3/1/16

Nhìn lại Phong Trào Dân Chủ Dân Quyền trong năm 2015

Văn Chu

Nhìn lại 2015, ta thấy có những điểm nổi bật liên quan đến phong trào đấu tranh cho dân chủ, dân quyền tại Việt Nam, có thể tổng lược như sau:

1- Nhiều Tù Nhân Lương Tâm trở về với cộng đồng đấu tranh sau khi mãn hạn tù:

Tháng 4 có hai TNLT Nguyễn Văn Oai và Paulus Lê Sơn trở về.

Tháng 8 có hai TNLT Thái Văn Dung và Trần Minh Nhựt ra khỏi tù sau khi mãn hạn.

Tháng 9 thì Blogger Tạ Phong Tần bị CSVN đưa từ nhà tù sang Hoa Kỳ.

Tháng 11 có Mục sư Dương Kim Khải ra tù.

Tháng 12 có TNLT Việt Khang và Nguyễn Đình Cương mãn hạn tù.

Điểm đáng lưu ý là hầu hết những cựu tù nhân chính trị này sau khi ra khỏi tù. Họ đã có những tuyên bố đầy khí phách, cho thấy việc bắt bớ tù đầy, khủng bố ngược đãi trong tù đã không làm cho các TNLT nao núng. Nhà tù đã trở thành nơi tôi luyện thêm bản lĩnh và tinh thần bất khuất cùng niềm tin vào công lý và sự thật nơi các thanh niên yêu nước. Đây cũng là hiện tượng chung đối với đại đa số các tù nhân chính trị đã ra tù những năm trước đó.

2- CSVN gia tăng khủng bố qua tay côn đồ:

Có lẽ thấy giam cầm hành hạ người đấu tranh trong tù không có kết quả nhiều, đồng thời cũng ngại sự lên án trừng phạt của quốc tế, nên năm nay, bộ máy trấn áp của Đảng và nhà nước gia tăng khủng bố họ bằng cách ném đá giấu tay qua côn đồ nhiều hơn.

Tháng 4, Facebooker Trịnh Anh Tuấn, người điều hành trang mạng Vì Hà Nội Xanh bị hành hung.

Tháng 5, Facebooker Nguyễn Chí Tuyến, người thường tham gia các cuộc biểu tình chống bá quyền Bắc Kinh, và Facebooker Đinh Quang Tuyến, người được biết đến với gánh hàng nước tiếp tế cho người biểu tình với tấm bảng “Không Bán Nước”; cả hai bị côn đồ đánh đổ máu vào hai ngày khác nhau trong tháng.

Tháng 11, Côn đồ leo thang, đánh luôn cả hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân khi đang điều tra vụ em Đỗ Đăng Dư bị giết trong đồn công an, rồi tiếp đó, luật sư Trần Vũ Hải cũng bị bạo hành và bắt giữ cả ngày trong khi làm việc liên hệ đến vụ trên. Côn đồ và công an đánh thành viên Lao Động Việt Đỗ Thị Minh Hạnh và nhà báo ngoài luồng Trương Minh Đức.

Tháng 12, Facebooker tranh đấu cho nhân quyền Trương Văn Dũng bị côn đồ tạt a-xít vào mặt và người. Các nhà tranh đấu cho công đoàn lao động độc lập Hoàng Đức Bình và Đỗ Thị Minh Hạnh cùng nhiều người khác đến đồn công an đòi thả người cũng bị hành hung. Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng 3 người bạn trẻ bị chặn đánh sưng mặt trên đường ra về sau khi có buổi nói chuyện về Quyền Con Người với một số cử toạ tại nhà một cựu tù nhân chính trị. 10 ngày sau đó, ông chính thức bị bắt lần thứ hai về tội vi phạm điều 88.

