Đặng Xương Hùng
- Mới đây, Thụy sĩ thông báo trong năm 2015 đã tước quy chế tị nạn của
189 người, trong đó có 21 người Việt Nam. Lý do chính của các trường hợp
này là do họ đã quay về nước mà họ đã ra đi.
Quyết định này cho thấy, Thụy sĩ là một trong những nước tuân thủ rất
chặt chẽ Công ước quốc tế 1951 về người tị nạn. Một mặt, Thụy sĩ đối xử
hết sức nhân đạo và rộng lượng đối với tất cả người tị nạn, nhưng mặt
khác, họ cũng rất nghiêm khắc và sòng phẳng trong việc đòi hỏi người tị
nạn phải tuân thủ những luật lệ đã được quy định rõ ràng khi xin hưởng
quy chế này.
Khi quay trở về nước mà mình đã ra đi, người tị nạn đã chính thức công
nhận là mình tự nguyện sử dụng lại quyền bảo vệ của nước mà mình đã ra
đi. Đây là một trong những 6 lý do mà nước nhận tị nạn sẽ áp dụng để bỏ
quy chế tị nạn.
Với con số 21 người Việt Nam bị tước quy chế thì đây là con số rất nhỏ
trong số người Việt Nam tị nạn trở về Việt Nam trong một năm. Tức Thụy
sĩ mới phát hiện được rất ít so với thực tế. Chỉ riêng tại Lãnh sự quán
tại Genève hàng năm cấp khoảng 300 visa rời cho người Việt cầm Giấy
thông hành (quyển hộ chiếu cho người tị nạn - Titre de voyage).
Phần lớn người tị nạn Việt Nam đã vào quốc tịch nước mà mình đang sinh
sống. Như vậy, họ đã không còn áp dụng quy chế tị nạn nữa, họ đã là công
dân của nước sở tại. Tuy nhiên, một phần không nhỏ số bà con Việt Nam,
dù đã sinh sống nhiều năm tại nước sở tại nhưng không vào được quốc
tịch, nên vẫn nằm trong diện quy chế tị nạn. Lý do mà họ không vào được
quốc tịch có thể là: về hòa nhập văn hóa, ngôn ngữ, không việc làm, liên
tục hưởng trợ cấp xã hội, hoặc vi phạm một luật lệ nào đó (trốn thuế,
nợ nần...).
Khi bị tước quy chế, người tị nạn không còn được hưởng những quyền lợi
ưu đãi cho người tị nạn nữa, không được đối xử công bằng như công dân
nước sở tại về học hành, việc làm, nhà cửa, tự do đi lại và nhất là bị
tước Giấy thông hành và dễ có nguy cơ bị trục xuất. Khi bị tước Giấy
thông hành, họ sẽ không được tự do đi lại nữa, mỗi lần muốn đi đâu ra
nước ngoài phải xin phép, được cấp cho một loại Passport chỉ dùng một
lần đi với mục đích cụ thể, sau chuyến đi phải trả lại ngay cho chính
quyền.
Chia sẽ những thông tin trên đây để cảnh báo với đồng bào người Việt tị
nạn tại Thụy sĩ nói riêng và trên thế giới nói chung. Luôn nhắc nhở ý
thức rằng mình là người tị nạn cộng sản Việt Nam, tuân thủ những quy
định về quyền lợi và nghĩa vụ của người tị nạn như trong Công ước quốc
tế 1951 về người tị nạn. Cụ thể, không trở về Việt Nam, không liên lạc
và hợp tác với các cơ quan trong nước cũng như các cơ quan đại diện của
nhà nước Việt Nam ở nước ngoài, nhất là không xin Hộ chiếu Việt Nam. Nếu
trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó, khi đã chấp nhận trở về Việt Nam thì
cũng nên ý thức được rằng mình đã tự nguyện từ bỏ quy chế tị nạn mà nước
ngoài đã dành cho mình.