29/1/16

Việt Nam dưới triều đại Nguyễn Phú Trọng lần 2

Việt Nam dưới triều đại Nguyễn Phú Trọng lần 2

Phạm Trần (Danlambao) - Đảng Cộng sản lại suy tôn ông Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi, quê quán Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội cai trị Việt Nam thêm 5 năm nữa dù ông đã thất bại nhiều hơn thành công trong nhiệm kỳ thứ nhất 2011-2015. Trước ngày ông chính thức được triều đình trao ấn chỉ giữ lại ngôi vàng ngày 27/01/2016 thì cả vương triều và thần dân đã biết ông mưu kế ngồi lại thêm nhiệm kỳ nữa từ kỳ họp của Trung ương 11 Khóa trước (từ ngày 04 đến ngày 07-5-2015).
Để bênh ông không hề có tham vọng cá nhân mà vì dân vì nước, quan võ thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng đã thay mặt Ban Tuyên giáo phóng loa nói với bàn dân thiên hạ ngày 23/01 (2016) rằng ông Trọng được tín nhiệm ở lại là “để kế thừa, tập hợp giữ vững ổn định chính trị và khối đại đoàn kết của toàn dân, giữ đoàn kết, thống nhất trong Đảng.”
Nhưng “kế thừa” cái gì cho tương lai Việt Nam? Ông Trọng là người có tư tưởng bảo thủ, giáo điều và sặc mùi Cộng sản lạc hậu trong cơ thể và thân Trung Quốc, kẻ thù của Việt Nam ở Biển Đông, như tất cả các Tổng Bí thư khác.
Trước ngày khai mạc Đại hội đảng XII, ông Trọng đã để lại một vết đen trong lý lịch chính trị của mình khi ông buộc tất cả Ủy viên tương lai của Ban Chấp hành Trung ương XII phải “tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc.” 
Nhưng thứ chủ nghĩa tàn bạo này đã bị kết tội giết hại trên 100 triệu người trên Thế giới, kể cả người Việt Nam trong 2 cuộc chiến huynh đệ tương tàn do đảng CSVN chủ động từ 1945 đến 1975, chưa kể hàng chục ngàn người dân vô tội khác đã chết mất xác ở Biển Đông và trên đất liền khi trốn thoát chế độ Cộng sản sau 1975. 
Vậy lợi ích của dân tộc Việt Nam nằm ở đâu trong quyết định trung thành với chủ nghĩa Cộng sản của ông Trọng khi ta đến thăm Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản ở Hoa Thịnh Đốn được Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush khánh thành vào ngày 12 tháng 6 năm 2007?
Tất nhiên là không hề có, vì quyết định trung thành lầm lạc của ông Trọng và đảng CSVN đã bị Quỹ xây đài lật tẩy khi họ nói rằng: “Mục đích của tượng đài là: "để lịch sử về sự tàn bạo của cộng sản sẽ được dạy cho các thế hệ tương lai", và được ghi nhận là "để tưởng nhớ hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản.
Như vậy, khi ông Trọng và 199 Ủy viên Ban Chấp hành XII (180 chính thức và 20 dự khuyết) đã thề “tuyệt đối trung thành” với thứ chủ nghĩa sát nhân Mác-Lênin thì quy trình “kế thừa” từ thế hệ 72 tuổi Nguyễn Phú Trọng đến người trẻ nhất vừa trúng cử “dự khuyết” vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là Lê Quốc Phong, 38 tuổi, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã nói lên điều gì?
Đó là hình ảnh của một đảng độc tài vẫn mang nặng tư duy ù lì, bạc nhược và hủ lậu trước trào lưu tiến hóa của nhân loại. Nhân dân và chỉ có người dân, thành phần bị trị, phải hứng chịu tất cả những sai lầm của kẻ cầm quyền sai đường lạc lối này.