Người ta biết ngay những tên côn đồ đánh người nói trên là do chỉ đạo từ công an hoặc chính công an giả dạng côn đồ, khi mà các nạn nhân nhận diện được thủ phạm là những nhân viên an ninh từng theo dõi canh chừng mình. Nhưng các nạn nhân đã không khiếp sợ và với sự tương trợ của cộng đồng mạng, họ đã cực lực tố cáo hành vi khủng bố ném đá giấu tay nhưng lộ liễu của công an. 

Thủ đoạn khủng bố bằng xã hội đen và côn đồ, thực ra đang có tác dụng ngược đối với công an vì họ tự sa vào tình huống hai mặt bất lợi, tiến thoái lưỡng nan cho chính chế độ Hà Nội sau này. 

Thực thế, hoặc họ sẽ mang tiếng là côn đồ, hèn, đuối lý, biết mình sai nhưng vẫn làm rồi đổ tội qua côn đồ “quần chúng tự phát” hoặc họ sẽ mang hình ảnh của một bộ máy bất lực ăn hại, không bảo vệ được người dân trước sự khủng bố bạo hành của đám côn đồ, không đảm bảo được sự an toàn và trật tự xã hội cho người dân theo đúng chức năng của mình. Càng sa vào một trong hai trường hợp trên những người công an sẽ càng khó có chỗ đứng an toàn trong xã hội trong thời kỳ hậu CS, khi công lý được thực thi.

Không những thế, đối với cộng đồng thế giới, hành vi ném đá giấu tay của công an chỉ khiến cho bộ mặt của nhà cầm quyền Hà Nội xấu xa thêm. 

Ngày 11/12 Liên Hiệp Quốc đã ra thông báo quan ngại về việc nhà chức trách dường như làm ngơ và không truy tố những kẻ gây ra những vụ hành hung; trong khi đó thì tổ chức Human Rights Watch nói bạo lực kiểu này sẽ chỉ làm cho chính quyền “giống côn đồ”.

3- Cộng đồng Mạng càng ngày càng phát huy sức mạnh:

Năm 2015 cũng là năm mà cộng đồng mạng tiếp tục gia tăng sức mạnh của mình. Internet và Facebook càng ngày càng lan sâu rộng, đến cuối năm tỷ số dân cư mạng tại Việt Nam đã vượt qua 50% dân số (50,1%); có 35 triệu facebookers tại Việt Nam (tháng 11/2015), tỷ số 37% (đây là một tỷ số rất cao tại Á Châu). 

Nhờ sự thẩm thấu sâu rộng như vừa kể, nhà cầm quyền đã không thể bưng bít thông tin, hay ngăn chặn những phê bình chỉ trích đảng và nhà nước trên mạng. Qua đó, đã có thêm một khối lượng quần chúng lớn lao không còn vô cảm thờ ơ cam chịu nhẫn nhục với những hiện tượng sai trái trong xã hội. 

Tiếng nói đồng loạt của cộng đồng mạng ngày càng có trọng lượng đáng kể đối với giới cầm quyền. Trong một bài tổng kết về các hoạt động trên mạng, nhà báo Đoan Trang đã liệt kê gần 60 hoạt động mạng trong năm 2015. Trong đó có những vụ việc đáng kể như sau:

1/ Nhờ có sự la làng báo động về dự án chặt 6700 cây xanh tại Hà Nội và kêu gọi phối hợp rủ nhau xuống đường phản đối từ cộng đồng mạng vào tháng 3 và 4, nhà cầm quyền Hà Nội đã phải ngừng dự án trên;

2/ Cộng đồng mạng đã góp phần đáng kể bênh vực quyền lợi của người dân qua những vụ lấp sông Đồng Nai để xây chung cư và văn phòng hành chánh (tháng 4-7);

3/ Vụ người dân xuống đường phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân thả bụi ô nhiễm môi trường sống (tháng 4);

4/ Vụ dân Cam Ranh phản đối Hải Quân vùng 4 nạo vét luồng lạch khiến ngư sản nuôi ven bờ bị huỷ hoại (tháng 4-9). 

