Mẹ Nấm (Danlambao)
- Chiều 22/6/2016, cá bớp nuôi lồng bè tại vùng biển dưới chân hải đăng
Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) chết hàng
loạt. Đây là thứ ba liên tiếp xảy ra hiện tượng cá được nuôi trong lồng
bè trên biển chết từ tháng 4 đến nay.
Trước đó, ngày 30/4/2016, tại khu vực Hòn Thị, đầm Nha Phu (xã Vĩnh
Lương, TP Nha Trang), hàng trăm lồng cá nuôi bè chết hàng loạt. Nguyên
nhân ban đầu được xác định cá chết là do nhiễm khuẩn nặng, thiếu oxy.
(1)
Ngày 11/6/2016, tại huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), hiện tượng cá bớp
nuôi lồng chết hàng loạt bước đầu được chẩn đoán “có thể bị sốc nhiệt do
nắng nóng kéo dài”. Tuy nhiên theo người dân địa phương, phỏng đoán do
dòng hải lưu nóng gây cá bớp chết là thiếu căn cứ khoa học. Từ trước đến
nay, dòng hải lưu nóng chưa gây ra hiện tượng cá biển chết bao giờ.
Thông thường hải lưu nóng không quá 25 độ C nên khó gây cho sinh vật,
thủy sản chết hàng loạt. (2)
Chỉ trong 2 ngày từ sáng 21/6 đến chiều 22/6, tổng lượng cá chết tại xã
Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam ước tính khoảng 3.500 con (ước 10 tấn);
thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Sáu, người nuôi cá bị tổn thất cầu cứu: “Thiệt hại đến
giờ đến hàng tỉ đồng rồi. Chúng tôi nuôi cá đều phải vay ngân hàng nên
rất khổ. Mong cơ quan nhà nước làm rõ nguyên nhân cá chết giúp chúng
tôi. Trước giờ có chết cũng chỉ vài con, chưa bao giờ nhiều như thế này.
Xin giúp tôi với”.
Tôi không biết, liệu hôm qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đọc được lời kêu cứu này hay không khi ông tự nhận: “ngày nào cũng đọc và theo dõi tin tức trên báo chí để từ đó nắm bắt mọi ý kiến cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân” (3)
Liên quan đến sự việc cá chết trong đợt thảm họa môi trường tại 4 tỉnh
ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế
vừa qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra dẫn chứng cụ thể rằng “nhiều
địa phương chưa nhận thức được vấn đề nghiêm trọng thế nào, cũng chưa
kịp thời báo cáo sự việc, nhưng nhờ báo chí Thủ tướng nhanh chóng nắm
bắt sự việc và chỉ đạo quyết liệt tìm ra nguyên nhân và sẽ công bố.”
Không rõ Thủ tướng nhanh chóng nắm bắt sự việc và quyết liệt thế nào,
đến nay đã là ngày thứ 79 cá chết chưa rõ nguyên nhân, và các cơ quan
chức năng còn nợ nhân dân một câu trả lời sòng phẳng.
Năm 2016, hàng loạt sự cố liên quan đến môi trường xảy ra, thiệt hại
nặng nề nhất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, ảnh hưởng
đến tâm lý của toàn xã hội chính là thảm họa môi trường tại 4 tỉnh ven
biển miền Trung hồi tháng Tư. N
Như thường lệ, chính phủ im lặng, và sử dụng nhiều phương thức để che
dấu sự thật. Sau hàng loạt bản tin về việc cá chết bất thường, san hô,
giáp xác tầng đáy chết, biển ô nhiễm, kim loại nặng phát hiện trong
nước, phenol phát hiện trong mẫu cá chết… Mê cung thông tin do các cơ
quan truyền thông dưới sự lãnh đạo của ban Tuyên giáo được dựng lên.
Những thông tin gần đúng sự thật được hé lộ, tranh cãi xảy ra, và phân
khúc thông tin bắt đầu được chia phần.
Bên cạnh việc sử dụng thủ thuật tung hỏa mù thông tin trên phương tiện
đại chúng, các chiêu thức chụp mũ, đàn áp và bắt bớ cũng được áp dụng
triệt để. Và người ta từ từ bị kéo xa dần khỏi mục tiêu tìm kiếm sự thật
ban đầu. Người dân mệt mỏi, sợ hãi và bắt đầu nản chí khi yêu cầu nhà
nước minh bạch thông tin liên quan đến thảm họa môi trường.
Ngày thứ 79 cá chết không có lý do, tôi thực sự muốn biết Thủ tướng và
bộ sậu của mình tâm tư đến cỡ nào khi phớt lờ các câu hỏi của người dân
và tiếp tục diễn trò trên báo chí?
Cá không tự nhiên chết, Thủ tướng đừng quyết liệt hô hào nữa và hãy có câu trả lời cho người dân.
23.6.2016
Mẹ Nấm
danlambaovn.blogspot.com
______________________________________
23.6.2016
danlambaovn.blogspot.com
______________________________________
Chú thích: