19/5/16

Tản mạn về cuộc biểu tình ngày 15 tháng 5 qua sự kiện "Cá chết"

Photo: Facebook Đa Mi
Hạt sương khuya (Danlambao) - Cuộc biểu tình ngày 15 tháng 5 năm 2016 đã kết thúc. Nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng với nhiều cảm xúc khác nhau. Kẻ khen, người trách, người lẳng lặng với những suy tư trầm mặc.
Trong nhiều năm qua, mỗi khi có những cuộc biểu tình mang tính thời sự, Bản thân tôi cũng cùng đồng bào hải ngoại xuống đường để hỗ trợ tinh thần cho đồng bào quốc nội. Những thành quả đạt được chẳng phải to tát gì, bởi nó chỉ mang tính yểm trợ, vả lại biểu tình tại hải ngoại này quá an toàn, chả bị ai đánh đập, chả ai bị sỉ nhục, mà còn được tiếng khen. Cùng lắm thì bị hiểu lầm, vớ vẩn… không đáng kể.
Trở lại cuộc biểu tình tại Việt Nam. Sau ba cuộc biểu tình ngày 1-8-15 tháng 5 về vụ cá chết dọc theo biển miền Trung và đang lan dần đến mọi sông hồ. Tin mới nhất: "Sài Gòn cá chết trên kênh Nhiêu Lộc, với trên 14 tấn cá chết vớt được ngày 16/5 và cá chết vẫn tiếp tục xảy ra". Trong ba cuộc biểu tình, nhìn chung hầu như "đa số" cho rằng cuộc biểu tình thứ ba vào ngày 15 tháng 5 khí thế có vẻ "yếu đi", có rất nhiều những tâm trạng khác nhau, riêng trong số bạn bè tại hải ngoại, vẫn còn một số rất ít bày tỏ thái độ "thất vọng" nhưng giữ im lặng vì biết mình không thể đóng góp trực tiếp tại quê nhà. Nhìn chung cũng là một điểm son.
So với những năm trước, thường là tôi khóc và đi tản bộ ra ngoài sau một đêm thức trắng, không ngủ. Nhưng năm nay tôi rất bình tĩnh, chẳng phải do yếu tố của thời gian khiến lòng mình chai đá, mà vì tôi đã nhận thức ra được sức mạnh của sự bình tĩnh trước mọi vấn nạn. Sau một ngày dành thời gian để chia sẻ cùng bạn bè về nỗi đau chung, tôi đi tìm tất cả mọi thông tin về cuộc biểu tình ngày 15 tháng 5, gom nhặt những suy nghĩ và cảm xúc từ bạn bè, để mong tìm được sự đồng cảm chung giữa những người Việt đang có cùng nỗi trăn trở về sự tồn vong của đất nước.
Đứng ở khía cạnh khách quan của một người nhìn từ xa, đa số chỉ đánh giá sự kiện thành công hay thất bại đều qua con số người tham dự cuộc biểu tình, nhất là một sự kiện không còn nằm giữa lằn ranh Quốc/Cộng, mà đây là sự kiện có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của chính bản thân mỗi người. Cuộc biểu tình trong hai ngày 1 và 8 tháng 5, con số nằm ở hàng ngàn người tham dự, sau đó là cuộc biểu tình thứ ba xảy ra trong ngày 15 tháng 5, ngoài hàng ngàn giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã theo chân các vị chủ chăn xuống đường tuần hành phản đối nạn ô nhiễm biển, những nơi khác chỉ còn là con số hàng trăm tại Sài Gòn và Hà Nội... những thành phố mang tầm vóc ảnh hưởng lớn so với các tỉnh thành khác.
Đối với những người Việt lưu vong từ những ngày đầu mất nước, họ không bị ảnh hưởng những tháng ngày sống trong lo sợ, chưa trải qua cảnh nghèo đói trong thời bao cấp, chưa từng sống những tháng năm tù tội, "đa số" sẽ có một cái nhìn khác so với những người đã từng kiêm qua giai đoạn khủng hoảng này. Một cơ hội đã mở ra cho những người Việt lưu vong để có thể sống an cư lập nghiệp, điều quan trọng là được hội nhập vào sự phát triển của nền văn minh hiện đại. Từ đó mới có những cuộc đấu tranh vận động cho Dân chủ-Nhân quyền, bên cạnh đó là sự "đòi hỏi" tham gia, nhập cuộc của đồng bào trong quốc nội, có cùng hợp tác thì mới mong đi đến một cuộc cách mạng, mở ra một lối thoát mới cho dân tộc để cùng sánh với năm châu. 
