26/6/16

Khánh Hoà: "Phép vua thua lệ làng"?

Photo: Nam Huynh
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Mặc dù nhiều báo đưa tin "Thu hồi giấy phép công ty Silent Bay" từ hôm 21/6/2016 do vi phạm nhiều quy định quản lý nhà nước về hoạt động lữ hành quốc tế và có biểu hiện lừa đảo. Tuy nhiên trên thực tế công ty này vẫn hoạt động bình thường.
Ảnh chụp sáng nay (ngày 26/6/2016), tại khu An Viên cho thấy hướng dẫn viên Trung Quốc (quần đùi cam) vẫn có hoạt động đưa đón khách đến các điểm du lịch.
Photo: Nam Huynh
Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay, do bà Huỳnh Thị Minh Thanh, vợ ông Trương Đăng Tuyến (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, vừa nghỉ hưu). Công ty này có giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế, giám đốc hiện nay là ông Trương Đăng Vũ Thụy, con trai ông Tuyến.
Photo: Nam Huynh
Sự việc công ty TNHH Silent Bay tiếp tay cho lao động Trung Quốc trái phép tại tỉnh Khánh Hòa chỉ bị phanh phui khi chính Công ty Du lịch quốc tế Chengdu (Công ty Chengdu, Trung Quốc), có đơn “xin hỗ trợ” gửi Bộ Công an và UBND tỉnh Khánh Hòa nhờ can thiệp để công ty này kinh doanh du lịch tại Việt Nam.
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, ông Wang Tao, Phó Giám đốc Công ty Chengdu cho biết theo thỏa thuận, Công ty Chengdu trả phí 500.000 USD/năm cho Công ty Silent Bay (trả trước 100.000 USD, còn lại mỗi tháng sẽ trả 40.000 USD). Công ty Silent Bay bảo đảm các thủ tục tạm trú hợp pháp và an toàn ở TP Nha Trang cho tất cả nhân viên của Công ty Chengdu. Ngày 4-2-2016, đại diện Công ty Silent Bay mời ông Yang Ziming đến họp và yêu cầu trả thêm cho Công ty Silent Bay 500.000 USD/năm gọi là phí bảo kê.
Trên thực tế hợp đồng hợp tác theo ý đồ của các công ty Trung Quốc chính là kiểu góp vốn vào công ty, sau đó sẽ đứng sau điều hành các công ty do người Việt làm chủ bằng cách hướng dẫn viên vào thực hiện hết các dịch vụ rồi sẽ chi lại một khoản hoa hồng nhất định.
Hiện nay tình trạng khách du lịch Trung Quốc tràn ngập Nha Trang là một bài toán khó cho các cơ quan chức năng về phương thức quản lý, giữ gìn hình ảnh thành phố du lịch thân thiện, thu hút cân bằng lượng khách quốc tế đến thăm.
Việc gia đình cựu giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa tiếp tay với doanh nghiệp Trung Quốc, bảo kê cho các giao dịch lao động phi pháp cho thấy rằng rối loạn xã hội tại thành phố biển Nha Trang phần lớn bắt nguồn từ những người có địa vị và quyền lực trong xã hội. (1)
Nghĩ cũng lạ, cách đây vài năm, in cái áo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam thì bị bắt, bị giam giữ. 
Nay tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc đưa lao động nước ngoài đến làm việc bất hợp pháp thì vẫn an nhiên.
Có địa vị, được bảo kê bán cái gì cũng dễ, kể cả bán nước?
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1081232651966591&id=100002395992114

Sau Nha Trang đến Đà Nẵng loạn vì khách du lịch Trung Quốc

Đêm 14.6.2016, một du khách Trung Quốc đã có hành vi châm lửa đốt tiền Việt Nam tại quán bar TV Club trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Photo: Võ Văn Trung
CTV Danlambao - Ngày 24/6/2016, trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố nêu rõ tình trạng gia tăng lượng du khách Trung Quốc đến địa bàn mà trong đó có những biểu hiện gần như ngoài tầm kiểm soát.
Một trong những ví dụ được nêu rõ tại buổi gặp mặt là tình trạng hướng dẫn viên tiếng Trung tại Đà Nẵng đình công vì không có việc làm. 
Đây là thảm trạng đã xảy ra tại thành phố du lịch Nha Trang trong suốt 6 tháng đầu năm 2016, bởi các doanh nghiệp Trung Quốc bằng nhiều cách đã thâu tóm hết các dịch vụ tour, tạo thành đường dây khép kín và không sử dụng dịch vụ hướng dẫn viên người Việt nói tiếng Trung.
Nguy hại nhất theo thông tin từ nhiều hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung tại Nha Trang và Đà Nẵng đó là cách giới thiệu địa danh của HDV Trung Quốc khi cho rằng: “trước đây Việt Nam thuộc Trung Quốc, toàn bộ biển Đà Nẵng là của Trung Quốc…”
Đây là một trong những nguyên nhân giải thích tình trạng nghênh ngang, vô lối của du khách Trung Quốc tại Nha Trang và Đà Nẵng trong thời gian qua. Điển hình là sự việc du khách Trung Quốc có hành vi đốt tiền tại một quán bar ở Đà Nẵng.
Việc nhà cầm quyền Việt Nam mở cửa đón du khách Trung Quốc ồ ạt như hiện nay làm lộ rõ cung cách quản lý yếu kém và bị động của các cơ quan chức năng tại địa phương. Bên cạnh đó, việc các nhà quản lý du lịch nhắm mắt tiếp tay với các doanh nghiệp Trung Quốc để đưa người đến Việt Nam lao động trái phép cũng là vấn đề đáng cân nhắc. 
Tại Nha Trang, công ty TNHH Du lịch Silent Bay, do vợ ông Trương Đăng Tuyến (cựu Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa) làm chủ, đã đứng ra “bảo kê” cho người Trung Quốc đến Nha Trang lao động bất hợp pháp.
Một trong những lý do đầu tiên được đưa ra để thuyết phục thị trường du lịch Việt Nam mở cửa đón du khách Trung Quốc đó là lợi nhuận kinh tế. Tuy nhiên trên thực tế, khi người Trung Quốc sang Việt Nam núp bóng người Việt kinh doanh thì lợi nhuận thu về thực tế của Việt Nam không còn bao nhiêu. Việc quản lý, kiểm soát chi trả bằng đồng nhân dân tệ đang bị bỏ ngỏ. Khách Trung Quốc đến Việt Nam đi theo chu trình khép kín, mọi hoạt động chi tiêu đều nằm trong tầm kiểm soát của các doanh nghiệp Trung Quốc lọc lõi.
Nha Trang và Đà Nẵng sẽ thu lợi được gì khi mở cửa ồ ạt đón khách Trung Quốc?
Sẽ rất khó để trả lời câu hỏi trên với tình hình thực tế trước mắt.
Điều nguy hại gần nhất có thể thấy đó là nguồn khách du lịch từ các nước Châu Âu. Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... đã rời bỏ Việt Nam để chọn một điểm đến khác yên tĩnh và trong lành hơn.
Lợi đơn và thiệt kép về hình ảnh du lịch, nguy cơ an ninh quốc phòng là sự thật mà nhà cầm quyền Việt Nam phải đối diện và sớm giải quyết nếu không muốn rối loạn xảy ra.
26.6.2016