13/7/16

Phán quyết của Toà Trọng Tài LHQ và thực tế Biển Đông

Lê Minh Nguyên (Danlambao) - Ngày Thứ Ba 12/7/2016 Tòa Trọng Tài LHQ, qua văn bản 497 trang, đã đưa ra phán quyết với các nội dung như Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", và “đường đứt khúc 9 đoạn” này không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Tòa phán rằng không có hòn đảo nào tại quần đảo Trường Sa cho phép TQ có đặc khu kinh tế, và rằng các hoạt động xây cất trên Đá Vành Khăn đã gây “thiệt hại không thể cứu vãn được” cho hệ sinh thái của bãi cạn này. Tòa xác nhận các ngư dân Philippines có quyền đánh cá tại các ngư trường truyền thống của họ, trong khi đó các tàu chấp pháp của TQ đã hành động trái pháp luật, gây ra rủi ro khi dùng tàu chấp pháp ngăn cản hoặc đâm các tàu của Philippines.(1)
TQ đã tiên liệu trước là sẽ thua trong vụ kiện này nên một mặt họ đe dọa Việt Nam bằng tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Sa từ ngày 5-11/7 và dùng tàu tuần duyên truy đuổi 2 tàu cá Việt Nam ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi, nhảy lên tàu đánh ngư dân, ép ngư dân nhảy xuống biển và đâm chìm tàu hôm 9/7. Một mặt họ thương thảo với Phi Luật Tân để Phi tương nhượng quyền đánh cá ở Scarborough và quyền khai thác khí đốt ở bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Đại Sứ TQ ở Phi, ông Triệu Giám Hoa hôm 7/7 đã đến họp ở Bộ Ngoại Giao Phi để thương lượng và hôm sau 8/7 hai bên tiếp tục họp ở Tòa Đại Sứ TQ để tìm sự thỏa hiệp. Rồi trong cùng ngày 8/7 ngoại trưởng Phi, ông Perfecto Yasay, nói với hãng tin AFP rằng nước ông sẵn sàng chia sẻ bãi Scarborough với TQ về nguồn lợi cá ở nơi này dù nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EZZ) của Phi, cũng như chia sẻ nguồn lợi khí đốt với TQ ở bãi Cỏ Rong, nơi có trữ lượng dồi dào, dù cũng nằm trong EZZ của Phi, bất chấp phán quyết của tòa sẽ như thế nào (VOA 8/7).
Cùng thời điểm này, Hoa Kỳ có cuộc điều trần ở Quốc Hội hôm 7/7 mà bà Colin Willet, Phó Trợ Lý Ngoại Trưởng và ông Abraham Denmark, Phó Trợ Lý Bộ Trưởng Quốc Phòng, đại diện cho chính quyền Obama tham dự. Trong cuộc điều trần này ta thấy hành pháp né tránh việc đáp trả quân sự nếu TQ xây dựng căn cứ ở Scarborough, nói rằng phán quyết tòa sẽ không giải quyết vấn đề chủ quyền, nhưng sẽ thu hẹp vùng tranh chấp, hành pháp hổ trợ giải pháp ngoại giao, tạo hiện diện hàng hải của các nước trong vùng hay hiện diện chung với họ như biện pháp răn đe, HK không công nhận chủ quyền bên nào cả ở Scarborough (VOA 8/7).
Theo VOA, phản ứng của TQ như thế nào với Phi tùy thuộc vào các hành động của tân Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã kêu gọi đàm phán song phương để giải quyết tranh cãi. Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino là người có lập trường dân tộc, chấp nhận đương đầu với TQ và dùng phương tiện pháp lý, sau khi phương tiện ngoại giao đã thất bại. Ngược lại, ông Duterte là người thực dụng, ông cho biết sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên biển với Bắc Kinh và muốn Bắc Kinh đầu tư vào Phi.
Cho nên có thể nói ở dưới mặt nổi của vấn đề là chính sách không đương đầu với TQ của HK, HK muốn các nước có tranh chấp dùng ngoại giao (như chính phủ mới của Phi) để giải quyết, và Phi với sự khuyến khích của HK đã chấp nhận tương nhượng quyền lợi trong vùng EEZ của mình cho TQ. Trong khi đó thì VN không được hưởng lợi gì nhiều ngoài việc vùng tranh chấp được thu hẹp như bà Phó Trợ Lý Ngoại Trưởng Colin Willet nói.
