8/1/16

Cổ phiếu Trung Quốc lao dốc lại tái diễn

 Nguyễn Quang (Danlambao) - Vào ngày 4.1.2016 trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2016, cổ phiếu Trung Quốc đã tụt mạnh. Chỉ số Shanghai Composite (CSI300) giảm 7% và phải ngưng giao dịch trên các thị trường chứng khoán (TTCK) đến hết ngày. Chỉ số CSI300 niêm yết cổ phiếu của 300 công ty Trung Quốc trên thị trường tài chính Thượng Hải (Shanghai) và Thẩm Quyến (Shenzhen) xuống dốc sau thông tin của Markit Economics và Caixin Media công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) xuống mức 48,2 trong tháng 12-2015 so với 48,6 trong tháng trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9, đồng thời đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp chỉ số này ở dưới 50 điểm. Mức độ dưới 50 báo hiệu đà sụt giảm mạnh. Chỉ số Caixin PMI là thước đo về hoạt động sản xuất của cả nước.


 
Chỉ số CSI300 giảm mạnh trùng hợp sự ra mắt cơ chế "ngắt mạch" (Security mechanism) được thiết kế để ngăn sự biến động ngoài kiểm soát của thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.
 
Cơ chế "ngắt mạch" lần đầu tiên được Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) đưa ra vào tháng 9-2015 và chính thức được phê chuẩn ngày 4-12-2015, trong nỗ lực kiềm chế các thị trường thường biến động của Trung Quốc.
 
Cơ chế này theo dõi thay đổi trong chỉ số Hushen 300, chỉ số phản ánh hiệu quả hoạt động của 2 sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến. Khi chỉ số tăng hoặc giảm 5% so với giá trị đóng cửa trước đó, cơ chế "ngắt mạch" sẽ được kích hoạt, ngưng giao dịch trên các thị trường trong 15 phút nếu sự tăng hay giảm đó xảy ra trước 2 giờ 45 chiều.
 
Sau đó, mỗi lần tăng hay giảm 5% sẽ tạo một lần "ngắt mạch" cho đến khi thị trường đóng cửa lúc 3 giờ chiều. Tăng hay giảm đến mức 7% sẽ kích hoạt ngưng giao dịch trong cả phần còn lại của ngày.
 
TTCK kết thúc chỉ sau nửa giờ giao dịch 
 
Ngày 5.1.2016 TTCK Trung Quốc tăng nhẹ sau khi chính quyền bơm 19 tỉ Dollar vào thị trường để khôi phục lòng tin nhà đầu tư sau ngày giao dịch đầu năm hoảng loạn, khiến giá cổ phiếu toàn cầu sụt giảm theo. Nhưng không thành công. Vào thứ năm 7.7.2016, TTCK tại Thượng Hải lại phải kết thúc chỉ sau nửa giờ giao dịch khi chỉ số chứng khoán CSI300 tụt 7%. Đây là ngày giao dịch ngắn nhất trong lịch sử 25 năm của TTCK Trung Quốc. 
 
Cùng ngày, hầu hết thị trường chứng khoán châu Âu đều chìm trong sắc đỏ khi mở cửa. Hãng tin Reuters nhận định giới đầu tư vẫn chưa tin tưởng vào những động thái giải cứu thị trường của Trung Quốc. Biện pháp ngưng giao dịch bị các chuyên gia chỉ trích nên Cơ quan giám sát TTCK đã thông báo sẽ không tự động ngưng giao dịch chứng khoán mặc dù trong ngày TTCK đã kết thúc sớm. Sở giám sát TTCK đã ban hành quy định mới cho phép các nhà cổ đông lớn sở hữu trên 5% cổ phần được bán tối đa 1% cổ phiếu của một doanh nghiệp trong 3 tháng tới. Tuy nhiên phải công khai ý định bán trước 15 ngày. 
 
