31/3/15

Toàn bộ cuốn DVD "Đại Họa Mất Nước"

Đại Họa Mất Nước



Có Một Thời ( 40 năm về trước )

Có Một Thời ( 40 năm về trước )

Nguyen Hanh Hoang Thi Doan

                                   Có một thời dâu bể
                                   Nước mắt là huyết lệ
                                   Nụ cười chỉ tái tê
                                   Đời chìm vào cơn mê...

      Tôi muốn nói đến cái mốc thời gian cách đây 40 năm chính là tháng tư đen , nhưng lại là dấu ấn thắm màu máu đỏ đóng trên trang sử Việt Nam cũng là lằn ranh phân định  hai đoạn đời trước, sau năm 75 của người dân miền Nam nói chung và đời nhà giáo của tôi nói riêng, thật hoàn toàn tương phản!
      Đoạn đời trước đó, với ngôi trường phượng đỏ, tường hồng, còn ghi khắc bao kỷ niệm dễ thương mà tôi đã từng chia sẻ với học trò, với bạn bè. Ngược lại, đoạn đường sau này, dù ngắn ngủi hơn nhưng đã để lại cho đời mình những nỗi bi hài thâm thúy vô cùng!
      Xin chia sẻ với những ai chưa từng sống với "họ", những người đã may mắn ra đi sớm nhất và chưa hề biết Cộng sản là gì?!

                        Bức thư viết bằng máu!

      Người Huế hay nói: " Láo thiên láo địa, láo từ chợ Sịa láo vô ". Thật oan cho người Sịa. Tôi đã ở lại 14 năm sau 75,
nếu hỏi tôi ai láo nhất đời, tôi xin tặng ngay cho họ " Giải Nobel nói láo ". Láo từ trên xuống dưới, láo từ trong ra ngoài, láo từ  trước đến sau, láo có hệ thống, có chỉ huy, có áp lực.
       Khi xảy ra chiến cuộc với Trung Quốc năm 1978, con tôi đang học ở trường Đại học Bách khoa- Phú Thọ. Bọn đoàn viên mà mọi người gọi là bọn " ba mươi " làm nhiều điều xu phụ, nịnh bợ để giành quyền lợi vật chất, để phấn đấu vào đảng... Nhưng đến khi phải hy sinh như việc phải ra chiến trường chẳng hạn thì họ tìm cách đẩy bọn con em "nguỵ" đi trước. Khi chiến cuộc bắt đầu hơi căng, chúng bày trò " Cắt tay lấy máu viết lá huyết thư " đưa lên Thành uỷ xin tình nguyện nghỉ học để lên đường đi đánh Trung Quốc. Con tôi không biết gì cả, tự nhiên sáng dậy vào trường thì đã thấy tên mình đứng ngon lành trên bức thư viết bằng máu đòi bỏ học để lên đường cứu nước!!! Nhìn lại ngón tay mình đâu có đứt. Máu chó hay mực đỏ ? Hỏi quanh mấy thằng bạn, có nhiều đứa cũng con "nguỵ", cũng không đoàn viên, cũng không tình nguyện, cũng không " đứt tay " mà cũng có tên trên bức huyết thư đó!
       Bức thư dâng lên Khoa trưởng, Khoa trưởng dâng lên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, Chủ tịch chấp thuận. Thư in lên báo, báo chí ca cải lương thêm, định ngày tháng rõ ràng trong hai tuần nữa là làm lễ xuất quân. Phát áo quần hành trang cho từng đứa và ông Chủ tịch sẽ đến dự lễ. Nhà trường ra thông báo ngày trình diện, các " sinh viên tình nguyện " phải mặc đồ nhà binh sẵn, mang ba lô để làm lễ xong là lên đường luôn. Nghe có vẻ là quá dứt khoát, có vẻ là lệnh lạc đã đâu vào đấy rồi. Tuy nhiên ở cuối thông báo có một câu rất mâu thuẫn khôi hài:

                   " Ai trốn trình diện sẽ bị đuổi học "


      À ha! Những đứa đã hăng hái cắt tay mình lấy máu để viết thư đòi nghỉ học để cứu nước, sao lại còn " trốn " nhỉ? Cái ngòi bút của họ sao mà dễ uốn cong đến thế! Cuối cùng cũng lòi đuôi chuột!!!
      Tất nhiên con mình với những thằng con " nguỵ " khác, bèn tẩu vi thượng sách. Không trình diện! Đành phải ra đi thôi, không còn con đường nào khác!

                          Mái tóc của Hiền

      Thời đó, ở trong nghề nhà giáo, tưởng đã núp lén được nhiều, yên thân hơn một chút, hóa ra họ gán cho các Cô mấy chữ " Cái máy cái " để sản xuất ra những cái " máy con "; ấy là các Thầy Cô được dạy nói dốc để đẻ ra những cái máy nói dốc khác, nhất là giáo viên Văn và Sử. Dạy lớp 9, phải ca tụng tác phẩm " Hòn Đất "của Anh Đức trong đó người mẹ là " Bà Cả Xợi " đã phĩnh dỗ được con trai theo "nguỵ" về để cho họ phục kích giết chết. Dạy lớp 11, phải đặt chuyện quan lại phong kiến áp bức nàng Kiều, phải ca tụng Từ Hải là cách mạng v.v... Thiệt là vui !
      Cô bạn dạy Văn kể lại: " Mình nói láo không trôi chảy nên mặt mày dễ bị lộ, cho nên đã có lần một thằng đoàn viên nó báo cáo là khi cô giảng bài, mỗi lần nói đến mấy chữ " Bọn quan lại mục ruỗng " là thấy cô cười méo méo, nửa cái miệng xích qua bên trái. "
      Rồi Cô kể tiếp:
    " Thường thường mình hay khó chịu với những mái tóc dài rũ xuống hai bên má, lòa xòa che cả mặt. Khi cúi viết bài, có em bỏ mặc cho tóc rũ phía trước che hết mặt; có em thì chống cùi chõ lên bàn, đưa một tay chống màng tang, vén bớt một bên tóc, chỉ còn một tay ghi chép một cách chễnh mãng.
       Một hôm, có một em ngồi ở đầu bàn, tóc xõa cả hai bên má, mình vừa giảng vừa bước xuống gần, nói nhỏ " Buộc tóc lên ", không ngờ cô bé cả gan ngước mắt lên nói lại với mình, cũng rất nhỏ: " Thưa Cô, mái tóc của em để xõa hay vén lên là có mục đích. Dạ, em vén lên những giờ khác, còn em xõa để che tai là các giờ Chính trị, Sử và Văn... Than ôi! Mình lại đang dạy Văn, đành cứng họng làm thinh, xấu hổ đến đắng cả cổ, không nuốt nổi nước bọt để mà giảng tiếp. Thế là mình đã quá dại, quá lộ liễu. Dạy Văn là phải nhai lại những giáo án soạn sẵn của họ; giảng Kiều mà kiếm cách chửi bọn phong kiến mục ruỗng áp bức nhân dân, thế cũng còn hơi dễ chứ giảng Kiều mà phải ngoẹo sao cho ra cái " Liên hệ thực tế, liên hệ tư tưởng là chống Mỹ cứu nước " thì thật là khó. Khó, nhưng rồi họ cũng dạy cho để nói được. Nói được, nhưng chắc cái miệng cười méo qua một bên như từng bị báo cáo có ẩn chứa một tình ý gì đó mà Hiền tinh ý nhận ra, mới dám phát biểu một câu nguy hiểm như vậy đó! "

                Tránh mãi cũng không được.

       Mỗi buổi sáng, sau khi ăn một củ khoai, xách chiếc xe đạp mini cũ mèm mà hấp tấp đạp tới trường.
       Hôm ấy ngày khai trường nhưng không phải là " Một sớm mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi " đâu. Tôi đạp hộc xì dầu vừa gần đến trường thì đụng phải một cậu bé cũng đi xe đạp. Đang đi sát trước bên trái tôi, nó quẹo phải, tôi ủi vào, cả hai cùng ngã, may không ai bị gì hết. Thấy cái mặt sốt rét vàng bủng với áo quần màu cứt ngựa, biết ngay nó chính là con nhà " ngoài nớ " vô, tôi liền sừng sộ:
    - Đi chi lạ rứa, đồ khỉ !
      Nhìn một cái tăm bánh xe trước của tôi bị quẹo, nó lúng túng sợ sệt:
    - Cháu xin lỗi, cháu có đưa tay ra hiệu mà cô không tránh.
    - Tránh, tránh cái con khỉ, tránh ba mươi năm ni rồi mà không được, chừ phải đụng đây.
      Tự nhiên, bao nhiêu căm phẫn tôi trút hết lên màu áo cứt ngựa mà tôi đã vốn ghét sẵn:
    - Có biết đây là Saigòn không? Xe đạp là hạng bét rồi, còn ra hiệu cho ai tránh nữa- tôi trề môi kéo dài ra hai chữ " ra hiệu "- về trong rừng của mày mà ra hiệu cho khỉ nó tránh.
     Chưa đủ, tôi còn tặng cho nó một cái nguýt có đuôi rồi mới lật đật vào trường.
     Ai ngờ, Trời phạt! Một sự trùng hợp không thể tưởng tượng được! Ấy là giờ đầu, tôi điệu bộ bước vào lớp 10 C2 với cái vẻ nghiêm trang nhưng " hiền hòa, phúc hậu " của một nhà giáo đầy vẻ bao dung, nở nụ cười đầu năm để chào các em học sinh mới. Cả lớp đứng dậy, thì... ôi thôi, cái thằng bé kia đang đứng ngay ở bàn đầu.
     Trời! " oác " ơi là " oác ", thiệt không biết cách nào mà độn thổ cho rồi. Không biết lúc ấy cái mặt tôi ngượng đến cỡ nào, còn em học sinh kia thì cúi gầm mặt xuống.
    Từ đó, việc dạy lớp 10 C2 đối với tôi là cả một hình phạt tâm lý vô cùng nặng nề, kéo dài trong suốt cả niên học. Không bao giờ tôi quên được thái độ dữ dằn, làm đày làm láo không nhà giáo tí nào của tôi khi ăn hiếp đứa trẻ. Lắm lúc đang giảng bài mà thấy mặt nó, tôi khựng lại, thật ngượng cho cái lớp áo nhà giáo của mình. Cũng còn một chút may không phải là lớp Chủ nhiệm. Nếu không, với cái cách hướng dẫn gần gũi, thân tình của cô Chủ nhiệm, tôi biết ăn làm sao, nói làm sao! Trời phạt tôi cú này thiệt quá nặng!

                        Chỉ vì không có Prozac.
         Năm ấy, tôi làm Chủ nhiệm lớp 10 C3. Sau 75, trai gái học chung, có em Nguyễn văn Quang; em không thích học và cũng không giao tiếp với bạn bè.Tôi Chủ nhiệm nên theo sát để nâng đỡ. Thấy tập vỡ của em ghi chép loạn xà ngầu và thỉnh thoảng giữa bài lại chen vào câu " VC về rồi, đời không đáng sống! ". Ngồi trong lớp em không nghe giảng, thường thu mình lại. Tôi nhẫn nại khuyên bảo, hình như cũng có đôi chút lọt lỗ tai, nhưng rồi đâu cũng hoàn đấy.
     Tôi đến nhà em, tìm hiểu. Nghe cha mẹ bảo là ở nhà em chỉ cuộn mình mà ngủ, thậm chí cũng không muốn ra ăn, không tiếp xúc với ai. Tôi khuyên giải, lại chỉ một câu trả lời: " VC về rồi, đời không đáng sống! ". Tôi khuyên gia đình đưa em đi khám bệnh tâm trí. Kết quả là em bị bệnh trầm uất. Thuốc Prozac chữa được bệnh này nhưng kiếm đâu ra? Nhiều dược phòng tôi quen đã phải vứt thuốc xuống sông, xuống giếng để phi tang cái gọi là tư sản! Mổ xẻ nhiễm trùng còn chịu chết vì không có thuốc trụ sinh, huống chi những thứ thuốc xa vời đó. Tôi có dặn dò là gia đình lưu ý cất giữ những đồ vật nguy hiểm, đề phòng em làm bậy.
      Hè đến, không còn gặp nhau.
      Một hôm, rằm tháng bảy, tôi đang cúi đầu lễ bái tại một ngôi chùa, ngẩng đầu lên tôi bỗng lạnh cả xương sống. Một cái hũ mới toanh với tấm hình và tên: Nguyễn Văn Quang, đặt ở bàn thờ!
     Trời ơi! Sao vậy!? Đã dặn rồi mà! Tôi đạp xe một mạch đến nhà em ở Hàng Xanh. Cớ sự cũng là vậy: Một hôm cả nhà đi vắng, dao rựa đã cất hết nhưng về nhà thì hỡi ơi...        „như thế! ". Một mảnh drap xé dọc làm hai đã kết liễu một cuộc đời !!! 
  
