5/5/15

Tản mạn từ một bài thơ trong ngày chiến thắng

Một trong những bài viết hay của Người Hà Nội Xưa...


Nguyễn Thế Duyên
Tản mạn từ một bài thơ trong ngày chiến thắng

Tôi với anh
Hai mái đầu xanh
Xanh như màu quân phục...
Làng tôi sông Hồng nước đục
Quê anh Vàm Cỏ lở bồi
Mẹ nhớ tôi, hết đứng, lại ngồi
Má mong anh, vào nhà, ra ngõ
Tôi đã ngỏ lời vào một đêm trăng tỏ, trước lúc lên đường
Ba lô anh có kỷ vật người thương, đêm giở ngắm trên đường hành tiến
Người ta bảo anh đi bảo vệ quốc gia
Người ta bảo tôi vào nam cứu nước
Tôi và anh
Có bao giờ tính suy mất được
Cho bản thân mình, cho mẹ, cho em
Chỉ nghe kèn trống nổi lên
Người hối thúc đưa ta vào chiến trận
Đồng quê tôi cỏ mọc xác xơ
Nước quê anh cá chết dạt bờ
Người con gái quê anh, quê tôi héo hắt đợi chờ
Mình mê mải với giấc mơ bạo chúa
Tôi và anh
Hai mái đầu còn xanh
Xanh như màu quân phục
Nào...!
Hãy khoác vai nhau ta cùng chúc phúc
Để tôi về ngoài ấy đắp đê
Nước Vàm Cỏ cũng đang gọi anh về
Cùng cày cấy nuôi mẹ già anh nhé
Mê muội qua rồi, chia tay trên lối rẽ
Gửi cho nhau lời xin lỗi muộn màng
Một cánh mai tươi, một nén hương vàng
Ta về tặng cho những người đồng đội
Ta bá vai nhau để những người kia xóa tội
Dưới suối vàng
Họ...!
Chắc cũng đã ôm nhau...!

Sắp đến ngày 30/4 trên các phương tiện truyền thông người ta bắt đầu
tuyền truyền cho ngày chiến thắng. Chính trong những ngày này, tôi
tình cờ đọc được bài thơ của một người lính đã từng cầm súng đổ máu
trong cuộc chiến tranh này đi kèm một tấm hình hai người lính trẻ của
hai phía đứng bên nhau. Tôi đọc bài thơ và rưng rưng xúc động. Bài thơ
trĩu nặng suy tư về một thời đã qua. Cái thời mà lẽ ra người ta phải
đóng băng nó lại, cất nó vào những trang sách sử để cho các đời sau
của dân tộc Việt đọc lại, suy ngẫm rút ra những kinh nghiệm quý báu từ
những sai lầm của cha ông thì người ta lại trương nó ra, dùng tay vạch
lại những vết thương chưa kín miệng trong tâm hồn dân tộc và làm cho
vết thương lại rỉ máu. Bốn mươi năm rồi vết thương ấy chưa bao giờ kín
miệng.

Không hiểu sao đọc xong bài thơ, trong đầu tôi lại hiện lên cái lễ
tiếp nhận đầu hàng của quân đội miền bắc và miền nam trong cuộc chiến
tranh nam bắc Mĩ cách đây hơn hai trăm năm. Không một tiếng hò reo vui
mừng của người chiến thắng. Không một tiến trống thúc. Khi những người
lính miền bắc, kẻ chiến thắng định bắn các loạt đại bác chào mừng thì
tướng Grant đã ra lệnh ngừng ngay những hoạt động chào mừng lại . Ông
bảo với họ “Chiến tranh đã kết thúc, bây giờ họ là đồng bào của chúng
ta” . Hai đội quân hiên ngang đứng đối mặt nhau trong con mắt họ ánh
lên một sự kính trọng đối thủ. Im lặng! Một sự im lặng thiêng liêng
trùm lên hai đạo quân. Đây không phải là một lễ đầu hàng . Họ! Hai đứa
con Mĩ hư hỏng đánh lộn nhau và giờ đây Mẹ Mĩ choàng ôm lấy hai đứa
con hư, kéo chúng vào bầu vú căng sữa của mình để mặt chúng giáp lại
bên nhau, cùng hít thở mùi sữa mẹ để chúng nhận ra “Chúng là hai anh
em”. Tôi bỗng hiểu vì sao nước Mĩ lại hùng mạnh đến thế và bỗng hiểu
vì sao chúng ta cứ mãi mãi là một nước nhược tiểu. Nước Mĩ hùng mạnh
bởi những nhà lãnh đạo Mĩ là những người có tầm cao văn hóa. Ngay sau
chiến tranh, người Mĩ đã đánh tan mối thù hận giữa hai miền nam bắc.
Cả nước trở thành một khối không còn cái mặc cảm của kẻ chiến bại và
cũng không còn cái vui mừng của người chiến thắng. Nước Mỹ có 11 lễ
hội kỷ niệm cấp quốc gia nhưng trong đó không có ngày kỉ niệm chiến
thắng nam bắc Mĩ. Còn chúng ta? Những ngày tháng tư này tôi cứ nghe ra
rả những lời ngợi ca chiến thắng. Chúng ta chiến thắng ư? Chiến thắng
ai? Khi phảỉ nghe những lời ca ngợi ấy, trong tôi lại vang lên câu thơ
của Tào Thực cách đây đã hơn một nghìn năm...

