Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao)
- Cuộc bầu cử ngày 8/11/2015 vừa qua đánh dấu một bước tiến ngoạn mục
của phong trào dân chủ tại Miến Điện. Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (
National League for Democracy) do bà Aung San Suu Kyi chiến thắng rực rỡ
tại cả ba cấp của Quốc Hội và chiếm 238/298 ghế ở Hạ Viện, 110/133 tại
Thượng Viện và 401/522 tại Nghị Viên bang và các vùng. Trong khi đó,
Đảng Đoàn Kết và Phát Triển Liên Bang (Union Solidarity and Development
Party) do quân đội hậu thuẫn chỉ có lần lượt 28, 12 và 61 ghế. Các đảng
nhỏ khác chia nhau 32, 11 và 60 ghế còn lại. Có nghĩa là Đảng của bà Suu
Kyi sẽ nắm quyền không chỉ tại Quốc Hội và chính phủ Trung Ương mà còn ở
nghị viện và chính quyền các bang và khu vực trong một thể chế đa
nguyên và đa đảng mở ra một tương lai sáng sủa cho đất nước có 55 triệu
dân sau hơn nửa thế kỷ đắm chìm trong chế độ độc tài quân phiệt.
Miến điện có 153 sắc tộc khác nhau chia thành 8 nhóm chính. Bamar chiếm
đa số với khoảng 68%. Tiếp theo là Shan (9%) và Kayin (7%). Miến Điện
trở thành thuộc địa của Anh sau ba cuộc chiến tranh Anh - Miến từ 1824
đến 1885. Lúc đầu, Anh coi Miến Điện như là một tỉnh của Ấn Độ. Tới ngày
1/4/1937 thì Anh mới chính thức đặt Miến Điện thành một thuộc địa riêng
biệt và bổ nhiệm Ba Maw làm thủ tướng đầu tiên. Nhưng Ba Maw phản đối
việc Anh ép buộc Miến Điện tham gia vào Đệ Nhị Thế Chiến và bị bắt giữ.
Nhật Bản chính thức gia nhập vào cuộc chiến năm 1940. Aung San, cha của
bà Aung San Suu Kyi thành lập Quân Đội Miến Điện bắt đầu với 30 binh sĩ
chống thực dân Anh để giành độc lập vào năm 1941 dưới sự giúp đỡ của
Nhật.
Miến Điện mau chóng trở thành bãi chiến trường và bị tàn phá thảm khốc
sau khi Nhật đưa quân vào đánh với quân Anh. Chỉ trong vài tháng thì
quân Anh tan rã. Quân Nhật tiến chiếm thủ đô Rangoon và tái bổ nhiệm Ba
Maw lãnh đạo Hành Pháp Miến Điện vào tháng 8 năm 1942. Cuối năm 1944,
quân đội đồng minh Anh và Mỹ bắt đầu phản công và tới tháng 7 năm 1945
thì đánh bại quân Nhật. Quân Đội Miến Điện tham chiến bên cạnh Nhật từ
năm 1942 đến 1944 nhưng sau đó quay sang hợp tác với quân đồng minh đánh
lại Nhật.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Aung San thương lượng Thỏa Thuận Panglong
với các lãnh tụ của các sắc tộc để bảo đảm Miến Điện sẽ giành được độc
lập trong tư thế của một quốc gia thống nhất. Aung San trở thành Phó Chủ
Tịch Hội Đồng Hành Pháp lâm thời vào năm 1947. Nhưng tới tháng 7 năm
đó, Aung San cùng với một số thành viên Nội Các của ông bị phe đối lập
ám sát.
Miến Điện chính thức trở thành một nước cộng hòa độc lập vào ngày
4/1/1948. Sao Shwe Taik là tổng thống và U Nu là thủ tướng đầu tiên của
Cộng Hoà Miến. Quốc Hội Lưỡng Viện được thành lập và bầu cử đa đảng được
tổ chức vào các năm 1951, 1952, 1956 và 1960.
Vào ngày 2/3/1962, Tướng Ne Win dẫn đầu cuộc đảo chính và quân đội lên
nắm chính quyền. Từ năm 1962 đến 1974, quân đội cai trị quốc gia qua Hội
Đồng Cách Mạng dưới sự lãnh đạo của các tướng lãnh. Tất cả doanh nghiệp
bi quốc hữu hóa để thực hiện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo
cách của Miến Điện. Quân đội ban hành Hiến Pháp mới của Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Liên Bang Miến Điện vào năm 1974 và thành lập Đảng Chương
Trình Xã Hội Miến Điện (Burma Socialist Programme Party). Như các thể
chế chủ nghĩa xã hội khác gồm có Việt Nam, Đảng này độc quyền cai trị
Miến Điện dẫn đến hậu quả là Miến Điện trở thành một trong những nước
nghèo nhất thế giới. Nếu như vào năm 1962, GDP bình quân mỗi đầu người
của Miến Điện là 670 Mỹ kim hàng năm cao gấp đôi Thái Lan và gấp ba Nam
Dương thì tới năm 2010, GDP của Miến Điện chỉ có 741 Mỹ kim cho mỗi đầu
người, còn thấp hơn cả Lào và Cao Miên trong khối ASEAN.