Không chỉ can thiệp lên tiếng về những vấn đề tập thể chung, cộng đồng mạng đã góp phần bênh vực cho các cá nhân bị ép uổng oan sai, như các vụ: 

1/ Công an tính bưng bít ém nhẹm sự cố em Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong tù của công an (tháng 9-10);

2/ Vụ tranh đấu ngưng thi hành án tử hình cho tử tù Lê Văn Mạnh (tháng 10);

3/ Vụ phản đối Bí thư đảng uỷ xã Tân Hiệp hạ thấp bậc đánh giá cô giáo Hải Âu và bắt cô làm tự kiểm điểm việc chê chiếc cầu của xã mới xây xong đã hư xém chết người (tháng 10); 

4/ Vụ phản đối việc xử phạt tiền và kỷ luật công nhân viên vì dám viết tên Facebook rằng chủ tịch UBND tỉnh An Giang có mặt kênh kiệu (tháng 11).

Những lên tiếng kể trên từ cộng đồng mạng trong đa số trường hợp đã lôi kéo truyền thông trong luồng phải chạy theo vào cuộc. Tạo áp lực khiến giới cầm quyền trong hầu hết các vụ trên phải đáp ứng theo, như ngưng dự án, ngưng thi hành án tử, khởi tố các vụ hành hung giết người, rút lại hình phạt thậm chí còn xin lỗi nạn nhân (trường hợp cô giáo Hải Âu). 

Như thế, ngoài việc thúc đẩy phát triển lực cho phong trào đấu tranh, cộng đồng mạng còn tạo cơ hội cho giới cầm quyền học quen dần với sinh hoạt dân chủ đa nguyên để thoát dần tư duy một chiều độc tài làm cha mẹ dân.

4- Mở rộng và tăng cường sự liên kết giữa các nhóm xã hội dân sự và tổ chức đấu tranh:

2015 cũng là năm các nhóm Xã Hội Dân Sự làm việc khá chặt chẽ với nhau. Từ việc bênh vực nhau mỗi khi có ai trong một nhóm nào đó bị công an bắt giữ, thì người của các nhóm khác và bạn bè cùng nhau kéo tới đồn công an yêu cầu thả người, đến việc cùng nhau ký tên vào các bản lên tiéng nói lên sự đồng thuận về lập trường và quan điểm đối với những vấn đề chung. 

Những bản lên tiếng chung này càng ngày càng thường xuyên hơn từ tháng 4 (nhận định về 30-4), tháng 6 (phản đối xử bất minh Hội Đồng Công Án Bia Sơn), tháng 10 (ủng hộ việc điều tàu Mỹ vào vùng biển Trường Sa bị Trung Quốc cưỡng đoạt, phản đối trù dập phóng viên Lương Tâm TV), tháng 11 (bênh vực cho em dân oan Mai Trung Tuấn bị xử bất công, phản đối đón tiếp Tập Cận Bình), tháng 12 (đòi thả Tù Nhân Lương Tâm nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền)…

Đặc biệt nếu trước đây có những nhóm xã hội dân sự còn ngần ngại khi đứng tên chung hay làm việc 
chung với những tổ chức chính trị vì không muốn cầm quyền CSVN mượn lý cớ có liên hệ với tổ chức “phản động” để thẳng tay trù dập, thì nay các nhóm XHDS đã có thêm sự mạnh dạn tự tin để thoải mái công khai cùng các tổ chức chính trị lên tiếng hay hợp tác trên những vấn đề chung, khi có những đồng thuận về quan điểm và mục tiêu chung. 

Các nhà đấu tranh đã cùng thấy rằng, trước thủ đoạn cường quyền luôn tìm cách chia rẽ để trị hầu dễ dàng thẳng tay trấn áp, tất cả các nhóm, dù có mang danh xã hội, từ thiện tương trợ ái hữu, hay chính trị đi nữa, đều có nhu cầu khai dụng những điểm mạnh của nhau để liên đới tương trợ nhau nhằm thúc đẩy phong trào dân chủ và dân quyền lên tầm cao hơn nữa. 