                       Vẫn còn tình thầy trò

      Nói vậy chứ không phải tất cả đều là chuyện buồn! Tôi
vẫn tìm được những tấm lòng và đó là nguồn an ủi của lớp người ở lại như tôi, 14 năm đằng đẵng!
      Có đứa báo cáo mình thì cũng có những đứa méc lại với mình! Có những nam sinh đã hết lòng giúp tôi trong những giờ lao động, những lúc mít tinh.
     Kể không hết những nỗi buồn thấm thía trong những cái gọi là lao động XHCN. Giáo viên phải giữ xe đạp của học sinh để lấy tiền cho trường bằng cách bán vé; rồi giờ tan học phải chạy ra trước để chận xét vé xe. Giáo viên phải bán cà rem, bánh ngọt cho học sinh trong giờ ra chơi, phải chạy ra trước học sinh để kịp bán và phải hấp tấp vào lớp sau học sinh vì còn nạp tiền. Phải xỏ dép nhựa gia công, làm gia công cho các tổ hợp mành trúc. Tiền kiếm được đều nạp cho ban Giám hiệu, cũng không hề nghe báo cáo là họ dùng vào việc gì. Những việc đó làm cho mình nhiều khi nhìn lại mình, không biết mình có còn là " cô giáo " hay không nữa! Nhưng cũng chính trong những giờ lao động đó mà mình tìm thấy được là mình còn có học trò. Các em nam sinh luôn luôn giúp đỡ tôi tận tình trong các công việc nặng. Chúng nó gánh vác hết và bao che khi thấy tôi tinh thần sa sút, chán nản.
     Còn nhớ năm tôi làm Chủ nhiệm cấp lớp 11, có em Trần Quý là một tay anh chị chợ Bà Chiểu. Khi tôi được chia Chủ nhiệm lớp ấy, các bạn đồng nghiệp đều ái ngại cho tôi, nhưng rồi tôi đã phong cho Quý làm Trưởng ban Trật tự kiêm luôn Trưởng ban Lao động. Ấy là tôi khỏe re suốt năm! Những buổi mít tinh, luôn luôn có điểm danh, thành phố kêu có mặt 8 giờ sáng, xuống đến quận còn lại 7giờ, xuống đến trường còn lại 6 giờ rồi Công đoàn trường muốn lấy điểm, lại trừ hao thành ra bắt có mặt 5 giờ sáng! Luôn
luôn Quý dặn dò tôi "Cô cứ ngủ, độ 8,9 giờ Cô xẹt ra một chút cho có mặt để ký giấy điểm danh, còn mọi việc để em ". Quý làm sao không biết, mà mít tinh hoài, tôi chẳng bao giờ mất ngủ mà lớp tôi vẫn đứng trung bình. Còn lao động mành trúc, Quý cũng để cho tôi thỉnh thoảng vắng mặt, nhưng không hiểu sao lớp tôi cũng có vài lần đứng nhất?
     Trong các thứ lao động, tôi chọn việc trồng khoai. Nhà của Quý ở gần bờ sông, còn chút đất chưa trồng trọt, tôi đem lớp Chủ nhiệm về đó trồng khoai. Lao động ở đó để buổi trưa còn được lên nhà Quý nghỉ mát và uống nước, còn tôi cũng được " mát trời tranh thủ ngủ một giấc ". Thì ra thầy trò chi cũng lòi cái bản chất tiểu tư sản ra cả. Chính trong những ngày lao động với nhau đó mà tình thầy trò nẩy nở, nẩy nở luôn cả một chút gì sâu kín bên trong, hình như là tình cùng đứng chung một giới tuyến!
      Kết quả của ba tháng lao động: Chuột cống đang moi hết khoai củ. Ngày " thu hoạch " chỉ còn những dây khoai già vàng úa! Thầy trò chúng tôi " Liên hoan kết thúc thắng lợi của 3 tháng lao động XHCN " bên bờ sông thơ mộng bằng một bữa cơm độn bo bo với rau khoai lang già luộc chấm xì dầu chanh tỏi. Buổi ăn liên hoan đó chưa bao giờ ngon như vậy. Về trường cứ sự thật mà " báo cáo thành tích " với Công đoàn. Kết quả lớp tôi đứng chót !
     Vậy mà vẫn vui vì những kỷ niệm này làm cho thầy trò chúng tôi khắng khít thương yêu nhau hơn.
     Thì ra những ngày sống dưới sự đày đọa từ thể chất đến tinh thần của một thời ngày ấy, vẫn còn có những gì còn lại, những gì mang theo thật ấm lòng và mãi mãi là những nét đẹp dễ thương muôn đời, nhớ đến vẫn còn cảm thấy bâng khuâng cả " tấc lòng " !
      Bao nhiêu năm qua rồi! Dù người bên đây hay người bên đó, dù bát cơm trắng ngày nay thay bát cơm độn ngày nào, mong rằng chúng ta đừng bao giờ quên chúng ta đã từng có những tháng ngày dở sống, dở chết; chúng ta đã từng có một thời - Nước mắt là huyết lệ !!!

                                                                Mùa 30 tháng 4 
                                                                   1975-  2015
                                               Nguyên Hạnh HTD

