13/3/15

Con đường xưa ta đi


Gió đông lướt qua trên cành cây khẳng khịu với nụ non còn yên ngủ, nắng chiều dìu dịu tắt dần trên bãi cỏ còn đọng màu tuyết trắng. Mặt trời chênh chếch về Tây, rồi biến mất, chỉ để lại vệt đỏ thẫm, khuất sau dãy phố phía Tây. Ðêm mùa đông về  vội vã và bóng tối sẽ không che phủ tất cả các con đường vì vĩa hè ngập ánh đèn điện trước khi những tia sáng mặt trời cuối cùng tắt lịm. Thành phố không ngừng nghỉ, tiếp tục nhịp sống của ngày đã qua, tấp nập, ồn ào. Bàn tay ai hững hờ bật sáng đèn trong nhà, buông tấm mành cửa sổ, đóng lại thế giới bên ngoài, không gian nhỏ bé bỗng chốc trở nên thầm lặng...
Bây giờ mới đầu năm, nhưng hình ảnh của tháng tư oan nghiệt năm 1975 đã lởn vởn, chập chờn trong trí. Giòng kỷ niệm dẫn về quê hương yêu dấu. Từ bên phía cực Tây của châu Âu, tôi nhìn về dải đất phía cực Ðông, ven bờ biển Thái Bình, bước từng bước thầm trên con đường tưởng tượng, không có thứ tự nhất định nào, bước ngắn, bước dài, theo bóng những hình ảnh chợt đến, chợt đi, trong trí nhớ đã sa sút. Có những con đường tôi chưa bao giờ đặt bước chân, có những vùng đất tôi chưa bao giờ tới. Nhưng những địa danh nghe qua từ tấm bé, những vùng xa xôi, hẻo lánh mang tên các chiến sử, đã ghi dấu trong ký ức, thành hoài nệm ôm ấp cả một đời. Thời gian đi quá nhanh, chưa kịp kể hết cho nhau nghe những chuyện đời gian truân trong và sau cuộc chiến, mái tóc đã bạc màu.Giấy bút nào mới có thể tả hết nỗi khổ của người Vệt-Nam trong hơn nữa thế kỷ vừa qua.
Khi tôi vừa mới lớn thì chiến tranh đã có mặt trên quê hương, đêm đêm nghe tiếng súng xa vọng về thành phố. Dù vậy người miền Nam chúng tôi biết được tất cả tin tức bên ngoài, không bị bịt mắt, nhốt kín sau bức màn sắt như các bạn ngoài Bắc. Nhìn sự tiến triển của thế giới, hầu như ai trong chúng tôi thời đó cũng mang mộng hải hồ. Tôi rời Sài Gòn vào đầu năm 1970, khi cuộc chiến bước vào khúc quanh quyết liệt, mang theo những tự tình không diễn tả được. Ngày cất bước ra đi, tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng mình sẻ trở về sau khi thành tài. Trở về là một sự dĩ nhiên, hầu như là bắt buộc. Năm, sáu năm trong dự định nay đã kéo dài gần nữa thế kỷ, dài hơn nữa đời người.
Thời ấy bọn du học sinh chúng tôi phải đương đầu với những dư luận sai lầm về cuộc chiến đang xảy ra trên đất nước mình, mặc dù mặt nạ ‘Chiến tranh du kích của đoàn quân dép râu, chống Mỹ cứu nước’, theo lời tuyên truyền của đảng cộng sản Vệt-Nam và sự a dua của các nhóm phản chiến, thiên tả ở Âu Châu, đã rơi xuống sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Nỗi nhớ mái gia đình yên ấm, nỗi xót xa từng ngày khi nghe tin từ trận tuyến, những lần cúi đầu khóc thầm trước ánh mắt thương hại của người bản xứ, khi họ biết mình đến từ Vệt Nam, đã là động lực thúc đẩy chúng tôi tham gia các sinh hoạt của hội sinh viên, từ ngày mới đặt chân đến xứ Ðức lạnh lẽo nầy.
Vào mùa Giáng sinh , chúng tôi chia nhau ra đường phố, đứng khắp các góc đường, bán thiệp, lạc quyên giúp cô nhi ở quê nhà. Tiếng rao của chúng tôi giữa phố đông người, chìm mất trong tiếng động của thành phố lớn, như tiếng khóc của các em bé, vì chiến tranh, bỗng chốc trở thành cô nhi, lạc lõng trong thế giới loài người. Tâm tình người sinh viên trẻ trên đất người được gói ghém trong các tờ báo, xuất hện trên khắp nước Ðức, từ giữa thập niên 60 đến giữa thập niên 80, tại những thành phố có đông các bạn Vệt Nam theo học. Ðây là những tờ báo Vệt Ngữ đầu tiên phát hành trên nước Ðức, cho số độc giả khoảng 1600 người, cả sinh viên và kiều bào, chủ trương thân hữu, nối giây liên kết giữa những người con xa xứ.
Vài tờ báo cũ, phát hành trước 1975, còn giữ trong tư liệu