Vì vậy đất nước và con người Việt Nam, trong 5 năm tới dưới triều đại Nguyễn Phú Trọng lần II, sẽ phải tiếp tục gánh chịu những khuyết tật để lại từ khóa đảng XI bao gồm:
Thứ nhất, tình trạng suy thoái đạo đức trong cán bộ đảng viên ngày một nghiêm trọng sẽ tác hại sâu thêm trong đời sống của người dân. Những gương mù nói dối, lừa lọc, bóc lột người, phe nhóm, cường quyền, tham nhũng và chạy chức chạy quyền, trên bảo dưới không nghe lan rộng trong một bộ phận không nhỏ người lớn đã lan vào học đường đưa đến tình trạng mua bằng, bán bài thi giữa học trò và thầy cô. Nhiều vụ thầy “đổi tình lấy điểm” cũng đã bị phanh phui làm đảo lộn luân thường và đạo lý dân tộc.
Thứ hai, tệ nạn cướp của, giết người, băng đảng buôn người, tổ chức mại dâm, buôn lậu thuốc phiện, cần sa, ma túy và các chất hút độc hại khác đã tăng nhanh ở Việt Nam. Trong 5 năm cầm quyền vừa qua, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nhà nước CSVN vẫn chỉ phòng và chống các tệ nạn này như thường lệ mà chưa có chích sách rõ rệt.
Số người làm nghề mại dâm, phần lớn là phụ nữ, ở Việt Nam được ước tính từ 30 đến 50, 000 người nhưng không ai biết đích xác là bao nhiêu. Số thiếu niên, có em chỉ 14 tuổi đã can tội giết người tăng cao đến mức báo động.
Tội ác trẻ
Báo Tiếng Chuông (Trang tin điện tử của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) viết ngày 16/07/2015: “Gần đây, hiện tượng người trẻ tuổi phạm tội tăng lên bất thường. Đáng lo ngại là tính chất của tội phạm ngày càng nguy hiểm, nhiều trẻ mắc phải những tội nghiêm trọng như giết người, cướp của, vận chuyển ma túy… Đây là vấn đề lớn mà toàn xã hội phải quan tâm, một thực trạng đáng báo động về giáo dục văn hóa và lối sống cho thanh thiếu niên.
Hàng loạt vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi man rợ, gây rúng động dư luận xã hội thời gian vừa qua phần lớn là do những người trẻ, có học thức, nhân thân tốt... thực hiện....”
Bản tin viết tiếp: “...Mới đây, vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước khiến dư luận cả nước xôn xao. Sau 3 ngày đêm nỗ lực điều tra, truy xét hung thủ, đến ngày 10/7, hai nghi phạm trong vụ án đã bị bắt giữ gồm Nguyễn Hải Dương (SN 1-2-1991 tại An Giang) và Vũ Văn Tiến (SN 21-10-1991 tại Bình Phước).

Hai nghi can trong vụ thảm sát sáu người tại Bình Phước đều sinh năm 1991. Người dân cả nước bàng hoàng vì hai nghi can này còn quá trẻ, thế hệ 9x…, thêm một lần nữa xã hội phẫn nộ và hoang mang trước tình trạng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên đang ngày càng phức tạp và gia tăng đáng báo động.

Hơn 4 năm trôi qua nhưng vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) khiến 3 người thiệt mạng, 1 người trọng thương vẫn khiến xã hội rùng mình. Cái tên Lê Văn Luyện bỗng chốc nổi như cồn và được người ta nhắc đến như một biểu tượng của sự man rợ. Điều đáng nói ở đây là hung thủ chỉ là 1 vị thành niên chưa đầy 18 tuổi và mức án y phải nhận chỉ là 18 năm tù.”
Về tình trạng ma túy, nghiện hút cũng được báo Tiếng Chuông tiết lộ theo lời Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an.
Ông Chình cho biết: “Kết quả rà soát đến tháng 9/2014 toàn quốc có hơn 204 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của lực lượng Công an, tăng gần 23 nghìn người (tăng 12%) so với cuối năm 2013. Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), mỗi người nghiện ma túy sử dụng khoảng 230.000 đồng/ngày, do đó số tiền thiệt hại là rất lớn. Bên cạnh đó, những năm gần đây người nghiện ma túy của Việt Nam luôn luôn gia tăng. Đặc biệt, ma túy tổng hợp (MTTH) đã và đang phát triển, đang dần thay thế các loại ma túy từ tự nhiên như: thuốc phiện, heroin… Hiện nay, giới trẻ đang đua nhau tuyên truyền sử dụng MTTH là “đẳng cấp”, là “sành điệu” nhưng thực tế đây là loại ma túy rất nguy hiểm, gây ảo giác hoang tưởng, còn được gọi là “ma túy điên”, thế giới chưa có phác đồ điều trị cai nghiện MTTH. Một số người sử dụng MTTH gây ảo giác, hoang tưởng đã có những hành vi phạm pháp như chém giết người thân, bắt cóc trẻ em, tổ chức sinh nhật bằng MTTH gây tử vong nhiều người như ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng...”
