27/1/16

Đại hội 12 một bước thực hiện lời hứa ở Thành Đô?

Tâm Việt (Danlambao) - Trong lúc Đại hội 12 của Đảng CSVN đang diễn ra với những tin đồn mâu thuẫn nhau kịch liệt, ngày 24/1 bỗng có một nguồn tin từ trong nước đưa ra khá giựt gân với nội dung như sau: 
“Vào cuối tuần qua, một hiệp ước mật được Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN ký dành cho Nguyễn Tấn Dũng... là miễn TRUY TỐ và cho phép được hạ cánh an toàn, được ở lại Việt Nam.
“Nguyễn Phú Trọng sẽ nắm thêm nửa nhiệm kỳ nữa và sau đó sẽ trao lại cho Nguyễn Sinh Hùng nửa nhiệm kỳ sau. Đây là kết quả do Tập Cận Bình đề nghị và Hoa Nam sắp xếp.
“Chức vụ Thủ Tướng sẽ do Nguyễn Xuân Phúc và chủ tịch nước sẽ là Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ Tịch Quốc Hội.”
Trên đây là những tin tức có vẻ như từ phía ông Nguyễn Phú Trọng tung ra, xem như số phận của ông Dũng đã được an bài. Nhưng phần làm sửng sốt chính là mấy câu sau đây:
“Theo tài liệu ghi nhận thì Nguyễn Phú Trọng trong 2 năm từ 2016 2018 sẽ từng bước bàn giao các tỉnh thành Miền Bắc cho Trung Quốc bằng phương án KẾT NGHĨA.

“Để đổi lại Tập Cận Bình sẽ hỗ trợ cho CSVN giúp xây dựng các tuyến đường sắt mới rộng hơn và chỉnh trang lại Quốc Lộ 1 từ Bắc vào Sàigòn để góp phần cho "Con Đường Tơ Lụa" của Tập Cận Bình.”
Nếu nguồn tin này mà đúng thì không những Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng đã bán nước cho ngoại bang, theo đúng những cam kết của Đảng CSVN bắt đầu từ Nguyễn Văn Linh ở hội nghị Thành đô tháng 9 năm 1990. Thiết tưởng bàn đến đây, ta cũng cần duyệt lại xem hội nghị Thành đô đã xảy ra trong bối cảnh nào và CSVN đã phải nhượng bộ những gì?
Hội nghị Thành đô theo Wikipedia
(có sửa một vài chỗ và thêm đôi ba chi tiết để được cập nhật)
Hội nghị Thành Đô là cuộc hội nghị thượng đỉnh Việt Trung trong hai ngày 3 4 tháng 9, 1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam Trung Quốc. Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai Đảng. Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố, tuy nhiên trên trang thông tin chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho đăng hình ảnh chụp trong hội nghị, trong những cột mốc ngoại giao quan trọng.
Thành phần tham dự:
- Phía Việt Nam gồm có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng,
- Phía Trung quốc có Giang Trạch Dân, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.
Về bối cảnh là cuối năm 1989 cho đến đầu năm 1990, hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở các nước cộng sản Đông Âu kể cả Liên Xô lần lượt bị dao động đến rạn nứt suy sụp. Kế tiếp là sự kiện Thiên An Môn (đầu tháng 6/1989), khiến các nước Tây phương đồng thanh công kích chính phủ Bắc Kinh, làm cho Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam càng lo lắng trước nguy cơ đổ vỡ của chế độ. Hà Nội bèn tìm cách bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nhấn mạnh xung đột giữa khối tư bản và cộng sản trong khi hòa hoãn với Bắc Kinh mặc dù hai bên đã xung chiến trong thời gian dài trên bộ trong cuộc chiến tranh Biên giới Việt Trung 1979, trận Lão Sơn 1985 và cuộc tàn sát phía Việt Nam ở Gạc Ma ngoài khơi trong Hải chiến Trường Sa 1988.
Quan hệ Việt Trung bấy giờ đã căng thẳng hơn 10 năm vì CSVN xâm chiếm Campuchia (1978 1989). Cách tiếp cận của Đảng CSVN là chuyển chính sách sang giai đoạn liên minh "bảo vệ Xã hội Chủ nghĩa" tức là trở lại quan điểm Mác Lê trước kia chia thế giới làm hai khối tư bản và cộng sản. Vì mất hậu thuẫn của Liên Xô, Việt Nam trước hoàn cảnh cô lập, thay vì đối đầu với Bắc Kinh, đành phải làm hòa với Trung Quốc để tránh cái họa chiến tranh tái diễn giữa hai nước cộng sản chủ nghĩa. Lãnh đạo Việt Nam lấy yếu tố hai nước cùng chung ý thức hệ nên phải liên kết lại, trong khi bỏ qua vai trò "bá quyền" và "bành trướng" của Trung Quốc được nhấn mạnh bấy lâu. Quan điểm này được thuật lại rõ ràng khi Lê Đức Anh sang Phnom Penh cuối năm 1990. Anh thông báo lại với bộ Chính trị Campuchia nội dung cuộc gặp gỡ cấp cao Việt Trung là: "Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá chủ nghĩa cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc." Kể từ đó nhà nước Việt Nam càng đề cao cảnh giác diễn biến hòa bình trong khi củng cố liên hệ với các nước cộng sản còn lại. 
