26/6/16

KHẢ NĂNG TU CHÍNH ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP BẰNG TRƯNG CẦU DÂN Ý

Tòa Đô Chánh Sài Gòn ngày 26-10-1955 - Ngày Khai Sinh Nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa
Ảnh chụp kết quả trưng cầu dân ý ngày 26-10-1955 tại Tòa Đô Chánh Sài Gòn. Ngày này sau đó được chọn làm ngày khai sinh nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa. Nguồn: internet.

Người Anh thường được nhắc đến với bản tính bảo thủ cố hữu của mình, nhưng vào hạ tuần tháng 06/2016 họ phải trực tiếp biểu thị ý kiến để quyết định một sự thay đổi tương lai của đất nước là nên ở lại hay rời khỏi Liên minh Châu Âu bằng một cuộc trưng cầu dân ý!
Trưng cầu dân ý là một thủ tục đặc biệt để công dân trực tiếp thực hiện quyền dân chủ của mình thay vì gián tiếp thông qua quốc hội để quyết định (mang tính cách cưỡng hành) hoặc cho ý kiến (mang tính cách tham khảo) về một vấn đề hệ trọng với tương lai đất nước.
Từ câu chuyện trưng cầu dân ý của nước Anh, tôi muốn thử mưu tìm khả năng trưng cầu dân ý ở Việt Nam về những vấn đề quan trọng tương tự của đất nước.
Như thường lệ, thế giới văn minh có những chế định dân chủ nào thì Việt Nam cũng sẽ “sắm sửa” cho mình chế định dân chủ đó. Trong khi chờ đợi một Luật biểu tình chửa trâu mãi chưa sinh, thì một Luật trưng cầu ý dân cũng đã được ban hành, có hiệu lực trong một vài ngày nữa (01/07/2016) ngay sau sự kiện nước Anh vừa vận dụng thủ tục trưng cầu dân ý.
Một khi Luật trưng cầu ý dân có hiệu lực pháp luật, theo đó, nếu “đặt hàng” vấn đề hệ trọng nào của đất nước cần đưa ra trưng cầu dân ý, tôi tin chắc không ít người đề nghị trưng cầu dân ý các vấn đề sau:

– Tu chính điều 4 của hiến pháp, trong đó, có nội dung quan trọng nhất hiện đang quy định: “Đảng CS VN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
– Hoặc, chấp nhận khả năng tham gia một liên minh quân sự để nâng cao năng lực quốc phòng của xứ sở trước đại họa xâm lăng của Trung Cộng đang hiển hiện.
Bởi lẽ, đối với hai vấn đề vừa nêu trên, thì chủ trương hiện có đều là ý chí của Đảng CS chứ không phải hoàn toàn là ý chí của người dân. Tuy vấn đề một đã được hợp thức hóa thông qua hiến pháp do quốc hội ban hành, nhưng với giới hạn của luật bầu cử bấy lâu nay khiến quốc hội tựa như một tổ chức gồm các ủy viên trung ương Đảng CS mở rộng, thì tất nhiên, điều 4 được thông qua là do tuyệt đại đa số đảng viên trong quốc hội bỏ phiếu tán thành. Cho nên, nói đó là ý chí của người dân là sự khiên cưỡng khó được chấp nhận.
Nếu Đảng CS chấp nhận một cuộc trưng cầu dân ý về hai vấn đề nêu trên, thì lợi ích với đất nước và nhất là với Đảng CS sẽ hết sức to lớn. Bởi lẽ, nếu lòng dân bỏ phiếu thuận cho việc giữ nguyên điều 4 hiến pháp, thì sự lãnh đạo “Nhà nước và xã hội” của Đảng CS sẽ là sự chính danh một cách công nhiên, phủ nhận mọi “lời ong, tiếng ve” hoặc không cần phải viện dẫn đến “vai trò lịch sử” mơ hồ, hay quá khứ vẻ vang gì đó mà cho đến nay, vẫn có nguyên sự ngờ vực, tranh cãi liên miên không dứt.
Nếu lòng dân không thuận, tự khắc Đảng CS phải cáo chung sự chuyên chế mà khôi phục trở lại các định chế dân chủ.
Cũng như thế đối với vấn đề tham gia liên minh quân sự để nâng cao năng lực quốc phòng của xứ sở trước đại họa xâm lăng hiển hiện của Trung Cộng.
Về lý thuyết, theo văn bản luật thì hai vấn đề vừa nêu hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật trưng cầu ý dân đã dự liệu tại khoản 1 và khoản 2, thuộc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu dân ý (điều 6 luật đã thượng dẫn), cụ thể như sau:
“Điều 6. Các vấn đề trưng cầu ý dân
Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây:
  1. Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;
  2. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;
  3. Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;
  4. Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.”
Lý thuyết nói là vậy, trong thực tế, dưới sự lãnh đạo Nhà nước, cụ thể thông qua quốc hội của Đảng CS thì nội dung Luật trưng cầu ý dân sắp có hiệu lực đã tuyệt đối loại bỏ mọi khả năng tu chính điều 4 hiến pháp hoặc các vấn đề khác bằng thủ tục trưng cầu dân ý nếu trái với ý chí của Đảng CS.
Theo văn bản luật, sáng quyền đặt vấn đề trưng cầu dân ý thuộc về: Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội (100% là đảng viên CS), Chủ tịch nước (đảng viên CS), Chính phủ (100% là đảng viên) hoặc một phần ba tổng số đại biểu quốc hội (hơn 96% là đảng viên CS). Mà theo đó, đảng viên thực hiện sáng quyền đề nghị tu chính điều 4 hiến pháp bằng thủ tục trưng cầu dân ý có khả năng đe dọa đến những ưu quyền mà họ đang thụ hưởng hoặc trái với ý muốn của Đảng CS là điều không tưởng một cách tuyệt đối.
Cho thấy, tuy vấn đề tu chính điều 4 hiến pháp hay vấn đề chấp nhận khả năng liên minh quân sự có thể là điều cần thiết, chính đáng, nhưng thực thi để trở thành một sáng quyền đề nghị trưng cầu dân ý theo luật là hoàn toàn không khả thi đối với thực trạng quốc hội hiện nay, khó khăn hơn cả “đội đá, vá trời”!?
Vẫn tuân thủ triệt để lý thuyết cộng sản coi luật pháp là công cụ của giai cấp thống trị, thì Luật trưng cầu ý dân hiện nay như con cá gỗ trong mâm cơm thầy đồ xứ Nghệ, trông tươm tất, chỉ có thể ngắm cho no con mắt, nhưng … không no được cái bụng.
Khi tôi viết những dòng này thì đã có kết quả trưng cầu dân ý của người dân Anh quốc về vấn đề Brexit của họ: Anh Quốc không còn là một phần của khối Liên hiệp Châu Âu nữa … Tương lai bất định đối với xứ sở mặt trời không bao giờ lặn, nhưng phải chúc mừng người dân Anh đã có một luật trưng cầu dân ý đích thực và hữu hiệu để họ có thể trực tiếp thực hiện quyền làm chủ xứ sở! 

Posted by adminbasam
LS Đặng Đình Mạnh
27-6-2016