Cành đậu đun hạt đậu
Hạt đậu khóc hu hu
Cùng sinh ra một gốc
Thiêu nhau nỡ thế ru

Không! Chúng ta! Hai miền Nam Bắc đều là kẻ chiến bại. Có kẻ chiến
thắng nhưng kẻ đó không phải là chúng tôi. Đó là kẻ mà ông Lê Duẩn đã
nói “Chúng ta đánh Mĩ là đánh cho Liên Xô, Trung quốc”. Họ đã thắng mà
không phải đổ chút xương máu nào. Họ quyết tâm chống Mĩ đến người Việt
Nam cuối cùng. Chao ơi! Có gì để hãnh diện! Có gì để tự hào khi mà ta,
cả miền Nam, miền Bắc chỉ là những tên lính đánh thuê. Ta cầm súng lao
vào bắn giết lẫn nhau mà chẳng biết vì cái gì

Người ta bảo anh đi bảo vệ quốc gia
Người ta bảo tôi vào nam cứu nước

“Người ta”! Người ấy xa lạ lắm chẳng liên quan gì đến anh và tôi,
chẳng quan tâm gì đến lợi ích của anh và tôi. Còn tôi và anh nói như
nhà thơ chế Lan Viên đều trở thành ”con rối cho cuộc đời giật dây” mà
là những con rối thì đã tốt. Hai chúng ta chỉ là những con tốt bị thí
một cách không thương tiếc cho những giá trị mơ hồ dối trá .”Người ta”
xa lạ quá và cũng mơ hồ quá! Ngày xưa, cách đây bốn mươi năm khi tác
giả bài thơ này còn trẻ, còn bị cái chính sách ngu dân dối trá bưng
bít khiến cho hai mươi triệu người dân miền bắc ai cũng nghĩ “mình
đang cứu nước”, cái “Người ta” lúc ấy gần gũi lắm, cụ thể lắm...

Bác bảo đi là đi
Bác bảo thắng là thắng.
Tố hữu

Chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn thời gian nào thế nhỉ
Cho tôi được sinh trong buổi đảng dựng xây đời.
Chế lan Viên

Còn nay ! sau bốn mươi năm, khi sự thật không thể che dấu mãi làm
chúng ta bừng tỉnh. Chúng ta ân hận. Một nỗi ân hận muộn màng.
Gửi cho nhau lời xin lỗi muộn màng.

Và đấy cũng là lúc những thứ cụ thể, thiêng liêng, gần gũi ngày xưa
trở nên nhòa nhạt trong chúng tôi, biến thành thứ “Người ta” xa lạ
Anh được gì trong cuộc chiến ấy ? Tôi được gì trong cuộc chiến ấy?

Đồng quê tôi cỏ mọc xác xơ
Nước quê anh cá chết dạt bờ
Người con gái quê anh, quê tôi héo hắt đợi chờ...

Và cái «Người ta» xa lạ ấy đã quan tâm gì đến những mất mát đau
thương của gia đình tôi và gia đình anh ?

Hình như Đại Việt Sử Kí Toàn Thư đã nhầm. Không phải là mẹ Âu Cơ mang
năm mươi người con xuống biển mà là sau khi li hôn mẹ Âu Cơ mang năm
mươi người con vào miền Nam, còn bố Lạc Long Quân giữ năm mươi người
con ở lại miền Bắc. Trong sự tức giận, Lạc Long Quân đã đốt chiếc
bọc chứa một trăm quả trứng thành than, rắc tro của nó xuống biển Đông
và bảo với các con rằng : «Từ nay, chúng nó không còn là «đồng bào»
của ta nữa » và thế là năm mươi đứa con của mẹ Âu Cơ với năm mươi đứa
con của bố Lạc Long Quân trở thành kẻ thù không đội trời chung. Mối
hận thù tiền kiếp ấy cho đến bây giờ vẫn chưa tan.

