Đà Nẵng: Những biến cố lịch sử
(Trình bày tại San Jose ngày 29-3-2015)
Địa danh Đà Nẵng
Địa danh Đà Nẵng gốc từ tiếng Chiêm (Chàm, Chăm), có thể có trước khi
người Việt đến Đà Nẵng. Năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân tặng vua
Đại Việt hai châu Ô và Ri (hay Lý) trong phần sính lễ đám cưới với công
chúa Huyền Trân. Hai châu nầy ngày nay tương đương với vùng đất từ Quảng
Trị vào đến quận Điện Bàn, trong đó có Đà Nẵng.
Trong sách Ô châu cận lục, Dương Văn An viết năm 1555 rằng tại Đà
Nẵng, có đền thờ Nguyễn Phục, một công thần bị chết oan khi vua Lê
Thánh Tông nam chinh đánh Chiêm Thành năm 1471. (Dương Văn An, Ô Châu
cận lục, Bùi Lương dịch, Sài Gòn: Nxb. Văn Hóa Á Châu, 1961, tr. 73.) Đà
Nẵng có đền thờ Nguyễn Phục năm 1471 thì địa danh Đà Nẵng phải có trước
đó.
Trong tiếng Chiêm, có ba chữ liên hệ đến địa danh Đà Nẵng. Đó là đarăk
(bờ biển, bãi biển), đanăk (sông lớn), đanăng (bến sông, bến tàu).
(Nguyễn Hy Vọng, Từ điển ngồn gốc tiếng Việt, California: Nxb. Đất Việt, 2014, tr. 362.)
Đà Nẵng, chiến công đầu tiên
Đà Nẵng đi vào lịch sử lần đầu tiên trong trận chống đánh liên quân Pháp
– Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng đầu tiên ngày 1-9-1858 do phó đô đốc
Rigault de Genouilly chỉ huy. “Tai nghe súng nổ cái đùng,/ Tàu Tây đã lại Vũng Thùng anh ơi.”(ca
dao) Quân Pháp chiếm các đồn ven biển, nhưng bị quân Việt do Nguyễn Tri
Phương chỉ huy, chận đứng. Genouilly để lại lực lượng giữ các đồn đã
chiếm ở Đà Nẵng, rồi kéo quân vào đánh Gia Định. (Vũng Thùng là Đà
Nẵng.)
Tuy chiếm được thành Gia Định, nhưng Genouilly lại phải trở ra Đà Nẵng
vì quân Pháp ở Đà Nẵng bị quân Việt uy hiếp và đẩy lui. Ngày 7 và
8-5-1859, Genouilly tấn công lần nữa nhưng Đà Nẵng vẫn đứng vững. Lúc
đó, Genouilly bị bệnh phải về Pháp, phó để đốc Joseph Page lên thay từ
1-11-1859.
Ngày 18-11-1859, Page tấn công đồn Chơn Sảng, phía nam chân đèo Hải Vân.
Tuy Pháp chiếm được Chơn Sảng, nhưng một trung tá Pháp bị tử thương, và
quân Pháp bị chận đường ra Huế. Sau trận nầy, Page được lệnh rút hết
quân Pháp vào Sài Gòn. Về phía Việt Nam, dầu bị thiệt hại khá nặng, Đà
Nẵng vẫn đứng vững, chận đứng được đợt tấn công đầu tiên của quân Pháp.
Đà Nẵng, nhiều lần đổi chủ
* Pháp bảo hộ Việt Nam năm 1884. Bốn năm sau, Pháp áp lực vua Đồng Khánh
ký sắc dụ ngày 26 tháng 8 năm mậu tý (1-10-1888), nhượng ba thành phố
Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Pháp làm nhượng địa. Pháp trực tiếp cai
trị Đà Nẵng theo luật lệ Pháp. Khi mới đến nước ta, các giáo sĩ Âu Châu
gọi Đà Nẵng là Touron, Turon, Touraon. Từ nay người Pháp gọi Đà Nẵng là
Tourane.
* Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Vua Bảo Đại tuyên bố độc lập ngày 11-3.
Đà Nẵng trở về với chính quyền Việt và vị thị trưởng đầu tiên được
chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm là Nguyễn Khoa Phong.
