Trần Văn Tích
Trong
một bài viết trước đây, tôi từng trình bày nhận thức rằng những nhân
vật tự coi hay được xem là đối kháng từ trong nước ra nước ngoài chỉ có
thể chọn môi trường hoạt động là tập thể người Việt tỵ nạn. Tôi không
bàn đến thái độ của quí vị đến từ phía bên kia. Tôi chờ đợi để quan sát
cách hành xử của họ rồi mới tự rút ra kết luận dành cho bản thân.
Đa
số mang mặc cảm tự tôn, có lẽ vì tưởng rằng mình đã thắng trận thật
(!?); cho nên họ dễ có thái độ kẻ cả, họ thích làm thầy đời, đôi khi họ
còn ngạo mạn. Ông Cù Huy Hà Vũ bảo rằng Miền Bắc không hề xâm lăng Miền
Nam, nghĩa là Ông lập luận y hệt những lời nhai lại của lũ quản giáo
trong các trại tù cộng sản! Ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải chủ trương dạy
dỗ người tỵ nạn làm báo! Bà Tạ Phong Tần hăm dọa kiện Việt cộng ra các
toà quốc tế một cách hoành tráng! Tóm lại, hoặc họ nói sai, hoặc họ nói
dóc.
Ngày
Quốc Hận năm nay, chỉ cách đây mấy hôm và nhân dịp biểu tình hội thảo ở
Frankfurt, tôi có dịp tiếp xúc với một số người xuất thân từ lò đào tạo
xã hội chủ nghĩa. Tôi ghi nhận từ những người này một thái độ khác hẳn
mà nhìn chung, tôi chủ quan mô tả là khiêm cung, cởi mở và thân ái.
*
Chị
là nhà văn. Chị sinh ra và lớn lên tại Miền Bắc xã hội chủ nghĩa nhưng
lại mang họ theo kiểu sử dụng từ ngữ kỵ húy của Miền Nam. Chị từng dứt
khoát kết tội Hồ Chí Minh để rồi bị một gã bồi bút đánh trả một cách đần
độn. Không biết do nguyên nhân nào mà Chị có dịp sang Berlin sinh sống.
Berlin vốn là thủ đô cũ của phần nước Đức cộng sản, Berlin hiện có trụ
sở của Đại sứ quán Việt cộng, Berlin đang là tụ điểm của phe bên kia,
Berlin là nơi có chợ Đồng Xuân. Dẫu vậy, ngay trong lòng Berlin đó, Chị
vẫn kiên cường chống đối xã hội chủ nghĩa. Chị đi tới đi lui Hà Nội. Chị
ghé Ba Lan. Đồng thời Chị rút tên khỏi Hội Nhà Văn, cơ quan tay sai của
hệ thống tuyên truyền tuyên huấn. Rồi cách đây vài tháng, Chị chọn lựa
dứt khoát và cuối cùng khi Chị làm thủ tục xin tỵ nạn tại Cộng hoà Liên
bang Đức và được chấp thuận. Thế là một sớm một chiều Chị gia nhập tập
thể mà ngày nào Chị từng mô tả như sau : "Người Việt Nam mình có cái
hay là dù ở nước ngoài, dù có no ấm đầy đủ ở những quốc gia đảm bảo
nhân quyền, đầy đủ tự do nhưng họ không quên nước mình. Họ không quên.
Họ vẫn ngày đêm trăn trở và họ gắng làm gì đó cho đất nước. Và đó là
điều rất tuyệt vời.“1
Tâm tình ngắn ngủi và đứt đoạn với Chị tại Hội trường Bad Homburg trước
và sau khi hội thảo đấu tranh chính trị, tôi đề cập ngắn gọn đến câu
chuyện thời sự Vũng Áng mà chúng tôi cùng không quên, cùng không thể nào
quên.
*
Tôi
gặp Anh cũng vào một dịp sinh hoạt đấu tranh chính trị. Anh cho biết
hiện ở Leipzig, một thành phố thuộc lãnh thổ miền Bắc Đông Đức cũ. Theo
Anh kể thì Anh có bằng tốt nghiệp kỹ sư (Diplomingenieur) do
nền giáo dục Cộng hoà Dân chủ Đức cấp phát. Cảm tưởng đầu tiên tôi có
đối với Anh là Anh rất lãng mạn. Anh toàn nghĩ đến những chuyện trời ơi.
