21/9/15

Cô dâu 14 tuổi và hành trình bị bán sang Trung Quốc

Cô dâu 14 tuổi và hành trình bị bán sang Trung Quốc














Ảnh cưới của Lý Thị Minh lúc 14 tuổi, và ông Pay Long Phe, một thợ hồ Trung Quốc.

Trà Mi (VOA) - Hôn nhân đổi chác giữa các cô gái Việt với đàn ông nước ngoài không phải là hiếm, nhưng câu chuyện gửi tới các bạn hôm nay sẽ phơi bày sự thật đau lòng về thảm trạng buôn người mà nạn nhân là các bé gái ở những vùng biên giới của Việt Nam đang hàng ngày bị bắt cóc bán cho những người đàn ông nông thôn ở Trung Quốc mua về làm vợ.

Đó là nghịch cảnh của 3 chị em Lý Thị Sua, Lý Thị Minh, và Lý Thị Sinh cùng bị bắt cóc và bị bán sang Trung Quốc vào năm 2011 lúc Sua mới lên 13, Minh tròn 14, và Sinh bước vào tuổi 20. Hai người em là Sua và Minh đã tìm cách thoát về Việt Nam, còn cô chị hiện chưa biết tung tích ở đâu, sống chết thế nào.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với Minh, cô gái dân tộc Hmong không nói được tiếng Kinh, bị gián đoạn rất nhiều lần vì nỗi sợ hãi, lo lắng, và những chấn động tâm lý chưa nguôi ngoai sau khi cô vượt thoát người chồng Trung Quốc trở về Việt Nam với gia đình ở xóm Khuổi Vin, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) hôm 22/7 vừa qua.

Minh vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh đã rẽ ngoặc cuộc đời cô, thay đổi tương lai của cô bé tuổi cài trâm bị bán, bị ép làm vợ một người đàn ông quê mùa, ít học ở xứ lạ quê người. Không có ngày ấy thì giờ đây Minh lẽ ra đang là một thiếu nữ bước vào tuổi 18 đầy hoa mộng và hứa hẹn. Nhưng sau 4 năm bị bán sang Trung Quốc, Minh giờ đây là một bà mẹ trẻ đã bỏ lại đứa con thơ chưa dứt sữa để chạy trốn khỏi người chồng Trung Quốc. 

Cô dâu 14 tuổi

Chuyện xảy ra ngày 28 tháng 4 năm 2011, khi chị em Minh được 3 thanh niên mới quen, trạc ngoài đôi mươi, người dân tộc Nùng, rủ đi lễ hội ở chợ Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Trong số này có một người tên là Lò Văn Hiền, trú ở xã Đức Hạnh, cùng huyện Bảo Lâm với 3 nạn nhân. Sau khi mời các cô ăn uống dọc đường, thay vì đi Hà Giang như hứa hẹn, nhóm thanh niên đã chở thẳng 3 chị em qua Trung Quốc sang tay cho một đường dây buôn người chuyên săn tìm các cô gái Việt bán cho những người đàn ông Trung Quốc không đủ khả năng lấy vợ bản xứ.

Qua lời thông dịch của anh trai, cô Minh thuật lại:

“Sau khi Hiền cùng đồng bọn đưa 3 chị em chúng tôi tới đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc, họ cho chúng tôi xuống xe và tát chúng tôi mỗi người một cái. Lúc đó, chúng tôi mới tỉnh vì trước đó họ có cho chúng tôi uống nước và có thể có chứa chất gây kích thích tâm lý. Họ đòi điện thoại của chúng tôi. Hiền và đồng bọn đã đánh 3 chị em tôi, đưa dao kề cổ khống chế và dọa giết nếu chúng tôi bỏ chạy. Sau đó, họ đưa chúng tôi vào nhà một người Hmong ở Trung Quốc cách đường biên giới Việt Nam khoảng 7 giờ đồng hồ. Trong nhà này có một người đàn ông khoảng 45-50 tuổi chuyên mua bán phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc. Họ cho người canh gác 3 chị em tôi rất nghiêm ngặt. Sáng hôm sau, họ bán chị Sinh và Sua đi trước. Hiền và đồng bọn thì về Việt Nam. Khi tôi van xin được nhìn 2 chị em của tôi lần cuối thì ông chủ nhà đưa cho xem một khẩu súng ngắn và nói ‘Chúng tao sẽ dùng khẩu súng này đi đón 2 chị mày.’ Một ngày sau, có một cặp vợ chồng tới đón tôi chở thẳng tới tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc. Vợ là người Hmong Việt Nam.”

