Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - ...Hậu
thuẫn cho chủ trương song phương hóa tranh chấp ở Biển Đông, phải chăng
Nguyễn Chí Vịnh muốn đem Biển Đảo của Việt Nam làm con dê tế thần cho
Đại Hán. Cho nên những nghi ngờ Nguyễn Chí Vịnh chính là tay chân của
tình báo Hoa Nam không phải là không có cơ sở...
*
Kể từ năm 2002, diễn đàn Shangri-La được tổ chức hàng năm, năm nay là
lần thứ 15. Nó quy tụ quan chức quốc phòng cao cấp từ 30 quốc gia châu Á
và Thái Bình Dương để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực.
Một số quốc gia không nằm trong khu vực nhưng quan tâm chủ đề an ninh
châu Á-Thái Bình Dương cũng tham gia hội nghị lần này như: Hoa Kỳ,
Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand
và Singapore. Năm nay, đoàn Trung Quốc lần đầu tiên có một Đô đốc Hải
quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa dẫn
đầu tham dự Diễn đàn. Đoàn Mỹ cũng hùng hậu không kém khi có mặt cả Bộ
trưởng Quốc phòng Ashton Carter lẫn Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng
viện John McCain.
Đối thoại Shangri-La 15 diễn ra trong bối cảnh tòa trọng tài quốc tế
chuẩn bị đưa ra phán quyết được cho là bất lợi cho Trung Quốc trong vụ
Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nhằm nắn gân Diễn đàn, Bắc Kinh tung tin sắp thiết lập Vùng nhận dạng
phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Đáp trả, vào buổi sáng trước khi Đối
thoại Shangri-La khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và
người đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen đã có chuyến bay thị sát ngoài
Biển Đông trên máy bay do thám P8 của Hoa Kỳ. Người đứng đầu Lầu Năm Góc
đồng thời tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển, và hoạt động
ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép để tất cả các nước trong
khu vực này có thể hành động giống như Mỹ”.
Trong bài diễn văn quan trọng có tựa đề ‘Mạng lưới an ninh có nguyên tắc ở châu Á-Thái Bình Dương’, ông Carter nhận định: “Đáng
tiếc là đang có sự quan ngại ngày càng lớn trong khu vực... về các hoạt
động của Trung Quốc trên biển, trong không gian ảo và trên không”.
Ông bộ trưởng nói: “Thực tế tại Biển Đông, Trung Quốc đã có nhiều
hành động mở rộng và chưa có tiền lệ, gây quan ngại về dụng ý chiến lược
của mình”. Điều này, theo ông, “đang tách riêng Trung Quốc
trong khi cả khu vực cùng hợp nhau lại”. “Nếu tiếp tục các hành động như
vậy Trung Quốc sẽ dựng bức Trường thành để tự cô lập mình”.
Một lần nữa người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định “Hoa Kỳ không phải
quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và không đứng về bên nào”,
“Thế nhưng, Hoa Kỳ sẽ cùng các đối tác trong khu vực bảo vệ các nguyên
tắc cơ bản như quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không, cũng như
giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và phù hợp luật pháp quốc
tế”.
Ông nhắn nhủ đối phương: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là quân đội hùng mạnh nhất thế giới và nhà bảo trợ chủ chốt cho an ninh khu vực trong nhiều thập niên tới”.
Đồng thanh tương ứng, đại tướng Petro Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Tổ
chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định liên minh quân sự này
sẽ có bước đi cẩn trọng với tuyên bố và động thái của Trung Quốc ở biển
Đông “vì chúng tôi không rõ về ý đồ của Trung Quốc”.
Báo Stars and Stripes hôm 6-6-2016 ghi rằng Pháp sẽ nhúng tay vào cuộc
cờ Biển Đông. Tại hội nghị an ninh ba ngày ở Singapore, Bộ Trưởng Quốc
Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi các nước Châu Âu gửi tàu chiến tới
Biển Đông theo luật biển về tự do hàng hải, và ngăn ngừa cuộc chiến
Biển Đông.