* Cũng trong năm 1945, Việt Minh cộng sản cướp chính quyền, vua Bảo Đại
thoái vị. Việt Minh đổi Đà Nẵng thành Thành phố Thái Phiên. Tuy nhiên
văn hóa Việt Nam không có thói quen dùng tên danh nhân đặt tên thành
phố, nên dân chúng vẫn dùng tên Đà Nẵng.
* Tháng 11-1946, Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, rồi từ đó mở đường ra Huế. Đà Nẵng trở lại chế độ do Pháp trực trị cho đến năm 1949.
* Quốc trưởng Bảo Đại thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam sau hiệp định Élysée ngày 8-3-1949. Đà Nẵng do chính quyền Việt Nam điều khiển. Sau hiệp định Genève
ngày 20-7-1954, Đà Nẵng nằm dưới vĩ tuyến 17, vẫn thuộc về chính thể
Quốc Gia Việt Nam. Đà Nẵng không thay đổi, ngoại trừ dân số Đà Nẵng tăng
vọt bất thường sau năm 1954 vì đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, đến lập
cư tại Đà Nẵng.
Quân Mỹ vào Đà Nẵng
Từ năm 1954, Hoa Kỳ viện trợ và gởi chuyên viên đến giúp QGVN rồi VNCH,
nhưng không gởi lực lượng chiến đấu trên bộ. Ngày 2-8-1964 xảy ra biến
cố Vịnh Bắc Việt: khu trục hạm Maddox (Hoa Kỳ) tuần thám bờ biển
BVN, trong hải phận quốc tế, đến phía đông bắc đảo Hòn Mê (Thanh Hóa),
thì bị ba ngư lôi đĩnh BVN tấn công. Không quân Hoa Kỳ liền trả đũa,
oanh tạc sâu vào lãnh thổ BVN. Ngày 7-8-1964, quốc hội Hoa Kỳ thông qua “Nghị quyết vịnh Bắc Việt”,
giao cho tổng thống Hoa Kỳ dùng tất cả các biện pháp cần thiết để đánh
trả, nghĩa là cho phép ông có thể đưa quân sang Việt Nam chiến đấu.
Do hoạt động của Không quân Hoa Kỳ càng ngày càng gia tăng, phi trường
Đà Nẵng được dùng làm nơi xuất phát các phi cơ bay đi oanh tạc Bắc Việt
Nam (BVN). Theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là
Maxwell Taylor vận động với thủ tướng Phan Huy Quát và hai bên Việt Mỹ
thỏa thuận miệng để cho Hoa Kỳ đưa hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến
(TQLC) Mỹ đến Đà Nẵng.
Ngày 8-3-1965, tiểu đoàn 9 TQLC Mỹ đổ bộ đầu tiên vào bãi biển Nam Ô,
phía tây Đà Nẵng. Từ đó quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam càng ngày càng gia
tăng. Cũng từ đó xã hội Việt Nam thay đổi lớn lao vì sự hiện diện của
quân đội Mỹ.
Đà Nẵng, những cuộc biểu tình
Tại Đà Nẵng, trong cuộc biểu tình ngày 25-8-1964 chống Hiến Chương Vũng
Tàu của trung tướng Nguyễn Khánh, xảy ra xô xát giữa đoàn biểu tình gồm
hàng ngàn Phật tử một bên, với tự vệ làng Thanh Bồ một bên. Làng Thanh
Bồ gồm đa số tín đồ Ky Tô giáo di cư, gần bờ biển Thanh Bình. Kết quả
làm 11 người chết, 42 người bị thương. (Chính Đạo, Tôn giáo và chính trị: Phật giáo 1963-1967, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 119.)
Một cuộc biểu tình sôi động khác tại Đà Nẵng kéo dài nhiều ngày khi
trung tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật
bị Hội đồng Quân lực cất chức ngày 11-3-1966. Hôm sau, 12-3, cuộc biểu
tình bộc phát tại Đà Nẵng, rồi lan ra Huế ngày 13-3. Lúc đó, thị trưởng
Đà Nẵng (bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn) và tư lệnh Đặc khu Quảng Đà (đại tá Đàm
Quang Yêu) tuyên bố ly khai với chính phủ trung ương, làm cho tình hình
thêm rối loạn.
Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ gởi ra Đà Nẵng 3 tiểu đoàn TQLC do đại tá Nguyễn
Thành Yên chỉ huy, 1 tiểu đoàn Nhảy Dù và 1 biệt đoàn Cảnh sát Dã
chiến. (Biệt đoàn CSDC khoảng 1,000 người.) Quân chính phủ bị lực lượng
ly khai chận ở phi trường. Lực lượng ly khai gồm tiểu đoàn 11 Biệt Động
Quân, 1 trung đoàn của Sư đoàn 1 và 1 trung đoàn của Sư đoàn 2. Khu trục
cơ của chính phủ xuất hiện trên không phận Đà Nẵng, đe dọa quân ly
khai, thì tướng Lewis Walt, tư lệnh TQLC Hoa Kỳ tại Vùng I phản đối.
(Nguồn tin từ cựu đại tá Trần Minh Công.)
Sau những cuộc thương thuyết tại Sài Gòn, cũng như tại Đà Nẵng, phía
quân ly khai rút lui, thì ngày 15-5-1966, quân chính phủ chiếm Bộ tư
lệnh Quân đoàn I. Khi lực lượng Nhảy dù, TQLC và CSDC xuất hiện ở Đà
Nẵng, lực lượng ly khai yếu thế dần. Ngày 23-5-1966, nhóm ly khai tại
chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng (trên đường Ông Ích Khiêm) hạ khí giới.
Thị trưởng Mẫn bị bắt. Đại tá Yêu cũng bị bắt ngày 25-5-1966. Đà Nẵng
trở lại ổn định dần dần. Sau khi một số tướng lãnh thay đổi nhau, thiếu
tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Sư đoàn II BB, lên nhận chức tư lệnh QĐ I
ngày 31-5-1966.
Đà Nẵng trong tết Mậu Thân
Tối giao thừa giữa hai năm Đinh Mùi và Mậu Thân, tức tối 29 rạng
30-1-1968, quân cộng sản (CS) pháo kích vào phi trường Non Nước và phi
trường Đà Nẵng. Sau 3 giờ sáng mồng 1 Tết (30-1-1968), CS đột nhập bộ Tư
lệnh QĐI ở Đà Nẵng (gần phi trường). Các đợt tấn công nầy bị đẩy lui
tức khắc. Quân CS còn tìm cách tấn công bộ chỉ huy Đặc khu Quảng Đà ở
góc hai đường Độc Lập và Thống Nhất. Cộng sản cũng không thành công.
Cộng sản còn sách động dân chúng tập họp trước chùa Tỉnh hội Phật giáo
Đà Nẵng trên đường Ông Ích Khiêm, liền bị giải tán ngay.
Tuy ít bị thiệt hại, nhưng Đà Nẵng vẫn bị xáo trộn vì đồng bào từ Quảng
Trị, Huế và Tam Kỳ, Hội An đến tỵ nạn đông đảo. Sau khi CS bị đẩy lui,
có nhiều đồng bào muốn ở lại Đà Nẵng sinh sống. Vì vậy sau cuộc tấn công
Mậu Thân của CS, dân số Đà Nẵng tăng vọt vì chiến tranh.
Trong cuộc chiến “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, Đà Nẵng không bị tấn công. Chỉ có đồng bào các tỉnh lân cận chạy đến tỵ nạn.
Đà Nẵng và trận Hoàng Sa (19-1-1974)
Trận Hoàng Sa diễn ra ngày 19-1-1974. Ở đây chỉ xin nhắc lại rằng khi
tình hình Hoàng Sa căng thẳng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có mặt ở Đà
Nẵng. Tư lệnh Vùng I Duyên hải (V1DH), phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trực
tiếp trình bày tình hình với tổng thống Thiệu tại Bộ tư lệnh V1DH ở Sơn
Chà ngày 17-1-1974. Tổng thống Thiệu liền viết tay tại chỗ chỉ thị cách
đối phó cho tư lệnh V1DH. Trận đánh không thành công, nhưng Hải quân
VNCH đã ghi lại một trang sử chống ngoại xâm anh dũng vẻ vang.
