11/9/15

Đạt Lai Lạt Ma- Niềm tin vào Đức Phật từ bi



Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Nhìn lại quá khứ, tôi hoàn toàn không hối tiếc là tôi đã theo đuổi đến cùng chính sách bất bạo động. Từ quan điểm cực kỳ quan trọng của tôn giáo chúng tôi, chính sách này là chính sách khả thi duy nhất, và tôi vẫn tin nếu nhân dân tôi đã có thể theo đuổi chính sách ấy cùng với tôi, thì tình cảnh của Tây Tạng sẽ ít ra cũng hơi tốt hơn hiện nay. Ta có thể so sánh hoàn cảnh của chúng tôi với hoàn cảnh của những người bị công an bắt oan. Bản năng của họ có thể là phải chống trả, nhưng họ không thể nào trốn thoát được; họ phải đương đầu với quyền lực quá mạnh; và cuối cùng họ tốt hơn là nên âm thầm chịu đựng, và đặt niềm tin của mình vào quyền lực tối cao của công lý. Nhưng ở Tây Tạng, điều ấy hoàn toàn không thể nào thực hiện được. Nhân dân tôi hoàn toàn không thể nào chấp nhận người Trung Quốc cùng ý thức hệ của họ, và không ai có thể ngăn cản được bản năng đấu tranh của nhân dân tôi.

Cho dù người Trung Quốc gây ra nhiều tội ác ở nước tôi, nhưng trong lòng mình tôi tuyệt đối không bao giờ căm thù nhân dân Trung Quốc. Tôi tin một trong những lời nguyền rủa và nguy hiểm của thời hiện tại là trách các quốc gia vì tội ác của các cá nhân. Tôi biết nhiều người Trung Quốc đáng khâm phục. Tôi đoán không ai trên đời này lại đáng yêu và văn minh bằng những người Trung Quốc cao quý nhất, nhưng cũng không ai tàn ác bằng những người Trung Quốc đốn mạt nhất. Những người Trung Quốc thuộc hạng đê tiện nhất đã gây ra những tội ác ở Tây Tạng là những người lính và các viên chức cộng sản bị băng hoại vì nghĩ họ nắm quyền sinh sát. Hầu hết những người Trung Quốc sẽ rất xấu hổ nếu họ biết về những hành động tàn ác này; nhưng tất nhiên họ không biết. Chúng tôi không nên trả thù những kẻ đã gây ra bao tội ác với chúng tôi, hay đáp trả tội ác của họ bằng tội ác khác. Chúng tôi nên suy nghĩ sâu sắc rằng theo luật Nhân quả, họ dễ bị đầu thai vào các kiếp đời khốn khổ và hèn mọn, và bổn phận của chúng tôi đối với họ, cũng như đối với tất cả chúng sanh, là giúp họ lên được Niết bàn, thay vì để họ chìm xuống các tầng thấp hơn của sự luân hồi. Cộng sản Trung Quốc đã tồn tại mười hai năm; nhưng tôn giáo chúng tôi đã tồn tại 2.500 năm, và chúng tôi có lời hứa của Đức Phật rằng đạo Phật sẽ tồn tại thêm một thời gian dài bằng như thế nữa trước khi một đức Phật khác hạ thế và khai mở lại đạo Phật.

Vào thời sức mạnh quân sự quá lớn này tất cả mọi người chỉ có thể sống trong hy vọng. Nếu họ may mắn có quê hương và gia đình bình an, họ hy vọng được phép gìn giữ quê hương và gia đình ấy và nhìn thấy con cái mình lớn lên hạnh phúc; còn nếu họ mất quê hương như chúng tôi thì nhu cầu hy vọng và niềm tin của họ lại càng cao hơn. Hy vọng của tất cả mọi người, xét cho cùng, chỉ là sự bình an trong tâm hồn. Tôi đặt hy vọng vào lòng can đảm của người Tây Tạng, và vào tình yêu sự thật và công lý vẫn còn hiện diện trong tim người; còn niềm tin tôi đặt vào Đức Phật từ bi.

Nguồn:

Dịch từ tác phẩm My Land and My People của Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất bản lần đầu vào năm 1962, tái bản vào năm 1983, nhà xuất bản Potala, New York, trang 233-234. Tựa đề của người dịch.

11/9/2015