Tình trạng TTCK lao dốc mạnh của tuần lễ đầu năm 2016 có lẽ sẽ còn tái diễn. Các nhà phân tích kinh tế, tài chính cho rằng sự suy giảm hoạt động sản xuất đã làm mờ những hy vọng rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ bước vào năm mới 2016 với vị thế tốt hơn. Hơn nữa những biện pháp phá giá đồng nội tệ Yuan(Nhân dân tệ) không kìm hãm được sự tụt dốc của TTCK mà còn tăng tiềm năng chiến tranh thương mại. Giới đầu tư tài chính cho rằng đồng Yuan sẽ còn tiếp tục bị phá giá. Là một quốc gia xuất cảng hàng đầu, Trung Quốc đã thu được nhiều ngoai tệ. Thay vì dùng chi tiêu cho hàng nhập cảng và dich vụ, Trung quốc lại đổ vào đầu tư trái phiếu nước ngoài. Lượng ngoại tệ dữ trữ ước lượng có trên 3000 tỉ Dollar. Tuy nhiên các cuộc khủng hoảng trên TTCK và các biện pháp bơm tiền cứu nguy thi trường của chính quyền đã làm tiêu hao lượng tiền dữ trữ của quốc gia. Theo số liệu của Ngân hàng trung ương ở Bắc Kinh, lượng ngoại tệ giảm đã xuống còn 3330 tỉ Dollar.Chỉ trong tháng 12 giảm 107,9 tỉ Dollar và cả năm 2015 lượng ngoại tệ đã mất trên 500 tỉ Dollar. Các chuyên gia giải thích nguyên nhân dẫn đến lương ngoại tệ giảm mạnh, một phần vốn thoát do sự yếu kém của nền kinh tế hiện tại, và phần khác vì sự can thiệp thị trường của Ngân hàng trung ương. Để ngăn chặn tăng trưởng chậm, giới lãnh đạo kinh tế, tài chính đã thực hiện một loạt các biện pháp nới lỏng bao gồm thay đổi lãi xuất và cắt giảm tỉ lệ dự trữ từ ngân hàng trung ương. 
 
Số liệu thống kê của nhà nước không chắc chắn 
 
Các chuyên gia quan ngại về nền kinh tế Trung Quốc hiện nay vẫn đang vướng nợ, nợ xấu ngân hàng tăng, thị trường bong bóng nhà đất đe dọa bùng nổ và lãnh vực sản xuất ngày càng giảm... Sushil Wadhwani, nguyên thành viên của ngân khố Anh tuyên bố không còn tin vào số liệu thông kê của Trung quốc. Christian Dreger của Học viện nghiên cứu kinh tế Đức (IWF) nói thêm số liệu từ Trung quốc trong quá khứ đã không chắc chắn. Nhiều người phê bình cho biết do không được chính quyền giải thích về phương pháp thống kê của Trung quốc nên tự chọn hình thức giản đơn hơn để thẩm định mức phát triển kinh tế Trung quốc. Như dựa vào ba tiêu chuẩn: Mức tiêu thụ năng lượng, Lương hàng chuyên chở qua tuyến đường sắt, và lượng tín dụng cung cấp của các ngân hàng. Tuy nhiên tiêu chuẩn tín dụng tăng chưa hẳn là dấu hiệu phát triển, vì lượng nợ xấu cũng gia tăng trong bảng kết toán của các ngân hàng quốc doanh. Chủ tịch Ủy ban điều chỉnh ngân hàng Shang Fulin đã cảnh báo lượng nợ xấu chỉ nửa năm 2015 đã tăng lên 266 tỉ Euro.
 
Nguy cơ kinh tế thế giới bị trì trệ phát triển
 
TTCK sụp đổ liên tiếp cho thấy đã vượt khỏi sự kiểm soát của giới lãnh đạo Trung Quốc. Tình trạng này có nguy cơ đe dọa tình hình kinh tế thế giới. Nhà đầu tư Mỹ nổi tiếng George Soros đã biểu lộ sự lo sợ trong một hội nghị kinh tế tại Tích Lan (Sri Lanka) là Trung Quốc đang đứng trước nhiều vân đề to lớn và "Nếu tôi quan sát các thị trường, tôi thấy một thách thức làm tôi liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính của năm 2008..." Hiện tượng rút vốn ra khỏi các quốc gia đang phát triển sẽ kiềm hãm sự tăng trưởng kinh tế: Hơn 544 tỉ Dollar đầu tư ở Á Châu vào năm 2010. Nhưng 540 tỉ Dollar đã rút ra khỏi vùng vào năm 2015. Và năm nay thêm 306 tỉ Dollar sẽ thất thoát sau việc tăng lãi xuất đầu tiên ở Mỹ. Trung Quốc đang gặp khó khăn, cũng không thể cứu giúp được các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia láng giềng. 
 
08.01.2016