Quốc Anh (Danlambao)
- Một miền Nam Việt Nam dưới chính thể “Việt Nam Cộng Hòa - Quốc gia”
đã bắt đầu sụp đổ từ những ngày đầu hè! Đó là điềm báo trước về những
mùa hè ngột ngạt, oi bức kéo dài đến hơn bốn mươi năm! Ý nghĩa chiến
thắng về ngày 30/4/1975 không đến từ mùa xuân như tựa đề của một bài
hát: “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”? Trong đó có những ca từ: cây
xanh tươi ra lá trổ hoa, chào mùa xuân về với mọi nhà… đáng tiếc thay
đó chỉ là những lời lẽ trong sự phấn khích chủ quan của tác giả đã cộng
hưởng cùng cơn men say chiến thắng? Bởi dưới những chính sách tàn độc,
vô nhân ngày ấy nó đã làm đảo lộn mọi thứ trong xã hội miền Nam: Người
sống không ra người, vật sống không ra vật thì còn đâu để cây xanh tươi
ra lá trổ hoa?
Quê tôi với những vườn cây xanh trái ngọt ngày nào, nay trở nên tiêu
điều xơ xác, những cánh đồng lúa xanh rì nay trở nên hoang hóa, rồi đến
giai đoạn bao nhiêu đất đai phì nhiêu ấy cũng bị cưỡng đoạt biến thành
những dự án: sân golf, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị… Hầu
hết người dân trắng tay, tất cả nguồn lợi đều chảy hết vào túi bọn tham
quan, ô lại bỏ mặc dân chúng rên xiết lầm than, đói khổ. Mùa xuân chỉ
có với đảng, với những kẻ có quyền lực, mùa xuân chỉ đến với cán bộ giàu
to, với những thành phần con ông cháu cha; mùa xuân không bao giờ có
đối với dân oan mất nhà, mất đất và cũng không bao giờ đến với những gia
đình khốn khổ, bần hàn.
Thông điệp mùa xuân năm nay là gì? Thật trùng hợp khi Đại hội của Đảng
lần này lại được tiến hành trước ngày Tết cổ truyền của dân tộc chỉ
khoản hai tuần, vì vậy niềm vui này sẽ được nhân lên gấp bội nếu đây
đúng là một kỳ đại hội cuối cùng, kết thúc một chu kỳ sinh mệnh theo tử
vi Phương đông (5năm x XII = 60 năm). Thật ra XII kỳ Đại hội đã được tổ
chức vào các năm: 1935, 1951, 1960, 1976, 1982, 1986, 1991, 1996, 2001,
2006, 2011, 2016. Sở dĩ có khoảng cách gián đoạn khá lâu là bởi thời
cuộc (1935-1951) và chiến sự Bắc Nam ở giai đoạn ác liệt (1960-1976),
tuy nhiên nếu tính từ năm 1935 - 2016 = 81 năm hay (9 x 9 = 81), đó là
những con số khổ hạnh trong Phật pháp đã được chấm dứt, đánh dấu một
bước ngoặt cho những thử thách, gian khổ đã vượt qua. Hy vọng rằng những
con số nói trên là những con số may mắn, thể hiện cho niềm tin và khát
vọng về dân chủ, nhân quyền sớm trở thành hiện thực trên quê hương Việt
Nam?… Trải qua một thời gian dài người dân Việt đã không còn quan tâm
đến những sự kiện bầu bán của các kỳ Đại hội đảng, vì họ biết rằng đó là
việc của các quan đảng họ không được quyền can dự vào và phần lớn là do
hoàn cảnh xã hội khắc nghiệt, đời sống khó khăn, vất vả khiến họ chỉ
còn biết quan tâm đến chuyện cơm, áo, gạo, tiền mà thôi; ngược lại các
quan đảng họ cũng không muốn người dân nghe, thấy và bàn luận đến những
việc họ đang múa may, quay cuồng? Nhưng kỳ Đại hội lần này thì khác
không chỉ có các cơ quan công quyền quan tâm theo dõi mà tất cả mọi
giới: công nhân, nông dân; mọi tầng lớp xã hội: doanh nhân, trí thức,
tiểu thương, sinh viên, học sinh, chức sắc tôn giáo đều dõi theo một kỳ
Đại hội đầy kịch tính này.