Phát biểu tại phiên toàn thể thứ hai của Hội nghị này, Bộ trưởng Quốc
phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết Tokyo lo ngại sâu sắc về những hoạt
động cải tạo nhanh chóng và quy mô lớn, cũng như việc xây dựng các tiền
đồn được sử dụng vì mục đích quân sự ở một số khu vực trong vùng biển
tranh chấp.
Bộ trưởng Nakatani nhấn mạnh “các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi
nguyên trạng và củng cố các thay đổi đó như một sự đã rồi sẽ làm chệch
hướng đáng kể trật tự biển dựa trên các nguyên tắc của cộng đồng quốc
tế”, đồng thời khẳng định các hành động như vậy đặt ra thách thức đối với trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nakatani, hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái
Bình Dương sẽ củng cố sự thịnh vượng của cả cộng đồng quốc tế, không chỉ
riêng của khu vực, vì vậy “không quốc gia nào là người ngoài cuộc trong vấn đề này”.
Trong bài phát biểu khai mạc, với tư cách là khách mời đặc biệt, Thủ
tướng Singapore Lý Hiển Long đã trình bày rõ quan điểm của Singapore về
vấn đề Biển Đông. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, tất cả các nước châu Á
đều thua thiệt nếu an ninh và ổn định khu vực bị đe dọa bởi các tuyến
đường giao thông hàng hải và hàng không chính đều qua Biển Đông.
Đúng như Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định “tất cả các nước châu Á đều
thua thiệt nếu an ninh và ổn định khu vực bị đe dọa bởi các tuyến đường
giao thông hàng hải và hàng không chính đều qua Biển Đông”, và đúng như bộ trưởng Nakatani khẳng định “không quốc gia nào là người ngoài cuộc trong vấn đề này”.
Vậy mà, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - trưởng đoàn Việt Nam tại Đối
thoại Shangri-La 15 vẫn cho rằng trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung
Quốc “cái gì giải quyết được song phương thì giải quyết song phương, cái gì cần đa phương và quốc tế hóa thì phải đa phương”.
Song phương hóa việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông vốn là âm mưu của
Trung Quốc nhằm chia để trị các nước Đông Nam Á. Thông qua “song phương
hóa” Trung Quốc dễ dàng áp đảo nước này, mua chuộc nước kia và gây nghi
ngờ, chia rẽ giữa các nước.
Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới ba nước Brunei,
Campuchia và Lào, Trung Quốc lừa bịp tung dư luận là đã đạt được 'đồng
thuận mới' về vấn đề Biển Đông. Rất may, các nước này đã chính thức cải
chính làm cho Trung Quốc bẽ mặt.
Sau Đại hội ĐCS Lào vừa qua, dàn lãnh đạo mới được bầu ra rất hữu nghị
với Việt Nam. Hàng loạt cán bộ cao cấp của Lào, kể cả Tổng bí thư kiêm
Chủ tịch nước dồn dập sang thăm Việt Nam. Nội các Thủ tướng Hunsen cũng
có sự thay đổi. Ngoại trưởng trước đây của Campuchia là ông Hor Namhong,
người có tiếng ủng hộ Trung Quốc, cũng đã nghỉ hưu và được thay bởi một
nhân vật khác được cho là có đầu óc cởi mở và thân phương Tây hơn.
Trung Quốc từ chỗ hống hách đền năn nỉ được đề nghi đàm phán song phương
nhưng Philippine vẫn từ chối. Tổng thống mới được bầu của nước này yêu
cầu đàm phán đa phương, bao gồm cả Hoa Kỳ Nhật Bản, Australia và các
quốc gia tuyên bố chủ quyền khác.
Hậu thuẫn cho chủ trương song phương hóa tranh chấp ở Biển Đông, phải
chăng Nguyễn Chí Vịnh muốn đem Biển Đảo của Việt Nam làm con dê tế thần
cho Đại Hán. Cho nên những nghi ngờ Nguyễn Chí Vịnh chính là tay chân
của tình báo Hoa Nam không phải là không có cơ sở.
