩm” không phải của một người, mà của nhiều “tay tổ phản động”; họ không những rành rọt tội ác CS, mà còn thuộc vào hạng “thượng thừa chữ nghĩa”.

Sau khi được biết tác giả của bài nhạc Rap ĐMCS, Nah Sơn, không ai khác hơn là một sinh viên VN mới từ trong nước sang Mỹ du học, tôi càng cảm phục và ngưỡng mộ tài ba, trình độ hiểu biết, lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cho quê hương dân tộc của người tuổi trẻ VN này, nên để ý đến những bài liên quan đế anh. Trong “Thư gửi người Việt Nam”, Nah Sơn có lời xin lỗi công chúng thính giả về “ĐMCS”, như sau:

“Trước tiên, tôi xin lỗi công chúng vì những lời bài hát và nội dung bài hát phàm phu tục tử. Tuy nhiên tôi mong mọi người hiểu rằng đó là cách chúng tôi thu hút sự chú ý của giới trẻ, để rồi sau đó nói lên sự thật cho họ nghe. Tiếng chửi thề cũng là một phần trong đời sống của nhiều người, và rap là một dạng văn học hiện thực. Đừng đánh giá sự việc chỉ qua bề nổi của nó.” (Sic)

Cám ơn Nah Sơn về những lời xin lỗi trên, nhưng theo tôi, có nghe hết bài hát với nội dung bàng bạc... tội ác do CS gây nên được diễn tả bằng từ ngữ chính xác ý nghĩa, khớp đồng điệu âm, “thể nhạc lề đường” mà lời ý trí thức, mới thấy mấy tiếng “chửi tục” ĐMCS chỉ là tiếng thở dài thiếu hơi trước cảnh quê hương dân tộc VN đang phải đứng giữa, đối diện với nghìn trùng ngao ngán do “Bác và Đảng” CS dựng nên sau 85 năm nối giáo cho giặc phá nát gia cang Nước Việt.

Một người mù hai mắt phải chịu cảnh “Đêm dài một đời”(tên một tác phẩm trước 1975 của Nhà văn Lê Tất Điều); Việt Nam 90 triệu người mắt sáng nhưng đang phải lần mò trong đêm tối CS phủ xuống suốt trên tổ quốc Tiên Rồng “minh châu trời đông” đã ngót trăm năm. Biết đến bao giờ được như Nah Sơn có được can đảm để tự thoát ra khỏi bóng đêm ma quái có tên CS.
Rap Nữa Đi Nah Sơn!

Địt Mẹ Cộng Sản vẫn vang vang
Tiếng rap Nah Sơn chẳng "dịu dàng"
Còn vang vang mãi lay nhau tỉnh
Những kẻ quyền uy, sống giàu sang!

Giàu sang nhung lụa, lắm bạc vàng
Trên quê đau khổ, nước tan hoang
Còn đâu biển bạc với rừng vàng
Quê hương rừng rú, thú đi hoang!

Rap nữa đi Sơn, dập"vinh quang"
"Chói lọi" đảng ta sắp điêu tàn
Bảy mươi năm lẻ, kiếp Việt Gian
Cờ Máu lưu manh đã sắp tàn!

Địt Mẹ Cộng Sản vẫn vang vang
Việt Nam quá khổ, quá điêu tàn
Dân Oan oan ức nhiều như lá
Lang thang khắp nẻo, chốn quê nhà!

Tuổi trẻ Việt Nam kiếp can qua
Nhồi sọ tuổi thơ với "Hồ cha"
Quàng chi khăn đỏ cho em bé
Lịch sử Việt Nam thành "đảng ta"!

Rap nữa đi em đến mọi nhà
Lột mặt Việt Gian lũ thờ ma
Là quân Đại Hán ngàn năm cũ
Kẻ thù truyền kiếp tổ tiên ta!