Tần ngần trước chồng báo cũ, bị bỏ quên bao năm trong xó nhà, tôi hình dung lại con đường dài đã đi qua, mờ mờ sau lớp bụi thời gian. Tuổi niên thiếu hện ra trước mắt với những ước mơ đầu đời, khi thật vĩ đại, khi thật giản dị, tầm thường, vui, buồn, lẫn lộn. Cầm tờ ‘Con Cua’, tờ báo không định kỳ của nhóm Sinh Viên Quốc Gia, trẻ nhất lúc ấy tại đại học Stuttgart và Hohenheim, chợt phì cười. Những con cua ‘Nhí’, ngày xưa đã từng kẹp bọn cộng con đau điếng, giờ đây tản mác khắp nơi, như đời người Vệt Nam tan tác.
Trong số báo chí truyền thông tại Âu Châu, lẽ dĩ nhiên cũng có sự hiện diện, len lõi của nhóm thiên tả, muốn lũng đoạn hàng ngũ sinh viên quốc gia, bênh vực cuộc chiến tranh đẩm máu, tiến chiếm miền Nam của cộng quân phương Bắc.
Song song với hoạt đông báo chí, xã hội, chúng tôi còn góp sức vào các chương trình văn hoá, giới thệu quê hương yêu mến cho người bản xứ.
Xuân Quý Mùi 1973, Stuttgart
Đêm Việt Nam 04/07/01973, Stuttgart

Từ ngày xa xứ, tôi chỉ có thể theo dõi tình hình chiến sự qua bản tin thường nhật trên đài truyền hình, các thiên phóng sự đăng trên các nhật báo và tuần báo. Mỗi tên chiến trường, mỗi con số thương vong là thêm một nỗi hoang mang, ray rứt, lo cho sự bình an của người thân đang ở giữa lòng cuộc chiến. Những tên ban đầu xa lạ như Bình Long, An-Lộc, Dakto, Khe Sanh, Toumorong, Charlie...nghe thét rồi quen, không thể tách rời ra khỏi nỗi nhớ, chất đầy ắp trong lòng.
Bên nầy bọn sinh viên thiên tả càng ngày càng lộng hành, thành phần thứ ba bỏ mặt nạ hoà giải, bôi lên lớp da mặt dày màu máu đỏ, công khai phản bội xương máu của các chiến sĩ và đồng bào. Cựu tùy viên văn hóa toà Ðại sứ VNCH, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, một người trẻ tuổi đầy nhệt huyết, đã cố công triệt hạ bọn thiên tả, đề nghị cúp thông hành của chúng. Không ngờ chị lại trở nên nạn nhân của các quan viên tham nhũng bên nhà, bênh vực lũ con phản bội. Tại Stuttgart, bọn thân cộng còn nhận được sự bảo trợ của các chính trị gia thiên tả, như Peter Conradi (SPD), mục sư Tin Lành Widman. Vì vậy bọn chúng không hề suy xuyển, trái lại chị Lan bị đổi sang Mỹ, nhận nhiệm vụ khác.
Trước tình trạng nguy cơ của đất nước, một số các sinh viên quốc gia, chính thức dấn thân vào vệc đấu tranh chính trị. Trại hè đầu tiên được tổ chức tại Kirchheim vào mùa hè năm 1972.
Liên đoàn sinh viên tự do ra đời với tờ báo Tự Lực, phát hành lần đầu vào đầu năm 1973.
Trại hè của Liên Ðoàn Sinh Viên Việt Nam tự do
Mùa hè năm 1973 tôi trở lại thăm nhà. Trong dịp ra miền Trung, đi qua đại lộ Kinh Hoàng, đến tận bờ Thạch Hãn, tôi đã nhìn tận mắt những chứng tích đau thương của mùa hè đỏ lửa, còn sót lại trên đất mẹ đầy thương tích. Mang trong lòng cái tang người anh trai tử trận, tôi oán hận tất cả những người ‘phía bên kia’, đã biến miền Nam thân yêu của tôi thành chiến địa, đầy xác người dưới những hố hầm.
Vết thương trên quê hương còn rỉ máu, Tàu cộng tiến đánh Hoàng, Trường Sa đầu năm 1974, có lẽ dưới sự thỏa thuận của chính quyền cộng sản miền Bắc. Tin đến từ quê hương trong mùa đông giá lạnh. Thổn thức! Bàng hoàng! Ðoàn sinh viên trẻ kéo nhau ra đường giữa trời mưa tuyết, co ro trong tắm chăn mỏng mượn của hội Hồng Thập Tự, tuyệt thực, biểu tình đòi lại công bằng cho dân tộc, đã chịu nhiều đau khổ về chiến tranh. Tôi còn nhớ, ngày ấy bọn cộng con lẫn mất, chúng còn cho rằng đó là thủ đoạn chính trị của VNCH, để đánh lạc hướng tình hình chiến sự bên nhà.
Biểu tình Stuttgart 1974
Biểu tình Bonn 1974

