Nhân dân vận động mới đổi được thể chế
Lê Diễn Đức
Gửi cho BBC Tiếng Việt
Getty
Image caption
Thành viên Công đoàn Đoàn kết biểu tình trước tòa án ở Warsaw ngày 10/11/1980
Nhắc lại sự kiện Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan được thành lập tháng 9/1980, BBC giới thiệu bài của tác giả Lê Diễn Đức gửi tới từ Hoa Kỳ:
Một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử thế kỷ 20 là sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống cộng sản tại châu Âu vào cuối thập niên 80 đầu 90.
Điều này có thể xem như huyền thoại, nhưng để xây nên huyền thoại này, các dân tộc Đông Âu và Nga đã phải trải qua nhiều thử thách, nỗ lực rất lớn, thậm chí đổ máu.
Trừ cuộc cách mạng Romania, hầu hết các nước đều chuyển hoá từ chế độ cộng sản qua chế độ dân chủ tự do bằng con đường hoà bình.
Tại Ba Lan sẽ không có cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong khối cộng sản vào ngày 4/06/1989 nếu như không có áp lực của các cuộc biểu tình, bãi công liên tục của quần chúng, được tập hợp trong Công đoàn Đoàn kết và sự chấp nhận ngồi vào "Bàn tròn" thương lượng của nhà cầm quyền cộng sản.
Sẽ không có các diễn biến dân chủ tiếp theo nếu đảng cộng sản Ba Lan không giải tán và các tổ chức chính trị tranh giành quyền lực một cách bình đẳng bằng lá phiếu của người dân.
Ở Tiệp Khắc (cũ), sẽ không có sự thay đổi chính phủ nếu không có áp lực từ các cuộc biểu tình của sinh sinh viên và lực lượng đối lập tập hợp trong "Diễn đàn Công dân" và Chủ tịch nhà nước Gustav Husak công nhận chính phủ mới bao gồm các thành phần đối lập và từ chức.
Tại Hungary, sẽ không có cuộc bầu cử tự do đầu tiên vào ngày 25/03/1990 nếu như không có áp lực từ các cuộc biểu tình trên toàn quốc, ở Budapest, dưới sự lãnh đạo của phe đối lập "Diễn đàn Dân chủ", dẫn đến thoả thuận "Bàn Tam Giác" với nhà cầm quyền cộng sản, thành lập chính phủ mới và chuyển đổi chế độ độc quyền qua mô hình đa đảng.
Bức tường Berlin sẽ không sụp đổ nếu như không có 4 triệu người Đức xin ra khỏi nước vĩnh viễn và áp lực từ các cuộc biểu tình trên toàn quốc và cuộc xuống đường của 1 triệu người tại Berlin đòi thay đổi chính trị, dẫn đến Việc Erich Honecker từ chức, chính phủ mới được thành lập với người đứng đầu là Hans Modrow, một người ôn hoà.
Ngay tại Nga, nếu không có hàng trăm ngàn người đổ ra quảng trường Đỏ ở Moscow ủng hộ dân chủ, hô lớn "Boris, Boris", thì người hùng Boris Yeltsin cũng không thể làm nên cuộc cách mạng.
Hai mươi năm sau, mùa xuân Ả Rập trở thành niềm hy vọng cho dân chủ của các đất nước bị cai trị với bàn tay sắt của các nhà độc tài.
Nhưng, trừ Tunesia khi các lực lượng chính trị đạt được thoả thuận phân chia quyền lực, trong các nước còn lại như Ai Cập và Libya, loại bỏ được nhà độc tài thì các phe nhóm cực đoan Hồi giáo lên cầm quyền.
Việc tướng Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi làm cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống dân cử Morsi năm 2012 là sự trở lại của một chế độ độc tài quân sự.
Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước Mỹ phát động chiến dịch quảng bá dân chủ trên toàn thế giới.
Rất nhiều người dân đã hy vọng rằng cuộc chiến dịch này sẽ kết thúc trong chiến thắng. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Có thể áp đặt nền dân chủ bằng vũ lực, nhưng hậu quả của nó là những gì diễn ra tại Iraq, Afghanistan, chiến tranh triền miên trong cuộc tranh giành quyền lực.
Trong một xã hội mà các đảng phái chính trị không đạt được thoả hiệp và đồng thuận với nhau về các nguyên tắc của cuộc chơi dân chủ, thì nền dân chủ rất khó tồn tại và đất nước sẽ rơi vào nội chiến.
Hệ thống chính trị dân chủ gìn giữ hài hoà giữa sự thống nhất và đa dạng, cũng như sự xung khắc, dựa trên nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.