Rap nữa đi em, tiếng thét la
Địa ngục âm u, lũ quỷ tà
Thất kinh hồn vía, phải kêu ca
Việt Nam thức tỉnh, kiếp mù loà!


dân làm báo

Nah... người nghệ sĩ đường phố
Hạt Sương Khuya (Danlambao) - Nếu nói Rap là dòng nhạc của sự thật, thì chính Nah đang chuyển tải những sự thật của một xã hội mang đầy kịch tính mà nơi đó không có chỗ đứng dành cho những trái tim xanh. Tôi không biết Nah bắt đầu bước vào dòng nhạc Rap từ khi nào, nhưng tôi có thể cảm nhận sự trưởng thành về tri thức của em qua lời nhạc. Theo tôi... thuở ban đầu có lẽ chỉ là niềm đam mê theo phong trào của dòng nhạc Rap, hoặc chỉ là những phản ảnh về một xã hội đầy những bất công, xa đọa. Và đúng như Nah trải bày trên The Kim Nhung Show, ý thức chính trị hoàn toàn không có trong giai đoạn khởi đầu. Tôi nhìn thấy sự 'thác loạn' của tuổi trẻ trong nhạc Rap, những ức chế tâm lý về một xã hội thiếu công bằng. Một xã hội mà nền giáo dục không dựa trên nền tảng đạo đức, chỉ có thể tạo ra những người thợ hay những chuyên gia kém cỏi, nhưng lại không tạo ra được những người công dân có trách nhiệm với bản thân thì làm sao có trách nhiệm được với gia đình và xã hội.


*


Mấy tuần qua... do công việc bề bộn nên không thể thu xếp thời gian để viết về một nghệ sĩ trẻ, mà tôi gọi em là người "Nghệ Sĩ đường phố". Là một người chịu ảnh hưởng khá sâu vào nền âm nhạc tiền chiến và thời chiến, nên khi nghe dòng nhạc Rap, thú thật tôi không thể nuốt nổi. Ở một khía cạnh nào đó, dĩ nhiên tôi phải chấp nhận vì đó là xu thế phát triển tất yếu của thời đại.

Cách đây mấy tuần. Như thường lệ, mỗi sáng tôi hay vào trang nhà Dân Làm Báo để đọc tin. Thoáng thấy một bài viết "Thư gửi Đảng Cộng Sản và tất cả người Việt". Thời gian sau này thật lòng tôi không còn chú tâm về những bài viết gửi đến nhà cầm quyền Cộng Sản, bởi tôi cho rằng những lời gửi gấm hay kêu gọi ấy chỉ như nước đổ đầu vịt. Vì thế tôi đã đánh mất đi một cơ hội để biết về người 'Nghệ Sĩ đường phố' này.

Ít hôm sau đó. Tình cờ sinh hoạt trên một diễn đàn. Phóng viên Nghê Lữ đã đem bài nhạc của Nah Aka Nguyễn Vũ Sơn lên diễn đàn chia sẻ và mong được nghe sự góp ý cũng như cảm nghĩ của mọi người. Thú thật... phản ứng đầu tiên của tôi là 'không biết nói sao', mặc dù sinh ra và lớn lên trong một làng đánh cá, những tiếng chửi thề với tôi không phải điều xa lạ, nhưng có lẽ vì đã xa cách nó quá lâu, nên tôi không có sự chuẩn bị về tâm lý để tiếp nhận một cách tự nhiên như xưa. Điều may mắn đã khiến tôi chú tâm và nghe hết trọn bài nhạc vì sau mỗi câu 'chửi thề' là vạch ra một tội ác của nhà cầm quyền cộng sản. Tôi bắt đầu nghe gai ốc nổi trên khắp thân thể, tôi xúc động và đón nhận em một cách chân tình. Sau đó tôi đã nói lên những suy nghĩ của mình khi nghe và đọc hết bài viết như một lời trần tình của Nah gửi đến tất cả những người Việt. Tôi cho rằng… chỉ cần bỏ đi bốn chữ 'ĐMCS' thì bài nhạc của Nah vô cùng quý giá. Nhưng đó lại là mục đích chính của em khi sáng tác và phổ biến đến mọi người.

Sang hôm sau, tôi thu xếp công việc dành trọn ngày để tìm đọc lại bài viết 'Thư gửi Đảng Cộng Sản và tất cả người Việt', nghe gần 40 bài Raps của em trên Youtube, trong đó có một Video ngắn 2:14 phút 'Rapper Nah chửi người Việt ngu', kèm theo hàng chữ 'Đừng vội phán xét hãy xem hết Video'. Lần theo trang nhà Triethocduongpho.com của một người bạn mà Nah chưa từng diện kiến, tôi đọc thêm bài viết của em: Những việc giới trẻ Việt Nam cần làm cho đất nước và rất nhiều bài nói lên khát vọng tuổi trẻ.

