1/3/15

THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ

THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ 


 Phản Ứng của Thế Giới

'Một vấn nạn nhân đạo mang tầm vóc lịch sử.'
Thông cáo đặc biệt về Tị Nạn Ðông Dương tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh Tokyo.

‘A humanitarian problem of historical proportions.’
Special statement of the Tokyo Summit on Indochinese refugees’ by Britain, Canada, France, Italy, Japan, United States and West Germany. June 1979

Hải trình kinh hoàng của thuyền nhân Việt Nam đã đánh thức lương tâm và lòng trắc ẩn của nhân loại. Trong những năm đầu của làn sóng tị nạn, một chiến dịch cứu trợ thuyền nhân vĩ đại hiếm có trong lịch sử đã được thực hiện bởi nhiều đoàn thể quốc tế cũng như cộng đồng nhân dân tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Bên lề sự trợ giúp tích cực này, thảm trạng thuyền nhân cũng làm lộ ra được một khía cạnh xấu xa nhất của đường lối chính trị thiên quyền (power politics) vốn được các cường quốc sử dụng để trốn tránh trách nhiệm quốc tế. Trong khi cộng đồng nhân dân toàn thế giới hết lòng giúp đỡ thuyền nhân vì lòng nhân đạo chung của con người, chính sách của các trung tâm quốc quyền đối với làn sóng tị nạn Việt Nam không được minh bạch và luôn luôn phản ảnh sự cấu xé lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư.
Nhà tù khổng lồ hay 'Vietnamese gulag' và chính sách diệt chủng của Hà Nội đã khiến hàng triệu người Việt tìm đường vượt biên. Trong 8 tháng sau khi Sài Gòn thất thủ, 378 thuyền nhân đã trốn thoát thành công. Vào năm 1976, số thuyền nhân ra đi thành công tăng lên 5.569; và vào tháng 7 của năm đó, lần đầu tiên Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng thế giới giúp đỡ tị nạn Việt Nam. Một năm sau, số lượng thuyền nhân vọt lên 17.126, và tiếp tục tăng đến 87.164 vào năm 1978 và đạt cực điểm 201.189 vào năm 1979. Vào tháng 10-1979, Chủ bút của The Age Michael Davie quả quyết: '.. thuyền nhân không phải là một làn sóng tuyệt vọng khác của thành phần mất đất sống mà là những nạn nhân và là dấu hiệu báo trước một tình trạng mất an ninh sâu rộng trong vùng.'
Phản ứng Ban Ðầu của Cộng Ðồng Quốc Tế

Mặc dầu nhu cầu cứu trợ thuyền nhân trở nên khẩn cấp, phản ứng của đa số các chính phủ trên thế giới trước 1979 có vẽ lãnh đạm bởi vì thiếu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ vốn thường thấy trong các vụ khủng hoảng lớn. Báo The Wall Street Journal mô tả tình trạng này như 'một vụ ô nhục trong dinh thự của những người lịch sự' ('a scandal in the house of decent men'). Chính sách thờ ơ của Hoa Kỳ phản ảnh mặc cảm Việt Nam hay chủ trương 'no more Vietnam' (không còn Việt Nam nữa) sau ngày 30-4-1975. Hoa Thịnh Ðốn chọn một chính sách phản ứng tùy nhu cầu mà không có một chiến lược rõ ràng để đối đầu với cuộc khủng hoảng tị nạn Ðông Dương. Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ sử dụng đặc quyền parole (ân xá) vốn dành riêng cho các trường hợp khẩn cấp để định cư thuyền nhân. Tuy nhiên khi số lượng dân tị nạn gia tăng ngoài dự đoán, tân chính quyền Carter cần phải tiếp tục sử dụng đặc quyền ân xá mặc dầu trước đó cựu chính quyền Ford đã hứa với Quốc Hội là lần sử dụng đặc quyền này vào tháng 5-1976 để thâu nhận dân tị nạn Lào là lần chót. Tuy vậy, số lượng ân xá mới bao gồm 7.000 người Việt và 8.000 người Lào vừa được thông qua vào tháng 8-1977 đã không thể đối đầu với trào lưu tị nạn đang gia tăng; và vì vậy, vào ngày 25-1-1978, đặc quyền ân xá lại được tái sử dụng để thâu nhận thêm dân tị nạn Ðông Dương.

