Làm sao để Việt Nam “chịu phát triển”?
Nguyễn Tường Thụy (rfavietnam) - Để chứng tỏ cho thế giới biết VN từ “không chịu phát triển” trở thành “chịu phát triển”, cần phải cải tổ thể chế hiện nay. Đó là cách cứu VN thoát khỏi vùng trũng của thế giới. Cần phải xây dựng một nền dân chủ đa nguyên. Tất nhiên, không phải mọi sự tồi tệ sẽ nhanh chóng chấm dứt khi chuyển sang nền dân chủ nhưng nó sẽ được kiểm soát dần dần cùng với quá trình hoàn thiện của thể chế mới. Khi ấy sẽ có những cơ chế kiểm soát lẫn nhau, có tam quyền phân lập, có nhà nước pháp quyền. Khi người dân được làm chủ thực sự, thấy chính quyền, tài sản chung của xã hội cũng là của mình thì họ mới quan tâm, mới đóng góp được tâm huyết, tài năng thực sự vào việc quản lý đất nước. Khi ấy VN mới khả dĩ nói đến thoát khỏi mô hình kỳ lạ nhất thế giới, mới có thể nói với các chuyên gia Ngân hàng thế giới rằng chúng tôi đã “chịu phát triển”.
*
Mô hình kỳ lạ nhất thế giới
|
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan
phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HC)
|
Tại hội nghị kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn quốc tổ chức ngày 8/8 tại Đà Nẵng, bà Phạm Chi Lan đã đưa ra mấy nét chấm phá về bức tranh kinh tế hiện nay của Việt Nam. Rằng gia nhập ASEAN 20 năm nay rồi mà Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 4 nước lạc hậu nhất trong khối (cùng với Lào, Campuchia và Myanmar). Rằng so với 10 năm trước, qui mô DN chỉ còn 1 nửa và có xu hướng... li ti hóa - theo cách nói của Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam...
Bà Phạm Chi Lan chỉ ra một số nguyên nhân như công nghệ ở hàng thấp nhất (trong số các nước tham gia TPP) dẫn đến năng lực cạnh tranh kém, doanh nghiệp không thể tiếp cận với chính sách khuyến khích của nhà nước. Bà cho rằng, công nghệ thấp không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp mà phải được Nhà nước ưu tiên quan tâm. Thế nhưng “hệ thống chính sách của chúng ta nói rất nhiều, rất hay về đổi mới công nghệ nhưng trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ không thể tiếp cận được với những chính sách khuyến khích của Nhà nước. Chỉ ai tự có năng lực thì mới tự đổi mới công nghệ được thôi chứ còn họ “quên” đi tất cả những cái của Nhà nước, bởi vì chi phí để nhận được ưu đãi có khi lại còn lớn hơn cả mức được ưu đãi. Đó là điều rất đau gây cản trở cho sự phát triển công nghệ của chúng ta!”
“Chi phí để nhận được ưu đãi có khi lại còn lớn hơn cả mức được ưu đãi” - ý kiến này của bà Phạm Chi Lan cho thấy bóng dáng cái gì đã cản trở khiến doanh nghiệp không mặn mà với chính sách khuyến khích của Nhà nước cũng như cơ hội do FTA (Hiệp định thương mại tự do) đem lại. Rồi bà cho biết, đó là nạn tham nhũng. Khi làm ra 1 đồng thì mất tới 1,02 đồng cho chi phí bôi trơn, tức là làm ra không đủ để bôi trơn thì “doanh nghiệp còn gì để tái đầu tư, để mở rộng được? Và doanh nghiệp sẽ co lại vì họ làm được 1 nhưng có những ông khác không làm gì cả mà tước đoạt của họ hơn 1 thì tội gì họ làm nữa”. Bà Phạm Chi Lan gọi đây thuộc chi phí ngoài pháp luật, là một chỉ số xếp hạng về thể chế, mà Việt Nam ở thứ hạng rất kém.
Có vẻ đã quá thất vọng về tương lai của nền kinh tế VN, bà Phạm Chi Lan “tiết lộ” ý kiến của các chuyên gia Ngân hàng thế giới cho rằng VN là nước “không chịu phát triển”:
“Một số chuyên gia World Bank còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển”.
Không phải chưa có ai nghĩ đến cái mô hình kỳ lạ ấy nhưng các chuyên gia của WB là người nói ra, và biểu đạt một cách rất ấn tượng. Họ vạch ra đúng bản chất của nền kinh tế VN rất thật, rất hài lẫn cả đau xót và chua chát nữa.