Từ ngày từ giả quê hương lần thứ hai, trở về Ðức tiếp tục học trình, cho đến tháng tư 1975, không đầy hai năm, đất nước bước vào giai đoạn đau thương mới, thảm cảnh không cùng của thế kỷ thứ 20. Chiến tranh chấm dứt, đóng lại trang sử viết bằng máu thịt của trên 3 triệu người dân cả hai miền Nam, Bắc, bằng bao nhiêu giòng nước mắt chảy dài trên các cảnh đời đau khổ, tử biệt sinh ly, bằng chiếc khăn sô quấn vội trên đầu đứa bé. Vô số hình ảnh nằm trong ngăn nào đó của não bộ, bỗng đâu kéo tới nhảy múa trước mắt tôi như một cuốn phim câm. Từng đoàn người kéo chạy từ miền Trung vào Nam, bằng tất cả phương tiỆn giao thông kiếm được, đường bộ, đường thủy và cả bằng máy bay, theo lệnh rút quân của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Người rơi nhanh xuống lòng biển, bàn tay cố bám vào chiếc trực thăng, chơi vơi trong khoảng không định meejnh. Sài Gòn đang hấp hối, di tản, bỏ chạy, đầu hàng, xác người trên cầu xa lộ, xe tăng cộng quân tiến vào thành phố... 40 năm sau vẫn không muốn tin là sự thật.
Tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại cũng không đành lòng khoanh tay đứng nhìn Sài Gòn tắt thở, cố gắng làm tất cả những gì trong khả năng nhỏ nhoi, mong sự ủng hộ của thế giới tự do cho trận chiến cuối cùng:
  • 9/01/1975: Liên đoàn sinh viên tự do ra tuyên cáo ủng hộ phong trào tranh đấu tại quốc nội phản đối cuộc tấn chiếm miền Nam bằng vũ lực của Bắc Việt và lên án Bắc Việt cùng MTGPMN vi phạm hiệp định Paris.
  • 16/01/1975: Khối văn hoá tổ chức buổi thảo luận về tình hình chiến sự tại quê nhà.
  • 18/01/1975: Tuyên cáo của hội Sinh Viện Việt Nam tại Stuttgart (VVSS) về hiện tình miền Nam bị cộng sản xé hiệp định Paris, đánh Phước Long .
  • 21/03/1975: Tuyên cáo của VVSS về tình hình khẩn trương trước việc Bắc quân chiếm các tỉnh cao nguyên và kêu gọi sự giúp đỡ của mọi tổ chức hầu xoa dịu nỗi thống khổ của đồng bào chạy loạn.
  • Xin lên tòa giảng trong các buổi lễ ngày Chúa Nhật để trình bày thảm cảnh của người tị nạn.
  • Một số sinh viên Công giáo Stuttgart ra thư ngỏ, phản đối các Linh Mục thân cộng Lưu Hồng Khanh, Hồ Ðỉnh và sơ Thanh (Paris) đã vì ý thức hệ, làm ngơ trước thảm cảnh của đồng bào.
  • 05/4/1975: Cuộc tuyệt thực 24 giờ của 20 SVVN trên đại lộ chính Stuttgart để phản đối Bắc Việt trắng trợn vi phạm hiệp định Paris, mở cuộc tấn công vào các đô thị miền Nam. Ðồng thời một số các anh chị em trưng bày hình ảnh về cuộc tấn công của cộng sản, phát truyền đơn, thu thập chữ ký chống lại sự vi phạm của CS . Cuộc tuyệt thực đã được đài truyền thanh, truyền hình địa phương và hai tờ báo lớn nhất, Stuttgarter Zeitung và Stuttgarter Nachrichten loan báo.
  • 12/4/1975: Biểu tình và tuyệt thực tại Bonn do Liên Ðoàn Sinh Viên Tự Do tổ chức.
  • 26/4/1975: Ðêm không ngủ ‘Hướng về Tổ Quốc’ tại Stuttgart để hòa mình với sự đau khổ mà toàn dân đang gánh chịu.