Đến đây thì tôi có thể khẳng định... Nah đã đi vào trái tim tôi.

Nếu nói Rap là dòng nhạc của sự thật, thì chính Nah đang chuyển tải những sự thật của một xã hội mang đầy kịch tính mà nơi đó không có chỗ đứng dành cho những trái tim xanh. Tôi không biết Nah bắt đầu bước vào dòng nhạc Rap từ khi nào, nhưng tôi có thể cảm nhận sự trưởng thành về tri thức của em qua lời nhạc. Theo tôi... thuở ban đầu có lẽ chỉ là niềm đam mê theo phong trào của dòng nhạc Rap, hoặc chỉ là những phản ảnh về một xã hội đầy những bất công, xa đọa. Và đúng như Nah trải bày trên The Kim Nhung Show, ý thức chính trị hoàn toàn không có trong giai đoạn khởi đầu. Tôi nhìn thấy sự 'thác loạn' của tuổi trẻ trong nhạc Rap, những ức chế tâm lý về một xã hội thiếu công bằng. Một xã hội mà nền giáo dục không dựa trên nền tảng đạo đức, chỉ có thể tạo ra những người thợ hay những chuyên gia kém cỏi, nhưng lại không tạo ra được những người công dân có trách nhiệm với bản thân thì làm sao có trách nhiệm được với gia đình và xã hội. Từ sự mất thăng bằng về nhận thức và ý thức đã đưa tuổi trẻ đi vào một lối sống hoang lạc. Nah đã vượt trên những lẽ thường đó, vì thế em đem những bất công của xã hội, những phẫn uất của tuổi trẻ trải bày trên Rap, sự đón nhận của tuổi trẻ đến với Rapper Nah cũng là cách để bày tỏ những 'ức chế' bản thân mình. Từ 'Phố Cũ' 'Sài Gòn Đẹp Lắm' cho đến 'Xã Hội Thời Tàn'… là những khắc khoải của tuổi trẻ về một đất nước trong giai đoạn khánh kiệt, lòng người tan hoang, niềm tin vụn vỡ. Có thể nói 'Xã Hội Thời Tàn' là một trong gần bốn mươi tác phẩm của Nah mà tôi có dịp nghe qua và đã để lại dấu ấn trong lòng tôi sâu sắc nhất. Hãy dùng trái tim để nghe 'Xã Hội Thời Tàn', nhắm mất thật sâu như khi ngồi thiền, bạn sẽ thấy mình đang đi lạc vào một thế giới thật xa xăm, ở nơi đó chỉ có sự chết, còn lại chỉ là biểu hiện của sự lên đồng tập thể….

Trích đoạn :

'Tao thấy rừng không có thú, đại dương không có cá
Trên trời thì mây đen mịt mù, cây rừng không có lá
Tao thấy con người nhắm mắt thờ ơ bắt tay với thần chết
Đi mãi trong cái vòng tròn lẩn quẩn vô tận mà không có hồi kết….
Nhìn từng cơn lốc xoáy tốc bay từng nóc nhà
Đằng sau cơn bão những đôi tay run rẩy ngồi khóc Cha
Những đôi mắt nghèo hèn bon chen dành dật từng miếng cơm
Đổi danh dự cho những kẻ bỏ tiền bạc ra mua tiếng thơm….
Tao thấy màu đỏ của máu, màu trắng của nỗi đau che đi màu xanh hy vọng gửi vào những thế hệ mai sau.
Nhìn dòng người vội vã trong thế giới hỗn độn đầy những dối gian
Khóc đi những con người thờ ơ chỉ biết mình mà chẳng để ý xem người khác họ sống trong xã hội thời tàn'


Tôi đã từng có cái nhìn về tuổi trẻ hôm nay với một lối sống thác loạn, sống như loài thiêu thân, tương lai chỉ là những hố sâu thẳm đang đợi chờ những tiếng kêu tuyệt vọng. Không đâu… 'Xã Hội Thời Tàn' chính là sự trỗi dậy của những tâm hồn muốn phá tung cánh cửa sự thật để nhìn rõ hơn sự lõa lồ bẩn thỉu của lũ cường quyền. Để từ đó hình thành ý tưởng 'Tao không vào địa ngục thì ai vào'. (ĐMCS)

