Bệnh tham nhũng của CSVN
Đại Nghĩa (Danlambao) - Bệnh
tham nhũng là căn bệnh mà từ xửa từ xưa đã có mặt trên thế gian này
rồi, nó ở khắp hang cùn ngỏ hẻm, ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Cụ
Nguyễn Khuyến tưởng thời trước không có nên khi đọc chuyện Kiều của văn
hào Nguyễn Du thấy tên tham quan đã đòi: “Có ba trăm lạng việc này mới xong”, cụ mới vỡ lẽ ra là: “Ngày trước làm quan cũng thế a?”
Bệnh tham nhũng đã ăn sâu trong huyết quản mỗi con người, nhưng có khác
là điều kiện phát sinh của nó dể hay khó, có muốn trị hay không mà thôi.
Ngày “cách mạng” còn ở trong rừng thì điều kiện của nó hơi khó, nhưng
khi “về thành” rồi thì nó rất dể bị cám dỗ. Cán bộ ta nhân dịp nhà nước
ra lệnh đổi tiền đã biết kiếm chác bằng cách móc ngoặc để ăn phân… nửa.
Theo lời của ông Trần Kiêm Đoàn, Bí thư đoàn trường Nguyễn Tri Phương ở Huế kể thì khi:
“Tôi trở về Đại Nội. Một vị chỉ huy đổi tiền biết chuyện kêu lại nói:
‘Muốn đổi bao nhiêu cũng được nhưng phải chia 5:5. Về xóm coi có ai thì
kêu họ đổi luôn’. Tôi về lấy tiền và móc nối với mấy người trong xóm.
Đúng là đổi bao nhiêu cũng được thật”. (Huy Đức - Bên Thắng Cuộc – trang 77)
Giáo sư Hoàng Tụy, nguyên thành viên sáng lập Viện Nghiên cứu IDS phát biểu:
“Muốn chữa bệnh có hiệu quả phải hiểu cơ chế phát sinh ra bệnh. Tham
nhũng ở nước ta hiện nay như vết thương từ bên trong cơ thể, từ trong
máu…
Tôi cho rằng, tham nhũng là một khối u nhức nhối vô cùng. Nếu chúng
ta không cắt được khối u ấy, không cách nào làm cho xã hội phát triển
được. Tham nhũng ở Việt Nam đã đến mức nghiêm trọng. Do vậy, chống tham
nhũng là vấn đề cấp bách, cần thiết nhất hiện nay”. (DanLuan online ngày 19-9-2011)
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã chỉ rõ mầm móng của bệnh tham nhũng là “nhóm lợi ích” và Tiến sĩ Nguyễn Quang A chỉ đích danh nhóm lợi ích là ai?
“…cái khó nuốt nhất của những nhà hoạch định chính sách chính là các
‘nhóm lợi ích’. Các quốc gia khác, nhóm lợi ích thường nằm bên ngoài
quyền lực…Các nhóm lợi ích của Việt Nam phần lớn lại nằm bên trong của
quyền lực”…
“Nói về nhóm lợi ích ở Việt Nam nó có thể khác đi. Ý người ta muốn
nói đến các nhóm lợi ích có ảnh hưởng đến chính sách của đất nước, thì
nhóm mạnh nhất và lớn nhất là nhóm của lãnh đạo hay nói rộng ra là đảng
Cộng sản”. (RFA online ngày 17-11-2011)
Chuyện tham nhũng ở Việt Nam không còn là chuyện cá biệt mà nó là một
phong trào “anh ăn, tôi ăn, chúng ta cùng ăn” cho nên chủ tịch nước hay
tổng bí thư chỉ còn cách ngồi nói nhảm.