Nhưng có làm gì đi nữa, tất cả hi vọng đều trở thành vô vọng!!! Sài Gòn thất thủ!!! Tin khủng khiếp đến lúc trời còn tờ mờ tối, sau một đêm khắc khoải, mất ngủ vì lo âu. Hồn tôi chơi vơi trong một khoảng không nào đó, đôi bàn chân hình như đã lìa mặt đất, đầu óc trống trải, mông lung. Ðến sáng hôm sau, bọn chúng tôi vào giảng đường đại học, tìm chút ấm từ bạn bè cùng chí hướng, nhìn nhau trong ngấn lệ, không biết chảy ra tự lúc nào. Buổi trưa đến quán sinh viên, nhìn bọn’cộng con’, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, trơ trẽn vui mừng, tôi không ngăn được sự căm thù dâng lên tự đáy lòng. Ngày 19 tháng năm, sinh nhật ông Hồ, họ tổ chức đêm văn nghệ ăn mừng trong giảng đường lớn nhất đại học. Chúng tôi tụ tập trước lối vào, phát truyền đơn, tố cáo hành động gian manh của cộng sản và yêu cầu khán giả không tham dự. Số đông khán giả, vì vậy bỏ đi, không vào xem nữa. Giảng đường bỗng trở thành quá lớn, so với số khán giả lèo tèo, phần đông là những người thiên tả. Ðấy là một chiến thắng nho nhỏ của nhóm sinh viên quốc gia trong những ngày đầu mất nước, vẫn còn mang bầu nhiệt huyết trong hoàn cảnh mới. Ðể trả thù sinh viên quốc gia, ba tên cộng con ra tố cáo với cảnh sát Ðức chúng tôi đã hăm doạ bọn họ. Vì vậy một số các bạn cư ngụ tại cư xá sinh viên Stuttgart-Vaihingen bị cảnh sát lục soát vào lúc 2giờ sáng. Những khuôn mặt hí hởn năm nào, nay vẫn còn bành bành, hiện diện ở đây, hưởng tự do, no ấm, vay mượn xứ người. Hầu như không có ai trở về sống trên đất nước được đồng bọn ông Hồ giải phóng. Thậm chí họ còn mang cả gia đình qua đây xin ‘tị nạn cộng sản’.
Ngày 30/5/1975 sinh viên quốc gia tại Tây Ðức họp mặt và biểu tình tại Bonn để gióng lên với dư luận Ðức tiếng nói bất khuất, vẫn kiên trì tranh đấu cho cho một miền Nam tự do, không cộng sản, mặc sự đe doạ của bọn theo cộng (Thư ngõ của tờ báo CS Ðoàn Kết ngày 10.05.1975 và Niềm Tin ngày 5/5/1975).
Hi vọng ngày đất nước hoà bình trong tự do, độc lập đã không còn, những ngày thấp thỏm chờ tin từ trận tuyến cũng không còn nữa, chỉ còn lại nỗi lo, từng ngày mong ngóng tin gia đình. Bây giờ cả gia đình tôi đang ở đâu, còn bình yên sống trong căn nhà cũ, đang lang thang trên một nơi nào tại đất nước mình, hay là trên một bến bờ xa lạ?
Còn chúng tôi? Thân phận người mất nước! Khi ra đi mang trên mình giấy thông hành VNCH, nay không còn hiệu lực. Quyết định xin thông hành tị nạn (Asylpass) là chuyện đau lòng. Cầm sổ thông hành với hàng chữ 'Vô tổ quốc' (Staatenlos) nghe xót xa tận cõi lòng. Tổ quốc tôi, dân tộc đã cưu mang tôi vẫn còn đó, sao gọi là vô tổ quốc...
Từ trong đêm đen khắc khoải, hầu như là tuyệt vọng, ánh sáng niềm tin bùng cháy. Tuổi trẻ Việt nam tại hải ngoại không cúi đầu. Phong trào đấu tranh chống cộng sản, hùng mạnh hơn giữa trời Âu. Tổng hội sinh viên Paris với những bản nhạc để đời Ai trở về xứ Việt, Còn ai thương dân tôi, Thằng bé tát dầu của nhạc sĩ sinh viên Phan văn Hưng. Trên vương quốc Bỉ, nhóm Nhân Bản Dân Tộc Văn Nghệ Ðoàn với những khúc hùng ca, tạo khí thế trong cộng đồng người Việt. Trong đám đông tuổi trẻ ngày hôm ấy, có người hùng đã trở về kháng chiến, mang sinh mạng đền nợ nước. Hình ảnh liệt sĩ TRẦN VĂN BÁ giản dị, lè phè trong ngày đại hội thể thao năm nào, vẫn còn in trong trí. Tin anh Bá bị nhà cấm quyền cộng sản Việt nam xử bắn ngày 08/01/1985 cùng với hai người hùng dân tộc Hồ Thái Bạch, Lê Quốc Quân là cái tang lớn cho toàn thể sinh viên Việt nam tại Âu Châu. Riêng tại Ðức, các sinh viên ngoài việc tiếp tục công cuộc đấu tranh đòi hỏi nhân quyền cho dân mình, bắt tay vào việc giúp đỡ người tị nạn mới tới. Sát cánh với đồng hương tị nạn cộng sản, anh chị em đã hoạt động hăng hái trong tất cả các lãnh vực chính trị, văn hoá, xã hội, báo chí. Tới đầu thập niên 90, vì con cái, gia đình, công ăn việc làm, mỗi người một hướng.

