6/8/15

"Khỏe Vì Nước"

 "Khỏe Vì Nước"


Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược: Nhạc sĩ Hùng Lân viết ca khúc "Khỏe Vì Nước" vào năm 1946 không phải chỉ thúc giục người dân tập luyện cơ thể mà chính yếu là kêu gọi thanh niên Việt Nam đứng lên cứu nước trong cơn nguy biến do hiểm họa cộng sản. Nhạc sĩ Hùng Lân khéo léo gửi thông điệp thống thiết tới tuổi trẻ Việt Nam qua những nhắc nhở về bản chất kiêu hùng của dân tộc Việt, bổn phận của thanh niên với tổ quốc, và các hoạt động của phong trào Duy Tân. Bài hát có nhịp điệu nhanh, cấu trúc đơn giản, và cách diễn tả trang nghiêm, thích hợp cho nhạc kêu gọi đấu tranh hơn là nhạc luyện tập thể dục.
***
Bài hát "Khỏe Vì Nước" rất thịnh hành trong miền Nam trước 1975 dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), được hát tại trường học, cơ quan huấn luyện quân sự, cơ sở hội đoàn, và trong các dịp tụ họp, luyện tập, hoặc hội lễ về thể dục thể thao. Hiện nay, bài hát cũng thường được hát tại Việt Nam trong các buổi tụ họp thể dục thể thao và nhiều khi được trình diễn trước công chúng. 
Theo tài liệu cộng sản, ngày 27 tháng 3 năm 1946, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nhà Thanh niên - Thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục (Trương 2004). Sau đó, nhạc sĩ Hùng Lân cho ra ca khúc "Khỏe Vì Nước," được coi là bài hát cổ võ phong trào luyện tập thân thể và giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên, như sẽ được trình bày sau, bài hát "Khỏe Vì Nước" có mục tiêu chính là kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nước, như thể để tránh hiểm họa cộng sản, và truyền bá thể dục chỉ là mục tiêu phụ hoặc ngụy trang che giấu mục tiêu chính.
Nhạc sĩ Hùng Lân luôn luôn được coi là tác giả bài hát, cả nhạc lẫn lời. Theo một tài liệu (Nguyễn 2003), Huy Linh, con trai của nhạc sĩ Hùng Lân, cho biết Hùng Lân viết bài “Khỏe Vì Nước” nhân cảm hứng từ lời Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tập thể dục. (Ta không rõ ý nghĩa thực sự của "cảm hứng" này như thế nào, nhưng như sẽ được trình bày sau, cái "cảm hứng" này, nếu có, là "cảm hứng" cho nhạc sĩ Hùng Lân nghĩ ra cách để truyền bá lời kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nguy đất nước.) Tuy nhiên theo một nguồn khác (Trương 2011), Nguyễn Huy Khôi, Trưởng ban vận động, thông tin và huấn luyện của Nha Thể dục trung ương lúc ấy, tuyên bố rằng chính ông ta là người viết lời ca của bài "Khỏe Vì Nước" và Hùng Lân chỉ viết nhạc và sửa đổi lời ca một chút. Trong bài này, tôi coi Hùng Lân là tác giả cả nhạc lẫn lời, vì tôi nghĩ rằng Nguyễn Huy Khôi không có tài trí bằng nhạc sĩ Hùng Lân trong việc viết lời nhạc và, quan trọng hơn, ông ta là cán bộ cộng sản sùng bái Hồ Chí Minh nên không dám viết lời nhạc với ý thâm thúy chống Hồ như sẽ được trình bày sau. Ngoài ra, ý nghĩa trong bài "Khỏe Vì Nước" rất giống với ý nghĩa trong các bài khác của Hùng Lân, cho thấy các bài này do cùng một tác giả viết. Thí dụ, lời kêu gọi trong bài "Khỏe Vì Nước" có ý nghĩa rất giống với câu "Thanh niên Việt nam, sao mai chờ ta/ Ðường gai bon gót, bạo mà đi ta cứ bạo mà đi" trong bài "Rạng Đông." Hơn nữa, cho dù nhạc sĩ Hùng Lân không viết lời, việc ông viết nhạc cho lời cho thấy ông đồng ý với ý nghĩa mà lời hát muốn truyền đạt.
Sau đây là tiểu sử vắn tắt của nhạc sĩ Hùng Lân (Giáo 2012; Wikipedia 2014).
Hùng Lân tên thật là Hoàng Văn Cường. Ông sinh ngày 23 tháng 6 năm 1922 tại Hà Nội, trong một gia đình Công giáo. Lúc tuổi niên thiếu, ông học trường Pháp và âm nhạc dưới sự chỉ dạy của các linh mục Pháp ở Hà Nội.
Trong các năm sau năm 1944, ông dạy âm nhạc tại các trường trung học và viết sách giáo khoa về âm nhạc. Năm 1953, ông nhập ngũ, phục vụ ngành Chiến tranh tâm lý tại phòng 5 Đệ Tam Quân khu, Hà Nội, thuộc Quốc Gia Việt Nam. Sau Hiệp định Genève 1954, Hùng Lân di cư vào Nam làm giáo sư âm nhạc của trường Ca vũ nhạc Phổ thông Sài Gòn và cũng là trưởng ban Phát thanh Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể thao Sài Gòn. Từ năm 1957 đến 1975, ông là giáo sư dạy nhạc tại trường âm nhạc và sư phạm đại học và làm việc tại Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn. Sau 1975, ông ở lại Sài Gòn và tiếp tục việc dạy nhạc và nghiên cứu âm nhạc tại tư gia cho đến khi qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1986.
Hùng Lân có khoảng 900 tác phẩm và rất nhiều bản đã bị thất truyền. Nhạc ông khá đa dạng, gồm có các bài về quê hương, quốc gia đất nước như "Rạng Đông" (được giải thưởng của Hội Khuyến học Hà Nội năm 1943), "Việt Nam Minh Châu Trời Đông," (được giải nhất kỳ thi Âm nhạc Toàn quốc năm 1943), "Khỏe Vì Nước" (1946); thánh ca như "Ca Vang Lời Chúa 1, 2 và 3"; nhạc nhi đồng như "Em Yêu Ai"; và các bài tình cảm khác như "Hè Về," "Cô Gái Việt," và "Hận Trương Chi."
Nguyên văn lời bài hát "Khỏe Vì Nước" như sau:
Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia. 
Đoàn thanh niên ta góp tài ba. 
Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới. 
Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam. 

Khỏe vì nước chí khí cương kiên. 
Giống Lạc Hồng anh hùng vô biên. 
Trong khó nguy can trường sinh thác ta coi thường. 
Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm. 

Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông đợi chờ.
Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ. 
Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng. 
Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới ngắm chung.

Dân sinh yếu nhược lôi theo mối nhục vong quốc. 
Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc. 
Mau gây lấy phong trào khỏe khắp nơi xa gần. 
Cho dân trí phương cường và hưng phấn. 
Nghìn đời không mờ ánh Duy Tân.



Phiên bản tôi dùng dựa vào tờ nhạc đánh máy khá cũ của bài "Khỏe Vì Nước" (rất có thể là tờ nhạc gốc). Nhiều phiên bản có vài từ ngữ hơi khác phiên bản trên. Vài thí dụ của các lời khác nhau: "nam giới" thay vì "năm giới," "Hợp đoàn" thay vì "Tạo nguồn," "Trong khó nguy coi thường/ Sinh tử ta không sờn" thay vì "Trong khó nguy can trường/ sinh thác ta coi thường," "thế giới soi chung" thay vì "thế giới ngắm chung." Những khác biệt này không thay đổi nhiều ý chính của lời ca.
Trong bài này, như thường lệ, tôi sẽ chú trọng thảo luận về các khía cạnh văn chương của bài hát, nội dung và hình thức, và vài điểm về âm nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.
A. Những khía cạnh lịch sử tại Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 20 và năm 1945-1946 giúp diễn giải ý nghĩa của bài hát
Để hiểu rõ ý nghĩa bài hát, ta nên có chút hiểu biết về bối cảnh lịch sử tại Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 20 và năm 1945-1946. Ba khía cạnh liên hệ đến bài hát gồm có: (1) các phong trào duy tân; (2) thái độ Hồ đối với các chí sĩ của phong trào Duy Tân; và (3) tình trạng đất nước vào năm 1945-1946.