Bà Phạm Chi Lan đã chỉ ra rất đúng nguyên nhân làm cho nền kinh tế VN trì trệ, không phát triển được, đó là tham nhũng. Tham nhũng sinh ra kém về năng lực cạnh tranh, qui mô danh nghiệp ngày càng teo đi, công nghệ thấp, làm cho các chính sách khuyến khích của nhà nước, các kết quả đàm phán FTA không tới được các doanh nghiệp.
Hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước tham dự hội nghị kết nối do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8/8 (Ảnh: HC)
Gốc rễ của vấn đề
Nhưng đâu là nguyên nhân của nguyên nhân, nghĩa là cái gì đẻ ra tham nhũng thì không thấy bà Chi Lan nói tới. Không phải bà không biết mà bà không thể nói toạc ra trong một hội nghị như thế. Tuy nhiên, bà cũng hé mở khi nói tới vai trò của Nhà nước: “Việt Nam cũng phải cạnh tranh với Nhà nước của các nước khác về thể chế, môi trường kinh doanh, năng lực điều hành nền kinh tế vĩ mô...”. Bà cũng dè dặt hy vọng: “Nhà nước sẽ phải thay đổi nhiều về hệ thống luật pháp, chính sách trong nước cho phù hợp với các cam kết. Và từ đó đổi mới kinh tế sang hệ thống kinh tế thị trường đầy đủ sẽ giúp cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam tốt hơn, bình đẳng hơn!”
Trở lại vấn đề tham nhũng. Tham nhũng từ đâu ra? Ai nuôi dưỡng nó? Rõ ràng, nó lợi dụng các kẻ hở của cơ chế, nó được bao che, câu kết chặt chẽ thành một hệ thống kiên cố từ trung ương đến cơ sở. Tất cả những tệ nạn, những yếu kém của nền kinh tế và các lĩnh vực khác của xã hội sinh ra từ chế độ độc tài. Mọi biện pháp nếu đưa ra cũng chỉ là chữa cháy, mà chữa không khéo, thì càng chữa, đám cháy càng lan to. Với thể chế này, tham nhũng không thể chấp dứt hoặc bị đẩy lùi. Vì vậy, trước khi nghĩ đến các biện pháp thì phải nghĩ đến việc đổi mới chính trị đã. Đây mới là gốc rễ của vấn đề.
Đổi mới kinh tế cần phải đi đôi với đổi mới chính trị. Năm 1986, mới chỉ đổi mới (thực chất là sửa sai) một phần, gỡ bớt rào cản cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển, VN đã đạt được một số thành tựu, cứu được đất nước “đứng bên bờ vực thẳm” nhưng cũng chỉ dừng tại đó vì không có sự đổi mới về chính trị. Mác có một luận điểm đúng, đó là “quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất”. Khi quan hệ sản xuất không phù hợp, nó trở thành lực cản của sự phát triển. Sẽ tới một mức độ nào đó, cái vỏ chật hẹp ấy phải vỡ ra ngoài ý muốn của con người.
Cái vỏ ấy đang được những người bảo thủ cố gắng níu giữ, gia cố, hàn vá. Biết đó là lực cản nhưng họ không đủ can đảm để thay đổi, điều đó có nghĩa là họ “không chịu phát triển”.
Hiến pháp 2013 vẫn xác định Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vẫn xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và vẫn xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, VN đã phải trả giá quá đắt. Trong lĩnh vực kinh tế thì thành phần kinh tế Nhà nước là thành phần duy nhất xảy ra tham nhũng, tham nhũng một cách khủng khiếp, là nơi đốt tiền ngân sách tàn bạo nhất, làm khánh kiệt ngân sách quốc gia. Cán bộ to tham nhũng lớn, cán bộ nhỏ tham nhũng vừa, còn nhân viên thì ăn cắp. Thành phần kinh tế tư nhân không có tham nhũng vì không ai tự ăn cắp của mình. Nhưng họ phải chơi trong một sân chơi bất bình đẳng trước đối thủ được hưởng nhiều ưu đãi về vốn, đỡ bị sách nhiễu hơn về thủ tục, chi phí bôi trơn cũng thấp hơn và đặc biệt là không phải chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của mình, nếu được "coi là" không có sai phạm mà chỉ yếu kém về năng lực. Nếu bị cách chức, hoặc buộc về hưu sớm thì họ vẫn còn một tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có. Còn trong kinh tế tư nhân nếu kinh doanh thua lỗ thì chịu phá sản, không những mất hết vốn đầu tư mà còn lâm vào cảnh nợ nần.
Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Số doanh nhân nào còn tồn tại được là những người có năng lực kinh doanh (trừ những công ty được người nhà nước dựng nên làm “sân sau” hay kinh doanh có sự hậu thuẫn của người nhà nước). Ngược lại, các nhà quản lý kinh tế được nhà nước bổ nhiệm, cho dù họ không có tài cán gì cả.
Nói như thế để thấy rằng, quản lý kinh tế nhà nước như hiện nay thì quá đơn giản trong khi làm kinh tế tư bản, tư doanh đòi hỏi những yêu cầu khắt khe và đầy may rủi.
Kinh tế nhà nước thì tham nhũng, kinh tế ngoài quốc doanh bị chèn ép không ngóc đầu dậy được làm cho bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế VN hết sức ảm đạm. Còn những người ra sức cổ vũ cho nền kinh tế định hướng XNCH, lạc quan tếu về tương lai của nền kinh tế VN thì chính họ cũng chẳng tin. Họ nói vì lợi ích cá nhân của họ mà thôi.
Không chỉ lĩnh vực kinh tế, tất cả các lĩnh vực khác của xã hội như y tế, giáo dục, hành chính, tư pháp đều cho thấy một viễn cảnh bi đát. Tham nhũng len lỏi vào tất cả các bộ phận của guồng máy vận hành xã hội mà chưa bao giờ đẩy lùi được nó, ngược lại, càng ngày nó càng lấn tới. Hết nghị quyết này đến nghị quyết khác, hết lãnh đạo này đến lãnh đạo khác hô hào chống tham nhũng, nhưng tệ nạn này ngày càng lan rộng và nguy hiểm như HIV đã phát triển đến giai đoạn cuối. Chống không được, các vị đành lắc đầu than thở “sâu nhiều quá”, “ăn của dân không từ một cái gì”.
Làm sao để VN "chịu phát triển"?
Làm thế nào để thay đổi tình trạng tụt hậu hiện nay. Điều này có nhiều chuyên gia nhận ra nhưng không dám nhắc tới, mà ai nhắc tới thì bị cho là suy thoái, thậm chí phải gánh chịu hệ lụy, đó là phải cải tổ thể chế. Bà Phạm Chi Lan chẳng đã cho rằng chỉ số xếp hạng về thể chế của VN xếp ở mức rất thấp, rằng VN cần phải cạnh tranh về thể chế đó sao?
Mong muốn đủ thứ nhưng cứ luẩn quẩn với chủ nghĩa Mác - Lê Nin, với định hướng XHCN thì VN không bao giờ thoát ra khỏi tình trạng hiện nay, vì tham nhũng và mọi sự tiêu cực, trì trệ khác được sinh ra và nở rộ từ thể chế hiện tại.
Thể chế hiện nay không nên nói là lỗi thời, không còn phù hợp mà là sai lầm. Chưa cần phân tích, lý luận, chỉ cần quan sát cũng thấy rõ CHXH là hoang tưởng. Không phải ngẫu nhiên mà Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đồng loạt sụp đổ trong vòng vài năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Không phải ngẫu nhiên mà xét riêng trong một quốc gia bị chia cắt, trước đó, nền kinh tế và mọi lĩnh vực xã hội khác là như nhau, thế nhưng nửa nào theo XHCN thì khốn khó, ì ạch, còn nửa kia phát triển với tốc độ rất nhanh. Điều này ta có thể thấy rõ khi so sánh giữa Bắc với Nam Việt Nam, CHDC Đức với CHLB Đức trước đây và Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc, Trung Hoa lục địa với Đài Loan hiện nay.
Để chứng tỏ cho thế giới biết VN từ “không chịu phát triển” trở thành “chịu phát triển”, cần phải cải tổ thể chế hiện nay. Đó là cách cứu VN thoát khỏi vùng trũng của thế giới. Cần phải xây dựng một nền dân chủ đa nguyên. Tất nhiên, không phải mọi sự tồi tệ sẽ nhanh chóng chấm dứt khi chuyển sang nền dân chủ nhưng nó sẽ được kiểm soát dần dần cùng với quá trình hoàn thiện của thể chế mới. Khi ấy sẽ có những cơ chế kiểm soát lẫn nhau, có tam quyền phân lập, có nhà nước pháp quyền. Khi người dân được làm chủ thực sự, thấy chính quyền, tài sản chung của xã hội cũng là của mình thì họ mới quan tâm, mới đóng góp được tâm huyết, tài năng thực sự vào việc quản lý đất nước. Khi ấy VN mới khả dĩ nói đến thoát khỏi mô hình kỳ lạ nhất thế giới, mới có thể nói với các chuyên gia Ngân hàng thế giới rằng chúng tôi đã “chịu phát triển”.
19/8/2015