8/8/15

Một thế hệ ông cha hèn nhát

 Một thế hệ ông cha hèn nhát

















PV Quốc Doanh (BVN) - Sáng sớm, ngồi quán cà phê. Một ông bạn của tôi đã nghỉ hưu khoe, làm đơn xin nghỉ sinh hoạt Đảng 6 tháng, được chấp thuận cả năm. Hớn hở chốc lát, ông lại thở dài: “Nhưng vẫn phải nộp phí ngu”. Đó là Đảng phí, mỗi tháng 25.000 đồng. Nhấp thêm ngụm cà phê không đường, ông bị bệnh tiểu đường, ông giải thích: “Người ta tốn tiền mua danh, dù là danh hão thì cũng có cái mà khoe, còn danh hiệu đảng viên bây giờ nói ra mình còn ngượng mồm, vậy mà vẫn phải đóng tiền hàng tháng để giữ nó thì thật là quá ngu”. Tôi khuấy mạnh cho tan hết đường trong ly cà phê của tôi, uống rồi bảo: “Nghỉ sinh hoạt Đảng luôn cho rồi”. Ông tâm sự, tính vậy nhưng vợ con không cho, bảo con còn làm việc ở cơ quan nhà nước nọ kia...
Lúc sau, ông chép miệng: “Như thằng H. hóa ra lại sướng”. Ông H. vốn là thủ trưởng cơ quan ông bạn tôi, nhập nhèm tiền bạc nên bị khai trừ Đảng trước khi nghỉ hưu. Thế nên hàng tháng ông H. không còn phải đóng “phí ngu” như ông bạn tôi, giữ được danh hiệu đảng viên khi về hưu.
Ông bạn tôi còn là cựu chiến binh, trải qua chiến trường ác liệt thời chống Mỹ. Mới vài năm trước, Đảng đối với ông đầy cao đẹp. Trước nữa, nhiều năm ông là giáo viên dạy môn chính trị, rao giảng chủ nghĩa Mác-Lênin, ca ngợi Đảng Cộng sản. Bây giờ, ông ngồi mệt mỏi, tiếc hùi hụi phải đóng “phí ngu”.
Một ông anh của tôi cũng khoe vừa làm đơn nghỉ sinh hoạt Đảng, kiếm cớ tuổi già, bệnh tật. Ông anh tuổi ngoài 70 nhưng còn khỏe, rượu bia uống ngon lành, là cựu chiến binh, thương binh, thời chống Mỹ ra Bắc vào Nam, hòa bình giữ nhiều chức vụ cao, nay chán Đảng mà chưa bỏ được, vì “bỏ thấy thế nào ấy”. Bản thân tôi cũng vậy. Tội nghiệp thế!
Hồi Tết 2015, nhìn ảnh ông Nông Đức Mạnh ngồi ghế thếp vàng thì bao nhiêu hy vọng về một Đảng còn giữ được văn hóa đã tan biến như sương mỏng dưới ánh mặt trời. Thêm ảnh ông Vũ Khiêu, lời đồn thổi gọi là “quốc sư”, lợi dụng cô Hoa hậu tuổi cháu chắt đến xin chữ tại nhà để ôm chầm lấy mà hôn chùn chụt thì chút mơ mộng tốt đẹp cũng tắt nốt. Giữa năm, việc phản đối chặt cây ở Hà Nội bị trấn áp để khắp nơi xây Khổng miếu hàng trăm tỷ đồng chẳng biết thờ ai và tượng đài đồ sộ, khu lưu niệm nguy nga mặc dân tình đói rách, lũ lụt trôi nhà, chết người.
Như nhắm mắt xây lên những đền đài, bia tượng, khu lưu niệm, khu tưởng niệm ấy, dù dùng nhiều lời hoa mỹ thì cũng không che đậy được sự thật trần trụi, chỉ nhằm chèn chống cho ghế quyền lực cao thấp không đổ mà thôi. Nhiều cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong khi khánh thành những nơi ấy, được mời đến cho bữa ăn với phần quà nhỏ là phấn khởi, kể lể quá khứ và ca ngợi (nếu được báo chí quốc doanh hỏi đến) là “uống nước nhớ nguồn”, vô tình làm sơn phết vụng về loang lổ. Cũng như nhiều người lớn tuổi hay hùng hồn “giáo dục thế hệ trẻ”, thực ra để tự ca ngợi, tự sướng, muốn thiên hạ đừng quên.