1. Các phong trào có mục tiêu thay đổi xã hội chính trị vào đầu thế kỷ 20:
Vào đầu thế kỷ thứ 20, dưới những biến cố địa chính trên thế giới, Việt Nam bắt đầu một giai đoạn chuyể̉n mình để thay đổi, thoát ra khỏi chế độ quân chủ. Hầu hết những cuộc khởi nghĩa chống Pháp đã bị dẹp, ngoại trừ khởi nghĩa Đề Thám tại Yên Thế vẫn còn hoạt động cho tới năm 1913. Có nhiều phong trào chống Pháp, gồm có phong trào Cần Vương (1885-1913), Đông Kinh Nghĩa Thục (1907-1908), Đông Du (1905-1909), và Duy Tân (1906-1908) (Xem, thí dụ như, Hoang 1964, 14; Wikipedia 2015a; Wikipedia 2015c). Các phong trào này đượm màu sắc quốc gia và hoàn toàn đi ngược lại chủ nghĩa cộng sản.
Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh (còn được gọi là Phan Chu Trinh) khởi xướng năm 1906 cho tới năm 1908 thì chấm dứt vì Pháp đàn áp (Wikipedia 2015b). "Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" (sđd.). Một cách vắn tắt, khai dân trí nhắm vào mở mang trí tuệ cho dân chúng, chấn dân khí kêu gọi mọi người thức tỉnh tinh thần tự cường, và hậu dân sinh khuyến khích dân học nghề nghiệp, buôn bán (sđd.). Phong trào Đông Du và Duy Tân hội do Phan Bội Châu và một số các nhà trí thức khác khởi xướng vào năm 1905. Phong trào Đông Du gửi sinh viên sang Nhật du học. Phong trào sau đó bị tan rã vào năm 1908 vì Pháp can thiệp (Wikipedia 2015a).
Như sẽ được phân tích sau, bài "Khỏe Vì Nước" là lời cổ võ các phong trào yêu nước này, nhất là phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh và phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.
2. Hồ Chí Minh có nhiều mâu thuẫn với các lãnh tụ các phong trào Duy Tân và đặc biệt là bán đứng Phan Bội Châu cho Pháp:
Phan Châu Trinh sang Pháp năm 1911 và về Việt Nam năm 1925 (Wikipedia 2015b). Trong lúc ở Pháp, cùng với Phan Văn Trường, ông cho Nguyễn Tất Thành, sau này xưng là Nguyễn Ái Quốc, tá túc. (Hồ Chí Minh sau này xưng là Nguyễn Ái Quốc khi cướp chính quyền năm 1945.) Nguyễn Tất Thành và Phan Châu Trinh có nhiều bất đồng ý kiến về các phương pháp chính trị. Hai người có những cuộc cãi vã nẩy lửa trong khoảng năm 1919-1920 tại Paris (Xem, thí dụ như, Duiker 2000, 68-69). (Việc Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Tất Thành hay Nguyễn Ái Quốc hay không, không là vấn đề, vì vào năm 1946, và ngay cả mấy chục năm sau đó trong thế kỷ 20, ai cũng cho rằng Hồ Chí Minh là Nguyễn Tất Thành hay Nguyễn Ái Quốc.)
Không những Hồ chống đối Phan Châu Trinh, ông ta còn coi thường Phan Bội Châu. Hồ từng nói, "ông Châu là một người già, không hợp với các hoạt động cách mạng" (Tưởng 1999, 84). Đặc biệt, Hồ được coi là kẻ chủ mưu bán đứng Phan Bội Châu cho Pháp vào năm 1925. 
Phan Bội Châu ở Trung Quốc vào những năm 1920 và bị Pháp truy nã. Pháp treo thưởng cho tin tức dẫn đến việc bắt giữ ông với số tiền 150.000 đồng đông dương (nguồn tin khác cho một số lượng ít hơn 100.000 đồng). Các tài liệu từ trước tới nay không nói rõ giá trị số tiền đó so với thời giá hiện đại. Số tiền đó tương đương với 1 triệu rưỡi franc theo hối suất 1 đơn vị tiền tệ đông dương cho 10 francs lúc bấy giờ (Buttinger 1967, 156, 533 ghi chú 38), hoặc ít nhất là $75.000 đô la Mỹ theo hối suất 1 đồng đô la Mỹ cho khoảng 20 francs bấy giờ (Blancheton, 19, Fig. 3). Một phần thưởng $75.000 đô la Mỹ là một số tiền kếch xù lúc ấy, tương đương với 1 triệu đô la Mỹ bây giờ (2014) (Inflation). (Khi dùng tiền franc, đổi sang tiền franc mới, euros, và chuyển qua đô la Mỹ, tính thêm lạm phát, ta có con số khoảng 1,2 triệu đô la Mỹ theo thời giá hiện nay vào năm 2015.) Đặt ra hơn một triệu đô la theo thời giá hiện nay cho việc bắt giữ một người đấu tranh chính trị cho thấy thực dân Pháp sợ hãi Phan Bội Châu như thế nào, và số tiền kếch xù đó đã động đến lòng tham của Hồ vì lúc ấy Hồ đang quẫn bách và rất cần tiền (Quinn-Judge 2002, 75, 80-82). Hồ nhiều lần xin tiền trong thư ông ta sang Nga và chỉ nhận được tương đương với $2.500 đô la Mỹ trong năm 1925 (sđd., 88).
Hồ và người cộng tác của ông ta, Lâm Đức Thụ, báo cáo chương trình đi đứng của Phan Bội Châu cho Pháp, dẫn đến chuyện bắt giữ Phan Bội Châu ở Thượng Hải, và sau đó chia tiền thưởng 150.000 (100.000) đồng (Buttinger 1967, 155-156; Chen 1969, 23; Davidson 1988, 4; Halberstam 1971, 45; Hoang 1964, 18; Huyen 1971, 27-28; Nixon 1985, 33; Phạm 1972, 226-230; Tưởng 1999, 84). Đặc biệt, "người Pháp nói là năm 1925, Hồ phản bội Châu cho công an Pháp tại Thượng Hải để lấy 100.000 đồng" (Davidson 1988, 4). Hồ biết Thụ là người cung cấp thông tin cho Pháp (Duiker 2000, 222), nhưng ông ta vẫn tiếp tục làm việc với Thụ. Thụ giới thiệu Tăng Tuyết Minh (sau này là vợ của Hồ) với Hồ (Brocheux 2007, 39; Duiker 2000, 143). Với các bằng chứng mạnh mẽ ở trên, không còn thắc mắc là Hồ đã phản bội Phan Bội Châu.
Hồ Chí Minh, do đó, coi Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu là hai kẻ thù chính trị và tỏ ý khinh thường hai bậc chí sĩ tiền bối. Đảng cộng sản Việt Nam đánh giá thấp vai trò của các phong trào yêu nước, cho rằng "vì đường lối chính trị của các tổ chức này không rõ ràng, nhất là không dựa vào quần chúng lao động, mà dựa vào uy tín cá nhân, nên không tạo ra được sự thống nhất trong những người đề xướng phong trào" (Đảng 2003). Ngoài ra, phong trào Duy Tân là phong trào quốc gia có bản chất ngược lại với chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, những gì ca ngợi hoặc cổ võ ý tưởng Duy Tân là lời chống đối Hồ Chí Minh mãnh liệt. 
3. Hồ ra lệnh Võ Nguyên Giáp tàn sát hàng ngàn thanh niên và các lãnh tụ quốc gia vào năm 1945-1946:
Vào năm 1946 khi bài "Khỏe Vì Nước" ra đời, Việt Nam đang trải qua một giai đoạn nguy biến. Thế chiến thứ hai chấm dứt năm 1945. Cộng sản Việt Minh cướp chính quyền vào tháng tám năm 1945, giết chết một nền độc lập mới còn phôi thai khi Nhật trả lại độc lập cho Việt Nam và chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Sau đó, năm 1946, Hồ Chí Minh đồng lõa với Pháp và tiêu diệt hàng ngàn người quốc gia. 