30/3/15

Đà Nẵng: Những biến cố lịch sử

 Đà Nẵng: Những biến cố lịch sử

(Trình bày tại San Jose ngày 29-3-2015)
Địa danh Đà Nẵng 
Địa danh Đà Nẵng gốc từ tiếng Chiêm (Chàm, Chăm), có thể có trước khi người Việt đến Đà Nẵng. Năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân tặng vua Đại Việt hai châu Ô và Ri (hay Lý) trong phần sính lễ đám cưới với công chúa Huyền Trân. Hai châu nầy ngày nay tương đương với vùng đất từ Quảng Trị vào đến quận Điện Bàn, trong đó có Đà Nẵng.
Trong sách Ô châu cận lục, Dương Văn An viết năm 1555 rằng tại Đà Nẵng, có đền thờ Nguyễn Phục, một công thần bị chết oan khi vua Lê Thánh Tông nam chinh đánh Chiêm Thành năm 1471. (Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Bùi Lương dịch, Sài Gòn: Nxb. Văn Hóa Á Châu, 1961, tr. 73.) Đà Nẵng có đền thờ Nguyễn Phục năm 1471 thì địa danh Đà Nẵng phải có trước đó. 
Trong tiếng Chiêm, có ba chữ liên hệ đến địa danh Đà Nẵng. Đó là đarăk (bờ biển, bãi biển), đanăk (sông lớn), đanăng (bến sông, bến tàu). (Nguyễn Hy Vọng, Từ điển ngồn gốc tiếng Việt, California: Nxb. Đất Việt, 2014, tr. 362.) 
Đà Nẵng, chiến công đầu tiên 
Đà Nẵng đi vào lịch sử lần đầu tiên trong trận chống đánh liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng đầu tiên ngày 1-9-1858 do phó đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy. “Tai nghe súng nổ cái đùng,/ Tàu Tây đã lại Vũng Thùng anh ơi.”(ca dao) Quân Pháp chiếm các đồn ven biển, nhưng bị quân Việt do Nguyễn Tri Phương chỉ huy, chận đứng. Genouilly để lại lực lượng giữ các đồn đã chiếm ở Đà Nẵng, rồi kéo quân vào đánh Gia Định. (Vũng Thùng là Đà Nẵng.)
Tuy chiếm được thành Gia Định, nhưng Genouilly lại phải trở ra Đà Nẵng vì quân Pháp ở Đà Nẵng bị quân Việt uy hiếp và đẩy lui. Ngày 7 và 8-5-1859, Genouilly tấn công lần nữa nhưng Đà Nẵng vẫn đứng vững. Lúc đó, Genouilly bị bệnh phải về Pháp, phó để đốc Joseph Page lên thay từ 1-11-1859. 
Ngày 18-11-1859, Page tấn công đồn Chơn Sảng, phía nam chân đèo Hải Vân. Tuy Pháp chiếm được Chơn Sảng, nhưng một trung tá Pháp bị tử thương, và quân Pháp bị chận đường ra Huế. Sau trận nầy, Page được lệnh rút hết quân Pháp vào Sài Gòn. Về phía Việt Nam, dầu bị thiệt hại khá nặng, Đà Nẵng vẫn đứng vững, chận đứng được đợt tấn công đầu tiên của quân Pháp. 
Đà Nẵng, nhiều lần đổi chủ
* Pháp bảo hộ Việt Nam năm 1884. Bốn năm sau, Pháp áp lực vua Đồng Khánh ký sắc dụ ngày 26 tháng 8 năm mậu tý (1-10-1888), nhượng ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Pháp làm nhượng địa. Pháp trực tiếp cai trị Đà Nẵng theo luật lệ Pháp. Khi mới đến nước ta, các giáo sĩ Âu Châu gọi Đà Nẵng là Touron, Turon, Touraon. Từ nay người Pháp gọi Đà Nẵng là Tourane.
* Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Vua Bảo Đại tuyên bố độc lập ngày 11-3. Đà Nẵng trở về với chính quyền Việt và vị thị trưởng đầu tiên được chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm là Nguyễn Khoa Phong. 
* Cũng trong năm 1945, Việt Minh cộng sản cướp chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị. Việt Minh đổi Đà Nẵng thành Thành phố Thái Phiên. Tuy nhiên văn hóa Việt Nam không có thói quen dùng tên danh nhân đặt tên thành phố, nên dân chúng vẫn dùng tên Đà Nẵng.
* Tháng 11-1946, Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, rồi từ đó mở đường ra Huế. Đà Nẵng trở lại chế độ do Pháp trực trị cho đến năm 1949. 
* Quốc trưởng Bảo Đại thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam sau hiệp định Élysée ngày 8-3-1949. Đà Nẵng do chính quyền Việt Nam điều khiển. Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, Đà Nẵng nằm dưới vĩ tuyến 17, vẫn thuộc về chính thể Quốc Gia Việt Nam. Đà Nẵng không thay đổi, ngoại trừ dân số Đà Nẵng tăng vọt bất thường sau năm 1954 vì đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, đến lập cư tại Đà Nẵng. 
Quân Mỹ vào Đà Nẵng
Từ năm 1954, Hoa Kỳ viện trợ và gởi chuyên viên đến giúp QGVN rồi VNCH, nhưng không gởi lực lượng chiến đấu trên bộ. Ngày 2-8-1964 xảy ra biến cố Vịnh Bắc Việt: khu trục hạm Maddox (Hoa Kỳ) tuần thám bờ biển BVN, trong hải phận quốc tế, đến phía đông bắc đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), thì bị ba ngư lôi đĩnh BVN tấn công. Không quân Hoa Kỳ liền trả đũa, oanh tạc sâu vào lãnh thổ BVN. Ngày 7-8-1964, quốc hội Hoa Kỳ thông qua “Nghị quyết vịnh Bắc Việt”, giao cho tổng thống Hoa Kỳ dùng tất cả các biện pháp cần thiết để đánh trả, nghĩa là cho phép ông có thể đưa quân sang Việt Nam chiến đấu.
Do hoạt động của Không quân Hoa Kỳ càng ngày càng gia tăng, phi trường Đà Nẵng được dùng làm nơi xuất phát các phi cơ bay đi oanh tạc Bắc Việt Nam (BVN). Theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Maxwell Taylor vận động với thủ tướng Phan Huy Quát và hai bên Việt Mỹ thỏa thuận miệng để cho Hoa Kỳ đưa hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến (TQLC) Mỹ đến Đà Nẵng. 
Ngày 8-3-1965, tiểu đoàn 9 TQLC Mỹ đổ bộ đầu tiên vào bãi biển Nam Ô, phía tây Đà Nẵng. Từ đó quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam càng ngày càng gia tăng. Cũng từ đó xã hội Việt Nam thay đổi lớn lao vì sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Đà Nẵng, những cuộc biểu tình 
Tại Đà Nẵng, trong cuộc biểu tình ngày 25-8-1964 chống Hiến Chương Vũng Tàu của trung tướng Nguyễn Khánh, xảy ra xô xát giữa đoàn biểu tình gồm hàng ngàn Phật tử một bên, với tự vệ làng Thanh Bồ một bên. Làng Thanh Bồ gồm đa số tín đồ Ky Tô giáo di cư, gần bờ biển Thanh Bình. Kết quả làm 11 người chết, 42 người bị thương. (Chính Đạo, Tôn giáo và chính trị: Phật giáo 1963-1967, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 119.)
Một cuộc biểu tình sôi động khác tại Đà Nẵng kéo dài nhiều ngày khi trung tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật bị Hội đồng Quân lực cất chức ngày 11-3-1966. Hôm sau, 12-3, cuộc biểu tình bộc phát tại Đà Nẵng, rồi lan ra Huế ngày 13-3. Lúc đó, thị trưởng Đà Nẵng (bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn) và tư lệnh Đặc khu Quảng Đà (đại tá Đàm Quang Yêu) tuyên bố ly khai với chính phủ trung ương, làm cho tình hình thêm rối loạn. 
Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ gởi ra Đà Nẵng 3 tiểu đoàn TQLC do đại tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy, 1 tiểu đoàn Nhảy Dù và 1 biệt đoàn Cảnh sát Dã chiến. (Biệt đoàn CSDC khoảng 1,000 người.) Quân chính phủ bị lực lượng ly khai chận ở phi trường. Lực lượng ly khai gồm tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân, 1 trung đoàn của Sư đoàn 1 và 1 trung đoàn của Sư đoàn 2. Khu trục cơ của chính phủ xuất hiện trên không phận Đà Nẵng, đe dọa quân ly khai, thì tướng Lewis Walt, tư lệnh TQLC Hoa Kỳ tại Vùng I phản đối. (Nguồn tin từ cựu đại tá Trần Minh Công.)
Sau những cuộc thương thuyết tại Sài Gòn, cũng như tại Đà Nẵng, phía quân ly khai rút lui, thì ngày 15-5-1966, quân chính phủ chiếm Bộ tư lệnh Quân đoàn I. Khi lực lượng Nhảy dù, TQLC và CSDC xuất hiện ở Đà Nẵng, lực lượng ly khai yếu thế dần. Ngày 23-5-1966, nhóm ly khai tại chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng (trên đường Ông Ích Khiêm) hạ khí giới. Thị trưởng Mẫn bị bắt. Đại tá Yêu cũng bị bắt ngày 25-5-1966. Đà Nẵng trở lại ổn định dần dần. Sau khi một số tướng lãnh thay đổi nhau, thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Sư đoàn II BB, lên nhận chức tư lệnh QĐ I ngày 31-5-1966.
Đà Nẵng trong tết Mậu Thân
Tối giao thừa giữa hai năm Đinh Mùi và Mậu Thân, tức tối 29 rạng 30-1-1968, quân cộng sản (CS) pháo kích vào phi trường Non Nước và phi trường Đà Nẵng. Sau 3 giờ sáng mồng 1 Tết (30-1-1968), CS đột nhập bộ Tư lệnh QĐI ở Đà Nẵng (gần phi trường). Các đợt tấn công nầy bị đẩy lui tức khắc. Quân CS còn tìm cách tấn công bộ chỉ huy Đặc khu Quảng Đà ở góc hai đường Độc Lập và Thống Nhất. Cộng sản cũng không thành công. Cộng sản còn sách động dân chúng tập họp trước chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng trên đường Ông Ích Khiêm, liền bị giải tán ngay. 
Tuy ít bị thiệt hại, nhưng Đà Nẵng vẫn bị xáo trộn vì đồng bào từ Quảng Trị, Huế và Tam Kỳ, Hội An đến tỵ nạn đông đảo. Sau khi CS bị đẩy lui, có nhiều đồng bào muốn ở lại Đà Nẵng sinh sống. Vì vậy sau cuộc tấn công Mậu Thân của CS, dân số Đà Nẵng tăng vọt vì chiến tranh.
Trong cuộc chiến “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, Đà Nẵng không bị tấn công. Chỉ có đồng bào các tỉnh lân cận chạy đến tỵ nạn. 
Đà Nẵng và trận Hoàng Sa (19-1-1974) 
Trận Hoàng Sa diễn ra ngày 19-1-1974. Ở đây chỉ xin nhắc lại rằng khi tình hình Hoàng Sa căng thẳng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có mặt ở Đà Nẵng. Tư lệnh Vùng I Duyên hải (V1DH), phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trực tiếp trình bày tình hình với tổng thống Thiệu tại Bộ tư lệnh V1DH ở Sơn Chà ngày 17-1-1974. Tổng thống Thiệu liền viết tay tại chỗ chỉ thị cách đối phó cho tư lệnh V1DH. Trận đánh không thành công, nhưng Hải quân VNCH đã ghi lại một trang sử chống ngoại xâm anh dũng vẻ vang.
Nhân đây, cũng xin thêm một tài liệu về Hoàng Sa: Năm 1949, Trung Cộng (TC) chiếm lục địa Trung Hoa. Trung Hoa Quốc Dân Đảng (THQDĐ) di tản qua Đài Loan. Sau đó, TC đánh đảo Hải Nam. Quân THQDĐ ở Hải Nam chạy xuống đảo Bạch Long Vỹ, gần Hải Phòng. Lúc đó, Bạch Long Vỹ thuộc QGVN. Sau hiệp định Genève (20-7-1954}, Bạch Long Vỹ ở phía bắc vĩ tuyến 17, thuộc CSVN. Năm 1955, TC lấy cớ dẹp quân THQDĐ, tấn công Bạch Long Vỹ. Cuộc thương thuyết giữa BVN và TC đi đến thỏa thuận rằng TC giao Bạch Long Vỹ cho BVN năm 1957, và ngược lại BVN giao Hoàng Sa cho TC.(1) Bạch Long Vỹ là hòn đảo Việt Nam. Thế mà CSVN không đủ sức bảo vệ để TC cướp giựt, rồi phải trao đổi bằng một đảo khác. Sau đó, Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14-9-1958 chính thức công khai xác nhận lại việc giao Hoàng Sa và Trường Sa cho TC. Từ đó, TC dần dần thôn tính Hoàng Sa và Trường Sa. Gần đây nhất, ngoại trưởng TC Vương Nghị tuyên bố trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 8-3-2015 rằng TC xây thêm đảo ở Trường Sa không xâm phạm lãnh thổ của nước khác mà chỉ “xây dựng trong chính sân nhà của mình”. Cả thế giới phản đối, trừ CSVN. Bộ Ngoại giao CSVN còn hủy bỏ cuộc họp báo thường kỳ sau đó vì sợ bị chất vấn.
Đà Nẵng ngày 29-3-1975 
Sau hiệp định Paris (27-1-1973), trong khi Hoa Kỳ rút quân, cắt giảm viện trợ cho NVN, thì Liên Xô tăng viện trợ gấp 4 lần cho BVN. Quân CS mở nhiều cuộc tấn công mạnh mẽ, chiếm Phước Long (thuộc Quân khu III) vào đầu tháng 1-1975, rồi đánh Ban Mê Thuột, Pleiku tháng 3-1975 (thuộc Quân khu II). Quân đoàn II VNCH rút lui thất bại. 
Tại Quân khu I, ngày 23-3-1975, CS pháo kích vào Huế. Dân chúng hoang mang, kiếm cách di tản. Tối 25-3, trung tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh cho SĐ I BB, các lữ đoàn TQLC và các đơn vị chung quanh Huế rút về Đà Nẵng. Ngày hôm sau (26-3), CS làm chủ Huế. Đường bộ từ Huế vào Đà Nẵng bị cắt đứt.
Quân đội VNCH và dân chúng di tản từ Huế vào Đà Nẵng bằng đường biển. Cộng sản pháo kích các địa điểm tập trung quân, các cửa biển, nhất là Cửa Thuận (Huế) và cửa Tư Hiền (Cầu Hai). Hỗn loạn xảy ra. Cuộc triệt thoái chỉ đem về Đà Nẵng được 1/3 tổng số quân. 
Tại phía nam QK I, CS chiếm hai quận Tiên Phước và Hậu Đức tỉnh Quảng Tín cùng một lần vào ngày 10-3-1975. Trung tướng Trưởng ra lệnh di tản các quận Sơn Trà và Trà Bồng, cũng như các tiền đồn ở xa Quảng Ngãi. Ngày 24-3-1975, CS chiếm Tam Kỳ. Hôm sau (25-5), trước áp lực của CS, tướng Trưởng ra lệnh SĐ 2 BB và tiểu khu Quảng Ngãi di tản ra Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) ngoài Biển Đông. Từ Chu Lai, ngày 25-4, các đơn vị VNCH cũng được di tản và khoảng 7,000 binh sĩ về tới Đà Nẵng.
Ngày 27-3, các đơn vị quân đội VNCH ở bắc và nam QK I hầu như tập trung hết về Đà Nẵng. Chiều 28-3, tiểu khu Quảng Nam ở Hội An, gần Đà Nẵng thất thủ. Tối hôm đó (28-3), trung tướng Trưởng liên lạc với tổng thống Thiệu và được lệnh di tản. Sau cuộc điện đàm, trung tướng Trưởng liền ra lệnh triệt thoái khỏi Đà Nẵng. 
Tối 28-3-1975, chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, tư lệnh SĐ 1 BB bị tử nạn máy bay. Sáng 29-3-1975, từ căn cứ Non Nước, trung tướng Trưởng lên được chiến hạm HQ 402, rồi chuyển qua HQ 404 để xuôi nam. Ngoài trung tướng Trưởng, các tướng lãnh cuối cùng rời Đà Nẵng sáng 29-3 là thiếu tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh SĐTQLC, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh Hải quân V1DH, chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, tư lệnh Sư đoàn I Không quân, thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, tư lệnh SĐ 3 BB. 
Trong lúc đó, ngày 27-3, nhiều cánh quân CS bao vây Đà Nẵng, các chiến xa CS xuất hiện. Ngày 28-3, CS siết chặt vòng vây, pháo kích vào phi trường, bộ Tư lệnh SĐ 3 (ở Hòa Khánh, Quảng Nam, gần Đà Nẵng), hải cảng Tiên Sa (tức Sơn Trà), bộ Tư lệnh TQLC ở Non Nước, bộ Tư lệnh V1DH. Quân CS tràn vào thành phố Đà Nẵng sáng 29-3-1975. Quân khu I lọt vào tay CS. 
Đà Nẵng sau 30-4-1975 
Sau ngày 30-4-1975, CSVN sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam thành tỉnh QN-ĐN. Đà Nẵng trở thành tỉnh lỵ của tỉnh nầy. Cũng như trên toàn quốc, CS bắt sĩ quan, công chức cao cấp đi tù cải tạo dài hạn không tuyên án, thi hành chính sách kinh tế chỉ huy, đổi tiền, ngăn sông cấm chợ, đánh tư sản, cướp các cơ sở kinh tế tư nhân bằng kế hoạch công tư hợp doanh, xua đuổi dân chúng đi kinh tế mới để cướp nhà…
Từ 1-1-1997, CSVN tách riêng Đà Nẵng và đặt trực thuộc trung ương. Vào đầu những năm 2000, Đà Nẵng phát triển mạnh mẻ. Đặc biệt hai viên tổng bí thư đảng CS kiêm chủ tịch nước TC là Giang Trạch Dân (ngày 28-2-2002) và Hồ Cẩm Đào (ngày 15-11-2006) đều đến thăm Đà Nẵng. Từ đó, hai câu hỏi cần được đặt ra: TC mưu tính gì đàng sau hai cuộc viếng thăm bất thường nầy? Phải chăng hai cuộc viếng thăm nầy liên hệ đến việc nhà nước trung ương CSVN hậu thuẫn cho sự phát triển Đà Nẵng? Nếu trung ương CSVN không đồng ý, thì chắc chắn Đà Nẵng không được phép phát triển.
Kết luận 
Sơ lược những sự kiện trên đây cho thấy Đà Nẵng giữ một vị trí chiến lược quan trọng tại miền Trung nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Chẳng những Pháp, mà cả đến Tàu cũng dòm ngó Đà Nẵng.
Khi đất nước bị chia hai năm 1954, Đà Nẵng là tiền đồn canh chừng và ngăn chận CS Bắc Việt Nam. Năm 1968, CS chiếm Huế. Đà Nẵng đứng vững và tiếp ứng giải cứu Huế. Năm 1972, CS chiếm Quảng Trị, đe dọa Huế, Đà Nẵng trở thành hậu phương cho quân đội VNCH tiến ra đẩy lui quân CS. Năm 1975, khi Đà Nẵng bị lọt vào tay CS thì các tỉnh miềm Trung không còn đứng vững.
Tuy giới lãnh đạo VNCH chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự thất bại, nhưng số phận đất nước chúng ta đã bị các cường quốc chi phối theo đường lối chính trị giai đoạn của họ trong chiến tranh lạnh toàn cầu. Tệ hại nhất là CSVN cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, chỉ vì tham vọng độc tài toàn trị, nên mới gây ra chiến tranh trong 30 năm dài. Ngày nay CSVN còn âm mưu bán nước cho TC để duy trì địa vị.
Kể từ ngày 29-3-1975, những người có điều kiện và phương tiện rời Đà Nẵng, thoát khỏi chế độ CS. Người Đà Nẵng nói riêng và người Việt Nam nói chung, dầu đi ra nước ngoài, vẫn luôn luôn mang theo trái tim Việt Nam và quyết tâm tiếp tục tranh đấu nhằm quang phục quê hương. Lần nầy, không còn súng đạn, không còn cách nào khác hơn, thì người Việt chúng ta tranh đấu bằng chính trị bất bạo động.
Cuộc tranh đấu bất bạo động bảo vệ dân quyền và nhân quyền do Phan Châu Trinh khởi xướng từ đầu thế kỷ 20, nay ứng dụng trở lại trong trào lưu dân chủ hóa toàn cầu, không phải là không có kết quả. Có hai sự kiện chúng ta cần chú ý về kết quả tranh đấu bất bạo động:
Thứ nhứt, một trong những tác nhân mạnh mẽ khiến chính phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách, rút quân khỏi Việt Nam là phong trào phản chiến bất bạo động và truyền thông Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ không thất bại trên chiến trường, nhưng đã thua từ trên đất Mỹ.
Thứ hai, xin mọi người thử nhớ lại xem. Khi ra đi năm 1975, mấy ai nghĩ rằng dưới chế độ CS độc tài sắt máu, Việt Nam lại thay đổi như ngày nay? Sự thay đổi nầy không phải tự nhiên mà có. Nếu người Việt hải ngoại không bám sát tình hình Việt Nam, nếu người Việt hải ngoại không vận động liên tục khắp năm châu, đánh động dư luận thế giới, áp lực về mọi mặt (chính trị, kinh tế, viện trợ…) và yểm trợ anh chị em trong nước đòi hỏi dân chủ, thì CSVN vốn bảo thủ, ngoan cố, tham quyền cố vị, đời nào CSVN chịu mở cửa dần dần từ năm 1985? 
Ngày nay, nếu chúng ta tận dụng sức mạnh của các phương tiện truyền thông tân tiến, kiên nhẫn vận động bất bạo động, như Phan Châu Trinh trước đây, đòi hỏi dân quyền, nhân quyền, vận động dân khí tức tinh thần dân chúng, ủng hộ các phong trào dân chủ quốc nội, vạch trần tội phản quốc của CSVN, chắc chắn sẽ đưa đến những thay đổi mới hoặc nhân dân Việt Nam trong nước sẽ vùng lên giải thể chế độ CS. 
Trong khi đó, ở trong nước, càng ngày CSVN càng phơi bày bản chất gian manh, tham nhũng, bán nước nên dân chúng không còn sợ hãi như trước đây. Dân khí tức tinh thần dân chúng đang trổi dậy, nhất là với sự hỗ trợ của người Việt hải ngoại và dư luận thế giới. Những vụ dân oan khiếu kiện, những bloggers đòi hỏi dân chủ, những cuộc biểu tình chống TC, tuy hiện nay chỉ là những đóm lửa nhỏ đơn lẻ, nhưng sẽ đến lúc có thể làm bùng lên thành cuộc cách mạng dân chủ, nếu tâm lý quần chúng được chuẩn bị đầy đủ hơn và sẵn sàng cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi. 
Xin mọi người, hãy ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất những cuộc tranh đấu bất bạo động hiện nay ở trong nước để giải thể chế độ CS, thoát khỏi cảnh lệ thuộc TC. Cuộc vận động chính trị bất bạo động là một tiến trình lâu dài. Xin hãy kiên nhẫn liên tục vận động, vì lịch sử cho thấy rằng chính nghĩa dân tộc, tự do, dân chủ chắc chắn sẽ tất thắng.
(San Jose, 29-3-2015)
______________________________________
(1) M. Taylor Fravel, Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s Territorial Disputes, Princeton NJ: Princeton University Press, 2008, tt. 62, 268-269; và Clarence J. Bouchat [trung tá Không quân Hoa Kỳ], The Paracel Islands and U.S. Interests and Approaches in the South China Sea, US Army War College: SSI Strategic Studies Institute, 2014, tt. 33-34.