“Khi tiếp xúc với cử tri TP Hồ Chí Minh tháng 5-2-11, chủ tịch nước Trương Tấn Sang
cũng đã nói: ‘Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều
con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia
người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con
sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”. (RFA online ngày 14-12-2014)
Tới ông TBT Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ chiều ngày 6-12-2013 đã thừa nhận:
“Tệ tham nhũng nguy hiểm và khó chịu đã thành khá phổ biến và thành
đường dây rồi, chứ không phải chỉ một người ăn mảnh một mình, như chúng
tôi hay nói là các nhóm cấu kết với nhau, rất khó xử”. (DanTri online ngày 6-12-2013)
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu có lần trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ nói về
tính công khai minh bạch nghe có vẻ như người liêm khiết, tuy nhiên
trong nhà ông ta có cả trống đồng Đông Sơn, cặp ngà voi to tướng trị giá
cả tỷ bạc, vườn ra sạch trên nóc sân thượng trị giá vài trăm triệu…
nhưng ông Phiêu nói:
“Ngay ở xã tôi, làm cái cống cũng bị xơi hơn một nữa. Tôi về thì bà
con bảo: hai trăm triệu mà xơi tới trăm hai, còn có tám chục. Đấy mới
chỉ là công trình nhỏ thôi đấy”. (TuoiTre online ngày 26-5-2005)
Vũ Quốc Hảo, Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II (ALCII
thuộc Agribank) là một vua phù phép thuộc hàng cao thủ, trong việc mua
tàu lặn Tinro 2 không biết để làm gì nhưng chỉ biết bị thổi giá “khủng”
lên gấp 1.300 lần!
“Theo chỉ đạo của Hảo, thiết bị lặn này được vận chuyển ra Hải Phòng
và cố tình để cho hải quan bắt giữ, tịch thu, bán đấu giá và mua lại với
giá khoảng 100 triệu đồng. Sau khi hợp pháp hóa được nguồn gốc, Hảo chỉ
đạo nhân viên Công ty Cát Long Hải thông qua Hoàng Lộc, Tổng
giám độc Công ty Vivaco, để thẩm định, nâng giá thiết bị tàu lặn lên 130
tỉ đồng (nâng giá lên đến 1.300 lần). Sau đó, Hảo chỉ đạo các bộ phận
nghiệp vụ căn cứ vào kết quả thẩm định giả này, lập hồ sơ cho thuê tài
chính, lập hồ sơ mua, bán tàu Tinro 2 với giá 130 tỉ đồng để giải ngân
số tiền 130 tỉ, lãi suất khoảng 1,17% tháng, thời hạn 60 tháng”. (ThanhNien online ngày 3-11-2013)
Vụ án Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Vinalies cho thấy sự thối nát của chính quyền cộng sản, bao che, móc ngoặc, chạy án… thượng tướng công an Phạm Quý Ngọ chưa kịp khai… thì đã “tự tử” chết trong tù nên tịt ngòi điều tra. Theo lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với BBC hôm 8-1-2014 nhận định rằng:
“Lời khai của ông Dũng tại tòa có thể nói là một bước đầy kịch tính
và sẽ làm cho rất nhiều người đau đầu. Nó bộc lộ ra một sự thối nát
không thể tưởng tượng được trong đội ngũ của quan chức Việt Nam hiện
nay. Từ chuyện những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước ăn cắp, ăn
trộm tiền, rồi đi hối lộ, đút lót để chạy án, cho đến chuyện lập âm mưu
để chạy trốn”. (BBC online ngày 8-1-2014)
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong một lần thảo luận tại Quốc hội, ông phát biểu:
“Chính quyền cơ sở nhiều nơi làm mất lòng dân: nhũng nhiễu, hạch
sách, lên chức chỉ lo kiếm tiền, không phải vì dân. Đến cơ quan thì đi
vắng, trong khi không giải quyết việc của dân. Chúng ta có cả một hệ
thống chính trị từ trên xuống nhưng nhiều nơi không lo được cho dân. Dân
xây một nhà có hơn 40 m2, đã làm đủ thủ tục mà vẫn kiểm tra tới 21 lần,
chủ yếu để kiếm ăn”. (VietnamNet online ngày 18-10-2006)
Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam đã ăn lan vào các ngành y tế, giáo dục đến nỗi “Phong bì bao tỏa y đức thầy thuốc…”
“Tuy nhiên tại Việt Nam trong nhiều năm qua, tình trạng tiêu cực
trong việc khám chữa bệnh của nhiều y bác sĩ trở thành bình thường. Đó
là việc bệnh nhân phải lo lót tiền bạc cho bác sĩ, y tá khi nhập viện để
nhận được sự chăm sóc tận tâm của nhân viên ý tế…
Báo chí trong nước đã nhiều lần đăng tin người dân trong nước than
phiền về y đức của không ít những bác sĩ và y tá trong các bệnh viện.