Vẫn theo báo Tiếng Chuông thì Việt Nam có 123 trung tâm cai nghiện, nhưng số người được đưa vào cai nghiện không nhiều. Một báo cáo khác xác nhận có đến 90% thanh niên đã cai nghiện bị tái nghiện rất nhanh vì gia đình không có phương tiện giúp cai thuốc. Tình trạng này cũng đã đưa đến các tệ nạn cướp của, giết người, trộm cắp và đâm thuê chém mướn làm rối loạn xã hội. Không ít thanh niên, thiếu nữ miền quê lên tỉnh tìm việc làm đã sa vào các bẫy nghiện ngập, mại dâm, nhiễm HIV-AIDS và tội ác khác.
AIDS - Việt Nam
Về tình trạng HIV/AIDS, tài liệu của Bách khoa Toàn thư (mở) viết: “ Tại Việt Nam là tình trạng lây nhiễm, bùng phát các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người xảy ra trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cùng với đó là nguy cơ bùng phát mà xã hội nước này gọi là đại dịch. Hiện tại, Việt Nam phải đối mặt với dịch bệnh HIV. Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 290.000 người đang phải chung sống với HIV vào năm 2008. 
Chính phủ Việt Nam có báo cáo về các trường hợp nhiễm HIV ở tất cả các tỉnh, thành và các quận, huyện, và cho rằng chỉ có 49% ở các xã có người nhiễm HIV nhưng con số thực tế của người nhiễm HIV cao hơn rất nhiều.”

Nhiều vùng dân cư người Dân tộc dọc theo biền giới Trung Hoa-Việt Nam bị lây nhiễm cao. 

Tỷ dụ như ở tỉnh Điện Biên, báo Tuổi Trẻ online viết ngày 30/07/2015 rằng:”Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng chống HIV/AIDS, tỷ lệ nhiễm HIV còn sống trên dân số ở Điện Biên đã giảm từ 0, 84% năm 2011 xuống còn 0, 7% năm 2015.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên, tính đến ngày 30-6, toàn tỉnh phát hiện 7.600 ca nhiễm HIV, trong đó 113/130 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố phát hiện người nhiễm HIV...”
Tài liệu của Bách Khoa toàn thư viết tiếp: “Tỷ lệ nhiễm HIV trong dân số được ước tính là khoảng 0, 5% nhưng bên cạnh đó vì có nguy cơ của tiêm chích ma túy và tình dục không an toàn, con số này đang gia tăng. Tỷ lệ nhiễm HIV trong những người tiêm chích ma túy được ước tính là 32% vào năm 2003 và một nghiên cứu khác trong năm 2005 ước tính tỷ lệ là 1, 6% trong số gái mại dâm so với 33% ở những người trong nghề mại dâm có tiêm chích ma túy. Xã hội gọi đây là đại dịch và điều đáng lưu ý là qua những con số thống kê quốc tế cho thấy tình trạng HIV ngày càng gia tăng bất chấp nỗ lực của Chính phủ.”
Tham nhũng - kinh tế - biển Đông
Những tệ nạn trong xã hội nêu trên đều vắng bóng trong báo cáo trước Đại hội đảng XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng các loa tuyên truyền của nhà nước vẫn cứ oang oang ca tụng kết quả bầu bán là do “ý đảng lòng dân”, dù nhân dân chẳng có quyền gì!
Thứ ba, trong 5 năm tới, người dân còn phải đối diện với quốc nạn tham nhũng, cửa quyền của những kẻ có chức có quyền đã biến thành “lợi ích nhóm” tinh vi và ngày càng nghiêm trọng trong khắp bộ máy nhà nước. Ông Trọng đã thất bại trong nhiệm vụ thi hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ban hành ngày 16/1/2012, dù ông còn là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng. 
