Việt Nam có tự do báo chí?
Đại Nghĩa (Danlambao)
- Nói về tự do báo chí ở Việt Nam thời Cộng sản thì thôi không biết bao
nhiêu chuyện tréo ngoe, những ông lãnh đạo đầy quyền lực thì khi nói gà
khi nói vịt, không biết đâu mà rờ. Một ông phát ngôn như két tuy lột
lưỡi đã lâu nhưng vẫn ăn nói quàng xiên, lần sau chửi cha lần trước.
“Bộ trưởng bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã tuyên bố là Việt Nam không có kế hoạch tư nhân hóa báo chí, bởi vì theo ông, báo chí đã là ‘diễn đàn của nhân dân’ rồi (?) (RFI online ngày 13-6-2012)
Đã không có báo chí tư nhân thì làm sao hơn nước khá được hở ông bộ trưởng?
“Mới đây, ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông
Việt Nam nói rằng ‘Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác’, điều này
đã khiến cho dư luận hoài nghi”. (RFA online ngày 4-5-2015)
Một con két thứ hai thì cợm cán hơn, là Y tá Nguyễn Tấn Dũng, khi
sang thăm Anh Quốc vào tháng 3-2008 trả lời báo chí Anh một cách lủng
củng và nói dóc một cách hồn nhiên như thanh niên... cộng sản rằng:
“Việt Nam chúng tôi có luật báo chí. Chúng tôi chỉ yêu cầu báo chí
thực hiện theo đúng luật báo chí của Việt Nam. Có thể nói ở Việt Nam có
tự do báo chí rất tốt. Chúng tôi yêu cầu tất cả báo chí làm theo đúng
luật pháp mà nhà... đã... hiện hành ở Việt nam. Không phải là nhiều nước
có luật báo chí. Luật báo chí của Việt Nam là một cái luật báo chí rất
cởi mở. Nhiều nhà lãnh đạo của các nước gặp tôi nói rằng là, cũng đều
nói với tôi rằng là Việt Nam có luật báo chí có thể nói rất là thông
thoáng mà ngay nước họ cũng không có”. (RFA online ngày 18-8-2008)
Trước đó hai năm, Y tá Dũng cũng đã từng hùng hồn tuyên bố “Báo chí phải do đảng cộng sản quản lý”, báo chí do đảng cộng sản quản lý rồi thì làm sao mà thông thoáng, có tự do được hở ông Y tá?
“Ông Nguyễn Tấn Dũng, để triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính
trị, cần thiết phải ‘xem xét tổ chức và thực hiện tốt việc sắp xếp, bố
trí cán bộ lãnh đạo của các cơ quan báo chí, chấn chỉnh công tác quản lý
đội ngũ phóng viên’.
Chỉ thị 37 nói: ‘kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi
hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối
báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước”. (BBC online ngày 1-12-2006)
Theo Đại tá QĐND Phạm Quế Dương chỉ cần so sánh tự do báo chí thời Pháp thuộc với thời CHXHCN thôi cũng đủ thấy mấy ông cộng sản nói dóc rồi:
“Sự thật thì vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam hiện
nay dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN vẫn còn bị ngăn cấm. Song dưới thời
thống trị của thực dân Pháp, ở nước ta đã có thời kỳ tự do báo chí. Báo
của đảng CSVN lúc đó gọi là Đảng CS Đông Dương, ở cả Bắc kỳ, Trung kỳ,
Nam kỳ đều đã từng xuất hiện”. (ĐanChimViet online ngày 29-10-2010)
Nhà văn Võ Thị Hảo viết trên blog của mình bất bình trước việc
nhà cầm quyền cộng sản bỏ tù nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải
để trả thù hai nhà báo này đưa tin vụ tham nhũng PMU 18. Nhà văn Võ Thị
Hảo viết:
“Vâng, chúng ta đã nghĩ rằng giải phóng để có tự do. Nhưng cái chế độ
thực dân mang tiếng là tàn bạo ngày ấy vẫn chấp nhận báo chí tư nhân và
các đảng phái đối lập. Vẫn chấp nhận những ý kiến trái chiều. Vì đó là
quyền đương nhiên tối thiểu của con người”. (RFA online ngày 16-10-2008)
Nhà báo Đại tá QĐND Phạm Đình Trọng cho biết hoàn cảnh của nhà báo thời CHXHCNVN hiện nay như sau:
“Trước đây chúng tôi làm báo thì chỉ là công cụ của nhà nước... Làm
báo ở chế độ XHCN nó nghiệt ngã như thế có nghĩa tất cả phải theo định
hướng của Ban Tuyên giáo thành ra nó chỉ được một cái hành lang để đi.