Chính trị dân chủ không phân chia bạn - thù. Vinh quang của nó không phải là chiến tranh, và mục tiêu của nó không phải là tiêu diệt kẻ thù.
Trong xã hội dân chủ có ba nhóm người: ủng hộ, dao động và đối thủ. Mục tiêu của dân chủ là kéo về phía mình những người dao động để nhận được đa số.
Hệ thống chính trị dân chủ không tạo ra sự đối đầu giữa sống và chết, bởi nó không cho phép sử dụng các phương tiện chiến đấu, xung đột vũ trang, giết chết đối thủ.
Trong hệ thống chính trị dân chủ, các đảng phái tìm cách thuyết phục các chương trình của mình để tìm kiếm sự ủng hộ mới nhằm đạt được đa số, mà nhờ đó sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Hệ thống chính trị dân chủ duy trì và phục hồi sự đồng thuận của xã hội và đồng thời giữ gìn, điều chỉnh sự khác biệt và tranh cãi miễn là nó nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Hệ thống chính trị dân chủ tìm kiếm điểm cân bằng giữa hai xu hướng tương phản, một trong số đó là sự thống nhất, và hướng kia - những khác biệt và mâu thuẫn.
Một điểm cân bằng - tức là một sự thỏa hiệp, nhượng bộ, tuy nhiên không loại trừ việc giữ lập trường của mình và thuyết phục các khuynh hướng khác chấp nhận. Trong ý nghĩa này - thỏa hiệp là linh hồn của nền dân chủ.
Không gặp nhau
Trong xã hội Việt Nam hôm nay hai xu hướng tương phản dường như hai đường thẳng song song.
Image copyright
Getty
Image caption
Việt Nam vừa kỷ niệm 70 năm Quốc khánh
Một đường thẳng là không có lực lượng đối lập đông đảo và rộng khắp để làm áp lực mạnh, đòi hỏi thay đổi chính trị với nhà cầm quyền. Mặc dù dân chúng chán ghét chế độ, nhưng văn hoá sợ hãi, cam chịu và tâm lý sợ bạo loạn, đã triệt tiêu tính phản kháng.
Một đường thẳng khác là không một tín hiệu nào cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam có thiện chí chia sẻ quyền lực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố "lực lượng công an không để hình thành lực lượng đối lập".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn lên án mọi phương pháp 'chuyển hoá hoà bình', 'biến đổi hoà bình', 'cách mạng hoà bình, và gần đây là 'cách mạng nhung', 'cách mạng màu', 'cách mạng đường phố'.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói trong đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam (7/9/1945 - 7/9/2015): "Điều chỉnh, bổ sung các phương án sẵn sàng chiến đấu, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu, hoạt động chống phá, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, đe dọa chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống".
Bài học lịch sử đã cho thấy, chế độ độc tài nào, dù cá nhân hay "tập thể", cũng sử dụng bạo lực đến cùng để bảo vệ quyền lực, họ chỉ nhân nhượng và chấp nhận thay đổi khi sức ép của xã hội dồn họ vào chân tường.
Ở Việt Nam, hai đường song song không thể gặp nhau tại một điểm giao, đó là sự thoả hiệp.
Trong bối cảnh này, hy vọng lật đổ chế độ độc tài cộng sản Việt Nam bằng bạo lực là ảo tưởng, cho dù hệ thống chính trị này đã và đang tạo nên nhiều bất công xã hội.
Nợ công, nợ xấu cao, hệ thống ngân hàng kém, bội chi ngân sách... là những yếu tố không làm chế độ cộng sản Việt Nam sụp đổ trong những thập niên tới.
Ngoài ra, Trung Quốc là yếu tố quan trọng bao trùm lên sân khấu chính trị Việt Nam.
Muốn thay đổi, Việt Nam cần có một cuộc cách mạng của quần chúng.
Khi 100 ngàn công nhân nhá máy Pou Yuen xuống đường nhà cầm quyền đã ngay lập tức có thái độ xoa dịu.
Vì vậy, chỉ và chỉ một khả năng làm đường thẳng trở thành cong là tinh thần phản kháng quật khởi có tổ chức, đòi hỏi thay đổi chính trị quyết liệt của đại đa số quần chúng trong nước, gây áp lực và chính quyền phải chấp nhận các yêu sách dân chủ, đẩy chính trị Việt Nam bước hẳn về phía trước.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Lê Diễn Đức, nhà báo tự do ở Houston, Texas.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/09/150909_ba_lan_dong_au_cach_mang_dan_chu