Douglas H. Paal, Giám đốc Chương trình Hòa Bình Quốc Tế thuộc Carnegie
Endowment tại Washington DC cho rằng “Bắc Hàn vừa chế nhạo Trung Quốc,
và điều đó sẽ tạo ra phản ứng”.
Đúng vậy. Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng tuyên
bố ngay sau đó rằng "Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Bắc Hàn thử bom
nguyên tử và cương quyết thúc đẩy việc giải giới nguyên tử trên bán đảo
Triều Tiên”.
Người khó chịu nhất là Tập Cận Bình.
Mới tháng 10 năm ngoái Bắc Hàn đồng ý với Tập Cận Bình sẽ ngưng thí
nghiệm vũ khí nguyên tử. Họ Tập cần một bán đảo Triều Tiên ổn định để
hoàn thành các mục tiêu khác ở Biển Đông. Bất ổn tại bán đảo Triều Tiên
sẽ làm cho Nhật, Nam Hàn và Mỹ có cớ để tăng cường quân sự.
Tuy nhiên, Hoa Xuân Oánh không trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ trừng
phạt kinh tế Bắc Hàn. Bởi vì, tuy khó chịu Tập Cận Bình cũng không làm
gì được Bắc Hàn một cách cụ thể.
Hai đảng CS mà Trung Cộng tìm mọi cách để giữ chặt là Bắc Hàn và Việt Nam.
Trong bài viết “Tranh chấp Mỹ – Trung, một cảnh giác cho lòng yêu nước”
đăng trên talawas sáu năm trước, người viết có nhận xét rằng không ai
biết rõ, hiểu rõ Bắc Hàn và Việt Nam hơn đàn anh Trung Cộng và cũng
không ai hiểu thế mạnh thế yếu của đàn anh Trung Cộng hơn Bắc Hàn và
Việt Nam.
Như lịch sử chứng minh, Trung Cộng phải làm tất cả những gì có thể làm,
kể cả hy sinh mạng sống của nhân dân họ để duy trì ảnh hưởng với đảng CS
Việt Nam và Đảng Lao động Bắc Hàn. Trung Cộng từng gởi một triệu “chí
nguyện quân” sang Bắc Hàn và gởi 320 ngàn quân sang Bắc Việt để bảo vệ
hai nước độn (buffer state) này. Mối lo lớn nhất trong đầu các lãnh đạo
Trung Cộng là lo bị bao vây.
Trung Cộng hàng năm đã dành một nguồn tài nguyên, của cải lớn để nuôi dưỡng Bắc Hàn.
Mặc dù không có tài liệu chính thức nào cho biết tổng số viện trợ Trung
Cộng dành cho Bắc Hàn là bao nhiêu nhưng cả thế giới đều biết nguồn viện
trợ chính của Bắc Hàn không đến từ đâu khác hơn là Trung Cộng. Theo báo
Korea Times, Trung Cộng cung cấp gần hết nguồn năng lượng cho Bắc Hàn
và một nửa số thực phẩm người dân Bắc Hàn đang dùng mang nhãn hiệu Trung
Cộng.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng hành vi và cách cư xử bất thường
của các lãnh tụ Bắc Hàn từ Kim Chính Nhật trước đây và bây giờ con y là
Kim Jong-un trong quan hệ ngoại giao quốc tế nhiều khi đặt giới lãnh
đạo Trung Cộng vào vị thế khó xử. Vâng, nhưng dù sao, với Trung Cộng,
một Kim Jong-un bất bình thường vẫn tốt hơn là một Kim Jong-un bình
thường, một Bắc Hàn tự cô lập vẫn tốt hơn là một Bắc Hàn mở rộng.
Giả thiết, vì bất cứ lý do gì, Bắc Hàn trở mặt với Trung Cộng, quay sang
bắt tay với Mỹ, hòa giải với Nam Hàn, mở cửa ngoại thương, hội nhập vào
thế giới v.v… quả thật vô cùng bất lợi cho Trung Cộng. Nếu một ngày nào
đó Kim Jong-un bỗng dưng “buông đao đồ tể” lên tiếng kết án khủng bố,
xin lỗi nạn nhân, Trung Cộng sẽ phải lo lắng nhiều hơn là mừng rỡ.
Nếu một biến cố quân sự xảy ra giữa Nam Bắc Hàn, làn sóng tỵ nạn khổng
lồ sẽ tràn ngập biên giới phía đông bắc Trung Quốc, hạ tầng kinh tế gầy
dựng bấy lâu nay của Trung Cộng sẽ lung lay và có thể cả toàn bộ thượng
tầng kiến trúc chính trị cũng sẽ tiêu vong theo.
Không có Kim Jong-un, chung quanh Trung Cộng sẽ còn lại toàn là kẻ thù.
Ngoài mấy chục ngàn quân Mỹ và Hạm đội thứ Bảy hùng hậu đặt bản doanh ở
Yokosuka, Trung Cộng bị bao vây bởi hai anh khổng lồ Nhật Bản và Ấn Độ.
Kim Jong-un biết rõ thế yếu của Trung Cộng nên sử dụng vị trí sân sau và
lá bài võ khí nguyên tử của mình một cách có lợi cho việc duy trì quyền
lãnh đạo tuyệt đối trên bán đảo Triều Tiên.
Không có tài trợ từ Trung Cộng, Bắc Hàn sẽ sụp đổ; nhưng không có Bắc
Hàn, phòng tuyến an ninh dài 1400 km phía Đông Bắc sẽ bị phá vỡ.
Trung Cộng ưa thích Kim Jong-un? Chắc là không, nhưng cần thì quá cần.