Hiện trạng ‘phong bì’ trở thành ‘luật bất thành văn’ giữa bệnh nhân và y
bác sĩ”. (RFA online ngày 1-4-2008)
Bà Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Đoan trong phiên họp báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm ý tế giai đoạn 2009-2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
“Bà Đoan tiếp lời: ‘Đến tiền của các cháu Dân tộc thiểu số mà hiệu
trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới
khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho
hai cháu ngay tại Hà Nội…Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ
một cái gì”. (TuoiTre online ngày 11-9-2013)
Trong một đầu năm, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói chuyện với nhà giáo Phạm Toàn về chuyện Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Cụ Vĩnh nói:
“Tôi thì lại thấy chú ấy nói đúng ở điều này; ngày trước chính quyền
Sài Gòn tham nhũng là họ ăn cắp viện trợ Mỹ, đó là tiền Mỹ, chứ đó không
phải là mồ hôi và công sức của người Việt Nam. Còn của ta bây giờ, ai
giàu lên là nhờ bán chác đất đai, nhờ ăn hối lộ, nhờ bán rừng và tài
nguyên…thì đó là giàu lên nhờ ăn cắp tài sản của dân tộc Việt Nam này…” (Boxitvn online ngày 10-2-2011)
Giáo sư sử học Hà Văn Thịnh kể:
“Người dân kể chuyện mẹ của ông Thiệu không thèm vào Sài Gòn ở
với con trai mà vẫn cứ bán bánh canh ở chợ Phan Rang, rằng ngôi nhà của
thân mẫu TT VNCH nhỏ và đơn sơ lắm. Nghe đâu khi xây cất cho mẹ, ông
Thiệu không đồng ý trưng thu-lấn đất của nhà hàng xóm, bằng chứng là mấy
cây dừa trên 50 năm tuổi làm hàng rào giữa hai hộ gia đình vẫn còn
nguyên. Người dân còn kể cho tôi nghe rằng các quan chức địa phương muốn
làm đường trải nhựa vào con hẻm có nhà thân mẫu của TT nhưng ông Thiệu không đồng ý, với câu nói đại ý, nếu rải nhựa thì mọi con hẻm tương tự ở Phan Rang đều phải được rải nhựa như nhau…
Căn nhà nhỏ đó không thể mang tính thuyết phục của bằng chứng về sự tham nhũng ghê gớm của ông Thiệu, như tôi đã từng được dạy, không chỉ một lần!” (ĐanChimViet online ngày 15-5-2012)
Theo Giáo sư Thịnh thì gia tài của TT Thiệu so ra không bằng một lai nào của ông đại địa chủ tư bản đỏ Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và hàng ngàn ông cán bộ “cách mạng vô sản” khác được báo mạng “lề phải” đưa tin.
“Theo báo Kinh doanh&Pháp luật, dinh thự của Chủ tịch tình Bình
Dương rộng khoảng 1.000 m2, được xây dựng hiện đại, tráng lệ, nhiều
phòng ốc, với tường rào kiên cố xây rất đẹp, bao bọc cẩn mật tứ phía…Bên
trong sân nhà có rất nhiều loại cây kiểng đắt tiền được trưng bày.
Trước mặt tiền dinh thự là cổng rào sang trọng…Ngoài ra gia đình ông
Cung còn sở hữu vườn cao su khoảng 100 ha ở ấp 8, xã Long Nguyên, huyện
Bến Cát. Vườn cao su này được đánh giá là lớn nhất, đẹp nhất, giá trị
nhất ở dây”. (VietnamNet online ngày 5-9-2014)
Còn dinh thự của ông Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền thì khủng hơn
nhiều, cơ ngơi của ông Truyền tọa lạc trên mảnh đất chỉ có 16. 657
thước vuông, ngoài ra còn một ít ngôi nhà linh tinh đã từng bị Người Cao
Tuổi công bố.
