Các nhà tài trợ cần thúc đẩy đa nguyên và chấm dứt nền cai trị độc đảng
Human Rights Watch (New York, ngày 18 tháng Giêng năm 2016)
– Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Đảng Cộng sản Việt
Nam nên nhân dịp Đại hội Lần thứ Mười hai ra tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử
tự do và công bằng để bầu ra các nhà lãnh đạo đất nước. Các nhà tài trợ
cho Việt Nam, từng thường xuyên kêu gọi bầu cử tự do và công bằng cho
các quốc gia như Miến Điện và Campuchia, giờ đây cần công khai thúc đẩy
bầu cử đa nguyên ở Việt Nam để chấm dứt nền cai trị độc đảng.
Đại hội Đảng Cộng sản được dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 21 đến ngày 28
tháng Giêng ở Hà Nội. 1.510 đại biểu trong đảng sẽ bầu ra Ban Chấp hành
Trung ương, để Ban này bầu ra các nhà lãnh đạo cao nhất ở các cấp trên
toàn quốc. Theo trình tự chính thức thì Quốc Hội – con dấu cao su của
Đảng, sẽ bầu ra Chủ tịch nước và Thủ tướng.
“Sau nhiều thập kỷ do chế độ độc đảng cầm quyền, đã đến lúc chấm dứt
tình trạng để một nhóm nhỏ quan chức đảng cộng sản quyết định tương lai
của hơn 90 triệu người dân Việt Nam,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việt
Nam cũng nên tuân thủ những cam kết pháp lý quốc tế và cho phép người
dân được bầu cử, thay vì để đảng cầm quyền chọn lựa thêm một lần nữa.”
Điều 25 của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, đã được
Việt Nam thông qua năm 1982, quy định rằng người dân có quyền “tham gia điều hành công việc chung, trực tiếp hoặc thông qua các đại diện do mình tự do lựa chọn” và quyền
“được bầu cử và ứng cử trong những cuộc tuyển cử định kỳ thực sự tự do
và công bằng, bằng phổ thông đầu phiếu kín, bảo đảm thể hiện trung thực ý
nguyện của cử tri.”
Đảng Cộng sản Việt Nam điều hành sau hậu trường các cuộc bầu cử Quốc
Hội, được tổ chức năm năm một lần. Các đảng đối lập thật sự không được
phép tranh cử hay phản đối kết quả bầu cử. Đảng Cộng sản thâu tóm cả quá
trình này và chấp nhận một số rất ít ứng cử viên ngoài đảng chỉ để cho
có.
Điều 4 của hiến pháp Việt Nam chính thức trao cho Đảng Cộng sản quyền cai trị đất nước, ghi nhận rằng đảng là “Đội
tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiền phong của
nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi
của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ
nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà
nước và xã hội.” Những nỗ lực thay đổi điều khoản này trong năm 2013 để tạo điều kiện đa nguyên, đa đảng không những đã thất bại
mà còn dẫn đến những thay đổi quan trọng củng cố chắc thêm vị trí độc
tôn quyền lực của Đảng Cộng sản, bó hẹp thêm không gian pháp lý để thực
thi quyền bầu cử đa nguyên và tự do phản đối kết quả bầu cử.
Với vị trí độc tôn về quyền lực, Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động như
một chính quyền trên thực tế, kiểm soát đất nước thông qua hàng loạt các
điều khoản lỏng lẻo và mơ hồ trong bộ luật hình sự và các điều luật
khác để dập tắt tiếng nói và bỏ tù những người chỉ trích hoặc kêu gọi
dân chủ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi đại hội đảng cam kết cải thiện tình
hình nhân quyền tồi tệ của Việt Nam, trong đó có việc hủy bỏ các điều
luật cho phép biến những người chỉ trích ôn hòa thành tù nhân chính trị.
Trong tháng Mười một năm 2015, Việt Nam thông qua điều luật hình sự sửa
đổi có các điều khoản có thể vận dụng để dập tắt tiếng nói của các nhà
hoạt động nhân quyền và blogger. Cùng tháng này, Bộ trưởng Bộ Công an,
Tướng Trần Đại Quang báo cáo trước Quốc Hội rằng từ tháng Sáu năm 2012 đến tháng Mười một năm 2015, công an đã bắt giữ, xử lý 2.680 người vì các tội danh an ninh quốc gia mơ hồ và đặt hơn 60 nhóm vận động dân chủ và nhân quyền vào tầm ngắm.
Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ các nhà hoạt động. Một trường hợp điển
hình gần đây là vụ bắt giữ nhà vận động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn
Đài trong tháng Mười hai năm 2015, với tội danh “tuyên truyền chống nhà
nước.” Nhà hoạt động Lê Thu Hà, cộng sự của Nguyễn Văn Đài cũng bị bắt
trong cùng ngày, chưa rõ với tội danh gì. Ông Nguyễn Văn Đài, 46 tuổi,
là luật sư nhân quyền đã ủng hộ việc thành lập nhiều nhóm nhân quyền,
như Công đoàn Việt Nam Độc lập và Khối dân chủ 8406 năm 2006. Ông bị bắt
hồi tháng Ba năm 2007 và bị kết án năm năm tù giam. Vào tháng Mười một
năm 2007, tòa phúc thẩm giảm mức án của ông xuống còn 4 năm. Nguyễn Văn Đài đã được nhận giải thưởng uy tín Hellman Hammett vào năm 2007.
Bất chấp sự sách nhiễu và theo dõi gắt gao của công an, vào tháng Tư
năm 2013, Nguyễn Văn Đài đã giúp thành lập Hội Anh Em Dân chủ với mục
tiêu “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.”
Tháng Năm năm 2014, Nguyễn Văn Đài bị côn đồ tấn công và làm bị thương
trong khi đang trò chuyện với các nhà hoạt động khác ở một quán cà phê.
Mười ngày trước lần bị bắt gần đây, Nguyễn
Văn Đài và ba nhà hoạt động cộng sự bị một nhóm khoảng 20 người mặc
thường phục và đeo khẩu trang để che giấu danh tính tấn công và đánh đập
ở tỉnh Nghệ An. Cùng ngày, trước khi xảy ra vụ tấn công đó, Nguyễn
Văn Đài vừa có một cuộc nói chuyện về hiến pháp và nhân quyền. Sáng hôm
bị bắt, ông đã có kế hoạch gặp gỡ đại diện phái đoàn EU đang ở Việt Nam
để tiến hành cuộc đối thoại nhân quyền song phương với Việt Nam.
“Vụ bắt giữ một nhà bảo vệ nhân quyền như Nguyễn Văn Đài mới đây cho thấy cải cách vẫn là một khái niệm vô nghĩa,” ông Adams nói.
“Đại hội đảng sắp tới là một cơ hội thể hiện với nhân dân Việt Nam rằng
đất nước đã sẵn sàng hiện đại hóa, chứ không phải đang mắc kẹt trong
chế độ độc đảng bóp nghẹt tự do ngôn luận và các nguyện vọng dân chủ. Đã
đến lúc Việt Nam phải sửa đổi luật pháp cho phù hợp với các cam kết
quốc tế về nhân quyền của mình – chứ không phải chỉ theo lợi ích của
Đảng Cộng sản.”
Để đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, xin truy cập:
Muốn có thêm thông tin, xin liên hệ:
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hoặc email: adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406, hay email: RobertP@hrw.org. Twitter @Reaproy
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay email: siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton
Human Rights Watch