Nhân đây, cũng xin thêm một tài liệu về Hoàng Sa: Năm 1949, Trung Cộng
(TC) chiếm lục địa Trung Hoa. Trung Hoa Quốc Dân Đảng (THQDĐ) di tản qua
Đài Loan. Sau đó, TC đánh đảo Hải Nam. Quân THQDĐ ở Hải Nam chạy xuống
đảo Bạch Long Vỹ, gần Hải Phòng. Lúc đó, Bạch Long Vỹ thuộc QGVN. Sau
hiệp định Genève (20-7-1954}, Bạch Long Vỹ ở phía bắc vĩ tuyến 17, thuộc
CSVN. Năm 1955, TC lấy cớ dẹp quân THQDĐ, tấn công Bạch Long Vỹ. Cuộc
thương thuyết giữa BVN và TC đi đến thỏa thuận rằng TC giao Bạch Long Vỹ
cho BVN năm 1957, và ngược lại BVN giao Hoàng Sa cho TC.(1) Bạch Long
Vỹ là hòn đảo Việt Nam. Thế mà CSVN không đủ sức bảo vệ để TC cướp giựt,
rồi phải trao đổi bằng một đảo khác. Sau đó, Phạm Văn Đồng ký công hàm
ngày 14-9-1958 chính thức công khai xác nhận lại việc giao Hoàng Sa và
Trường Sa cho TC. Từ đó, TC dần dần thôn tính Hoàng Sa và Trường Sa. Gần
đây nhất, ngoại trưởng TC Vương Nghị tuyên bố trong cuộc họp báo ở Bắc
Kinh ngày 8-3-2015 rằng TC xây thêm đảo ở Trường Sa không xâm phạm lãnh
thổ của nước khác mà chỉ “xây dựng trong chính sân nhà của mình”. Cả thế giới phản đối, trừ CSVN. Bộ Ngoại giao CSVN còn hủy bỏ cuộc họp báo thường kỳ sau đó vì sợ bị chất vấn.
Đà Nẵng ngày 29-3-1975
Sau hiệp định Paris (27-1-1973), trong khi Hoa Kỳ rút quân, cắt giảm
viện trợ cho NVN, thì Liên Xô tăng viện trợ gấp 4 lần cho BVN. Quân CS
mở nhiều cuộc tấn công mạnh mẽ, chiếm Phước Long (thuộc Quân khu III)
vào đầu tháng 1-1975, rồi đánh Ban Mê Thuột, Pleiku tháng 3-1975 (thuộc
Quân khu II). Quân đoàn II VNCH rút lui thất bại.
Tại Quân khu I, ngày 23-3-1975, CS pháo kích vào Huế. Dân chúng hoang
mang, kiếm cách di tản. Tối 25-3, trung tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh
cho SĐ I BB, các lữ đoàn TQLC và các đơn vị chung quanh Huế rút về Đà
Nẵng. Ngày hôm sau (26-3), CS làm chủ Huế. Đường bộ từ Huế vào Đà Nẵng
bị cắt đứt.
Quân đội VNCH và dân chúng di tản từ Huế vào Đà Nẵng bằng đường biển.
Cộng sản pháo kích các địa điểm tập trung quân, các cửa biển, nhất là
Cửa Thuận (Huế) và cửa Tư Hiền (Cầu Hai). Hỗn loạn xảy ra. Cuộc triệt
thoái chỉ đem về Đà Nẵng được 1/3 tổng số quân.
Tại phía nam QK I, CS chiếm hai quận Tiên Phước và Hậu Đức tỉnh Quảng
Tín cùng một lần vào ngày 10-3-1975. Trung tướng Trưởng ra lệnh di tản
các quận Sơn Trà và Trà Bồng, cũng như các tiền đồn ở xa Quảng Ngãi.
Ngày 24-3-1975, CS chiếm Tam Kỳ. Hôm sau (25-5), trước áp lực của CS,
tướng Trưởng ra lệnh SĐ 2 BB và tiểu khu Quảng Ngãi di tản ra Cù lao Ré
(đảo Lý Sơn) ngoài Biển Đông. Từ Chu Lai, ngày 25-4, các đơn vị VNCH
cũng được di tản và khoảng 7,000 binh sĩ về tới Đà Nẵng.
Ngày 27-3, các đơn vị quân đội VNCH ở bắc và nam QK I hầu như tập trung
hết về Đà Nẵng. Chiều 28-3, tiểu khu Quảng Nam ở Hội An, gần Đà Nẵng
thất thủ. Tối hôm đó (28-3), trung tướng Trưởng liên lạc với tổng thống
Thiệu và được lệnh di tản. Sau cuộc điện đàm, trung tướng Trưởng liền ra
lệnh triệt thoái khỏi Đà Nẵng.
