22/1/16

Mặc lũ chúng say trận, còn nhiều việc phải làm

Thục Quyên (Danlambao) - Tôi đã sai lầm vô cùng khi nghĩ rằng tất cả những gì liên quan đến những đấu đá tranh dành quyền lực nội bộ giữa những chóp bu đảng Cộng sản VN, với những thủ đoạn bẩn thỉu để hạ sát lẫn nhau của họ, không bao giờ có thể làm tôi ngu dại mất thì giờ theo dõi hay suy nghĩ, chẩn đoán, nói chi là hy vọng. Sai lầm, vì cuối cùng tôi vẫn không thể dửng dưng với một khía cạnh gián tiếp bất ngờ của sự việc: đó là những luận bàn cuồng nhiệt thương ghét, bênh bỏ trên những tờ báo giấy, báo mạng.
Tuy nhiên bên cạnh những công việc hàng ngày như kiếm cơm, lo gia đình, theo dõi tình hình chính trị và xã hội nơi mình sinh sống đúng với trách nhiệm người công dân của một xứ sở tự do dân chủ, còn những bản tin/bản báo cáo cần phải viết và dịch qua ngoại ngữ về tình trạng nhân quyền bị xâm phạm, về những đàn áp lúc tàn ác thô bạo lúc tinh vi để tận diệt tự do tôn giáo tại Việt Nam, về vận mệnh Việt Nam khi Trung quốc và Nga đang bắt tay đổi chác với nhau, nên tôi cũng không muốn bỏ thì giờ phân tích cảm giác khó chịu nặng nề trong mình, khi liếc thấy những trang mạng quen thuộc cũng tràn ngập những hỉ nộ ái ố của những người "chầu rìa" canh đỏ đen của những kẻ đã và đang sát cánh với nhau đưa dân tộc đến bờ vực thẩm. Vả lại những nhận định rõ ràng, mạch lạc của TS Nguyễn Quang A "Về đại hội XII của ĐCSVN" cũng đã cho tôi chút nhẹ người.(1) 
Chính câu nói của Trương Duy Nhất trong blog "Một góc nhìn khác" của anh đã làm tôi xúc động cực mạnh và làm tôi suy nghĩ. TDNhất viết: "Những dòng trên, thú thật, như cái tát vào chính mình. Đau", khi trích lại lời bình phẩm của TS Phạm Ngọc Cương, mà theo TDNhất là một trí thức Việt hải ngoại:
“Riêng việc hồi hộp bàn luận và hi vọng trông chờ vào kết quả nhân sự chóp bu Đại hội 12 đủ nói lên cái não trạng ù lì, tăm tối của phần đông “trí thức” Việt hôm nay nói riêng và dân mình nói chung”- (Trích facebook Ngòi Bút Tự Do).
Tôi không thấy sự khinh miệt trong những lời chì chiết của TS PNCương, mà tôi thấy trong đó có thái độ buồn bực, bất lực, chua chát, không kém câu than của TDNhất, và tôi giật mình vì hình như phần nào cái cảm giác nặng nề đeo đuổi tôi mấy tuần nay cũng là sự buồn bã, vừa bực vừa thương người Việt trong cảnh quẫn cùng nên mới bị lôi kéo vào sóng gió của một chậu bùn như vậy.
Dừng lại, nhìn sâu, để thấy lối đi.
Lẽ dĩ nhiên chúng ta không mù và đều thấy rõ là dân tộc Việt Nam đang chân trước chân sau bước vào vực thẩm mà cái lực đẩy tai hại gần 80 năm nay chính là đảng Cộng sản Việt Nam. Mấy chục năm trời tráo trở cách này hay cách khác thì kết quả những việc làm của các đảng viên cái đảng này rành rành ra đó. Chẳng quá đủ rồi sao, đâu cần bàn cãi? Ngay cả chửi rủa cũng không cần thiết nữa. Chỉ uổng phí thời giờ.
