Việt sử tôi đâu?
Quang Dương (Danlambao) - Ai
dám bảo đảm là những mảng lịch sử vá víu được cắt ra từ môn Lịch Sử
Việt Nam chân chính đem "tích" với đem "hợp" vào mấy cái môn học khác
vốn đã mang nặng tính đảng và tính nhồi sọ sẽ không bị sửa đổi, bóp méo
hay bị tô "hồng" cố ý và có sẽ giúp học sinh ham thích học, thầy giáo
giảng bài được hào hứng hơn không? Cũng vậy, ai dám đoan quyết là với
cách loại bỏ môn Lịch Sử như thế, những thế hệ mai sau sẽ vẫn ngoan
cường, kiên quyết bảo vệ tổ quốc, dân tộc, xây dựng đất nước độc lập tự
chủ, chống lại kẻ thù bành trướng như tiền nhân chúng ta đã làm?
*
Tại sao bây giờ người ta lại muốn bỏ môn Lịch Sử? Làm sao mà học sinh
thời nay lại chán học Sử như thế? Nhất là Sử Việt Nam, lịch sử hình
thành của cả một dân tộc anh hùng bất khuất? Sao có chuyện lạ lùng như
vậy?
Ngày xưa tôi nhớ học trò chúng tôi rất thích môn Sử, gọi là Sử Ký hay
Việt Sử hay Việt-Nam Tranh-Đấu Sử vì lịch sử Việt Nam gồm nhiều giai
đoạn tranh đấu chống ngoại xâm kể từ thời lập quốc cho đến cận đại.
Không những thích mà chúng tôi còn trân trọng và hào hứng khi học nữa.
Mở quyển sách Việt Sử ra là tâm trí chúng tôi hòa nhịp say mê lôi cuốn
ngay vào những trang sách, những dòng chữ mang đầy hình ảnh oai hùng,
quật cường, bất khuất của tiền nhân trải dài suốt bốn ngàn năm chống
ngoại xâm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước. Chúng tôi mong mau đến giờ
Sử để được nghe thầy giảng bài, kể chuyện về lịch sử dân tộc qua các
triều đại, kể cả chính sử lẫn dã sử và những giai thoại bên lề.
Lời giảng của các thầy dạy môn Việt Sử đều rất hùng hồn, sống động. Tôi
nhớ được học một vị thầy như vậy khi ở lớp Năm tiểu học mà vì lâu quá đã
quên mất tên của thầy. Khi thầy giảng bài Việt Sử, giọng thầy trở nên
truyền cảm, lôi cuốn, thao thao bất tuyệt như nhập thần. Có lúc giọng
thầy hào hùng sống động như có tiếng trống dồn, tiếng hò reo của tướng
sĩ ba quân trong những chiến công hiển hách của các vị danh tướng, những
bậc anh quân như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt,
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ... Có lúc lời
thầy đanh thép như quan tòa nghiêm khắc, truy hạch tội ác của giặc Hán,
giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh đã hành hạ đày đọa dân Việt như thế
nào, và tội "cõng rắn cắn gà nhà" quỵ luỵ cầu xin kẻ thù truyền
kiếp đem quân sang dày xéo nước nhà chỉ vì lợi ích cá nhân của một số
vua quan cuối đời Hậu Lê ra làm sao. Có lúc giọng thầy lại trầm buồn, bi
tráng khi kể về sự hy sinh cao cả của những anh hùng như Hoàng Hoa
Thám, Phạm Hồng Thái, hoặc như Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí vì chống
lại thực dân Pháp, mong giành độc lập cho đất nước mà bị lên máy chém.
Lời thầy lúc đọc bài thơ "Ngày Tang Yên Bái" của Đằng Phương trong đó có những câu:
"Việt Nam muôn năm!", một đầu rơi rụng
"Việt Nam muôn năm!", người khác tiến lên
Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc
như vẫn còn văng vẳng bên tai.