5- Từ Mạng ảo xuống đường thật:

Như đã đề cập trong phần 3, người dân đã không còn chỉ phản đối lên tiếng phê bình nhà nước trên mạng mà qua mạng đã rủ nhau xuống đường thể hiện quyền được công khai nói lên tiếng nói của mình khi bất đồng với nhà cầm quyền. 

Ví dụ như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, vụ xuống đường phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, và mới đây trong tháng 12, người dân Hà Tĩnh đã xuống đường gây ùn tắc trên quốc lộ 1A để đòi thả 2 bà con đã bị công an bắt giữ vô lý trước đó mấy ngày. 

Cũng trên đường thật ngoài mạng đó, ta đã thấy phong trào dân oan khiếu kiện đã được nâng lên một mức cao hơn. Nếu trước đây, các nhóm dân oan tuy rất kiên trì nhưng chỉ hoạt động rời rạc tự phát rải rác ở khắp nơi, thì vào tháng 10, phong trào dân oan đang đi vào tổ chức phối hợp chung cho cả 3 miền đất nước qua sự ra mắt của Hội Dân Oan Nông Dân 3 Miền Bắc Trung Nam. 

Sự lựa chọn địa điểm ra mắt của Hội này, bằng một cuộc biểu tình ngay trước cơ quan truyền thông lớn nhất nước là đài Truyền Hình VN tại Hà Nội, cho thấy đây là một sự cân nhắc khôn ngoan có kế hoạch, thay vì biểu tình trước các nhà tiếp dân của quốc hội hay các UBND địa phương hay diễn hành trên đường phố như trước đây mà không kết quả bao nhiêu. 

*

Tóm lại, năm 2015 là năm mà phong trào dân chủ dân quyền đang tiếp tục xây lực qua nhiều hình thái khác nhau đồng thời nong rộng, xoi mòn vòng xích kềm kẹp của Đảng và Nhà Nước CSVN. 

Cùng lúc phong trào cũng đang và sẽ đối mặt với những cơ hội lẫn thử thách ngay trước mắt.

Cơ hội là sự đấu đá tranh giành quyền lực trong cung đình CSVN để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng năm tới, một cuộc đấu đá đã lan ra bên ngoài, trên mạng cho quần chúng biết và rất quan tâm theo dõi. Đây là dịp tốt để khai dụng nhằm soi mòn phân hoá thêm các cột trụ chống đỡ chế độ. 

Cơ hội là việc Việt Nam được tham gia khối TPP với những cam kết tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế về giao thương và lập hội mà phong trào có thể khai dụng để thúc đẩy sự minh bạch tôn trọng nhân quyền. Trong khi đó quốc hội Mỹ vẫn còn “treo” TPP, chưa bàn thảo chấp thuận, tạo cơ hội cho người Việt ở Mỹ thêm khoảng thời gian để vận động thêm áp lực.

Thử thách sẽ là sự gia tăng đàn áp của nhà cầm quyền CSVN để đảm bảo ổn định chính trị trước và trong kỳ Đại Hội Đảng, trấn áp vừa bằng côn đồ, vừa bằng công an bắt bớ như ta đang thấy với trường hợp Luật sư Nguyễn Văn Đài. 

Thử thách cũng ở trong trận chiến nơi cung đình CSVN khi các phe phái khuynh loát lẫn nhau đưa đến những thái độ hành xử bất nhất đối với phong trào đấu tranh, khi thả khi xiết, khi muốn nương theo TPP, khi thì phá không cho TPP thành hiện thực theo ý của Bắc Kinh.

Trước những cơ hội và thử thách trước mắt đó, hy vọng các thành phần trong phong trào dân chủ dân quyền sẽ tận dụng phát huy hết tiềm năng của cộng đồng mạng, và sẽ càng gắn bó liên kết phối hợp tung hứng với nhau chặt chẽ hơn từ trong ra ngoài.

Văn Chu
Đầu năm 2016

nguồn: https://vietbao.com/p112a247535/nhin-lai-phong-trao-dan-chu-dan-quyen-trong-nam-2015