Biểu tình - tuyệt thực tại Bonn Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 1978

Biểu tình - Bonn 1984
Các nghệ sĩ tí hon, giờ đã trưởng thành

Một số báo chí phát hành sau 1975
Nhìn lại hình ảnh cũ, niềm kiêu hãnh nho nhỏ, len lén vào kỷ niệm. Nhớ những đêm Tết xưa với chủ đề hướng về quê hương như ‘Còn ai thương dân tôi, Ta là người Việt nam, Những nẻo đường Việt nam v.v.’, được thực hiện với phương tiện eo hẹp của các nghệ sĩ bất đắc dĩ, sinh viên và đồng bào tị nạn. Cả chục năm sau, các sân khấu lớn như Asia, Thúy Nga đã dùng làm đề tài cho những buổi đại nhạc hội thu băng.
Sau ngày đau thương 30.04.1975, kho tàng ngôn ngữ của người miền Nam thêm một số chữ mới, chỉ dành cho họ, bên thua cuộc: nguỵquân, tù cải tạo, vùng kinh tế mới, đi chui, vượt biên, thuyền nhân, cướp biển, tị nạn ...Tiếp theo những bước chân vội vã khi Sài Gòn đang thở hơi cuối là những chuyến vượt biên trên các con thuyền mong manh , giữa đại dương bao la, nghiệt ngã, vô tình; hay bước đi quạnh quẻ, âm thầm của đoàn người, bất chấp nguy hiểm, vượt rừng, tìm bến tự do. Thế giới chứng kiến lần thứ hai cuộc bỏ chạy của hằng triệu người Việt trước hiểm họa cộng sản, sau cuộc di cư vĩ đại của một triệu người miền Bắc bỏ quê vào Nam năm 1954. Danh từ thuyền nhân ‘Boat people’ đã làm rúng động lòng người khắp năm châu, trở thành một từ ngữ mới của nhân loại. Bao nhiêu người đã kể lại những hãi hùng của các lần bị cướp biển, hãm hiếp, đắm tàu, chết đói, lạc đường, mạng sống còn mong manh hơn làn gió thoảng. Nhưng cái càng làm tôi dày vò hơn là sự tàn nhẫn của lính biên phòng đối với người vượt biên. Khi nghe đứa cháu kể lại, em trai nó, mới có 13 tuổi, bị chết bắn trên chiếc thuyền con, viên đạn thủng qua đầu, từ trước trán, xuyên tận sau ót, tôi rùng mình. Những tên hải tặc không lương tâm, giết người, giựt của, ta gọi là cướp. Còn loại người giết chính dân mình, thường dân, đàn bà, con nít trên đường chạy trốn, thậm chí còn những vụ hãm hiếp, hại chết đời người trinh nữ Việt nam, phải gọi là gì cho đáng? Quỷ? Ma?
