Bài 1: Về chủ nghĩa tư bản thân hữu
Mai Thái Lĩnh (Danlambao) - Vài lời phi lộ:
Mặc dù chủ đề “xã hội dân sự và chế độ dân chủ” vẫn còn nhiều điều cần
bàn tiếp, tôi xin tạm dừng lại để trình bày về “Tư bản thân hữu và Cộng
sản thân hữu” - một chủ đề nóng bỏng liên quan đến cuộc đấu tranh giữa
hai phái chính trị trong Đảng Cộng sản Việt Nam suốt nhiệm kỳ XI vừa
qua, và trong thời gian sắp tới có lẽ vẫn còn tiếp tục nằm ở hàng đầu
chương trình nghị sự của Bộ Chính trị mới...
Bài viết của ông Vũ ngọc Hoàng (Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo khóa XI) nhan đề “Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu - cảnh báo nguy cơ”được đăng trên Tạp chí Cộng sản số 872 (tháng 6 năm 2015), trong mục “Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”.
Nhìn vào tiêu đề, độc giả có thể thấy hai cụm từ khác nhau: “lợi ích
nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Như tôi đã trình bày trong bài “Nhóm lợi ích là gì?”[1],
“lợi ích nhóm” thật ra là một khái niệm hoàn toàn khác đã bị giới lý
luận cộng sản và các trí thức cung đình gọi nhầm tên. Bây giờ chúng ta
chuyển sang tìm hiểu cụm từ thứ hai: chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Từ tình thân hữu thông thường đến Chủ nghĩa Thân hữu (Cronyism) trong chính trị:
Trước hết, cần phải khẳng định: tình thân hữu vốn là điều tốt
đẹp. Đó là mối quan hệ đáng trân trọng giữa người và người - nhất là
trong lĩnh vực xã hội dân sự. Thế nhưng một khi “tình thân hữu” được áp
dụng vào lĩnh vực chính trị - nhất là công quyền, thì nó có thể trở
thành một căn bệnh, một tệ nạn có khi làm băng hoại cả một chế độ.
Trong tiếng Anh, crony có nghĩa là “bạn bè thân tín”, “cộng sự lâu năm”, nói theo ngôn ngữ dân gian là “bạn bè chí cốt”, “cánh hẩu”[2]. Nhưng cronyism (chủ nghĩa thân hữu)
trong lĩnh vực chính trị lại là một thói xấu, một tập quán không lành
mạnh. Đó là thói quen “trọng dụng người thân quen”, là tập quán của
những người nắm quyền lực thích bổ nhiệm bạn bè, người quen biết của
mình vào các chức vụ công quyền, không quan tâm gì đến phẩm chất, năng
lực của người được cất nhắc. Thói xấu chính trị này hoàn toàn đi ngược
lại với chế độ trọng dụng nhân tài (meritocracy). Chủ nghĩa thân hữu thu hẹp hơn một chút thì biến thành chủ nghĩa thân tộc (nepotism) - ở nước ta thường được gọi là thói gia đình trị, nghĩa là chỉ cất nhắc, trọng dụng những người bà con, thân thích trong gia đình, dòng họ.
Sở dĩ phải nói đến Chủ nghĩa thân hữu trong chính trị vì đây là một nguồn gốc của nạn tham nhũng và có liên hệ chặt chẽ với Chủ nghĩa Tư bản thân hữu
mà chúng ta sắp bàn đến. Ở các quốc gia dân chủ, để phòng ngừa căn bệnh
này, người ta thường đặt ra những nguyên tắc, những quy định rất chặt
chẽ trong việc bổ nhiệm các chức vụ công quyền. Nhưng ở các nước độc tài
– nhất là các nước cộng sản phương Đông, căn bệnh này thường có đất tốt
để phát triển. Thường thì ở các quốc gia cộng sản phương Đông, để bảo
đảm lòng trung thành của các đảng viên, người ta đặt nặng chủ nghĩa lý lịch
- nhất là lý lịch gia đình, có khi đến ba đời. Vì vậy, mỗi khi một
người được thông qua lý lịch để kết nạp vào đảng cầm quyền thì những
người khác trong gia đình, thậm chí trong dòng họ, cũng được hưởng chút
“hương thơm lý lịch”, nghĩa là dễ dàng được đưa vào diện “trung kiên”,
“đối tượng đảng” và dễ dàng được kết nạp vào đảng. Vì thế, cũng tương tự
như ngày xưa (một người làm quan cả họ được nhờ) ngày nay “một người
vào đảng cả họ cũng được nhờ”. Do kế thừa di sản từ truyền thống làng xã
(thời phong kiến và nhất là thời quân chủ tập quyền), có khi cả một xã
chỉ nằm trong tay một hay vài ba họ - từ các chức vụ đảng đến các chức
vụ trong chính quyền. Ở bất cứ địa phương nào, việc người thân trong gia
đình phụ trách cả cơ quan thi hành quyền lực lẫn cơ quan kiểm soát
quyền lực, hay chuyện chồng cấp trên vợ cấp dưới trong cùng một ngành
chẳng hề là chuyện lạ ở nước “cộng hòa của các đồng chí” này. “Tình thân
hữu” phát triển trong tầng lớp “ưu tú” của chế độ cộng sản mạnh đến mức
ở bất cứ cấp lãnh đạo nào, chúng ta cũng thấy xuất hiện các danh xưng
thân mật như Anh Hai, Chị Ba, Anh Tư, chị Năm, v.v… thể hiện “tính chất
gia đình” ở mỗi đảng bộ hay mỗi cấp ủy.