Không chối cãi là phán quyết tòa có lợi cho cộng đồng quốc tế và cho các nước có tranh chấp (ngoại trừ TQ), nó là cái khung sườn để các nước tranh chấp giải quyết với nhau vấn đề chủ quyền và nó cũng cố Công Ước LHQ Về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nó hổ trợ cho lập trường của HK là giữ nguyên trạng/"status quo" trật tự thế giới và từ chối TQ trong việc đòi sửa luật chơi. Nhưng HK vì quyền lợi kinh tế quá lớn với TQ nên cho đến nay chỉ đánh đòn gió để trấn an đồng minh trong vùng và TQ biết rõ điều đó.
Theo VOA tại Bắc Kinh cho biết bên ngoài đại sứ quán Phi có đầy nhà báo và cảnh sát, nhưng không thấy có người biểu tình nào. Theo tường thuật của phóng viên BBC Jonah Fisher từ Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Phi ra thông cáo chỉ với bốn đoạn văn dài khoảng hai phút nói rằng các chuyên gia đang phân tích, không có sự ăn mừng, thậm chí là không có một nụ cười. BBC cho rằng điều này có nguyên nhân của nó, chính phủ hiện tại của Phi không phải là người đã đưa hồ sơ ra Tòa Trọng tài năm 2013, Tổng thống mới sẵn sàng hòa giải với TQ, ngay tại Manila rất nhiều người cho rằng Tổng thống mới có xu hướng thu hút đầu tư từ TQ để đổi lại phản ứng im lặng (BBC 12/7).
Ông Harry Kazianis, nhà nghiên cứu cấp cao về Chính sách Quốc phòng nói rằng TQ có thể có ba sự lựa chọn để đáp lại phán quyết của tòa: (1) tiếp tục với hướng hành động hiện tại, tức vẫn lấn sân các nước nhỏ nhưng tránh đụng độ với HK, (2) tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông, và (3) bất hợp tác hay trở thành nước bất hảo (VOA 12/7). Trong ba phản ứng này thì phản ứng đầu được coi là nhẹ nhất, ta thử phân tích xem dù là phản ứng nhẹ nhất nhưng nó sẽ ảnh hưởng lên VN như thế nào.
TQ từng đe dọa là sẽ rút ra khỏi UNCLOS (2) nếu phán quyết của tòa bất lợi cho TQ, và điều này TQ có thể làm để áp lực HK, khi HK tiếp tục chỉ trích TQ mà không tham gia UNCLOS. Cho nên điều tối thiểu mà TQ có thể làm là tiếp tục sự lựa chọn thứ nhất và rút ra khỏi UNCLOS để không bị luật quốc tế ràng buộc, tương tự như HK đã đứng ngoài. HK đứng ngoài nhưng tôn trọng UNCLOS, trong khi TQ đứng trong nhưng không tôn trọng, vậy thì với phán quyết này TQ càng không muốn đứng trong để không bị ràng buộc. Như thế, TQ sẽ rộng đường để thương lượng trong tư thế mạnh với một nước Phi đang muốn nhường nhịn (cùng HK hài lòng) và sẽ nặng tay hơn với VN để lập hàng rào sắt ở vùng biển Hoàng Sa và tiếp tục cảnh tầm ăn dâu ở vùng biển Trường Sa.
Sau phán quyết, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN Lê Hải Bình trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, không dám kêu gọi tất cả các bên thi hành phán quyết mà chỉ tuyên bố “ủng hộ mạnh mẽ” việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông “bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý". Việt Nam tiếp tục khẳng định “chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" (RFI 12/7). Nó vừa yếu xìu vừa láo sạo vì cũng như Phi, CSVN đã thất bại trên mặt trận ngoại giao, nhưng hèn hơn Phi vì không làm gì trên mặt trận pháp lý. Hoàng Sa hoàn toàn mất, Trường Sa tiếp tục bị lấn sân và CSVN dựa lưng chế độ vào TQ nên chỉ đánh võ mồm để gạt dân.