Nhưng dù thời nào chăng nữa thì con số đảng viên cao tay cũng không quá 1/30 dân số. Vậy nếu số đông còn lại không thể chối bỏ trách nhiệm đã đặt lòng tin, hoặc đã bất lực phó mặc số phận dân tộc vào tay cái thiểu số đó trong dĩ vãng, thì có thể suy ngược lại là muốn cứu đất nước khỏi cảnh trầm luân thì chỉ cần chấm dứt lòng tin hay cầu khẩn mong chờ đảng Cộng sản thay đổi, và tức khắc can đảm dứt khoát lấy lại trách nhiệm hành động để bảo vệ dân tộc. Có rất nhiều việc cần làm gấp và có thể làm được.
Nhân Quyền, Tự do, Dân chủ không phải là một đặc ân do ai ban phát và chỉ có chính ta mới có thể cướp của mình hoàn toàn vì chính ta mang đầu óc nô lệ, cúi đầu đặt mình vào tình trạng xin-cho. 
Ngay ở trong tù, một tù nhân cũng chỉ bị kềm chế thể xác nhưng một tù nhân thông minh không bao giờ mất sự tự do tư tưởng và ngay cả một số tự do hành động. Lịch sử thế giới chứng minh điều đó với rất nhiều thí dụ của những người bị giam cầm hàng chục năm như Nelson Mandela, như Aung San Suu Kyi, mà vẫn là những ngọn đuốc soi sáng con đường Tự Do, Dân chủ của dân tộc họ. Vì họ biết công việc chính là giữ ý thức của mình và đánh thức ý thức của đám đông về Quyền con người, về sự Tự do bẩm sinh, hiển nhiên của con người, và họ đặt lòng tin, ý thức rõ ràng này sẽ đưa đến tính bất khuất không chịu nô lệ: đó là Dân chủ. 
Câu hỏi đầu tiên cho dân tộc Việt sau 80 năm chính sách Cộng sản là ý thức về Quyền con người và ý thức về Tự do của từng con người có còn không?
Nếu còn ý thức thì tại sao lại nhầm lẫn những giá trị phổ quát với những câu từ chương của ông Hồ Chí Minh như là những "đỉnh cao sáng kiến"? Nào là "Không có gì quí hơn độc lập, tự do", nào là “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Nếu không mất ý thức thì sao không thấy sự rỗng tuếch tai hại của chúng, sao không thấy Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc kinh tế Bắc Kinh, sao không đứng trước những bức tường rào những vùng đã sang nhượng cho Trung quốc trải dài từ Ải Nam quan đến mũi Cà mâu , để thấy đắng mồm khi nhắc tới độc lập?
Trăm năm trồng người nên người chỉ còn nằm trong sai xử của những trò khỉ đang chí chóe tranh dành miếng ăn, quyền lợi? Đem việc chầu rìa bàn tán như đại sự?
Có thể là đã quá trễ. Chắc chắn là chúng ta không còn nhiều thời gian. Đáng lý chúng ta không được phí phạm mà phải dồn sức làm những việc cần làm của mình.
Còn nhiều việc phải làm và có thể làm được.
Đúng là tình thế nguy ngập, thời gian cấp bách, nhưng chúng ta vẫn có thể bắt đầu bằng cách đầu tư tất cả thời gian và sức lực vào chính mình, lựa chọn mục đích rõ ràng và củng cố tâm lý vững mạnh. Muốn đi về hướng Bắc trong đêm tối thì chúng ta phải tìm sao Bắc đẩu để định hướng. 
Ý thức về Quyền con người và Tự do, trước hết là Tự do tư tưởng, phải vững vàng. Đó là điều dĩ nhiên. 
Nhưng để tới đích thì ngoài việc phải có ý chí, có sức lực, thì quan trọng hơn hết là phải biết chọn lựa cũng như sửa soạn hành lý, đơn giản và hữu hiệu, thì mới có thể thành công. 