Tuy tình trạng khủng hoảng tị nạn ở Ðông Nam Á ngày càng khẩn trương hơn, Hoa Kỳ đã không có một chính sách rõ ràng để đối đầu với vấn nạn vĩ đại này. Thiếu sự lãnh đạo của Hoa Thịnh Ðốn, các chính quyền khác cũng trở nên lãnh đạm đối với cuộc khủng hoảng tị nạn Ðông Dương. Hoa Kỳ muốn quốc tế hóa thảm trạng thuyền nhân để lôi kéo các quốc gia khác vào cứu giúp cũng như định cư tị nạn Ðông Dương; tuy nhiên vì tòa Bạch -c tỏ vẻ thờ ơ và thiếu nhiệt tâm trong việc đón nhận thuyền nhân, những chính quyền khác cũng phản ứng tương tự. Các chính phủ Tây phương đã không vội vã nhảy vào trợ giúp một vấn nạn mà giới lãnh đạo Âu Châu suy luận là vấn nạn của Hoa Kỳ do hậu quả tác hại của chính sách phản bội đồng minh Nam Việt Nam đưa đến. Vì vậy cho đến đầu năm 1978, hiếm có quốc gia nào trên thế giới thâu nhận dân tị nạn Ðông Dương; và số thuyền nhân kẹt tại các trại tị nạn trở thành vấn nạn thặng dư cho các quốc gia tạm cư vốn luôn luôn đòi hỏi 'mỗi người tị nạn đều phải được định cư trong một khoảng thời gian hữu lý' ('every single refugee would be resettled within a reasonable time.'). Phản ứng lãnh đạm của chính giới ngoại quốc trong những năm đầu của làn sóng tị nạn dẫn đến hậu quả bất lợi kể cả quyết định của các quốc gia Ðông Nam Á dứt khoát không cho thuyền nhân cập biên tạm cư và kéo dài thời gian tạm lưu trước khi được định cư của đồng bào tị nạn đang hiện diện ở trại để tạo ra một tình trạng chán nản với hy vọng sẽ gây được áp lực giảm thiểu số người vượt biên.
Toàn thế giới cộng sản ngoại trừ Trung quốc cực lực tố cáo là các quốc gia tự do đã tạo ra yếu tố 'lôi kéo' (pull factor) người Việt ra đi. Trước khi sụp đổ vào năm 1991, chính quyền Sô Viết lý luận rằng thảm cảnh thuyền nhân chính là tình trạng kế tục của cuộc chiến Việt Nam. Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn bị lên án là đã tạo ra làn sóng tị nạn bởi vì không chịu chấp nhận thực trạng của 'một nước Việt Nam mới.' Trung quốc bị nguyền rủa bởi vì đã cung cấp cho người Việt gốc Hoa những tin tức thất thiệt, và Hoa Kỳ bị nêu đích danh là đã lợi dụng tình trạng này để bôi bẩn thanh danh của CHXHCN Việt Nam trên chính trường quốc tế. Trong nhãn quan của Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh đã cố gắng mô tả làn sóng tị nạn như một hậu quả của chính sách kỳ thị của Hà Nội để cản trở nỗ lực xây dựng đất nước của đảng Cộng Sản Việt Nam; trong khi đó, Hoa Thịnh Ðốn lại đưa chiến hạm đến Ðông Nam Á trên lý thuyết để cứu giúp thuyền nhân nhưng thực tế là để khuyến khích thêm nhiều người vượt biên nhằm tạo ra không khí xáo trộn mất an ninh trong vùng hầu bảo vệ ảnh hưởng chiến lược của Hoa Kỳ. Chính quyền Liên Sô quan niệm rằng phương pháp duy nhất để giải quyết thảm trạng thuyền nhân là Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn phải chấm dứt cuộc chiến 'tuyên truyền' và các yếu tố 'lôi kéo' người Việt ra đi.