Minh không rõ tên của người đàn ông Trung Quốc tới đón cô đi bán, nhưng người đàn bà Hmong Việt Nam đi cùng, theo cô được biết, tên là Thào Thị Tráng, một tay buôn người chuyên nghiệp thường xuyên cung cấp gái cho những người Trung Quốc muốn lấy vợ Việt Nam. Minh nói lúc đó cô đã nhìn thấy bà Tráng bán 3 cô gái Việt khác, trong đó có một người tên là Mị từ huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Việt Nam.

Tới Sơn Tây, bà Tráng đưa hình 3 người đàn ông Trung Quốc cho Minh xem và bảo cô phải lấy một trong ba người này làm chồng, nếu không, sẽ bị mang đi bán xa hơn nữa. Không thể chống cự, cuối cùng Minh phải nhận lời làm vợ một người trong ảnh tên là Pay Long Phe, lớn hơn cô 20 tuổi.

Sau cuộc ngã giá, Minh bị bán cho ông Pay, một thợ hồ ngụ tại số 18 đường Bắc, thôn Hà Khẩu, xã Cao Hồng Khẩu, huyện Ngũ Đài. Đây là một vùng quê nghèo, hẻo lánh thuộc tỉnh Sơn Tây có đa phần dân cư là thành phần lao động chân tay, làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày.

Mẹ và em trai ông Pay, qua điện đàm với chúng tôi, dường như hơi bất thường, nói năng không được minh mẫn và mạch lạc. Sau rất nhiều cuộc gọi, khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được ông Pay.

Người đàn ông này thừa nhận đã mua cô Minh với giá trên 60.000 nhân dân tệ, khoảng 130 triệu đồng Việt Nam, nhưng ông từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào về kẻ môi giới. Ông nói ông không biết gì về người này và chưa từng gặp mặt trực tiếp. Ông Pay Long Phe kể:

“Một trong những bà con trong gia đình tôi giới thiệu tôi với người môi giới này vì anh ấy cũng lấy vợ Việt Nam thông qua đường môi giới này.”

Khi được hỏi cuộc mua bán diễn ra thế nào, ông Pay nói tới giờ hẹn, một người nào đó không phải là chủ môi giới đã thả cô Minh vào làng rồi gọi ông ra nhận. Chúng tôi thắc mắc vì sao ông không lấy vợ bản xứ mà đi mua vợ từ Việt Nam, người thợ hồ Trung Quốc không ngần ngại giải thích:

“Tôi nghe nói vợ Việt Nam rất dễ dạy, ngoan hiền, lại siêng năng làm lụng.”

Về số tiền khá lớn ông đã bỏ ra, ông Pay nói đó là giá trung bình phải chi để cưới vợ ở đây, nhưng cưới vợ Trung Quốc còn tốn hơn nhiều vì những đòi hỏi về tiền bạc, nhà cửa, và sính lễ vượt quá khả năng giới lao động như ông.

Kế hoạch vượt thoát

Bà Thào Thị Tráng mặc áo phông đỏ đứng thứ 2 từ phải qua. Bà Thào là một tay buôn người chuyên nghiệp thường xuyên cung cấp gái cho những người Trung Quốc muốn lấy vợ Việt Nam

Minh cho biết sau khi bị ông Pay mua về, cô dâu bất đắc dĩ phải chung sống với gia đình chồng gồm 8 người. Hằng ngày cô phải đi làm mướn phụ tiền chi tiêu, nhưng bị gia đình chồng canh chừng rất nghiêm ngặt, tới điện thoại cô cũng không được dùng.

Ở tuổi 14, Minh đã phải chịu đựng biết bao tủi khổ trong cuộc hôn nhân cưỡng ép hơn 4 năm trời mà không một lần dám bỏ trốn vì cô được nghe kể có một trường hợp tương tự sau 2 lần vượt thoát bất thành bị bắt lại, bị đánh đập rất dã man. Minh chia sẻ:

“Mỗi lúc cãi nhau, ông chồng đều nhắc tới chuyện mua tôi và nói rằng nếu không nghe lời thì sẽ mang bán tôi đi một nơi thật xa nữa.”

Bản thân không rành ngôn ngữ bản địa, lại bị đưa đi quá xa, có tìm đường chạy về thì chắc gì đã thành công mà rủi bị bắt lại thì khó sống. Nghĩ vậy nên Minh đành khoanh tay chấp nhận số phận.