Anh say mê theo những hình ảnh tốt đẹp nhưng xa vời, ly khai với thực
tế. Không làm thơ nhưng Anh nhiều mộng tưởng. Tuy nhiên đó là nhân tính
cá biệt của từng con người nên tôi rất tôn trọng. Anh nguyên là “du
sinh“ nhưng sau khi bức tường Berlin bị đạp đổ thì Anh tìm cách ở lại và
dần dà Anh chuyển hướng sang chống đối chủ nghĩa xã hội. Nghe Anh và
nhìn Anh, tôi thấy Anh dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Tôi xem trường hợp Anh là một cas
biến chuyển tâm-sinh lý rất hợp lẽ tự nhiên. Tôi tự nhủ phải cùng Anh
hợp đồng tác chiến (!). Gặp may mắn là Anh rất ham đọc nên tôi chuyển
cho Anh bài tôi viết về Nguyễn Mạnh Tường, về trí tuệ của trí thức v.v..2
Trao đổi điện thư với tôi sau khi đọc các bài vừa kể, Anh gây cho tôi
cảm tưởng dường như Anh bị sốc. Anh không ngờ cái chế độ từng đào tạo
nên một nhà khoa học như Anh lại có thể phản khoa học đến thế. (Tôi nhắc
đến học thuyết “thần kinh cao cấp“ láo lếu trong y khoa đã nhào nặn nên
ông Viện sĩ Khoa học Nguyễn Thiện Thành thần thánh và vĩ đại, thân phụ
của Ông Nguyễn Thiện Nhân, một yếu nhân trong chính quyền trung ương
Việt cộng hiện tại; tôi trình bày chi tiết về học thuyết
Mitchourine-Lyssenko đã từng khiến khoa sinh học và nền nông nghiệp Liên
Xô cũ lụn bại ngắc ngoải v.v..). Đọc tôi rồi, Anh bảo sẽ hỏi lại một bà
chị họ tốt ngiệp Tiến sĩ Khoa học xã hội chủ nghĩa, để kiểm chứng xem
kẻ hôm nay viết những dòng này nói đúng hay sai!
*
Có
người ở phía bên kia nhưng không thuộc thành phần có học vị, có chức
tước. Anh chỉ là “lao nô“ thuộc di sản do chế độ cộng sản Việt ngày nay
và Đức ngày xưa để lại. Chữ “lao nô“ chính Anh dùng để tự mô tả khi nói
chuyện với tôi, không mặc cảm, không tự ti. Đặc biệt, Anh vẫn còn giữ
“hộ chiếu“ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Anh có gia đình và
vợ con hiện sống ở Đức, dường như theo qui chế tạm dung (Duldung). Tôi
thắc mắc còn mang hộ chiếu bên kia mà Anh lại cùng chúng tôi biểu tình
tuần hành rồi hội thảo đấu tranh thì Anh không ngại, không sợ hay sao.
Anh thản nhiên bảo đã bảy mươi rồi còn sợ chi nữa. Ở Anh toát lên bản
chất khiêm nhường nhũn nhặn, không ba hoa khoe mẽ. Anh mưu sinh một cách
tự lập, Anh hoàn toàn không làm gì bất hợp pháp nhưng có vẻ như Anh
cũng không triệt để gia nhập hệ thống an sinh xã hội. Ở Đức, những đồng
hương ở vào hoàn cảnh của Anh rất đông, nhưng rất đáng tiếc là cũng khá
đông người không có ý thức triệt để tôn trọng luật pháp quốc gia sở tại.
Hỏi Anh dùng phương tiện gì để di chuyển từ Berlin đến Frankfurt –
khoảng cách cả ngàn cây số – Anh cho biết đi nhờ xe hơi bà con phe mình.
Anh thầm lặng tham gia từ đầu đến cuối, từ tập họp biểu tình trước toà
nhà Villa Hanoi3
ngay trung tâm thành phố Frankfurt cho đến hội luận chống cộng tại Bad
Homburg ở khu vực ngoại ô thủ đô tài chánh Liên Âu. Tôi thua Anh vì tôi
rời hội trường để về khách sạn trước Anh.
*
Những
con người tôi vừa giới thiệu đã chủ động và tự lực tìm tới với phe
mình. Đoạn đường họ đã trải qua tuy chông gai gian khổ nhưng lại có vẻ
thênh thang rộng rãi. Họ không được – hay bị ? – một thế lực đen tối nào
lợi dụng mang xách ra nước ngoài nhân danh những gì gì là nhân quyền,
tự do, dân chủ trong khi cũng chính cái thế lực đó đã chà đạp nhân
quyền, đã phản bội tự do, đã bán đứng dân chủ theo đường lối chính trị
của lũ con buôn. Đằng sau lưng họ không thấy hình bóng những chính trị
gia cơ hội chủ nghĩa, dẫn đường cho họ không có những nhà ngoại giao lạm
dụng từ ngữ.