27/3/15

We March For Freedom: Chặng công tác đầu tiên

  Nhóm "We March For Freedom" và chặng công tác đầu tiên: Ba Lan, Pháp, Thụy Sĩ



















Đào Trường Phúc (Danlambao) - Ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh và các văn nghệ sĩ thân hữu vừa hoàn thành chặng công tác đầu tiên của chiến dịch "We March For Freedom" tại ba thành phố châu Âu: Warsaw (Ba Lan), Paris (Pháp), và Genève (Thụy Sĩ), từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 3 vừa qua. Trong tuần tới, nhóm sẽ lên đường thực hiện những chặng công tác kế tiếp tại các thành phố Prague (Cộng Hòa Tiệp), Budapest (Hung Gia Lợi), Moenchengladbach (Đức), Amsterdam (Hòa Lan), Bruxelles và Liège (Vương Quốc Bỉ).
"We March For Freedom" là chiến dịch do Nguyệt Ánh khởi xướng với sự tham gia của một số văn nghệ sĩ từ Hoa Kỳ và Úc hợp cùng các văn nghệ sĩ ở Âu Châu như Tuấn Minh, Tuyết Mai, Quang Trúc, Phương Loan, Hoài Trí, Sơn Vương, Bích Châu, Quỳnh Trang, Trần Nghĩa Hiệp, Nguyễn Thành Lộc, Nguyễn Đăng Khải... Chiến dịch được thực hiện trong hai tuần lễ cuối tháng Ba năm 2015, với các cuộc vận động dư luận quốc tế và các sinh hoạt văn nghệ tại 8 quốc gia vùng Tây Âu và Đông Âu, nhằm mục đích góp thêm lửa đấu tranh, đòi Dân chủ và Nhân quyền cho quê hương Việt Nam, đòi Tự do cho các tù nhân lương tâm và các bloggers đang bị nhà cầm quyền cộng sản giam giữ đàn áp chỉ vì kiên cường bày tỏ lòng yêu nước và khát vọng Tự do. Đây là một chuyến công tác hoàn toàn độc lập với mọi đoàn thể, tổ chức, đảng phái chính trị; tất cả các văn nghệ sĩ đều tự nguyện và tự túc về chi phí, từ di chuyển, ẩm thực cho đến cư trú và địa điểm sinh hoạt.

Về mặt vận động quốc tế, cuộc tiếp xúc đầu tiên của phái đoàn là với hai giới chức điều hành Văn phòng Tổng Thư ký đặc trách các Trường hợp Giam giữ Tùy tiện (Secretariat, Working Group on Arbitrary Detention) thuộc Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc - ông Rory Mungoven và bà Helle Dahl Iversen - vào lúc 2 giờ trưa Thứ Hai ngày 23/3/2015 tại Genève, Thụy Sĩ. Nhóm văn nghệ sĩ "We March For Freedom" đã đệ nạp kháng thư tố cáo các hành động vi phạm Nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam, đồng thời chuyển giao danh sách, đơn thư khiếu tố của gia đình những tù nhân lương tâm và các bloggers bị trấn áp, giam cầm. Chặng vận động kế tiếp vào tuần tới sẽ là các cuộc tiếp xúc với giới chức E.U. tại trụ sở Quốc Hội Âu Châu ở thủ đô Bruxelles của Vương Quốc Bỉ.

Về sinh hoạt văn nghệ và gặp gỡ bà con đồng hương ở châu Âu, nhóm "We March For Freedom" đã lần lượt thực hiện các chương trình sinh hoạt trong hội trường Hampton (Warsaw, Ba Lan) lúc 19 giờ ngày 20/3, hội trường Salle de Réunion de la Paroisse St. Augustin (Paris, Pháp) lúc 14 giờ ngày 21/3, và hội trường Salle de Réunion, Restaurant Vinacity (Genève, Thụy Sĩ) lúc 19 giờ ngày 23/3/2015. Ở bất cứ nơi nào các anh chị em văn nghệ sĩ cũng được đón nhận với những tâm tình đầy thân ái, ở bất cứ nơi nào các anh chị em cũng được khích lệ nồng nhiệt khi cùng cất tiếng hát với đồng bào hải ngoại để chuyển ngọn lửa Tự do Dân chủ Nhân quyền về với 90 triệu đồng bào bên kia bờ đại dương, qua những ca khúc đấu tranh như "Xin Hãy Làm Ánh Đuốc", "Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ", "Tiếng Thở Dài Từ Lòng Đất", "Thề Không Phản Bội Quê Hương"..., cũng như các ca khúc từ hơn 30 năm trước đã đi vào lòng người qua những chuyến lưu diễn của Nguyệt Ánh và cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng, như "Chút Quà Cho Quê Hương", "Lời Kinh Đêm", "Em Vẫn Mơ Một Ngày Về", "Hát Cho Ngày Sài Gòn Quật Khởi"...


Một trong những sinh hoạt đáng ghi nhớ nhất là cuộc biểu tình tuần hành ở quảng trường Place de Trocadero tại thủ đô nước Pháp từ 2 giờ trưa ngày 22/3/2015. Trời thật lạnh và gió lồng lộng càng làm tăng thêm cái giá rét cuối mùa Đông, nhưng thời tiết khắc nghiệt không cản nổi những tấm lòng yêu nước đang hướng về quê hương Việt Nam. Giữa rừng cờ vàng bay phất phới dưới chân tháp Eiffel, cuộc tuần hành từ một góc quảng trường đã biến thành một vòng tròn, và những lời ca "We March For Freedom", "Tự Do Cho Việt Nam"... được diễn giải qua tiếng Pháp đã lôi cuốn luôn cả một số du khách đi ngang để họ bước vào cùng tham dự cuộc tuần hành. Vòng tròn từ từ mở rộng dần với cả trăm người vừa phất cờ, vừa ca vang những bài hát đấu tranh suốt hơn 3 tiếng đồng hồ của buổi chiều Chủ nhật. (Quý độc giả có thể vào trang mạng YouTube để coi video clips ghi lại sinh hoạt này: "We March For Freedom đến Paris", và "Nous Marchons Pour La Liberté tại Công trường Nhân quyền Paris").
Ngày hôm sau nhóm văn nghệ sĩ rời Paris để lên đường đi Genève, và cuộc biểu tình tuần hành kế tiếp sẽ diễn ra vào tuần tới tại thành phố Moenchengladbach của Cộng hòa Liên bang Đức.

Là người Việt Nam hãy ghi nhớ, ngày Quốc Hận 30 tháng Tư

......chúng ta, những người Việt hải ngoại và kể cả đồng bào quốc nội,
gọi ngày 30 tháng tư hàng năm là NGÀY QUỐC HẬN.
Không có từ ngữ nào để diễn tả ngày đó chính xác hơn từ ngữ Ngày Quốc Hận. Nó diễn tả không những đúng về mặt hiện thực mà còn đúng về mặt tâm linh.


Là người Việt Nam hãy ghi nhớ, ngày Quốc Hận 30 tháng Tư

Lão Ngoan Đồng

Nước đã mất, nhà đã tan , gia đình ly tán ! Ý nghĩ nầy in sâu vào trong trí não của những người đang lênh đênh trên biển cả, trong những chiếc thuyền nhỏ bé mong manh, phú thác mạng sống của mình cho vận mệnh rũi may , những mong thoát khỏi ngục tù của những người cộng sản từ miền bắc, đang xây cất trên toàn cõi quê hương yêu dấu.


Người dân trốn chạy quân Bắc Cộng

Trên đường trốn chạy, lìa bỏ quê cha đất tổ, đã có hàng trăm ngàn người vùi thây trong biển cả, trong bụng cá, trong bàn tay sát nhân của bọn hải tặc khát máu. Cũng có những người vượt thoát bằng đường bộ, xuyên qua ngã Cambochia, Lào, và cũng không ít người đã chết đói vì lạc đường, hoặc bị giết bởi bọn Miên cộng, Lào cộng. Số còn lại, hơn 2 triệu người đã đến được bến bờ tự do với hai bàn tay trắng, và có rất nhiều người bỏ lại sau lưng những người thân yêu trong gia đình, dòng họ. Hầu hết những thuyền nhân đó đã nói với các phái đoàn tiếp nhận định cư của các nước: “Thà chết trên biển cả còn hơn sống trong chế độ của Việt cộng( tạm dịch: Rather die on the high sea than live under the Vietnamese communist regime). Điều đó đã nói lên cái ý chí liều chết để đi tìm TỰ DO.

Thãm cảnh đó đã làm cho thế giới bàng hoàng, xúc động. Họ đã gọi những ngưòi trốn chạy khỏi quê hường nầy bằng một biệt danh ,mà trong lịch sữ loài người chưa từng có :“BOAT PEOPLE”(Thuyền Nhân).

Thảm cảnh đó khởi đầu vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà bọn cộng sản Việt Nam, từ miền Bắc, đã bất chấp hiệp định Paris 1973, với sự trợ gíúp của khối cộng sản quốc tế, đã tấn công và cưỡng chiếm miền Nam, nước Việt Nam Cộng Hòa, với sự hững-hờ của thế giới không cộng sản.

Cái hận đã mất nước và cái hận đã bị đồng minh phản bội, đưa đến cảnh nước mất nhà tan, gia đình phân cách, chia ly, đã tạo nên sự thống hận trong lòng người dân Việt kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Từ đấy, chúng ta, những người Việt hải ngoại và kể cả đồng bào quốc nội, gọi ngày 30 tháng tư hàng năm là NGÀY QUỐC HẬN.


Xe Tăng Bắc Việt cs bị bắn cháy tại Lăng Cha Cả gần sân bay TSN

Không có từ ngữ nào để diễn tả ngày đó chính xác hơn từ ngữ Ngày Quốc Hận. Nó diễn tả không những đúng về mặt hiện thực mà còn đúng về mặt tâm linh. Ngày đó , đời sống của những con người Việt Nam trên toàn quốc đã bị thay đổi một cách toàn diện, từ tốt đẹp biến thành cùng khổ ; từ tương lai trong sáng trở thành tăm tối, không có ngày mai. Trong lòng mỗi người đều bị đè nặng bởi nỗi niềm u uất , căm phẩn vì đang bị một lũ người vong bản, tay sai của ngoại bang, dốt nát, tàn ác cai trị bằng chánh sách vô nhân nhứt trần gian. Đời sống của người Việt Nam không hơn không kém gì với đời của một con vật : ngoan ngoản thì được cho ăn, bằng không thì bị bỏ đói cho đến ngày tàn tạ.

Trong lòng mỗi con dân Việt, ai mà không nhớ đến ngày 30 tháng Tư, ngày đổi đời đó ?

Tuy nhiên, mỗi người nhớ đến nó một cách khác nhau.

Cái nhớ sâu sắc nhất, không bao giờ quên là tuổi thanh niên đã bị hủy hoại trong các nhà tù gọi là trại "cải tạo". Những rường cột của Quốc Gia đã bi kềm hãm trong ngục tù khổ sai, ăn không đủ no, bệnh không thuốc chữa. Bọn người ác độc lợi dụng sức người hom hem yếu đuối đó, bắt họ đi làm mướn, làm thuê, làm những việc khổ sai, chúng lấy tiền bỏ vào những cái túi tham không đáy. Những người tù "cải tạo" đó, bị hành hạ không những trên thể xác, mà cả tinh thần của họ cũng bị dày vò cả ngày lẫn đêm, bằng những lời chửi bới ,hăm dọa, kể cả những đòn thù bằng đánh đập, biệt giam trong những thùng sắt ngột ngạt, nóng bỏng khi nắng lên, không cho nước uống, và còn nhiều trường hợp đem người chống đối bọn chúng ra xử bắn tại nơi đông người. Những hành động nầy, bọn cai tù tàn ác, gọi là những "bài học chính trị do Bác và Đảng chủ trương" đối với những người sa cơ, thất thế.

Những người tù khốn khổ đó là ai ?

Họ là những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đã xả thân mình để bảo vệ phần đất miền Nam củaTổ Quốc, giữ gìn an ninh cho ngưòi dân miền Nam được sống một đời sống thanh bình, an cư lạc nghiệp.

Họ là những công chức phục vụ cho chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa, để xây dựng một quốc gia hùng mạnh phú cường, có phần trội hơn so với các nước lân bang như Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Thái Lan, Đại Hàn, Đài Loan...

Họ là những nhà tư bản đã góp công xây dựng nền kinh tế phồn thịnh cho nước Việt Nam Cộng Hoà.

Họ là những người trong ngành giáo dục, đã tận tụy và miệt mài với trách nhiệm mở mang trí óc cho những thanh thiếu niên, mong xây dựng nên một thế hệ kế tiếp, văn minh, thông thái hữu dụng cho quốc gia.

Những người tù khốn khổ nầy đã bị buộc tội là đã phục vụ cho chánh quyền trước, đã gíup đỡ cho “Ngụy Quân, Ngụy Quyền chống phá lại cách mạng của nhân dân" (sic).

Ngoài những người đã bị bắt đi làm “tù cải tạo”, những người dân thường sống tại các đô thị cũng bị đày đọa không kém. Họ đã bị ép buộc đi đến những nơi hoang dã, thâm sơn cùng cốc, mà bọn cầm quyền ác ôn là "nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa" (hiện giờ là "cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"), gọi là “vùng kinh tế mới”. Nơi đây chỉ với hai bàn tay trắng, không thể nào tìm được cách sinh nhai. Sau khi đuổi họ đi "vùng kinh tế mới", “nhà nước” đã tịch thu tất cả tài sản, cơ ngơi của họ để phân phát cho những cán ngáo, đã có công với nhà nước trong viêc cưỡng chiếm miền Nam.

Ở nông thôn, không còn ai có quyền có ruộng đất, dù rằng những mảnh đất do ông cha từ nhiều đời trước để lại cho con cháu. Tất cả ruộng đất đều quy về “hợp tác xã“. Người nông dân canh tác trên những mảnh đất ruộng vườn đó, được thu hoạch do quyết định của bọn đầu sỏ xã ấp, bằng một chính sách gọi là "bảng chấm công". Ai nịnh bợ hay theo phe chúng thì được chia nhiều hơn. Do vậy, đời sống của người ở nông thôn thiếu thốn rất trầm trọng, có nơi đã có người chết vì đói, mà điều nầy chưa hề xảy ra trong lịch sử của miền Nam Việt Nam: VNCH.

