27/8/15

Cách mạng hay thảm họa tháng 8?

 Cách mạng hay thảm họa tháng 8?

















Trúc Giang (Danlambao) - Từ cướp chính quyền và phế truất vua Bảo Đại
Sách giáo khoa lịch sử Việt Nam từ bậc tiểu học đến bậc đại học luôn tự hào dùng cụm từ ‘cướp chính quyền” để chỉ hành động của Việt Minh trong việc chớp thời cơ lúc Nhật đầu hàng đồng minh (15/8/1945) trong thế chiến thứ hai để giành chính quyền và ép vua Bảo Đại phải thoái vị vào chiều 25/8/1945 tại Huế. Còn tại sao phải tự hào về hành vi “ăn cướp” này trong khi chính quyền Nhật đã sẵn sàng bàn giao quyền lực cho chính phủ Trần Trọng Kim thì chắc chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Riêng cá nhân tôi và những ai được giáo dục tử tế thì hành vi mang nặng tính bạo lực và không hợp với văn hóa truyền thống của người Việt Nam này không đáng tự hào một chút nào nếu không muốn nói là rất đáng bị lên án.
Tại sao phải cướp chính quyền khi chính quyền hiện tại sẵn sàng bàn giao, chuyển giao quyền lực trong hòa bình? Còn hành động thúc ép, phế truất vua Bảo Đại phải thoái vị có nên hay không? Một quốc gia luôn tự hào mấy ngàn năm văn hiến, trải qua từ thời vua Hùng dựng nước đến vua Gia Long Nguyễn Ánh mở mang bờ cõi về hướng Nam và lập nên triều Nguyễn với 9 đời cha truyền con nối, thì hình ảnh nhà vua đã trở thành một biểu tượng quyền lực, sự hòa hợp dân tộc và sự tôn thờ tuyệt đối của dân chúng.
Lịch sử đã chứng minh những kẻ phản vua trong bất cứ triều đại nào cũng bị dân chúng lên án và nguyền rủa và số phận của họ thật là thảm bại. Liên quan đến việc ép vua Đại Đại thoái vị cho thấy chính phủ Việt Minh của Ông Hồ Chí Minh đã hành xử thiếu khôn khéo. Buộc một biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc từ mấy trăm năm từ chức quá gấp gáp trong khung cảnh tranh tối tranh sáng đã làm mất đi sự chính nghĩa và giảm đi phần nào sự ủng hộ của dân chúng mà đặc biệt là tầng lớp trí thức luôn tôn thờ vua. Việc này là lỗi của ông Hồ Chí Minh, người mang tiếng xuất thân từ tầng lớp nho giáo đã đi khắp năm châu bốn bể nhưng hấp thu văn hóa ngoại lai đầy bạo lực từ các cuộc cách mạng vô sản nên đã cư xử không phải đạo với vua Bảo Đại. Nếu ông Hồ sợ rằng những “tàn dư của chế độ phong kiến” sẽ cản trở đại cuộc thì chắc hẳn ông đã sai lầm. Lịch sử chứng minh các quốc gia theo chế độ quân chủ hoặc ít nhiều còn giữ được cái hồn, cái biểu tượng quân chủ thì ít khi phải lâm vào cảnh nội chiến kiểu “nồi da xáo thịt” và vì ít có chiến tranh nên hầu hết các quốc gia theo chế độ quân chủ đều phát triển và giàu có. Hãy nhìn các quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia… Họ đâu cần phế truất vua trong quá trình làm cách mạng nhưng họ vẫn thành công và đáng để chúng ta học hỏi.
Đến tiêu diệt các đảng đối lập và gây ra 2 cuộc chiến tranh thảm khốc với Pháp và Mỹ.