Đại hội đảng lần thứ XII này sẽ đem lại lợi ích gì cho dân, cho nước?
Khi hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 12, khóa XI bế mạc đã có
những đồn đoán về sự sắp xếp nhân sự chuẩn bị cho kỳ Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ XII cho các chức danh “tứ trụ triều đình” lần lượt như sau:
Tổng Bí thư: Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch nước: Phạm Quang Nghị; Thủ
tướng: Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Quốc hội: Trần Đại Quang?
1- Trường hợp chỉ có hai nhân vật được đề cử cho chức danh Tổng Bí thư:
Quan điểm của người dân họ nói rằng, nếu có quyền bầu cử như những quốc
gia dân chủ họ sẽ không ngần ngại bỏ phiếu cho ông Nguyễn Tấn Dũng thay
vì ông Nguyễn Phú Trọng? Cho dù ông Nguyễn Tấn Dũng bị đánh giá năng lực
yếu kém, trình độ hạn chế vì trong hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng ông đã để
lại cho nước, cho dân cả một núi nợ công khổng lồ, tham nhũng trở thành
quốc nạn, bản thân ông cũng bị các đối thủ chính trị chỉ trích thuộc
vào loại tham nhũng hàng đầu… Tuy nhiên người dân vẫn thực tế khi so
sánh rằng: ông Nguyễn Phú Trọng tuy liêm khiết (cái này chưa chắc lắm
cần xác minh kỹ) nhưng lại là một nhân vật bảo thủ, tham quyền cố vị,
mang nặng tư tưởng giáo điều và điểm yếu cốt lõi nhất của ông Nguyễn Phú
Trọng là không muốn thoát trung, luôn có lập trường đeo bám, dựa dẫm và
lệ thuộc vào Trung quốc? Ông Nguyễn Phú Trọng đúng là một nhân vật bảo
thủ thiếu tính quyết đoán, một kẻ tham quyền cố vị khi không màng đến cơ
cực, lầm than, đói rách của dân chúng, không màng đến thảm họa mất nước
vẫn cố dựa dẫm vào kẻ thù xâm lược để chúng bảo vệ cái tính đảng độc
quyền của ông ta.
2- Ở tầm thấp hơn, người dân lẫn dư luận xã hội đều không hài lòng với
hai nhân vật còn lại là ông Phạm Quang Nghị, khi giữ trọng trách bí thư
Hà Nội ông ta cũng bị liệt vào hạng tham nhũng có tầm cỡ. Ông ta còn nức
tiếng với việc sang thăm Hoa Kỳ mang theo thông điệp bằng bức ảnh “bia
tưởng niệm” đem tặng cho ông John McCain khi bị bắt ở Hà Nội, đã khiến
cho vị Thượng nghị Sĩ này “rất hài lòng” nên ông cười hết cỡ cho đến khi
gần trẹo cả quay hàm, rõ ràng đây là một sự xúc phạm, hàm hồ một điều
tối kỵ trong mối quan hệ bang giao quốc tế, không hiểu ông ta làm như
vậy là vì ngu xuẩn hay vì nghe theo lệnh của Bắc Kinh để được đưa lên
làm Tổng Bí thư?… kế đến là ông đại tướng côn an Trần Đại Quang một nhân
vật đầu đàn của cơ quan quyền lực nhất nước (không phải là Quốc hội),
chuyên về bảo vệ đảng chứ không phải bảo vệ dân. Người dân căm oán gọi
cơ quan này là bầy chó săn chuyên đánh hơi, rình rập và hay đớp càn, cắn
bậy những người bất đồng chính kiến…và nhân vật cuối cùng là Nguyễn
Thiện Nhân với đề cử giữ chức vụ Thủ tướng có thể là một sự chọn lựa tốt
trong thời buổi tranh tối, tranh sáng hiện nay?