Sinh viên đóng vai trò quan trọng trong lịch sử dân chủ hóa của Miến
Điện. Vào ngày 7/7/1962, sinh viên tổ chức biểu tình tại Đại Học Rangoon
nhưng bị đàn áp và 15 sinh viên bị cảnh sát bắn chết. Các cuộc biểu
tình của sinh viên trong những năm 1975, 1976 và 1977 đều bị đàn áp dã
man. Vào ngày 8/8/1988, sinh viên Đại Học Rangoon mở màn cho cuộc Nổi
Dậy 8888 bằng hàng loạt các cuộc biểu tình, xuống đường phản đối chế độ
quân phiệt. Vào ngày 22/8/1988, hơn 100,000 người gồm có các nhà sư
xuống đường biểu tình tại thành phố Mandalay và 50,000 tại Sittwe. Vào
ngày 26/8/1988, Aung San Suu Kyi, mới trở về Miến Điện từ Anh Quốc để
thăm mẹ đang bệnh nặng bước vào vòng chiến khi bà xuất hiện và phát biểu
trước nửa triệu người dân tại Chùa Shwedagon. Định mệnh an bài là con
gái của Aung San vị anh hùng dân tộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc
sẽ tiếp nối di sản của cha để dẫn dắt Miến Điện thoát khỏi chế độ độc
đảng, quân phiệt.
Vào ngày 18/9/1988, Tướng Saw Maung đảo chánh, phế bỏ Hiến Pháp 1974 và
thành lập Hội Đồng Phục Hồi Trật Tự và Luật Pháp Nhà Nước (State Law and
Order Restoration Council). Hội Đồng này ban hành thiết quân luật và ra
lệnh cho quân đội nổ súng vào đoàn người biểu tình. Ước lượng có từ
3,000 tới 10,000 người bị giết khi cuộc Nổi Dậy bị dặp tắc vào ngày
21/9/1988.
Trong bối cảnh chính trị và an ninh hỗn loạn, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân
Chủ được thành lập vào ngày 27/9/1988. Aung San Suu Kyi được bầu làm
Tổng Thư Ký nhưng sau đó bị án quản thúc vào tháng 7 năm 1989. Hội Đồng
Phục Hồi Trật Tự và Luật Pháp Nhà Nước đổi tên nước thành Liên Bang Miến
Điện (bỏ Chủ Nghĩa Xã Hội) vào năm 1989 và tổ chức bầu cử tự do vào
tháng 5 năm 1990. Đây là cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong hơn 30 năm. Vì
án quản thúc, Suu Kyi không thể ra ngoài mà phải vận động tranh cử ngay
trong nhà.
Trái với dự đoán của các tướng lãnh, kết quả là Liên Đoàn Quốc Gia vì
Dân Chủ thắng 392/492 ghế (80%). Nhưng chính quyền quân phiệt không chịu
trao quyền lực và hủy bỏ kết quả bầu cử. Chẳng những thế, một số đông
thành viên của Liên Đoàn vừa mới đắc cử cũng bị bắt bỏ tù.
Miến Điện gia nhập ASEAN vào năm 1997. Vào ngày 30/8/2003, Tướng Khin
Nyunt công bố lộ trình dân chủ 7 bước gồm có: (1) triệu hồi Quốc Hội đã
bị đình chỉ từ 1996, (2) triệu tập Hội Nghị Quốc Gia để thảo luận về hệ
thống dân chủ, (3) soạn thảo Hiến Pháp dân chủ mới dựa trên đề nghị của
Hội Nghị, (4) tổ chức trưng cầu dân ý để thông qua Hiến Pháp mới, (5) tổ
chức bầu cử tự do và công bằng theo Hiến Pháp mới, (6) triệu tập Quốc
Hội mới sai khi có kết quả bấu cử và (7) Quốc Hội mới đề cử chính phủ
lãnh đạo quốc gia theo thể chế dân chủ mới. Những điểm nêu ra trong lộ
trình này đều có vẻ hợp lý nhưng không có thời hạn nào được đặt ra cả.
Do đó, nhiêu người vẫn nghi ngờ về sự thành tâm của các tướng lãnh.
Năm 2007, chính quyền quyết định tăng giá dầu và xăng mà nhà nước độc
quyền cung cấp lên tới 100% làm cho đời sống của thường dân vốn đã khó
khăn càng thêm khốn khổ. Hàng ngàn nhà sư xuống đường biểu tình phản
đối. Hiện tượng này còn được gọi là cuộc Cách Mạng Cà Sa. Hưởng ứng lới
kêu gọi của các nhà sư, hơn 100,000 người cùng với 2,000 nhà sư xuống
đường tuần hành qua thành phố Rangoon trong tháng 9 năm 2007. Chính
quyền phản ứng bằng cách nổ súng bắn chết hàng chục người và bắt giam
hàng trăm người tham dự cuộc tuần hành.