Hoa Kỳ bác bỏ quan điểm của Liên Sô và xác định sự vi phạm nhân quyền trầm trọng của Hà Nội chính là lý do khiến hàng triệu người phải tìm đường vượt biên. Tại hội nghị quốc tế về tị nạn Ðông Dương kỳ I vào ngày 21-7-1979, Phó Tổng Thống Walter Mondale quả quyết: '(CHXHCN Việt Nam) đã không chịu bảo đảm nhân quyền của dân. Các chính sách tàn nhẫn và vô trách nhiệm đã khiến vô vàn công dân phải bỏ tất cả những gì họ trân trọng, liều mạng, và tẩu thoát vào một thế giới xa lạ.' Trong khi đó thì Trung quốc lý luận rằng 'chính sách xâm lược và gây chiến' của Hà Nội đã tạo ra làn sóng tị nạn. Vào ngày 16-6-1979, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Hoa Cộng Sản tuyên bố: 'Cuối cùng như phân tích, vấn đề tị nạn Ðông Dương xảy ra chỉ vì chính quyền Việt Nam tiến hành chính sách xâm lược và gây chiến... Chính sách này phá hoại nền kinh tế và bần cùng hóa người dân. Kết quả là môt số lượng lớn người ở Việt Nam phải trốn khỏi đất nước.

Trong khi các cường quốc và chính quyền liên hệ bận rộn bình luận về nguyên nhân tạo ra thảm trạng tị nạn Ðông Dương và tố cáo lẫn nhau vì bất lực không thể đưa ra được một phương pháp giải quyết cụ thể, các nỗ lực hữu hiệu để cứu trợ thuyền nhân gặp hiểm nguy trên biển Ðông cũng không được thực hiện. Vào năm 1979, nhà ngoại giao Bruce Grant mô tả tình trạng tai ương này như sau:
'Câu chuyện thuyền nhân phơi bày bộ mặt nguyên thủy của đường lối chính trị thiên quyền (power politics). Trong khi những người thiện ý tràn đầy hy vọng khi bàn luận về viễn ảnh của 'một trật tự mới' hay 'một di sản chung của nhân loại' trong phần tư cuối của thế kỷ 20, thuyền nhân đã làm lộ ra một khía cạnh khác - sự tàn nhẫn của cường quốc, sự hung bạo của các tiểu quốc, lòng tham lam quá độ và thành kiến của con người. Ðôi lúc khi kể chuyện về thuyền nhân, hình như toàn thể bán đảo Ðông Dương đã trở thành khối xoáy thu hút tất cả sự tồi tệ của nhân loại...

... Khả năng quẹt nước cá sấu của các quốc gia dân chủ tân tiến đối với vấn đề thuyền nhân, trong khi không làm gì để giải quyết nguồn gốc của làn sóng ra đi, thật đáng lưu tâm. Thuyền nhân thật sự khiến chúng ta phải tự xét về bản thân cũng như thực trạng của thế giới của chúng ta.

