21/5/15

Pháp luật hay Pháp thuật?

 Pháp luật hay Pháp thuật?


Năm XL (Danlambao) - Luật pháp được đặt ra là để giữ gìn trật tự xã hội và áp dụng bình đẳng cho tất cả công dân. Tùy theo thể chế chính trị mà luật pháp thể hiện tính nhân văn hay tàn bạo. Vì không phải là luật gia nên phạm vi bài viết sẽ chỉ cố gắng nhìn theo góc độ khách quan nhất của một người dân về Bộ Luật Hình sự (BLHS) của chế độ XHCNVN hiện nay. Bộ luật này đang và sẽ sửa đổi, khép tội những công dân có tâm với đất nước một cách tùy tiện, vô luân; nhưng mặt khác lại khuyến khích và bảo hộ những hành động sai trái của thành phần phục vụ chế độ.
"Luật pháp bất vị thân" có nghĩa là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Biểu tượng cho tính công minh của luật pháp trong các xã hội Dân chủ thường là (nữ) thần Công lý bịt mắt, một tay cầm cân, tay kia cầm gươm/kiếm. Ngụ ý là trước Pháp luật không phân biệt cá nhân hay cảm tính (bịt mắt); cân nhắc, phân xử công bằng (cân) và phạt (gươm) những người phạm pháp. 
Đó là cách hiểu thông thường nhưng trong chế độ XHCN thì sẽ bất bình thường nếu hiểu theo nghĩa thông thường. Sở dĩ phải nói như vậy vì BLHS trên thực tế chỉ phục vụ và bảo vệ chế độ chớ không bảo vệ thường dân hoặc mang tính cách ổn định xã hội. Tòa án‚ nhân dân cũng chỉ là công cụ của chế độ để hợp thức hóa tội trạng cho giống như thông lệ quốc tế vì thực tế tội hay vô tội đã được định trước khi khai mở phiên tòa. 
Khi hệ thống XHCN Đông Âu chưa bị đào thải thì chế độ Cộng sản (CS) chẳng cần xét xử mà giam giữ tùy tiện theo ý họ, điển hình là những Quân Cán Chính Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị giam giữ vô thời hạn trong các trại tập trung cải tạo mà chẳng có bản án chính thức nào từ tòa án. Những chánh án, thẩm phán... đều là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) cho nên họ phải thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, của đảng; phục vụ và bảo vệ quyền lợi của đảng CSVN. Do đó người dân thường được đọc/nghe đoạn kết của vụ án những câu như "đúng người, đúng tội; có tính răn đe; ăn năn hối cải, nhận sai lầm vì nghe xúi giục của kẻ xấu và mong được sự khoan hồng của pháp luật; được toàn thể quần chúng đồng tình với bản án" mà không cần tính hợp lý hoặc chứng minh.
A. Đối với thường dân
Điều đầu tiên phải nói là nhà nước Cộng sản muốn thế giới tin là "chúng tôi dân chủ gấp vạn lần dân chủ phương Tây" nên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) không và chưa từng có, dù chỉ một nửa, tù nhân chính trị (!?). Tất cả những tiếng nói đấu tranh cho Dân chủ, Tự do và Nhân quyền hoặc chống xâm lược phương Bắc một cách ôn hòa, bất bạo động đều được chế độ hình sự hóa qua các điều 79, 88, 245, 258 (*)... trong BLHS. Đó là sự thâm độc và man trá của đảng CSVN, tô son trét phấn cho bộ mặt ghê tởm của chế độ nhằm đánh lừa thế giới.
Trở về quá khứ trước 30 tháng 04 năm 1975. Những kẻ đặt chất nổ cố sát thường dân vô tội của CS tại miền Nam khi bị bắt giữ đều được giam riêng với tù hình sự và được truy tố, phân xử công minh trước pháp luật theo quy chế tù binh và tù chính trị của quốc tế. Đúng theo lương tri của nhân loại phải khép họ vào tội khủng bố chống loài người thì họ lại được hưởng quy chế tù chính trị và đôi khi chẳng có chứng cớ đành phải tha bổng. Từ sự tức giận do ức chế đó mà tướng Nguyễn Ngọc Loan đã bắn chết tên cộng sản Nguyễn Văn Lém, hỗn danh Bảy Lốp trước ống kính của phóng viên, vì tên khủng bố man rợ này chém giết và chặt đầu phụ nữ và cả những trẻ thơ dù mới ba tuổi trong thời kỳ Tết Mậu Thân 1968. Nếu đưa ra tòa thì chúng cười nhởn nhơ cho tính nhân đạo của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và ngược lại, ngày nay những người đấu tranh ôn hòa, không làm hại một ai nhưng chỉ vì khác chính kiến mà chế độ CS bắt bớ giam cầm vô nhân đạo. Gia đình thân nhân của người theo CS lúc đó vẫn sinh hoạt bình thường và không có bất cứ sự kỳ thị nào trước pháp luật hay trong sinh hoạt thường ngày thì thời bình của nhà nước XHCN sẽ bị khép vào tội che dấu hoặc không tố cáo ‚tội phạm‘. Thời chiến mà chế độ VNCH đối xử với những kẻ đánh thuê cho Liên xô và Trung quốc, chỉ lăm lăm tiêu diệt mình dù có đốt cả dãy Trường sơn, một cách nhân đạo như vậy thì trong thời bình tại sao chế độ CS lại không được như VNCH chớ đừng nói vạn lần.
Điều 79: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Chính quyền nhân dân là chính quyền nào? Xã hội CS luôn tiếm danh "nhân dân" như Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Hội đồng nhân dân... nhưng tuyệt đối không có Ngân hàng nhân dân. Trong khi tư bản giãy chết và bóc lột như CHLB Đức lại có ngân hàng nhân dân (Volksbank). Thiên đường (duy tâm đối chọi với duy vật biện chứng) XHCN nhân dân được làm hết năng lực ép đảng phải hưởng dư nhu cầu để có sức phục vụ nhân dân! Nếu thực sự do nhân dân bầu ra thì nhân dân có quyền truất phế nó chứ chẳng cần phải lật đổ. Trong một chế độ Dân chủ không bao giờ có chuyện lật đổ được hiểu theo nghĩa đảo chánh hay bằng bạo lực mà chính quyền đó bị bất tín nhiệm và nhân dân có quyền truất phế nó gián tiếp qua hệ thống dân cử hoặc trực tiếp của cử tri. Lật đổ đã tự nói lên tính độc tài toàn trị của xã hội đó.
Vấn đề kế là giả sử cá nhân A hoặc B có những toan tính và đi vào hành động thì cũng chưa đủ để nói là "nhằm lật đổ chính quyền", nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Rất là ấu trĩ và khiên cưỡng khi khép tội này chỉ với vài con người tay không tấc sắt, đấu tranh bất bạo động mà "lật đổ" được bộ máy mấy triệu đảng viên với vũ khí hiện đại và hùng hậu trong tay? Đảng CSVN đả phá tư tưởng phong kiến nhưng lại "bảo hoàng hơn vua". Tại sao vậy? Vì điều 79 này chẳng khác gì thời quân chủ phong kiến, ai mặc áo màu vàng như Hai Bà Trưng đánh quân Hán hoặc mới mơ thành Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh là đã bị xử trảm và tru di tam tộc.
Điều 88: Tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN
Điều này càng minh chứng rõ hơn cho tính độc tài tàn bạo của CS. Như thế nào là chống nhà nước CHXHCNVN? Nhân chi sơ tính bổn thiện, do đó đa số con người chống những cái xấu để hoàn thiện xã hội chớ không toan tính xóa cái tốt để tôn vinh thói hư tật xấu, ngoài những chế độ độc tài gian ác. Nhà nước XHCN có gì xấu chăng để nhân dân phải chống? Khi có sự phê bình góp ý, nếu người nghe không thích cũng có thể cho là chống. Chống tham nhũng, chống ngoại xâm... cũng là chống, có gì sai không? Lịch sử thế giới và trong khoa học đã chứng minh không có gì là tuyệt đối. Đảng CSVN đã và nhiều lần phải sửa sai, đơn cử như trong Cải cách ruộng đất (CCRĐ) chẳng hạn. Vậy những tuyên truyền chống CCRĐ là sai hay đúng, mà CCRĐ là do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày nay là CHXHCNVN) thực hiện. Nếu xét theo tình, lý và theo BLHS này thì nhân dân sẽ phải xử tội đảng CSVN và tên nước mắt cá sấu tội tuyên truyền chống dân tộc Việt Nam.
Tại sao là tội phỉ báng chính quyền nhân dân? Ngay những bậc như Đức Phật hay Chúa Giê Su, Thánh Ala... vẫn có người phỉ báng đó thôi. Dù sự phỉ báng đó đúng/sai tùy khía cạnh nhưng không thể tùy tiện bắt giam người phỉ báng đó. Người đại diện cho nhà nước XHCNVN làm sai trái nhưng quần chúng không được bất tín nhiệm cá nhân hoặc tập thể đó, cũng không được "tín nhiệm thấp" thì chỉ còn cách phỉ báng thôi. Đến phỉ báng mà cũng không được thì tương lai cũng sẽ bị khép vào điều 79, đó là tính logic của con người.
Tàng trữ, lưu hành cũng chưa thể cho là tội vì khi viết bài hoặc muốn chứng minh một vấn đề nào đó thì người viết/nói phải có những dữ liệu để tham khảo hoặc chứng minh. Thí dụ tôi lưu giữ tài liệu về thời Đức quốc xã không có nghĩa là tôi yêu Hitler. Nghiêm trọng hay không là do sự suy diễn.
Điều 245: Tội gây rối trật tự công cộng (TTCC)
Đây là tội từ trên trời rơi xuống vì nó có thể kết tội bất cứ ai. Chẳng hạn đám ma/cưới vẫn có thể bị khép tội khi đảng muốn vì bạn bè thân nhân đến chia buồn/vui hoặc hàng xóm láng giềng tụ tập để thỏa mãn tính tò mò. Có những lúc cảnh sát giao thông chặn xe quá tải trên quốc lộ để phạt thì các tài xế thông báo cho nhau và họ đậu xe cả vài cây số để chờ hết phạt mới chạy tiếp. Cảnh sát không thể chạy xuống tận đoàn xe để phạt vì thuộc địa phương khác quản lý mà địa phương đó cũng chẳng phạt đoàn xe đang đậu trên quốc lộ vào tội gây rối TTCC. Nhưng họ sẽ phạt một người chẳng gây trở ngại giao thông hoặc đình trệ hoạt động cộng cộng vào tội này chỉ vì khác chính kiến, vi phạm HP2013, chương II, điều 16, mục 2 (Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội).
Trường hợp mới nhất là công an Hà nội đã bắt tạm giam anh Nguyễn Viết Dũng theo điều 245 này nhưng lại vi phạm nghiêm trọng HP2013, điều 20, mục 2 (Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.)
Nếu Luật pháp thực sự nghiêm minh thì buổi diễn binh 30 tháng 04 năm 2015 vừa rồi, đảng CSVN phải bị phạt tù từ hai đến bảy năm. Chiếu theo điều 245, mục số 2, khoản a, b, c và e thì buổi lễ này là có tổ chức, có trang bị vũ khí, đã gây cản trở giao thông nghiêm trọng (cấm đường) và gây đình trệ hoạt động công cộng (khu đường cấm tạm thời ngưng sinh hoạt mấy ngày) và tái phạm nguy hiểm (tổ chức gần như mỗi năm). Nếu không xử đảng CSVN ít nhất là hai năm tù giam thì nhà nước CHXHCNVN cũng xin mời giải tán vì luật không phân biệt đối tượng, hoặc trong BLHS phải ghi rõ trong phần mở đầu là đảng CSVN được đặt ra ngoài vòng pháp luật, ngồi trên đầu dân tộc, có quyền làm bất cứ điều gì đảng muốn.
Điều 258: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
Công dân của nước CHXHCNVN chiếu theo HP2013 thì được khá nhiều quyền nhưng đó là trên lý thuyết mà chính đảng CSVN còn ngồi lên HP thì đủ hiểu người dân làm gì được hưởng những quyền sơ đẳng như tự do ngôn luận (HP - điều 25), tự do cư trú (HP - điều 23). Tự do cư trú gì mà muốn xin hộ khẩu ở Thành phố thì đúng là trần ai khoai củ. Tự do ngôn luận mà nói khác ý đảng là bị bắt giam. Quyền tự do tối thiểu đã không được nhà nước tôn trọng thì người dân lấy gì để lợi dụng? Phải nói là nhà nước XHCN đã lợi dụng quyền thế, chức vụ xâm phạm quyền, lợi ích hợp hiến của tổ chức, công dân thì chính xác hơn.
Thí dụ mới nhất cho thói lật lọng và tùy tiện của BLHS là ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi bị truy tố theo điều 258 vì đã tố cáo hành vi tham nhũng của một số quan chức, may là chưa bị khép thêm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước (điều 263 BLHS). Tại sao cũng là luật mà vụ Lấp sông Đồng Nai phía nào cũng đúng?
B. Đối với đảng viên CSVN
Để guồng máy vận hành bảo vệ chế độ một cách hữu hiệu nhất, đảng CSVN đã tạo điều kiện và trấn an đảng viên cứ việc tham nhũng, miễn sao đừng để dư luận chú ý. Đây là bổng lộc, sân sau cho cán bộ an tâm thu vét tùy theo khả năng và vị trí công tác. Rút kinh nghiệm của những lãnh đạo CS đi trước (hết thời thì phe nhóm của họ cũng bị thất sủng) nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (NTD) ban phát và bao che tham nhũng cho thuộc cấp nhằm bảo vệ phe nhóm và quyền hành của NTD, đến độ Tổng bí thư cũng chỉ mếu máo nói là đồng chí X chớ không dám nêu đích danh. Bản chất của CS là dối trá, nói và làm đa phần theo tỷ lệ nghịch, do đó khi nghe NTD nói chống tham nhũng thì chính ông ta là người đứng đầu tham nhũng nhưng nếu thay thế NTD thì với bản chất không thể sửa đổi của CS thì tham nhũng vẫn luôn là vấn nạn cho người dân và đất nước. Với đồng lương ít ỏi không đủ sống mà cán bộ nào cũng hăng hái hết lòng "phục vụ" nhân dân thì chắc họ là thần thánh, sống nhờ hương khói của bá tánh? Túi người dân ngày càng teo tóp, túi cán bộ ngày càng nhiều và phình to hơn, do đâu?
Tội tử hình chỉ áp dụng cho thường dân, riêng đảng viên CSVN chưa một ai bị xử tử vì tham nhũng. Đảng viên quá trong sạch hoặc chỉ "chuyên" phạm sai lầm nhỏ? Chắc chắn là giành cho các cháu U10 mới tin vào điều này. BLHS sẽ sửa đổi bỏ tội tử hình vì nhận hối lộ đủ nói lên điều gì.
Khi đảng viên phạm tội bị tố cáo thì thường là rút kinh nghiệm và xử lý nội bộ, cắt thi đua hoặc thuyên chuyển công tác. Một công dân chặt vài cây trồng ở lề đường bị phát hiện sẽ bị phạt tiền đến giam giữ nhưng nhà chức trách Hà Nội chặt phá hàng loạt cây xanh thì bình chân như vại đến thăng quan tiến chức. Công dân trộm cắp một con gà sẽ bị tội nhưng cả đàn gà, dê trong chương trình "nông thôn mới" bị cán bộ thâu tóm làm của riêng vẫn không bị truy tố vì nó... tự định hướng đi lạc vào nhà cán bộ. Cùng một sự việc nhưng rõ ràng là luật được áp dụng cho người này nhưng không được áp dụng cho người khác, điều này có nghĩa là "Trong chế độ XHCN, mọi người được bình đẳng trước pháp luật nhưng cán bộ được bình đẳng hơn thường dân".