Nạn nhân tai do chế độ độc đảng quân phiệt gây ra chưa đủ mà Miến Điện
còn phải đối phó với thiên tai. Cơn bão Nargis vào tháng 5 năm 2008 cướp
đi sinh mạng của 130,000 người và hủy diệt nhà cửa của hơn một triệu
dân. Tổng số thiệt hại lên tới 10 tỷ Mỹ kim. Đã vậy mà chính quyền còn
ngăn cản các tổ chức từ thiện quốc tế nóng lòng đến Miến Điện để cứu trợ
vì không muốn cho thế giới bên ngoài thấy cuộc sống khốn khổ của người
dân Miến Điện.
Chính quyền tổ chức trưng cầu dân ý thông qua Hiến Pháp 2008 dẫn đến
cuộc bầu cử vào ngày 7/11/2010. Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ tẩy chay
cuộc bầu cử này vì phần đông thành viên của họ vẫn còn đang bị giam giữ
trong tù. Đảng Đoàn Kết và Phát Triển Liên Bang do quân đội lập ra thắng
80% số phiếu nhưng bị Liên Hiệp Quốc và một số quốc gia phương tây lên
án cho rằng đây là một cuộc bầu cử gian lận. Sau cuộc bầu cử này, Quốc
Hội được triệu tập và đề cử Thein Sein làm Tổng Thống.
Aung San Suu Kyi được trả tự do vào ngày 13/11/2010 và họp mặt với Tổng
Thống Thein Sein trong một tiếng đồng hồ vào ngày 18/8/2011. Sau đó,
Thein Sein tiến hành chính sách cải cách dân chủ hóa gồm có trả tự do
cho một số tù nhân lương tâm, cho phép thành lập công đoàn độc lập và tự
do báo chí.
Đầu tháng 10 năm 2011, Tổng Thống Thei Sein bất ngờ tuyên bố đình chỉ dự
án thủy điện Myitsone có giá trị khoảng 3.6 tỷ Mỹ kim, bất chấp sự phản
đối quyết liệt của Trung Quốc. Sự kiện này có thể được coi là một quyết
định "thoát Trung" dứt khoát của Miến Điện vì sau bao nhiêu năm bị thế
giới cô lập, Miến Điện đã ngày càng lệ thuộc vào Bắc Kinh. Trung Quốc
hầu như độc quyền khai thác gỗ quý và khoáng sản và là nhà đầu tư nước
ngoài lớn nhất chiếm khoảng 70% thị trường đầu tư nước ngoài.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton viếng thăm Miến Điện vào tháng 12
năm 2011. Vào ngày 1/4/2012, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ tham gia vào
cuộc bầu cử bổ túc và thắng 43/45 ghế. Vào ngày 19/11/2012, Tổng Thống
Obama thực hành chuyến viếng thăm lịch sử tới Miến Điện.
Con đường đi đến dân chủ thành công của Miến Điện đầy rẫy gian nan và
được thắm bằng máu của các thế hệ trẻ gồm có sinh viên và các vị lãnh
đạo tinh thần nhà sư Phật Giáo. Tuy vẫn còn một vài hệ lụy nhưng tiến
trình cải cách của Miến Điện theo xu thế dân chủ hoá là không thể đảo
ngược. Có khoảng hai triệu người Miến sinh sống tại hải ngoại. Một số
đông sẽ quay về để góp phần xây dựng đất nước. Theo báo cáo của McKinsey
Global Institute 2013, GDP của Miến Điện ước lượng có thể tăng gấp bốn
lần vào năm 2030 nhờ vào cải cách dân chủ hóa.
Thein Sein đã xuống tóc đi tu chỉ vài ngay sau khi ông mãn nhiệm chức vụ
Tổng Thống. Tên ông sẽ gắn liền với lịch sử dân chủ của dân tộc Miến
Điện. Nhưng phong trào dân chủ Miến Điện có đủ hai yếu tố cần thiết là
lãnh đạo và tổ chức. Bà Aung San Suu Kyi là biểu tượng dân chủ và Liên
Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đã tạo điều kiện cho phong trào có thể tận dụng
thời cơ đưa đất nước vượt qua vũng lầy tăm tối của thể chế độc quyền,
độc đảng.
Việt Nam cũng có một số điểm tương đồng với Miến Điện. Từ sau 1975, Việt
Nam vẫn chìm đắm trong một thể chế độc quyền, độc đảng. Không có bầu cử
dân chủ cũng như tự do báo chí độc lập do tư nhân làm chủ. Như Miến
Điện, kinh tế Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.
Nhưng khác với Miến Điện, phong trào dân chủ Việt Nam không có lãnh đạo
và tổ chức. Hay nói một cách khác, Đảng Cộng Sản Việt Nam khác với chính
quyền quân phiệt Miến Điện đã không cho phép bất cứ tổ chức dân chủ nào
có cơ hội sinh sôi nảy nở.
Có lẽ con đường dân chủ hóa để thoát Trung của Việt Nam vẫn còn mãi xa vời!
26.06.2016