Cho nên tôi hơi ngạc nhiên khi thấy gần đây các cán bộ cao cấp của Đảng
và báo chí bỗng nhiên la toáng lên về chuyện lãnh đạo đưa bà con thân
thích vào chức vụ này chức vụ kia, làm như chuyện này xưa nay chưa hề có
trên đất nước Việt Nam “xã hội chủ nghĩa”. Có thể vì ngày nay chủ nghĩa
thân hữu hay chủ nghĩa thân tộc đã trở nên quá trắng trợn, hay là vì sự
phát triển của Internet và mạng xã hội khiến người ta khó lòng giấu
giếm, che đậy nên mới có những tiếng kêu hốt hoảng. Nhưng làm sao có thể
dẹp bỏ được thói quen sử dụng thân hữu trong chính trị hay tệ nạn gia
đình trị một khi lý lịch gia đình, dòng họ vẫn được đưa lên hàng đầu?
Chúng ta có thể tin rằng một khi chủ nghĩa lý lịch bị vứt vào sọt rác,
và nhất là khi độc quyền lãnh đạo của một đảng chính trị mất đi, thì chủ
nghĩa thân hữu và chủ nghĩa thân tộc sẽ có cơ hội chào từ giã nền văn
hóa chính trị của đất nước ta.
Bản chất của nhà tư bản thân hữu:
Từ ý nghĩa ban đầu của crony (bạn bè thân tín, cộng sự lâu năm), đã phát sinh thêm một ý nghĩa mới khi crony
được dùng để chỉ một nhà “tư bản thân hữu”, nghĩa là một nhà tư bản
“thông đồng”, “móc ngoặt” với một quan chức trong chính quyền để tìm
kiếm lợi ích cho riêng mình, bất chấp lợi ích chung của toàn xã hội.
Trong tiếng Anh, không có từ nào dùng để chỉ một “nhóm tư bản thân hữu”,
mà chỉ có từ cronies (số nhiều) dùng để chỉ nhiều nhà tư bản thân hữu. Hiện tượng “tư bản thân hữu” trong tiếng Anh có tên là crony capitalism (chủ nghĩa tư bản thân hữu), người Pháp dịch thành capitalisme de connivence (chủ nghĩa tư bản thông đồng).
Sự khác nhau căn bản giữa các nhà tư bản thông thường và các nhà tư bản
thân hữu là ở chỗ: trong khi nhà tư bản thông thường là người tìm kiếm lợi nhuận (profit-seeking) thì nhà tư bản thân hữu là người tìm kiếm đặc lợi (rent-seeking).
Lợi nhuận (profit) là đồng tiền kiếm được bằng cách sản xuất, kinh
doanh thật sự: nhà tư bản làm ăn chân chính tìm lợi nhuận bằng cách làm
cho của cải tăng lên hoặc làm cho dịch vụ có phẩm chất cao hơn. Còn các
nhà tư bản thân hữu thì không làm như thế (không làm cho của cải tăng
lên, cũng không làm cho dịch vụ tốt hơn) mà trái lại, dựa vào mối quan
hệ “thân hữu”, “nồng ấm” với các quan chức trong chính quyền để tìm kiếm
“đặc lợi” – tức là cái mà hiện nay báo chí thường gọi là “siêu lợi
nhuận”.