Một điều hết sức lạ lùng là trong thời gian hoạt động chính trị ở Pháp, ông Hồ Chí Minh sống được là nhờ có đảng cộng sản Pháp che chở (nhờ có sự đa đảng). Tuy nhiên, sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ông Hồ đã dùng mọi thủ đoạn để lần lượt tiêu diệt hết các đảng phái đối lập như Việt Nam Quốc Dân đảng, đảng Đại Việt… và lộ nguyên hình nhà lãnh đạo một quốc gia độc tài và tàn ác. Có lẽ cơ quan tình báo chiến lược Mỹ (OSS- tiền thân của CIA) biết được ông Hồ là một người theo chủ nghĩa cộng sản trá hình dưới cái mác Việt Nam dân chủ Cộng hòa nên đã không cử đại diện tham gia buổi đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Điều này gián tiếp nói lên rằng Mỹ không công ủng hộ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời của ông Hồ Chí Minh. Nên nhớ trước đó trong giai đoạn 1939-1945 OSS đã viện trợ cho Việt Minh của ông Hồ khá nhiều vũ khí, đạn dược để vũ trang chống phát xít Nhật. Dù cho sau 2-9-1945 ông Hồ có viết khá nhiều bức thư gửi tổng thống Mỹ Harry Truman nhờ bảo hộ nền độc lập vừa mới giành được của Việt Nam nhưng đều bị Mỹ từ chối. Nguyên nhân chính có lẽ là do Mỹ phát hiện được bản chất cộng sản độc tài, ham mê quyền lực đến mức cực đoan của ông Hồ Chí Minh nên đã từ chối bảo hộ nền độc lập cho Việt Nam. Đây quả thật là đều kém may mắn cho dân tộc Việt Nam- một đất nước vừa trải qua cả trăm năm bị Pháp đô hộ đã phải đối mặt với 2 cuộc chiến thảm khốc với Pháp và Mỹ bên cạnh cuộc nội chiến Nam- Bắc đáng nguyền rủa làm cả mấy triệu binh sĩ và thường dân vô tội phải thiệt mạng. 
Độc lập, tự do vốn là thứ quý giá nhất trên đời nhưng có thứ quý giá hơn là sinh mạng của người dân. Do đó việc đánh đổi độc lập tự do bằng mọi giá kể cả hy sinh mạng sống của người Việt Nam cuối cùng dù cho Mỹ có đốt cháy dãy Trường Sơn như ông Hồ tự hào tuyên bố thì quá nhẫn tâm và tàn ác. Những ai từng chứng kiến hình ảnh những trẻ em mặt còn búng ra sữa đã bị thúc ép, bị lừa dối, bị lùa ra chiến trường và thảm bại thây nằm rải rác khắp nơi ở Sài Gòn trong dịp tết Mậu Thân 1968 mới thấu hiểu nỗi đau tột cùng của những bà mẹ Bắc Việt Nam!
Nếu như ngày đó ông Hồ Chí Minh không vội gấp gáp phế truất vua Bảo Đại thì sức mạnh, sự đoàn kết và hòa hợp dân tộc trong chính quyền nước Việt Nam chắc chắn sẽ khác.
Nếu ngày ấy ông Hồ Chí Minh mang tư tưởng tự do, không tôn sùng học thuyết Mao và Stalin chết chóc, không tiêu diệt các đảng đối lập, không hắt hủi các nhân tài trong và ngoài nước thì chắc chắn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ được thế giới ủng hộ. Khi đó sức mạnh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ tăng lên gấp bội và rất có thể sẽ không có 2 cuộc chiến tranh tàn khốc với Pháp và Mỹ bên cạnh cuộc nội chiến Nam-Bắc.
Một quốc gia mà lòng dân hòa hợp, nhân tài hội tụ thì không phải lo ngoại xâm dòm ngó và lo nghèo. Đáng tiếc là sau gần một thế kỷ kể từ 2-9-1945, Việt Nam cứ mãi triền miên chinh chiến đổ máu xương để đi tìm cái độc lập tự do như ước nguyện của ông Hồ. Độc lập sao được khi biển Đông, biên giới đất liền luôn bị Trung Quốc lấn chiếm? Tự do sao được khi tiếng nói dân chủ, tiếng nói phản biện của người dân luôn bị cấm đoán? Sự thật hết sức mỉa mai và đau lòng vì chúng ta cứ tìm mãi 70 năm vẫn không thấy cái độc lập và tự do đúng nghĩa như ước nguyện của người dân. Thực chất cái độc lập và tự do hiện nay ở Việt Nam chỉ tồn tại trên giấy mà thôi! 
SG, 25/8/2015