Để nối lại được bang giao với đàn anh ở phương Bắc, Hà nội đã vứt bỏ hết nguyên tắc để xin cho bằng được gặp gỡ với đại diện Trung Nam Hải. Trước Hội nghị Thành Đô một năm vào tháng 10 năm 1989, Hà nội đã mượn Kaysone Phomvihane, Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Nhân dân Lào kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Lào, khi sang thăm Trung Quốc đề cập tới việc bình thường hóa bang giao Việt Hoa với Đặng Tiểu Bình. Họ Đặng ra điều kiện, Việt Nam phải hoàn toàn rút quân khỏi Campuchia.
Ngày 5 tháng 6 năm 1990, với sự cố gắng của nhiều phía, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gặp Trương Đức Duy, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, tại phòng khách Trung ương ĐCSVN. Ngày 16 tháng 8 năm 1990, Hoàng Nhật Tân, con trai Hoàng Văn Hoan, đến Đại sứ quán Trung Quốc gặp Trương Đức Duy để nhắn lời của Nguyễn Văn Linh, là muốn gặp trực tiếp phía lãnh đạo Trung Quốc.
Ngày 21 Trương Đức Duy trực tiếp tới gặp Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, thay vì Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng bộ Ngoại giao vì thái độ chống Trung Quốc của ông Thạch. Họ Trương ngỏ ý muốn nói chuyện thẳng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Sáng ngày 22, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến gặp Trương Đức Duy tại Nhà khách Bộ Quốc phòng. Đến ngày 28 sứ quán Trung Quốc nhận được chỉ thị, là Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và cố vấn Trung ương Đảng CSVN Phạm Văn Đồng sang thăm Trung Quốc từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 9 năm 1990. Viện cớ Á Vận Hội sắp cử hành ở Bắc Kinh, để tiện bảo mật, phía Trung Quốc sắp xếp địa điểm hội đàm tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Đáng ghi nhận là Hà Nội không cử Nguyễn Cơ Thạch đi tham dự vì phải nhượng bộ Bắc Kinh vốn không chấp nhận lập trường của ông Thạch.
Hội nghị diễn ra tại khách sạn Kim Ngưu. Nội dung chính trong cuộc hội nghị là vấn đề giải quyết chính trị xung đột Campuchia và vấn đề khôi phục bình thường quan hệ Trung Việt. Tuy Việt Nam nhấn mạnh là muốn liên minh Xã hội Chủ nghĩa khi hòa hoãn với Trung Quốc, Bắc Kinh coi cuộc gặp gỡ chủ yếu là để buộc Việt Nam phải rút khỏi Campuchia. Bắc Kinh chỉ thay đổi lập trường khi Hoa Kỳ công bố sẵn sàng bình thường hóa bang giao Việt Mỹ. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch lúc bấy giờ đang xúc tiến với Ngoại trưởng Mỹ là James Baker nhưng việc đó không thành tựu.
Kết quả: Một sự đầu hàng vô điều kiện
Kết quả độc nhất mà phía CSVN thu được là nối lại bang giao với Bắc kinh. Ngoài ra là một sự đầu hàng vô điều kiện mà những hậu quả tai hại đã kéo dài đến ngày nay và có khi đến đời con cháu chúng ta vẫn chưa thanh toán được. Ta hãy thử xem.
Về mặt quân sự, trước và sau hội nghị, Việt Nam đã phải rút hết quân ra khỏi Campuchia.
Về mặt ngoại giao, ngày 5 tháng 11, 1991, tức hơn một năm sau cuộc họp Thành Đô, Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến thăm Trung Quốc. Hai ngày sau, 7/11/1991, hiệp định mậu dịch Trung Việt và hiệp định tạm thời về việc xử lý công việc biên giới hai nước được ký tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh. Quan hệ Trung Việt dần trở lại bình thường.