Không giống như chủ trương lãnh đạm của giới chánh khách vốn bị ảnh hưởng bởi các tính toán chính trị, những người dân bình thường cùng các tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới đã sốt sắng và nhiệt tâm vận động cứu giúp cũng như bảo trợ thuyền nhân Việt Nam. Vào khoảng năm 1977, tàu Roland của Nghị Hội Tôn Giáo và Hòa Bình (World Conference on Religion and Peace [WCRP]) đã ra biển Ðông để cứu trợ người tị nạn. Mặc dầu nỗ lực này từng bị Cao Ủy Tị Nạn LHQ phê bình là 'lòng bác ái đặt sai chỗ' (misguided philanthropy), tàu Roland đã vớt được khoảng 300 đồng bào trên biển. Tổ chức WCRP không phải là tổ chức tôn giáo duy nhất đã tài trợ cho tàu ra khơi cứu giúp thuyền nhân. Một tổ chức khác là World Vision International có trụ sở ở California từng gởi tàu Seasweep về Ðông Nam Á; vào tháng 7-1979, tàu Seasweep đã vớt được nhiều thuyền nhân bị hải quân Mã Lai bắt bỏ lên ghe và kéo ngược ra biển.

Tại Âu Châu, Triết gia Jean-Paul Sartre kêu gọi chính quyền Pháp giúp đỡ dân tị nạn Việt Nam: 'Một số họ không luôn thuộc phe ta, nhưng lúc này chúng ta không nên lưu tâm đến quan điểm chính trị của họ, mà là (nên lưu tâm đến) việc cứu mạng họ. Ðây là một vấn đề luân lý, một câu chất vấn luân lý giữa con người. Thảm trạng thuyền nhân đem nhiều nhà đối lập lâu năm gần lại với nhau hơn và giúp hòa giải một số tư kiến khác biệt của họ. Vào ngày 20-6-1979, Jean-Paul Sartre vui vẻ bắt tay nhà đối lập chính trị lâu năm của ông, Văn sĩ Raymond Aron. Nỗ lực trợ giúp thuyền nhân Việt Nam của Jean-Paul Sartre được nhiều trí thức Pháp ủng hộ, và đáng lưu ý là nhà phản chiến tiếng tăm André Glucksmann. Sau này Glucksmann đã viết trong sách The Discourse of War: 'Người tị nạn Việt Nam là hậu quả của hai hệ luận xung đột thiên chiến - cả hai đều từ Hegel - luận đề cộng sản và luận đề chống cộng sản. Cả hai đều dẫn đến một hệ quả như nhau.
Hội Y Sĩ Thế Giới (Médecins du Monde) của Pháp đã gởi tàu Ðảo Ánh Sáng (Ile de Lumière) đến vịnh Thái Lan để cứu vớt thuyền nhân cũng như trợ giúp y tế cho các trại tị nạn. Công tác của Ile de Lumière được tiếp tục với tàu Alcune II vào năm 1981, tàu Le Goela năm 1982, tàu Jean Charcot năm 1985, và tàu Rose Schiaffino năm 1987. Ba Lê ra lệnh cho một vài chiến hạm bảo vệ cho các chiến dịch cứu trợ thuyền nhân của hội Y Sĩ Quốc Tế khi cần thiết.

Phản ứng theo sức ép của dư luận, Ý Ðại Lợi biệt phái hai chiến hạm và một tàu tiếp tế đến biển Ðông vào giữa năm 1979 để cứu vớt và thâu nhận khoảng 1.000 thuyền nhân. Tại Tây Ðức, Ủy Ban Một Chiếc Tàu cho Việt Nam (Ein Schiff fuer Vietnam) được thành lập vào tháng 7-1979 và gởi tàu Cap Anamur của nhà hảo tâm Hans Voss đi trợ giúp dân tị nạn Việt Nam trên các hải đảo Anambas của Nam Dương. Nhân dân Ðức đóng góp hơn 21 triệu Ðức Mã cho các chương trình nhân đạo của tàu Cap Anamur tại Ðông Nam Á. Vào năm 1987, Ein Schiff fuer Vietnam vốn đã cải danh thành Komitee Cap Anamur cộng tác với hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp và tài trợ cho tàu Ile de Lumière II - Cap Anamur III tiếp tục công tác thiện nguyện giúp đỡ thuyền nhân; cộng đồng Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho chiến dịch này qua tổ chức Boat People S.O.S.