Trong những năm qua, sự xuất hiện của nhiều chục những tổ chức Xã hội dân sự tại Việt Nam cho thấy hướng đi đã được lựa chọn, cái sườn xây dựng đã và đang thành hình. Thế hệ trẻ tỏ rõ quyết tâm hành động, thay thế cho những bàn cãi yếm thế hay trốn chạy sự thật bằng những suy luận lòng vòng, mộng ảo của lớp cha ông, những người còn lúng túng với những lầm lỡ cũ để không thể đoạn tuyệt qúa khứ.
Nhưng sẵn sàng hành động và sẵn sàng hy sinh không đủ. 
Hành lý đơn giản và hữu hiệu giúp ta san bằng những khó khăn trong khi xây đắp con đường "Tự do, Dân chủ" cần được nghiên cứu, chọn lựa, và cách xử dụng chúng phải được học hỏi cẩn thận. Đi đường dài mà tham lam vác theo qúa nhiều hành lý thì mất sức, không rõ ràng ngăn nắp thì lúc hữu sự không biết cái nào ở đâu mà đem ra dùng. Một cái đinh và một ốc vít có chức năng riêng biệt. Người xử dụng nếu chỉ nhìn hình vẽ, chỉ nghe lỏm về công dụng của chúng, thì khó dùng chúng đúng chỗ. Nếu may mắn tìm ra cách xử dụng sau nhiều thất bại thì cũng là uổng phí thời gian. Với trí thông minh và sự khiêm nhường, ta có thể học hỏi ở kinh nghiệm những người đi trước, bàn luận với những người đồng hành để uyển chuyển áp dụng vào trường hợp của mình.
Chính những nét tích cực sẵn sàng hành động và sẵn sàng hy sinh đôi khi cũng có thể do trộn lẫn chút háo danh hay mù quáng thiếu suy nghĩ. Đất nước không cần những anh hùng ngồi trên bàn thờ mà cần những người con hết sức khiêm nhường, bình tĩnh và thông minh. Những người con biết rằng thay đổi tình thế và môi trường sống của mình luôn luôn phải bắt đầu bằng những sự thay đổi nhỏ nhất ngay chính mình, và thay đổi bằng học hỏi. Và không ngừng học hỏi. 
Sẵn sàng hành động và sẵn sàng hy sinh chỉ có hiệu lực khi đi chung với khả năng Mà khả năng đòi hỏi trước hết phải sáng suốt gạt bỏ mọi tự tôn cũng như tự ti để đánh giá khả năng thật của chính mình và thiết lập chương trình liên tục trau dồi khả năng đó. 
Những người hoạt động nếu không luôn kiểm soát chính mình, dễ rơi vào hai trạng thái tiêu cực:
Hoặc hành động "qúa nhộn nhịp" nhưng không mục tiêu rõ rệt (Blind activism). Ồn ào tuyên bố, có mặt khắp nơi, tham dự mọi việc, nhưng không thực tình nắm vững một vấn đề nào và quyết tâm làm việc đó với sự chu đáo cần phải có.
Hoặc bị kiệt quệ vì bị qúa tải công việc (burnout), do không biết sắp xếp thứ tự theo mức quan trọng. Và cũng có thể vì quá chủ quan, cho rằng tất cả phải cần sự có mặt của mình, quên rằng quả đất sẽ tiếp tục quay dù có mình hay không. Tình trạng kiệt quệ cũng xảy ra khi mục tiêu quá rộng lớn và xa vời, để tưởng như không bao giờ gặp được thành công. Nếu không có những thành công nhỏ bé của từng giai đoạn để "tẩm bổ" thì sẽ không đủ sức đi đường trường.