Tuy nhiên sau hội nghị BCHTW lần thứ 13 danh sách đề cử vẫn chưa được
chốt lại vì vậy mới có những đồn đoán trái ngược rằng: Nguyễn Phú Trọng -
vẫn yên vị chức Tổng Bí thư cho đến giữa nhiệm kỳ (2016 – 2018); Trần
Quang Nghị - Chủ tịch nước (đến giữa nhiệm kỳ 2016 – 2018 nhận chuyển
giao chức Tổng Bí thư); Nguyễn Thiện Nhân – Thủ tướng; Nguyễn Thị Kim
Ngân - Chủ tịch Quốc hội (trước đó có sự đồn đoán bà Ngân được bổ nhiệm
vào chức vụ Bí thư TPHCM).
Sau hội nghị BCHTW lần thứ 14 thông tin trên các trang mạng lại có thay
đổi như sau: Nguyễn Phú Trọng - vẫn yên vị chức Tổng Bí thư ít nhất một
năm); Trần Đại Quang - Chủ tịch nước (đến giữa nhiệm kỳ 2016-2018 nhận
chuyển giao chính thức chức Tổng Bí thư); Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng;
Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội.
Cho dù dư luận có trái chiều nhưng mục đích chính của các kỳ hội nghị
vẫn là việc tìm cách loại ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi cuộc đua, kế đến
là nhằm trì hoãn thời gian để nặn cho ra một nhân vật bảo thủ khác cũng
phải biết “kiên định với CNXH”? Nếu sự sắp xếp đúng như trên được trình
ra đại hội XII để bầu bán chính thức thì nó cũng đồng nghĩa với việc ông
Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi cùng với các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn
Sinh Hùng. Về lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế trong ván bài tranh
chấp quyền lực vẫn còn những lá bài úp hoặc nói theo ngôn từ bóng đá là
phút bù giờ hay luật bàn thắng vàng? Điều đó có nghĩa là ông Nguyễn Tấn
Dũng vẫn còn cầm trên tay lá bài đã hai lần giúp ông thoát nạn trong hội
nghị BCHTW lần thứ 6, khóa XI và bỏ phiếu tín nhiệm nhắm vào ông trong
kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, khóa XIII. Và trong trường hợp nếu nhận thấy
rõ không còn cơ hội thì phương sách cuối cùng sẽ là một sự thỏa hiệp: có
nghĩa là “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ đề
cử ông Trương Tấn Sang một nhân vật ôn hòa, ít có điều tiếng về tham
nhũng và điều quan trọng ông cũng là một nhân vật có lập trường thoát
Trung? Nhằm loại trừ ông Nguyễn Phú Trọng.