Mãi đến tháng 3 năm nay, lần đầu tiên Minh nhờ được một phụ nữ Hmong từ Hà Giang sang Sơn Tây làm vợ người Trung Quốc giúp thông tin với cha mẹ ruột ở Việt Nam. Từ ngày nối liên lạc được với gia đình, Minh nung nấu quyết tâm trở về. 

Biết ý muốn của ông Pay bỏ tiền mua vợ chủ yếu kiếm một đứa con, Minh nghĩ chỉ có cách sinh con mới có thể được gia đình chồng tin yêu và có thể thuyết phục họ cho cô về Việt Nam thăm gia đình. Vì vậy, Minh đã cố gắng ‘ngoan ngoãn’ và sinh cho ông Pay một đứa con.

Kế hoạch của cô diễn ra suôn sẻ khi ông Pay cho phép cô lần đầu tiên sau hơn 4 năm ở với ông được về thăm cha mẹ hôm 22/7 vừa qua, lúc con của Minh vừa tròn 18 tháng. Ông đưa Minh tới cửa khẩu Săm Pun, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, và nhờ một phụ nữ buôn bán tại đây dắt qua biên giới, nơi cô đã điện thoại hẹn gia đình đến đón. Minh thuật lại:

“Lúc sắp về, gia đình chồng bàn bạc rất kỹ, nhưng tôi không biết họ nói với nhau cái gì. Lúc tới biên giới, ông chồng dặn về 3 ngày phải quay lại ngay vì đã có một đứa con rồi.”

Nhưng vừa bước chân qua biên giới Việt Nam, Minh đã quyết định không bao giờ trở lại Trung Quốc nữa. Ngay hôm sau, cô đã gọi điện báo cho ông Pay và lập tức thay đổi số điện thoại liên lạc.

Minh nói dứt áo ra đi khi con thơ hãy còn khát sữa là một quyết định hết sức đau lòng và đầy uẩn khúc, nhưng người mẹ trẻ cương quyết thà bỏ con chứ không thể trở lại kiếp sống ‘nô lệ mới’:

“Tôi có nhớ tới đứa con của tôi, nhưng nghĩ lại thấy họ mua bán tôi như một món đồ chơi và một thứ vật nuôi, tôi thấy rất buồn. Nỗi nhớ con tới đâu thì thời gian rồi sẽ quên đi, không đau bằng họ bán tôi như vật nuôi và đánh đập tôi lúc tôi bị họ bắt cóc. Nghĩ tới đó tôi thấy rất cay, rất buồn. Nỗi nhớ con rồi sẽ qua nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần lúc tôi hãy còn là một đứa trẻ con sẽ không qua được, nên tôi quyết định không về nữa.”

Quyết định của Minh khiến người chồng Trung Quốc hết sức bàng hoàng. Ông nói những cô gái được mua về làm vợ như Minh trong làng của ông, có người đã ở đây hơn chục năm nay mà không hề bỏ chạy. Ông Pay trần tình:

“Tôi chỉ muốn cô ấy quay về, đứa con tội nghiệp còn quá nhỏ, nhưng tôi không liên lạc được với cô ấy nữa. Nếu cô ấy quay lại, tôi sẽ cho cô ấy đi đi về về thăm gia đình.”

Tố cáo buôn người và hồi đáp của chính quyền

Vừa về được Việt Nam, Minh đã lập tức trình báo công an huyện Bảo Lâm và gửi đơn tố cáo lên công an tỉnh Cao Bằng về vụ bắt cóc phụ nữ-trẻ em bán sang Trung Quốc mà 3 chị em cô là những nạn nhân trực tiếp.

Người anh cả trong gia đình Minh, anh Lý Thành Lương, cho biết:

“Họ bảo ‘Về được thì tốt rồi,’ chỉ như vậy thôi. Lúc 3 chị em vừa mới mất tích, gia đình đi tìm khắp nơi và lên trình báo công an huyện Bảo Lâm nhiều lần và xin giấy thông hành qua Trung Quốc tìm kiếm, nhưng công an huyện nói không đủ thẩm quyền làm việc này và chỉ lên đồn biên phòng làm. Tới đồn biên phòng, họ bảo không phải thẩm quyền họ làm, mà của công an. Trở lại công an huyện, họ chỉ lên công an tỉnh Cao Bằng. Không có giấy phép đi, gia đình chúng tôi, tôi đây, trực tiếp liều mạng đi tìm ở khu vực giáp biên giới 1, 2 lần nhưng không thấy. Vì mình không có người thân, không biết liên lạc ở đâu nữa, cho nên bó tay. Chỉ biết nhờ vào công an thôi mà họ cũng không giúp được.”

