Sài Gòn, ngày 19 tháng 6 năm 2016
Thưa ba,
Hôm nay, nhân là ngày lễ của cha, cũng là ngày kỷ niệm quân lực Việt Nam
Cộng Hòa, con xin viết vài dòng cho ba, người lính Sư Đoàn 22 bộ binh
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ba ơi, tới hôm nay cũng ngót nghét gần 4 năm ba bị bắt vì những bài viết
kêu gọi mọi người chống Trung Quốc, chỉ rõ nguy cơ mất nước, kêu gọi
bầu cử tự do để hầu mong mang lại những quyền căn bản cho người dân. Ba
đã lên tiếng không mệt mỏi, viết bằng tất cả chân tình của một người
lính không muốn dân tộc lầm than, không muốn đất mẹ Việt Nam phải khóc.
Thế mà chình quyền lại can tâm bắt ba với một điều luật mơ hồ: Âm mưu
lật đổ chính quyền nhân dân!
Con phải tự hỏi rằng chính quyền nhân dân ấy, thì lẽ ra khi có ai đó nói
tiếng nói của nhân dân, đòi hỏi quyền lợi cho nhân dân, thì họ phải
lắng nghe. Nhưng đằng này họ lại bắt bớ tù đày ba với bản án 15 năm tù
năm.
Ba ơi! 15 năm có dài quá không so với công việc mà ba làm vì lương tâm?
Con thấy nó quá dài ba à. Không một đất nước nào mà chính quyền vì dân
lại đem bỏ tù một người chỉ lên tiếng kêu gọi thay đổi, đã vậy lại còn
kết án rất nặng nề. Với một người đã gần 70 tuổi, tay không tấc sắt như
ba thì làm sao có thể lật đổ một chính quyền?
Ba ơi, dạo này nắng mưa thất thường, năm nay nắng nóng không biết sức
khỏe ba ra sao? Lúc còn ở nhà, mấy ngày nắng nóng ba mệt lắm, tuổi cao
sức yếu, gặp trời nắng nóng khắc khiệt thì sao mà chịu nổi chứ. Đã vậy,
giờ ba đang ở trong tù, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện nhà tù thiếu
thốn trăm bề thì sức khỏe ba sao đây!
Đi thăm nuôi mà nghe tin ba bị đột quỵ, con đau lòng quá. Ba đã lớn tuổi
sức khỏe yếu. Với tuổi này đáng lẽ ba phải được ở gần con cái để có thể
lo cho ba sớm hôm trái gió trở trời. Mà đằng này ba không được như thế.
Trong trại thuốc men thiếu thốn, y bác sỹ của trại cũng không thể trợ
giúp gì nhiều. Và lúc ba bị đột quỵ, nếu không nhờ bạn tù thông báo, có
lẽ giờ con không thể biết mà viết những dòng này cho ba.
Ba ơi, mẹ năm nay cũng đã bước qua tuổi 60 rồi. Thế mà ba và mẹ lại
không được gần nhau để chăm sóc nhau. Người thì sức khỏe yếu, phải sống
trong lao tù với điều kiện khắc nghiệt, người ở ngoài thì mang trong
người bệnh hiểm nghèo. Mỗi lần đi thăm ba, trước ngày thăm, mẹ phải thức
khuya dậy sớm để mua được miếng thịt ngon, con cá tươi để cho ba ăn. Cả
tuần mẹ tất bật, hết làm thứ này đến thứ khác cho ba. Mẹ nói: "Ổng dễ ăn lắm, nấu cái gì mềm mềm là ăn được hết, nay răng cỏ yếu ớt rồi". Mẹ tận tay lặt từng cọng rau sống để mang cho ba, mẹ nói: "Trong trại rau không được ngon, thiếu chất, lặt cẩn thận cho ổng ăn được lâu ngày."
Hôm nay Sài Gòn bắt đầu mùa mưa, những cơn mưa chợt đến rồi chợt đi mang
theo nỗi buồn. Ba ơi, tóc ba đã bạc, chân đã yếu. Ba ở trong tù, nơi
khắc nghiệt đối với rất nhiều người trẻ còn chịu không được, huống gì là
ba, lỡ một ngày nào đó ba té ngã, con làm sao đỡ dìu cho ba? Lần này ba
bị tai biến nhờ bạn tù phát hiện kịp nhưng may lỡ như... Thôi, con
không dám nói chữ "lỡ" nữa.
Ba ơi, biết bao giờ đất nước mình được tự do? Bao giờ những người liêm
chính không phải chịu tù đầy khổ ai nữa hả ba? Hình ảnh người cha một
mình sau song sắt nhà tù, con thấy đau lắm ba ơi. Một người lính gắn
liền cuộc đời tuổi trẻ cho tự do đất nước mà giờ này khi tuổi cao sức
yếu lại phải xa gia đình chỉ vì tiếng nói lương tâm!
Con ước ao, khi mặt trời ló dạng, con được gặp ba, được cầm đôi tay ba,
đôi tay đã chai sạn vì nắng gió cuộc đời. Mà ước mơ này không biết đến
bao giờ mới được. Có lẽ nó xa quá ba à.
Con mong ba có thể kéo dài sự sống nơi chốn lao tù, để con có thể gặp ba
trong những lần thăm nuôi, được nói chuyện với ba, dù rằng ba và con
chỉ có thể nhìn nhau sau song sắt.
Con