Theo David R. Henderson, từ “rent” do nhà kinh tế học David
Ricardo (1772-1823) đưa vào kinh tế học, dùng để chỉ “khoản tiền phải
trả cho một yếu tố của sản xuất nhiều hơn so với yêu cầu nhằm giữ cho
yếu tố đó được sử dụng trong hiện tại”. Thuật ngữ này thường được dùng
để chỉ tiền thuê đất (“land rent” hay “ground rent”, địa tô),
về sau được dùng rộng hơn cho cả tiền thuê bất động sản. Nhưng ngày
nay, “rent-seeking” không có nghĩa là là tìm kiếm một thứ tiền thuê. Các
nhà kinh tế học thời nay sử dụng thuật ngữ này để mô tả việc các nhà tư
bản thân hữu thông đồng với các quan chức trong chính phủ để tìm kiếm
những “đặc lợi” như: miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi, nhận tài trợ của
chính phủ hay các hình thức ưu đãi, khuyến khích khác, … Như vậy, nghĩa
hiện đại của “rent-seeking” là “tìm kiếm đặc lợi”, “tìm kiếm đặc ân”
(privilege seeking).[3] Và
lẽ dĩ nhiên, muốn làm được điều đó, nhà tư bản thân hữu phải tìm đến
người có “đặc quyền”. Đó chính là nguồn gốc của nạn tham nhũng.
Nói một cách dễ hiểu, thực chất của tìm kiếm đặc lợi là “tự cắt cho mình
một lát bánh lớn hơn thay vì làm cho cái bánh lớn hơn” hoặc “tìm mọi
cách để có nhiều tiền hơn mà không sản xuất nhiều hơn cho khách hàng.”
Cho dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, các hoạt động tìm kiếm đặc lợi có
thể đem lại những tổn thất lớn cho một nền kinh tế bởi vì chúng không
tạo ra bất kỳ giá trị nào mà ngược lại, các hoạt động đó gây thiệt hại
cho người tiêu dùng và cho toàn xã hội, chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ
những nhà tư bản thân hữu và những quan chức chính quyền tiếp tay cho
họ.
Tóm lại, tư bản thân hữu không phải là một tư tưởng hay một học
thuyết, cũng không phải là một hình thái kinh tế-xã hội, mà là một hiện
tượng tiêu cực, một căn bệnh xảy ra trong nền kinh tế thị trường có liên
quan đến tệ nạn tham nhũng, hối lộ. Hiện tượng tư bản thân hữu có thể
xảy ra ở bất cứ quốc gia nào, kể cả những quốc gia có chế độ dân chủ
thành thục, bền vững. Nhưng tư bản thân hữu chỉ được gọi tên là chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism)
một khi nó trở thành một tệ nạn quốc gia - nghĩa là chi phối cả một nền
kinh tế hay ít nhất là chi phối một số ngành kinh tế trọng điểm.
Gs. Luigi Zingales |
Về lý do đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu, Zingales nói: “Chủ
nghĩa thân hữu (cronyism) đã cướp đoạt của quê hương tôi phần lớn tiềm
năng để tăng trưởng kinh tế. Tôi không muốn nó lại ăn cướp của Hoa Kỳ.” Nhưng không phải chỉ vì lý do kinh tế. Ông nói tiếp: “Còn
tệ hơn mất tiền, là việc mất tự do: bởi vì chủ nghĩa thân hữu đàn áp tự
do ngôn luận, loại bỏ động cơ nghiên cứu và gây nguy hiểm cho các cơ
hội về nghề nghiệp.”[4] (Trong các câu nói này, Zingales dùng thuật ngữ “chủ nghĩa thân hữu” với ý nghĩa tương tự như “chủ nghĩa tư bản thân hữu”)
Mặc dù hiện tượng “tư bản thân hữu” có thể hình thành ở bất cứ quốc gia
nào, nhưng tại các nước đã phát triển (developed countries) - nghĩa là
các nước tiên tiến (advanced countries), nó ít có cơ hội để trở thành
một thứ tệ nạn quốc gia, vì các thiết chế dân chủ có khả năng kiềm chế
các hoạt động của các nhà tư bản thân hữu, đồng thời ngăn ngừa nạn tham
nhũng. Nhưng tại các nước thường được gọi là “đang phát triển”
(developing countries) – và đặc biệt là tại các nước kém phát triển, tư
bản thân hữu có nhiều cơ hội để trở thành một căn bệnh nan y khó chữa
trị, nhờ dựa vào sự yếu kém trong quản lý nhà nước hay các tệ nạn như:
lạm dụng quyền lực, tham nhũng, hối lộ, v.v… Sự phát triển của chủ nghĩa
tư bản thân hữu có thể dẫn đến chế độ đạo tặc (kleptocracy) -
nghĩa là một chế độ trong đó các nhà lãnh đạo thường coi ngân khố quốc
gia như một nguồn làm giàu cho bản thân và gia đình, chi tiêu ngân quỹ
một cách vô tội vạ để mua các hàng hóa xa xỉ và phục vụ các sở thích
ngông cuồng của cá nhân và gia đình. Các nhà lãnh đạo kiểu đạo tặc này
thường bí mật chuyển lậu các quỹ ăn cắp vào các tài khoản ngân hàng ở
ngoại quốc – nhất là tại các “cảng trú ẩn thuế” (tax haven)[5] để phòng khi bị mất chức vẫn duy trì được tài sản cho cá nhân và gia đình.
Tại Đông Nam Á, hai ví dụ tiêu biểu của chế độ đạo tặc có nguồn gốc từ
chủ nghĩa tư bản thân hữu là Ferdinand Marcos (tổng thống của Indonesia
trong thời gian 1967-1988) và Mohamed Suharto (tổng thống của
Philippines từ 1965 đến 1986). Vào tháng 3 năm 2004, tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International)
đã công bố bản báo cáo về nạn tham nhũng trên toàn cầu, qua đó đánh giá
Mohamed Suharto đã ăn cắp của công từ 15 đến 35 tỷ đô-la Mỹ, còn
Ferdinand Marcos đã ẵm của công quỹ từ 5 đến 10 tỷ đô-la Mỹ.[6]
Không những thế, hai nhà lãnh đạo kiểu đạo tặc này đã để lại cho đất
nước của họ những món nợ khổng lồ. Hơn hai thập niên lãnh đạo của Marcos
đã làm cho nợ quốc gia của Philippines tăng từ 7 tỷ (năm 1965) lên đến
27 tỷ đô-la Mỹ (năm 1986).[7] Còn tại Indonesia, vào giữa năm 1997, tổng số nợ phải trả cho các ngân hàng thương mại ngoại quốc lên đến 59 tỷ đô-la.[8]
Vận dụng khái niệm “tư bản thân hữu” vào chế độ cộng sản:
Mặc dù ông Vũ Ngọc Hoàng đã mạnh dạn sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản
thân hữu” để nói về nguồn gốc của nạn tham nhũng ở Việt Nam, nhưng
trong thực tế khái niệm này thật ra chỉ phù hợp với các nước “tư bản”
hay các nước đang phát triển không thuộc hệ thống cộng sản, chứ không
thể áp dụng nguyên xi vào các nước cộng sản - dù đã chuyển sang con
đường kinh tế thị trường như Trung Quốc và Việt Nam.
Một ví dụ điển hình là sự kiện tờ Economist ở Anh cố gắng thiết lập “Chỉ số chủ nghĩa tư bản thân hữu” (Crony-Capitalism Index) để
đo lường ảnh hưởng của hiện tượng “tư bản thân hữu” đối với một số nền
kinh tế. Vào tháng 3 năm 2014, tờ báo này công bố bảng đánh giá xếp loại
23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trong những điều nghịch lý nổi bật là
trường hợp của Trung Quốc: trong bảng xếp loại này, Trung Hoa lục địa
được xếp thứ 19 về chỉ số tư bản thân hữu, cao hơn so với Hoa Kỳ (xếp
thứ 17) và nước Anh (xếp thứ 15).[9] Điều đó có nghĩa là Trung Quốc ít bị ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản thân hữu so với hơn Hoa Kỳ và Anh!
Thực là một điều nghịch lý, vì nếu dựa theo bảng xếp loại về “Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perception Index) của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency Internationale)
thì vào năm 2014 Trung Quốc ghi điểm rất kém (36/100 điểm, xếp thứ
100/175 nước), trong khi Anh đạt 78 điểm (xếp hạng 14/100) và Hoa Kỳ đạt
74 điểm (xếp hạng 17/100). Làm thế nào mà hai nước ít tham nhũng (Hoa
Kỳ và Anh) lại bị ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản thân hữu nhiều hơn so
với một nước tham nhũng nặng nề như Trung Quốc?
Chỉ có thế lý giải nghịch lý nói trên bằng một số lý do sau đây:
- Mặc dù Trung Quốc đã từ bỏ con đường kinh tế tập trung chỉ huy và tiến
khá xa trên con đường kinh tế thị trường, nhiều ngành công nghiệp đem
lại nhiều “đặc lợi” vẫn còn bị khống chế bởi các doanh nghiệp thuộc sở
hữu của Nhà nước. Các doanh nghiệp đó vẫn nhận được nhiều “ân huệ”, được
ưu đãi tương đương hoặc cao hơn so với các doanh nghiệp tư nhân, nhưng
các chuyên gia của Economist đã không tính (hoặc không thể đo
lường) yếu tố này. Chính khu vực kinh tế “quốc doanh” còn sót lại – luôn
được sự bảo trợ, ưu ái của nhà nước, cũng là một nơi phát sinh nạn “tìm
kiếm đặc lợi” và đẻ ra nạn tham nhũng.