Tóm lại, sau khi bọn cường đạo cộng sản Việt Nam nhờ súng đạn của Trung cộng, của Liên sô, đã xâm lăng và cưỡng chiếm được nước Việt Nam Cộng Hòa, thì toàn thể trên 26 triệu người dân miền Nam, bị cướp giựt một cách trắng trợn, không khoan nhượng, bị nhốt trong một nhà tù vĩ đại, đó là quê hương của mình, bị đày đọa vô cùng tàn ác, sống như một con thú không hơn không kém.

Tình cảnh của người dân Việt Nam hiện nay, năm 2014, đã qua 39 năm, không khác gì ngày bắt đầu cuộc đổi đời 30 tháng 4 năm 1975. Có khác chăng là lối sống giàu sang, xa hoa, trụy lạc của những tên "cán bộ" Việt cộng và gia đình họ. Còn người dân ngày càng bị đàn áp mạnh mẽ hơn, bằng những thủ đoạn, bằng những xảo thuật nghề nghiệp, gian manh hơn, ác độc hơn...

Đã là người Việt Nam thì không ai có thể quên, trong lòng ai cũng đang âm ỉ một nổi hận. Những kẻ nào quên đi là họ cố ý bị “bịnh quên” để đổi lấy những đồng tiền dơ bẩn, đẫm ướt máu của đồng bào quốc nội. Họ đã quên đi ơn nghĩa của quốc gia cưu mang họ như một người tỵ nạn. Họ đã quên đi lòng bao dung của cộng đồng tỵ nạn đã đùm bọc , giúp đở họ, đến khi họ thành tài, nổi tiếng, thì vì họ xem đồng tiền lớn hơn bánh xe trâu (câu nói khinh miệt của dân miền Nam) , họ phủi hết đi ơn nghĩa, trở lại hợp tác với kẻ thù, tiếp tay với bọn Cộng Phỉ, đàn áp ngược lại đồng bào của mình.

Để kết luận, cầu mong tất cả đồng bào Việt Nam hãy ghi nhớ, ngày Quốc Hận 30 tháng 4, bởi vì ngày đó là ngày mang đến nỗi uất hận, xót xa cho cả nước, chúng ta hãy tưởng niệm đến quê hương đã mất đi, tưởng nhớ và tri ơn đến những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đã hy sinh mạng sống để bảo vệ tự do cho quê hương và đồng bào. Hãy tưởng nhớ đến những người tỵ nạn cộng sản kém may mắn đã chết trên đường đi tìm tự do. Và quan trọng nhất là hãy làm một vài việc gì đó mà mình có thể, để góp bàn tay với đồng bào quốc nội, đập nát chế độ Việt cộng , để sớm gây dựng lại một Nước Việt Nam Tự Do Nhân Bản và Phồn Vinh, để cho ngày quốc hận trở thành không còn hận nữa, mà chỉ còn là ngày đen tối nhất được ghi lại trong lịch sử Việt Nam.


Lão Ngoan Đồng

26/3/15

Anh thư giữa một rừng bò đỏ.

Anh thư giữa một rừng bò đỏ.   



Trần Quang Thành (Danlambao) - Báo điện tử Vietinfo.Eu đăng một đoạn video clip thu hút khá nhiều bạn đọc. 
Theo bạn Hoàng Hùng cho biết sự việc xảy ra trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược do một số nhóm người Việt đang sinh sống tại nước Cộng Hòa Séc tổ chức tại Quảng trường Con ngựa ở thủ đô Praha hôm Chủ nhật 22/3/2015 mới đây.
Người nổi bật nhất trong đoạn video clip này là một phụ nữ tay giương cao lá cờ vàng ba sọc đỏ. 
Đọc báo Vietinfo.Eu chị được biết tại Praha sẽ có biểu tình của người Việt chống Trung Quốc xâm lược. Thế là chị quyết định từ nước Ý sang Séc sát cánh cùng đồng hương lên án giặc phương Bắc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam.
Những đồng hương của chị tại Praha không phải là người dân sống trong cảnh ngộ tị nạn cộng sản như chị và hàng triệu người dân miền Nam phải bỏ xứ ra đi khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa.
Hơn 6 vạn người Việt đang sinh sống ở nước Cộng hòa Séc này có người đã ở đây dưới thời nước Tiệp Khắc cộng sản. Họ được hưởng cuộc sống mới tự do, dân chủ thoát khỏi chế độ cộng sản độc tài khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong số họ có người vẫn chưa thoát được cảnh kiểm soát khống chế của sự quán cộng sản Việt Nam tại đây qua các tổ chức hội đoàn do sứ quán lập ra...
Cờ vàng ba sọc đỏ được một phụ nữ Việt từ Ý tới giương cao trên một quảng trường trung tâm Praha là một sự kiện bất ngờ gây bối rối cho ban tổ chức biểu tình. Họ bảo chị phạm luật, họ thu giữ lá cờ nhỏ, chị giương cao lá cờ lớn hơn. Họ yêu cầu cảnh sát Séc can thiệp. Khi được nghe chị giải thích cảnh sát Séc chẳng những không thu giữ cờ của chị mà còn tạo cho chị một vị trí an toàn để giương cao lá cờ vàng ba sọc đỏ mà chị luôn khẳng định đó là biểu tượng của tự do mà người Việt đang tranh đấu.
Mời quí vị theo dõi đoạn video clip đối thoại giữa một phụ nữ Việt kiên cường với những kẻ mang tiếng là đồng hương ở nơi xa xứ.
Tiếng Dân hy vọng sớm được biết danh tính của người phụ nữ quả cảm này. Chị xứng đáng là một Anh thư đất Việt để mọi người noi gương.

Hoa lạc giữa rừng gươm


 Hoàng Kiều Linh, Hoàng Kiều Linh...
Tôi gọi tên chị
như gọi Hoàng... Trường Sa.
Giữa quảng trường "Con Ngựa" ở Praha
Một thân một mình
Chị đã phất cao ngọn cờ chính nghĩa
Cờ vàng ba sọc đỏ tung bay
như phát súng lệnh kêu gọi: Tự do, Dân chủ, Nhân Quyền 
cho Việt Nam.
Làm xao động lương tâm, nức lòng người ái mộ
Một mình chị tả xung hữu đột..
đúng là hoa lạc giữa rừng gươm 
Trên mặt trận đấu tranh bây giờ không còn tiếng súng
nhưng những tiếng thét của chị...
vào mặt bọn trí trá biểu tình với cờ máu Phúc kiến
như những viên đạn đồng
bắn vào đầu quân xâm lược phương bắc
Chị đúng là hậu duệ của Bà Triệu, Bà Trưng
Xin dỡ nón chào chị
Xin cảm ơn người anh thư nước Việt
Có họ Hoàng... như Hoàng, Trường Sa


 Đã phất cờ vàng làm dậy sóng niềm tin.

Ba Bùi
nguồn: http://danlambaovn.blogspot.de/2015/03/anh-thu-at-viet-tai-praha.html#more

25/3/15

Sóng Gió Đời Sinh Viên (1970 - 1975) và Lý Tưởng ?

Sóng Gió Đời Sinh Viên (1970 - 1975)

23/03/2015  
Bút Ký của NC_Lê Hoàng Thanh
Lời người viết: 40 năm sau khi Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, người Việt lần lượt liều chết bỏ nước ra đi tìm Tự Do. Từ đó cũng nảy sinh ra sự phân biệt không tránh khỏi giữa những thuyền nhân tỵ nạn và những sinh viên du học nói chung, sau khi đặt chân đến đệ tam quốc gia, đặc biệt tại Đức nói riêng. Tôi xin mạo muội ghi lại ra đây vài kinh nghiệm mà chính bản thân người viết, một sinh viên du học thời Việt Nam Cộng Hòa, trải qua để quí đồng hương biết và từ đó có thể có cái nhìn trung thực hơn như đã từng. Ngoài ra tôi chủ yếu chỉ đề cập khoảng thời gian đến ngày 30.4.1975; vài chi tiết liên quan sau đó có chăng chỉ để dẫn chứng hay giải thích ngắn cho trọn ý.
Và vì đây chỉ là bài tạp ghi, có tính cách tự thuật nên chắc chắn không tránh khỏi trùng hợp hay đụng chạm từ một cái nhìn, dù không muốn nhưng đôi khi vì sự chủ quan thiếu thận trọng của người viết đối với độc giả nếu có, xin trân trọng kính mong quí vị rộng lòng thông cảm cho.
Chân thành cám ơn. (NC_LHT)



