Khi nhạc phẩm Anh Là Ai ra đời. Việt Khang đã có cơ hội để trốn khỏi
Việt Nam, nhưng anh đã chọn ở lại. Sự quyết định đó là cái giá phải trả
cho 4 năm tù giam và hai năm quản chế.
Ngoài truyền nhau nghe hai bài hát của anh và khen ngợi, thời gian đó
rất ít người biết về Việt Khang. Có lẽ tôi là người đầu tiên trình bày
hai bài hát này trong ba cuộc biểu tình xuống đường phản đối “Công Hàm”
bán nước của Phạm Văn Đồng tại Paris.
(Biểu tình ngày 16 tháng 10 năm 2011)
Có một điều ít ai nhìn ra… nhưng tôi hiểu rõ hơn ai hết cảm xúc của tôi
trong lúc trình bày nhạc phẩm Anh Là Ai hôm ấy tại quãng trường
Trocadéro. Tôi đã cố nén để không phải rơi nước mắt, vì tôi biết Việt
Khang đang trong tình trạng nguy hiểm. Tại quãng trường, nhiều người đã
xúc động qua lời bài hát, và tất cả mọi người đều thắc mắc bài hát đó từ
đâu có. Lúc ấy tôi chỉ nói lời cảm ơn Việt Khang và những người tuổi
trẻ đang dấn thân vì sự mất còn của dân tộc. Cái tên “Tuổi Trẻ Yêu Nước”
còn rất lạ, và nếu tôi nhớ không lầm thì cái tên “Tuổi Trẻ Yêu Nước”
lúc ấy chưa được phổ biến.
Ngày 22 tháng 12 năm 2011. Cả đêm ấy tôi không nhắm mắt. Ngồi trước màn
ảnh để chờ đợi, chờ đợi một tin buồn sẽ đến. Tôi đọc kinh, tôi cầu
nguyện… và cuối cùng tôi nhận tin báo. Việt Khang đã bị bắt. Gục đầu bên
bàn phím…nước mắt tôi đã ngập tràn. (Sau này tôi mới biết VK đã bị bắt
từ ngày 14 tháng 12).
Ngồi vào bàn phím, tôi viết lên những cảm xúc của mình qua bài “ Ngọn
Đuốc Việt Khang”. Vài ngày sau, tôi thực hiện bài viết thành Audio để
chia sẻ trong một chương trình cầu nguyện cho Việt Khang và Trần Vũ Anh
Bình. Sau này anh VongNgayXanh chuyển từ Audio thành Video Clip. (Xin
gửi link đính kèm)
Ngọn Đuốc Việt Khang
Kể từ đó, khi có cơ hội tham gia bất cứ chương trình nào, tôi cũng đều
hát những sáng tác của nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước. Ngoài những sáng tác của
Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, Việt Oan cũng là một trong những nhạc sĩ
trẻ thầm lặng, đã sáng tác rất nhiều những ca khúc đấu tranh mang tính
kêu gọi và nói lên sự thối nát của nhà cầm quyền. Tôi may mắn nhận được
những ca khúc do các em sáng tác, và coi đó như một trách nhiệm đối với
sự hy sinh của các em. Đứa thì sống trong lao tù, đứa thì sống bấp bênh
không biết khi nào đến phiên mình. Đứa thì bỏ xứ đi biền biệt, sống
những ngày lê thê đói rách nơi xứ lạ quê người.
Nhắc lại những năm tháng ấy, tôi thật xót xa cho tuổi trẻ. Không phải
chúng ta không có những người con quả cảm, sẵn sàng hy sinh cho Tổ Quốc.
Thế nhưng, niềm tin ấy, tinh thần ấy…đã bị đánh cắp trong đau đớn ê
chề.
Tôi chọn cách im lặng và làm hết khả năng mình đối với các em. Nhìn lại
sau 4 năm, tôi phải thú nhận rằng mình đã thất bại. Sự thất bại không
bởi vì tôi không có lòng, mà vì… tôi quá cô độc trên bước đường đầy gian
nan này.
Ngày hôm nay, tôi gửi tâm sự này đến các em, những người mà tôi đã dành
trọn cảm xúc của mình mỗi khi nghĩ đến. Những sáng tác của các em, cũng
như “Ngọn Đuốc Việt Khang” mà tôi đã gửi gấm trong đó rất nhiều hy vọng.
Dù ánh đuốc ấy nay chỉ còn “le lói”. Nhưng tôi nguyện với lòng… ngày
nào còn sống, dù phải đốt bằng máu, tôi vẫn giữ không để “Ngọn Đuốc” ấy
bị tắt phụt trong bóng đêm dài.
