27/8/15

Sự thật của cái gọi là “Cách mạng tháng Tám”

 Sự thật của cái gọi là “Cách mạng tháng Tám”


Đại Nghĩa (Danlambao) - Đã bảy mươi năm qua những cái loa tuyên truyền khoác lác của đảng Cộng sản Việt Nam về cái gọi là cuộc “Cách mạng tháng Tám” đã đánh lừa người dân và đánh lừa lịch sử. Ngày nay, những đảng viên cộng sản còn chút lòng tự trọng và can đảm lúc về già đã nói lên sự thật mà bảy chục năm bị thêu dệt và bưng bít. Sự thật của cái gọi là cuộc “Cách mạng tháng Tám” hay là cuộc “Khởi nghĩa” được lột trần như sau:
Theo ông Vũ Thư Hiên, con trai ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng của Hồ Chí Minh trong thời lỳ đầu lập quốc, là một nhân chứng lịch sử nhận định về cái gọi là cuộc “Cách mạng tháng 8”.
“Tôi nghĩ đây là cuộc khởi nghĩa đã đưa lại nền độc lập và sau đó những mục tiêu đề ra ở những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa đã bị phản bội. Nó phản bội một cách từ từ chứ không phải ngay lập tức. Không có cái mốc nào cho sự phản bội cả”. (BBC online ngày 14-8-2015)
Cùng một nhận định với ông Vũ Thư Hiên, ông Trần Tiến Đức, con trai bác sỹ Trần Duy Hưng - thị trưởng đầu tiên của Hà Nội cho rằng:
“...chính quyền lúc đó đã biết lợi dụng ‘khoảng trống quyền lực. Số đảng viên chỉ trên 1 nghìn, nhưng quan trọng là kỳ vọng của nhân dân không muốn sống nô lệ nữa, lớn hơn cả. Nên số người ít ỏi đấy khi khởi xướng lên cái danh từ không phải là đảng cộng sản, thì phải nói là Việt Minh, tất cả những người không phải Việt Minh cũng xưng là Việt Minh tạo nên một làn sóng rất dữ dội. Và vì thế mà cái ngày 19-8 ở Hà Nội đã nổ ra cuộc cướp chính quyền…cuộc biểu dương lực lượng với thanh niên và sinh viên ở Nhà Hát Lớn... có lẽ chỉ có độ vài ba đảng viên cộng sản, còn tất cả là những người Việt Nam tự xưng đã nắm lấy thời cơ và biến nó thành cuộc khởi nghĩa”. (BBC online ngày 14-8-2015)
Theo báo mạng Lịch sử Việt Nam thì cộng sản cũng rêu rao:
“Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14-8, một ngày sau khi Hội nghị toàn quốc của đảng khai mạc. Từ ngày 14 đến 18, tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An... Sáng ngày 19-8, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà Hát thành phố để dự mittinh”. (lichsuVietnam online ngày 25-8-2015)
Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, trường Đại học Xây dựng đã thẳng thắn nói lên sự thật về cái gọi là “Cách mạng tháng Tám” như sau: 
“Khi thành lập Mặt trận Việt Minh có mục đích là đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, nhưng thực tế Việt Minh đã không làm cả ba việc đó. Việt Minh đã lãnh đạo toàn dân làm Cách mạng tháng 8 thành công, cướp được chính quyền. Người ta tuyên truyền rằng Cách mạng tháng 8 đã đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, cướp chính quyền về tay nhân dân. Cho đến nay thì có nhiều chứng cứ rõ ràng là Cách mạng tháng 8 không đánh Pháp, đuổi Nhật, còn nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập từ tháng 4 năm 1945. Cách mạng tháng 8 chỉ làm việc cướp chính quyền, nhưng không phải về tay nhân dân mà về tay đảng Cộng sản. Như thế cả bốn nội dung đều là giả dối, đó là ngụy biện nổi tiếng của tuyên truyền cộng sản mà cho đến bây giờ hàng chục triệu người vẫn còn bị nhầm”. (Boxitvn online ngày 8-8-2015)