Một lần tôi trở về, đi từ Bắc xuống Nam, lặn lội qua các làng mạc xa xôi hẻo lánh. Những gì tôi thấy và nghe từ người dân vô tội, nghèo khổ, lam lũ ở miền Bắc giúp cho tôi có cái nhìn khác, danh từ ‘Phía bên kia’ đã xóa dần trong tâm hồn của tôi. Tôi đã hiểu rằng từ ngày đảng cộng sản độc chiếm Việt Nam, thì hầu hết dân đen của hai miền Nam, Bắc đã trở thành ‘Bên thua cuộc’, thua mãi cho đến bây giờ, gần bốn chục năm. Bóng tối ngục tù trong một xã hội đầy đe dọa vẫn còn bao trùm trên quê hương yêu mến. Kể từ hôm ấy, tôi không về Việt Nam nữa.
Chuyện chúng mình những mảnh đời gian khổ,
Trong nấm mồ chôn giấc mộng tuổi thanh xuân.
Từ hôm nao tình thân chia đôi ngã,
Chung một nhà phương Bắc cách phương Nam.
Quay lưng đi bỗng trở thành địch thủ,
Đối mặt thù nhận dện lại anh em.
Máu thằng anh thấm đồng hoang bên ấy,
Rừng bên nầy vùi thân xác thằng em.
Để tim mẹ muôn vàn lần đau đớn,
Cha già hơn khi tin dữ bay về.
Chị ngoài kia khăn tang chồng vội quấn,
Xác người thân em đi nhận bên nầy.
Hai phương trời hai cuộc tình dang dở,
Ôm con thơ nghe tan vỡ trong lòng.
Nhiều nghệt oan chất chồng đời bất hạnh,
Ai nỡ đành giết tuổi trẻ dân mình.
Rồi một ngày khi cuộc chiến đã tàn,
Tiếng oán than lớn dần theo ngày tháng.
Lính Cộng hòa trở thành tù cải tạo,
Hồn lao đao chết lịm buổi đi trình.
Anh bộ đội chiến thắng về tàn phế,
Sống bên lề lây lất kẻ thương binh.
Anh công gì, còn tôi người vô tội,
Đắng trên môi ta cùng khóc một lần.
Vệt-Nam đâu, lệt oanh không còn nữa,
Họ đã lừa đem bán cả giang sơn.
Ải Nam Quan mờ xa đường biên giới,
Bia ngàn đời dựng quốc của cha ông.
Đảng cắt đất để dân ngàn giọt tủi,
Họ chôn vùi khí tiết của tiền nhân.
Hoàng Trường Sa sóng gầm bờ hải đảo,
Gió lao xao hồn tử sĩ nghẹn ngào.
Bạn tôi đó bỏ thân trong lòng biển,
Giấc triền miên còn thương nước nhớ nhà.
Rồi bạn anh cũng nằm yên nơi ấy,
Anh có hay họ chết chống giặc Tàu.
Yêu quê hương cả hai cùng một lối.
Hết đơn côi họ nằm cạnh nghìn đời.
Tóc tôi bạc, da anh màu sương gió,
Trời còn cho để lại chút đời thừa.
Ánh mắt tôi chứa tình anh trong đáy,
Nỗi đắng cay nhìn dân khổ mà thương.