NS John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện HK và NS Dan Sullivan, ngay sau phán quyết, đã lên tiếng “khuyến khích các nước có tranh chấp ở biển Đông, như VN, mưu tìm một phương cách xử lý tranh chấp lãnh hải tương tự (như Phi) thông qua tòa trọng tài cũng như thông qua đàm phán giữa các bên liên quan” (VOA 12/7). Đàm phán đã thất bại, toà trọng tài thì người ngoài ai cũng thấy nhưng CSVN thì không.
Nếu CSVN đừng chống lưng chế độ của họ vào TQ thì cái thay đổi thực sự và không tốn kém (game changer) để thoát ra khỏi sự hèn yếu này là hỏa tiển Brahmos mà Ấn Độ muốn bán sau chuyến đi VN vừa qua của TT Obama (và chừng 10 ngày sau thủ tướng Ấn đến thủ đô HK thăm TT Obama). Với giá khoảng 3 triệu đôla một cái và VN mua chừng 300 cái với giá hữu nghị chưa đầy 1 tỷ đôla là TQ hiểu ra ngay, VN sẽ có vùng A2/AD "không cho tiếp cận từ chối vào vùng" mà tàu TQ nào hó hé thì có thể bị bắn chìm.
Cũng nằm trong phản ứng thứ nhất, TQ có thể mượn cớ để chiếm thêm một số đảo nữa của VN, thách thức HK gây chiến và ván xì phé này có huê dạng là HK không dám tố như TQ vì các lý do (1) HK đang trong mùa bầu cử, (2) không như với Liên Xô trước đây mà hai hệ thống kinh tế hoàn toàn biệt lập, hai nền kinh tế HK-TQ thì quấn quyện và lợi ích kinh tế của HK ở TQ quá lớn, (3) dân HK không chấp nhận việc đem tàu chiến ra bắn đùng đùng vì mấy cái mõm đá xa xôi không liên quan trực tiếp đến quyền lợi HK, chính quyền HK khó mà giải thích được với dân chúng. Chỉ trừ khi TQ tính toán sai hay lỡ bắn rơi máy bay HK, bằng không HK cao lắm là la hét trên diễn đàn quốc tế, vì đây là TQ, không phải Iraq. Cuộc chơi xì tố coi bên nào nổ súng trước, TQ không ngu gì đi bắn máy bay HK và HK không ngu gì đi bắn tàu TQ để bảo vệ máy cái đảo của VN, kết cuộc là VN sẽ mất thêm vài đảo nữa.
TQ dùng cơ hội này để biến trái chanh thành một ly nước đá chanh đường, làm màn che chắn hoàn hảo (perfect cover) để lấn sân VN vì trong tính toán của TQ, nếu để lâu, VN sẽ có hỏa tiễn Brahmos, có nhiều liên hệ với Mỹ, Nhật, Ấn hơn và lúc đó TQ sẽ khó hơn, cho nên làm bây giờ là hay nhất, vài năm sau sẽ huề cả làng như từng xảy ra ở Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988. HK bị đặt vào thế rất khó xử vì phải đối phó với TQ và Nga cùng một lúc.
Bây giờ nó là quyền lợi của TQ để làm ồn và tạo sự bất ổn vì nó tái lập (reset) nhiều biến số kinh tế ở TQ (như mức hối đoái của đồng quan tệ sẽ xuống mà đó là điều TQ đang muốn mà chưa thể làm được), làm cho dân chúng TQ quên đi sự giảm tốc kinh tế, có gì thì cứ đổ lỗi cho HK với dân chúng và cùng lúc cũng cố vị trí lãnh đạo của đảng cộng sản TQ. Kịch bản tốt nhất cho VN (best case scenario) là TQ rủi ro bắn rớt máy bay HK, HK phản ứng lại bằng cách dội bom và phá sạch các đảo nhân tạo. Nó sẽ khó hơn cho TQ xây dựng lại sau đó.
Những sự dò dẫm nắn gân nhau trong hai năm qua cho thấy Nam Dương, Phi, HK đang từ từ vẽ lằn ranh đỏ và biên giới biển cho TQ, làm cho TQ khó tự tung tự tác hơn, trừ khi TQ muốn đâm tàu hay nổ súng: phía Đông TQ không được xây thêm đảo, phía Nam TQ không được đánh bắt cá ở Natuna, phía Tây TQ không được khoan dầu trong vùng EEZ của VN, phía Bắc TQ không được cho tàu vào vùng Senkaku. Phần còn lại thì tranh chấp và phần lớn là các vùng mà VN và TQ tranh chấp. Tâm điểm để TQ củng cố ở Biển Đông hiện nay là vùng chính giữa, nơi mà TQ và VN đang nóng trong việc tranh chấp chủ quyền.
