Nam Nguyên
2016-01-06
2016-01-06
Doanh nghiệp chết hàng loạt, lạm phát thấp nhưng lãi suất cho vay không giảm trong bối cảnh nợ công, nợ xấu, bội chi và khủng hoảng ngân sách là những vấn đề mà các chuyên gia bày tỏ lo ngại cho nền kinh tế Việt Nam năm 2016.
Doanh nghiệp chết hàng loạt
Năm 2015 có hơn 71.000 doanh nghiệp ở Việt Nam giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì số doanh nghiệp mới thành lập lên tới hơn 94.000. Trên báo chí Việt Nam, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế ở Hà Nội quan ngại về việc tình trạng doanh nghiệp chết hàng loạt, trong khi doanh nghiệp mới thành lập chưa biết bao giờ thực sự hoạt động và tạo ra được bao nhiêu công việc làm mới cho xã hội. Đối với mức tăng trưởng GDP 6,5% cho năm 2015 mà Chính phủ Việt Nam tự hào, bà Phạm Chi Lan nhận định:“Thực tình thì các con số ở Việt Nam nhiều khi có những mâu thuẫn với nhau không thật khớp với nhau về phát triển. Bản thân tôi cũng không lý giải được về con số tăng trưởng 6,5%, trong khi nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn và khu vực doanh nghiệp thông thường là nếu khu vực này phát triển tốt thì nền kinh tế mới phát triển tốt được, nhưng số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động cũng tiếp tục tăng lên…”
Thông thường vốn cho nền kinh tế là đặc biệt quan trọng, nhưng mặc dù lạm phát trọn năm 2015 chỉ là 0,63% so với năm trước, nhưng lãi suất cho vay vẫn cao, cụ thể lãi suất ngắn hạn 9%, lãi suất trung hạn và dài hạn từ 9% tới 11%. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói với báo chí, khó giảm lãi suất tín dụng trong năm 2016.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từ Hà Nội trình bày cách nhìn của ông đối với những khó khăn của nền kinh tế. Ông nói:
“Về nguyên tắc lãi suất biểu hiện sức khỏe của nền kinh tế. Nói là kinh tế trên đà phục hồi, lạm phát thấp nhưng tại sao lãi suất không giảm. Đây là một câu hỏi mà câu trả lời rất là đơn giản, thứ nhất mục tiêu tăng trưởng cao lên thì đòi hỏi cầu vốn cũng cao lên. Lý do quan trọng nhất là phát hành trái phiếu của chính phủ Việt Nam, hiện nay bội chi ngân sách rất lớn luôn luôn thâm thủng mà nợ công đang gia tăng. Cho nên để bù đắp phần bội chi đó buộc Nhà nước phải phát hành trái phiếu trong nước và nước ngoài. Đối với trái phiếu trong nước, năm vừa qua lãi suất bình quân từ 4,8 đến 6,5%. Chính vì vậy nguy cơ sâu xa là trái phiếu của Việt Nam lãi suất rất cao so với mức lạm phát. Kinh tế Việt Nam coi như từ nợ công cho tới bội chi, những thứ đó quyết định cho nên không thể giảm lãi suất. Thứ hai nữa, theo tôi suy nghĩ là tỷ số rủi ro hoán vị tín dụng rất là cao, hiện nay ở mức 260 tới 270 điểm. Chúng ta biết là ở Hy Lạp bắt đầu 300 điểm là vỡ nợ rồi. Thứ ba nữa lãi suất không giảm được là do vấn đề nợ xấu, hiện nay hoạt động của ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng chi phí rất cao.”
Chi tiêu phóng tay
Nhà nước Việt Nam nói chung chi tiêu nhiều hơn khả năng ngân sách. Trong Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách cuối năm 2015 tại Hà Nội, báo chí đưa tin Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhìn nhận ngân sách mất cân đối là vì chi thường xuyên để nuôi bộ máy tăng nhanh quá. Được biết trong cơ cấu chi ngân sách hơn 70% là dùng chi thường xuyên, phần còn lại để trả nợ và đầu tư phát triển. Nhưng trên thực tế trả nợ trong ngoài nước còn chưa đủ, nên phải vay nợ mới để trả nợ cũ đồng thời dùng một phần cho đầu tư phát triển. Trong năm 2015, vì khó vay nợ nước ngoài, Chính phủ đã vay nợ trong nước bằng cách phát hành trái phiếu ngắn hạn việc này cũng gây ra một số ảnh hưởng trái chiều, trong đó có việc hút vốn vào trái phiếu đồng thời làm cho mặt bằng lãi suất tín dụng không hạ xuống được. Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định là chính phủ cần triệt để tiết kiệm, giảm đầu tư công. Bà nói:“Dường như nhiều cơ quan nhà nước, nhất là các địa phương vẫn còn rất ham đầu tư công và vì vậy nhu cầu đầu tư công quá lớn và chi tiêu thường xuyên cũng vậy nó tăng lên liên tục với bộ máy cứ phình ra, hệ thống quan liêu nặng nề thêm và chi tiêu rất tốn kém cho xã hội.”
Một thí dụ nho nhỏ về việc chi tiêu phóng tay đến vỡ nợ như Thành ủy Bạc Liêu và Thành phố Cà Mau, hay việc 14 bệnh viện ở Đak Lak không có tiền trả lương cho bác sĩ, cán bộ nhân viên cho thấy một bức tranh lớn hơn nhiều về cuộc khủng hoảng ngân sách. Đây cũng là một vấn đề lớn cho năm 2016.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2015 đã phát hiện 29.000 khoản chi ngân sách chưa đúng. Trong khi ngành thanh tra phát hiện vi phạm tài chính trên 97.000 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 82.000 tỷ.
Điểm khác thường là giá dầu và nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh nhưng Bộ Tài chính báo cáo thu ngân sách 2015 đạt 957.000 tỷ đồng vượt dự toán 5%. Trong khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết năm 2015 hụt thu từ dầu thô là 3 tỷ USD.
Lý do thu ngân sách vẫn vượt dự toán tới 5% được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích trong cuộc họp trực tuyến ngày 28/12/2015 là lấy lượng bù giá, trong khai thác dầu thô cũng như các mặt hàng nông sản.
Tài nguyên được khai thác tối đa và nông nghiệp chú trọng lượng thay vì phẩm để bù vào giá cả thị trường sụt giảm, trong khi chính quyền tiêu xài quá trớn vay nợ tràn lan là những thực tế khi nền kinh tế Việt Nam bước vào 2016.
RFA:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-eco-maintains-absurd-issues-experts-said-nn-01062016084043.html