Ngoạn
mục hơn nữa, các anh chị em bình thản và thung dung chấp nhận cùng
chúng tôi đứng dưới một lá cờ. Tôi muốn nói rõ hơn : đứng dưới quốc kỳ
Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ. Các anh chị em quá nhân hậu nhưng
tôi thì phải bảo là các anh chị em đã góp phần vả vào mồm những thành
phần vốn do chế độ quốc gia đào tạo nhưng nay cứ lải nhải phải dẹp cờ
vàng thì mới thu phục được thêm nhân tâm! Không rõ các anh chị em đã
thuộc lòng bài Tiếng gọi công dân chưa nhưng điều đó cũng chẳng
có gì là quan trọng khi khí thế bừng bừng trong hội trường vào lúc cử
quốc ca thừa sức tiếp lời ca, thay tiếng hát cho các anh chị em. Lúc
chúng tôi cùng hát bài Deutschlandlied thì đâu có ai đảm bảo là
mọi người chúng tôi đều cùng thuộc nằm lòng quốc ca nước bạn đã cho các
anh chị em một chỗ trú thân an toàn bên cạnh chúng tôi!
Và
hay hơn nữa là những đồng hương đối tượng của bài viết hôm nay đã thực
hiện lời hô hào hoà hợp hoà giải mà không gây nên một triệu chứng dị ứng
nhỏ nhoi nào hết. Khi chân lý dẫn đường, khi lương tri chỉ lối thì
người người tự dưng có nhu cầu tìm đến với nhau trong những vòng tay
dang rộng. Chúng tôi gặp gỡ nhau và sinh hoạt cạnh nhau gần như theo
phản xạ tự nhiên, giống y như vì bản năng sinh tồn. Sống trên đất Đức,
chúng tôi xử sự như người Đức đã xử sự : Đông Đức cộng sản kết hợp hài
hoà với Tây Đức tư bản. Không có một cái nghị quyết nào làm nổi việc
này.
Để chấm dứt và cũng để kết luận, tôi xin hết lòng cám ơn những người bên phe kia đã tìm đến với những người bên phe này. Đồng
thời, tôi cũng mong rằng những ai tuy mang tiếng là cùng thuộc phe bên
này nhưng vì bất cứ lý do nào đã có những cung cách suy nghĩ gây chia
rẽ, đã có những lề lối chủ trương tạo phân ly, đã có những hình thức
hoạt động chia bè phái; tôi mong rằng những thành phần thuộc cộng đồng
người Việt tỵ nạn cộng sản tại Cộng hoà Liên bang Đức vừa được liệt kê
sẽ tự giác chấm dứt vô điều kiện và ngay lập tức những lời lẽ, những suy
tư, những việc làm phá hoại khối đoàn kết của tập thể đồng hương tỵ nạn
cộng sản.
Viết nhân ngày Quốc Hận 2016.
03.05.2016
1Trích từ một bài phỏng vấn do một nữ phóng viên đồng hương phụ trách.
2Tôi đã chuyển cho Anh đọc a) bài Ông Việt cộng Nguyễn Mạnh Tường với
hai nội dung chính : nội dung một, kết án Ông Nguyễn Mạnh Tường cổ xúy
chiến tranh xâm lược Miền Nam và nội dung hai, vạch trần những thủ đoạn
bịp bợm của cộng sản toàn cầu trong khoa học; b) bài Trí tuệ của trí thức nhắc
đến hàng loạt trí thức thoạt đầu thiên tả hay thân cộng, theo cộng
nhưng rồi từ bỏ không thương tiếc chủ nghĩa xã hội/chủ nghĩa cộng sản
như André Gide, George Orwell, Vladimir Vladimirovitsh Maiakowski, Roger
Vailland, Roger Garaudy, André Breton, Marguerite Duras, Arthur
Koestler, Gy'rgy Lukács, André Malraux, Henri Miller, Cesare Pavese,
Charles Péguy, Theodor Plievier, Francis Ponge, John Steinbeck, Vercors.
3Trụ
sở của Tổng Lãnh sự quán Việt cộng tại Frankfurt được chúng gọi là
Villa Hanoi và khắc tên gọi này lên bức tường trước Tổng Lãnh sự quán.