Khi nghe ĐMCS và đọc lời trần tình của Nah. Tôi đã bỏ lời để chỉ còn giữ ý. Nếu ĐMCS là một bức tranh tồi của xã hội Việt Nam hiện nay thì lời trần tình lại là một bản tuyên ngôn của tuổi trẻ đang thách thức và sẵn sàng đối đầu với nhà cầm quyền VC. Trước đến nay… không phải chỉ riêng tôi mà đa số chúng ta những người Việt hải ngoại thường 'than phiền' về xã hội Việt Nam, trong đó cụm từ 'suy đồi đạo đức' thường được sử dụng cho những vấn nạn Việt Nam hôm nay. Nếu lấy thành phần trí thức có học để làm thước đo mẫu mực về nhân cách con người thì không biết giải thích thế nào cho những trường hợp chỉ nói riêng về lĩnh vực giáo dục, mà hiện nay chính trong xã hội Việt Nam cũng đang lên án về nạn mua bán thi cử hay trao đổi tình dục giữa thầy giáo và học sinh để được nhận bằng cấp, đó là chưa nói đến những tội phạm giết người, buôn bán ma túy trong đó cũng không thiếu những thành phần 'có học'. Vấn nạn Việt Nam hôm nay, nói riêng về tuổi trẻ không phải phát xuất từ lẽ tự nhiên mà nó nằm trong hệ thống giáo dục, hệ thống điều hành đất nước trong đó bao gồm Chính Trị, Kinh Tế và Văn Hóa. Sự xuất hiện của Nah với tác phẩm 'ĐMCS' được nhiều người 'đón nhận' một cách 'dè dặt', dè dặt ở đây mà tôi muốn nói đến đó là thành phần 'trí thức'. Họ không biết phải ứng xử thế nào với trường hợp của Nah, ủng hộ thì ngại đụng chạm đến 'danh dự, tên tuổi', mà phản đối thì lại càng vô lý. Tôi không thuộc thành phần trí thức, vì thế tôi chọn cách nói lên cảm nghĩ của mình. Tôi có một đứa em quen biết trên Internet cũng phản đối khi tôi ủng hộ suy nghĩ của Nah. Em cho rằng cách làm của Nah sẽ để lại nhiều hậu quả và ảnh hưởng đến thành phần tuổi trẻ khác có 'ý thức' và 'học thức' nhất là trong giai đoạn mà đạo đức con người đã bị tiêu hủy hoàn toàn, thì chúng ta lại cần phải khai dân trí bằng sự bắt đầu từ 'Lễ Giáo'. Tôi hoàn toàn ủng hộ lập luận trên, bởi chính đó cũng là suy nghĩ của cá nhân tôi trước đây. Thử nhìn lại xã hội Việt Nam hiện tại… bước ra đường là nghe chửi thề. Tuổi trẻ đã bị tha hóa bởi chính sách tiêu diệt dân khí, ăn chơi xa đọa, thành phần này là một con số không nhỏ. Tôi tin Nah không bồng bột như em đã chia sẻ, mà em đã có kế hoạch chuẩn bị cho những ngày sắp tới. Mưu sự tại nhân, thành sự do thiên. Chỉ còn biết cầu xin Hồn Thiêng Sông Núi phù hộ cho em. Bản thân tôi cho rằng… dân ta đã ngụp lặn trong mấy ngàn năm về lễ giáo, nhưng cuối cùng bị tiêu diệt trong bàn tay của chủ nghĩa cộng sản, tất cả giờ chỉ còn là những lý thuyết học thuộc lòng rồi chuyển tải cho nhau, có được bao nhiêu người học và thực hiện những lời dạy bảo của thánh hiền?. Khi nói ra điều này tôi không hề phủ nhận công ơn của Tiền Nhân đã để lại cho thế hệ chúng tôi biết bao điều quý trọng. Tôi biết ơn Tiền Nhân nhưng đó chỉ là nền tảng để con cháu dùng nó như một căn bản khi bước vào đời, nhưng cuộc sống khi nhìn về tương lai cần có những giá trị thực tế để nuôi dưỡng đạo đức, (có thực mới vực được đạo) nếu không thì bần cùng sinh ra đạo tặc như xã hội Việt Nam hiện nay thì các Ngài có sống lại cũng không cứu vãn được. Sau nhiều ngày suy nghĩ tôi cho rằng : Đúng và sai chưa hẳn là một khuôn mẫu nhất định một khi đặt nó trong một bối cảnh không thích hợp. Đó là chưa kể trường hợp Việt Nam hiện nay một khi 'trí thức và học thức' không còn là thước đo của đạo đức hay nhân cách con người. Muốn xây dựng đất nước… điều tiên quyết vẫn là giải thể chế độ thối nát hiện tại. Còn rừng sợ gì không có củi đốt. 

ĐMCS… với tôi như một cú đấm vào mặt nhà cầm quyền Việt cộng, chúng xứng đáng để lãnh nhận những ngôn từ như thế, nếu quý vị vào một số diễn đàn hay trên FB, sẽ thấy những từ ngữ tương tự như thế hoặc 'tục' hơn nữa dành cho bọn cường quyền, ai dám nói việc làm đó của họ là sai?, một khi chúng ta cho rằng 'đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy'. Nah cũng tự nhận mình là thích sống với nhóm bạn bè 'đường phố', qua đó em hiểu được suy nghĩ của một số tầng lớp tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, em từ bỏ tất cả để làm người tiên phong mở đường cho một phong trào mới mà tôi tin rằng sẽ có một con số không nhỏ sẽ bước theo em. Từ khi Việt Khang bị bắt cho đến nay… hai bản nhạc của Việt Khang tuy đã đi vào lịch sử, nhưng nó không thể tạo nên phong trào, điều đó đã chứng minh khi tên em chỉ còn được nhắc lại một cách ít ỏi, dĩ nhiên tôi biết trong lòng chúng ta đều có hình ảnh Việt Khang và chắc chắn tên VK sẽ được nhắc lại trong một sự kiện xảy ra nào đó. Nhưng Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai đã không thể tạo nên được một phong trào, trong đó bản thân tôi cũng đã rất cố gắng khi gửi gấm trong bài viết 'Ngọn Đuốc Việt Khang'. Tôi đã khóc không biết bao lần khi nhìn thấy Việt Khang chỉ còn là một 'hiện tượng'. Nói thế không có nghĩa tôi cho rằng Nah sẽ tạo nên được một phong trào, vì tôi hiểu… một phong trào cần được nuôi dưỡng bằng nhiều trái tim cùng nhau góp sức. Hãy nhìn rõ mục tiêu của chúng ta là Cộng Sản Việt Nam và Trung Cộng, không cần biết mũi nhọn đến từ đâu, chỉ cần tất cả những mũi nhọn đó đều tập trung vào mục tiêu mà chúng ta đã định, thì dưới bất cứ hình thức nào cá nhân tôi đều ủng hộ. Tôi chắc chắn sẽ không ủng hộ một khi các em chỉ như loài đà điểu rúc đầu trong Rap, và coi đó như một thú giải thoát để quên đi những muộn phiền. Nah đã bước ra khỏi vùng 'u mê' đó, tôi nhìn được điều này qua những sáng tác mới sau này của em so với những tác phẩm vào những năm 2010-2013.

Có người cho rằng Nah hoang tưởng về chính trị. Tôi lại nghĩ… chính sự hoang tưởng đó sẽ bắt đầu cho một ý thức chính trị về lâu dài một khi nó được khởi đi từ tấm lòng thành. Hoặc ai đó bảo rằng 'Rap là nghệ thuật đường phố, vậy hãy nói lên sự thật một cách nghệ thuật.' Điều này nếu nói trên nguyên lý tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng hãy nhìn bối cảnh Việt Nam hiện nay, một khi đạo đức xã hội băng hoại từ gốc lên đến ngọn, con người chỉ lo miếng ăn, kẻ có tiền thì chỉ biết lo hưởng thụ, hay những con người suốt ngày chỉ biết bán mặt cho đất – bán lưng cho trời, thì nghệ thuật cũng chỉ là những gương mặt đóng vai hề để mua vui cho thiên hạ, nói theo kiểu ông phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội, Phan Đăng Long khẳng định chắc nịch rằng những người dân nghèo tại Việt Nam 'khao khát được xem bắn pháo hoa' để giúp 'quên đi cái nghèo, cái khó'. Người ta không thể thưởng thức nghệ thuật với một cái bụng đang đói, hay với một tâm hồn bệnh hoạn chỉ toan tính cái lợi bản thân trong bộ não đặc sệt mùi tham nhũng.

