Cảm ơn những người hy sinh trong thầm lặng
Cát Bụi (Danlambao)
- Ngày Dân Làm Báo 5 tuổi tự nhiên trong tôi hoàn toàn mất cảm xúc,
buồn vui đan xen lẫn lộn, tôi không muốn làm bất cứ điều gì mặc dù trước
đó trong đầu hình dung tỉ thứ để làm, để chúc mừng Dân Làm Báo giống
như thay một lời cảm ơn. Tôi muốn buông...
Tôi muốn buông tất cả để trở về với ngày xưa, ngày ngày lóc cóc đạp xe
tới khu Phúc Xá Long Biên dạy học cho các em của tôi, ngày cuối tuần thì
tụ tập anh em mang sách về những vùng quê nghèo... Những công việc giản
đơn, nhẹ nhàng, không cạnh tranh, không tiếng xầm xì, không lời dị
nghị, không ganh đua...
Tôi muốn buông để về "ôm chầm mẹ dấu yêu", để trở về với cô bé của ngày
xưa, vui - cười, buồn - khóc, thích thì vác balo lên vai, đi những nơi
cần đến, đến những nơi cần mình. Chẳng toan tính, chẳng sợ người khác
nói thế này thế kia, cũng chẳng sợ người này người kia nói rằng lợi dụng
để gầy dựng hình ảnh cho tương lai này nọ.
Nghĩ lại, tôi thật "hèn".
Tôi "hèn", bởi chỉ một số chuyện nho nhỏ, chỉ vì một số người đặt điều
nói xấu anh em của mình, chỉ vì một số người "vu khống" anh em mình mà
tôi cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc.
Tôi "tầm thường", bởi bản thân mình chỉ dậm chân tại chỗ, không cố gắng
nỗ lực, sau đó chỉ vì một số tác động nhỏ mà muốn bỏ cuộc, để lại sau
lưng tất cả người anh em hết lòng yêu quý mình và lựa chọn cho bản thân
một cuộc sống ích kỷ... giống như bao bạn trẻ hiện nay đang làm.
Nếu lúc đó tôi bỏ cuộc, tôi thực sự "hèn".
Tôi phải thú nhận với chính bản thân mình rằng, Dân Làm Báo tự bao giờ
đã trở thành một phần lớn cuộc sống của tôi. Tôi ăn với nó, ngủ với nó,
đi chơi cũng mang nó theo. Nhiều đêm giật mình tỉnh giấc, lật đật bật
máy và mở trang Dân đặt chình ình trước mặt rồi lại gập máy xuống... ngủ
tiếp. Tôi gọi bệnh đó là hội chứng "Ngộ Dân Làm Báo"… Có ngộ như vậy
tôi mới biết đã có lúc mình thực sự hèn nhát.
Chẳng hèn sao được khi chỉ trong phút chốc, tôi quên đi những người đã
cho tôi một lượng kiến thức khổng lồ, đã thay đổi cuộc đời tôi, đã cho
tôi nhận ra sự dối trá đớn hèn của cộng sản. Chỉ trong phút chốc, tôi
quên mất những người đang ngày đêm lấy tin, viết bài, trau chuốt, chỉnh
sửa, đăng tải những bài thật gọn gàng đẹp đẽ để tôi có hứng thú đọc
hơn.
Chẳng hèn sao được khi chỉ vì một số người (chẳng đáng để mình bận tâm)
lại làm tôi quên mất môi trường Dân Làm Báo - nơi đã cho tôi những bài
học, tình yêu... Tôi quên mất điều mà tôi đã từng đánh giá "Dân Làm
Báo là một trang báo nhưng không hẳn là một trang báo, nó có hồn và thấm
đượm tình Anh Em. Tôi sẽ không bao giờ buông bỏ nó trừ khi cộng sản bị
sụp đổ hoàn toàn."
Chẳng hèn sao được khi chỉ trong phút chốc, tôi đã quên đi sự hi sinh
thầm lặng của những con người ấy - Những còn người đã cống hiến hết mình
để góp phần vào một Việt Nam tươi đẹp hơn. Để tôi sớm thực hiện ước mơ
của mình...