Tác giả trước khi đi du học Đức

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang chìm đắm trong vòng khói lửa, khi mà cộng sản miền Bắc luôn nuôi tham vọng thôn tính miền Nam Việt Nam (VN), tôi hầu như vẫn còn hồn nhiên với tuổi thơ, chưa thấu hiểu rõ những khổ đau của những bà mẹ khóc con hay của những người vợ ôm con quỳ bên quan tài chồng mà tôi hằng chứng kiến nơi khu vực tôi ở khi còn chưa ra nước ngoài. Tôi vẫn vô tình, vẫn vui đùa với bạn bè, vẫn ngày ngày cắp sách đến trường và mãi cho đến khi đậu xong bằng Trung Học thì tôi mới thật sự khôn thêm ra để biết đâu là “nguyên nhân“ đưa đến cái thảm cảnh “huynh đệ tương tàn“, người cùng một giòng máu “Con Rồng cháu Tiên“ bắn giết nhau!
Phải công tâm mà nói, một bên, Nam Việt Nam cố gắng tự vệ để sống còn, còn bên kia từ phương Bắc, Cộng Sản VN “muốn thắng bằng mọi cách để ngự trị“ . Nhìn bạn bè khi có đứa vì hoàn cảnh phải sớm rới trường học nhập ngủ vì thiếu may mắn trên con đường học vấn, tôi đã cố gắng đèn sách trong một bối cảnh khá phức tạp nhưng bình đẳng đối với bạn bè nam nữ cùng tuổi thời bấy giờ.
Vì ý thức được rằng nếu không học, thi rớt là phải rời ghế nhà trường lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự nên dù vẫn vui chơi với bạn bè cùng trang lứa nhưng tôi không xao lãng chuyện học hành cho nên cá nhân tôi may mắn hơn những đứa bạn thiếu may mắn, đúng như  tục ngữ ta vẫn có câu:
“Có công mài sắt, có ngày thành kim“
 hay  “ Trời không phụ kẻ có lòng“!
tôi qua được Tú Tài I, đậu Tú Tài II không khó khăn và nhẹ nhỏm người sau khi xong bậc trung học. Rời quê lên tỉnh Sài Gòn, định học Đại Học ở đó thì tôi có thêm cái may mắn khác nữa là được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho phép đi ra nước ngoài học, thật tình cờ vì riêng tôi chưa hề nghĩ đến chuyện này bao giờ. Cuối cùng, tôi đã khăn gói một mình đi du học Đức, nói nôm na như đồng hương tỵ nạn sau này gán cho danh từ “thành phần trốn lính“. Tôi không muốn tranh cải với họ nhưng tôi nghĩ có lẽ cũng đúng phần nào. 
Cuối thập niên 60 tôi đặt chân lên xứ Đức, một quốc gia mà tôi chỉ mù mờ biết qua trong những giờ sử địa là có diện tích lớn cở VN mình, cũng có khoảng hơn 80 triệu, người dân thì nhìn chắc cũng không khác gì người Mỹ hay như ông Tây, bà đầm mà chúng ta thường thấy trong những phim ngoại quốc chiếu tại VN và nằm đâu đó tại Âu Châu. Từ đó, tôi bắt đầu thật sự đụng chạm với xã hội mới, mới từ ngôn ngữ, màu da, nếp sống v.v.... và khủng khiếp nhất là phải cố gắng làm quen với cái lạnh chết người tại Đức.                                                                                                                                                   
Mười tám tuổi đầu đã xa gia đình, biết con mình một thân bơ vơ nơi đất khách nên Ba má tôi thường áy náy với cái mặc cảm là “đem con bỏ chợ “. Tôi viết thư về nhà an ủi gia đình, chị em nói không phải chỉ riêng tôi đâu, biết bao sinh viên cũng cùng cảnh ngộ, đừng lo gì hết, “trời sinh voi sinh cỏ“ mà! 
Mà cũng đúng thật. Mỗi sinh viên (SV) du học lúc đó được giới thiệu đến ở trọ trong một gia đình người Đức. Tôi may mắn được ở trong một gia đình gần trường nên hàng ngày đi bộ đến trường học cũng tiện, trong khi những bạn ở xa có xe buýt đưa đón. Trưa, chiều sau khi học xong tiếng Đức thì tất cả chúng tôi được xe buýt đưa đến một nhà hàng cách trường cũng năm, bảy cây số để dùng cơm, được bao thầu bởi một nhà hàng Đức. Những ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ vì không quen với thức ăn do đầu bếp là người bản xứ nấu nên tôi hầu như chỉ ăn cho có lệ. Ngày nào cũng thịt, đủ loại: heo, bò, gà vịt, khoai chiên, khoai luộc, salat v.v… dù thay đổi luôn nhưng ăn hoài cũng chán nên có lúc tôi bỗng nhớ đến những bữa cơm đạm bạc với cá kho, rau muống, mắm cà ...lúc còn ở quê nhà, nhất là thèm nước mắm ớt nhưng biết tìm đâu ra những hương vị quê hương nói trên ở vùng ngoại ô như nơi tôi đang cư ngụ?.
Chúng tôi đa số vì đi du học tự túc nên phải lo học, ngấu nghiến tiếng Đức như có thể vì sợ thi rớt không được lên lớp học tiếp khoá cao hơn tốn tiền cha mẹ nên nào có biết hưởng thụ là gì đâu! Tiếng Đức vốn khó. Khi đến đây chẳng biết một chử nào hết, kể cả “có hay không“ nên những ngày đầu rất ư vất vả, mất nhiều thời giờ vì phải tra tự điển, từ tiếng Đức sang Pháp hay Anh ngữ, lý do là tôi không có quyển tự điển Đức-Việt để sử dụng lúc đó. Nhờ phương pháp dạy rất hay của nhà trường và của thầy, cô giáo Đức nên sau một tuần lể thôi tôi nói riêng đã có thể nói chuyện sơ sơ, thăm hỏi với ông bà chủ nhà trong những lúc gặp gỡ. Điều tôi học được đầu tiên từ người Đức là sự ngăn nắp và đúng giờ của họ, không kiểu giờ cao su như mình đâu.
Sau 2 tuần học tiếng Đức, mỗi ngày 8 tiếng là tôi (chúng tôi) đã có một vốn liếng tiếng Đức khá tạm đủ để giao thiệp, nói chuyện thông thường với bạn bè ngoại quốc cùng trường hay với ông bà chủ nhà vào những dịp cuối tuần. Thỉnh thoảng tôi thấy mình nhớ đến quê nhà, nhớ ngày nào xách xe gắn máy chạy rong dạo phố, thăm bạn bè. Nhớ ngày nào sáng, chiều lấy xe chạy ra biển tắm với những đứa bạn cùng xóm mỗi cuối tuần thì giờ đây nằm một mình trong căn phòng nhỏ, cô đơn, nhớ nhà nên tôi nghĩ ngợi lung tung, không biết gia đình, chị em và bạn bè giờ đang làm gì ở quê hương nằm bên kia bờ đại dương??? Có lẽ mấy người bạn khác cũng mang tâm trạng như tôi nên sau đó chúng tôi hay thường hẹn gặp nhau thả bộ đi xem hay thăm viếng những khu vực gần, chung quanh nơi chúng tôi ở để bớt nhớ nhà, tìm hiểu thêm đời sống dân Đức. 
Nói chung, nhờ ở mỗi đứa một nơi nên chúng tôi tiến rất nhanh trong việc học tiếng Đức. Tôi bớt rụt rè vì “đủ khả năng“ hỏi đường hỏi sá, nói chuyện sau 4 tuần học tiếng Đức. Ngoài ra, nhờ học xong chữ nào là cố gắng thực hành ngay nên ít quên và vì thế tiếng Đức của tôi nói riêng ngày thêm phong phú.
Nói đến chuyện này làm tôi nhớ chuyện là “mấy người mít ngố“ chúng tôi ngố thật. Mấy cô con nít choi choi Đức học trường trung học cở 15, 16 tuổi trong vùng thấy người Á Châu là lạ tìm cách làm quen. Mấy anh mít ngố nhà ta trong đó có tôi sợ, tránh né. Nhưng rồi “đời người cũng quen“, chúng tôi không còn rụt rè nữa, làm quen với vài “cô đầm con“ và trao dồi tiếng Đức với mấy cô, nhờ mấy cô đầm con này cắt nghĩa thêm cho những chữ, câu nào học chưa hiểu trọn nghĩa hay sửa dùm cho giọng đọc, lối phát âm, giọng nói. Nhờ đó mà tiếng Đức tôi lại càng khá hơn.
Sau 2 tháng học liên tục, cuối khoá chúng tôi phải trải qua kỳ thi, nếu đậu sẽ được lên lớp cao hơn. Kỳ thi gồm hai phần: thi viết và vấn đáp. Tôi nhẹ người khi có kết quả là mình cũng đủ điểm qua cầu. Sau đó tôi được lên học khóa tiếng Đức kế tiếp. Có đứa vì hoàn cảnh, sau khi học xong khoá I Đức ngữ vội khăn gói rời trường sinh ngữ, xuôi ngược lo cho tương lai. Nhưng phần đông thì học hai khoá, mỗi khoá kéo dài 2 tháng, thi xong khoá II là rũ nhau rời trường, lên thành phố tìm nơi ăn chốn ở, ghi danh vào Đại học và xin chỗ học, tìm chỗ thực tập, lo ôn lại bài vở, nhất là tiếng Đức chuẩn bị thi vào Đại Học v.v…
Từ đó, chúng tôi chia tay, mỗi đứa một nơi, thân ai nấy lo. Đâu có được cái diễm phúc ở gần gia đình, có cha mẹ, có chị em an ủi khi đau buồn như nhiều đồng hương may mắn đã vượt bao hiểm nguy đến Đức định cư nói riêng. Chúng tôi cũng đâu có cái may mắn được Đức (điển hình là Die Otto Benecke Stiftung e.V. (OBS) tài trợ cho các bạn trẻ muốn theo  học Đại Học Đức) trả tiền cho học một năm Đức ngữ thoải mái như bao đồng hương tỵ nạn khác sau nầy, chỉ mừng cho họ thôi. Và chính vì thế nên họ có khả năng tiếng Đức khá hơn và ít gặp khó khăn hơn chúng tôi ngày xưa trước 1975 khi vào Đại Học cũng là chuyện dễ hiểu.
Ngoài ra, thành thật mà nói, nếu ngày xưa một ai trong chúng tôi nhỡ có mệnh hệ gì có lẽ chẳng có ai biết đến vì thời đó không đông sinh viên VN, lại ở rải rác mỗi người một nơi. Đó, số phận của những “người trốn quân dịch“ như chúng tôi là thế ! Chưa kể đến chuyện đâu có bao nhiêu nữ sinh viên VN đi du học Đức, nhiều bạn muốn kiếm “bồ Việt Nam“ đành phải lặn lội đi sang các nước láng giềng như Bỉ, Thụy Sĩ hoặc Pháp và nếu may lắm thì cũng tìm ra được “người yêu lý tưởng“, đâu có cái diễm phúc như các bạn tỵ nạn sau này, muốn làm quen cô nào thấy vừa mắt thì đâu cần đón xe lửa chạy hàng trăm cây số, đôi khi xui tận mạng tốn công, tốn của mà chẳng tìm ra được người bạn gái để an ủi nhau trong những tháng ngày bơ vơ giữa chợ đời này!
Nhân tiện tôi cũng xin ghi lại dưới đây vài điều để đọc giả biết thêm đời sống của “thành phần trốn quân dịch“ trước đây tại Đức.
Cầm thông hành do chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thời đó cấp, hàng năm tôi (chúng tôi) đến kỳ phải gia hạn, không những ở Toà Đại sứ Việt Nam tại Bonn mà còn ra sở ngoại kiều nơi địa phương mình cư trú. Khó khăn như thế nào có lẽ quí vị cũng đã biết rồi. Điều đáng nói là sinh viên du học chúng tôi không được phép đi làm, tôi nói riêng phải ca “bài ca con cá sống vì nước“, năn nỉ, giải thích nhiều lần nên sở ngoại kiều "thông cảm và thương tình" mới đóng con dấu vào thông hành cho phép đi làm 12 giờ mỗi tuần . Ngoài ra lúc đó còn có ngân hàng bày đặt phân biệt, chia ra trương mục: một loại trương mục dành cho người bản xứ và một loại khác dành cho người ngoại quốc. Dĩ nhiên tôi phải đứng sắp hàng chờ ở nơi đã ấn định để mở một trương mục gởi, nhận tiền, mặc dù tôi thú thật đói rách mồng tơi chưa có đủ tiền để sống thì làm gì có tiền mà gởi ở trương mục!
Nhờ biết tiếng Đức không tệ lắm nên mỗi lần ra sở ngoại kiều làm giấy tờ xin gia hạn thông hành, tôi có dịp được chứng kiến nhiều cảnh không hay của nhân viên sở ngoại kiếu đối với người ngoại quốc. Mấy ông công chức sở ngoại kiều có lúc lên giọng xài xể mấy người Thổ, Nam Tư hết cỡ nói, lắm khi còn nặng lời nhưng tôi thấy họ có hiểu gì đâu nên chỉ vâng vâng, dạ dạ miễn sao được việc, được gia hạn thông hành để tiếp tục ở lại Đức làm thợ khách là họ rối rít cám ơn ra về. Tôi và các bạn sinh viên khác tốt số hơn. Nhìn vào thông hành thấy nơi chỗ nghề nghiệp ghi chữ sinh viên (Student) nên họ nhỏ nhẹ hơn tí vì biết tôi hiểu hầu hết những gì họ muốn nói. Tuy vậy cũng trầy vi tróc vẩy, phải chứng minh cho họ thấy mình học không bị ở lại lớp, phải chứng minh là có đủ tiền trong trương mục, phải nộp giấy chứng nhận của nhà băng là gia đình chuyển tiền đều nuôi ăn học. Đây là những khúc chiếc chúng tôi gặp phải trước và ngay sau 30.4.75. Mỗi lần làm giấy tờ là mất hết cả ngày, về sau thì đỡ hơn vì sở ngoại kiều phân loại: người ngoại quốc theo diện thợ khách và ngoại quốc thuộc diện “ngon hơn tí“, diện sinh viên đến Đức du học!                                                               
Tôi may mắn xin được chỗ học ở một Đại Học của một thành phố lớn đông dân cư và có nhiều hãng xưởng kỹ nghệ. Ban ngày thì tôi lo chạy ngược xui tìm xin chỗ làm thực tập, đêm về thì ăn uống qua loa xong lo học thêm Đức ngữ chuẩn bị thi vào Đại Học. Sau khi tiếng Đức khá hơn và mọi việc liên quan đến chuyện học tương đối ổn định, tôi bắt đầu tự lập và từ đó viết thư về nói gia đình đừng gởi tiền sang cho tôi nữa. Thú thật, bạn bè cũng có vài đứa vất vã như tôi. Phần tôi, làm hết việc này xong xoay qua làm việc khác, kiếm tiền để học mà. Có khoảng thời gian tôi đã phải đứng ngã tư đường phố giữa trời đông tuyết lạnh phát những tờ giấy quảng cáo cho người Đức đi qua lại kiếm chưa được 4DM/giờ thời đó. Lắm khi phải nhận làm ba chuyện lặt vặt vào buổi sáng sớm trước khi vào học, thường được bắt đầu lúc 8 giờ. Thậm chí cuối tuần tôi cũng phải kéo cày, miễn sao kiếm ra tiền để tự nuôi sống mình qua ngày“ ... để học!                                                                                                                  
Dù bận rộn vì học, mưu sinh nhưng chúng tôi bên Đức này cũng thường theo dõi, thảo luận về tình hình chiến cuộc ở quê nhà. Về mùa hè đỏ lửa, về nguyên nhân và hậu quả hiệp định Paris v.v… và cũng từ đó tôi nhìn thấy trong giới sinh viên tại Đức có thể chia ra làm vài thành phần: thành phần con ông cháu cha nhưng oái ăm thay lại có đầu óc thiên tả, thành phần lè phè, ba phải hưởng thụ, thành phần chỉ biết lo học phi chính trị và thành phần sinh viên có lập trường chống cộng rõ ràng. Ở Tây Đức lúc đó có gần ngàn rưỡi sinh viên VNCH, quá ít so với số sinh viên ngày nay CS cho đi ngoại quốc du học (ghi chú thêm: không hiểu tại sao (?) số người từng chỉ trích SVVNCH trước đây ít ai dám đề cập đến thành phần SV này, có thể nói đa số mới thật sự là con ông cháu cha!), dù hoàn cảnh kinh tế bây giờ khác rất xa so với thời trước 75 ở VN. 
Thời đó, hầu như nơi nào cũng chia ra hai nhóm, từ Berlin, Koeln, Aachen, Stuttgart, Muenchen, Karlsruhe. Phe SVVN thân cộng và phe quốc gia, thậm chí có nơi hai anh em ruột hai chính kiến chống nhau ra mặt! Nhưng phải nói phe VN thân cộng mạnh nhất là ở Stuttgart, Aachen, Karlsruhe và Berlin. Cũng nên nói thêm là ngoài cái hội đoàn kết quy tụ những sinh viên VN thiên tả có tổ chức, đựợc hướng dẫn và chỉ đạo nên họ hoạt động có quy cũ và nhất thống hơn; trong khi tuy phe quốc gia cũng lập ra Liên Đoàn Sinh Viên VN Tự Do (LĐSVVNTD) nhưng vì thiếu phương tiện, không có người đủ khả năng hướng dẫn và lại “thiếu chính nghĩa vì phong trào phản chiến lớn mạnh“ lúc bấy giờ nên LĐSVVNTD coi như ở “dưới tay“ nhóm đoàn kết. 
Tôi còn nhớ có lần chính phủ VNCH phái Bộ Trưởng Chiêu Hồi Nguyễn văn An sang Đức để gặp gỡ nói chuyện với sinh viên, do anh em trong LĐSVVNTD tổ chức mà tôi ủng hộ và tham dự, mặc dầu không phải thành viên chính thức của LĐSVVNTD, tôi thấy sinh viên quốc gia mình quá thờ ơ không tham dự nhiều. Thành phần ăn chơi và lè phè thì khỏi phải nói đến làm chi, trong khi đó thì nhóm quá khích thân cộng vận động người của họ từ nhiều nơi về, nơi nào có ông An tới nói chuyện là nơi đó có họ, vẫn từng đó khuôn mặt và hình như đã học tập trước, họ tìm cách phá rối buổi nói chuyện, đặt ra từng đó câu hỏi chất vấn ông An và dĩ nhiên sự ra đi của ông An không đem lại kết quả bao nhiêu như chính quyền VNCH lúc đó mong đợi. 
Ngoài ra, phong trào phản chiến trên toàn thế giới thời đó trở thành cái “Mode“ ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là ở những Đại Học Đức, sinh viên thiên tả tổ chức biểu tình thường xuyên, ra tuyên cáo, phát truyền đơn chống Mỹ và chống đồng minh ủng hộ chính phủ VNCH tham chiến ở Việt Nam. Nhưng cá nhân tôi cho tới cũng vẫn chưa hiểu rõ (vì các sinh viên một thời thiên cộng này, một số vẫn còn hoạt động cho csVN, đa số còn lại hoặc theo cha mẹ, bà con di dân sang Mỹ, Úc, Canada... sinh sống hoặc sống "biệt lập" đâu đó, im lặng chẳng lên tiếng nên lý do nào thật sự đã thúc đẩy họ - những sinh viên thời VNCH - quay lưng lại chống chính phủ ?. 
