21/6/16

HUYỄN HOẶC VỀ QUYỀN LỰC THỨ TƯ

Tam quyền phân lập ở Mỹ. Ảnh: internet
Tam quyền phân lập ở Mỹ. Ảnh: internet

Thật nực cười khi trong những ngày này, tôi nghe các xướng ngôn viên trên truyền hình VN hay báo chí cho rằng mình đang nắm giữ quyền lực thứ tư. Có vẻ như, họ đang tự huyễn hoặc mình về một câu chuyện thần thoại giả tưởng …
Nôm na, các quốc gia áp dụng nguyên tắc Tam Quyền Phân Lập để thành lập chính quyền sẽ tồn tại ba cơ quan nắm giữ ba quyền lực căn bản của quốc gia: Quốc hội giữ quyền lập pháp, chính phủ giữ quyền hành pháp và tòa án giữ quyền tư pháp. Ba cơ quan này hoàn toàn độc lập với nhau, có thể giúp kềm chế và đối trọng với nhau. Đặc biệt, sự phân chia quyền lực đã trở thành giải pháp hoàn hảo, khắc chế nạn chuyên chế, độc tài quyền lực quốc gia.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia áp dụng nguyên tắc tam quyền phân lập triệt để.

Đến đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, giới báo chí Hoa Kỳ đã lập công lớn khi thông tin công khai cho công chúng biết về vụ bê bối chính trị Watergate làm rúng động chính trường, khiến tổng thống Nixon sau đó phải chọn giải pháp từ chức để tránh một vụ luận tội có tính cách nghiêm trọng.Nhờ tính cách độc lập của báo chí tạo nên nền tảng sức mạnh có khả năng khuynh đảo xã hội một cách ngoạn mục của báo chí Hoa Kỳ, mà từ dịp đó, công chúng đã phải thừa nhận báo chí nắm giữ vai trò quyền lực quốc gia thứ tư bên cạnh ba vài trò quyền lực quốc gia truyền thống theo hiến pháp.
Nói báo chí nắm giữ quyền lực thứ tư là đúng với các quốc gia thiết lập chính quyền trên căn bản nguyên tắc tam quyền phần lập. Nhưng hoàn toàn sai với thực trạng chính trị và luật pháp Việt Nam.
Vì lẽ, ở VN không có báo chí tư nhân có vị thế độc lập, mà tuyệt đối khoảng non ngàn tờ báo cùng các đài truyền thanh, truyền hình đều là “con đẻ” của chính quyền, lệ thuộc vào chính quyền và ngoài chức năng thông tin, thì báo chí còn là cơ quan ngôn luận, tuyên truyền của đảng, chính quyền và các tổ chức thuộc chính quyền (Luật báo chí).
Không có vị thế độc lập, phải lệ thuộc vào chính quyền và bị giới hạn hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, cho nên, báo chí VN không có nền tảng sức mạnh có khả năng gây khuynh đảo chính trị xã hội quốc gia để trở thành một đối trọng quyền lực như một quyền lực quốc gia. Hơn nữa, hiến pháp quy định thiết lập chính quyền Việt Nam chỉ có một quyền lực quốc gia duy nhất là quốc hội nắm giữ, nhưng do Đảng CS lãnh đạo. Thế nên, không có sự tồn tại quyền lực quốc gia thứ hai, thứ ba để có thể gọi báo chí VN là quyền lực thứ tư!
Báo chí VN là “con đẻ” của chính quyền, tuy rằng thành ngữ VN có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”, thế nhưng, báo chí VN lúc này chẳng có cái phúc ấy!
Báo chí VN có thể trở thành một đối trọng quyền lực quốc gia chỉ khi nào họ độc lập, đồng thời, khi mà họ làm được điều phi thường, ngoạn mục như báo chí Hoa Kỳ đã làm trong vụ Watergate, thì khi ấy, công chúng chẳng hẹp hòi gì mà thừa nhận ngay vị trí quyền lực quốc gia thứ hai của báo chí bên cạnh Đảng CS. Thế nhưng, điều đó là chuyện viễn tưởng vào lúc này, nói bắt vịt trời, có lẽ còn dễ tin hơn?

Posted by adminbasam
LS Đặng Đình Mạnh
21-6-2016