Vào năm 1988, hội Y Sĩ Thế Giới và Boat People S.O.S. biệt phái tàu Mary Kingston đến vịnh Thái Lan để cứu vớt thuyền nhân. Trải qua nhiều năm dài, cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại đã không ngừng nghỉ trong nỗ lực thâu thập tài vật cũng như sự ủng hộ của chính khách địa phương để giúp đỡ đồng bào tị nạn. Vô số sinh hoạt đã được các đoàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh và các hội đoàn từ Bắc Mỹ đến Âu Châu và Úc Châu tổ chức để vận động tài chánh cũng như chữ ký cho các bản thỉnh nguyện thư yêu cầu chính quyền địa phương tiếp tục cứu trợ thuyền nhân Việt Nam ở Ðông Nam Á.

Tại Bắc Mỹ, thảm trạng thuyền nhân đã tạo ra nhiều chia rẽ trong mạng lưới phản chiến trước đây. Không giống như giới trí thức Pháp, thành phần cánh tả có vai vế trong xã hội Hoa Kỳ như Noam Chomsky và Frances Fitzgerald đã cố ý im hơi lặng tiếng về vấn đề tị nạn Việt Nam. Như Triết gia Pháp André Glucksmann diễn tả: 'Hôm nay chính quyền cộng sản nhận chìm trẻ em. Hôm qua chúng ta phản đối. Hôm nay chúng ta im lặng, ngoại trừ ca sĩ Joan Baez và 83 nhà hoạt động vì hòa bình khác, đa số thành phần trí thức phản chiến đã lãnh đạm đối với thảm trạng thuyền nhân cũng như tệ nạn vi phạm nhân quyền trầm trọng của Hà Nội.
Vào tháng 5-1979, Joan Baez và 83 bằng hữu cho phổ biến 'Open letter to the Socialist Republic of Vietnam' ('Minh thư cho Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) để vạch trần chính sách tiêu diệt quyền làm người của Hà Nội: 'Hàng ngàn người Việt Nam trong đó có nhiều người chỉ vì phổ biến tiếng nói lương tâm, đã bị bắt, giam cầm và tra tấn trong tù cũng như các trại cải tạo.. Chính quyền của các ông tạo ra một ác mộng đau khổ che lấp sự phát triển đã đạt được trong nhiều lãnh vực của xã hội Việt Nam. Một bộ phận phản chiến thiên tả khác đã vội vã lên tiếng công kích nhóm Joan Baez và ngụy biện cho tội ác của cộng sản Hà Nội. William Kunstler chụp mũ Joan Baez là 'tình báo CIA' ('CIA agent'); trong khi đó, Jane Fonda cho phổ biến thư phê bình Baez: 'Lời thuyết phục như vậy chỉ đưa bà vào hàng ngủ của các thành phần hẹp hòi và tiêu cực của đất nước chúng ta vốn tiếp tục tin rằng chủ nghĩa cộng sản tệ hại hơn cái chết.

Trong các năm đầu của làn sóng tị nạn Việt Nam, một tổ chức đã tích cực đánh thức lương tâm nhân dân Hoa Kỳ về thảm trạng thuyền nhân là Ủy Ban Cứu Trợ Quốc Tế (International Rescue Committee hay IRC). Ðối diện với chính sách lãnh đạm của Hoa Thịnh Ðốn, IRC dưới sự lãnh đạo của Chủ Tịch Leo Cherne đã bảo trợ Ủy Ban Công Dân Ðặc Trách Tị Nạn Ðông Dương (Citizens Commission on Indochinese Refugees) vào cuối năm 1977 để vận động chính quyền cũng như Quốc Hội Hoa Kỳ giúp đỡ và định cư dân tị nạn tại Ðông Nam Á.