Các đại cường có khuynh hướng làm ra luật của mình chứ không muốn tuân theo luật do nước khác làm ra, cũng không chấp nhận phán quyết của ai đó cho dù là toà án quốc tế, cũng như không muốn xin lỗi ai. TQ đang có cung cách này và HK đã có từ lâu. Nếu VN là đại cường thì VN cũng làm vậy. Đó là quy luật của sức mạnh và để cho mọi người dễ chấp nhận họ đặt ra luật chơi cho có vẻ công lý được thượng tôn.
Newsweek ngày 10/10/2015 cho biết một nhân vật cao cấp giấu tên trong quân đội TQ nói rằng còn 209 mõm đá vô chủ ở Biển Đông và TQ có thể chiếm hết và xây xong tất cả trong 18 tháng. TQ có thể xây mỗi năm một thành phố lớn bằng Los Angeles cho nên khả năng này là có. TQ đã tạo ra thêm 2,900 mẫu Anh ở BĐ so với VN chỉ có 80 mẫu, Mã Lai 70 mẫu, Phi 14 mẫu, và Đài Loan 8 mẫu (VOA 24/8/15). Việc quân sự hoá sau khi xây xong là một tiến trình đương nhiên của họ. Trong cuộc điều trần ngày 23/2/2016 trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện HK, Đô đốc Harry Harris nói “Quý vị phải tin là trái đất vuông thì mới có thể tin là TQ không quân sự hoá BĐ" (VOA 24/2/16).
CSVN vì dựa lưng chế độ vào TQ nên ngồi mơ ước "bất chiến tự nhiên thành", Tòa Án LHQ, Hoa Kỳ và các nước khác sẽ giải quyết vấn đề chủ quyền cho VN. Họ có nghe bà Bonnie Glaser của viện nghiên cứu chiến lược CSIS ở HK than thở hay không? "VN không đưa vấn đề ra tòa quốc tế theo UNCLOS như Phi đã làm... VN muốn có lợi về mặt kinh tế trong quan hệ với TQ trong khi hy vọng là sẽ dựa vào các nước như HK, Nhật hay các nước khác tạo áp lực lên TQ. Nhưng thành thực mà nói các nước có đòi hỏi về chủ quyền như VN cần phải làm hơn nữa. HK không thể một mình làm hết. Nhật thì còn bị phân tâm bởi sức ép của TQ ở biển Hoa Đông nên những gì mà họ có thể làm ở Biển Đông là rất giới hạn. Hiện tại chúng ta vẫn còn phải chờ xem là liệu Úc có thể tham gia nhiều hơn vào vấn đề biển Đông hay không... tôi không hiểu họ (VN) mong HK làm gì thêm nữa. Đây là một ví dụ về một số nước muốn HK chống lại TQ, đưa nền kinh tế của HK vào những rủi ro nhưng chính họ lại không muốn kinh tế nước họ gặp rủi ro. HK được trông đợi là phải tham gia, phất một chiếc đũa thần còn những nước khác chỉ đi nhờ. Điều này hoàn toàn không thực tế. Tôi nghĩ là họ cũng phải tham gia cuộc chơi" (RFA 18/11/15 (3)
Trong khi phán quyết của tòa được Phi tiếp nhận mà "không có sự ăn mừng, thậm chí là không có một nụ cười" thì ở VN có nhiều người xem đó là sự chiến thắng của mình, nhưng mây đen thì đang nổi lên ở phía chân trời cho chủ quyền của VN ở Biển Đông cũng như ở sườn Tây, khi TQ vẫn hung hăng bành trướng, HK vẫn không muốn đối đầu, và CSVN vẫn dựa lưng chế độ của họ vào TQ để nắm quyền là tất cả.
Đã đến lúc dân chúng Việt Nam đứng lên làm sự thay đổi để thực sự bảo vệ chủ quyền đất nước.
12/7/2016
______________________________________
Chú thích