Việc Hồ loại trừ những nhà cách mạng khác, kể cả những đối thủ theo phe Trotsky, được biết rõ (Ngo 2010, 144, 199, 200, 236). Sau khi được thông báo rằng đối thủ phe Trotsky, Tạ Thu Thâu, đã bị ám sát bởi lực lượng Việt Minh vào tháng 9 năm 1945, Hồ nói, "Tạ Thu Thâu là một người yêu nước, và chúng tôi thương tiếc anh, nhưng những người không theo đường lối của tôi sẽ bị đập tan" (Ngo 2010, 163; Duiker 2000, 371; Courtois 1999, 566-567; Lind 1999, 241). Ngoài ra, đảng của Hồ, Việt Minh, đã giết chết nhiều người quốc gia và học giả, chẳng hạn như Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm (Chen 1969, 108-109; Marr 1997, 453; Trần 2001, 64-67); văn sĩ Khái Hưng; lãnh tụ chính trị (Đại Việt Quốc dân đảng) Trương Tử Anh; Phan Văn Hùm; Trần Văn Thạch; Bùi Quang Chiêu; Hồ Văn Ngà; nhà lãnh đạo giáo phái Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ; và nhiều người khác (Trần 2001, 71-75, 84-89; Peycam 2012, 219). 
Vào tháng 6 năm 1946, Hồ sang Pháp để thương lượng với Pháp về những vấn đề chính trị liên quan đến Việt Nam. Hồ trở về Việt Nam vào tháng 10 năm 1946. Trong lúc "ông ta vắng mặt và với chỉ thị của ông ta, Võ Nguyên Giáp tiến hành việc tiêu diệt có hệ thống những người quốc gia chống Việt minh" (Huyen 1971, 163). Nhiều người quốc gia phải bỏ trốn khỏi nước trong cuộc thanh trừng năm 1946 (Nguyễn 2012, 49-50). "Trong các cuộc thanh trừng bắt đầu tháng 3 năm 1946 và lên mức tột đỉnh vào mùa hè, hàng ngàn lãnh tụ triển vọng của chủ nghĩa quốc gia không cộng sản bị giết" (Lind 1999, 241). Hàng ngàn người quốc gia, thân nhân và bạn bè họ, bị chôn sống (Colvin 1996, 51; Nguyen 1983, 121). Một trong những kỹ thuật dùng bởi người của Giáp "là trói nạn nhân lại với nhau theo lô, như gỗ bè, và quăng họ vào sông Hồng, khiến nạn nhân chết đuối khi trôi ra biển" (Pike 1986, 340-341). Khi chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Việt Minh trong tháng 12 năm 1946, "không ngạc nhiên là Hồ đã trở thành lãnh tụ của lực lượng kháng chiến quan trọng duy nhất" vì "ông ta đã giết chết gần như tất cả những người khác" (Nixon 1985, 35). 
Khía cạnh sôi động này vào năm 1946 hỗ trợ cho diễn giải những từ ngữ hàm ý nguy cơ, khẩn cấp, và lời kêu gọi trong "Khỏe Vì Nước." Cuộc thảm sát những thanh niên quốc gia trong năm 1946 quả là một thảm kịch của đất nước tương tự như cuộc thảm sát địa chủ trong chương trình cải cách ruộng đất chưa đầy 10 năm sau đó, và cuộc thảm sát dân vô tội tại Huế trong Tết Mậu Thân năm 1968.
B. "Khỏe Vì Nước" không phải chỉ là lời thúc giục tập thể dục mà chính yếu là lời kêu gọi tuổi trẻ đứng lên cứu nước khi tổ quốc đang trong cơn nguy khốn.
Bài hát mở đầu bằng xác định lý do ta phải khỏe mạnh. Mục tiêu giữ gìn và phát huy sức khỏe là phục vụ nước, xây dựng và phát triển quốc gia ("Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia."). Không có gì sai trong việc kêu gọi dân tham gia vào việc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, kêu gọi dân giữ gìn sức khoẻ hoặc tập luyện cơ thể với mục đích phục vụ đất nước có hơi chút lạ lùng, vì sức khoẻ thường liên hệ đến vật chất cá nhân. Như sẽ được cho thấy sau, sức khỏe đây có ý nghĩa rộng lớn hơn là sức khoẻ vật chất.
Những người thanh niên trong nước hãy đóng góp tài năng, tạo nên cuộc sống mới cho toàn dân, đem lại hùng mạnh trên mọi nơi, và cùng hợp sức để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường ("Đoàn thanh niên ta góp tài ba/ Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới/ Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam.") Có vài điểm đáng nói trong các câu này. 
Trước hết, tác giả cho thấy ý nghĩa trong việc giữ gìn sức khoẻ để kiến thiết quốc gia không phải là chỉ có tập luyện thể dục, giữ cho thân hình tráng kiện, mà còn là đem tài năng giúp nước ("Đoàn thanh niên ta góp tài ba.") Tài ba hẳn nhiên không có ý nói đến các tài về vật chất hoặc cơ thể, mà là các tài cần thiết cho việc xây dựng quốc gia. Những tài năng này có thể là những tài năng chuyên nghiệp lợi ích cho xã hội, như kỹ thuật, khoa học, y khoa, giáo dục, công nghệ, và các ngành chuyên khoa khác. Ta sẽ thấy cả toàn bài nhắc nhở rất ít đến sức mạnh thể chất, mà dường như chú trọng hơn về trí tuệ và các sức mạnh tinh thần. Có thể tác giả muốn nói một sức khỏe thể chất dẫn đến sức mạnh tinh thần. Nhưng ý đó không được nêu rõ trong lời ca. "Khỏe vì nước" do đó cần phải được hiểu một cách rộng rãi, và chữ "khỏe" hàm ý là "sức mạnh" (vật chất lẫn tinh thần) thay vì chỉ hạn hẹp là "sức khỏe cơ thể."
Ngoài ra, tác giả chú trọng vào tuổi trẻ hơn là toàn dân qua chữ "thanh niên." Toàn bài có ba lần nhắc đến "thanh niên" cho thấy bài hát nhắm vào tuổi trẻ thanh niên và không phải toàn dân trong nước. Chỉ điểm đó thôi cũng đủ cho thấy tác giả không có ý định dùng bài hát để cổ võ cho phong trào khỏe toàn quốc, vì phong trào khỏe toàn quốc phải nhắm vào đủ mọi lớp người dân, bất kể tuổi tác, từ già đến trẻ.
"Thanh niên" nghĩa là gì? Theo định nghĩa, thanh niên là người tuổi trẻ, cả nam lẫn nữ. Nhưng thế nào là trẻ? Theo định nghĩa của đa số quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế, tuổi trẻ (youth) thường dùng cho lứa 15-24 tuổi (Xem, thí dụ như, United Nations). Khi viết "Khỏe Vì Nước," Hùng Lân có thể không biết và không theo các định nghĩa đó mà chỉ dùng "thanh niên" cho những người trẻ, khoảng 20-30 tuổi. Vào năm 1946, Hùng Lân là một thanh niên 24 tuổi. Trong phần sau của bài hát, ông dùng "ta" ám chỉ ông cũng là thành phần của đoàn thanh niên đó, cùng lứa tuổi với ông. 
Ở lứa tuổi này, tuổi trẻ có thể giúp gì cho tổ quốc? 
Trên thực tế, "qua lịch sử, tuổi trẻ đóng vai trò năng động trong việc hình thành những tiến bộ chính trị và xã hội" (UNAOC). "Mặc dù tuổi trẻ thường được coi là đưa đến các vấn đề xã hội, thực ra các em là những người có ích lợi quan trọng cho cuộc sống kinh tế, chính trị, và xã hội tại cộng đồng các em" (ICRW 2001). Các cuộc cách mạng hoặc phong trào chống đối chính phủ xảy ra khắp nơi trên thế giới vào đầu thập niên 2010, thí dụ như cách mạng Tunisia năm 2011 và "cách mạng dù" (umbrella revolution) ở Hồng Kông năm 2014, cho thấy cái chính nghĩa và sức mạnh vĩ đại của tuổi trẻ. "Những người trẻ dưới tuổi 30 đóng vai trò quan trọng trong việc kích động cuộc cách mạng Tunisian năm 2011 lật đổ cựu Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali" (Parker 2013). "Cuộc cách mạng [Tunisian] này có được là nhờ tuổi trẻ. Chính những người trẻ đã ra khắp đường phố và đối đầu với cảnh sát và tại nhiều nơi còn phải mất mạng" (trích trong sđd.). Tuổi trẻ cần phải hiểu là các em có quyền lực trong tay, và các em cần phải biết dùng nó. "Rõ ràng là những người trẻ tuổi tài giỏi, kiên quyết và hiếu hòa của Hồng Kông rốt cục tìm được quyền lực chính trị của họ" (Beech 2014). Tuổi tác không là vấn đề. Joshua Wong chỉ mới 17 tuổi mà đã là lãnh tụ một cuộc cách mạng không tiền khoáng hậu trên thế giới với sự tham gia của hàng vạn sinh viên học sinh tại Hồng Kông năm 2014. Hùng Lân viết bài "Khỏe Vì Nước" khi ông là một thanh niên 24 tuổi. Do đó, ông hiểu rõ chí khí và sức mạnh của thanh niên.