Anh Lương kể hôm 5/4 sau khi nối được liên lạc với Minh, gia đình anh đã gặp trực tiếp ông Lý Hữu Cư, Đội trưởng Đội Phòng chống Tệ nạn Xã hội của Công an huyện Bảo Lâm, nhưng ông Cư nói công an không giúp được và bảo rằng “Biết được còn sống là mừng lắm rồi.”

Trong ba chị em bị bắt cóc bán sang Trung Quốc vào năm 2011, cô Lý Thị Sua là người đầu tiên may mắn chạy thoát về Việt Nam và đã nhiều lần làm đơn tố cáo gửi công an tỉnh, huyện xin can thiệp giải cứu hai chị em còn lại, nhưng cũng không được hồi đáp. Có lần cô nhận diện được kẻ bắt cóc và báo công an, nhưng Lô Văn Hiền bị câu lưu không lâu lại được thả. Phó trưởng công an huyện, ông Dương Minh Hải, nói với gia đình rằng xác minh Hiền không phạm tội nên phóng thích.

Chúng tôi rất nhiều lần liên lạc với công an huyện Bảo Lâm để ghi nhận ý kiến giới hữu trách, nhưng không lần nào được hồi đáp. Trong nhiều tuần lễ liên tiếp, chúng tôi gọi vào số di động của Phó trưởng công an Dương Minh Hải đều không được bắt máy.

Bộ Công an Việt Nam nói đã phối hợp với công an Trung Quốc tấn công tội phạm buôn người từ Việt Nam sang Trung Quốc, nhưng không cho biết đã giải cứu được bao nhiêu trường hợp.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, đồng sáng lập Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA), tổ chức phi vụ lợi hỗ trợ các nạn nhân bị buôn người tại các vùng biên giới Việt Nam trong đó có trường hợp của cô Minh, cho biết CAMSA đã có phương án can thiệp:

“Chúng tôi đang chờ thêm một thời gian ngắn nữa để xem sự hồi đáp của chính quyền Việt Nam tới đâu, lúc đó chúng tôi sẽ khởi động một cuộc vận động chính phủ Hoa Kỳ can thiệp. Chúng tôi thật sự đã báo động Bộ Ngoại giao Mỹ rồi. Đến nay chúng tôi đã can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp cho 11.000 nạn nhân đã được giải cứu mà không hề có một trường hợp nào được chính quyền Việt Nam điều tra , chưa kể tới vấn đề trừng phạt. Nhưng dù sao chúng tôi cũng phải đi qua thủ tục báo động với chính quyền địa phương trước đã. Luật pháp Hoa Kỳ có điều khoản giải cứu cho nạn nhân và chính phủ Mỹ có cơ quan đánh giá từng quốc gia mỗi năm. Chính phủ nào không hợp tác phòng-chống buôn người thì có thể bị đưa vào cấp hạng 3, có thể bị chế tài. Chúng tôi tin rằng với sự can thiệp của Mỹ, chính phủ Việt Nam sẽ có động cơ để tích cực hơn trong vấn đề giải cứu nạn nhân và trừng trị thủ phạm buôn người.”

Báo chí nhà nước nói trong quý đầu năm nay có 70 vụ buôn người bị phát hiện trên cả nước, với 145 nạn nhân. Trong đó, cứ 10 vụ thì có 8 trường hợp bị bán sang Trung Quốc và các tỉnh trọng điểm bao gồm Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An.

Theo thống kê của CAMSA, chỉ riêng trong xã Lý Bôn của chị em cô Minh hiện có trên dưới 20 phụ nữ bị mất tích. Thời gian gần đây cứ 1, 2 tháng lại xảy ra một trường hợp như thế. 

Trong khi chưa có giải pháp chống buôn người hiệu quả, những kẻ buôn người chưa biết sẽ phải trả giá như thế nào, nhưng những trường hợp như cô Minh là một kinh nghiệm đau đớn cho các nạn nhân Việt Nam, một bài học cay đắng cho những người đàn ông Trung Quốc mua vợ, và là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội.

Những đứa trẻ từ các cuộc hôn nhân kiểu ‘nô lệ mới’ như thế, số phận chúng rồi sẽ ra sao? Làm sao có thể chấm dứt những hậu quả đau lòng này? Thật đáng buồn, câu trả lời hãy còn bị bỏ ngõ.

20.09.2015

Trà Mi