Tôi chợt nhớ tới những dòng tâm sự của tác giả Vũ Đông Hà trong bài "Nhà Tù mang tên yêu nước":
"Mai này đất nước chắc chắn sẽ hồi sinh. Sẽ có những lãnh tụ, anh
hùng được ghi tên vào sử sách. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều người âm thầm,
vô danh đang làm một giọt nước ở đáy ly cho một ngày ly nước tràn đầy,
đang làm một viên gạch ở tận đáy cùng cho nhà Việt Nam vươn lên. Họ âm
thầm trong cô đơn ngày hôm nay và sẽ vô danh trong cô độc ở những trang
sử mai sau. Họ sẽ bước vào quên lãng của cuộc đời để nhường chỗ cho
những chính trị gia bước vào sân khấu mới. Nhưng hôm nay họ vẫn tiến
bước. Vì yêu nước đối với họ không còn là quyết định lý trí, không còn
là một nhận thức về trách nhiệm phải cưu mang. Với họ, yêu nước là bản
chất con người của họ. Không thể sống khác. Và họ mãi mãi vẫn là những
kẻ cô đơn trong nhà tù mang tên yêu nước của chính họ..."
Tôi đoán không lầm tác giả Vũ Đông Hà là một người đã từng lũi đi trong
cô độc, từng dấn thân hết mình thì mới có thể viết ra được những dòng
chữ sâu lắng đến dường ấy... Và với tôi, những chiến sĩ đang đi trong âm
thầm ấy... họ không hề vô danh, họ khắc sâu vào trái tim tôi.
*
Tới đây, tôi chợt nhớ tới một người Anh - người mà tôi hết lòng kính
yêu. Tôi hiểu được sự hy sinh của Anh cho đất nước này, tôi hiểu được
những gì mà anh đã dành cho những người em thân yêu của Anh, nhưng rồi,
từng người, từng người một rời anh (tôi gọi đó là sự bội bạc, còn nhiều
người cho đó là sự lựa chọn), họ chỉ quan tâm tới những cảm xúc của cá
nhân họ, họ cho đó là quyền và sự lựa chọn của họ, ừ thì đó là ‘quyền tự
do của họ’. Nếu họ nghĩ đó là ‘quyền tự do của họ’ mà không đếm xỉa gì
tới những người xung quanh, những người đã từng coi họ là anh em trong
một nhà thì... Bức xúc, buồn... tôi đã chia sẻ lên Facebook cá nhân của
mình.
Anh,
Cái "tội" lớn nhất của anh là "tội" giỏi hơn nhiều người khác, đàng
hoàng hơn nhiều người khác, tử tế hơn nhiều người khác. Cái "tội" sẵn
sàng chấp nhận để người khác phụ mình chứ không bao giờ phụ người. Những
lúc như thế anh luôn chọn thái độ im lặng và tôn trọng đối phương. Em
hiểu anh, em cảm nhận được nỗi niềm tận sâu trong đáy lòng anh...
Người như anh sẽ không được đám đông bát nháo đón chào. Em muốn nói
với anh rằng: Em sẽ mãi là người em, người bạn đồng hành thủy chung của
anh trên con đường đầy chông gai, nguy hiểm này. Nhiều người hỏi em, anh
là người thế nào? Làm việc với anh có căng thẳng không? Có bị áp lực
không? v.v... Em có thể thẳng thắn nói rằng, em chưa bao giờ bị áp lực
bởi anh, có chăng chỉ đôi lúc quá nhiều việc khiến em bị căng thẳng,
nhưng rồi nó cũng tan biến hết... và còn lại là Tình Anh Em.
Ngay từ ban đầu em làm việc, em chưa bao giờ nghĩ vì anh mà em nhận
nó, em cũng không làm việc cho anh, không làm việc "dưới trướng" của
anh. Đó là tâm lý của người yếm thế, tự ti và mang bản ngã quá lớn, họ
không đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua được...
Với em, em không làm việc cho anh hay cho bất cứ cá nhân nào khác. Em
làm việc vì chính em, vì em muốn được tự do. Và không ai khác ngoài anh
sẽ cho em cảm giác an toàn để bước trên con đường đầy trông gai nhưng
chắc chắn sẽ chạm đến được tự do.
