Lenin và chính sách “Tuyên truyền Tượng đài”
Trần Trung Đạo (Danlambao)
- Trong thời gian qua, hầu hết bài viết dù phê bình việc dựng tượng đài
Hồ Chí Minh ở Sơn La đều nhấn mạnh đến những yếu tố như tốn kém tiền
bạc, nuôi sống tham nhũng, làm cho dân tình thêm đói khổ v.v... Những
phê bình đó không sai nhưng chỉ là những tác hại về vật chất, các tác
hại tinh thần do những tượng đài CS gây ra còn sâu xa và nguy hiểm hơn
nhiều.
Tượng đài CS một vấn nạn của các nước cựu CS
Khi người dân giành lại được quyền tự do, tượng đài cũng là nơi họ trút
hết những hờn căm, phẫn uất đã bị dồn nén, chịu đựng bao nhiêu năm. Để
bày tỏ thái độ dứt khoát với quá khứ, phản ứng cụ thể nhất của phong
trào dân chủ cũng là giật sập tượng đài. Chỉ trong tháng 11, 1990, tại
Ukraine và các quốc gia vùng Baltic, 70 tượng đài Lenin bị giật đổ. Để
ngăn chận làn sóng giật sập tượng Lenin, tháng 10, 1990 Mikhail
Gorbachev, lúc đó còn là Tổng Bí Thư CS Liên Xô, ra sắc lịnh ngăn cấm
việc phá hủy tượng Lenin. Nhưng đã quá trễ, phong trào giật đổ tượng đài
các lãnh đạo CS đã lan rộng không chỉ các quốc gia Trung Á thuộc Liên
Xô mà ngay cả tại quê hương Nga của y.
Từ cuối năm 1989, hàng ngàn tượng đài các lãnh đạo CS tại 15 nước thuộc
Liên Xô cũ, các quốc gia Đông Âu, Mông Cổ, Ghana, Ethiopia, Afghanistan
đã bị giật sập, đập phá hay hủy hoại. Tuy nhiên, số lượng tượng đài các
lãnh tụ CS cũng còn lại khá nhiều bởi vì kéo đổ hết là một việc khó
khăn, đơn giản vì chúng quá nhiều, quá tốn kém và trong nhiều trường hợp
dân chúng chẳng còn quan tâm đến những khối xi măng vô tri không làm ai
sợ hãi nữa.
Hành động kéo đổ tượng Lenin tại thành phố Kharkiv, Ukraine vào tháng
Chín năm ngoái, do đó, không phải là mới lạ. Tượng đài Lenin ở Kharkiv
cũng không phải là tượng đầu tiên mà là tượng thứ 390 bị kéo xuống chỉ
trong vòng 2 năm 2013 và 2014. Trước đây, Ukraine đã từng là một trong
vài nước đầu tiên phá đổ tượng đài Lenin vào đầu thập niên 1990. Việc
kéo đổ tượng Lenin ở Ukranie lần này chỉ là cách để chứng tỏ là thái độ
dứt khoát đối với Nga.
Số lượng tượng đài Lenin tại Nga còn lại nhiều nhưng không có nghĩa
người dân Nga xem Lenin như là biểu tượng của ngước Nga. Dân chúng Nga
yêu dân chủ kết án Lenin như một tội đồ dân tộc vì đã (1) xây dựng một
chính quyền khủng bố có hệ thống để cai trị Nga suốt 74 năm; (2) tàn phá
Đế Quốc Nga và giết sạch gia đình hoàng gia Tsar Hoàng; (3) ký hiệp ước
bán nước Brest-Litovsk sang nhượng đất đai của Nga cho Đức và các cường
quốc Trung Âu; (4) gây ra cuộc nội chiến Nga sau khi cướp chính quyền
1917 dẫn đến cái chết của 15 triệu dân Nga vô tội; (5) tịch thu tài sản
dân chúng, tàn phá nhà thờ, tu viện; (6) ký hàng loạt mật lịnh ám sát
nhiều trăm ngàn người dân vô tội, nông dân có đất dai, tu sĩ và tín đồ
Thiên Chúa Giáo.
Nguồn gốc của chính sách “Tuyên truyền Tượng đài”
Gần như quốc gia nào cũng có xây một số tượng đài để tưởng niệm các danh
nhân, các anh hùng dân tộc của quốc gia họ như George Washington,
Abraham Lincoln của Mỹ, Simon Bolivar, Manuel Carlos Piar của Venezuela,
Trần Hưng Đạo, Quang Trung của Việt Nam v.v... nhưng chỉ có dưới các
chế độ CS, tượng đài các lãnh đạo CS được sử dụng như một phương tiện
tuyên truyền gây tác hại vô cùng độc hại, nhất là đối với các thế hệ
trẻ.
