“Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước... không chịu phát triển!”
Hải Châu (infonet)
- Đó là lời “nói đùa” mà rất đau của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới
được chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan thuật lại với các doanh
nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước về Đà Nẵng dự hội nghị.
Không cạnh tranh được trong ASEAN thì nói gì đến cạnh tranh với Mỹ, EU
Tiếp tục bài nói chuyện “Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp (DN) nhỏ
và vừa trong hội nhập quốc tế” tại hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa
toàn quốc do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chiều 8/8 ở Đà Nẵng
(Infonet đã đưa tin),
chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nêu rõ, nhìn vào các FTA mà
Việt Nam đã ký kết cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta
với các đối tác chiếm tỉ lệ rất lớn và sắp tới sẽ tiếp tục tăng trưởng
hơn nữa.
Hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong
cả nước tham dự hội nghị kết nối do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8/8 (Ảnh: HC)
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bước đường hội nhập thì có thể thấy điều rất
đáng lo là năng lực cạnh tranh của Việt Nam cho đến nay vẫn còn thua xa
các nước ASEAN 6. Đã 20 năm tham gia ASEAN nhưng Việt Nam vẫn còn nằm
trong nhóm 4 nước lạc hậu hơn của ASEAN (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và
Myanmar).
“Do vậy, năm 2014, Thủ tướng đã đưa ra những cố gắng để cải thiện môi
trường kinh doanh một cách cơ bản cho DN, và sau đó quyết định lấy năm
2015 là “Năm Doanh nghiệp”. Trên tinh thần đó, nhiều nơi cũng quyết định
lấy năm nay là năm của DN. Quốc hội, Ban Kinh tế TƯ cũng coi năm nay là
năm tập trung để cải thiện cho DN. Cải thiện môi trường kinh doanh
chính là để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam!” - Bà Phạm Chi
Lan nói.
Theo bà, Thủ tướng quyết định lấy chuẩn của các nước ASEAN làm chuẩn cho
năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Năm 2014, Thủ tướng chủ trương Việt
Nam phải cải thiện các chỉ số của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh
doanh sao cho ngang bằng với ASEAN 6. Năm nay thì Thủ tướng đưa ra tiêu
chuẩn ở mức cao hơn là đến năm 2015, Việt Nam phải cạnh tranh được với
ASEAN 4 (4 nước tiên tiến nhất trong ASEAN).
“Tham gia hội nhập với rất nhiều nước lớn nhưng ASEAN phải là nơi đầu
tiên mà Việt Nam có thể cạnh tranh được. Không cạnh tranh được trong
ASEAN thì phải nói thẳng là với các đối tác lớn hơn như Hoa Kỳ, EU có
khả năng cạnh tranh cao hơn rất nhiều thì Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn!”
– Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Để có 1 đồng lợi nhuận phải mất... 1,02 đồng “bôi trơn”!
Bà Phạm Chi Lan còn nêu rõ, không chỉ xếp hạng về môi trường kinh doanh
mà xếp hạng về thể chế của Việt Nam hiện nay cũng khá thấp. Đặc biệt,
trong xếp hạng về thể chế thì Việt Nam xếp ở mức rất kém trong các chỉ
số về chi phí ngoài pháp luật, chi phí “bôi trơn” so với nhiều nước
khác.
“Một điều tra cho thấy, ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì
DN phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta
giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của DN rồi. Đây là một
trong những điều giải thích tại sao DN Việt Nam cứ nhỏ mãi. TS Trần Đình
Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận xét DN Việt Nam hiện
nay có xu hướng… li ti hóa, tức là nhỏ đi so với trước!” - chuyên gia
Phạm Chi Lan cho hay.
Dẫn số liệu điều tra của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho
thấy, so với 10 năm trước đây thì quy mô của DN Việt Nam hiện chỉ còn
bằng một nửa, chuyên gia Phạm Chi Lan bức xúc đặt câu hỏi. “Đáng lẽ sau
10 năm, quy mô của DN Việt Nam phải lớn lên chứ tại sao lại nhỏ đi?”.
Rồi bà trả lời: “Một trong những nguyên nhân chính là tham nhũng đã lấy
mất lớn hơn so với lợi nhuận của DN. Bị lấy mất lợi nhuận rồi thì DN còn
gì để tái đầu tư, để mở rộng được? Và DN sẽ co lại vì họ làm được 1
nhưng có những ông khác không làm gì cả mà tước đoạt của họ hơn 1 thì
tội gì họ làm nữa”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HC)
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, trong các nước tham gia TPP thì Việt Nam
xếp ở hàng thấp nhất về trình độ công nghệ dù đây là yếu tố mà ai cũng
biết là vô cùng quan trọng đối với năng lực cạnh tranh. Đây là vấn đề
thuộc về tầm quốc gia và phải được Nhà nước ưu tiên quan tâm chứ không
hoàn toàn thuộc trách nhiệm của DN.