Chỉ còn hơn tháng nữa Việt Khang sẽ thoát cảnh lao tù. Hy vọng nhà cầm
quyền sẽ không chơi thêm những trò bẩn thỉu như trước đây đã từng đối xử
với nhiều tù nhân lương tâm khác. Với Việt Khang, tôi là người mang ơn
anh. Những năm tháng lao tù của Việt Khang là nỗi ám ảnh trong tôi về sự
bất lực của nhiều công sức đã bỏ ra nhưng vẫn không cứu được anh. Điều
buồn nhất là Việt Khang sau đó đã không thể trở thành “biểu tượng” mà
chỉ còn là một “hiện tượng”… đã qua. Hiện tượng ấy chắc chắn sẽ trở lại
trong những ngày tới, khi anh thoát vòng tù tội, và rồi….? Tôi không
muốn nghĩ đến.
Đặc biệt trong bài viết này, tôi xin gửi đến người Mẹ của Việt Khang
lòng kính trọng của tôi đối với một người Mẹ chỉ biết âm thầm trong bóng
đêm với những dòng nước mắt lặng lẽ khóc thương cho số phận của con
mình. Tôi kính phục lòng tự trọng của chị, hiểu được giá trị và việc làm
của con mình, dù khổ đến đâu, thiếu thốn đến đâu, chị chỉ âm thầm thu
vén để lo tròn bổn phận của một người Mẹ. Tôi quý sự kín đáo của chị,
không ta thán vì chị tin vào cái nhân quả ở đời. Trong những ngày qua,
có nhiều sự kêu gọi đóng góp cho Việt Khang, tôi mừng cho chị, vì tôi
hiểu những khó khăn mà chị đang gánh chịu.
Bản thân tôi cũng xin góp phần mình, nhỏ bé thôi, chẳng gì to tát. Kẻ có công, người có của. Tôi không có của, thì góp công vậy.
Kính mời quý vị, những người yêu mến Việt Khang. Xin hãy đến Hội trường NIDDA HALLE vào ngày 19 tháng 12 năm 2015 lúc 18h00 (Chương trình sẽ được phổ biến chi tiết hơn) tại địa chỉ …
OESER STR 74
65934 FRANKFURT – NIED
GERMANY.
Để tham dự chương trình “Khúc Tù Ca- Hát cho Việt Khang” do cá
nhân tôi cùng với anh em trong nhóm “Vọng Trùng Dương” tổ chức. Về nhóm
Vọng Trùng Dương, đây là những anh em mà tôi có dịp quen biết trong
những ngày đi tham dự các chương trình văn nghệ đấu tranh. Sẽ giới thiệu
đến quý vị trong những ngày sắp tới để hiểu thêm về những việc làm và
chủ trương của nhóm trong tương lai.
Bản thân tôi luôn coi trọng về nội dung của chương trình. Đây là một
buổi văn nghệ đấu tranh với những ca khúc mà tôi rất cẩn thận khi chọn
lựa, với mong muốn đem đến quan khách những rung động lòng người, để từ
đó nuôi dưỡng lại tinh thần đấu tranh mà chúng ta đã vì một lý do nào đó
lãng quên. Trong chương trình ngoài những “Khúc Tù Ca” sẽ có những ca
khúc sáng tác của Cố nhạc sĩ Việt Dzũng để tưởng niệm ngày giỗ của anh
(20 tháng 12). Đặc biệt là ca khúc “Áo Trắng Xuống Đường” của nhạc sĩ
Đình Đại mà quý vị đã biết đến qua nhạc phẩm Lạy Mẹ Con Đi. Bài hát này
Đình Đại sáng tác riêng tặng cho những người phụ nữ can trường đang trực
diện đấu tranh nơi quê nhà. Sau cùng là thắp nến cầu nguyện cho quê
hương. Sự hiện diện của quý vị là một khích lệ tinh thần rất lớn cho các
anh chị em nghệ sĩ. Mong lắm thay.
Tôi đếm thời gian và mong chờ ngày Việt Khang được tự do, dù biết rằng
ngày ấy sẽ không có mặt tôi. Ở phương trời xa xôi này, tôi sẽ dõi theo
cùng với những giọt nước mắt hạnh phúc để vui mừng chào đón một đứa con
của Mẹ Việt Nam được thoát khỏi nhà tù nhỏ, tiếp tục “chôn vùi” cuộc đời
trong một nhà tù lớn với một tương lai đang còn là một dấu hỏi cho
nhiều thế hệ.
Paris ngày 10-11-2015