Vì vậy, trong Báo cáo trước Đại hội XII sáng ngày 21/1 (2016) ông Nguyễn Phú Trọng đã phải đặt ra 2 nhiệm vụ then chốt phải làm trong nhiệm kỳ II:
“Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.”
Ông Trọng còn lập lại trong cuộc họp báo sau khi bế mạc Đại hội XII ngày 28/01 (2016) rằng:Nghị quyết Trung ương 4 đã và đang làm, sắp tới tiếp tục làm, sắp tới có những việc phải làm tiếp, nhất là trong việc phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, giám sát quyền lực, bảo đảm để làm sao hạn chế được tham nhũng.”
Đó cũng là những hứa hẹn ông Trọng đã nói với đảng viên và tại các cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội, nhưng việc đâu vẫn còn đó, tuy đã tiến được “một bước” là thứ ngôn ngữ ông hay sử dụng với ngụ ý công tác này vẫn còn ngổn ngang. Nhưng liệu một lãnh đạo cũ kỹ, chủ quan và đã từng thất bại trong 5 năm của nhiệm kỳ I, liệu ông Trọng có khả năng chuyển thua thành thắng với một đội ngũ cũng lừng chừng như ông được không?
Dân chủ ba phải
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên: “Ông có nghĩ Việt Nam sẽ giàu mạnh hơn và dân chủ hơn?”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người chỉ muốn có “dân chủ trong đảng” còn dân thì không trả lời kiểu 3 phải rằng: “Cá nhân ông là một bộ phận của tập thể. Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đồng thời phải đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy dân chủ và vai trò của người đứng đầu.” (Theo VOV, Voice of Việt Nam - Đài Tiếng nói Việt Nam)
Ông nói: “Phải đề cao trách nhiệm của cá nhân, chứ không thể làm hay, làm tốt thì là kết quả của cá nhân mình, còn làm không hay, không tốt thì đổ tại tập thể. Phát huy vai trò của người đứng đầu nhưng phải phát huy dân chủ. Đứng đầu mà độc đoán, chuyên quyền thì đâu gọi là dân chủ?”.
Dường như sợ các phóng viên chưa hiểu được thứ định nghĩa “dân chủ” của riêng đảng, Tổng Bí thư Trọng bảo: “Mục tiêu của Đại hội Đảng cũng đã khẳng định là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.” 
“Tất nhiên, dân chủ phải đi cùng với kỷ cương, kỷ cương trên cơ sở phát huy dân chủ. Tuyệt đối hóa một mặt là dẫn đến phiến diện và thất bại” (theo VOV, 28/01/2016)
Trong câu trả lời lòng thòng này, ông Trọng không hề nói đến “dân chủ của dân” đã được quy định trong Hiến pháp của nhà nước CSVN. Nhưng ông lại rào đón khi nói “dân chủ phải đi cùng với kỷ cương” là lập luận vẫn thường được đảng đưa ra để viện cớ hạn chế các quyền cơ bản của dân, trong đó có các quyền con người, quyền tự do báo chí, quyền hội họp, quyền lập hội và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Còn khi ông bảo “Mục tiêu của Đại hội Đảng cũng đã khẳng định là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh” chẳng qua cũng chỉ nói cho qua cầu mà thôi. Bởi vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh” đã có cách nay 15 năm, tại Đại hội đảng kỳ X thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh mà dân vẫn nghèo xác nghèo xơ, nước vẫn yếu như sên, công bằng và dân chủ chỉ ưu tiên dành cho những kẻ có chức có quyền để tha hồ ăn trên ngồi trốc thiên hạ. Còn chuyện “văn minh” thì không cần phải sang láng giềng Thái Lan mà hãy bước qua Campuchia để xem dân họ đã chế tạo được xe ô tô và xe tăng kiểu gì rồi biết dân ta xấu hổ đến mức nào? 