(viết vào ngày 04.5.2013)
Quay bước trên con đường cũ, không tránh khỏi những ray rứt trước bao đổi thay. Con đường thẳng tấp ngày xưa, nay sao nhiều lối rẽ, vài người bạn mất hút trong các khúc quanh. Kẻ đi xa khuất bóng, qua bên kia cầu định mệnh, người bỏ lý tưởng, quên người đồng hành từ bao năm qua.
Vào thời điểm Sài Gòn thất thủ, số người Việt tại Ðức chỉ có khoảng 1600 người, nhưng con số người đi biểu tình đều trên dưới 300. Vào đầu thập niên 80, có những lúc con số lên đến hơn 500 người, nhờ sự tham gia nhiệt tình của các đồng bào tị nạn, mới chân ướt chân ráo nơi xứ lạ quê người. Kể từ ngày chính quyền cộng sản dùng đòn thâm độc, ‘đem chùm khế ngọt’đón ‘khúc ruột ngàn dặm’, cho người tị nạn tự do về nước thì tập thể người Việt tại hải ngoại nói chung, và tại Ðức nói riêng đã bị phân hóa, phong trào tranh đấu như chùn xuống. Ai không muốn nhìn lại người thân, xóm giềng, một số người vì vậy đâm ra dè dặt. Tôi cảm thông tấm lòng của những người vì thân nhân, vì mồ mả tổ tiên, vì nỗi nhớ quê hương, phải ngậm đắng, nuốt hờn, về thăm Việt Nam. Tôi cũng kính phục những người vì tình thương đối với dân mình, đã âm thầm trở lại trong các công tác xã hội. Nhưng không thể nào chấp nhận hình thức áo gấm về làng, ăn chơi, gái gẫm, quên đi những ngày tù tội, khổ nhục trong các trại tù cải tạo, những hãi hùng trên bước đường vượt biên tìm tự do. Tệhại nhất là những người vì lợi lộc cá nhân, bỏ đi lý tưởng, về Việt Nam làm ăn, cam tâm trở thành công cụ của chính quyền cộng sản. Ngay chính những sinh viên quốc gia, một thời chống cộng ồn ào, nay trơ trẻn, đem bán lý tưởng làm vốn kinh doanh với kẻ thù, mà còn trở lại đây lập hội, nhi nhô.
Những tranh chấp gần đây trong cộng đồng người Việt hải ngoại nhắc tôi đến tình trạng chính trị rối beng của VNCH vào thập niên 60, gây bởi một số người trí thức, bị cộng sản giật dây, mang chiêu bài hoà hợp, hoà giải để phá rối chính quyền miền Nam, đâm sau lưng chiến sĩ Cộng Hòa, khi tỉnh giấc thì đã quá muộn màng, quê hương tự do ngày xưa không còn nữa. Hiện nay tại Ðức xuất hiện khuynh hướng chính trị mới, muốn tìm ngã rẽ, bắt đầu bằng việc né tránh cờ vàng, lấy cớ lôi kéo số người từ xưa tới nay vốn lừng khừng và các anh chị em trước đây làm việc ở Ðông Âu. Thành công đâu chưa thấy, nhưng đã gây nhiều xáo trộn, chia rẽ trong cộng đồng người Việt. Thay vì cố gắng nâng cao chính nghĩa quốc gia, để mong tụ họp tất cả những người con mẹ, yêu chuộng công lý, nhân quyền lại muốn chối bỏ biểu tượng thiêng liêng nhất của tự do, nhân bản, là lá cờ vàng. Chiêu bài này cũng chẳng có gì mới lạ vì bọn sinh viên thiên tả đã sử dụng từ hơn 40 năm về trước. Hãy lắng nghe tiếng nói của những người tuổi trẻ, viết cách đây hơn 40 năm:
‘Phải nói thẳng đây là một hành động sỉ nhục quất vào mặt những sinh viên đi từ miền Nam mà không được chính thức treo cờ và hát quốc ca trong ĐÊM VT NAM cho người ngoại quốc. Hãy đừng nói đến dân tộc Việt Nam, quốc gia Việt nam nữa, khi chính biểu tượng quốc gia thiêng liêng nhất mà chúng ta còn không dám nhận.
(Nhóm sinh viên Quốc Gia Stuttgart - 1973)

Con đường xưa trước mắt tôi, bỗng xuất hiện vết xe lăn, đã đưa dân tộc vào vũng lầy, chưa thoát ra được. Xót xa! Bùi ngùi! Bánh xe lịch sử lại xoay vần, mong rằng không còn ai rơi vào hố cũ.

Stuttgat, 19/01/2015
Dr. Bùi thị Bạch Phượng
(Viết theo tư liệu và những tin tức trong các số báo cũ còn giữ lại)

Đăng bởi Việt Agenda
vietagenda.org/index.php?option=com_content&view=article&id=396:110315tzfxr4gosw6&catid=93:ttm-world&Itemid=491