9/5/16

THẢM HỌA LAN RỘNG


Công an đánh người biểu tình. Ảnh: Facebook
Công an đánh người biểu tình. Ảnh: Facebook
Tối nay ngồi nói chuyện với mấy anh bạn, trong đó có một anh khá nổi tiếng vì đấu tranh cho dân chủ. Nói chuyện tầm phào một hồi thì câu chuyện quay sang vụ biểu tình của ngày hôm nay.
Anh bạn khá nổi tiếng vì đấu tranh cho dân chủ cho biết anh ấy bị “quản thúc”, không ra khỏi nhà mấy ngày nay. Và một điều ngạc nhiên là anh ấy nói rằng, lần biểu tình ngày 1/5 và ngày 8/5 năm nay vắng bóng những nhân vật quen thuộc, những người trong các nhóm đấu tranh cho dân chủ. Thay vào đó là những người trẻ, những doanh nhân, trí thức. Những người bạn khác rành những gương mặt dân chủ cũng xác nhận điều đó.
Fb dậy sóng với bức hình người mẹ bị đánh trầy mặt ôm đứa con gái chặt trong lòng. Nó dậy sóng một phần vì hình ảnh thể hiện sự đàn áp khá thô bạo, phần khác vì đấy là một bà mẹ, ngay trong Mother’s day. Nhưng tôi ngạc nhiên khi biết cô là chủ một quán cà phê, là một doanh nhân, đã từng có một chương trình từ thiện nào đó. Theo tôi biết, đa số các doanh nhân chỉ muốn yên ổn làm ăn, ít tham gia vào các vấn đề phức tạp.

Chia tay các bạn, về mở fb lên. Thì ra có cả những giám đốc ngân hàng, những bác sĩ, kĩ sư… tham gia biểu tình. Một giáo viên dạy Yoga đã phát biểu, sẽ tham gia biểu tình. Nhiều doanh nhân, trí thức cũng thể hiện sự ủng hộ đối với những người biểu tình. Có những bác sĩ trước giờ gần như chỉ viết về chuyên môn, ngày hôm nay cũng nói về chuyện biểu tình.Hấu hết ý kiến của những trí thức mà tôi đọc được đều phản đối sự thiếu minh bạch trong việc xử lí vụ cá chết lần này và những yếu tố liên quan đến việc Formosa sử dụng chất độc, cách xử lí chất thải độc hại và việc xả thải của họ. Đa số họ ủng hộ những người biểu tình vì môi trường. Và họ phản ứng với việc chính quyền trấn áp những người biểu tình ôn hòa.
Thực ra, chính quyền đã có những bước đi nhất định trong thảm họa môi trường biển lần này. Tuy nhiên, những phản ứng chậm chạp và sự thiếu minh bạch thông tin lúc đầu đã làm cạn kiệt một chút niềm tin còn sót lại của khá nhiều người dân. Bây giờ, nếu muốn khôi phục lại niềm tin đó, chính quyền phải có nỗ lực rất lớn.
Việc người dân biểu lộ ý kiến của mình, yêu cầu chính quyền nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường sống là một việc làm hợp lí và hợp tình. Xem cái clip của Báo Tuổi trẻ quay dưới đáy biển ở Quảng bình, mặc dù nhiều bạn cho rằng làm gì có cá chết xếp lớp, rằng đó là bằng chứng cho rằng thảm họa biển lần này không đến nỗi ghê gớm như người ta phòng đại, tôi thì lại thấy một điều khác. Cho dù clip đã lấy tông màu xanh thật dịu, nhưng rõ ràng đó là một vùng biển chết, khác xa với những lần tôi lặn biển hoặc xem đáy biển qua thuyền đáy kính trong các chuyến du lịch ở Hòn Mun (Nha trang), ở Vĩnh Hy, hay những nơi khác, cả trong và ngoài nước.
Thảm họa môi trường biển lần này cho thấy môi trường sống của chúng ta đang thực sự bị đe dọa. Nguồn thực phẩm lấy từ biển, nguồn thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn trong các bữa ăn của dân ta, đang thực sự có nguy cơ trở thành tác nhân đầu độc các thế hệ chúng ta. Ai có thể không lo lắng cho tương lai của chính mình, của con cháu mình được? Một số người tìm cách ra nước ngoài sinh sống. Những người muốn ở lại quê hương, muốn cho con cháu mình có được một cuộc sống an toàn, đã xuống đường. Họ không phải thành phần phản động, họ không phải thành phần quậy phá, họ đòi hỏi chính đáng, họ biểu tình ôn hòa.
Tôi không biết tại sao chính quyền lại trấn áp những người biểu tình lần này. Nhưng tôi nghĩ rằng, chính quyền cần phải thừa nhận quyền biểu lộ tình cảm, ý kiến của người dân về môi trường sống. Điều đó được qui định trong Hiến pháp. Lẽ ra chính quyền phải mừng khi người dân ý thức được việc bảo vệ môi trường sống. Chính quyền cần phải có những biện pháp để lấy lại niềm tin của người dân. Sự đàn áp chỉ làm cho lòng dân xa rời chính quyền, đẩy người dân vào thế đối lập mà thôi.
Bạo lực không bao giờ là giải pháp mang lại hiệu quả lâu dài, cho dù nó có thể tạm thời dập tắt một ước muốn nào đó.
Chị Hoàng Mỹ Uyên đang bảo vệ con sau khi bị đánh trong lần biểu tình sáng 8/5/2016. Nguồn: internetChị Hoàng Mỹ Uyên đang ôm con sau khi 2 mẹ con bị đánh trong lần biểu tình sáng 8/5/2016. Nguồn: internet
Posted by adminbasam
FB Võ Xuân Sơn
9-5-2016