Tác giả kêu gọi tuổi trẻ hãy tạo nên cuộc sống dân mới mẻ để hùng mạnh trong "năm giới." ("Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới.") "Dân sinh" là cuộc sống của dân, cả về vật chất lẫn tinh thần. Tác giả dùng "dân sinh" như để nhắc nhở đến dân sinh, dân trí, và dân khí của Phan Châu Trinh. "Năm giới" nghĩa là gì? Theo nghĩa nguyên văn, năm giới, hay ngũ giới, là năm điều cấm kỵ hoặc tránh né trong đạo Phật. Năm điều tránh né đó là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, dối trá, và rượu chè. Có lẽ nào tác gỉả, một tín đồ Công giáo, nhắc nhở tuổi trẻ đến năm điều răn dậy trong đạo Phật? Đương nhiên là không. Không phải vì vấn đề tôn giáo, mà vì năm điều răn dậy đó không có ý nghĩa trong nội dung của câu hát. Câu hát đang nói đến sự hùng mạnh trên thế giới, như được nhắc đến trong câu sau đó ("nêu đèn sáng thế giới ngắm chung") "nước Nam" ngay câu kế tiếp. Do đó, diễn giải hợp lý nhất cho "năm giới" là "năm châu." Chữ "giới" được dùng một cách rộng rãi cùng nghĩa với chữ "giới" trong "thế giới." (Lý do tác giả dùng "giới" thay vì "châu" có thể là do vần trắc của giai điệu và cho thuận vần điệu với chữ "mới" ở phần trước đó.) Năm châu gồm có châu Á, Âu, Mỹ, Phi, và Úc (hoặc Đại Dương). Thực ra cũng còn có châu Nam Cực, nhưng ít ai nhắc đến châu này, vì ít có người ở. Vì vậy, năm châu thường lả nói đến châu Á, Âu, Mỹ, Phi, và Úc.
Câu "Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam" rõ ràng là lời kêu gọi tuổi trẻ đoàn kết chung sức để xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng. Ý nghĩa đó khác xa với ý nghĩa thúc giục tuổi trẻ rèn luyện thể dục cho cá nhân được khỏe mạnh, bởi vì tập thể dục thường là cho lợi ích cá nhân. Ngoài ra, sự khỏe mạnh tráng kiện của cơ thể là khía cạnh vật chất trong khi xây dựng đất nước liên hệ đến khía cạnh tinh thần.
Thanh niên nên khỏe mạnh vì tổ quốc với một ý chí cương quyết, không sờn lòng. Đó là vì nòi giống Lạc Hồng là nòi giống oai hùng biết bao trong lịch sử. Khi tổ quốc lâm vào cảnh nguy khốn, thanh niên Việt Nam can đảm coi thường mọi hiểm nguy để hy sinh ngay cả tính mạng mình cho tổ quốc, anh dũng ngàn năm ("Khỏe vì nước chí khí cương kiên/ Giống Lạc Hồng anh hùng vô biên/ Trong khó nguy can trường sinh thác ta coi thường/ Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm.") Trong đoạn này, tác giả tái xác nhận lại ý tưởng thanh niên Việt Nam có tiếng là oai hùng anh dũng từ xưa đến nay, và do đó sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc khi tổ quốc bị khó khăn, nguy hiểm.
Cực đỉnh của bài hát là phần điệp khúc (ĐK) khi lời kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nguy đất nước một lần nữa được nhắc lại. Hồn thiêng sông núi đang đợi chờ thanh niên đứng lên và toàn dân đang ngóng đợi thanh niên ra tay cứu nguy cho tổ quốc. Người trẻ tuổi Việt Nam đã trót mang giòng máu anh hùng nên không thể làm dơ bẩn giòng máu đó. Người thanh niên trai tráng Việt Nam phải nêu gương sáng chói cho cả thế giới ngưỡng mộ và noi theo ("Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông đợi chờ/ Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ/ Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng/ Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới ngắm chung.") Đây là phần rực rỡ của cả bài vì giai điệu hùng hồn và lời lẽ thống thiết. Đây có lẽ là lời kêu gọi hùng tráng và bi thương nhất trong các bài nhạc đấu tranh. Bất cứ người trẻ nào, cho dù lạnh lùng với đất nước đến đâu, cũng phải chạnh lòng. Có vài điểm rất quan trọng và lý thú trong phần này đáng cho ta suy gẫm như trình bày sau đây.
Trước hết, phần ĐK xác nhận lần nữa bài "Khỏe Vì Nước" không phải là chính yếu cho phong trào tập thể dục cho dân chúng. Vì ĐK là phần quan trọng nhất trong một bài hát và luôn luôn mang ý chính của bài, ý chính của bài "Khỏe Vì Nước" được gói ghém trong bốn câu này. Ta thấy cả bốn câu không hề nhắc đến việc tập thể dục hoặc bất cứ một khía cạnh vật chất nào liên hệ đến luyện tập thân thể khỏe mạnh cường tráng. Ngược lại, bốn câu này rõ ràng kêu gọi thanh niên hãy mau ra tay cứu nước và đừng để tổ quốc trông ngóng từng gìờ. 
Câu "hồn thiêng núi sông đợi chờ" là lời kêu gọi tha thiết, nhắc nhở đến tính chất thiêng liêng của tổ quốc. Hình ảnh tổ quốc đợi chờ thanh niên là một hình ảnh xót xa. Lẽ ra tổ quốc không cần phải đợi chờ, vì phục vụ tổ quốc là nghĩa vụ, bổn phận của toàn dân. Nhưng tình trạng đất nước đã đến lúc nguy cập mà giới trẻ vẫn dường như hững hờ với việc sinh tồn của đất nước. Câu "Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ" mô tả một hình ảnh bi thương khi toàn dân trông cậy thanh niên rường cột của nước nhà và đang ngóng trông từng giờ từng khắc. Nhóm chữ "nơi tay ta" ngụ ý quyền lực và tài năng của thanh niên. "Tay" có ý chỉ sức mạnh, uy lực, và quyền thế, như được chứng minh qua Joshua Wong và cuộc cách mạng dù tại Hồng Kông năm 2014 (Beech 2014). "Tay" cũng còn có ý chỉ khả năng và tài năng. Hình ảnh đó bi thương vì nó vẽ ra sự bất lực của toàn dân trước cảnh đất nước suy tàn, và toàn dân chỉ còn biết trông cậy vào sức mạnh, tài năng, và ý chí của tuổi trẻ. Tuy bi thương, hình ảnh đó cũng lóe ra một niềm hy vọng vì thanh niên Việt có máu anh hùng và oai dũng.
Thứ nhì, đây không phải là lời kêu gọi cho một việc trong tương lai hoặc chưa xảy ra. Tác gỉả dường như có ý nói đất nước Việt Nam đang lâm vào cơn nguy biến và cần thanh niên Việt Nam ra tay cứu nguy. Câu "Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ" diễn tả một tình trạng đang tiến triển. Không ai nói "ngóng trông từng giờ" cho một việc chưa xảy ra, vì làm sao tiên đoán được mức độ khẩn cấp trong tương lai để mà "ngóng trông từng giờ"? Có thể tác giả chỉ muốn diễn tả một cảnh tượng khẩn cấp nào đó như là một giả thiết cho việc cần thanh niên ra tay. Tuy nhiên, nội dung toàn bài và những nhắc nhở rải rác vẽ ra một hình ảnh khá bi quan cho đất nước và cần thanh niên ra tay. Tại sao? Như được trình bày trên, vào năm 1946 khi "Khỏe Vì Nước" ra đời, đất nước Việt Nam đang trải qua một giai đoạn quan trọng và mong manh vì vận mệnh quốc gia có thể được quyết định với hậu quả lâu dài. Hàng ngàn thanh niên quốc gia bị cộng sản thảm sát khắp nơi, và biết bao nhiêu người phải bỏ trốn qua xứ khác. Cho dù bài hát không viết vào năm 1946, những biến cố lịch sử xảy ra trong giai đoạn này cho thấy tình trạng sôi bỏng của đất nước.