Anh không thể lạc vào những sự thật, lạc vào hiện thực ngoài ý định của
Ban Tuyên giáo cả. Đây chính là lúc mà nó bộc lộ sự nghiệt ngã ấy rõ
nhất”. (RFA online ngày 10-5-2012)
Từ Sài Gòn nhà báo tự do Bút Thép nhận định về nền báo chí thời CHXHCNVN:
“Nước Việt Nam trong những năm qua cũng như hiện tại theo tôi không
có gì gọi là tiến triển hết cả, nó chỉ là nền báo chí một chiều, theo ý
đảng chứ còn nói tự do thì ở Việt Nam khó có thể nói là báo chí tự do.
Cơ bản thì phải nói thẳng một điều là tại Việt Nam làm gì có báo chí
trung thực chính xác được?” (RFA online ngày 3-5-2011)
Và theo Nhà báo Phạm Trần, là một trong số rất ít Nhà báo thời
VNCH vẫn còn sinh hoạt báo chí ở Hải ngoại so sánh “Cách làm báo thời
VNCH và thời CHXHCNVN” như sau:
“ -Thứ nhất, thời VNCH ‘có báo chí tư nhân’, thời Cộng sản ‘thì không’.
- Thứ hai, thời VNCH người làm báo không có bổn phận phải tuyên
truyền cho chủ trương và chính sách của nhà nước như thời Cộng sản.
- Thứ ba, thời VNCH không có người làm báo cũng là ‘cán bộ của đảng cầm quyền’ hay ‘phải viết theo lệnh của cơ quan Chủ quản’.
- Thứ tư, thời VNCH, người làm báo ‘có quyền phê bình chính sách của
nhà nước và chỉ trích’ những sai lầm của cấp lãnh đạo. Thời CS, thì
không được phép”. (Bốn Phương online ngày 24-9-2013)
Ông bà ta có dạy, trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần, ấy thế mà ông Son vẫn nhắm mắt nói lấy được trong khi tổ chức Phóng viên Không biên giới đã đưa ra nhận định: “Tự do báo chí: Việt Nam vẫn tụt hạng trên thế giới”.
“Trong bảng xếp hạng quyền tự do báo chí tại 180 quốc gia và vùng
lãnh thổ, theo thứ tự từ cao đến thấp, Việt Nam bị xếp thứ 175…
Nhận xét chung của Phóng viên Không biên giới không khoan nhượng:
‘Chính phủ Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch đàn áp từ một vài năm
nay. Chính quyền đã sử dụng cả một kho luật lệ đều hơn nhau về tính tùy
tiện, với lời lẽ lúc nào cũng mơ hồ, như trong điều 258 của Bộ luật Hình
sự, phạt án tù đối với mọi hành động ‘lợi dụng các quyền tự do dân
chủ’, cho phép chính quyền ‘biện minh bằng pháp luật’ chủ trương bịt
miệng các tiếng nói bất đồng…
Phóng viên Không biên giới tố cáo hiện tượng: ‘Nhà chức trách cấu kết
với giới côn đồ để tiến hành các vụ sách nhiễu. Bản chất các đối tượng
bị nhắm, và tính chất thô bạo của các cuộc tấn công, phản ánh một chiều
hướng cứng rắn hơn của chiến dịch đàn áp”. (RFI online ngày 12-2-2015)
Thử xem lại kết quả của RSF báo cáo về tình trạng tự do báo chí trên thế giới trong những năm trước đây ra sao...
- Năm 2004: Việt Nam đứng hạng 161 trên 167. (RFA online ngày 4-5-2005)
- Năm 2007: --- 162 trên 169. (RFA --- 18-10-2007)
- Năm 2008: --- 168 trên 173. (BBC --- 22-10-2008)
- Năm 2012: --- 182 trên 197. (VOA --- 2-5-2012)
- BBC: “Báo chí phải giữ “định hướng chính trị”.
“Có đến ba Ủy viên BCT đã lên tiếng yêu cầu báo chí phải giữ đúng ‘định hướng chính trị’ nhân ngày báo Việt Nam 21-6.
Trong một bài viết đăng trên mạng báo Công an nhân dân hôm thứ Năm 20-6, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang yêu cầu tất cả báo chí của ngành Công an trong cả nước phải quan tâm đến nhiệm vụ ‘trọng tâm, cơ bản’ này.