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Sự chờ đợi cũng mòn mỏi theo từng khả năng và ý chí của mỗi người.
Nói về người trong nước, sau khi thoát khỏi cuộc chiến tranh Nam-Bắc, dù phải đói khổ trong hòa bình giả tạo, người ta vẫn nghĩ "thà sống khổ còn hơn chết". Vì thế "họ" đành chấp nhận sống trong sự cai trị của cường quyền. Họ như những con ếch bị nhốt dưới tận cùng đáy giếng, không thoát ra được khỏi bầu trời trong xanh đang tỏa sáng trên mặt đất này. Ý thức về nhân phẩm ngày một mất dần bởi chính sách thi đua thành tích để được sinh tồn. Những ai may mắn thoát được thì lại sợ bị trả về nơi chốn địa ngục tối tăm ấy.
Ngẫm lại sau 41 năm dân mình đã quen chịu đựng, cái họ cần chỉ là miếng cơm, manh áo.
Vậy thì sự kiện cá chết có ảnh hưởng đến chén cơm manh áo của người dân không?
Câu trả lời là CÓ.

Vậy thì nguyên nhân nào khiến mọi người chưa thể nhập cuộc?

Tại sao sự kiện đụng đến đời sống thiết thực của con người, mà dân chúng vẫn "thờ ơ"?
Ông bà mình có câu "Nước chưa tới chân thì chưa nhảy". Mới có cá chết thôi mà, còn heo, bò, gà, chó, mèo, rắn, chuột v.v... nữa chi. Xin đừng vội hiểu lầm cho rằng tôi trách hờn hay làm nhụt khí mọi người, vì cá nhân tôi không nhìn cuộc biểu tình trong ngày 15 tháng 5 theo chiều hướng tiêu cực. Mà tôi cho rằng có sự khôn ngoan hơn trong cách hành xử cuộc biểu tình vừa qua
Trong ba bài viết được đăng trên trang nhà Dân Làm Báo.
Theo tôi cả ba bài đều có những cách riêng nhưng tựu chung vẫn là muốn góp ý mang tính xây dựng, cần được tôn trọng. Trong bối cảnh hiện nay, thật khó đưa ra bất kỳ phương án nào để cho rằng đúng nhất hoặc hay nhất. Vì thế cần được sự chia sẻ góp ý thêm từ nhiều cá nhân khác nhau, còn lại là sự quyết định của mỗi nhóm trong mỗi kế hoạch được sự đồng thuận từ số đông theo chiều hướng, cùng bàn, cùng quyết định, cùng hành động và cùng chịu trách nhiệm.
Và sự quyết định này sẽ do người trong nước làm chủ, vì chính họ là những nhân tố phải đối diện giữa sống và chết, họ am hiểu tình hình quốc nội để biết những gì cần làm và nên làm. Chúng ta, những người Việt lưu vong, điều mà chúng ta nên giúp họ là hỗ trợ về tinh thần, hoặc đưa những thông tin quan trọng, cần thiết mà người dân trong nước bị nhà cầm quyền bưng bít, như sự kiện về Formosa vừa xảy ra.
Xin đừng đánh giá hoặc chê bai, vì chính họ khi đem mạng sống của mình đi vào chốn dầu sôi lửa bỏng, họ cũng đâu trang bị điều gì cho bản thân ngoài tấm lòng yêu Tổ Quốc. Có gì quý hơn mạng sống con người, để chúng ta phải nghi ngờ hay oán trách?
Riêng cá nhân tôi xin được bổ túc thêm một suy nghĩ của riêng mình. Điều này đã được chia sẻ qua bài viết "Chút tâm tình gửi về quê hương" vừa đăng trên trang nhà Dân Làm Báo trong mấy ngày qua, nhưng không đi vào chi tiết hành động cụ thể.
Như chúng ta đều biết... có rất nhiều bài viết phân tích, đưa ra kế hoạch mang tính cách chiến lược có, đề nghị có, góp ý có. Nhưng điều chúng ta thiếu vẫn là đi vào hành động thiết thực. Tôi suy nghĩ rất nhiều về bối cảnh hiện tại cũng như về bản chất bị "tha hóa" lâu ngày do chính sách tiêu diệt dân khí, làm tê liệt sức đề kháng của dân tộc.
Vì thế khi xảy ra sự kiện cá chết, ai cũng hoang mang, cũng lo lắng, nhưng "bản chất" người Việt đa số rất hời hợt, chỉ cần trong vài ngày không thấy gì "nguy hiểm" thì lại quên mất, vì cho rằng sự việc không đáng ngại.