Cũng nói thêm, các sinh viên thời VNCH gồm đủ thành phần: Nam, Trung, Bắc (di cư 1954 mà về sau được gọi là "Bắc Kỳ chín nút"). Một số sinh viên thiên tả là con cái của những người tham chính có địa vị hay sĩ quan cao cấp của QLVNCH và có kẻ từng là nhân chứng sống vụ thảm sát Tết Mậu Thân 1968 tại nhiều tỉnh lỵ của Miền Nam VN, ngay cả ở Sài Gòn và đặc biệt tàn khốc nhất là vụ tàn sát dã man của Vc và tay sai ở Huế. Họ đã từng nhìn thấy thảm trạng người dân Miền Nam trốn chạy VC xuyên qua cuộc di tản "Mùa Hè Đỏ Lửa" Quảng Trị 1972 vậy mà nhiều người, trong đó có khá nhiều trí thức thời VNCH mà chúng ta nghe biết vẫn chạy theo cộng sản, làm tay sai hay giao liên cho VC/cs sau đó để cuối cùng miền Nam VN bị cộng sản cưỡng chiếm. Chưa hết, sau ngày 30.04.1975 lần nữa lại chạy bán mạng hầu tìm đất sống, để rồi ....bây chừ có người vẫn còn bám chạy theo cs, làm lợi cho VC. 
Tôi nghĩ ai cũng có nhận thức, nhất là giới sinh viên du học với trình độ cao hơn Tú Tài II thế nào cũng nhìn thấy những thảm cảnh ở trên, ít ra cũng qua Tivi hoặc báo chí nhưng cho đến giờ họ vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục là : "Tại sao họ thiên cộng, hoạt động cho VC chống lại chính phủ đã cho họ đi du học ??".
Thật sự họ muốn gì?. Bảo rằng vì yêu nước ư?. Chưa đúng hẳn bởi lẽ có bao nhiêu người "yêu nước" trong đám họ về nước phục vụ thật sự cho quê hương?.
Còn bảo rằng tranh đấu cho quyền lợi người dân VN vì họ bị đàn áp, vì tham nhũng, vì thiếu Tự Do Dân Chủ thì cũng chẳng thuyết phục được ai!. Người viết vốn cũng là sinh viên du học của VNCH đề nghị những sinh viên một thời thân cộng, hoạt động cho MTQGGPMN gì gì đó hãy thật lòng với chính mình đi bởi lẽ rõ ràng VN hiện nay tham nhũng cỡ nào?. VN bây giờ Tự Do là vậy ư (theo Internet/Youtube) khi người dân không được hội họp, biểu tình, Tự Do Tôn giáo, báo chí cũng chẳng có!. Khác với xưa hăng hái xuống đường chống lại chính phủ từng nuôi dưỡng và cho họ đi du học thìbây giờ đa số sinh viên thân cộng thời đó hoàn toàn im lặng, một sự im lặng khó hiểu!
Tinh thần "yêu nước, la lối, chỉ trích chế độ không sợ hãi thời trai trẻ" của quý vị đâu rồi ???.
Và ngoài ra dân Đức nói riêng, do phong trào phản chiến 68 chủ xướng, trong đó có cả cựu Bộ trưởng ngoại giao Đức J. Fischer và những đồng chí của ông cùng nhiều nhân vật tên tuổi khác từ nhiều đảng phái, nhiều nhà văn có tiếng hăng hái xuống đường kêu gọi chống Mỹ, chống chiến tranh, đòi hỏi Mỹ rút khỏi Việt Nam nên cuối cùng vì không chịu nỗi áp lực chính trị từ bên ngoài, khắp năm châu. Đồng minh, đặc biệt Hoa Kỳ đành phải bỏ Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản.
Sài gòn bị đổi tên sau 30-4-75! Tôi không thuộc vào thành phần thiên cộng này nhưng là người chứng kiến và đã nhìn thấy rõ nhiều sinh viên VN thiên tả, những kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản đã cùng với những người Đức thân cộng xuống đường hô hào chấm dứt chiến tranh, chống lại chính quyền Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng họ quá ngây thơ chưa nhận thức ra điều điều căn bản là miền Nam Việt Nam chỉ tự vệ, trong khi miền Bắc tìm đủ mọi cách xâm chiếm miền Nam. Tôi nghĩ rằng nếu Nam và Bắc Việt Nam cũng sống như Đức hay Đại Hàn, cũng chia đôi nhưng nhà ai nấy ở và mỗi nước có quyền tự trị riêng thì đâu có chuyện gì xảy ra, đâu có chuyện đổ máu hay Mỹ, đồng minh đến VN!                                                                           
Rồi việc gì đến phải đến, Nam Việt Nam thua trận, mất chủ quyền. Tôi mất nước, ở lại Đức từ đó, và dù luôn thầm nhớ đến quê hương của mình nhưng 40 năm qua, cho đến nay vẫn chấp nhận cuộc sống tha hương mặc dầu có thể nói cũng đủ điền kiện để du lịch VN, nếu muốn. Điều mà tôi vẫn chưa hiểu được là tại sao 40 năm rồi mà có người vẫn còn nghĩ, còn nói là VN mất nước là do thiểu số những sinh viên VN thiên tả nằm trong nhóm đoàn kết?  Tôi chưa đủ tư cách để buộc tội ai hết, nhưng nói như vậy, vô tình chúng ta đã “thổi phồng nhóm SV thiên tả“ này! Theo ý tôi, kết án họ là thành phần ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản, cùng với MTQGGPMNVN, với một số học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ CS nằm vùng v.v…  và một số trí thức “thiên tả nặng kí khác tại VN“ mà hầu hết chúng ta ai cũng nghe biết đã góp phần không nhiều thì ít vào sự sụp đổ của Miền Nam VN thì có lẽ đúng hơn. Thành phần sinh viên quốc gia và ngay cả thành phần thân cộng ở hải ngoại nói chung, đâu ai có lính, có súng đạn gì trong tay! Chúng tôi cũng chẳng nắm vận mệnh đất nước!
Tôi không bào chữa cho họ vì tôi chẳng trọng gì đám “SV trí thức thiên tả yêu nước bằng mồm“ này nhưng phần đông số sinh viên VN thiên tả đã bị CS và tay sai lợi dụng, bị sách động xuống đường để chống lại chính quyền đã cho họ xuất dương du học, trừ một số ít có lẽ vì tham vọng nên họ cực đoan, đi theo và hoạt động cho CS như một số sinh viên ở VN, sau 75 chúng mới để lộ mặt nạ ra mà ai ở VN đều biết. Và như chúng ta đã rõ qua Internet, một nữ đảng viên cs, hầu như cả cuộc đời bà ta tôn thờ, phục vụ cho lý tưởng CS thế mà sau 75 khi vào Sài Gòn, khi nhìn thấy được sự thật phủ phàng cũng đã phải buộc miệng nói: “nếu biết Miền Nam phồn thịnh như thế này đúng ra chúng ta phải giải phóng miền Bắc mới đúng! (sic)“. Nữ đảng viên cộng sản này đã khóc ngay tại Sài Gòn trong ngày 30.4.75 khi chính mắt bà ta thấy “nền văn minh đã thua chế độ man rợ“ (CSVN vẫn hay tuyên truyền như thế cho chế độ XHCN miền Bắc và ám chỉ VNCH là man rợ!). Nhưng khi người nữ cán bộ cs biết, nhìn thấy được sự thật thì quá trể, khi biết mình bị CS tuyên truyền, lợi dụng và bị mịt mắt từ hàng chục năm qua thì cũng đã muộn rồi“. (Cho tôi được mở ngoặc ở đây: Liên quan đến tình hình chính trị Đức cá nhân tôi so sánh cộng sản Đông Đức cũ và Cộng Hoà Liên Bang Tây Đức (BRD) nên cũng hiểu khá rõ sự khác biệt giữa "bản chất và hiện tượng". Cho tới nay chưa hề biết nữ đảng viên cs đó là ai, ngoài dữ kiện ở trên mà người viết dẫn chứng để thấy rằng cộng sản mỵ dân qua sự tuyên truyền như thế nào mà thôi, không đi sâu vào chi tiết chẳng cần thiết!) 
Điều mà tôi cũng muốn nói thêm là đám sinh viên VN thiên tả này, thành phần ít ra có trình độ tối thiểu để nhận xét vì chính họ đâu có bị bịt mắt tại xứ Đức khi mà tin tức liên quan đến VN hay ngay cả DDR (cộng sản Đông Đức cũ) thường xuyên phổ biến không thiếu qua báo chí, với đầy đủ hình ảnh trên truyền hình Đức?.
Tôi nghĩ họ nhìn thấy tất cả nhưng họ không muốn biết sự thật, một sự phũ phàng. Có thể vì sợ nói ra thiên hạ cười rằng họ "trí thức! mà thiếu suy nghĩ chắng, nên họ vẫn bán đứng lương tâm tiếp tục làm tay sai cho CSVN, trừ một số ít trong thời gian qua đã đứng lên chống lại bạo quyền CSVN khi biết lòng “yêu nước“ của mình bị CS lợi dụng. Vì tế nhị nên chúng tôi (khác với những người chỉ nghe kể lại!) không nói rõ tên tuổi ra thôi chứ chúng tôi đâu lạ gì đám sinh viên thân cộng ở Đức, họ tuy ngoài miệng nói là “yêu nước“, tranh đấu hầu giành độc lập (?), chủ quyền cho VN;  từng hô hào chống Mỹ, đả đảo Mỹ, chửi Mỹ, gọi Mỹ là đế quốc nhưng tất cả chỉ là “mỹ từ“ vì bằng chứng là sau tháng Tư đen 1975, khi biết gia đình họ trốn CS chạy qua Mỹ thì họ “vẫn tỉnh bơ“ xách gói sang Mỹ sống, lập nghiệp trên đất nước mà chính họ (hầu hết đều tốt nghiệp Bachelor hay Master) đã có lần xem là kẻ thù! . Nhân tiện cũng nói thêm là đa số (hơn 90%) những sinh viên thời VNCH du học Đức đều học ra trường mặc dù việc học hành thi cử ở Đại Học Đức khá phức tạp và tương đối "khó thở", chưa kể đến chuyện Đức ngữ là trở ngại khác rất lớn cho sinh viên Việt và ngoại quốc nói chung, khi mà vốn liếng tiếng Đức rất kém so với sinh viên bản xứ. Trừ một số ít vì hoàn cảnh tài chánh khó khăn sau 1974 nên bị thất bại.
Trở lại chuyện sinh viên thiên tả tại Đức trước 1975. Tôi không hiểu con người thật của họ như thế nào qua dẫn chứng ở trên?. Chưa hết, trong khi tôi và số sinh viên khác lo âu chưa biết số phận mình ở Đức nay mai ra sao, chẳng biết thân nhân và bạn bè ở quê nhà từng tham chính sẽ như thế nào thì ngay vào ngày 30.4.75 những sinh viên VN thân cộng xách cờ Cộng Sản xuống đường cùng ăn mừng chiến thắng với “anh em, đồng chí của họ ở VN“, để rồi sau đó trừ một vài người tôi nghe biết, thay vì về VN sau khi học xong để thật sự góp bàn tay xây dựng xứ sở thì họ tìm đường di dân sang nước khác sông hoặc “cũng tìm cách ở lại Đức“ giống như tôi và số sinh viên trước đó không theo họ, có một quan điểm chính trị khác họ và “không thuộc thành phần "ái quốc" như họ (họ đã nghĩ như thế khi chỉ trích sinh viên không cùng quan đểm!).
Thậm chí có kẻ “yêu nước cực đoan“ (hiện đang còn ở Đức) đến độ sau tháng Tư đen 75 đã hăm dọa thành phần đối lập nói là phải lo nộp đơn xin lấy thông hành nhà nước không thôi gia đình thân nhân ở VN sẽ bị gặp khó khăn v.v… Tôi chửi thầm trong bụng còn lâu, tụi bay cũng chỉ là sinh viên thôi mà bây giờ trở mặt, bày đặt khoác lên mình “cái áo của kẻ chiến thắng“ giống như vài sinh viên CS nằm vùng ở VN để đe dọa “những đứa bạn du học cùng thời với họ“ ngay tại xứ tự do này, nên từ đó tôi chọn cho tôi một hướng đi khác!
Đấy, đầu óc của vài kẻ khoa bảng thiên tả là như thế đó, cũng cuồng tín không khác gì quan thầy, đàn anh của chúng. Một điểm trùng hợp khá ngẫu nhiên theo sự nhận xét của tôi là giống như ở VN sau 30.4.1975, không phải những sinh viên thiên tả ồn ào nhất trong quá khứ là những người nắm những chức vụ quan trọng trong hội hay chi bộ đoàn kết nơi chúng tôi ở sau khi NVN mất mà là những tên sinh viên tả từ trước đến giờ hầu như lầm lầm, lì lì ít nói. Những tên gộc này (một đang ở Mỹ và một gần đây đã di dân sang Úc) từ trong bóng tối nhảy ra nắm những chức vụ rất kêu như tỉnh bộ trưởng bang X,Y hay chi bộ trưởng chi bộ được chúng lấy tên những anh hùng "liệt sĩ VC đã chết" đặt cho, y chang như vụ đổi các tên đường ở Sài Gòn hay tại Việt Nam nói chung. Không hiểu VC chọn "thành phần lãnh đạo sinh viên thiên tả tại Đức" theo tiêu chuẩn nào làm cho số sinh viên quốc gia ngạc nhiên không ít.                                                                                                              
Ngày nào họ từng xuống đường la lối ôm sồm, chống chính quyền VNCH đã cho họ đi du học, hô hào đòi Tự do Dân chủ, đòi Tự do Báo chí, Tôn Giáo, chống tham nhũng  v.v… nhưng bây giờ, mặc dù đa số thành phần "ái quốc" thiên tả hiện cũng đang có mặt tại Đức, Mỹ, Bỉ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại ...“, nhất là số sinh viên thân cộng tại Đức (trong đó có những sinh viên mà cha mẹ họ là đảng viên các đảng phái quốc gia, kẻ thù không đội trời chung với CSVN), vẫn hoàn toàn im lặng, họ câm miệng cho dù VN ngày nay, kể từ khi CS thống trị còn tệ hơn gấp nhiều lần so với trước 75, từ nạn tham nhũng cho đến Tự Do Tôn Giáo, báo chí, đi lại, biểu tình hội hộp...Nói chung hoàn toàn kém xa so với thời VNCH và đáng nói hơn, họ mù quáng hay "lý tưởng" đến độ không muốn biết chính thân nhân họ, cha mẹ anh em họ có người đã bỏ mạng trên đường đi tìm Tự Do ngay sau tháng Tư đen 1975, họ lờ đi chuyện mà anh em, cha của họ, giới Quân Cán Chình của hai nên Cộng Hoà mà cộng sản gọi là "ngụy quân ngụy quyền của chế độ cũ" phải đi học tập "cải tạo" hay gia đình họ phải bỏ tất cả để đi vùng kinh tế mới, ân huệ dành cho những người đã một thời đối đầu với cộng sản miền Bắc. Họ đã quên rằng chính thành phần Quân Cán Chính" là những người ít ra đã hy sinh xương máu bảo vệ Miền Nam VN để họ mới có dịp yên ổn học hành và cuối cùng được chính phủ VNCH cho ra hải ngoại du học.
Theo tôi, cho dù bây giờ NẾU họ có lên tiếng tranh đấu cho Nhân Quyền, đòi hỏi Tự Do hay gì gì đi chăng nữa, thì tôi nghĩ, CSVN cũng chẳng làm được gì họ ở trên một quốc gia quá Tự Do như Đức này nói riêng. Thế nhưng cho đến nay họ vẫn im lặng, một sự im lặng khó hiểu, trừ khi họ sợ mất quyền lợi nào đó, sợ chống nhà nước biết được chắc không còn cơ hội về VN du lịch nữa?.  Tôi chưa tìm được câu trả lời chính xác.                                                                                                                
Trở lại chuyện đời sống sinh viên ở Đức. Sau tháng Tư đen 75, hoàn cảnh của người sinh viên VNCH du học càng thê thảm hơn. Đời sống hoàn toàn bị đảo lộn. Thành phần thuộc diện con nhà giàu hay nói đúng hơn thành phần lè phè hưởng thụ mà tôi có đề cập sơ đến ở trên mới gặp nhiều khó khăn, lý do đa số họ ỷ lại và sống nhờ vào đồng tiền cha mẹ gởi sang. Chính tôi đã thấy vài sinh viên thật sự khủng hoảng vì “sự ngưng viện trợ từ cha mẹ“ xảy ra quá đột ngột.  Chỉ có những sinh viên vốn đã quen kéo cày, từng tay lấm chân bùn (mà trước đây bị giới lè phè chê cười là nhà nghèo nên mới đi làm nhiều!) biết cách xoay trở nên tương đối hoà đồng dễ dàng hơn với cuộc sống mới, tự làm lụng kiếm tiền để học tiếp cho đến khi ra trường, trong đó có tôi, bởi vì hầu hết chẳng có ai có học bổng hay trợ cấp Bafoeg (tiền trợ cấp cho SV thuộc diện nhà nghèo, không đủ khả năng nuôi con ăn học!) của Đức gì đâu như giới anh em trẻ đến Đức tỵ nạn sau này. So với “thành phần trốn lính thời VNCH“ như chúng tôi ngày xưa thì phải nói đây là sự may mắn của những bạn trẻ VN đến sau. Điều  kiện sống, nhất là về phương diện tài chánh và tinh thần khá đầy đủ, chỉ còn chuyện lo cho tương lai, học hành mà thôi. Mừng dùm cho các bạn!
Nói đến chuyện sinh viên VNCH du học Đức, về kinh nghiệm hội nhập vào xã hội Đức thì còn nhiều lắm nhưng như đã nói từ đầu, trong khuôn khổ bài tạp ghi này tôi chỉ giới hạn và đề cập đến vài chuyện có thật xảy ra trong khoảng thời gian từ 1970 - 75 nên người viết xin đừng lại nơi đây không thôi bài sẽ còn dài hơn nữa.
Năm nay 2015, 40 năm sau ngày 30-04-1975 tôi (với bút hiệu) ngồi ghi lại vài kinh nghiệm của riêng tôi (một sinh viên được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho phép sang Đức du học) và dĩ nhiên cũng là của những bạn cùng cảnh ngộ, không văn vẻ. Hy vọng quý độc giả qua bài tạp ghi này có thể hiểu thêm phần nào đời sống của sinh viên du học thời VNCH mà đồng hương vốn đã tặng cho mỹ từ “những kẻ thuộc thành phần con ông cháu cha trốn lính“. Điều này có thể đúng mà cũng có thể sai, tôi xin được miễn bàn, vì tôi không nằm trong thành phần con ông cháu cha. 
Cá nhân tôi chỉ nói ra như thế này cùng quí vị, thay cho lời kết: 
Khi được đi du học Đức, tôi chỉ mang có một tham vọng duy nhất là cố gắng học cái hay của nước Đức với niềm hy vọng là sau khi thành tài sẽ trở về lại quê hương Việt Nam mến yêu đem những điều học hỏi được phục vụ đất nước, được dịp sống gần cha mẹ, chị em, thân bằng quyến thuộc và bạn bè của tôi sau bao năm xa xứ, để cho tôi có dịp thở hít lại không khí quê hương, nơi mà tôi được sinh ra và lớn lên.  
Nhưng rất tiếc là hiện tại tôi (một cựu sinh viên VNCH đã xin tỵ nạn chính trịđã nuốt lệ chấp nhận xứ người làm quê hương (tạm dung) thứ hai của mình và có thể nói tương đối có đầy đủ điều kiện đi đó đi đây nhưng kể từ khi rời VN sau lần chót về thăm nhà trước khi Sài Gòn mất cho đến nay vẫn chưa một lần về VN du lịch hay để thăm thân bằng quyến thuộc mặc dù tâm trạng lúc nào cũng chất chồng biết bao là ưu tư, nhớ thương!) vẫn sống lưu vong, hơn ba thập niên làm thợ khách trên xứ người, nơi mà tôi đã tự lập sau khi có tạm đủ vốn liếng Đức ngữ và (may mắn) cũng vượt qua bậc cao học ngành kỹ thuật và cuối cùng kể từ khi tốt nghiệp kiếm cơm sống qua ngày với những gì mà giảng sư người Đức đã chỉ dạy cho khi còn ngồi ở Đại Học.