Trải qua các đời Tổng Bí thư, ông Lê Duẩn được ví như một bạo chúa bởi
những chủ trương độc tài, độc đoán. Vì sau khi cưỡng chiếm miềm Nam vào
ngày 30/4/1975 ông chủ trương và ra lệnh thực hiện các chính sách: học
tập cải tạo, cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa nông nghiệp, và
dùng đủ mọi thủ đoạn dưới dạng chủ trương, chính sách nhằm triệt tiêu
trí thức, loại bỏ tuyệt đối văn hóa, tư tưởng miền Nam…? Tuy nhiên ông
Lê Duẩn lại là người dám đánh Trung Quốc và trong khoản thời gian ông
cầm quyền bọn xâm lược Trung Quốc không dám mạo hiểm tiến sâu xuống dãy
Trường sa của Việt Nam. Vì vậy ông vẫn được tôn vinh là một nhà lãnh đạo
sáng suốt, yêu nước. Tổng Bí thư đời thứ bảy của đảng là Nguyễn Văn
Linh được ca ngợi như tổng Công trình sư trong công cuộc đổi mới, cải
cách kinh tế và nới rộng dân chủ, tuy nhiên vào gần cuối đời ông đã mắc
phải một sai lầm không thể tha thứ khi cùng với Đỗ Mười đồng lòng bán
đứng đất nước, dân tộc trong mật nghị Thành đô tại tỉnh tứ Xuyên vào
tháng 9 năm 1990. Bằng một hành động hấp tấp, nông cạn ông đã đẩy đất
nước, dân tộc vào thế cưỡi trên lưng hổ: nhảy xuống sợ hổ ăn thịt, ngồi
trên lưng không biết nó đưa đi đến đâu? Vì vậy bao công lao của hai ông
xem như đổ sông, đổ biển: “Lịch sử sẽ phán xét hai ông như hai kẻ tội
đồ của dân tộc tương tự như Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống là những kẻ
cõng rắn cắn gà nhà và rước voi về dày mả tổ”
Nếu thực sự kết quả của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII đã được bầu
chọn đúng theo kịch bản sắp xếp như trên thì quả thật là một bất hạnh
cho đất nước, cho dân tộc. Hai ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng
một lần nữa lại dẫm lên vết xe đổ của hai người tiền nhiệm là Nguyễn Văn
Linh - Đỗ Mười! Vì sau khi bế mạc hội nghị Ban Chấp hành TW 13, Nguyễn
Sinh Hùng trong vai trò sứ giả đã đại diện cho thái thú Nguyễn Phú Trọng
sang chầu thiên tử Bắc triều để báo cáo kết quả các cuộc hội nghị BCHTW
được tổ chức trong năm, trình lên Tập Cận Bình danh sách nhân sự được
đưa ra Đại hội XII sắp tới và bàn thảo đến những vấn đề thuận lợi, bất
lợi nếu có sẽ diễn ra trước, trong và sau Đại hội XII sắp tới? Không còn
nghi ngờ gì nữa ông đảng trưởng nhà ta đã tự nguyện đem chủ quyền đất
nước sang Bắc Kinh để thế chấp… ở một phương diện khác, Quốc hội là cơ
quan quyền lực tối cao của một quốc gia, mỗi Đại biểu Quốc hội đại diện
cho tiếng nói của người dân, chủ tịch Quốc hội là người đại diện cho ý
chí của toàn dân! Vậy ông Nguyễn Sinh Hùng mang thông điệp gì sang Bắc
Kinh nếu không phải là việc "cầu viện" để được thiên triều hỗ trợ, gia
tăng nội lực trong công cuộc giữ ghế Tổng Bí thư cho ông Nguyễn Phú
Trọng nhằm áp đặt chuyên chế cộng sản độc quyền, đảng trị trên đất nước
Việt Nam thêm một thời gian nữa.
Trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng chính thức giữ trọng trách Tổng Bí thư
thì đất nước Việt Nam sẽ ra sao? Thật ra chuyện lên án, kể tội ông Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là một trong những thủ đoạn chính trị
Cộng sản thường xảy ra trong việc tranh chấp quyền lực tại các kỳ đại
hội? Nếu lên án ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì trước hết hãy lên án
cái chế độ Cộng sản hủ bại này, bởi từ bên trong cái bản chất của Cộng
sản và cái tập quyền Đảng trị? Vai trò của Nhà nước không có khả năng tự
quyết sách bất cứ một điều gì cho dù điều đó sẽ mang lại lợi ích cho
nước, cho dân. Quyền hành của Đảng là một thứ quyền lực tối thượng nên
những sai trái, yếu kém trong việc quản trị điều hành đất nước xảy ra
đầy rẫy trong xã hội như: quốc nạn tham nhũng, mua quan bán tước, cướp
nhà, cướp đất đẩy dân ra đường, án oan, chết oan trong những trại tạm
giam, bắt bớ, tra tấn, giam cầm những nhà bất đồng chính kiến trái
luật…. thì không thể đổ hết tội cho một mình ông Nguyễn Tấn Dũng gây ra
và phải gánh chịu một mình, vì như đã nói trên một mình ông Dũng không
có quyền tự quyết trong bất cứ một điều gì mà không xin phép Bộ Chính
trị. Trên ông còn có ông Tổng Bí thư, tập thể Ban Bí thư, 16 ông Bộ
Chính trị ngang hàng, và cả việc mấy ông Tổng Bí thư, chủ tịch nước đã
nghỉ hưu cũng có thể can thiệp, chi phối...