Nah… với đôi chân tập tễnh đang bước vào cuộc hành trình đi tìm sự thật lịch sử, với tuổi đời ngoài đôi mươi ấy, không biết em có đủ bản lĩnh, khả năng để vượt qua cơn giông bão đang trực chờ phía trước? Với những lời phát biểu dù rất chân thành, rất thật ấy không biết em có nhận được sự bao dung? Tôi dõi theo bước em mà lòng xót xa cho nỗi cô đơn của một người tự lưu đầy chính bản thân mình để phục vụ cho lý tưởng.

Tháng Tư sắp tới. Tháng Tư này nữa là đúng bốn mươi năm… ngày toàn cõi Việt Nam rơi vào chủ nghĩa cộng sản. Cho dù có muốn không nhắc đến VNCH, thì ngày 30 tháng 4 cũng là ngày của lịch sử Việt Nam đánh dấu cho một cuộc đổ máu mới, không bằng súng đạn nhưng hệ lụy của nó còn tàn khốc hơn cuộc chiến hai mươi năm được khởi đi từ cộng sản Bắc Việt. Nah à… cách hay nhất để dành lại quyền tự quyết cho dân tộc không phải là một sự chối bỏ lịch sử mà phải đương đầu với lịch sử. Hãy nhắc đến VNCH như chị nhắc đến những người lính bộ đội với nỗi thương cảm vì họ không còn con đường nào khác để chọn lựa cho một lý tưởng sai lầm mà chính em và những người tuổi trẻ hôm nay cũng là nạn nhân của cái hệ lụy sai lầm đó. Nhắc lại lịch sử không phải để dành cái chính nghĩa đúng-sai, nhưng em ơi… máu của những người lính VNCH đổ xuống cũng màu đỏ, da họ khi còn sống cũng rất vàng, và họ đã ngã xuống để bảo vệ hai mươi năm tự do cho Miền Nam, trong đó có gia đình em, đó là máu của những người lính VNCH đấy em ạ. Chị hoàn toàn đồng ý với em, thể chế nào cũng có cái đúng, sai. Giai đoạn này chúng ta cần hiệp lực để lật đổ bạo quyền như lời em trong ĐMCS….

Thù trong giặc ngoài bọn Trung Cộng cũng đang đói
Muốn đuổi được nó thì phải thay đổi trong nhà nước
Xử bọn tham nhũng và bán nước ở trong nhà trước.

Vâng em… chị hoàn toàn đồng ý với em chính nhà cầm quyền hiện tại là mấu chốt của vấn nạn Việt Nam hôm nay, vậy chúng ta hãy làm trách nhiệm của một người công dân, chúng ta đấu tranh không vì một chế độ hay bất cứ một đảng phái nào, mà chúng ta đấu tranh vì Tổ Quốc Việt Nam. Vậy thì VNCH cũng cần phải được nhắc đến như chúng ta nhắc đến những người lính đã ngã xuống trong trận chiến 1979 hay những người lính đã chết một cách tức tưởi trên Gạc Ma năm 1988 năm xưa.

Muốn thoát ra một quá khứ đã ăn sâu trong tiềm thức, đó là một điều không dễ làm. Vì thế tôi luôn mong mỏi sự khoan dung của mọi người. Làm người chẳng ai không dại một lần để được lớn khôn, huống gì bốn mươi năm sống trong sự bưng bít. Tôi thương tuổi trẻ vì họ là nạn nhân của thời cuộc, ngẫm lại những gì 'chúng ta' để lại cho họ không gì ngoài một gia tài đổ nát. Tôi tự nghĩ bản thân mình có đủ tư cách để đòi hỏi hay đặt điều kiện với các em? Có lẽ đã đến lúc tôi phải im lặng đóng vai trò yểm trợ để các em tự đứng mũi chịu sào, tương lai đất nước này sẽ là của thế hệ các em, vậy thì hãy để các em tự quyết định cho vận mạng tương lai của chính mình, tôi tin các em đủ bản lĩnh và trí khôn để biết phải làm gì đối với vấn nạn Việt Nam hôm nay.

Đầu tầu đã có và đang chờ những thân tàu để thực hiện giấc mơ Việt Nam, xin đừng làm lữ khách đứng bên đường để chờ xem kết quả.

Paris 02/02/2015