Sắc lịnh “Tuyên truyền Tượng đài” do Lenin đề xướng có một tên khá dài “Về
việc dời các Tượng đài được Dựng lên để Vinh danh Tsars Hoàng và Quan
chức và việc Phát triển Đề án Tượng đài Tưởng nhớ đến Cách mạng Xã hội
chủ nghĩa Nga” (On Removing Monuments Erected in Honor of Tsars and
Their Servants and Developing a Project for Monuments Dedicated to the
Russian Socialist Revolution) được công bố ngày 12 tháng Tư, 1918.
Chỉ trong vòng một tháng, các tượng đài vua chúa Nga bị kéo sập hay bị
dời đi. Thời đó Lenin còn sống nên tượng đài được dựng lên đầu tiên là
tượng đài Karl Marx do điêu khắc gia E. V. Revde đúc và đặt tại Penza.
Hội đồng Ủy Viên Nhân Dân ngày 30 tháng Bảy, 1918 chấp thuận một danh
sách đảng viên CS gồm 69 tên được xây tượng đài tưởng niệm. Lễ khai mạc
mỗi tượng đài được tổ chức trọng thể. Sau khi Lenin chết, bộ máy tuyên
truyền đảng CS tập trung vào việc biến Lenin thành bất tử qua việc đúc
hàng ngàn tượng Lenin đủ kiểu và đặt tại khắp nơi.
Để gia tăng sản xuất tường đài Nhà Máy Điêu Khắc Tượng Đài được chính
thức khai mạc tại Leningrad năm 1922 để đúc tượng các “anh hùng lao
động”, “anh hùng Sô Viết”, các lãnh đạo CS. Có nhiều năm nhà máy sản
xuất đến 5000 tượng đài CS. Trả lời phỏng vấn của báo Christian Science Monitor
tháng 11, 1990, điêu khắc gia Albert Charkin, tác giả của nhiều mẫu
tượng Lenin cho biết những hình ảnh Lenin đơn giản, khiêm cung, thân
mật, gần gũi chỉ là những hình ảnh giả tạo.
Người đời nguyền rủa Stalin nhiều hơn Lenin nhưng quên rằng tất cả tội
ác của Stalin đều phát sinh từ nền móng của cơ chế toàn trị do Lenin
dựng lên, trong đó có cơ quan mật vụ Cheka khủng khiếp do hung thần
Felix Dzerzhinsky lãnh đạo. Chỉ trong vòng một tháng từ tháng Chín đến
tháng Mười, 1918, ước lượng đã có 10 ngàn đến 15 ngàn người bị cơ quan
Cheka thủ tiêu. Danh từ “Khủng bố Đỏ” xuất hiện trong giai đoạn này.
Tượng đài các lãnh đạo CS tại 5 nước CS
Tại Bắc Hàn, toàn quốc có khoảng 34.000 tượng đài Kim Nhật Thành. Một
tượng đài cho mỗi 3.5 kilomet và cứ 750 người dân có một tượng đài họ
Kim. Không giống như một số tượng Lenin làm bằng đá, tượng cha con họ
Kim đúc bằng đồng rất tốn kém. Tháng Bảy vừa qua, hai bức tượng đồng của
cha con họ Kim được khánh thành một cách trọng thể tại tỉnh Pyongan. Để
củng cố đặc điểm kế nghiệp, Kim Jong Un sẽ lần lượt cho thay thế tượng
ông nội y đứng một mình bằng tượng của ông nội và cha y đứng cạnh nhau.
Tại Trung Cộng, theo BBC, nhiếp ảnh gia Cheng Wenjun đã đi khắp Trung
Hoa lục địa để chụp hình các tượng đài Mao Trạch Đông và ông ta ghi nhận
khoảng 2000 tượng đài. Điều đáng lưu ý, một phần ba số tượng đài nằm
trong khu vực các trường đại học. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm sinh nhật của
Mao, lãnh đạo Trung Cộng cho đúc một tượng Mao ngồi gác chân trên ghế
bằng vàng và cẩm thạch, cao chỉ 80 cm, nặng 50 kilograms nhưng có giá
thành lên đến 16 triệu đô la.
Tại Lào, tượng lãnh tụ CS Kaysone Phomvihane cũng có mặt trên nhiều công
viên, cơ quan nhà nước. Năm 2004, Bắc Hàn đúc tặng Lào 200 tượng
Kaysone Phomvihane bằng đồng để đặt tại các cơ quan đảng và nhà nước
Lào.
