27/8/15

Còn chút lương tâm

 Còn chút lương tâm


Phạm Đình Trọng (Danlambao) - Tháng năm, 2015, các nhà văn dự đại hội chi hội Nhà Văn Việt Nam tại Sài Gòn được lệnh xóa tên chín hội viên hội Nhà Văn Việt Nam trong phiếu bầu đại biểu đi dự đại hội IX, hội Nhà Văn Việt Nam vì chín nhà văn này đã tham gia Ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập. Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam từ Hà Nội vào triệu tập và chủ trì đại hội thì lệnh xóa tên chín nhà văn phải là lệnh từ người chủ trì đại hội. Không để tâm đến chuyện này, đến nay tôi chỉ còn nhớ vài cái tên trong chín cái tên bị xóa là Hoàng Thị Ý Nhi, Ngô Thị Kim Cúc, Phạm Đình Trọng...
Tháng năm, 2015, tôi bị xóa tên, tước quyền hội viên. Nhưng tháng tám 2015, tôi lại nhận được gói bưu phẩm gửi từ hội Nhà Văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội. Gói bưu phẩm hình khối, khá nặng với hai lớp bao gói. Ngoài cùng, hai lớp giấy xi măng. Bên trong, túi vải xanh với hàng chữ vàng: Hội Nhà Văn Việt Nam. Đại hội IX. Hà Nội ngày 9, 10, 11 tháng 7 năm 2015. Trong túi có ba món quà:
- Chiếc áo thun màu xanh, ngực áo có logo hội Nhà Văn Việt Nam và hàng chữ Đại hội IX. 
- Quyển sổ bìa cứng bọc ni lông nâu với hàng chữ nhũ vàng: Hội Nhà Văn Việt Nam. Đại hội IX. Hơn 200 trang giấy trắng 16 X 24 cm, trang nào phía trên cũng có logo hội Nhà Văn Việt Nam và hàng chữ Đại hội đại biểu toàn quốc hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ IX. 
- Sách “Tuyển Tập Lý Luận Phê Bình Văn Học 1945 – 2015”, khổ 16 X 24, dày tới 6,2cm, 1372 trang, giấy for dày, đắt tiền. Lướt qua 130 cái tên được tuyển chọn vào bộ sách đồ sộ nặng tới 1,7 kg này thấy có tên những Hồng vệ binh văn chương như Đông La, Nguyễn Văn Lưu,... cùng tên rất nhiều những nhà lí luận xảo ngôn, sáo ngữ, thừa lí sự dông dài mà hoàn toàn thiếu vắng sự phát hiện tinh tế cần có của bài lí luận văn học đích thực, rổn rảng những thuật ngữ nhưng không le lói nổi một ý tứ mang cá tính sáng tạo riêng. Lại có nhiều tên tuổi đã từng lập công lớn trong cuộc đấu tố bầy đàn thời Nhân Văn Giai Phẩm, những Dũng sĩ diệt tự do tư tưởng. 
Dù trong tuyển tập có những tên tuổi có cá tính sáng tạo, mỗi bài viết của họ đều lãng đãng cảm hứng nghệ sĩ và đều có phát hiện đáng quí như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Huệ Chi..., nhưng những Hồng vệ binh văn chương, những Dũng sĩ diệt tự do tư tưởng chễm chệ trong Tuyển Tập Lý Luận Văn Học làm cho tôi thấy tập sách to và nặng như viên gạch ba banh này không thể có chỗ trong tủ sách của tôi và thật đáng tiếc, những món quà đã vượt gần 2000 km đến với tôi mà tôi đều không thể sử dụng.
Xóa tên, đuổi khỏi hội rồi gửi quà của hội cho kẻ vừa bị xóa tên. Thôi, khỏi bàn về cách hành xử rất Hữu Thỉnh này. Điều đáng bàn hơn là quà cáp, lễ nghĩa đều phải xài tiền. Phú quí mới sinh lễ nghĩa. Mà lễ nghĩa phù phiếm đãi bôi của hội Nhà Văn Việt Nam lại sinh ra từ ngân sách nghèo của đất nước, từ đồng tiền thuế đẫm mồ hôi của người dân lam lũ khốn khổ. 
