Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - (Ẩn
dụ vui) “FIFA World Cup" - Trên sân bóng biển Đông đội tuyển Trung Quốc
to con lớn xác nhưng không đá bóng bằng chân mà ghi 2 bàn thắng “bằng
tay” không đúng luật vào lưới đội Việt Nam - Trọng tài và khán giả ai
cũng nhìn thấy, Lãnh đạo đội Việt Nam quyết liệt phản đối, không công
nhận bàn thắng của Trung Quốc và ngồi chờ khán giả lẫn trọng tài FiFa
lên tiếng, còn Trung Quốc thì bác bỏ cho rằng trọng tài FiFa không có
thẩm quyền trong trận đấu, riêng Việt Nam thì trước sau như một cho rằng
Trung Quốc chơi không đúng luật, tuy nhiên nhất quyết không ký văn bản
yêu cầu trọng tài FiFa bác bỏ bàn thắng ấy mà chỉ “đi đêm” thương lượng
riêng với lãnh đạo đội Trung Quốc dù cả 2 đều là thành viên công nhận
luật chơi FiFa!?. Đây tưởng chừng là chuyện tào lao, vậy mà đó lại là
bối cảnh tranh chấp biển đảo giống hệt như vậy giữa VN và TQ đang diễn
ra trên “sân bóng” Biển Đông thế giới đang chứng kiến.
Tuần vừa qua truyền thông công luận thế giới ghi nhận, quan tâm đến 2 sự
kiện, 27/10 khu trục hạm Mỹ USS Lassen tuần tra vào khu vực 12 hải lý
đảo chìm tự tạo của Trung Quốc trên biển Đông và 29/10 Tòa Trọng tài
thường trực (PCA) tại The Hague-Hà Lan chính thức thông báo họ có đủ
thẩm quyền để phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp trên
Biển Đông.
Trước hai bối cảnh đó ngày 31/10/2015 phát ngôn viên Lê Hải Bình Bộ
ngoại giao họp báo cho biết: Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi
đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước LHQ Luật Biển 1982,
kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay
áp dụng Công ước (ITLOS) bằng các biện pháp hòa bình..(VOV.VN)
Và ông Nguyễn Duy Chiến PCT/UB/biên giới quốc gia, Bộ Ngoại Giao VN cũng khẳng định rằng: “lập
trường nhất quán của Việt Nam là tranh chấp Biển Đông phải
được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật
pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật
Biển (ITLOS) năm 1982 ”.
Nguyễn Duy Chiến - PCT/UB/biên giới quốc gia
Lê hải Bình - phát ngôn viên - Bộ Ngoại Giao VN.
Trả lời báo chí, phát ngôn viên Lê hải Bình tóm tắt các quan điểm chính của Việt Nam đã nêu trong Tuyên bố đó, như sau:
“Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định
và thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, kể cả việc
giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng
Công ước bằng các biện pháp hòa bình. Việt Nam đề nghị Tòa trọng tài
thường trực (PCA) đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của
Việt Nam ở Biển Đông và mong rằng Tòa giải thích và áp dụng các quy
định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng
và khách quan”.(VOV.VN 31/10/2015) .
Nhưng để có cơ sở cho Tòa trọng tài thường trực (PCA) căn cứ và xem xét
những quyền lợi pháp lý mà Việt Nam đề nghị thì nhà nước, đảng CSVN
không khởi kiện cung cấp hồ sơ tư liệu cần phải có để chứng minh theo
thủ tục chính thức như quốc gia Philippines đã và đang làm!? Dù đây
chính là các qui định và biện pháp hòa bình ôn hòa – Thật lạ lùng! Không
thể lý giải từ một nhà nước của một quốc gia độc lập có chủ quyền?
PCA: Permanent Court of Arbitration và trụ sở Tòa Trọng tài thường trực
Thế giới đều biết, trong tranh chấp biển đảo, Chính Phủ Philippines đã
khôn ngoan, thay vì đối đầu hay đàm phán song phương theo đề nghị của
Trung Quốc thì quốc gia này trước sau như một kiên định lập trường chọn
cách đưa sự việc ra trước Công Pháp quốc tế (Tòa án Trọng tài thường
trực PCA) Bắt đầu từ năm 2013 sau thời gian gần 3 năm kiên nhẫn hoàn
thiện tất cả các hồ sơ liên quan được yêu cầu đến nay đã có tín hiệu khả
qua từ PCA…
Trái với Philippines - “nhà nước, đảng CSVN” luôn chung thủy đàm phán
song phương theo chỉ đạo trên tình “đồng chí anh em giữa 2 đảng CSVN và
Trung Quốc” từ năm 1974 (theo “đảng ta” để Hoàng Sa cho ông anh Trung
Quốc giữ hộ vẫn tốt hơn là trong tay miền Nam VNCH) tiếp đến là 1988 nhờ
“ông anh Trung Quốc” nổ súng cho “xuất ngũ sớm” 64 liệt sĩ để “đổi gác”
đảo Gạc Ma đến nay lần lượt trên đà “cóc nhảy” Trung quốc biến 7 đảo
chìm (thuộc chủ quyền Việt Nam) thành 7 tiền đồn cứ điểm hỏa lực trong
đó có 2 sân bay (Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa, Xu Bi, Gaven và
Vành Khăn.)
Bốn "Căn cứ hỏa lực" (trong số 7 điểm) bãi đá rạn san hô đó theo Trung
tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) công bố hiện nay do công binh
hải quân Trung Quốc bồi đắp từ các rạn san hô ngầm dưới nước biến thành
đảo nổi (ảnh chấm đỏ) Xu Bi (bắc), Gạc Ma (nam), Chữ Thập (đông), Vành
Khăn (tây). Bốn cứ điểm quân sự này trở thành Mạng lưới hỏa lực có chu
vi khoảng trên 100 dặm. Với khả năng quân sự đại pháo và phi đạn hải đối
hải dồi dào hiện nay của TQ, sẽ khống chế hầu hết các cứ điểm quân sự
khác của VN trong quần đảo Trường Sa bao gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam
Yết, Len Đao, Cô Lin...
Các cứ điểm hỏa lực của Việt Nam, trong quần đảo Trường Sa (khu vực số
4, 5, 6. 7, 8) đang bị các căn cứ hỏa lực của Trung Quốc mới bồi đắp xây
dựng (chấm đỏ) bao vây, uy hiếp. (Văn Hóa Map- California, USA)
Tình hình xấu tới mức báo động nghiêm trọng cho Trường Sa nhưng nhà nước và đảng CSVN thì vẫn hứa hẹn với nhân dân mình là: “Việt
Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện
(Philippines) và bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và
cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông”
(Bộ ngoại Giao 31/10)…. Nhưng để cụ thể như Philippines kiện Trung Quốc
ra công pháp quốc tế thì nhà nước đảng CSVN Việt nam không có kế hoạch
và…. chưa nghĩ đến…? “Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi tiến trình”… Trung Quốc xâm lấn biển đảo như tằm ăn dâu vào chủ quyền Việt Nam trên biển Đông?.
Hơn ai hết, Philippines trước khi kiện Trung Quốc cũng hiểu rằng: Tòa
trọng tài quốc tế (PCA) chính xác không phải là một tòa án theo đúng
nghĩa, nó chỉ là một định chế “Trọng tài” trong vai trò vô tư của bên
thứ ba để giải quyết các tranh chấp quốc tế dựa trên chuẩn mực phổ quát
Liên hiệp Quốc tòa này có quyền khuyến cáo cuối cùng nhưng không có
quyền quyết định trực tiếp. Nhiệm vụ của PCA là khuyến khích việc giải
quyết tranh chấp liên quan đến các quốc gia, tổ chức nhà nước, các tổ
chức liên chính phủ, và các bên tư nhân trong giai đoạn đầu nếu không
thành công thì bằng cách hỗ trợ trong các bước kế tiếp đến Tòa án công
lý Quốc Tế (ICJ, International Court of Justice) đặt trong cùng một tòa
nhà với PCA (Cung Điện Hòa Bình La Haugue,Hà Lan) hay là Tòa Trọng tài
quốc tế Luật biển (ITLOS) đặt trụ sở chính thức tại Hăm-buốc (Cộng hòa
liên bang Đức) - ITLOS có thẩm quyền tài phán các vụ tranh chấp liên
quan đến Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (1982) . Tính đến tháng
11/2014, có 117 nước tham gia một hoặc cả hai Công ước (PCA &
ICJ).
Riêng Tòa trọng tài quốc tế (PCA) hơn 1 thế kỷ hình thành (1899) đã xử
lý thành công rất nhiều vụ kiện có hay không liên quan biển đảo, điển
hình gần đây nhất:
2014 - Tranh chấp biên giới trên Vịnh Bengal giữa Bangladesh với Ấn Độ
mà phán quyết của PCA đã làm cho 2 bên tranh chấp cùng hài hòa mà Bộ
trưởng Ngoại giao Bangladesh gọi đó là "một chiến thắng cho tình hữu
nghị giữa Bangladesh và Ấn Độ”, trong khi Ấn Độ cũng hoan nghênh phán
quyết này.
2015 - Tranh chấp gay gắt vùng biển ở quần đảo Chagos giữa đảo quốc tí
hon Mauritius với Anh Quốc trong nhiều năm - Ngày 18 tháng 3 năm 2015
Tòa (PCA) đã phán quyết rằng Anh Quốc lập các khu bảo tồn biển Chagos
trên vùng biển của Mauritius là bất hợp pháp, phải trả lại chủ quyền cho
quốc đảo nhỏ bé Mauritius.
Với bề dày thành tích của mình, trong vụ kiện của Philippines Tòa án
(PCA) Hague chỉ ra rằng: Trung Quốc và Philippines đều tự nguyện ký kết
chuẩn thuận UNCLOS vì vậy “Quyết định không tham gia vào thủ tục tố
tụng của Trung Quốc là chuyện của một quốc gia - Còn thẩm quyền phán
quyết của Tòa Trọng tài (PCA) là chuyện của công pháp quốc tế ”.
không có tính ràng buộc, nhưng phán quyết của PCA có uy tín và giá trị
pháp lý rất lớn, nó là bản lề của 2 cánh cửa Tòa án công lý Quốc Tế
(ICJ) và Tòa quốc tế Luật biển (ITLOS).
Từ trung tâm quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh 243 hải lý (450km) cách
biển Malaysia khoảng 250 hải lý (460km) , đến biển Philippines khoảng
250 hải lý (460km) đến biển của Brunei khoảng 320 hải lý (590km) đến đảo
Hải Nam Trung Quốc khoảng 585 hải lý (1080km) -
Cách quần đảo Trường Sa xa nhất, hơn 1000km chim bay (ngoài tầm đi, về,
của chiến đấu cơ) nhưng Trung Quốc lại đòi hỏi chủ quyền nhiều nhất.
Tháng 5-2009, theo yêu cầu khai báo của Ủy ban ranh giới thềm lục địa
thuộc LHQ, Trung Quốc đã nộp lên ủy ban này cái gọi là tấm bản đồ “đường
9 đoạn” (đường lưỡi bò) bao phủ hầu hết Biển Đông và các nhóm đảo nằm
trên đó nhưng vấn đề quan trọng là Trung Quốc đã không trưng ra kèm theo
bất cứ thứ gì để có thể làm căn cứ pháp lý giải thích nội dung của cái
“lưỡi bò” đó, từ tọa độ đóng khung “lưỡi bò” cho đến văn kiện chủ
quyền...
Trong khi đó người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Một
lần nữa, Việt Nam tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp
lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
cũng như các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông”…
Nhưng với các bằng chứng đó để khởi kiện ra công pháp quốc tế bác bỏ đòi
hỏi vô lý nói trên của Trung Quốc thì Việt Nam lại không tiến hành dù
biết rất rỏ Trung Quốc không muốn ra tòa vì các đòi hỏi của Bắc Kinh
không có cơ sở pháp lý vững chắc và bị một loạt nghị quyết của hết nước
này đến nước khác bày tỏ quan ngại (EU, G7) nâng phản ứng công luận lên
tầm quốc tế.
Tiềm ẩn điều gì khiến nhà nước đảng CSVN cứ hành xử rất khác thiện hạ,
nhất là không soi rọi vào tấm gương trong sáng Philippines mà cứ lẻo đẽo
theo sau Trung Quốc… Trong khi Trung quốc thì muốn khai thác thế mạnh
ảnh hưởng kinh tế chính trị của mình để trục lợi trong khuôn khổ đàm
phán song phương?
Phải chăng, khác với Philippines, đối với nhà nước và đảng CSVN Trung
Quốc đang nắm trong tay một quân bài tẩy: “Công Hàm 1958” và một loạt
các tấm bản đồ do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa (Bắc Việt) xuất bản từ năm 1960-1972 trong đó căn cứ vào
Công Hàm 1958 bản đồ ghi chú Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa-Trường Sa) theo
tên Tàu và thuộc về Trung Quốc?. (BBC 20 tháng 1- 2014)
Văn kiện này do chính Thủ Tướng ông PVĐ ký tên, mang quốc huy, quốc hiệu
VCDCCH, con dấu chính phủ, và do chính tay bộ trưởng ngoại giao Ưng Văn
Khiêm trao tận tay cho người đồng nhiệm Trung Quốc. Sau đó công hàm này
được nhật báo Nhân Dân Hà Nội chụp ảnh, in ấn nguyên bản và đăng công
khai để toàn dân miền Bắc biết. (Bản tuyên bố chủ quyền quần đảo của TQ,
giới hạn hải phận 12 hải lý (khoảng 22km) bao bọc các quần đảo trong
vùng Biển Đông trong đó xác định Hoàng Sa-Trường Sa nằm trong lãnh hải
thuộc chủ quyền của Trung quốc) Công Hàm Việt Nam ghi rõ “tán thành tuyên bố của CP/TQ và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tôn trọng”(!?).
Hiện tại công hàm 1958 có rất nhiều tranh cãi, tuy nhiên không ai có thể
bác bỏ hay tẩy xóa được lời khẳng định của Hồ Chí Minh nói: “Nước
Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi
có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” vì vậy
nó cũng không có gì thay đổi tính pháp lý từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa chuyển tiếp sang Cộng Hòa XHCN/VN hiện nay, cũng có nghĩa “chân lý”
giá trị của công hàm Phạm Văn Đồng không hề thay đổi bản chất vì HCM như
đã khẳng định Hoàng Sa & Trường Sa dù Nam hay Bắc Việt Nam quản lý
thì cũng là một nước Việt Nam, mà con dấu của Chính Phủ VNDCCH ngày
trước và con dấu Chính Phủ /CHXHCN/VN hiện nay tất nhiên củng chỉ là một
(Trừ khi sau 1975 chế độ CSVN biến mất trên cõi đời này thì công hàm
1958 mới vô giá trị).
Có thể chính điều này là cái “thòng lọng” mà Trung Quốc đang giăng ra,
nhà nước đảng CSVN nhìn thấy rất rỏ nên không muốn khởi kiện để chui đầu
vào (tình huống nghiệt ngã mà quốc gia Philippines không hề mắc phải).
"Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi
phải kiên quyết, chớ cho họ lấn dần. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc
đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di" (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
2/11/2015