Theo nhà phân tích ngoại giao Carl Thayer thì Việt Nam muốn tạo một liên minh quân sự giữa Bắc Kinh và Hà Nội nhưng đề nghị này đã bị Bắc Kinh bác. Lập trường của Bắc Kinh là hai nước có thể là "đồng chí nhưng không phải đồng minh". Ngược lại Bắc Kinh đòi Hà Nội phải nhận cho hồi hương người Hoa, nhượng bộ lãnh thổ, và hoàn trả những khoản nợ chiến tranh trong thời gian “chống Mỹ cứu nước,” khoảng 30 tỷ Mỹ kim.
Trong khuôn khổ bang giao Việt Hoa thì tháng 2 năm 1999, lãnh đạo Trung Việt lại công bố "Tuyên bố chung," xác định phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ mới, nội dung có thể tóm lại thành 16 chữ vàng do Trung Cộng áp đặt: "ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu hảo, hợp tác toàn diện." Về sau (2002) lại còn siết thêm với cái xích “bốn tốt”: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.
Về đối ngoại, Việt Nam bị ép bỏ nỗ lực đi gần với Mỹ và phương Tây. Theo đài RFI của Pháp, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch bị Bắc Kinh coi là người cản trở quan hệ Việt Hoa nên bị đẩy ra khỏi Bộ Chính trị năm 1991. Phải mất 5 năm Việt Nam mới giao hảo được với các nước lân bang trong khối ASEAN và Tây phương cho dù Đảng CSVN vẫn đặt ưu tiên vào các nước cộng sản chủ nghĩa và coi Trung Quốc, Cuba, Triều TiênLào là những nước bạn thân hơn cả. Tuy vậy theo nhận xét của Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang dựa trên lịch sử Trung Xô, Việt Trung, và Việt Miên thì kỳ vọng giảm xung đột vì chung ý thức hệ là một "ảo tưởng" bởi những quốc gia kể trên tuy chung khối XHCN nhưng vẫn có những mâu thuẫn có tính cách quốc gia chủ nghĩa dẫn tới xung đột.
Để làm lành với Trung quốc, chính quyền CSVN sau Hội nghị Thành Đô đã phải tránh nhắc đến Chiến tranh biên giới 1979, coi như không có. Ngay cả những hy sinh của các liệt sĩ VN cũng bị lãng quên, các nhắc nhở tới Trung quốc trên bia liệt sĩ Việt nam bị đục bỏ. Về phía Trung Quốc thì cuộc chiến vẫn được nhắc đến trong cả tiểu thuyết như của Mặc Ngôn rồi còn được dịch ra và phổ biến ở Việt nam. Nhục hơn nữa, các địa phương trên nước ta phải có nghĩa trang ghi công liệt sĩ Trung Cộng đánh chiếm nước mình, hãm hiếp đàn bà, giết người già con trẻ VN.
Hội nghị Thành Đô, theo nhận xét của vài nhà chuyên môn thì đã tác động sâu rộng đến việc Việt Nam soạn lại cả hiến pháp. Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980 đích danh lên án "bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược" nhưng đến Hiến pháp năm 1992 thì lập trường chống Bắc Kinh phải bỏ hẳn trong mọi văn bản pháp lý của nhà nước.
Bí mật chưa được công bố 
Tệ mạt nhất là cho đến nay, chính quyền Hà nội cũng như báo chí nhà nước vẫn chưa chịu công bố thông tin chi tiết về Hội nghị Thành Đô, đưa tới những tin đồn, chủ yếu xoay quanh những nghi ngờ về sự can thiệp của Trung Quốc vào hậu trường chính trị của Việt Nam như ta có thể thấy trong trường hợp của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang là người từng nhiều lần tiếp xúc với ông Nguyễn Cơ Thạch cho biết: "Trung quốc đưa ra một điều kiện tiên quyết đó là nếu Việt Nam thực tâm muốn bình thường hóa, cải thiện quan hệ ngoại giao với Trung Quốc thì việc đầu tiên là Việt Nam phải loại bỏ Bộ trưởng Thạch..."
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cũng cùng quan điểm: "Trung Quốc rất ghét Nguyễn Cơ Thạch cho nên nó mới ép phái đoàn của ta tại Thành Đô phải nhận điều đó. Phải gạt bỏ Nguyễn Cơ Thạch thì nó mới bình thường hóa quan hệ. Phái đoàn của ta lúc bấy giờ chả hiểu các ông ấy như thế nào mà lại chấp nhận cái điều kiện ấy của nó."