Giữ vững trận địa. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính
sách của đảng, pháp luật của nhà nước về an ninh, trật tự”. (BBC online ngày 21-6-2012)
Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì “Đảng phải ‘nắm’ báo chí”, nắm chắc báo chí như nắm chắc quyền lực và lợi ích. Chủ tịch Sang hùng hổ ra lệnh:
“Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo
chí để tờ báo của mình vi phạm chủ trương, đường lối của đảng, pháp luật
chính sách của nhà nước, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích của tờ
báo, để tư nhân núp bóng, liên doanh, liên kết bất hợp pháp”. (BBC online ngày 11-1-2007)
Ông Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp tuyên bố “Báo chí sẽ có ‘đường đi’ thông thoáng hơn”... nếu đi đúng lề. Ông Hợp nói:
“Thời gian tới, sẽ hình thành các tập đoàn báo chí mạnh, không rải ra
rất nhiều loại hình báo chí mà không có đầu mối, một Vụ mạnh để quản
lý...
Lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh. Báo chí bị các điều hành làm
cho mất tự do. Chúng ta hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên
phải. Tôi cố gắng để cho báo chí có một lề đường đó, để các nhà báo đi
vào lề đường nhưng rộng hơn, thông thoáng hơn”. (VNExpress online ngày 6-8-2007)
Trước xu thế thời đại internet, CSVN đặt tham vọng kiểm soát, năm 2010 trong Hội nghị Báo chí toàn quốc, trung tướng Công an Vũ Hải Triều
khoe đã phá sập 300 trang mạng và blog, nhưng mới gần đây, Thủ tướng
Dũng “tâm tư” là hiện nay có hơn 30 triệu người sử dụng các trang mạng
xã hội nên không thể ngăn cấm được, vậy mà trước đây:
“Ngày 25-12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội
nghị phổ biến Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp dịch vụ
Internet và thông tin trên mạng…đưa ra nguyên tắc, hành lang pháp lý
trong việc cung cấp, sử dụng, phát triển dịch vụ trang mạng xã hội,
trang thông tin điện tử, những chế tài quan trọng để thiết lập các trang
thông tin này và cung cấp dịch vụ trên các mạng thông tin di động; chế
tài quản lý trò chơi điện tử...” (Vietnamplus online ngày 25-12-2013)
Mặc Lâm phỏng vấn ông Bùi Chí Vinh, một trong những phóng viên
đầu tiên thành lập tờ báo Tuổi Trẻ về chính sách kiểm soát báo chí trả
lời về nhận định câu tuyên bố của ông Lê Doãn Hợp như sau:
“Bởi vì chế độ này là chế độ độc đảng chính quyền cai trị cho nên báo
chí chỉ là một công cụ tuyên truyền của chế độ mà thôi vì vậy sự thay
đổi nhân sự của báo Tuổi Trẻ chỉ là thay đổi công chức, không hy vọng gì
kéo theo thay đổi cơ chế chính trị hay mở cửa như phương Tây nhìn nhận…
- Cái phát biểu vừa rồi của ổng chẳng khác gì một ông chủ nói chuyện với đày tớ, tức là cầm tay chỉ việc phải như thế nào”. (RFA online ngày 26-9-2007)
Dân biểu tình chống Trung cộng xâm lược biển đảo đảng CSVN cho là vấn đề
“nhạy cảm” cho nên báo VietnamNet gặp sóng gió sau bản tin biểu tình và
Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn phải “từ chức” khi đăng bài báo:
“Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: Nhìn từ Hoàng Sa-Trường Sa” được đăng
lên hôm 10-12-2007, một ngày sau cuộc biểu tình lần đầu ở Hà Nội và TP
Hồ Chí Minh nhưng bị rút xuống vài tiếng sau đó...
Các nguồn tin từ Việt Nam nói ngoài chuyện kiểm điểm VietnamNet đã
phải nộp phạt 30 triệu đồng. Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn đã xác nhận
tin này”. (BBC online ngày 20-12-2007)
- RFA: “Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ bị mất chức”.
“...Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Bùi Thanh bị rút thẻ nhà báo vĩnh viễn, điều này cũng có nghĩa là ông này bị cách chức...
Ký giả Bùi Thanh là tác giả bài viết sau khi hai ký giả của Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị bắt giam, liên can đến vụ PMU18”. (RFA online ngày 30-7-2008)
- BBC: “Kỷ luật lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết”.
“Nói với BBC chiều nay, ông Đinh Đức Lập, Ủy viên Trung ương MTTQVN
xác nhận ông Lý Tiến Dũng, Tổng biên tập và Đặng Ngọc, phó TBP đã nhận
quyết định kỷ luật chính thức...
Tháng 11 năm ngoái, ĐĐK cho đăng lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối chủ trương dỡ bỏ Hội trường Ba Đình...