Cũng như các hoạt động của đảng Cộng sản, mọi hoạt động lớn nhỏ của hội Nhà Văn của đảng đều phải ngửa tay xin tiền ngân sách. Đây, tiền để hội Nhà Văn tổ chức đại hội, mở tiệc lớn, tiệc nhỏ linh đình, tiệc khai mạc, tiệc bế mạc và quà cáp lễ nghĩa đây: “5- Về kinh phí đại hội, các hội Văn học Nghệ thuật và Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các tỉnh, thành phố lập dự toán trình cấp có thẩm quyền duyệt theo qui định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm” Điều thứ năm trong Chỉ thị sáu điều mang số 27 – CT/TW của Ban Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam về đại hội các hội Văn học Nghệ thuật do thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh kí ngày 12.9.2013.
Ở Hà Nội, Ban Bí thư cho tiền hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức đại hội. Ở Sài Gòn, thành ủy cho các nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội họp đại hội tiền vé máy bay khứ hồi, tiền công tác phí hai ngày đi và về cộng với ba ngày đại hội là năm ngày mỗi ngày 150 000 đồng. Thành ủy còn cho bữa tiệc đưa tiễn nhưng bữa tiệc không tổ chức được liền được chuyển thành tiền cho các nhà văn, mỗi người một triệu đồng.
Tiền của dân của nước nhưng quyền chi tiêu thuộc về đảng. Đảng mới thực sự là chủ tài khoản của đất nước, thực sự là chủ ngân sách nhà nước chứ không phải Quốc hội. Vì thế nhiều khoản chi khổng lồ như chi cho các hoạt động của đảng, chi cho lăng Hồ Chí Minh, Quốc hội đều bị qua mặt, không hề hay biết và Quốc hội mang tiếng là cơ quan quyền lực cao nhất của dân mà cứ vui vẻ chấp nhận điều trớ trêu cay đắng đó. 
Cho tiền ai, cho tiền làm việc gì, bao giờ người cho chả nhắc “đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm”. Nhưng những tượng đài, lăng miếu, nhà lưu niệm hoành tráng, nguy ga, xa hoa, tốn kém hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ tiền dân cứ rầm rộ mọc lên trên khắp đất nước còn nghèo khó, người dân còn đói khổ, thiếu thốn đủ bề thì trăm tỉ, ngàn tỉ tiền đổ vào đó đâu có thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Với những tượng đài lăng miếu xa hoa hoang phí kia thì bữa tiệc vui vẻ, món quà nhỏ mọn của đại hội Nhà Văn chỉ là chuyện nhỏ, quá nhỏ, không đáng gì.
Nhưng với nhà văn, trong con người thể xác của những nhu cầu vật chất còn có con người xã hội của nhu cầu văn hóa, của lương tâm, của cái đẹp. Con người xã hội không thể vắng bóng, không thể bị đè chết dí dưới con người thể xác trong nhà văn đích thực. Nhà văn đích thực không thể ngửa tay nhận đồng tiền thuế đẫm mồ hôi của người dân khốn khó cho những hoạt động nghề nghiệp văn chương của mình. 
Cứ hồn nhiên hãnh diện tồn tại bằng tiền thuế của dân, Hội Nhà Văn Việt Nam, hội Nhà Văn của đảng đã giết chết lương tâm, giết chết con người xã hội trong các nhà văn. Những nhà văn còn chút lương tâm, còn sự khắc khoải của con người xã hội cần có tổ chức của mình, tổ chức không xài tiền của dân. Đó là Văn Đoàn Độc Lập. 
Cũng vì còn chút lương tâm mà món quà của hội Nhà Văn Việt Nam gửi cho tôi trở nên quá đỗi xa lạ với tôi.
27/8/2015