Dù mang tâm trạng của một “kẻ mất nước, xa quê hương“ và cho dầu giờ đây vẫn còn đang sống tha phương khi mái tóc thì đã chấm bạc sau 40 năm biệt xứ kể từ tháng Tư 1975 nhưng trong tôi lúc nào cũng vẫn nuôi niềm hy vọng là một ngày nào đó không xa đất nước VN sẽ được dân chủ hoàn toàn, người dân thật sự được hưởng trọn vẹn các quyền làm người như ở các quốc gia tự do Âu Mỹ hầu từ đó có thể biến ước mơ nho nhỏ, đơn sơ của tôi thành sự thật và mình (nếu may mắn còn sống) sẽ trở về quê hương VN mến yêu để tha hồ bay nhảy, bơi lội như tục ngữ ta, hiểu theo nghĩa đơn thuần rất bình dân, vẫn có câu:                                  
« Ta về ta tắm ao ta
   Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn » 
* NC_Lê Hoàng Thanh (Đức Quốc, Hạ tuần tháng 03.2015)
* Bản có bổ túc và hiệu đính năm cho hợp thời gian tính .


Lý Tưởng ?

Alain Bảo (RFA) - 
Anh họ tôi du học qua Tây Đức, theo diện quốc gia nghĩa tử vào những năm cuối cùng trước khi Miền Nam thất thủ, khi dượng tôi bị ám sát ngay trước vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu.
Sau 75, đại gia đình bên ngoại tôi phần lớn bị kẹt lại và sống một cuộc đời lê lết, ngục tù của những kẻ được mang danh là con cháu Mỹ ngụy bơ thừa sữa cặn.
Ngày anh họ tôi về thăm đại gia đình từ Tây Đức vào những năm rất sớm sau “giải phóng”, anh có một dáng vẻ thật khoa học, thật thà, với nước da trắng hồng và cặp mắt thật sáng của một người sống lâu năm tại xứ lạnh, khác hẳn với tôi, một thằng nhóc con đen đủi ốm nhom lòi xương, được hân hạnh sống dưới thiên đường xã hội chủ nghĩa và học tập dưới đỉnh cao trí tuệ trong thời gian tiểu học.
Có lẽ vì ra nước ngoài du học quá lâu hay là vì quá yêu khoa học mà anh họ tôi thường rất ít biết về 2 từ “Cộng Sản”, một chủ nghĩa được sáng tạo ngay trên trên đất nước Đức, nơi đã đào tạo anh thành một tiến sĩ khoa học gia.
Chỉ vài năm sau, vì quá kinh hoàng trước cách đối xử và sinh sống của chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa, cả đại gia đình từng người một vượt biên, vượt biển và nhờ trời phật phù hộ, may mắn tất cả đều đến định cư rải rác các xứ sở tự do từ Châu Âu, Châu Úc, Mỹ và Canada.
Cuôc đời lắm chuyện tréo cẳng ngỗng, khó ai mà lường được, vào những năm cuối thập niên 90, anh họ tôi lại quyết định về giảng dạy tại trường Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, theo lời mời của nhà cầm quyền Hà Nội.
Ngày đó cũng là ngày dì tôi khóc sướt mướt, và quyết định sẽ không liên lạc với “thằng con trời đánh” nhưng lại là người con hiếu thảo đã tảo tần gửi viện trợ về giúp đỡ gia đình dì tôi vào những năm còn sống tại Việt Nam, đã đi ngược lại ý muốn của dì.
…Rồi thời gian cũng qua đi, vì bận lo mưu sinh, kiếm cơm manh áo tại xứ người, đại gia đình tôi dần dần quên lãng có một người anh em bạn dì hiện là giáo sư từ Tây Đức về giảng dạy tại Việt Nam.
Những năm Las Vegas có Conference về computer và khoa học kỹ thuật, tôi lại gặp được anh họ tôi ngay tại thành phố nóng cháy và không bao giờ ngủ.
Vì học chung ngành nên thường tôi có dịp được anh họ giảng dạy và trao đổi những dự án và phát minh về tin học cũng như toán học, mà anh đại diện cho Việt Nam trình bày tại những Conference này.
Anh họ tôi thuê 1 căn nhà nhỏ tại Sài Gòn, và hàng ngày cắm cúi đạp xe lên trường giảng dạy, chiều tối về lại cơm rau cháo muối đạm bạc một mình đơn côi, như một người xa lạ sống ngay trên quê hương.
Có lần trong dịp qua trường đại học ASU (Arizona State University) giảng dạy theo lời mời của Hoa Kỳ, tôi có vài lời khuyên anh hãy cẩn thận với thức ăn bên Việt Nam, vì dạo này tụi Tàu hay làm đồ giả, thức ăn độc hại pha chế và nhập cảng vào Việt Nam.
Anh họ tôi cho biết, nhu cầu ăn uống của anh rất đơn giản, ngoài ra anh có đóng bảo hiểm sức khoẻ cho Trường Đại Học Bách Khoa – nếu có bệnh tình hay chuyện gì xảy ra thì cũng đỡ lo, vì anh hiện sống ở Việt Nam dù là công dân Đức.
Cuối năm 2013-đầu năm 2014, được tin anh bị đau gan nặng, và tất cả tiền bảo hiểm sức khoẻ của anh đóng tại trường Đại Học Bách Khoa đều bị ban giám hiệu của trường này giựt và đem ăn xài nhậu nhẹt.
Vì không về Đức thường xuyên để làm việc, cộng với số tiền khiêm nhường ít ỏi của nhà nước Cộng Sản, và anh đã trút hết tin tưởng vào số tiền bảo hiểm sức khoẻ khá lớn, mà anh họ tôi đã đóng cho trường và bị mái trường xã hội chủ nghĩa cướp một cách trắng trợn. Anh họ tôi hoàn toàn không có khả năng chi phí những khoản tiền khổng lồ 1200 dollars, cho mỗi lần chữa trị bằng phóng xạ. Gia đình dì tôi bên Mỹ phải gom góp và gửi về tất cả chi phí cho bệnh viện.
Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến, vào cuối tháng 6 năm 2014, anh họ tôi trút hơi thở cuối cùng tại Việt Nam, không một người thân, không một họ hàng.
Bệnh Viện đã quăng xác anh họ tôi vào nhà xác chờ gia đình dì tôi từ Mỹ về nhận, trường Bách Khoa (trên khu trường đua Phú Thọ cũ) thì im hơi giấu tiếng về hàng chục ngàn dollars chia chác từ tiền bảo hiểm sức khoẻ do anh tôi đóng hơn mười mấy năm.
Mãi tới ngày mai 30 tháng 6 chủ nhật thì anh họ tôi mới được người thân cấp tốc bay về từ Mỹ nhận xác, xác anh họ tôi nằm trong bệnh viện cộng sản từ 21 tháng 6 đến chủ nhật 30 tháng 6, liệu có còn nguyên vẹn như lời hứa ướp xác của bệnh viện hay không ?
Tôi viết bài này trong 1 trạng thái hỗn độn, vừa buồn, vừa giận, vừa trầm tư về cái chết quá trẻ của người anh họ khoa học gia hiền lành, thông minh đã đem tài năng giảng dạy cho sinh viên trường Bách Khoa, một ngôi trường đã nhẫn tâm ăn cướp tất cả tiền bảo hiểm sức khoẻ, và sau khi vắt chanh bỏ vỏ một tài năng lỗi lạc.
Không biết rằng anh họ tôi bên kia thế giới có biết chăng, anh chính là người tha hương ngay trên một xứ sở tham nhũng, hối lộ, văn hoá thối nát dưới sự thống trị của một chế độ ươn hèn ngu dốt, tay sai cho ngoại bang ? hay anh chỉ là một nhà khoa học thuần túy, suốt đời chỉ biết đến những con số, dữ liệu máy tính, thuyết trình ?
Dù sao đi nữa, xin cầu chúc linh hồn anh được an lạc nơi cõi bên kia!
Kính tưởng niệm hương hồn người anh họ anh em bạn dì Lê Ngọc Minh – Giáo Sư Tiến Sỹ Khoa Học Gia trường Đại Học Stuttgart West Germany – Trường Đại Học Bách Khoa Sài Gòn !
Nam Mô Bồn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Alain Bảo