Lời giới thiệu của tòa soạn khi ấy viết rằng lá thư của Tướng Giáp bị
các báo từ chối, nhưng ĐĐK quyết định công bố để ‘giải tỏa những bức
bối từ các vị cán bộ lão thành và nhiều bạn đọc có quan tâm”. (BBC online ngày 7-10-2008)
- RFA: “Phó TBT báo Du Lịch bị thu hồi thẻ nhà báo”.
“... ông Nguyễn Trung Dân, Phó TBT phụ trách tờ báo Du lịch vừa bị cách chức và thu hồi thẻ nhà báo hôm 12-5-2009.
Báo Du Lịch thuộc Tổng cục Du Lịch VN, ấn hành mỗi tuần 2 số đã bị
đình bản 3 tháng kể từ ngày 14-4 vừa qua. Lúc đó Bộ Thông tin Truyền
thông nói rằng, báo Du Lịch số Xân Kỷ sửu đã cho đăng những bài và thông
tin nhạy cảm không chấp hành chỉ đạo”. (RFA online ngày 15-5-2009)
- RFA: “Tổng biên tập báo Người cao tuổi bị cách chức”.
“Sau khi báo Người Cao Tuổi bị buộc phải đình bản, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa bị cách chức và đề nghị khởi tố...
Trong vụ báo Người Cao Tuổi, phóng viên viết những bài phóng sự điều
tra nổi cộm trong các vụ tai tiếng của Trần Văn Truyền, Sầm Đức Xương,
Nguyễn Trường Tô và mới nhất là bài Thị trường sao và vạch của Lê Quang
Tạo, bài viết được cho là nguyên nhân dẫn tới việc đánh tờ báo...” (RFA online ngày 12-2-2015)
- BBC: “Không thể bưng bít thông tin”...
“Ông Nguyễn Trường Tô hồi tháng Hai đã bị cáo buộc mua dâm vị thành
niên thông qua môi giới của cựu Hiệu trưởng Sầm Đức Xương. Kết luận của
Ủy ban Kiểm tra TW được đưa ra, các báo trong nước đồng loạt đưa tin.
Thế nhưng theo luật sư đại diện cho một trong các nữ sinh, đã có chỉ thị
người đứng đầu Ban Tuyên giáo TW Tô Huy Rứa yêu cầu báo chí ngừng đưa
tin về vụ này”. (BBC online ngày 19-7-2010)
Báo mạng RFA đưa tin “Việt Nam và ngày tự do báo chí toàn cầu”, nhà thơ Bùi Chát
nhà Xuất bản Tự do mang tên Giấy Vụn đi nhận Giải thưởng Xuất bản Tự do
năm 2011 do Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế IPA trao tặng về tới phi
trường thì bị chặn lại và giải thưởng bị tịch thu. Ông Alexis Krikorian,
Giám đốc của IPA nhận định:
“Thực đây là một tình huống tệ hại nhất. Chúng tôi đã trao giải Tự do
Xuất bản nhiều năm nay rồi, nhưng nay là lần đầu tiên một chính quyền
sở tại cho bắt giữ người được trao giải khi trở về lại đất nước của
người ấy...
Trường hợp ông Bùi Chát là trường hợp đầu tiên. Chúng tôi lấy làm
tiếc đó là trường hợp thứ nhất. Chúng tôi lên án việc bắt giữ đó như đã
nêu trong thông cáo báo chí của chúng tôi”. (RFA online ngày 3-5-2011)
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm đài VOV và phóng viên Hán Phi Long đi làm
phóng sự vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang bị chính quyền địa phương cho côn
đồ hành hung được báo Tuổi Trẻ đưa tin:
“Thật trớ trêu, người bị đánh đòn đau lại là hai nhà báo từ Trung
ương. Mặt mày sưng húp rồi cũng sẽ lành, song nỗi đau tinh thần sẽ mãi ê
ẩm với cảnh đánh đập hung tợn này.
Các cơ quan báo chí nước ta rất dè dặt, chưa dám phanh phui những nhức nhối ẩn sau vụ thu hồi đất mang tính kinh điển này”. (TuoiTre online ngày 12-5-2012)
Nhà văn Nguyễn Huệ Chi, người quản lý trang Bauxitevietnam cùng với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người Đại diện cho Diễn Đàn Xã hội Dân sự Việt Nam đã tham gia biểu tình ủng hộ quyền tự do báo chí tuyên bố:
“Chúng tôi quyết liệt phản đối kẻ nào muốn chống lại nền báo chí tự
do bằng bất cứ hành vi đê mạt nào và ở bất cứ địa điểm nào trên thế giới
và giành tiếng nói tự do cho thế giới văn minh”. (BBC online ngày 12-1-1015)
14.05.2015