Bị lãng quên là mất phần.
Kể lể công lênh suốt mấy chục năm, hô hào “giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau” mà thực chất là muốn chống lại sự lãng quên. Sợ bị con cháu lãng quên. Cái sự giành phần này kinh khủng lắm! Vào các nghĩa trang liệt sĩ sẽ thấy có “khu từ trần”, chôn quan chức không phải liệt sĩ. Chôn theo chức vụ, bậc lương. Chôn như vậy sẽ chia ly vợ chồng ở cõi âm, vì rất ít đôi vợ chồng đủ tiêu chuẩn nằm chung một nghĩa trang. Báo Tiền Phong đã thống kê ở Cần Thơ: Nghĩa trang liệt sĩ quận Thốt Nốt 100% mộ từ trần đơn độc, không có vợ (chồng) bên cạnh; Nghĩa trang liệt sĩ Long Tuyền chung cho các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền gần 96,5%; Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ gần 94,7%. Hơn 40 năm rồi, vì phần mộ bao cấp được hưởng, người ta cam chịu như vậy và chưa biết còn kéo dài đến bao giờ?
Ngoài chia phần quyền lực bổng lộc, hơn 40 năm qua từ ngày đất nước thống nhất, thế hệ ông cha làm được gì vẻ vang cho đất nước? Chỉ có thể kể ra nhiều việc làm xấu, làm nhục, làm cạn kiệt nguồn lực đất nước. Nước Nhật bại chiến bị tàn phá bởi bom nguyên tử, sau 40 năm trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Nước ta chiến thắng oanh liệt nhưng sau hơn 40 năm vẫn là nước nghèo, ngửa tay xin vay tiền giá rẻ của thế giới. Kết quả ấy, thế hệ nào phải gánh chịu trách nhiệm?
Bên Hồng Kông, sinh viên đang đấu tranh với mục tiêu đơn giản: “Chúng tôi muốn sống đúng với lương tri và phẩm chất của mình vì thế chúng tôi không thể sống cùng Cộng sản Trung Quốc”. Họ nói rõ, không muốn nói dối để được phần nhiều hơn; không muốn phải ăn cắp, tham nhũng để được nhà cao cửa rộng; không muốn phải đóng thuế để nuôi một đoàn người chỉ biết làm lợi cho một nhóm người giàu có để bóc lột lại chúng tôi; không muốn những bằng cấp và tài năng thật sự của chúng tôi phải bỏ vào thùng rác vì những tên rác rưởi con ông cháu cha; không muốn con em của chúng tôi phải học những thứ giáo điều rỗng tuếch mà chẳng có lợi gì cho sự phát triển cũng như khả năng sáng tạo của chúng; không muốn lẫn lộn giữa Đảng cầm quyền và Tổ quốc”.
Nhiều người ở nước ta thốt lên: Bao giờ thế hệ trẻ nước ta được như vậy?
Thì tôi cứ muốn nghĩ, thế hệ trẻ nước ta chắc chắn không thua thế hệ trẻ Hồng Kông trí thông minh và lòng dũng cảm, nếu có thua thì chỉ thua một thế hệ ông cha không làm điểm tựa được cho cuộc đấu tranh đi lên dân chủ, tự do. Thế hệ ông cha Việt Nam nói quá nhiều, tham muốn quá nhiều, lo sợ quá nhiều nhưng một điều cháu con cần thì lại thiếu: cổ vũ đi lên dân chủ, tự do.
Bởi hèn nhát! Một thế hệ ông cha hèn nhát! Đau buồn, trong đó có tôi.
Ngày 7/8/2015
Tác giả gửi BVN.