Tụt hậu dài dài
Thứ tư, Trong lĩnh vực Kinh tế, sau 5 năm cầm quyền (2011-2015) ông Trọng và đảng CSVN đã không đoàn kết được toàn dân để xây dựng đất nước bằng dân chủ và tự do. Ngược lại, ông và đảng chỉ sống bám vào kinh tế cho vay, viện trợ, khất nợ và lệ thuộc vào hầu bao của Trung Quốc.
Nền kinh tế “không giống ai” được gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đang đưa đất nước và dân tộc vào con đường mang nợ với Trung Quốc và các nước khác. Lý do vì Việt Nam chỉ biết đi làm thuê là chính, phải nhập cảng hầu như mọi thứ nguyên liệu và máy móc của Trung Quốc nên, hay nói khác đi là Việt Nam đã tiêu thụ giùm hàng hóa cho người bạn láng giềng vẫn coi thường và lăm le xâm lược Việt Nam.
Vì vậy nọi người hãy nghe lời phát biểu ngay thẳng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trước 1, 510 Đại biểu dự Đại hội đảng XII: “Nước ta, từ năm 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo từ trên 50% xuống dưới 5%. Những thành tựu của công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận. Tuy nhiên VN vẫn là nước nghèo. Chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn, nhất là khi nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện.”
Ông Vinh bảo thẳng: “Có lẽ ít ai biết rằng, đầu Thế Kỷ 19, năm 1820 Việt Nam đã và Myanma cộng lại, gấp hơn 1, 5 lần Thái Lan; thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, số liệu 2014, thu nhập bình quân đầu người của ta chưa bằng 1/5 mức trung bình của thế giới (2052 USD so với mức bình quân gần 12.000USD của thế giới), và chỉ bằng 1/3 Thái Lan.”
Bộ trưởng Vinh, 63 tuổi, là một trong số 14 Bộ trưởng không được tái bầu vào Ban Chấp hành XII nói với mọi người: “Mọi so sánh đều khập khiễng, vì chúng ta phải trải qua chiến tranh, giành độc lập, thống nhất. Nhưng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển.

Hơn nữa, yêu cầu đổi mới phát triển với Việt Nam đang cấp bách hơn bao giờ hết. VN đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng, bắt đầu từ 1970, thường kéo dài 50 năm, tức khoảng 2020-25 là hết cơ hội. Như vậy chỉ còn tối đa 10 năm thời kỳ mà tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động cao nhất, sau đó giảm dần. Những thuận lợi từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần hết tác dụng.”
Một trong số người ngồi nghe ông Vinh nói có cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng ông Trọng có cảm thấy khó chịu hay phải cắn răng mà nghe những điều nói thật của một chuyên viên?

Thứ năm, về tình hình Trung Quốc ngày một đe dọa ăn sống nuốt tươi Việt Nam ở Biển Đông, ông Trọng cũng chỉ biết hô hoán “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”, nhưng chính ông đã không cho Quốc hội ra Nghị quyết lên án Trung Quốc khi giàn khoan Hải Dương 981 của nước này tự động vào tìm kiếm dầu bên trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5 năm 2014.
Lực lượng Công an của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, người sẽ làm Chủ tịch nước thay Trương Tấn Sang, cũng đã thằng tay đàn áp các cuộc biểu tình tự phát chống Tầu của người dân trong thời gian ấy thì ông Quang là người của nước nào?
Và liệu Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội, người đã vào Bộ Chính trị và thay Đại tướng Phùng Quanh Thanh làm Bộ trưởng Quốc phòng có dám đối đầu và ngăn chặn các hoạt động mở rộng vùng kiểm soát ở Trường Sa của Trung Quốc, hay sẽ lại bình chân như vại như ông Thanh đã làm trong suốt 5 năm qua?
Bộ Chính trị nói gì?
Trong danh sách 19 Ủy viên mới của Bộ Chính trị XII được chính thức công bố ngày 28/01/2016, có tên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, con nguyên Bộ trưởng Ngọai giao nổi tiếng chống Trung Quốc Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương).
Ông Thạch đã bị nhóm lãnh đạo thân Tầu, đứng đầu bởi hai Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười, loại khỏi ghế Bộ trưởng Ngọai giao, do áp lực của Bắc Kinh.