“Hệ thống chính sách của chúng ta nói rất nhiều, rất hay về đổi mới công
nghệ nhưng trên thực tế, rất nhiều DN cho biết họ không thể tiếp cận
được với những chính sách khuyến khích của Nhà nước. Chỉ ai tự có năng
lực thì mới tự đổi mới công nghệ được thôi chứ còn họ “quên” đi tất cả
những cái của Nhà nước, bởi vì chi phí để nhận được ưu đãi có khi lại
còn lớn hơn cả mức được ưu đãi. Đó là điều rất đau gây cản trở cho sự
phát triển công nghệ của chúng ta!” - chuyên gia Phạm Chi Lan bức xúc
nói.
Mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước... không chịu phát triển?!
Bà Phạm Chi Lan nêu rõ, Nhà nước phải cố gắng rất nhiều để đàm phán và
ký kết các FTA, trong đó phải có những nhượng bộ để các đối tác mở cửa
thị trường cho mình. Nhưng trên thực tế, đến thời điểm này tận dụng được
tốt nhất FTA đã ký chỉ là với Hàn Quốc. Theo đó, hơn 73% chứng nhận
xuất khẩu sang Hàn Quốc là được hưởng ưu đãi. Nhưng đi sâu vào 73% này
thì lại thấy đa phần DN được hưởng ưu đãi lại là DN Hàn Quốc chứ không
phải Việt Nam.
“Điều đó cho thấy DN Việt Nam chưa tận dụng được những ưu thế từ FTA.
Chúng tôi đang đề xuất Bộ Công thương xem lại chính cách thức của Bộ
trong việc cung cấp các ưu đãi hoặc phổ biến như thế nào mà để DN Việt
Nam tiếp cận được ưu đãi thấp như thế? Nếu DN không biết hoặc quá khó để
tiếp cận được thì là thành phí hoài công sức của các vị ấy đi đàm phán.
Đây cũng là sự lãng phí rất lớn!” – Bà Phạm Chi Lan nói.
Theo chuyên gia này, khó khăn đối với DN Việt Nam gần như là chuyện muôn
thuở. 5-7 năm nay, Diễn đàn Kinh tế thế giới tiến hành điều tra thì đều
cho ra sơ đồ tương tự nhau về khó khăn của DN Việt Nam chứ không thay
đổi bao nhiêu. Bà nói thẳng là cảm thấy rất đau khi các chuyên gia Diễn
đàn Kinh tế thế giới hỏi: Tại sao Việt Nam kỳ lạ thế, những điều này nói
hoài mà không sửa được, không thay đổi được?
“Một số chuyên gia WB còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất
thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát
triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt
nhất. Đó là nước... không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA
nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ
USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là...
không chịu phát triển!” - chuyên gia Phạm Chi Lan nói một cách khá chua
chát.
Theo bà, khi tham gia các FTA thì không phải chỉ cạnh tranh ở tầm DN mà
cạnh tranh ở tầm nhà nước cũng vô cùng quan trọng. Nhà nước Việt Nam
cũng phải cạnh tranh với Nhà nước của các nước khác về thể chế, môi
trường kinh doanh, năng lực điều hành nền kinh tế vĩ mô… Mặc dù khi tham
gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình
Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đòi hỏi
cao hơn, khắc nghiệt hơn nhưng chính điều này sẽ giúp Việt Nam nâng tầm
mình lên.
“Nói thật, chơi mà cứ cạnh tranh loanh quanh trong cái ao của ASEAN thì
không đủ. Chúng ta phải cố gắng để vươn ra biển lớn, chấp nhận sóng gió
lớn hơn thì mới có thể vượt lên được. Trong điều kiện môi trường kinh
doanh của chúng ta chưa thuận lợi, khi có các hiệp định mới này, chắc
chắn Nhà nước sẽ phải thay đổi nhiều về hệ thống luật pháp, chính sách
trong nước cho phù hợp với các cam kết. Và từ đó đổi mới kinh tế sang hệ
thống kinh tế thị trường đầy đủ sẽ giúp cho môi trường kinh doanh tại
Việt Nam tốt hơn, bình đẳng hơn!” - Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.