Theo tôi nguyên nhân chính là thiếu "hiểu biết" về chất phóng xạ và vũ khí sinh học sẽ để lại di hại rất lớn trong đời sống con người. Đa số cho đến nay, mọi người chỉ đánh giá sự kiện cá chết do chất thải từ nhà máy Formosa, vậy chỉ cần hủy bỏ nhà máy này thì mọi việc sẽ được ổn định trở lại?.
Đây là lối suy nghĩ rất tai hại, kéo dài thời gian tạo điều kiện cho cường quyền tìm cách giải quyết vấn đề qua sức mạnh truyền thông mà chúng đang nắm trong tay. Bất quá chúng chỉ thí vài con tốt chịu trách nhiệm trong vấn đề này để an lòng dân, sau đó sự việc lại đâu vào đấy vì Vũng Áng là "khu tự trị" thuộc về Trung cộng kiểm soát, không một người dân VN nào có thể đặt chân vào. Nơi ấy xảy ra điều gì ai biết, ai hay?
Tôi không đặt nặng vấn đề biểu tình đông người hay ít người tham dự, vấn đề là không nên bỏ hẳn mà phải nuôi dưỡng để tạo thói quen cho những người còn đang sợ hãi chưa dám nhập cuộc. Một chiến thuật mềm, nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn tạo sự bất ổn trong xã hội, buộc cường quyền phải nhường bước nếu còn muốn hưởng lợi tức từ dân. Chiến lược bất tuân dân sự "không nộp thuế" là một ý kiến rất hay của tác giả Đinh Chỉ Thiên mà tôi rất ưng ý. Tất cả những then chốt trên đều phải đi vào HÀNH ĐỘNG.
Điều quan trọng phải biết đâu là DIỆN và đâu là ĐIỂM để tìm phương án đấu tranh thích hợp nhất trước sự kiện Formosa.
Điều trước tiên chúng ta cần làm là bên cạnh song song với các cuộc biểu tình phải nói cho người dân biết về tác hại của vũ khí sinh học mà Trung cộng đang cố tình thải ra để tiêu diệt người dân Việt. Bài viết của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết "Những nghi vấn chung quanh vụ cá chết ở Vũng Áng" là một tiếng chuông báo động đỏ để thức tỉnh lòng người. Hãy bắt đầu từ chính người thân trong gia đình, và từ đó lan rộng đến bạn bè, một khi người dân hiểu đến sự tác hại về vũ khí sinh học sẽ phá hủy hệ sinh thái trong nhiều năm, tác hại đến môi trường sống, đem đến cho con người những căn bệnh ung thư, chết dần chết mòn trong bệnh hoạn. Từ nhận thức đó họ sẽ vì cuộc sống của chính họ mà tham gia xuống đường cùng với mọi người để đòi hỏi một cuộc sống an lành cho bản thân và con cháu mai sau.
Một điều rất quan trọng mà tôi mong mọi người sẽ đưa thông điệp này đến với người dân, những con người khốn cùng nhất của đất nước. NƯỚC là nguồn sống không chỉ cho con người, mà còn là nguồn sống của mọi hệ sinh thái, đất không có nước thì cây không mọc, nước nhiễm độc thì mọi thứ sinh vật khác cũng ảnh hưởng theo. Đó là nguyên nhân vì sao cá chết chim cũng chết, và còn nhiều loài chết nữa. Heo, bò gà, rắn, rết ăn phải cá chết hoặc uống nước nhiễm độc cũng lăn đùng ra chết. Như câu chuyện gà chết mới đây, lập tức được nhà nước ta thông báo kết quả ngay đến đồng bào "Gà chết vì ăn nhiều... hết chuyện". Đúng... người ăn nhiều cũng chết vì bội thực, nhưng gà ăn nhiều chất độc tố mà chết, nhà nước ta lỡ quên đi cái phần quan trọng nhất là "chất độc" mà gà ăn phải. Nghe thì có vẻ khôi hài, nhưng đó là sự thật mà ai nghe cũng phải cười ra nước mắt.