“Khu dinh thự quá sang trọng được cho là của ông Trần Văn Truyền, cựu
Tổng thanh tra chính phủ, xây dựng trên khu đất rộng 16.657,4 m2 thửa
số 684, tờ bản đồ số 7 thuộc thành phố Bến Tre đã được báo Người Cao
Tuổi và một số báo khác phản ánh từ đầu năm 2014”. (NguoiCaoTuoi online ngày 7-1-2014)
Mới vừa rồi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có đề cập ngoài một bầy sâu, bây giờ lại thêm cán bộ “2 Đ”=Đất và Đô. Ông Nguyễn Bá Thanh có thể được coi là Cán bộ Đất,
vụ đất đai thời ông Thanh theo Thanh tra chính phủ đã thất thoát 3.400
tỷ (BBC 5-3-2013) ngoài ra Đà Nẵng còn “giấu” 17.000 lô đất giải tỏa bỏ
hoang vô thừa nhận (NguoiLaoDong 10-4-2015). Dấu ấn xóa sổ xóm đạo Cồn
Dầu khiến ông Thanh phải trả quả (!)
“Ở Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh là ông vua con. Quyền Tổng lãnh sự Charles Bennett gọi ông này là ‘chủ nhân của đất và gió’…
Những nhà đầu tư nào không chịu nói chuyện trước với Nguyễn Bá Thanh
từ trước khi nộp đơn, đều nói rằng họ chẳng bao giờ được cấp giấy phép”.
(NguoiViet online ngày 3-10-2011)
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ đi công tác
về bỏ quên vali đầy “USD” là tiền “thu hụi chết”. Ông này mới xứng danh
điển hình Cán bộ Đôla mà ông Chủ tịch Sang vừa mới đề cập tới.
“Sau chuyến đi công tác miền Trung, tại sân bay Nội Bài, Phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Văn Lâm
đã bỏ quên cặp số màu đen, trong đó chứa nhiều phong bì đựng tiền USD.
Trong số các phong bì có cái ghi rõ tên một số UBND tỉnh, ban quản lý dự
án…Tổng cộng 10.300 USD và 20.000.000 đồng”. (VNExpress online ngày 12-4-2006)
Theo bảng xếp hạng các nước tham nhũng của tổ tổ chức PERC công bố ngày
17-11-2009 thì Việt Nam đứng hàng thứ ba…CSVN chẳng những tham nhũng
trong nước mà còn bỏ vòi bạch tuộc ra quốc tế, nổi cộm nhất là 2 vụ PCI
và JTC của Nhật, ngoài ra còn vụ nhận tiền lót tay của công ty
Securency, Úc. Vụ này CSVN coi như “chìm xuồng”.
“Tổ chức Tư vấn Rủi ro Chính trị Kinh tế (PERC), trụ sở tại Hong
Kong, đặt Việt Nam vào vị trí thứ ba trong danh sách các nước tham nhũng
nhất châu Á-Thái Bình Dương trong một phúc trình kinh tế mới ra…
Phúc trình của PERC viết: ‘Tham nhũng đã trở thành một tội danh mà
những kẻ tham nhũng sử dụng để tự vệ và chống lại cải cách. Chính cuộc
chiến chống tham nhũng nay lại bị đe dọa làm tham nhũng”. (BBC online ngày 8-3-2010)
Đại tá QĐND Phạm Quế Dương trong lần hội luận trong ngoài nước do
RFA điều hợp bình luận về lời phát biểu của ông Phó thủ tướng Trương
Vĩnh Trọng nói về tham nhũng, Đại tá Dương nói như sau:
“Tôi nói ‘thông cảm’ là ông Trương Vĩnh Trọng phải nói theo
nghị quyết của BCT, chứ còn bản thân các ông ấy làm sao mà chống tham
nhũng được? Bởi vì người dân ở trong nước bây giờ họ gọi đảng cộng sản
Việt Nam là đảng ‘cộng đớp-cộng mút’, tham nhũng từ ở trên tham nhũng xuống thì làm sao có thể xử lý được”. (RFA online ngày 13-10-2007)
29/05/2015