Tối 28-3-1975, chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, tư lệnh SĐ 1 BB bị tử nạn
máy bay. Sáng 29-3-1975, từ căn cứ Non Nước, trung tướng Trưởng lên được
chiến hạm HQ 402, rồi chuyển qua HQ 404 để xuôi nam. Ngoài trung tướng
Trưởng, các tướng lãnh cuối cùng rời Đà Nẵng sáng 29-3 là thiếu tướng
Bùi Thế Lân, tư lệnh SĐTQLC, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh Hải
quân V1DH, chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, tư lệnh Sư đoàn I Không quân,
thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, tư lệnh SĐ 3 BB.
Trong lúc đó, ngày 27-3, nhiều cánh quân CS bao vây Đà Nẵng, các chiến
xa CS xuất hiện. Ngày 28-3, CS siết chặt vòng vây, pháo kích vào phi
trường, bộ Tư lệnh SĐ 3 (ở Hòa Khánh, Quảng Nam, gần Đà Nẵng), hải cảng
Tiên Sa (tức Sơn Trà), bộ Tư lệnh TQLC ở Non Nước, bộ Tư lệnh V1DH. Quân
CS tràn vào thành phố Đà Nẵng sáng 29-3-1975. Quân khu I lọt vào tay
CS.
Đà Nẵng sau 30-4-1975
Sau ngày 30-4-1975, CSVN sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam thành tỉnh QN-ĐN.
Đà Nẵng trở thành tỉnh lỵ của tỉnh nầy. Cũng như trên toàn quốc, CS bắt
sĩ quan, công chức cao cấp đi tù cải tạo dài hạn không tuyên án, thi
hành chính sách kinh tế chỉ huy, đổi tiền, ngăn sông cấm chợ, đánh tư
sản, cướp các cơ sở kinh tế tư nhân bằng kế hoạch công tư hợp doanh, xua
đuổi dân chúng đi kinh tế mới để cướp nhà…
Từ 1-1-1997, CSVN tách riêng Đà Nẵng và đặt trực thuộc trung ương. Vào
đầu những năm 2000, Đà Nẵng phát triển mạnh mẻ. Đặc biệt hai viên tổng
bí thư đảng CS kiêm chủ tịch nước TC là Giang Trạch Dân (ngày 28-2-2002)
và Hồ Cẩm Đào (ngày 15-11-2006) đều đến thăm Đà Nẵng. Từ đó, hai câu
hỏi cần được đặt ra: TC mưu tính gì đàng sau hai cuộc viếng thăm bất
thường nầy? Phải chăng hai cuộc viếng thăm nầy liên hệ đến việc nhà nước
trung ương CSVN hậu thuẫn cho sự phát triển Đà Nẵng? Nếu trung ương
CSVN không đồng ý, thì chắc chắn Đà Nẵng không được phép phát triển.
Kết luận
Sơ lược những sự kiện trên đây cho thấy Đà Nẵng giữ một vị trí chiến
lược quan trọng tại miền Trung nói riêng và trên toàn quốc nói chung.
Chẳng những Pháp, mà cả đến Tàu cũng dòm ngó Đà Nẵng.
Khi đất nước bị chia hai năm 1954, Đà Nẵng là tiền đồn canh chừng và
ngăn chận CS Bắc Việt Nam. Năm 1968, CS chiếm Huế. Đà Nẵng đứng vững và
tiếp ứng giải cứu Huế. Năm 1972, CS chiếm Quảng Trị, đe dọa Huế, Đà Nẵng
trở thành hậu phương cho quân đội VNCH tiến ra đẩy lui quân CS. Năm
1975, khi Đà Nẵng bị lọt vào tay CS thì các tỉnh miềm Trung không còn
đứng vững.
Tuy giới lãnh đạo VNCH chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự thất bại,
nhưng số phận đất nước chúng ta đã bị các cường quốc chi phối theo đường
lối chính trị giai đoạn của họ trong chiến tranh lạnh toàn cầu. Tệ hại
nhất là CSVN cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, chỉ vì tham vọng độc
tài toàn trị, nên mới gây ra chiến tranh trong 30 năm dài. Ngày nay CSVN
còn âm mưu bán nước cho TC để duy trì địa vị.