Xin hãy tiếp tục nuôi dưỡng các cuộc biểu tình kế tiếp, chỉ cần bỏ cuộc là chúng ta sẽ mất tất cả công sức của bao ngày qua. Chẳng lẽ lại đợi đến sự kiện Bauxite xảy ra rồi chúng ta lại như bây giờ, lại "ầm ĩ" một thời gian, rồi đâu lại vào đấy. Nhưng xin cảnh báo trước để quý vị tùy nghi suy ngẫm, sự kiện Bauxite mà xảy ra thì tác hại của nó khủng khiếp hơn nhiều so với sự kiện Formosa. Vì khi sự kiện Bauxite bùng nổ chính là lúc con dân Việt bị trừng phạt bởi sự thờ ơ vô cảm của mình.
Xin đừng nghĩ đây là sự hù dọa, xin hãy mở lại vụ án Bauxite để thấy sự tác hại của nó, không chỉ là môi trường mà về mặt quân sự Bauxite là cái nóc nhà Việt Nam. Nóc nhà nằm trong tay địch thì chúng muốn lấy gì mà chẳng được, vấn đề chỉ còn là thời gian thôi. Hơn 10 năm qua, kể từ khi sự kiện Bauxite xảy ra, trong mỗi chúng ta có bao giờ đặt một dấu hỏi "Những gì đang xảy ra bên dưới lòng đất?". Đừng quên... NƯỚC DƠ PHẢI RỬA BẰNG MÁU. Máu đổ ít hay nhiều sẽ tùy thuộc vào yếu tố quyết định của thời gian, bệnh càng lâu, càng khó trị.

Xin hãy bắt tay vào hành động
Chỉ còn ít ngày nữa một sự kiện mới mở ra cho dân tộc qua chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng Thống Obama. Thử nhìn lại chuyến thăm chính thức của Tổng thống Bill Clinton sau 25 năm chấm dứt chiến tranh (1975-2000), qua việc dỡ bỏ cấm vận vào năm 1995 để tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt-Mỹ. Tháng 11 năm 2000, sự có mặt của Tổng thống Bill Clinton đã mở ra một kỷ nguyên mới xóa tan những "định kiến" bởi sự áp đặt, tuyên truyền từ nhà cầm quyền luôn hô hào Mỹ là quân xâm lược. Nhìn lại những hình ảnh qua chuyến thăm vào năm 2000 của Tổng thống Bill Clinton, người ta có thể thấy được sự cởi mở của người dân Sài Gòn đặc biệt là giới trẻ sinh sau cuộc chiến, khi tiếp cận với Tổng thống Bill Clinton.

Kể từ bước ngoặc Hội Nghị Thành Đô 1990 cho đến sự có mặt của Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000, có điều gì đó thật "lấn cấn" mà với khả năng của tôi không thể thẩm thấu được cái hướng đi theo kiểu kiềng ba chân của nhà cầm quyền Việt cộng. Tôi chỉ thấy có sự khác biệt giữa hai dấu ấn lịch sử ấy, một là Hội Nghị Thành Đô đã đưa chính sách ngoại giao của Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào chính sách của Bắc Kinh. Những hệ lụy xảy ra sau Hiệp Ước Thành Đô thì chúng ta đã quá rõ qua sự kiện rừng Tây Nguyên, Đất Bauxite, biển Vũng Áng và sự có mặt khắp nơi của người Hoa được sắp đặt theo hệ thống cho thấy Trung cộng đã siết họng VN tứ phía. Dấu ấn thứ hai là sự có mặt lần đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton đã chuyển đi một thông điệp rất hài hòa, làm tăng thêm giá trị về mặt ngoại giao qua việc ký kết những Hiệp định thương mại song phương, để từ đó mở ra thêm những bước ngoặc mới, tạo cơ hội và điều kiện cho giới trẻ tiếp cận nền văn minh hiện đại mà nếu phải đem so sánh với Trung cộng thì quả thật quá khập khiễng. Bằng chứng là đâu thấy cán bộ cao cấp nào của Việt Nam đem tài sản cất giấu vào trong những ngôi biệt thự sang trọng tại Bắc Kinh. Ở cùng chăn phải biết cùng một thứ rận như nhau chứ.
Tôi không phải một nhà chính trị để có thể phân tách một cách khoa học dựa trên nhiều dữ kiện lịch sử để hiểu rõ mục đích thật sự của Tổng thống Obama ghé thăm Việt Nam trong giai đoạn này. Dựa trên truyền thông Mỹ bình luận về chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Obama sẽ nhắm vào 3 vấn đề chính:
1- Thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
2- Hợp tác vấn đề liên quan đến an ninh Biển Đông
3- Dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí hoàn toàn với Việt Nam.
Qua ba cuộc viếng thăm Việt Nam của ba đời Tổng thống Mỹ. Kể từ Tổng thống Bill Clinton, đến Tổng thống George W.Bush và nay là Tổng thống Obama. Cuộc viếng thăm của Tổng thống George W.Bush tôi không thấy có gì đặc biệt ngoài mang tính ngoại giao. Sự có mặt lần đầu tiên sau 25 năm kết thúc chiến tranh của Tổng thống Bill Clinton đã mở ra một cơ hội lớn cho Việt Nam, chỉ tiếc là nhà cầm quyền đã bị vướng vào cái thòng lọng của Hiệp Ước Thành Đô 1990 nên đánh mất một cơ hội tốt đẹp trong việc tái thiết lại quan hệ Việt-Mỹ đúng nghĩa. Thà chơi với một "kẻ thù" thông minh hơn đi với thằng "điếm" vừa ngu vừa mắc bệnh hoang tưởng. Riêng cuộc viếng thăm của Tổng thống Obama lần này, theo tôi có thể nói cũng là một cơ hội cuối cùng trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, nói theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng trong một bài viết gửi cho BBC từ Việt Nam. Việt – Mỹ: Sấm đầu mùa hay mưa cuối vụ?
Phản ứng của người dân như thế nào chúng ta sẽ được rõ sau khi ông đặt chân đến Việt Nam. Hy vọng sau chuyến thăm này sẽ không còn những bữa tiệc ăn mừng chiến thắng theo kiểu "Đánh cho Mỹ cút-Ngụy nhào" để rồi rước cái bọn tào lao vào ca tụng trên những xác người đang đấu tranh cho một Việt Nam không còn cảnh cúi đầu như một kẻ nô lệ "không bởi do người ta lớn mà bởi vì mình quỳ".
Xin mượn lời của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Tự do không phải ngồi chờ mà được.
Obama không phải là phép màu để cứu Việt Nam thoát khỏi bàn tay độc tài khát máu, chúng ta có thể đón tiếp ông ta như một nhân tố để gửi gấm những thông điệp về Nhân quyền mà Cộng sản bắc Việt đang chà đạp lên nhân phẩm của con người. Dĩ nhiên, tôi cũng không phủ nhận tầm mức quan trọng sự có mặt của Tổng thống Obama qua chuyến thăm này, có thể đang có một chương mới sẽ mở ra cho dân tộc Việt?. Vậy thì hãy hành động những gì thiết thực nhất cho một lần cơ hội hiếm quý này. Sự kiện Formosa không còn là vấn đề riêng của Việt Nam, một khi Biển Đông đang cuồng nộ những cơn sóng quyền lực mà chính quyền Mỹ luôn khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia tại Biển Đông này. Mong rằng những người trẻ hôm nay sẽ sáng suốt hơn để nhìn ra cánh cửa cơ hội đang mở rộng, phía sau đó là một cánh cửa tương lai đang chờ đón các bạn, bước vào hay không là do các bạn có biết sử dụng cái quyền tự do của mình, để có thể vươn ra bên ngoài thế giới. Lúc ấy các bạn mới thấy được bao nhiêu năm qua mình đã sống trong sự bất công, sống như loài ếch bị nhốt sâu trong lòng giếng. Bước ra thế giới bên ngoài, các bạn mới hiểu được một nền văn minh đúng nghĩa con người mà nếu phải so sánh ở mức độ nhân phẩm thì các bạn sẽ thấy mình như đang trở về một cõi hoang sơ của thời kỳ đồ đá. Lời kêu gọi của tôi như một lời tâm huyết của một người con đất Việt, không thể nhìn đồng bào đang chết dần mòn trước những thảm họa về môi trường mà vẫn dửng dưng tìm cách chống chế, che đậy tội lỗi buôn dân bán nước để được vinh thân phì da. Làm sao có thể nói được hết nỗi lòng của biết bao đồng bào hải ngoại đang hướng về quê hương trong những ngày qua. Các bạn có nhìn thấy những giọt nước mắt ấy chảy như thế nào không? Các bạn có thấy nỗi đau của những người đồng chủng tộc đang bất lực nhìn cảnh quê hương ngày một chết dần qua vũ khí sinh học mà quân xâm lược tàu cộng đang thải ra làm tê liệt mọi hệ sinh thái để tiêu diệt dòng giống Lạc Hồng. Không còn nỗi đau nào đau hơn nữa các bạn ạ. Chỉ còn biết kêu trời, xin ngài đoái thương đến một dân tộc đã trải qua quá nhiều trầm luân khổ ải. Ôi Chúa ơi xin ngài nhủ lòng thương.
Paris 18-05-2016