Không chỉ nhân sự như ta có thể thấy bàn tay Trung Cộng qua mấy Đại hội Đảng 8 9 10 11 12, theo ông Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, chính sách của Hà nội về Campuchia cũng bị bẻ quẹo: "Kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là ‘Biên bản tóm tắt’ gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong 7 điểm về Campuchia, 2 điểm là những điểm có tính chất chung về mặt quốc tế mà 2 bên đang còn tranh cãi (giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia; rút hết quân Việt Nam ở Campuchia có dẫn chứng), còn 5 điểm thì hoàn toàn là đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc. Không có điểm nào theo yêu cầu của ta cả." 
Ngày 2 Tháng 9, 2014, danh sách 20 cựu giới chức quân nhân gửi kiến nghị lên Chủ tịch nước Trương Tấn SangThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đòi chính quyền công bố những ký kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Hoa mà đến nay vẫn coi là "tấm màn bí mật." Họ cho rằng những cam kết đó tổn hại đến chủ quyền đất nước. Tên tuổi ký tên trong lá thư ngỏ có Trung tướng Lê Hữu Ðức, Thiếu tướng Trần Minh Ðức, Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương, Thiếu tướng Lê Duy Mật, Thiếu tướng Bùi Văn Quỳ, và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. 
Những mất mát trông thấy 
Theo Dương Danh Dy, trước kia là tổng lãnh sự của Việt Nam tại Quảng Châu thì chính sách nhượng bộ của các lãnh đạo Việt Nam khoảng thập niên 1990 là một lỗi lầm lớn vì đã đánh mất "bản lĩnh kiên cường, bất khuất" để tin tưởng và làm theo mọi đề xuất "mang đầy chất lừa bịp"... của Trung Quốc, ngay cả chấp nhận việc Trung Quốc can thiệp vào những nhân sự cao cấp nhất trong chính quyền mà bằng chứng là những sự quỵ lụy của Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng khi sang gặp Tập Cận Bình trước ngày Đại hội Đảng 12.
Dù nội dung của thỏa hiệp Thành đô còn là một bí mật giữ kín như bưng, nó cũng đã từng phần được rò rỉ ra. Như trên báo Hoàn Cầu của Trung Cộng. Như việc ký kết ba hiệp định về đất biên giới (1999), về tái phân định Vịnh Bắc bộ (2000) và về nghề cá trong Vịnh Bắc bộ (2000). Theo đó ta mất ít nhất 720 kilomet vuông đất biên giới (theo Lê Chí Quang trong tài liệu “Hãy cảnh giác với Bắc triều” vào năm 1999), có người còn nói đến 1000 cây số vuông, có điều chắc chắn là ta đã mất Ải Nam quan, một phần lớn Thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm v.v... Theo đó ta mất khoảng 11 nghìn cây số vuông trong vịnh Bắc bộ, để từ 63/37 giờ đây ta chỉ còn có 53/47 phần về ta. Rồi liên tiếp, người Trung quốc xâm nhập nước ta qua những dự án như khai thác bôxít ở Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng), thuê gần 300 nghìn hec ta rừng dài hạn tới 50 năm ở sáu tỉnh miền Bắc, Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương, khu kinh tế Vũng Áng ở Hà Tĩnh v.v...
Trong khi đó, ngoài Biển Đông tàu Trung Cộng uy hiếp ngư dân và tàu đánh cá của Việt nam (như bắn, đâm, đánh chìm, cướp) ngay trong những ngư trường truyền thống của ta, buộc ta và các nước trong vùng phải tôn trọng đường lưỡi bò của chúng, đưa giàn khoan 891 vào lãnh hải Việt nam, xây dựng các cơ sở hành chánh và quân sự ở Hoàng sa, bồi đắp các bãi ngầm ở Trường sa thành những pháo đài quân sự nhằm một kế hoạch dài hạn chiếm nốt Trường sa v.v.
Nguy nan hơn nữa là tiết lộ của Wikileaks cho thấy đã có những bàn thảo biến Việt Nam đến năm 2020 thành một thuộc địa của Bắc kinh nếu chưa phải là một tỉnh nội thuộc của Trung quốc. Nhiều người chủ quan cho rằng chuyện đó không thể xảy ra được nhưng nguồn tin được tiết lộ ở đầu bài báo (“Theo tài liệu ghi nhận thì Nguyễn Phú Trọng trong 2 năm từ 2016 2018 sẽ từng bước bàn giao các tỉnh thành Miền Bắc cho Trung Quốc bằng phương án KẾT NGHĨA.”) không thể làm cho ta yên tâm được.
Là những con dân yêu nước, đứng trước hiểm họa đó, chúng ta phải làm gì?
Đó là một câu hỏi mà không một người dân Việt nào, dù ở trong nước hay khắp năm châu, mà có thể ngoảnh mặt quay đi mà không đi tìm cho bằng được một câu trả lời.
Springfield, VA (Đêm 25/1/2016)