Với hoàn cảnh Việt Nam như vậy trong hiểm họa cộng sản, nhạc sĩ Hùng Lân, một người chống cộng mãnh liệt như được cho thấy qua việc ông gia nhập quân đội Quốc Gia Việt Nam chống cộng vào năm 1953 tại Hà Nội, và di cư vào miền Nam tránh né cộng sản sau hiệp định Geneva năm 1954, dường như nhận thức được tình trạng khẩn cấp, và ông đã ghi lời kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nước thoát khỏi ách cộng sản. Ông viết "Khỏe Vì Nước" khi ông đang còn ở vùng kiểm soát bởi Việt minh. Do đó, ông không thể dùng lời lẽ quá lộ liễu để chống cộng sản. Thay vì thế, ông gói ghém ý tưởng qua những ngụ ý tinh tế. 
Câu "Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng" có vẻ là một trong những ngụ ý tinh tế đó. Trước hết, câu này hàm ý thanh niên Việt không được làm nhục máu anh hùng của người Việt. Tuy lời khuyên có vẻ là lời khuyên bình thường, ý nghĩa câu đó hơi khác thường và có một chút nghịch lý hoặc thừa thãi, vì một khi đã có máu anh hùng thì làm sao có thể làm nhục máu anh hùng đó được? Câu đó, để có ý nghĩa, phải ngụ ý rằng có những kẻ mang tiếng là người Việt Nam nhưng lại cư xử hèn nhát, lừa đảo, tàn bạo, và do đó thanh niên Việt đừng nên làm dơ bẩn máu anh hùng mà trở thành những người như vậy hoặc cúi mặt dại dột đi theo những kẻ này. Những kẻ đó chính là Việt minh cộng sản. Thời bấy giờ, Việt minh dùng thủ đoạn kêu gọi lòng ái quốc của thanh niên và dụ dỗ tuổi trẻ gia nhập. Rất nhiều người trẻ tuổi bị lừa gạt và đi theo Việt minh. 
Câu "Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới ngắm chung" gợi ý vị trí Việt Nam trên thế giới. Gợi ý này hợp lý vì bấy giờ Thế chiến thứ hai mới chấm dứt và thế giới bắt đầu chuyển chú ý đến Đông dương. Câu này còn gợi ý đến phong trào Đông Du và ý tưởng của Phan Bội Châu học hỏi nước ngoài. Tác giả vượt quá ý tưởng này khi muốn Việt Nam là gương cho các nước khác đi theo. Một chi tiết nhỏ là tác giả dùng "trai" thay vì "trai gái" có lẽ vì bị giới hạn bởi âm tiết. Dùng "trai gái Việt" thay vì "trai đất Việt" không diễn tả hoàn toàn khái niệm đất nước và tổ quốc. Cũng có thể tác giả nghĩ "thanh niên" chỉ gồm có trai tráng với ý nghĩ rằng việc đánh giặc cứu nước là việc cực nhọc và nên để trai tráng cáng đáng. 
Ý nghĩa của bốn câu chính trong bài hát, như được trình bày ở trên, không phù hợp với nhan đề bài hát và mục đích truyền bá phong trào tập thể dục. Chính sự không phù hợp này củng cố suy luận rằng tác giả chỉ mượn chữ "khỏe" cho mục đích phụ thuộc là phong trào thể dục, trong khi ông thực sự muốn nhắc nhở thanh niên Việt Nam đến nhiệm vụ bảo vệ đất nước và cứu nguy tổ quốc trong hiểm họa cộng sản.
Cuộc sống của dân mà yếu nhược thì sẽ lôi đất nước đến diệt vong. Ngược lại dân sống hùng mạnh sẽ đưa đất nước tới vinh quang ("Dân sinh yếu nhược lôi theo mối nhục vong quốc/ Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc.") Ta để ý là tác giả dùng "dân sinh" lần nữa. Ngoài ra, tác giả dùng "dân trí" và "Duy Tân" trong câu sau. Tác giả cũng dùng chữ "khí" trước đó tuy không đi với "dân" ("chí khí cương kiên"). Do đó, rõ ràng là tác giả hàm ý các phong trào ái quốc điển hình là phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng với khẩu hiệu khai dân trí, chấn dân khí,hậu dân sinh (Wikipedia 2015a) như trình bày ở trên.
Hãy cổ động và truyền bá phong trào khỏe khắp nơi trên toàn quốc để trí tuệ dân được tiến bộ, với ý chí quật cường và sức phát huy mạnh mẽ. Với những nỗ lực đó, phong trào Duy Tân sẽ sáng ngời mãi ngàn đời ("Mau gây lấy phong trào khỏe khắp nơi xa gần/ Cho dân trí phương cường và hưng phấn/ Nghìn đời không mờ ánh Duy Tân.") Với câu chót nhắc đến "ánh Duy Tân," nhạc sĩ Hùng Lân rõ ràng ca ngợi phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh hoặc các phong trào chính trị tương tự khác như Duy Tân hội và phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng. Đặc biệt, phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh chú trọng vào khía cạnh tinh thần với sức mạnh của trí tuệ và ý chí để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho toàn dân. Câu "Cho dân trí phương cường và hưng phấn" phù hợp với mục tiêu "khai dân trí" nhắm vào mở mang trí tuệ cho dân chúng. Ngoài ra, câu "chí khí cương kiên" ở phần trước cũng phù hợp với mục tiêu "chấn dân khí" kêu gọi mọi người thức tỉnh tinh thần tự cường. Cuối cùng, "dân sinh" được nhắc lại ba lần trong bài hát. Câu "Nghìn đời không mờ ánh Duy Tân" khẳng định rõ ràng tác giả đang cổ võ phong trào Duy Tân và không dính líu gì đến phong trào tập thể dục đang xảy ra. Cách nói "không mờ ánh Duy Tân" là xác nhận "ánh Duy Tân" đó đã chiếu sáng từ lâu rổi, và đến nghìn năm cũng không làm mờ được. Dường như tác giả e rằng những từ ngữ "chí khí," "dân trí," và "dân sinh" rải rác trong bài không đủ rõ rệt nhắc đến phong trào Duy Tân nên ông phải dùng câu chót để khẳng định việc đó.
Sẽ có người cho rằng "duy tân" trong câu chót của bài không nhất thiết ngụ ý phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh hoặc Đông Du, Duy Tân hội của Phan Bội Châu, mà chỉ có nghĩa "đổi mới," "duy trì cái đầu tiên," hoặc "vua Duy Tân" nhà Nguyễn. Tôi sẽ không đi sâu vào tranh cãi về việc này vì không có chỗ, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng ý nghĩa "Duy Tân" nên được xem xét dưới ý nghĩa của toàn thể bài hát và những bằng chứng khác như tôi đã trình bày đầy đủ ở trên. Việc tập thể dục hoặc luyện tập thân thể chẳng có dính líu gì đến đổi mới. Dân Việt chuyên về canh nông, cày sâu cuốc bẫm hàng ngày. Do đó, việc hoạt động cơ thể không phải là việc mới lạ. Người dân, nhất là giới thanh niên bấy giờ, không sống cuộc đời thác loạn, chơi bời, rượu chè nghiện ngập, để mà cần phải phải tập thể dục cho đổi mới. Ngoài ra, trong phiên bản tôi dùng dựa vào tờ nhạc đánh máy khá cũ của bài "Khỏe Vì Nước" và rất có thể là tờ nhạc gốc, hai chữ "Duy Tân" được viế́t hoa, cho thấy tác giả muốn nhắc đến phong trào Duy Tân hoặc Duy Tân hội.