Tình trạng người dân vào đồn công an bỗng dưng chết ngày càng tăng cứ như chuyện hài nhiều tập. Công dân XHCNVN làm như đồn công an là nhà mai táng hay lò mổ nên cứ muốn chết hoặc biết là sẽ chết mà không đủ/có khả năng mua đất chôn thì chạy đến đồn công an? Đến khi bị lật tẩy một vài vụ công an đánh chết dân do thói quen nghề nghiệp mà dư luận làm ảnh hưởng không tốt cho đảng thì tòa án "nhân dân" khi xử thường viện vào "nhân thân tốt" (tức đảng viên hoặc có công với đảng chớ không đơn thuần là người đạo đức), "chưa có tiền án tiền sự"‚ "khắc phục hậu quả" để cho hưởng án treo, lỡ có tù giam vài năm thì cũng như nghỉ mát hạng sang (đầy đủ tiện nghi như khách sạn năm sao). Có công an còn nêu lý do để giảm án là phải nuôi "bà mẹ VN anh hùng". Thực là phi lý đến đáng khinh bỉ vì nếu có mẹ là VN "anh hùng" sao con không biết giữ khí tiết, liêm sĩ? Hơn nữa ai làm người đó chịu và nhà nước không nuôi nổi bà mẹ VN anh hùng sao?
Một tình tiết của tòa án khi xử cán bộ đảng viên là "khắc phục hậu quả". Chúng ta ai cũng biết là tham nhũng không bao giờ có hóa đơn chứng từ, do đó khi sự việc nổi cộm mà đảng phải đem ra xét xử để xoa dịu dư luận thì đương nhiên bị cáo khai ít hơn rất nhiều so với số tiền tài hoặc vật chất mà đương sự đã chiếm đoạt. BLHS đang nghiên cứu để sửa đổi là nộp lại 50% số tiền tham nhũng sẽ miễn tội tử hình (mặc dù chưa bao giờ có) hoặc giảm án. Đây rõ ràng là để bảo vệ và khuyến khích cán bộ phạm tội. Thí dụ cán bộ A ăn hối lộ 1 tỷ nhưng khai là 500 triệu. Để khắc phục hậu quả, A "tình nguyện" nộp 50% của 500 triệu, tức là 250 triệu. Như vậy A bỏ túi 750 triệu và tỏ ra "ăn năn hối lỗi" để "hạ cánh an toàn". Đó mới là nói thôi chớ chưa thực hiện vì những gì tòa xử trong vụ án Vinashin và Vinalines thì đến ngày hôm nay chưa một bị cáo nào nộp dù chỉ một xu để khắc phục hậu quả mà tài sản nổi chính thức của cá nhân và gia đình họ cũng vẫn không bị tịch thu.
C. Kết luận
Đa số người dân Việt Nam chúng ta không còn xa lạ gì chế độ CS và nói luật của CS là luật rừng. Điều đó đúng 100% nhưng chúng ta phải nói nó rừng rú và áp dụng tùy tiện ở chỗ nào. Người viết là dân lao động phổ thông nhưng phải mạo muội và xin phép các vị Luật sư và Trí thức để nói về BLHS của chế độ phi nhân CS. Chúng không chỉ trả thù người khác chính kiến một cách hèn hạ, nhỏ mọn và tàn ác nhất mà còn bẩn thỉu và tiểu nhân khi triệt hạ cuộc sống của con người sau khi mãn hạn tù qua hình thức quản chế. Khi chúng không thể khép tội những người đấu tranh cho Nhân quyền thì lại đội lốt côn đồ đánh đập dã man và hèn hạ những con yêu của mẹ Việt Nam. Không những cuộc sống của cá nhân đấu tranh bất bạo động đó bị đảng CS triệt hạ bằng BLHS mà nó còn bắt những người thân bị liên đới thì ngay những chế độ thực dân, quốc xã cũng chào thua CS về sự độc ác và tàn bạo.
Chúng ta phải lên tiếng và hành động cho một Việt Nam Tự Do Dân Chủ, dù thế giới có quan tâm ủng hộ hay không. Lương tâm, bổn phận và trách nhiệm đang thôi thúc chúng ta. Muốn một đất nước Dân chủ - Tự do - Nhân quyền, tự chúng ta biết phải làm gì.
21.05.2015
______________________________________
Ghi chú:
(*)
Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân 
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: 
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; 
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: 
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; 
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; 
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng 
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; 
b) Có tổ chức; 
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; 
d) Xúi giục người khác gây rối; 
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; 
e) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân 
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.