Tài liệu Bách khoa Tòan thư (mở) viết: “Cựu đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Vĩnh, việc ông Nguyễn Cơ Thạch mất ghế bộ trưởng bộ ngoại giao là do áp lực của Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô 1990, điều kiện để bình thường hóa quan hệ hai nước.”

Trung Quốc rất bực bội khi biết ông Nguyễn Cơ Thạch nhận định về thỏa thuận Thành Đô 1990: “Một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã khởi sự.”
Trong danh sách 19 Ủy viên Bộ Chính trị, có 7 người cũ của Bộ Chính trị khoá XI đứng đầu bởi ông Trọng. Nhưng trong số người mới, ngoài chuyện lần đầu có 3 Phụ nữ, còn phải quan tâm đến sự có mặt của 4 tướng ngành Công an:
Những người cũ gồm:
1. Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thứ
2. Trần Đại Quang Đại tướng, Bộ trưởng Công an
3. Nguyễn Xuân Phúc Phó Thủ tương
4. Nguyễn Thị Kim Ngân Phó Chủ tịch Quốc hội
5. Tòng Thị Phóng Phó Chủ tịch Quốc hội
6. Đinh Thế Huynh Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
7. Nguyễn Thiện Nhân Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Người mới:
8. Phạm Minh Chính Phó Ban Tổ chức trung ương, Trung tướng công an 
9. Phạm Bình Minh Phó Thủ tương, Bộ trương Ngoại giao
10. Ngô Xuân Lịch Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân VN
11. Nguyễn Văn Bình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
12. Vương Đình Huệ Trưởng Ban Kinh tế trung ương
13. Trương Thị Mai Uy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiêm Ủy ban các vấn đề XH
14. Tô Lâm Thượng tướng, Thứ trưởng Công an
15. Trương Hòa Bình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trung tướng công an 
16. Hoàng Trung Hải Phó Thủ tướng 
17. Đinh La Thăng Bộ trưởng Giao thông Vận tải
18. Trần Quốc Vượng Chánh văn phòng Trung ương Đảng
19. Võ Văn Thưởng Phó bí thư thường trực thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Có tin nói tướng Công an Tô Lâm sẽ thay tướng Trần Đại Quang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Cũng đáng ngạc nhiên khi người ta thấy có tên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, người được nói là “Việt gốc Hoa” cũng được vào Bộ Chính trị XII.
Dù sao thì Đại hội đảng CSVN kỳ XII cũng đã hạ màn nhưng người dân chẳng hào hứng gì mấy đối với kết quả vẫn duy trì ông Nguyễn Phú Trọng, một người già nua mà vẫn còn thích quyền lực. 
Vì vậy mà ở Việt Nam đã có nhiều người muốn ông chỉ nên ngồi cho hết nửa nhiệm kỳ (2018-2019) cho Trung Quốc yên tâm rồi thoái vị, khi ông đã ngót 75 tuổi!
Nhưng tại cuộc họp báo ở Hà Nội sau khi Đại hội kết thúc, ông Trọng lại không dứt khoát sẽ giữ mãi chiếc ghế hay cũng có ý nghỉ hưu.
Ông nói như vẻ bất ngờ và bị níu kéo ở lại: “Tôi không ngờ lại được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XII bầu làm Tổng Bí thư với số phiếu gần như tuyệt đối 100%. Tôi bất ngờ vì tuổi đã cao, có lẽ trong các vị lãnh đạo tuổi tôi là cao nhất, sức khỏe, trình độ có hạn. Tôi cũng đã xin nghỉ nhưng vì trách nhiệm Đảng giao, chúng tôi với tư cách Đảng viên phải chấp hành. Tôi xúc động trước tình cảm của đồng chí, đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đã bày tỏ tình cảm, gửi gắm tới Đại hội. Chúng tôi cũng rất lo, vì công việc sắp tới còn nặng nề. Phải gánh trách nhiệm rất lớn trước tình hình diễn biến trong và ngoài nước như hiện nay, thời cơ thuận lợi cũng có, nhưng khó khăn rất nhiều, có rất nhiều việc phải làm”.
Không biết có ai trong số những người theo dõi cuộc họp báo đã chảy nước mắt khi nghe ông nói thế, hay cũng có người đã chép miệng bảo: “Em chả, Em không dám”.
(01/016)