Tóm lại, nhạc sĩ Hùng Lân viết "Khỏe Vì Nước" không phải là một bài hát cổ võ cho việc tập thể dục cho thân thể cường tráng, mà chính yếu là lời kêu gọi thống thiết đến thanh niên Việt đứng lên cứu nguy đất nước trong hiểm họa mất nước. Chữ "khỏe" trong "Khỏe Vì Nước" không chỉ có ý khỏe mạnh cơ thể mà quan trọng hơn, khỏe mạnh về trí tuệ và ý chí. Qua cách dùng chữ ẩn ý tinh tế, tác giả cổ võ phong trào Duy Tân phát động bởi Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Sự cổ võ tinh tế này là một cái tát đích đáng vào mặt Hồ Chí Minh vì, như trình bày ở trên, Hồ coi Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu là hai kẻ thù chính trị, chứng minh qua việc Hồ cãi vã nẩy lửa với Phan Châu Trinh và bán đứng Phan Bội Châu. Nguyễn Hữu Khôi, một cán bộ viên chức cộng sản, không thể có khả năng viết lời nhạc với ý tưởng tinh tế và có can đảm tát vào mặt Hồ như vậy, cho dù cái tát được hóa trang.
Quan trọng hơn, tác giả dường như muốn gửi một thông điệp đến giới trẻ toàn quốc đứng lên cứu nước chống lại cộng sản. Chiến tranh Việt Minh và Pháp bùng nổ vào cuối năm 1946, vào ngày 19 tháng 12, và chỉ mới bắt đầu đẫm máu vào đầu năm 1947 (Logevall 2012, 161-168). Do đó, khi viết bài "Khỏe Vì Nước" trong năm 1946, tác giả không thể coi chiến tranh Việt Minh - Pháp là cảnh "khó nguy" khiến cho "hồn thiêng núi sông đợi chờ" và "toàn dân ngóng trông từng giờ" vào sức mạnh trong tay thanh niên. Tình cảnh "khó nguy" đó chỉ có thể là cảnh cộng sản tàn sát người quốc gia và đem đất nước Việt tới tình trạng "vong quốc." Do đó, thanh niên Việt phải "hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam" để "cho dân trí phương cường và hưng phấn" và "nghìn đời không mờ ánh Duy Tân."
Một cách tài tình, tác giả lợi dụng phong trào thể dục đang được lan tràn để gửi thông điệp đó qua bài hát "Khỏe Vì Nước." Những thanh niên yêu nước sẽ hiểu được thông điệp đó qua những lời nhắc nhở về trí tuệ, ý chí, và dân sinh. Việc tác giả cố tình hay vô tình gói ghém lời kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nước qua một ca khúc nhắc đến sức khỏe thực ra cũng không quan trọng. Như tôi đã viết nhiều lần trong các bài trước, ý định thầm kín của tác giả nhiều khi không quan trọng bằng cái tác dụng trên người nghe, hoặc diễn giải của người nghe, miễn là diễn giải này dựa vào nhận xét hoặc phân tích có luận lý và dẫn chứng, như tôi trình bày ở trên.
Sẽ có người cho rằng bài "Khỏe Vì Nước" không hề có ý kêu gọi tuổi trẻ đứng lên cứu nước, hoặc ca ngợi phong trào Duy Tân, hoặc chỉ trích Hồ Chí Minh một cách gián tiếp, với lý do là hiện nay nhóm cầm quyền cộng sản Việt Nam cho phép bài hát được lưu hành trong nước và còn được dùng trong các dịp trình diễn luyện tập thể dục thể thao trước công chúng. Để trả lời ý kiến này, tôi chỉ nói rằng nhóm cầm quyền cộng sản không nhận ra ý nghĩa tinh tế của bài hát, có thể do sự ngu muội, có thể do kết quả tuyên truyền đã tạo ra những con người máy thiếu bộ óc suy nghĩ. Người cộng sản tại Việt Nam không có những đức tính căn bản của người Việt như lương thiện, thật thà, lòng nhân ái, khiêm tốn, liêm sỉ, danh dự, và trách nhiệm. Ngoài ra, người cộng sản cũng không có ba điểm thiết yếu để hòa đồng vào cuộc sống trong xã hội văn minh. Thứ nhất là sự thâm thúy và tinh tế. Thứ nhì là óc hài hước. Thứ ba là khả năng nghệ thuật. Bài hát "Khỏe Vì Nước" là thí dụ cho điểm thứ nhất kể trên. Bây giờ thì quá trễ cho nhóm cầm quyền cộng sản tại Việt Nam làm gì với bài "Khỏe Vì Nước." Họ không thể cấm lưu hành, vì như vậy là mặc nhiên công nhận Hồ đã bị tát vào mặt mấy chục năm qua mà không biết, và do đó họ biến thành trò hề cho toàn dân. Họ không thể phản biện, vì có quá nhiều bằng chứng lịch sử vững chắc và họ phải công bố sự thật về mối liên hệ giữa Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc hoặc Nguyễn Tất Thành. Vì vậy, họ bắt buộc phải cho bài hát tiếp tục lưu hành mà không làm gì được.
C. Với nhịp điệu nhanh và đều đặn và giai điệu truyền thống với cách diễn tả "kể" và trang trọng, "Khỏe Vì Nước" thích hợp cho lời kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nước hơn là cho luyện tập cơ thể 
Bài hát "Khỏe Vì Nước" chính yếu là kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam nổi lên để cứu nguy cho đất nước, nhưng cũng có thể được dùng là nhạc luyện tập/ thể dục vì nó có thể được trình bày với nhịp điệu nhanh và giai điệu có chuyển động liên kết. Tuy nhiên, lời ca diễn tả lời kêu gọi thống thiết, chữ dùng nghiêm trang, và cách diễn tả "kể" nhiều hơn "cho thấy," và do đó thích hợp cho kêu gọi đấu tranh hơn là kích động cho thể dục.
1. Khi được trình bày với nhịp điệu dồn dập, bài "Khỏe Vì Nước" thích hợp cho lời kêu gọi tuổi trẻ nổi dậy cứu nguy đất nước, nhất là khi phối hợp với các kỹ thuật và nhạc cụ hiện đại:
Nhạc sĩ Hùng Lân theo lối viết nhạc truyền thống của nhạc sĩ Việt Nam thời bấy giờ với hai phiên khúc (PK) và một điệp khúc (ĐK). Giai điệu của hai PK giống hệt nhau. Phần ĐK nhấn mạnh ý chính của bài với lời nhắc nhở bổn phận thanh niên trong việc giúp nước. 
Giai điệu toàn bài có chuyển động liên kết trong hai PK, và lên cao trong ĐK nhất là hai câu đầu của phần ĐK. Sự chuyển tiếp không đột ngột, và có mức độ vừa phải giúp khán giả cảm nhận lời kêu gọi một cách dễ dàng. Phần chính trong ĐK có giai điệu bay lên cao phù hợp với lời ca tha thiết. Nhịp điệu nhanh dồn dập trong hai PK tạo tác dụng hiệu quả dẫn đến lời ca tha thiết này. Do đó, bài hát có hiệu quả hơn khi dùng là nhạc kêu gọi hơn là nhạc thể dục.
Nhạc cho luyện tập thân thể hoặc thể dục nên có tốc độ nhanh (tempo, speed) và đáp ứng nhịp điệu (rhythm response) thích đáng (Kurutz 2008; Peterson 2009). Những bài hát nhanh có điệu mạnh thường kích thích người nghe. Đa số người nghe nhạc có bản năng là cử động nhịp nhàng đồng bộ theo điệu nhạc (Jabr 2013). Do đó, khi bài hát có nhịp điệu nhanh, người đang tập luyện thường cử động nhanh theo điệu nhạc một cách không ý thức và quên cả mệt (sđd.). Hai khía cạnh tốc độ và nhịp điệu liên hệ đến hòa âm và việc trình diễn bản nhạc qua các nhạc cụ và nhạc sĩ hòa âm như người gẩy đàn guitar, đánh trống, khua chiêng, đánh chũm chọe, thổi kèn, dạo nhạc dương cầm, hoặc gõ hay quẹt các nhạc cụ gõ (percussion instruments).