Thí dụ thay vì nuôi dưỡng mộng lớn chặn đứng sự bành trướng của đại Hán, rồi bị tê liệt thành bất lực trước sức xâm chiếm của Trung Hoa đã và đang xảy ra, ta có thể đặt ra những mục tiêu nhỏ, đi từng bước, như tạo sự tham dự cụ thể của người dân càng ngày càng đông bằng cách:
- Phân phát bản đồ VN với những địa điểm nằm trong quyền kiểm soát và xử dụng của Trung quốc 
- Lập những địa điểm tại chỗ để thu nhận tin tức và giúp đỡ, thúc đẩy người dân cho tin tức về quyền hạn cùng hành vi xâm phạm tự do người Việt của những người Trung Hoa đang có mặt tại VN (chính thức hay không)
- Ghi nhận sức bảo vệ /không bảo vệ dân của nhà cầm quyền VN bằng những báo cáo chi tiết, mạch lạc, ngày giờ rõ ràng.
- Huấn luyện người dân (bắt đầu bằng gia đình, bạn bè, chòm xóm....) xử dụng thêm những phương tiện truyền thanh truyền hình để trao đổi và thu nhận tin đa chiều.
Cũng xin lưu ý chúng ta cần nhận rõ tình trạng bệnh hoạn hiện nay là có quá nhiều những bài bình luận những việc ảo và "bình luận của bình luận", trong khi những bài đăng tin về cuộc sống thật, lại quá ít. Dĩ nhiên không có tự do báo chí đưa tới tình trạng thiếu tin tức cụ thể, nhưng nếu sáng suốt, chúng ta có thể chấm dứt chính sự đóng góp của chúng ta vào tệ trạng này.
Căn bản thành công của văn hóa Dân chủ là sự góp sức.
Những nét chính trong văn hóa Dân chủ là hiểu biết các vấn đề để đồng thuận một số giá trị xã hội căn bản, chấp nhận những khác biệt còn lại, và góp sức xây dựng. Quyền lực không thuộc một người hay một nhóm mà thay phiên. Thước đo thành công để được giao phó quyền lực là hạnh phúc cụ thể của người dân.
"Bắt tay nhau" hay "góp sức" trước hết tránh tình trạng tâm lý cô đơn của một người bị sự phức tạp của công việc đè bẹp và làm tê liệt. Sau đó cũng tránh được thói mong mỏi viển vông hay thần thánh hóa sức mạnh của một người. 
Phân chia công việc là phân chia trách nhiệm để mọi người đều có thể và có bổn phận gánh vác, đồng thời học đánh giá cao sự có mặt và đóng góp của người kia. Vì quyền lực thay phiên và được giới hạn với thời gian, mọi sự thua thiệt chỉ có tác dụng nhất thời. Phe thua có thể vững lòng đoạt lại chiến thắng bằng những xây dựng cụ thể lâu dài, không cần bạo lực.
Sức mạnh tuyệt vời của nền văn hóa Dân chủ là nuôi dưỡng người tham dự và đưa tới sự thăng bằng cần thiết cho thịnh vượng.
Góp sức giữa người Việt trong và ngoài nước, giữa người Việt và thế giới.
Hiển nhiên là quyền quyết định cũng như trách nhiệm lớn hơn và nặng hơn nằm trên vai số đông nghĩa là người dân trong nước. Cũng rất hiển nhiên là khả năng của đôi bên rất khác nhau.
Người dân trong nước mới biết rõ những gì đang xảy ra cho mình và gia đình mình, và mình muốn gì. Cũng như mình có muốn thay đổi tình trạng hiện tại hay không, sẵn sàng trả giá nào cho một thay đổi tốt hơn. Người ở ngoài nước chỉ có thể dùng lợi thế tự do nhận tin nhiều chiều hay kinh nghiệm làm việc trong thế giới tự do để giúp ý với người trong nước. Cuối cùng thì quyết định là của người trong nước. Làm gì hay không làm thì cái giá đắt rẻ người trong nước phải nhận chịu.
Cũng xin mở ngoặc là có những người Việt ở hải ngoại dù mấy chục năm cũng không biết một ngoại ngữ nào để đọc báo ngoại quốc, mà chỉ theo dõi tin tức (đôi khi cả tin tức liên quan tới nơi họ đang sống) trên những tờ báo tiếng Việt do nhà cầm quyền VN chủ trương, thì cũng không khác những người sống ở những vùng sâu vùng xa Việt Nam. 
Ngoài ra "Địa chính trị" hiện nay đang là từ "hợp thời trang" trong mọi cửa miệng mỗi khi bàn tới tình trạng của Việt Nam. Hiềm rằng có quá ít người nhắc tới khía cạnh thay đổi "vô thường" trong nó. Đây cũng là phần công việc nặng nề mà người Việt hải ngoại nên chú tâm gánh vác. 
Còn về vấn đề nhận sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các chính quyền những nước tự do, thì người Việt sống trong hay ngoài nước cũng cần nhớ rõ, chính quyền nước nào thì cũng có trách nhiệm chính là lo cho sự phồn thịnh của người dân đất nước họ, trong đó cần sự cân bằng các lực lượng chính trị và nền hòa bình thế giới. Có nghĩa là những nhà lãnh đạo các xứ tự do biết không thể nào có sự ổn định trong thế giới nếu bỏ quên khát vọng của con người là luôn luôn muốn có nhân phẩm và sự tôn trọng, muốn có những nền tảng quản trị tốt. Do đó những nhà lãnh đạo Phương Tây lúc nào cũng muốn gặp bất kỳ ai đủ sức đứng ra củng cố sự ổn định xã hội bằng bất kỳ phương pháp nào ngoài độc tài và bạo lực, vì không đưa tới ổn định lâu dài. Nhưng họ cũng không thể hợp tác với những người lẻ tẻ, có nhiều tuyên bố (dù hay, dù hợp tai họ) nhưng không hậu thuẫn, không tổ chức. Đối lực với một nhà cầm quyền độc tài phải là một lực lượng có tổ chức, được hỗ trợ bởi những gốc rễ vững chắc của xã hội. Người ngoại quốc đã có những kinh nghiệm trong dĩ vãng về sự ủng hộ những nhóm có sức mạnh trong tay nhưng không có nền tảng trong xã hội như quân đội, đã chỉ đưa tới những thất bại.
Ngoài ra những tổ chức quốc tế, những chính quyền các nước tự do chỉ có thể đóng vai phụ giúp. Nếu Việt Nam không có một sức mạnh có nền tảng trong xã hội giữ vai trò chính để họ phụ giúp, thì nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn mãi mãi là đối tác của họ. Cho tới nay cách hợp tác giữa những nhà hoạt động VN với họ chưa đạt tới mức độ "trưởng thành". Gần như họ chỉ đóng vai những ông quan Tòa không thực lực để những người VN chạy đến kêu khóc, "mách" những khi bị đàn áp, mà cũng không cần biết có hiệu quả gì hay không. Đôi khi theo dõi cách phía "kêu cứu"chạy lăng xăng khi xảy chuyện, hay đọc những bài báo cáo về những vụ đàn áp do nhà nước cộng sản VN, không đầu không đuôi không chi tiết mà chỉ như những bài la hoảng hay la để gây xì căng đan, mới hiểu quốc tế còn đang nhẫn nại chờ một phe đối lập trưởng thành tại Việt Nam. 
Mong rằng những nhà/nhóm hoạt động bình tĩnh lại để phối hợp và tổ chức công việc. Phương Tây có thể hỗ trợ việc nuôi dưỡng một xã hội dân sự vững mạnh ở cấp độ địa phương và quốc gia cho chúng ta. Nhưng trước hết chính chúng ta phải nhìn thấy nhu cầu.
Đất nước Việt Nam đang rất tụt hậu về mặt vật chất. Cần phải cẩn thận, tránh để thế giới lầm tưởng chúng ta cũng tụt hậu về mặt trí tuệ .