Có những dân tộc trong một thời điểm hiếm hoi nào đó của lịch sử, dưới
sự dẫn dắt của lòng tự tôn dân tộc, và sự dối trá, lừa bịp của những
kẻ cầm quyền mà trở nên cuồng tín. Khi đó gần như toàn bộ dân tộc đó
trở nên độc ác và tàn bạo. Nhưng họ chỉ tàn bạo và độc ác với những
người khác chủng tộc với họ còn với dân tộc họ họ vẫn là những con
người mà Đức và Nhật trong đại chiến thế giới lần thứ hai là hai ví dụ
điển hình. Còn chúng ta? Chúng ta độc ác với chính dân tộc mình !!!

May mắn cho hai dân tộc đó, họ đã bại trận. Niềm tự hào man dại của họ
đã buộc phải quỳ gối trước cái thiện, cái tốt đẹp của con người. Ngọn
lửa ấy tắt ngấm trong tâm hồn họ để cho họ nhận ra rằng «Máu người
không phải nước lã» và «Sinh mạng và phẩm giá là hai thứ trân quý
nhất mà tạo hóa đã dành cho con người”. Tiếc thay dân tộc ta không có
được cái may mắn của dân tộc Đức và Nhật. Chúng tôi đã chiến thắng.
Chúng tôi đã chiến thắng các anh, người anh em của tôi, “đồng bào” của
tôi. Và cái ngọn lửa man dại đó đã được tiếp thêm nhiên liệu để cho nó
tiếp tục cháy không biết đến bao giờ...

Đọc bài thơ này, đọc những comments về bài thơ này, tôi lại ngậm
ngùi cho số phận những người lính các anh trong những trại “cải tạo”
của chúng tôi. Dưới ánh sáng của ngọn lửa chiến thắng man dại, cái
“Người ta“ ấy đã “cải tạo” các anh bằng cách thắp lên trong các anh
một ngọn lửa hận thù.

Tôi đọc lại bài Cáo Bình Ngô mà trong lòng bỗng nhiên ngờ ngợ. Dân tộc
này kì lạ quá, rất nhân đạo với kẻ thù nhưng lại tàn nhẫn với chính
mình...

Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,

Chao ôi! người ta vẫn tự hào rằng “Người ta” nhân đạo. Không có cuộc
tắm máu nào sau chiến thắng. Cũng đúng! So với phát xít Hít le, với
Pinôchê, với Pôn Pốt thì quả “ Người ta” nhân đạo hơn thật. Nưng sao
con mắt của “Người ta” chỉ luôn cắm đầu nhìn xuống đám bùn đen dưới
chân mình mà không ngửa mặt lên nhìn bầu trời cao lồng lộng? Hay đấy
là tâm thức của văn hóa Việt? Chỉ luôn so sánh mình với những cái kém
hơn. Mà ta ở đâu trong thế giới rộng lớn này? Ta ở gần đáy của nó. Đáy
cách ta một gang tay, bầu trời cách ta cả ngàn cây số thế mà ta chỉ
nhìn xuống dưới chân mình thì làm sao ta có thể cất mình lên ?

Đọc bài thơ tôi lại liên tưởng đến những nước Đông Âu đã bị sụp đổ.
Bao nhiêu nước nhưng duy nhất có hai người bị kết án tử hình vì kẻ đó
đã ra lệnh cho quân đội bắn vào đoàn biểu tình còn lại tất cả đều được
tha thứ. Không một ai bị tù đầy và nó cũng là một trong những nguyên
nhân khiến những nước đó tiến những bước dài trong kinh tế.

Mê muội qua rồi, chia tay trên lối rẽ

Mê muội qua chưa? Chưa qua đâu! Có thể với nhà thơ, người viết bài thơ
này đã thoát khỏi cơn mê sảng nhưng sâu trong tiềm thức của bao nhiêu
người dân miền Bắc cái ngọn lửa hào hùng chiến thắng vẫn cháy và trong
hàng triệu người miền Nam ngọn lửa hận thù vẫn cháy. Và vết rạn của
dân tộc vẫn cứ hiện hữu trong mỗi chúng ta.
Bao giờ chúng ta mới có thể ôm nhau trong vòng tay mẹ Việt để cho cái
ước mơ của người viết bài thơ này trở thành hiện thực...

Ta bá vai nhau để những người kia xóa tội
Dưới suối vàng
Họ...!
Chắc cũng đã ôm nhau...!./.

Hà nội 8/4/2015

Vài lời xin lỗi gửi đến tác giả bài thơ.
Tôi hứa với anh viết tặng anh một bài bình nhưng không hiểu sao những
suy tư trăn trở của anh cứ lôi tôi vào những những suy tư mà bài thơ anh chưa nói đến.
Cho tôi xin lỗi! 
Nhưng một bài thơ có thể lôi người đọc vào những suy tư có lẽ đó là lời khen lớn

nhất rồi phải không anh ?./.