Nghe lời giảng một cách say mê và nhìn ánh mắt thầy khi long lanh ngời
sáng, khi u ẩn xót xa cảm xúc theo từng diễn tiến của sử tích hay bài
giảng bọn học trò chúng tôi như bị thôi miên, như đang được trở về quá
khứ, hòa nhập vào cuộc sống oanh liệt của tiền nhân. Từ đó tình cảm yêu
tổ quốc, yêu quê hương, yêu giống nòi, tôn kính tiền nhân, ngưỡng mộ,
noi gương những bậc anh hùng trung trinh tiết liệt, hy sinh tranh đấu
chống giặc ngoại xâm cứu nước cứu dân đã tự nhiên sinh sôi nảy nở, thấm
nhuần vào tim óc, vào máu huyết mà đâu cần phải có ai áp đặt hay nhồi
nhét một cách khô khan gượng ép.
Bây giờ viện cớ môn Việt Sử là thừa hay tại vì học sinh chán không muốn
học nên người ta đem chia cắt ra, nhét vào các môn học khác mỗi môn một
ít gọi là "tích hợp". Tôi chẳng cần biết tích hợp là cái gì? Chữ với
nghĩa nghe cộm tai lắm. Chỉ biết làm vậy là đã giết môn Việt Sử, cũng có
nghĩa là tài liệu, sách Sử sẽ không còn, và sẽ càng không còn những vị
thầy dạy môn Sử nữa.
Nếu không còn thầy dạy Việt Sử thì ai sẽ là người truyền cho các em học
sinh những kiến thức về lịch sử Việt Nam, về niềm tự hào dân tộc, về
những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại bang xâm lược của cha ông?
Ai dám bảo đảm là những mảng lịch sử vá víu được cắt ra từ môn Lịch Sử
Việt Nam chân chính đem "tích" với đem "hợp" vào mấy cái môn học khác
vốn đã mang nặng tính đảng và tính nhồi sọ sẽ không bị sửa đổi, bóp méo
hay bị tô "hồng" cố ý và có sẽ giúp học sinh ham thích học, thầy giáo
giảng bài được hào hứng hơn không? Cũng vậy, ai dám đoan quyết là với
cách loại bỏ môn Lịch Sử như thế, những thế hệ mai sau sẽ vẫn ngoan
cường, kiên quyết bảo vệ tổ quốc, dân tộc, xây dựng đất nước độc lập tự
chủ, chống lại kẻ thù bành trướng như tiền nhân chúng ta đã làm?
Môn Việt Sử, như một di sản rường cột tinh thần, một cẩm nang trân quý
được đúc kết bằng mồ hôi, xương máu, công lao trời biển từ bao nhiêu đời
của tổ tiên, cha ông để lại cho con cháu mà gìn giữ, học tập và phát
huy. Thế mà người ta đã không trân trọng bảo tồn, quảng bá lại còn muốn
triệt tiêu, hủy bỏ. Có phải họ muốn những thế hệ con cháu chúng ta sau
này không còn nhớ gì đến cội nguồn của nòi giống, không phân biệt được
đâu là chính đâu là tà, không nhận ra ai là kẻ thù truyền kiếp của dân
tộc luôn muốn nuốt gọn đất nước này?
Tôi chợt nhớ đến bài hát "Việt Nam Tôi Đâu?" của nhạc sĩ Việt Khang với những lời ca đầy xúc động:
Giờ đây
Việt nam còn hay đã mất
Mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu
Mượn ý tựa đề của bài hát, tôi chỉ xin bắt chước để đặt câu hỏi tới những kẻ đang âm mưu xóa bỏ môn Lịch Sử là: "Việt Sử tôi đâu?".
Các người hãy ngưng ngay mọi ý đồ, mọi hành động mờ ám loại bỏ môn Lịch
Sử Việt Nam ra khỏi chương trình học của các em học sinh. Hãy cải tà quy
chánh trước khi quá muộn.
Tôi cũng chợt nhớ có ai đó nói câu: "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng một khẩu súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng một cỗ đại bác". Tôi chỉ muốn sửa lại chút xíu trong trường hợp này là: "Nếu các anh bắn vào Việt Sử bằng một khẩu súng lục thì tương lai sẽ bắn vào các anh bằng 90 triệu cỗ đại bác!".