Tại Cuba, mặc dù Fidel Castro chưa chết, tượng đài của y cùng với Che
Guevara cũng đã được dựng nhiều nơi trên quốc gia hải đảo này.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Văn Hóa-Thanh Niên & Du Lịch, Việt
Nam hiện có 134 tượng đài Hồ Chí Minh, trong đó gồm 103 tượng đặt tại
các trụ sở cơ quan, 31 tượng được dựng tại các quảng trường. Theo kế
hoạch từ nay đến 2030 sẽ xây thêm 58 tượng họ Hồ, nâng tổng số lên 192
tượng.
Tượng đài CS không phải là biểu tượng văn hóa của một dân tộc
Để bênh vực việc xây tượng đài Hồ Chí Minh, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ
tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt nam, phát biểu: "Tôi
cho rằng, không nên đặt vấn đề xây dựng những tượng như thế đắt hay rẻ.
Trước khi phán xét phải nhìn nhận tổng thể giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ
là động lực cho sự phát triển, nên không thể nói vì còn nhiều người đói
thì phải mua cơm trước. Đôi khi văn hóa cũng phải đi trước." Ông Đào Ngọc Nghiêm không hiểu văn hóa là gì mà nói sảng, tượng đài Hồ Chí Minh không có liên hệ gì đến văn hóa Việt Nam.
Văn hóa được định nghĩa khác nhau ít nhiều tùy thuộc vào mục đích nghiên
cứu nhưng tựu chung là đời sống vật chất và tinh thần đặc thù của một
dân tộc. Trong tuyên bố về các dạng văn hóa thế giới vào ngày 2 tháng
11, 2001, UNESCO định nghĩa văn hóa là “tập hợp của các đặc điểm tình
cảm, trí thức, vật chất, tinh thần riêng biệt của một xã hội hay một
nhóm xã hội trong đó bao gồm cách sống, hệ thống các giá trị, truyền
thống và niềm tin”.
Tạm gác qua chuyện đói no, chỉ bàn về văn hóa thôi thì tượng đài Hồ Chí
Minh không phải là biểu tượng văn hóa hay một phần của văn hóa dân tộc
Việt Nam vì hai lý do chính:
1. Tượng đài CS không mang tính văn hóa đặc thù
Với định nghĩa của UNESCO, các tượng đài CS, trong trường hợp này là
tượng đài Hồ Chí Minh, không phải là biểu tượng văn hóa đặc thù của một
dân tộc mà chỉ là sản phẩm tuyên truyền phát xuất từ một nguồn gốc CS do
Lenin đề ra vào ngày 12 tháng Tư, 1918 tại Nga và đã đước áp dụng giống
nhau một cách chính xác tại hầu hết các quốc gia CS.
Lấy hình tượng các lãnh tụ CS hôn nhi đồng làm một thí dụ. Để che giấu
tội ác, bộ máy tuyên truyền Liên Xô giới thiệu một Stalin hiền từ yêu
nhi đồng. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh ở Việt Nam cũng yêu nhi đồng, Mao
Trạch Đông ở Trung Cộng yêu nhi đồng, Todor Zhivkov ở Bulgary yêu nhi
đồng. Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn yêu nhi đồng. Lãnh tụ khác nhưng cách
thức, nội dung và mục đích đều giống hệt nhau.
2. Tượng đài CS không tồn tại với thời gian và truyền thống dân tộc
Như lịch sử thế giới cận đại chứng minh và người viết đã phân tích ở
trên, tượng đài các lãnh đạo CS được dựng lên vì mục đích tuyên truyền
nên phải bị phá hủy sau khi cơ chế chính trị tồn tại nhờ tuyên truyền và
khủng bố sụp đổ. Như hai tác giả W. Logan và K Reeves viết trong tác
phẩm biên khảo Những nơi đau nhức và nhục nhã, đương đầu với một “gia tài nan giải”
(Places of pain and shame: dealing with "difficult heritage"), chế độ
CS sụp đổ để lại những tượng đài như một gia tài không ai muốn nhận.
Chính sách “Tuyên truyền Tượng đài” dù đã chấm dứt trên quê hương của
tác giả nó tròn một phần tư thế kỷ nhưng chất độc tư tưởng vẫn còn gieo
rắc lên các thế hệ Việt Nam cho đến hôm nay. Tiền bạc của cải dù thiếu
thốn bao nhiêu cũng có ngày làm lại được, tương tự, các phương tiện khoa
học kỹ thuật dù tiên tiến bao nhiêu cũng có thể học được nhưng giá trị
văn hóa dân tộc rất khó phục hưng. Cuộc tranh đấu để chống lại các tư
tưởng CS ngoại lai, vong bản, vì thế, là một cuộc đấu tranh đầy khó
khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, kiên nhẫn và phải bắt đầu ngay hôm nay chứ
không phải đợi đến khi chế độ CS sụp đổ.
11.08.2015