Tại cuộc gặp song phương với Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Nguyễn Chí Vịnh vừa
ca ngợi các nỗ lực hợp tác chung giữa quân đội hai nước thì ngay sau đó
Trung Quốc chơi trò tiểu nhân bẩn thỉu, lén lút tán phát một tập tài
liệu mỏng ra sức biện hộ lếu láo rằng Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông
là của Trung Quốc. Họ trí trá trâng tráo đến mức hai bản tiếng Anh và
tiếng Hoa của tập tài liệu này không giống nhau.
Không biết do bị lung lạc hay thực sự đồng lõa mà ngay từ đầu bài phát biểu trước Diễn đàn, Nguyễn Chí Vịnh đã giải thích “tranh
chấp bất đồng” là “do khác biệt về lợi ích, tham vọng, cạnh tranh chiến
lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế”.
Sao lại lập lờ đánh lận con đen, sao có thể trộn lẫn kẻ cướp với chủ nhà
như vậy được. Tập Cận Bình dù cố lừa bịp thiên hạ bằng nhiều bằng cứ
ngụy biện xảo trá đến đâu nhưng chính cha ông hắn đã để lại những tang
chứng rành rành không sao lấp liếm được. Hàng loạt sử gia Phương Tây đã
nghiên cứu và khẳng định tất cả các tài liệu cổ của Trung Quốc từ cổ sử
đến các địa đồ cổ, chẳng có cái nào nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa cả.
Hàng trăm bản đồ do các nhà hàng hải Phương Tây và do chính các nhà địa
lý Trung Quốc đã vẽ đều cho thấy rõ lãnh thổ của Trung Quốc chỉ kéo dài
đến đảo Hải Nam mà thôi. Ngày nay Trung Quốc nhảy vào Hoàng Sa, Trường
Sa là xâm lược, là đi ăn cướp. Bị xâm lấn, bị ăn cướp, Việt Nam đang
cùng các nước Đông Nam Á đấu tranh duổi giặc cướp giành lại toàn vẹn
giang sơn của mình. Hoàn toàn không phải vì “do khác biệt về lợi ích,
tham vọng, cạnh tranh chiến lược” mà Việt Nam gây ”tranh chấp bất đồng”
với Trung Quốc.
Không chỉ hậu thuẫn cho âm mưu “song phương hóa tranh chấp Biển Đông”
của Trung Quốc mà Nguyễn Chí Vịnh còn có ý lên án “quốc tế hóa Biển
Đông” khi ông ta nói “Hiện nay Việt Nam và một số nước ASEAN có tuyên
bố chủ quyền còn tồn tại những tranh chấp và khác biệt với Trung Quốc.
Ngoài ra có nhưng hành động đơn phương, áp đặt làm thay đổi hiện trạng
và đang có nguy cơ quân sự hóa nhằm tạo ra sức mạnh răn đe làm ảnh hưởng
xấu đến an ninh, an toàn trên không, trên biển và dưới đáy biển, hủy
hoại môi trường, cản trở các hoạt động lao động hòa bình trên biển...
kéo theo sự can dự của các quốc gia trong và ngoài khu vực”.
Không tập trung vào nhiệm vụ đấu tranh giành lại biển đảo đang mất dần
vào tay Trung Quốc, Nguyễn Chí Vịnh không chỉ tìm mọi cách khỏa lấp bộ
mặt tham tàn của đối tượng chính cần đấu tranh mà còn chủ trương đánh
lạc hướng bằng những câu nói rất lạc lõng với bối cảnh Diễn đàn
Shangrri-La: “Việt Nam tin mọi tranh chấp có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình dù chế độ xã hội khác nhau và hệ tư tưởng khác nhau”.
Cùng đến dự Diễn đàn Shangri-La 15 không chỉ có nguyễn Chí Vịnh nhưng
sao đại diện cho Việt Nam với vai trò trưởng đoàn không phải là thượng
tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam
hay thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam? Bài viết sau sẽ bàn luận về sự
cắt cử khuất tất này và sự liên đới của người cắt cử với Nguyễn Chí
Vịnh.
Hà Nội 9 tháng 6 năm 2016