Các nhạc sĩ hòa âm có thể phối hợp các nhạc cụ thích hợp để cho bài hát nét linh động cho một bài nhạc kêu gọi đấu tranh hoặc thể dục. Những nhạc cụ có thể được dùng một cách nghệ thuật để tạo nên một tác dụng đáng nhớ lên người nghe. Trong nhạc thể dục Hoa Kỳ như bản "Eye Of The Tiger" (Xem, thí dụ như, CinDrollic12 2008) có nhạc dạo dẫn nhập thật hấp dẫn với loạt đoạn ngắn guitar (guitar riff) và nhịp trống rõ rệt và mạnh bạo, hoặc "We Will Rock You" (Xem, thí dụ như, We ♥ Godney! 2011) có nhịp dậm chân (stomping) và vỗ tay (clapping). Các thí dụ cho các thể loại nhạc khác như loạt đoạn guitar và trống trong bài "Rolling In The Deep" của Adele (AdeleVEVO 2010), hoặc đoạn guitar và tiếng quệt guiro độc đáo trong bài "Stand By Me" của Ben E. King (Cris 2013). Ta không thể so sánh bài "Khỏe Vì Nước" với các ca khúc này vì những khác biệt về thời gian, địa lý, văn hóa, kỹ thuật âm nhạc, và ý thích nhạc giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ca khúc "Khỏe Vì Nước" có thể được phối lại (re-mixed) cho sống động hơn nếu được trình bày với những kỹ thuật và nhạc cụ hiện đại một cách độc đáo. Với cấu trúc truyển thống đơn giản và giai điệu có chuyển động liên kết, bài "Khỏe Vì Nước" có thể được trình bày dễ dàng với nhịp điệu nhanh trong khoảng 120-140 nhịp mỗi phút (beats per minute, BPM), và do đó có thể được dùng cho cho cả nhạc đấu tranh và nhạc luyện tập cơ thể. 

2. Bài hát diễn tả ý tưởng qua kỹ thuật "kể" và nhiều từ ngữ Hán Việt tạo nét trang trọng cho đấu tranh, chống đối kẻ nắm quyền:
Tác giả diễn tả ý tưởng bằng cách "kể" nhiều hơn "cho thấy." Thí dụ, tác giả "kể" về tính chất hào hùng của người Việt trong cả một PK, nhưng chỉ đưa ra những từ ngữ tổng quát, không có chi tiết rõ ràng. Tuy nhiên, như tôi đã trình bày trong các bài trước, không phải lúc nào "cho thấy" cũng hay. Tùy từng trường hợp và tác dụng tác giả muốn tạo ra trên khán giả, "kể" nhiều khi có tác dụng hay hơn "cho thấy." Bài hát "Khỏe Vì Nước" không phải chính yếu là cổ võ phong trào tập thể dục, mà là kêu gọi thanh niên hợp lực để cứu nguy đất nước. Những khái niệm trừu tượng của "chí khí cương kiên," "sinh thác ta coi thường," "can trường," "hồn thiêng núi sông đợi chờ," khó được diễn tả qua hình ảnh cụ thể và rõ rệt trong một vài câu trong bài hát. 
Bài hát dùng khá nhiều từ ngữ Hán Việt và đôi khi làm suy yếu cách diễn tả cho những hoạt động sống động như tập thể dục. Từ ngữ Hán Việt thường đem lại cảm gíác trang trọng hoặc nghiêm nghị, và thường dùng để mô tả những ý tưởng trừu tượng hoặc những cảnh vật nghiêm trang. Những từ ngữ Hán Việt trong bài gồm có "kiến thiết," "dân sinh," "chí khí," "cương kiên," "anh hùng," "vô biên," "can trường," "nhược," "vong quốc," "cường," "vinh quốc," v.v. Thực ra không có gì sai dùng từ ngữ Hán Việt, nhưng ta nên dùng chúng khi cần hoặc rải rác. May thay, sự giảm thiểu sức mạnh diễn tả của các từ ngữ Hán Việt được bù trừ qua những từ ngữ Việt mạnh, như "lôi," "hồn thiêng," "ngóng trông," "nhơ," "nêu đèn." Những từ ngữ này làm nổi bật ý nghĩa và cho lời ca thêm phần linh động.
Như những bài hát truyền thống khác, "Khỏe Vì Nước" có vần điệu chặt chẽ, và ở các vị trí vừa đủ để tạo âm thanh uyển chuyển dễ nghe. Phần ĐK có vần cuối câu khá chặt chẽ. Ngoại trừ PK đầu và ĐK có vần trắc (mới/giới, quốc/ quốc), còn lại là vần bằng (gia/ba, kiên/biên, trường/thường, chờ/giờ. hùng/chung, gần/tân). Bài hát có lẽ nghe mạnh mẽ hơn nếu giai điệu nhấn mạnh vào vần trắc nhiều hơn. Vần trắc gíúp tăng cường cảm giác mạnh mẽ như đồng hành biểu tình, hoạt động thể thao, cảm xúc mạnh.
Với cách diễn tả "kể," chữ dùng trang nghiêm và vần điệu truyền thống, ca khúc "Khỏe Vì Nước" rất thích hợp cho bài hợp ca của đoàn thanh niên nam nữ vận động và cổ võ cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Lời kêu gọi tha thiết làm xúc động người nghe, và nhịp điệu nhanh giúp tạo hùng khí cho các cuộc biểu tình hoặc bước đồng hành.
D. Kết Luận:
Nhạc sĩ Hùng Lân ngụy trang bài hát "Khỏe Vì Nước" là một bài cổ võ phong trào thể dục. Thực ra, bài hát là lời kêu gọi tha thiết đến giới trẻ Việt Nam đoàn kết để đứng lên cứu nước trong hiểm họa đất nước suy vong. Trong bối cảnh lịch sử năm 1946 khi bài hát ra đời và khi cộng sản thảm sát hàng ngàn thanh niên tài giỏi quốc gia, bài hát nói lên sự nguy cơ khẩn cấp của tổ quốc. Khi được trình bày với nhịp điệu nhanh dồn dập, qua giai điệu lên cao trong lời kêu gọi, và cách diễn tả nghiêm trang, bài hát thích hợp cho ca khúc kêu gọi đấu tranh hơn là nhạc thể dục.
Ca khúc "Khỏe Vì Nước" còn thích hợp cho cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay tại Việt Nam. Hoàn cảnh đất nước hiện nay còn bi đát hơn hoàn cảnh đất nước vào năm 1946. Hiểm họa mất nước vào tay Tàu cộng càng ngày càng rõ rệt khi nhóm cầm quyền cộng sản Việt Nam đang tiêu hủy đất nước Việt Nam với những hành động hèn nhát với Tàu cộng, dâng đất đai lãnh thổ cho Tàu cộng, và biết bao nhiêu tội ác ghê gớm khác. 
Tuổi trẻ Việt Nam có trí tuệ thông minh và nghị lực mạnh mẽ. Các em không cần biết những khía cạnh chính trị trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam như phe phái hoặc tranh giành quyền lực. Các em cũng không cần biết các mối liên hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Tàu cộng, và các quốc gia khác. Các em cũng thừa biết không một lãnh tụ cộng sản nào, cho dù thân Mỹ, Tàu cộng, hay bất cứ siêu cường nào, có thể đem lại hùng mạnh và ấm no cho đất nước. Mục tiêu đơn giản là lật đổ chế độ cộng sản trong nước. Sau khi chế độ cộng sản bị lật đổ, mọi việc sẽ được dàn xếp đâu vào đó. Việc lật đổ chế độ thực ra rất dễ dàng một khi các em đồng tâm hiệp lực ra tay. Bãi khóa, đình công, biểu tình, đồng hành là những việc các em có thể làm. Các em không cần đặt ra những đòi hỏi to tát mà chi là những đòi hỏi đơn giản, như đòi hỏi sự tự do và công bằng cho những người dùng tự do ngôn luận một cách ôn hòa như Nguyễn Viết Dũng. Các em thừa sức thắng bạo lực của công an cảnh sát, vì các em có cái mà người cộng sản không có: chính nghĩa. Thực tế hơn, tuổi trẻ có một sức mạnh vĩ đại: số lượng.
Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông đợi chờ.
Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ.
Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng. 
Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới ngắm chung.
Tuổi trẻ Việt không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước lời kêu gọi thống thiết của tổ quốc.
CẢM TẠ
Tôi xin có lời cám ơn các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn Khoái Văn Nghệ. Ngoài ra, tôi chân thành cám ơn nhạc sĩ Nguyễn Tường Vân đã cung cấp tờ nhạc cho bài "Khỏe Vì Nước."

6/8/2015

Cao-Đắc Tuấn
danlambaovn.blogspot.com

______________________________________________
Tài Liệu Tham Khảo:
1. AdeleVEVO. 2010. Adele - Rolling in the Deep. 30-11-2010. https://www.youtube.com/watch?v=rYEDA3JcQqw (truy cập 3-8-2015). 
2. Beech, Hannah. 2014. The Hong Kong Protests Have Given Rise to a New Political Generation. 6-10-2014. Time. http://time.com/3473182/occupy-central-hong-kong-protest-leaderless-admiralty-new-political-generation/ (truy cập 25-7-2015).
3. Blancheton, Bertrand. Unknown date. French Exchange Rate Management in the Mid-1920s: Lessons Drawn from New Evidence. http://repec.org/mmfc03/Blancheton.pdf (truy cập 28-7-2015).
4. Brocheux, Pierre. 2007. Ho Chi Minh – A Biography. Translated by Claire Duiker. Cambridge University Press. New York, New York, U.S.A.
5. Buttinger, Joseph. 1967. Vietnam: A Dragon Embattled. Volume I – From Colonialism to the Vietminh. Frederick A. Praeger, New York, U.S.A.
6. Chen, King C. 1969. Vietnam and China, 1938-1954. Princeton University Press, New Jersey, U.S.A.
7. CinDrollic12. 2008. Rocky Music Video-Eye Of The Tiger. 24-5-2008.https://www.youtube.com/watch?v=VgSMxY6asoE (truy cập 1-8-2015).
8. Colvin, John. 1996. Giap: Volcano Under Snow, Soho Press, New York, U.S.A.
9. Courtois, Stéphane et al. 1999. The Black Book of Communism, Crimes, Terror, Repression, translated by Jonathan Murphy and Mark Kramer, Harvard University Press, Massachusetts, U.S.A.
10. Cris Mate. 2013. Ben E. King - Stand By Me (HQ Video Remastered In 1080p). 30-6-2013. https://www.youtube.com/watch?v=dTd2ylacYNU (truy cập 3-8-2015).
11. Davidson, Phillip B. 1988. Vietnam at War: The History: 1946-1975. Presidio Press, California, U.S.A.
12. Đảng cộng sản Việt Nam. 2003. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và cương lĩnh đầu tiên của Đảng. 10-6-2003. http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30061&cn_id=210418 (truy cập 1-8-2015).
13. Duiker, William J. 2000. Ho Chi Minh – A Life, Hyperion, New York, U.S.A.
14. Giáo sư Nhạc sĩ Hùng Lân. 2012. Tiểu sử giáo sư Hùng Lân. 4-9-2012. http://giaosunhacsihunglan.blogspot.com/2012/09/tieu-su-giao-su-hung-lan-hong-lang.html (truy cập 1-8-2015).
15. Halberstam, David. 1971. Ho, Random House, New York, U.S.A.
16. Hoang Van Chi. 1964. From Colonialism to Communism. A case history of North Vietnam. Frederick A. Praeger, New York, U.S.A.
17. Huyen, N. Khac. 1971. Vision Accomplished? The Enigma of Ho Chi Minh. The Macmillan Company, New York, U.S.A.
18. ICRW. 2001. The Critical Role of Youth in Global Development. December 2001. http://www.icrw.org/sites/default/files/publications/The-Critical-Role-of-Youth-in-Global-Development-Issue-Brief.pdf (truy cập 25-7-2015).
19. Inflation. Inflation Calculator. http://www.davemanuel.com/inflation-calculator.php (truy cập 28-7-2015).
20. Jabr, Ferris. 2013. Let's Get Physical: The Psychology of Effective Workout Music. 20-3-2013. http://www.scientificamerican.com/article/psychology-workout-music/ (truy cập 22-7-2015).
21. Kurutz, Steven. 2008. Choosing the best music for exercise. 10-1-2008. http://www.nytimes.com/2008/01/10/health/10iht-fitness.1.9126209.html?pagewanted=all&_r=0 (truy cập 22-7-2015). 
22. Lind, Michael. 1999. Vietnam: The Necessary War. Simon & Schuster, New York. U.S.A.
23. Marr, David G. 1997. Vietnam 1945: The Quest for Power. First paperback printing. University of California Press, California, U.S.A.
24. Ngo Van. 2010. In the Crossfire: Adventures of a Vietnamese Revolutionary, Edited by Ken Knabb and Hélène Fleury, Translated from the French by Hélène Fleury, Hilary Horrocks, Ken Knabb and Naomi Sager, AK Press, California, U.S.A.
25. Nguyen Van Canh (with Earle Cooper). 1983. Vietnam Under Communism, 1975-1982. Hoover Institution Press, Stanford University, California, U.S.A.
26. Nguyễn Bách. 2003. Đón SEA Games nhớ về "Khoẻ vì Nước". 29-10-2003. http://www.giaidieuxanh.vn/news/238/ (truy cập 2-8-2015).
27. Nguyễn Công Luận. 2012. Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier. Indiana University Press, Indiana, U.S.A.
28. Nixon, Richard. 1985. No More Vietnams. Avon Books, New York, U.S.A.
29. Parker, Emily. 2013. Tunisian youth: between political exclusion and civic engagement. 14-6-2013. http://www.tunisia-live.net/2013/06/14/tunisian-youth-between-political-exclusion-and-civic-engagement/ (truy cập 25-7-2015).
30. Peterson, Dan. 2009. Music Benefits Exercise, Studies Show. 21-10-2009. http://www.livescience.com/5799-music-benefits-exercise-studies-show.html (truy cập 22-7-2015).
31. Peycam, Philippe M.F. 2012. The Birth of Vietnamese Political Journalism. Columbia University Press. New York, U.S.A.
32. Phạm Văn Sơn. 1972. Việt Sử Tân Biên - Quyển VII (New Chronicles of Vietnam History - Vol.VII). Sài Gòn, reprinted by Đại Nam, California, U.S.A.
33. Pike, Douglas. 1986. PAVN – People’s Army of Vietnam. Da Capo Press, New York, U.S.A.
34. Quinn-Judge, Sophie. 2002. Ho Chi Minh: the Missing Years, 1919 – 1941. University of California Press, California, U.S.A.
35. Trần Gia Phụng. 2001. Án tích Cộng sản Việt Nam. Second printing, Non Nước, Toronto, Canada.
36. Trương Quốc Uyên. 2004. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thể dục Thể thao cách mạng. 20-5-2004. http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30178&cn_id=144450 (truy cập 29-7-2015).
37. Trương Tử Mai. 2011. Bài hát "Khỏe Vì Nước" - Chuyện bây giờ mới kể (27/3/2011). 27-3-2011. http://thethaosukien.vn/includes/print.asp?iData=2185 (truy cập 2-8-2015).
38. Tưởng Vĩnh Kính. 1999. Hồ Chí Minh Tại Trung Quốc (Hồ Chí Minh in China). Translated by Thượng-Huyền from Hu Chi Ming tsai Chung Kuo by Chiang Yung-ching, Taipei, Taiwan, 1972. Văn Nghệ, California, U.S.A.
39. UNAOC. Không rõ ngày. Why Youth? Không rõ ngày. http://unaocyouth.org/unaoc-and-youth/why-youth/ (truy cập 25-7-2015).
40. United Nations. Không rõ ngày. Definition of Youth. Không rõ ngày. http://www.un.org/esa/socdev/documents/youth/fact-sheets/youth-definition.pdf (truy cập 25-7-2015).
41. We ♥ Godney! 2011. [HD] Britney Spears, Beyonce & Pink - We Will Rock You (Pepsi). 2-2-2011. https://www.youtube.com/watch?v=pES8SezkV8w (truy cập 1-8-2015).
42. Wikipedia. 2014. Hùng Lân. 11-12-2014. https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B9ng_L%C3%A2n (truy cập 1-8-2015).
43. _________. 2015a. Phong trào Duy Tân. 5-5-2015. https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_tr%C3%A0o_Duy_T%C3%A2n (truy cập 26-7-2015).
44. _________. 2015b. Phan Châu Trinh. 26-7-2015. https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Ch%C3%A2u_Trinh (truy cập 28-7-2015).45. _________. 2015c. Phong trào Đông Du. 8-3-2015. https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_tr%C3%A0o_%C4%90%C3%B4ng_Du (truy cập 26-7-2015)
© 2015 Cao-Đắc Tuấn