Ông Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó chủ tịch UBHC thành phố Hà Nội cũng là người đứng ra sửa sai sau cuộc tàn sát nhân dân trong phong trào Cải cách ruộng đất của Hồ Chí Minh thực hiện trên đất Bắc từ năm 1954 đến năm 1956. Vì sớm nhận ra tội ác và sự bất chính của đảng CSVN đối với nhân dân và lịch sử nên ông đã sớm “Bàn chuyện từ bỏ đảng”. Ông Cần viết:
“Đảng thường tự hào là đảng cướp được chính quyền từ tay Nhật, Pháp, về sau gọi đó là Cách mạng tháng Tám. Nhưng lịch sử chứng minh rõ ràng đó là sự dối trá: Việt Minh (tức đcs) cướp chính quyền không phải từ tay Nhật, Pháp mà từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim. Chính phủ Trần Trọng Kim là ai? Thực ra, thực ra họ không phải là ‘chính phủ bù nhìn’ cho Nhật như Việt Minh và tờ Giải Phóng của đảng cộng sản đã vu cáo họ, mà là một chính phủ do vua Bảo Đại lập ra khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) gồm nhiều trí thức trong nước, chẳng những họ có trí tuệ, có tư tưởng, mà còn đức hạnh đứng ra gánh vác việc nước vì mục đích giành độc lập thật sự cho Việt Nam”. (ĐanChimViet online ngày 11-2-2015)
Nhà văn Đại tá Phạm Đình Trọng, người đã từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam khi biết mình đã một thời bị lầm lạc vì nhiệt tình yêu nước trong thời trai trẻ. Ngày nay ông đã quyết đem tiếng nói của mình nói lên sự thật hầu cảnh tỉnh những ai đã bị mắc lừa còn tin vào đảng CSVN cũng như cảnh báo cho giới trẻ biết được mà tránh xa. Trong bài “Thời tù ngục” Đại tá Phạm Đình Trọng viết rõ:
“Khi chưa có chính quyền, những người cộng sản liền vu cho chính phủ hợp pháp là chính phủ tập hợp được những trí thức có trí tuệ uyên bác và mặn nồng yêu nước, Chính phủ Trần Trọng Kim là tay sai của giặc Nhật rồi kích động bạo lực nhân dân cướp quyền của chính phủ hợp pháp đó. Suốt 70 năm qua, tất cả tài liệu, sách báo của đảng và nhà nước CSVN đều phải thú nhận với lịch sử rằng cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cướp chính quyền. Hành xử kẻ cướp tất nhiên bất chính và bất minh”. (ĐanChimViet online ngày 27-1-2015) 
Luật sư Lê Công Định, một nhà trí thức trẻ từng là một tù nhân lương tâm của chế độ cộng sản Việt Nam đã nhận định lịch sử Việt Nam một cách chính chắn và trung thực. Luật sư Định xác nhận ngày Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập chỉ là ngày cướp chính quyền trong tay Chính Phủ hợp pháp Trần Trọng Kim, vì chính phủ này do vua Bảo Đại dựng nên sau khi Ngài chính thức tuyên bố độc lập ngày 11-3-1945 chứ không phải đến ngày 2-9-1945 như cộng sản từng rêu rao:
“Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, cũng như của các nước Á châu khác đang bị Nhật chiếm đóng. Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam.

Ngay sau đó, vào ngày 11-3-1945, vua Bảo Đại ký đạo dụ ‘Tuyên cáo Việt Nam độc lập’, tuyên bố này hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 cùng các Hiệp ước nhận bảo hộ và từ bỏ chủ quyền khác, khôi phục nền độc lập của đất nước, thống nhất Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ...

Từ ngày 19-8-1945, tại các địa phương trên cả nước, Việt Minh tiến hành đảo chính cướp chính quyền, buộc Nhà nước Đế quốc Việt Nam chuyễn giao quyền lực, một sự kiện mà sau đó được gọi là ‘Cách mạng tháng Tám’.

Trước tình thế đó, vua Bảo Đại quyết định thoái vị và giải tán Chính phủ Trần Trọng Kim”. (BBC online ngày 1-9-2014)
Nhà văn Trần Đĩnh, người từng viết tiểu sử ông Hồ Chí Minh và cũng là một nhân chứng sống hùng hồn trong lịch sử đã sáng mắt sáng lòng, đem tâm huyết viết lại sự thật trong tự truyện Đèn Cù để nói lên phần nào sự lừa dối của cái đảng mà ông đã một thời hết lòng phục vụ cũng như nói lên sự tự trọng của vua Bảo Đại và cụ Trần Trọng Kim, người bị cộng sản bôi tro trét trấu.
“Trước ngày 19-8, không muốn đem em bỏ chợ, Tổng tư lệnh Nhật vào Huế gặp Bảo Đại và Trần Trọng Kim, nói: ‘Nếu các vị yêu cầu, Nhật với 50.000 tinh nhuệ có thể dẹp Việt Minh trong vòng một đêm, Việt Minh có quá lắm là 5.000 người còn súng ống lại càng quá ít. Nhưng hai ông này từ chối. ‘Tay sai mà thế ư?” (Đèn Cù II - trang 478)
Theo Giáo sư Hoàng Minh Chính, nguyên Tổng thư ký đảng Dân chủ và là Viện trưởng Viện Triết học Mác - Lênin thì trong hồi ký “Một cơn gió bụi” cụ Kim đã nói lên cái tiết tháo của một nhà trí thức Việt Nam lúc bấy giờ.
“Cụ Kim viết giá như cụ cứ chống cự thì Việt Minh không làm gì nổi vì chính phủ của cụ được Nhật ủng hộ còn Việt Minh chỉ là lừa dối kéo dân chúng đi theo thôi, nhưng cụ Kim từ chối, không muốn ‘cõng rắn cắn gà nhà’, ‘nồi da xáo thịt”. (Đèn Cù II - trang 478)
Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc sưu tầm cho biết:
“Theo nhà nghiên cứu Pháp Pierre Roussett, tác giả cuốn Communisme et Nationalisme, xuất bản năm 1978, thực ra Việt Minh là lực lượng được mang tới quyền lực, hơn là người đã giành được quyền lực.

Stein Tonnesson, người có nguyên một công trình nghiên cứu về ‘Cách mạng tháng Tám’, cũng nhận định rằng Việt Minh có thể dễ dàng lên nắm quyền, không phải mất xương máu gì, vì có khoảng trống quyền lực ở Việt Nam lúc đó…

Hơn nữa, không có một lãnh đạo cao cấp nào của đảng Cộng sản có mặt khi những nhóm người trẻ tuổi cầm cờ Việt Minh giành chính quyền ở Việt Nam trong hai tuần đó”. (BBC online ngày 19-8-2015)
Theo nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn thì:
“Ta thấy không hề có lực lượng cách mạng ‘chạy đua giành chính quyền’ với quân đội Đồng minh hay việc ‘20 triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy giành lại chính quyền’ như các sử gia đã viết.

Theo sử liệu, lực lượng cách mạng đã đánh Nhật giành chính quyền. Trên thực tế không có ‘đánh đấm gì cả”. (BBC online ngày 13-8-2015)
Nhân chứng sống Trần Đĩnh kể lại thời khắc lịch sử những ngày quân Việt Minh tiến vào Hà Nội như sau:
“Nhân đây nên nói đến vai trò của Lê Trọng Nghĩa, một trong ba nhân vật chủ chốt làm Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội...

Nghĩa lãnh đạo đảng Dân chủ và là người trực tiếp đàm phán với Bộ Tham mưu quân đội Nhật, chính quyền Trần Trọng Kim, Phan Kế Toại và các đảng phái chính trị, góp phần quan trọng cho Tổng khởi nghĩa diễn ra hòa bình nhanh gọn”. (Đèn Cù II - trang 536)
“Nên biết ở Sài Gòn, Thanh niên Tiền phong giành chính quyền trong cờ vàng sao đỏ tràn ngập chứ không phải cờ đỏ sao vàng”. (Đèn Cù II - trang 537)
“Thế là một nhát tất cả cờ vàng sao đỏ ở Sài Gòn biến ra thành cờ đỏ sao vàng”. (Đèn Cù II - trang 538)
“Một hiện tượng đáng chú ý: Khởi nghĩa đã thành công ở Hà Nội một hai ngày rồi mà trên căn cứ địa cụ Hồ vẫn chưa hay biết”. (Đèn Cù II - trang 539)
“Chỉ hai việc đầu não cách mạng Tân Trào mù tịt tin Hà Nội khởi nghĩa thành công và Việt Minh vũ trang phải được Nhật cho phép qua Cầu Đuống mới vào được Hà Nội, đã đủ cho thấy vận hội khách quan vô cùng tốt đẹp của đất nước. Nói lại: vận hội của toàn dân nhưng cuối cùng đã bị Việt cộng ẵm gọn làm vốn liếng riêng của mình.

Tân Trào ba ngày không biết Hà Nội đã khởi nghĩa thắng lợi và quân chiến khu về phải xin Nhật cho qua Cầu Đuống, chỉ hai việc ấy thôi đủ nói Việt Minh chả có đuổi gì Nhật hết”. (Đèn Cù II - trang 541).