Trúc Giang (Danlambao) - Ngày
này cách đây 52 năm (1/11/1963), dưới sự “bảo kê” của chính quyền tổng
thống Mỹ Kennedy, các tướng tá “xôi thịt” của chính quyền Sài Gòn mà kẻ
cầm đầu là Dương Văn Minh đã làm cuộc đảo chính lật đổ chính thể mà họ
gọi là “gia đình trị” Ngô Đình Diệm. Điều tồi tệ và tàn bạo nhất là họ
đã ra tay sát hại tổng thống Ngô Đình Diệm và người em trai của ông là
cố vấn Ngô Đình Nhu. Cuộc đảo chánh và sát hại 2 anh em họ Ngô đã gây
chấn động dư luận và góp phần khai tử nền đệ nhất cộng hòa trong nuối
tiếc của người dân miền Nam và các chính khách ở khu vực và trên thế
giới.
Hơn nửa thế kỷ qua, các tài liệu mật lần lượt được hé mở và các nhà
nghiên cứu đều thống nhất rằng: quyết định lật đổ tổng thống Ngô Đình
Diệm lúc đó của chính quyền tổng thống Kennedy là cực kỳ sai lầm. Tuy
nhiên, đó là sai lầm mang tính lịch sử và ngay cả ông Kennedy cũng không
có cơ hội sửa sai vì chưa đầy 3 tuần sau đó, ông Kennedy cũng bị bắn
chết khi đang vận động tranh cử tại quê nhà Dallas. Không biết lúc đó
chính quyền tổng thống Kennedy chịu sức ép từ hậu trường của các nhà tài
phiệt vũ khí của Mỹ như thế nào nhưng việc đảo chính loại bỏ một nhân
vật yêu nước và cực kỳ chống cộng thì nó chẳng mang lại lợi ích gì đối
với một đồng minh như Mỹ.
Nên nhớ, lúc sinh thời tổng thống Ngô Đình Diệm là người rất yêu nước và
không muốn Mỹ đưa quân vào miền Nam tham chiến vì ông sợ khi đó sẽ
không còn chính nghĩa khi chống cộng sản. Đáng tiếc tầm nhìn xa trông
rộng của ông chính quyền tổng thống Kennedy không nhìn thấy và hậu quả
là sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, 3/1965 Mỹ đem quân tham chiến ở
Việt Nam và một khi lý tưởng chống cộng không còn chính nghĩa vì có yếu
tố nước ngoài tham chiến thì Mỹ dễ dàng bị cộng sản lợi dụng, tuyên
truyền là kẻ xâm lược và hậu quả là sa lầy và tháo chạy khỏi Việt Nam là
điều không thể tránh khỏi.
Thực ra, tổng thống Ngô Đình Diệm là nạn nhân của Mỹ và cộng sản mà
nguyên nhân chính là do tinh thần yêu nước đến mức cực đoan mà ông bị họ
gán cho cụm từ chế độ “gia đình trị” tàn ác: nào là đàn áp phật giáo,
nào là áp dụng luật 10/59 “lê máy chém khắp miền Nam” như lời cộng sản
rêu rao. Không cần phải nhiều lời biện hộ cho ông, chỉ biết rằng những
giá trị cốt lõi nhất về giáo dục, về đạo đức của nền đệ nhất cộng hoà
ngày nay vẫn được dân chúng hoài tưởng trong nuối tiếc. Khi hay tin ông
bị sát hại, các ông Tưởng Giới Thạch, Lý Quang Diệu đều khóc cho nền đệ
nhất cộng hòa và nói rằng cả trăm năm sau Việt Nam chưa có ai lo cho
nước, cho dân và chống cộng đúng lý tưởng như ông Diệm. Còn việc nói ông
tàn ác, thiết nghĩ không có bằng chứng nào rõ ràng hơn khi dẫn chứng
một bài viết từ truyền thông cộng sản khi nói về nhân chứng sống - nhân vật ám sát ông ở Buôn Mê Thuộc 2/1957.
Mải lo mưu sinh giật mình nhìn lại tháng 11 lại về. Vài dòng thay cho
nén nhang tiếc thương tưởng nhớ đến Ông và nền đệ nhất Cộng hòa!
SG, 01/11/2015