Tình thế hiện đang rất bất lợi cho ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nếu
một khi ông chính thức rời bỏ quyển lực! Việc ra đi của ông không chỉ là
dấu chấm hết cho riêng ông mà còn có thể liên lụy đến cả gia đình, đến
cả tương lai, sự nghiệp của các con ông: Nguyễn Thanh Nghị đang là phó
Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang ủy viên dự khuyết có khả năng trở thành Ủy
viên chính thức với chức vụ Bí thư tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang sau đại hội
XII nếu ông chấp chính chức vụ Tổng Bí thư, Nguyễn Minh Triết con trai
út của ông cũng được cơ cấu vào Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Bình Định với
chức vụ Bí thư tỉnh Đoàn Bình Định và kế đến là các tập đoàn tài chính
lẫn những doanh nghiệp lớn do con gái của ông là Nguyễn Thanh Phượng
đang nắm giữ. Trong tình thế cấp bách chỉ còn tính bằng giờ nếu một
trong các phương án thỏa hiệp, thương thảo thậm chí một cuộc trở cờ
chính trị trong lúc còn thế lực trong tay thất bại. Ông chỉ còn con
đường duy nhất là đưa cả gia đình rời khỏi Việt Nam vì cái nhà tù rộng
lớn của chính đảng mà ông tôn thờ, cùng góp công vun đắp, xây dựng sẽ
chờ đón ông và cả gia đình ông. Vì khi các đối thủ của ông lên nắm quyền
sẽ phát động phong trào: “đả hổ, đập ruồi” đúng theo cách mà thiên
triều đang thực hiện…? Có thể những đồng chí đã từng ủng hộ ông trước
đây nay sẽ lại đồng hành, cùng đồng lòng làm nên sứ mệnh lịch sử vì nếu
không họ sẽ cùng đi chung xuồng với ông trong cuộc chiến tối hậu này.
Nhiều tầng lớp nhân dân đang mong mỏi một kỳ đại hội sẽ mang đến cho dân
tộc một mùa xuân dân chủ như các ông Gorbacher, Boris Yeltsin đã mang
lại cho nước Nga vào thập niên 1990. Nhiều người hoài vọng một Boris
Yeltsin sẽ tái xuất hiện trên chính trường Việt Nam (dù trong hai nhiệm
kỳ làm Tổng thống Liên bang Nga ông Yeltsin mắc phải rất nhiều sai lầm
nhưng người dân Nga vẫn ủng hộ ông, người dân Nga vẫn hàm ơn ông vì đã
giúp họ vứt bỏ đi một chế độ độc tài phi dân chủ, đưa nước Nga mở
sang một trang sử mới, trang sử của tự do - dân chủ). Cho dù kết quả
ra sao người dân vẫn hy vọng rằng đây là một kỳ Đại hội cuối cùng hoặc
thoát Trung hoặc sẽ phải thực hiện những cam kết trong mật nghị Thành đô
ngày càng đến gần. Liệu làn gió dân chủ của mùa xuân năm nay có thực sự
thổi mát trên dãy đất hình chữ S sau bốn mươi mùa hè ngột ngạt, oi bức
hay không?