Kể từ ngày 29-3-1975, những người có điều kiện và phương tiện rời Đà
Nẵng, thoát khỏi chế độ CS. Người Đà Nẵng nói riêng và người Việt Nam
nói chung, dầu đi ra nước ngoài, vẫn luôn luôn mang theo trái tim Việt
Nam và quyết tâm tiếp tục tranh đấu nhằm quang phục quê hương. Lần nầy,
không còn súng đạn, không còn cách nào khác hơn, thì người Việt chúng ta
tranh đấu bằng chính trị bất bạo động.
Cuộc tranh đấu bất bạo động bảo vệ dân quyền và nhân quyền do Phan Châu
Trinh khởi xướng từ đầu thế kỷ 20, nay ứng dụng trở lại trong trào lưu
dân chủ hóa toàn cầu, không phải là không có kết quả. Có hai sự kiện
chúng ta cần chú ý về kết quả tranh đấu bất bạo động:
Thứ nhứt, một trong những tác nhân mạnh mẽ khiến chính phủ Hoa Kỳ thay
đổi chính sách, rút quân khỏi Việt Nam là phong trào phản chiến bất bạo
động và truyền thông Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ không thất bại trên chiến
trường, nhưng đã thua từ trên đất Mỹ.
Thứ hai, xin mọi người thử nhớ lại xem. Khi ra đi năm 1975, mấy ai nghĩ
rằng dưới chế độ CS độc tài sắt máu, Việt Nam lại thay đổi như ngày nay?
Sự thay đổi nầy không phải tự nhiên mà có. Nếu người Việt hải ngoại
không bám sát tình hình Việt Nam, nếu người Việt hải ngoại không vận
động liên tục khắp năm châu, đánh động dư luận thế giới, áp lực về mọi
mặt (chính trị, kinh tế, viện trợ…) và yểm trợ anh chị em trong nước đòi
hỏi dân chủ, thì CSVN vốn bảo thủ, ngoan cố, tham quyền cố vị, đời nào
CSVN chịu mở cửa dần dần từ năm 1985?
Ngày nay, nếu chúng ta tận dụng sức mạnh của các phương tiện truyền
thông tân tiến, kiên nhẫn vận động bất bạo động, như Phan Châu Trinh
trước đây, đòi hỏi dân quyền, nhân quyền, vận động dân khí tức tinh thần
dân chúng, ủng hộ các phong trào dân chủ quốc nội, vạch trần tội phản
quốc của CSVN, chắc chắn sẽ đưa đến những thay đổi mới hoặc nhân dân
Việt Nam trong nước sẽ vùng lên giải thể chế độ CS.
Trong khi đó, ở trong nước, càng ngày CSVN càng phơi bày bản chất gian
manh, tham nhũng, bán nước nên dân chúng không còn sợ hãi như trước đây.
Dân khí tức tinh thần dân chúng đang trổi dậy, nhất là với sự hỗ trợ
của người Việt hải ngoại và dư luận thế giới. Những vụ dân oan khiếu
kiện, những bloggers đòi hỏi dân chủ, những cuộc biểu tình chống TC, tuy
hiện nay chỉ là những đóm lửa nhỏ đơn lẻ, nhưng sẽ đến lúc có thể làm
bùng lên thành cuộc cách mạng dân chủ, nếu tâm lý quần chúng được chuẩn
bị đầy đủ hơn và sẵn sàng cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi.
Xin mọi người, hãy ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất những cuộc tranh đấu
bất bạo động hiện nay ở trong nước để giải thể chế độ CS, thoát khỏi
cảnh lệ thuộc TC. Cuộc vận động chính trị bất bạo động là một tiến trình
lâu dài. Xin hãy kiên nhẫn liên tục vận động, vì lịch sử cho thấy rằng
chính nghĩa dân tộc, tự do, dân chủ chắc chắn sẽ tất thắng.
(San Jose, 29-3-2015)
______________________________________
(1) M. Taylor Fravel, Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and
Conflict in China’s Territorial Disputes, Princeton NJ: Princeton
University Press, 2008, tt. 62, 268-269; và Clarence J. Bouchat [trung
tá Không quân Hoa Kỳ], The Paracel Islands and U.S. Interests and
Approaches in the South China Sea, US Army War College: SSI Strategic
Studies Institute, 2014, tt. 33-34.