Có thể anh chưa thực sự hoàn hảo (trên đời này không có một ai là
hoàn hảo cả) nhưng anh rất nghiêm khắc với chính bản thân và những đứa
em của mình.
Bên anh luôn có em, và nhiều người em nữa. Mong rằng anh, em và tất
cả chúng ta luôn can trường và nghị lực nghe anh. We are a Family.
Và đến tận bây giờ, chính cái "giỏi", cái ‘"đàng hoàng" của anh lại làm
nhiều người ghét hơn nữa, họ sẵn sàng suy diễn anh đủ thứ trên đời, nói
anh thế này nói anh thế kia... nhưng trên hết anh luôn lựa chọn cho mình
một thái độ im lặng và tiếp tục bước đi trên con đường anh đã chọn.
Trước những lời chửi tục tĩu, những gán ghép vu khống nhau một cách vô duyên, anh nói "Mình
đi làm những thay đổi tốt đẹp thì không thể nuôi dưỡng chấp nhận những
rác rưởi trong nằm ngay trong nhà mình... Anh không thể nhắm đến một
điều tốt đẹp, có đông người ủng hộ mình mà chân đạp cứt, trong túi quần
toàn đồ phế thải, miệng dính toàn đồ dơ... Nếu đến lúc phải như vậy thì
anh từ giã mọi người...". Anh đúng.
Anh luôn mong muốn Việt Nam sớm có tự do, dân chủ thực sự. Khi đó anh sẽ
về quê từng người em của anh để thăm gia đình, để cùng ăn những món ăn
mình thích, cùng ngồi đàn hát nhau nghe... và sống cuộc sống bình lặng
với núi rừng.
Anh từng nói, một trong những con đường đi đến dân chủ nhanh nhất là
giật sập hình tượng Hồ Chí Minh. Với tôi thì điều đó hơi xa vời, tôi
buột miệng "em không có nhiều niềm tin vào việc xóa bỏ thần tượng Hồ Chí Minh trước khi đất nước có dân chủ". Chẳng đắn đo, anh thẳng thắn: "Nếu
em không có niềm tin, anh giúp em có đây: Em vào... phòng tắm, đứng
trước gương, soi mặt cái con nhỏ trong gương, và hỏi: Mấy năm trước đây
đằng ấy có tin bác Hồ không? Bây giờ đằng ấy còn tin không? Tại sao đằng
ấy thay đổi nhưng lại nghĩ rằng chỉ mình đằng ấy là thay đổi còn người
khác thì KHÔNG ĐỜI NÀO?"
Chột dạ, ừm... Anh đúng. Và suy nghĩ của tôi sai. Tôi có thể thay đổi
được, tại sao người khác lại không thay đổi được chứ. Tôi thật yếu lòng
tin.
*
Nếu như chú Nguyễn Ngọc Già cảm ơn chế độ VNCH thì tôi, tôi cám ơn Dân
Làm Báo đã cho tôi biết được những giá trị nhân bản của VNCH. Tôi cám ơn
những người đã đang và sẽ luôn luôn hy sinh hết đời mình để để cuộc
sống, xã hội Việt Nam xinh đẹp hơn.
Và tôi cám ơn anh đã biến tôi từ một cô bé nhút nhát thành một cô bé sẵn
sàng nói lên tiếng nói của mình, từ con bé chẳng biết làm gì thành một
đứa làm gì cũng được.
Thật sự, ở Dân Làm Báo ngoài những kiến thức tôi nhận được từ bài viết,
phản hồi của độc giả, tôi còn nhận được yêu thương, nhận được cách sống
đúng nghĩa là người, cách đối với nhau bằng tấm chân tình "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau",
học cách không bon chen, không cần tiếng tăm... chỉ cần một tấm chân
tình và một trái tim yêu. Ở bên cạnh Dân Làm Báo... tôi sống đúng nghĩa
là một gia đình... tôi là người tử tế.
Tôi cảm ơn những người hy sinh trong thầm lặng.
29/8/2015