Sau chuyến công tác tìm hiểu sự thật ở Ðông Nam Á vào đầu năm 1978, Ủy Ban Công Dân Ðặc Trách Tị Nạn Ðông Dương vốn bao gồm nhiều thành viên nổi tiếng trong các lãnh vực tôn giáo, xã hội và kinh tế đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ thâu nhận thêm thuyền nhân; song song, họ cũng đã thành công trong nỗ lực tiết giảm mối lo sợ về phản ứng bất lợi của dư luận. Hải trình thảm khốc của thuyền nhân Việt Nam bắt đầu được giới truyền thông quốc tế chú ý, và các chương trình tường thuật đã giúp đánh thức lương tâm cũng như lòng trắc ẩn của nhân loại. Trong khi báo Times của Luân Ðôn đề cập về sự kiện hàng ngàn dân tị nạn vô danh đã mất mạng trên biển vằo đầu năm 1978, báo New York Times tuyên bố là 'Nhiệm Vụ Việt Nam của Chúng Ta Chưa Hoàn Tất' (Our Vietnam Duty Is Not Over') và ủng hộ các đề nghị của Ủy Ban Công Dân Ðặc Trách Tị Nạn Ðông Dương.

Các lãnh tụ dân sự gốc Châu Phi cũng đã bày tỏ sự quan tâm của họ đối với thảm trạng thuyền nhân. Vào ngày 19-3-1978, 89 lãnh tụ thuộc các tổ chức quan trọng như National Urban League, the National Association for the Advancement of Colored People, v.v., đã cho phổ biến trên báo The New York Times lời kêu gọi tòa Bạch -c cũng như Hạ Nghị Viện thâu nhận 'anh chị em Á Châu của chúng ta tại các trại tị nạn' ('our Asian brothers and sisters in the refugee camps.')
Dưới áp lực của các nỗ lực vận động này, tòa Bạch -c quyết định duyệt xét toàn bộ chính sách di trú. Vào tháng 3-1978, chính phủ Carter đề nghị tu chính luật Di Trú và Công Dân (Immigration and Nationality Act) để nhận thêm 50.000 người tị nạn mỗi năm với ý định sẽ dùng 50% số lượng đó nhằm định cư dân tị nạn Ðông Dương. (Vì trở ngại tài chánh, phải đợi đến tháng 6-1978 thì số lượng 25.000 dân tị nạn Ðông Dương hưởng quy chế ân xá này mới được chấp thuận.)

Hàng trăm ngàn thuyền nhân cũng đã được nhiều tổ chức thiện nguyện cũng như các nhà hảo tâm khác cứu trợ trong đó có cộng đồng người Việt hải ngoại, đoàn thể và ân nhân ngoại quốc. Một trong các thiện nguyện viên đã tích cực lo cho dân tị nạn Việt Nam là nhà tu hành tên Joe Devlin, một người đã tận tụy giúp đỡ thuyền nhân ở Songkhla Refugee Camp và các trại khác kể cả trại bộ nhân trong nhiều năm dài. Một nỗ lực đáng ghi nhớ của vị linh mục khả kính này là sự hình thành nhà dưỡng dục các trẻ em không thân nhân tại trại tị nạn Songkhla. Nhà văn Nhật Tiến đã từng ca ngợi tấm lòng hy sinh cao cả của Linh mục Devlin vì ông 'chia xẻ sự phiền não, đau khổ, sự khốn cùng của một dân tộc đã trải qua sự sụp đổ đột ngột và tàn bạo của miền Nam tự do. Nhà tu hành Joe Devlin là một trong vô vàn các nhà hảo tâm đã bỏ thời gian cũng như tài lực để giúp đỡ thuyền nhân, và dân tộc Việt Nam luôn luôn trân trọng ghi nhận sự tận tụy bác ái của họ.

DƯƠNG THÀNH LỢI

xem thêm ở nguồn: http://thuyennhan.info/index.php?route=product/product&product_id=350