- Tài sản của các nhà “tư bản đỏ” và các quan chức ở Trung Quốc thường
bị che giấu hoặc phân tán cho nhiều thành viên trong gia đình. Chính tờ Economist
trong bài báo đã dẫn cũng thừa nhận rằng Trung Quốc là “nơi mà các bài
báo phanh phui gần đây cho thấy nhiều chính trị gia có thế lực đã ngụy
trang tài sản của họ bằng cách thuyết phục các bạn bè và gia đình giữ
tài sản nhân danh họ” và “các ghi chép tài sản không đáng tin cậy cũng
giúp che giấu ai sở hữu cái gì”.
Theo điều tra của ICIJ (The International Consortium of Investigative Journalists) - một
mạng lưới quốc tế với hơn 190 nhà báo điều tra của hơn 65 nước, các
quan chức và các nhà tư bản đỏ ở Trung Quốc thường tìm cách ngụy trang
tài sản của họ bằng cách mở các công ty bí mật ở các “cảng trú ẩn thuế”
(tax haven) như Quần đảo Virgin thuộc Anh, quần đảo Cook hay Samoa.
Trong số những nhân vật che giấu tài sản, có cả con trai của cựu Thủ
tướng Ôn Gia Bảo và Deng Jiagui (鄧家貴 Đặng Gia Quý) - anh rể của đương
kim Chủ tịch Nước kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình. Ngoài ra, còn có bà con
họ hàng của các quan chức cao cấp như cựu Chủ tịch nước kiêm Tổng bí
thư Hồ Cẩm Đào, cựu Thủ tướng Lý Bằng, và cố lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu
Bình, v.v…[10]
Như vậy, khi áp dụng khái niệm “tư bản thân hữu” vào trường hợp của
Trung Quốc, cần phải xét đến những đặc điểm riêng biệt của nền kinh tế
của nước này - một nền kinh tế chưa hoàn toàn thị trường hóa, còn chịu
sự điều chỉnh nặng nề của nhà nước. Mặt khác, cần phải xem xét cả hệ
thống chính trị tại đây, một chế độ chính trị chưa hoàn toàn thoát ra
khỏi khuôn khổ của một chế độ độc tài-hậu toàn trị (post-totalitarian
regime).
Mặc dù có những điểm khác biệt, kể từ đầu thập niên 1990 đến nay, mô
hình kinh tế-chính trị của Việt Nam ngày càng giống với mô hình của
Trung Hoa lục địa. Vì vậy, để có thể hiểu được trường hợp của Việt Nam,
thiết tưởng không có gì tốt hơn là tìm hiểu trường hợp của Trung Quốc.
Đó là điều chúng ta sẽ đề cập trong bài sau.
Đà Lạt 28-1-2016
________________________________________
[1] Mai Thái Lĩnh, Nhóm lợi ích là gì? Bauxite Vietnam 7-1-2016:
[2] Từ “crony” đầu tiên
xuất hiện vào thế kỷ 18 ở London. Theo Từ điển Oxford, nó xuất phát từ
tiếng Hy Lạp chronios (χρόνιος) – có nghĩa là “lâu năm”.
[3] David Henderson, “Rent seeking”, The Concise Encyclopedia of Economics:
[4] Margareta Pagano, “Luigi Zingales: A crusader against crony capitalism”, The Independent, 21 June 2012:
[5] Cảng trú ẩn thuế (tax
haven) trong tiếng Pháp được gọi là thiên đường tài chính (paradis
fiscal), là các quốc gia hay thành phố đánh thuế thu nhập rất thấp, thậm
chí bằng không (zero).
[6] Transparency International, Global Corruption Report 2004, p. 13:
[7] Manuel F. Amario, “The Philippine’s debt hole”, Inquirer November 3rd, 2013:
[8] Steven Radelet, Indonesia: Long Road to Recovery, Harvard Institute for International Development, March 1999:
[9]“Our crony-capitalism index: Planet Plutocrat”, The Economist, Mar 15th 2014:
[10] Dexter Roberts, “China's Elite Wealth in Offshore Tax Havens, Leaked Files Show”, Bloomberg Businessweek's January 22, 2014: