Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Trước
những đòi hỏi của nhiều quốc gia dân chủ đã ký kết chấp nhận Việt Nam
tham gia vào các thỏa ước thương mại tự do (FTA) và áp lực hội nhập kinh
tế thế giới cũng như hiện tình chính trị trong nước ngày càng căng
thẳng, Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và chế độ độc đảng đã tiến hành
soạn thảo một loạt dự luật cho nhiều lãnh vực (luật tạm giam, luật biểu
tình, luật lập hội luật tôn giáo, luật tố tụng hình sự, luật dân sự,
luật bầu cử đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân, luật báo chí…)
Ba Dự luật được dư luận trong và ngoài nước quan tâm là Dự thảo luật tín
ngưỡng và tôn giáo, luật lập hội và luật báo chí. Đây cũng là những đề
tài đang gây tranh cãi gay gắt trước khi Đại hội lần thứ 12 của ĐCSVN dự
kiến được triệu tập vào năm tới.
Vai trò của Báo Chí - Truyền Thông.
Một quốc gia dân chủ lập hiến với Tam quyền (Lập pháp, Hành pháp và Tư
pháp) phân lập. Ba cơ quan hiến định hoạt đông độc lập, nhưng chịu sự
giám sát hỗ tương. Tuy nhiên, trong tiến trình xây dựng dân chủ, vẫn xảy
ra những vụ lợi dụng và lạm dụng quyền lực ở Tam quyền, nên xã hội và
công luận mong có thêm một cơ quan khác bổ sung cho Tam quyền và có khả
năng giám sát, minh bạch hóa các hoạt động của cả ba cơ quan hiến định.
Từ quan điểm này, Báo chí, truyền thông, một phương tiện thông tin đại
chúng đã được vinh danh thành đệ Tứ quyền ở các quốc gia dân chủ - đa
đảng. Trong nhiều thập niên qua, báo chí - truyền thông đã minh chứng
vai trò độc lập thông tin, phản biện những chính sách liên hệ đến quyền
lợi đất nước và lợi ích của người dân. Đệ Tứ quyền đã trở thành một bộ
phận quan trọng giúp chế độ dân chủ ngày càng cải thiện và Tam quyền
cũng hoạt động hiệu quả hơn.
Việt Nam là một quốc gia độc đảng. Mọi quyền lực quốc gia đều do ĐCSVN
chi phối. Nhân Quyền và Dân Quyền còn chưa được tôn trọng, nói chi đến
quyền tự do báo chí. Đệ Tứ quyền vẫn là từ ngữ xa lạ với nước cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN).
Nhận xét về Dự luật báo chí CHXHCNVN.
Số liệu báo chí tính đến 31.12.2013: Việt Nam có 838 Cơ quan báo chí với
1111 ấn phẩm (199 báo in và 639 tạp chí), 90 Cơ quan báo chí điện tử,
67 Đài phát thanh, truyền hình. 18.000 nhà báo được cấp thẻ và 5000
phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà
báo. Toàn bộ phương tiện truyền thông đều được trợ cấp tài chính và đặt
dưới sự quản lý của đảng và nhà nước.
Chỉ riêng con số các cơ quan truyền thông và sự gia tăng nhanh chóng của
các mạng xã hội khiến Bộ Công an và Ban Tuyên giáo của ĐCSVN ngày càng
trở nên không thể thực hiện được việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát
đầy đủ. Hơn nữa lãnh vực báo chí, truyền thông có ý nghĩa quan trọng
trong đời sống xã hội và là một lãnh vực rất nhạy cảm cho tính chính
danh cầm quyền của chế độ độc đảng. Hơn 90% các vụ tham nhũng được phát
hiện nhờ nhân dân và báo chí. Đảng và nhà nước cần một luật báo chí mới
tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch hóa lại toàn bộ hệ thống báo
chí - truyền thông.
Dự thảo Luật Báo chí gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây
dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện
hành.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định tổ chức và hoạt động báo
chí; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; quyền và
nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và liên quan đến hoạt
động báo chí; đối tượng thành lập cơ quan báo chí; những nội dung và
hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí; giấy
phép; liên kết trong hoạt động báo chí…
Không tư nhân hóa báo chí - Báo chí là công cụ của đảng.
Bộ trưởng Bộ thông tin tuyên truyền Nguyễn Bắc Son cho biết đây là dự
luật khá “nhạy cảm, phức tạp” và đã được sửa đổi tới 18 lần trước khi
trình ra Ủy ban Thường vụ QH. Bộ trưởng cũng cho biết trong quá trình
xây dựng dự luật, tại các hội thảo có nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo
tự do báo chí phải cho phép tư nhân hóa báo chí.
Lý giải cho việc tư nhân hóa báo chí không được đưa vào dự luật, Bộ
trưởng Son cho biết đây là quan điểm của Đảng. Quan điểm của Đảng khẳng
định “báo chí là phương tiện thông tin, là phương tiện truyền thông
và là vũ khí tư tưởng quan trọng đặc biệt của Đảng, Nhà nước... Đảng,
Nhà nước phải nắm chắc công cụ này”.
Các văn bản này cũng nêu rõ: “Báo chí VN là báo chí cách mạng, phải
được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện trực tiếp của Đảng, quản lý của nhà
nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Không thương mại hóa, không
tư nhân hóa báo chí”.
Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí
1. Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.
2. Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng, thực hiện và bảo vệ
đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan
báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội…
Điều 15. Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí
1. Cơ quan của Đảng; cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức
chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã
hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương hoặc tương đương trở lên; cơ quan trung ương của các tổ chức
tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Các đối tượng sau đây được thành lập Tạp chí khoa học:
a) Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học;
b) Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát
triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy
định của Luật khoa học và công nghệ;
c) Bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
Phủ nhận quyền tự do báo chí của công dân.
Chương II quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận là cần
thiết, nhưng lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí
và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công
dân.
Điều 11. Quyền tự do báo chí
2. Báo chí, nhà báo hoạt động báo chí trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.
3. Nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước
không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho
việc thông tin trên báo chí.
4. Công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí,
5. Không ai được hạn chế, cản trở cơ quan báo chí, nhà báo, công dân hoạt động báo chí đúng pháp luật.
6. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng và truyền dẫn trên môi trường mạng.
Điều 12. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
1. Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới.
2. Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi
tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt
của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung
thông tin.
3. Phát biểu ý kiến trên báo chí về tình hình đất nước và thế giới;
tham gia ý kiến vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý, kiến nghị, khiếu nại,
tố cáo trên báo chí theo quy định của pháp luật.
Kiểm soát, chế tài và răn đe báo chí.
Dự luật báo chí được soạn thảo không vì mục đích tạo điều kiện cho người
dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do xuất bản,
mà chủ yếu nhắm vào quản lý và kỷ luật hóa hệ thống báo chí - truyền
thông. Dự luật gia tăng các áp lực mới đối với các tổng biên tập, kiểm
soát nhân sự, và cấp giấy phép hàng năm. Dự luật quy định 9 nội dung cấp
giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản
của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Người đứng đầu cơ quan báo chí
(Tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên
tập) phải do chính quyền bổ nhiêm. Thêm vào đó Dự luật nêu ra một loạt
những biện pháp trừng phạt khi vi phạm về nội dung, quy định 12 nội dung
và 10 hành vi bị cấm.
Điều 10. Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí
1. Nghiêm cấm thông tin trên báo chí những nội dung sau đây:
Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây
phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hộ; Tuyên truyền,
kích động chiến tranh xâm lược; Thông tin xuyên tạc lịch sử; phủ nhận
thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; Tiết lộ bí mật
của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật
đời tư của cá nhân e) Thông tin sai sự thật; xuyên tạc, vu khống, xúc
phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Thông
tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan; Lạm dụng quyền tự do báo chí,
quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân....
2. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau:
Hoạt động cơ quan báo chí, xuất bản bản tin, đặc san không có giấy
phép; In báo chí không có giấy phép; In, phát hành và truyền dẫn, phát
sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm đã bị
đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; Nhập
khẩu báo chí in có nội dung bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật;..
Điều 57. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí
1. Cơ quan báo chí, tổ chức, tham gia hoạt động báo chí vi phạm quy
định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo,
phạt tiền và bị áp dụng biện pháp thu hồi, tịch thu ấn phẩm, băng đĩa
ghi âm, ghi hình; đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép trong hoạt
động báo chí theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép
xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, sản xuất thêm kênh phát
thanh, kênh truyền hình, chuyên trang của báo chí điện tử và cơ quan, tổ
chức bị thu hồi giấy phép xuất bản đặc san, bản tin khi đăng, phát
thông tin vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này gây ảnh
hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Kết luận
Xét qua toàn văn bản, dư luật đã không thể hiện được mục đích cao cả của
một Luật báo chí: Đảm bảo quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do
báo chí và xuất bản của mọi công dân. Nội dung Dự luật chỉ tập trung vào
chủ trương siết chặt quản lý hệ thống báo chí - truyền thông của đảng
và nhà nước.
Đảng và chính quyền luôn hứa hẹn sẻ cải cách, nhưng nhìn qua các dự luật
mà ĐCSVN và chính quyền đưa ra cho thấy luật mới làm ra không nhằm đáp
ứng những quyền chính đáng và tự nhiên của người dân như đã được công
nhận qua các Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, quyền công dân về chính trị,
dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà chỉ nhằm duy trì tư duy xin cho,
ban phát ân huệ của chế độ một đảng toàn trị tệ hại. Quyền và nghĩa vụ
của công dân chỉ do đảng quyết định.
Trong quá khứ chính quyền CS thường sử dụng các điều luật có nội dung mơ
hồ và diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các bộ luật khác để
bỏ tù những người bất đồng chính kiến, nhất là những nhà báo điều tra
tham nhũng ở các quan chức lãnh đạo đãng và nhà nước. Các cáo buộc như
hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết
dân tộc, phá rối an ninh, tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN, lợi dụng
các quyền tự do dân chủ, gây rối trật tự công cộng, trốn thuế... sẽ
thay thế bằng những cáo buộc “cụ thể” dựa theo các điều của luật mới
trong tương lai.
Trong bối cảnh hiên nay, chế độ đang đứng trước những áp lực phải dân
chủ hóa thật sự để tạo điều kiện cho đất nước canh tân và phát triển.
Nhưng ĐCSVN lại vẫn chủ trương độc đảng và kiên trì theo đuổi một chủ
nghĩa xã hội lỗi thời nên các dự luật được trưng bày chỉ là những chiêu
thức mới nhằm lứa bịp dư luân trong và ngoài nước hầu dễ dàng trấn áp và
kết án những thành phần khác chính kiến.
25/11/2015