15/4/15

Hạt Sương Khuya : Xây dựng niềm tin cho Chiến dịch Nhân quyền 2015

 Xây dựng niềm tin cho Chiến dịch Nhân quyền 2015


Hạt Sương Khuya (Danlambao) - Mấy tuần qua... chiến dịch Nhân Quyền 2015 đã được sự hưởng ứng tiếp tay của nhiều hội đoàn, cá nhân. Nhiều bài viết cũng như Video Clip đã được chia sẻ trên trang nhà Dân Làm Báo. Đặc biệt bên Úc Châu đã có một chương trình văn nghệ Hát Cho Nhân Quyền với sự ủng hộ của đài SBTN. Khởi từ bài viết của tác giả Lê Nam Khoa 'Một góc nhìn về Chiến dịch Tranh Đấu cho Tự Do- Dân Chủ- Nhân Quyền 2015' cho đến 'Tại sao họ chưa tham gia? Tại sao họ tham gia' của tác giả Vũ Đông Hà hay 'Tại sao bạn chưa ký lá thư ngỏ cho chiến dịch nhân quyền 2015' của tác giả Cao- Đắc Tuấn cũng như những bài viết khác của nhiều tác giả mà Hạt Sương Khuya không tiện nêu hết tên ra đây để khỏi mất thời gian của quý vị (Xin kèm theo link để các bạn theo dõi). Theo tôi… bài viết của tác giả Lê Nam Khoa là sự mở đầu cho những bài viết kế tiếp có thêm những ý tưởng hay và chi tiết hơn.
Qua hai bài viết của tác giả Vũ Đông Hà (Tình) và tác giả Cao-Đắc Tuấn (Lý) là một sự bổ sung rất cần thiết giữa Tình và Lý. Ai đã từng đọc qua hai bài viết đó nếu vẫn chưa quyết định 'bút sa…' thì việc làm của tôi hiện tại chẳng khác nào một kẻ bơi ngược dòng. Dù biết thế nhưng tôi vẫn cố 'chịu đấm ăn xôi'. Tôi làm vì trách nhiệm và bổn phận của một người dân nước Việt.
Cho đến hôm nay… khi viết bài này, đúng một tháng kể từ ngày lời kêu gọi được đăng trên Dân Làm Báo. Tổng số ký tên đến 4 giờ chiều Paris ngày 10 tháng 4 vẫn là một con số rất khiêm nhường (19771). Nghĩa là chúng ta chưa đạt được 1/5 của con số kêu gọi. Một chút gì đó thật xót xa… !
Xót xa không phải là một lời trách hờn, nói đúng hơn là một sự chia sẻ cảm xúc với những tấm lòng TRÍ nhẹ hơn TÂM. Họ là những con người đi góp nhặt từng xu kiến thức, lấy nỗi đau chung của Dân tộc trải bày trong tâm huyết, bước đi từ đôi chân vụng về để cất lên tiếng nói lương tri cho những bất công trong xã hội. Một thứ bất công được nuôi dưỡng từ họng súng quyền lực của những kẻ gian hùng, coi mạng người như cỏ rác, coi Tổ Quốc như một món hàng đem rao bán, đổi chác. Đôi chân ấy đã biết bao lần ngã gục trước bạo lực, nhưng rồi lại cố ngoi lên thách thức cùng cường quyền, mỗi một vết thương là một kinh nghiệm, cái giá họ trả có thể là một thân xác bầm dập, hay một vài năm tù, hoặc cũng có thể là chính mạng sống mà chỉ có định mệnh mới biết được số phận đã đặt để cho họ. Tôi chợt nhớ đến bài viết của tác giả Cao-Đắc Tuấn khi viết về 'Niềm tin và đam mê'. Đúng vậy... chính niềm tin là hệ lụy của mọi vấn đề. 
Bản thân tôi cũng đã bao lần đánh mất niềm tin, một khi niềm tin không còn thì đam mê cũng chối bỏ. Bốn mươi năm là một thời gian khá dài của một đời người, đủ đánh gục đi những tâm huyết được nuôi dưỡng từ lý tưởng sống, lý tưởng của những tâm hồn son trẻ nay đã bạc trắng đầu mà 'tay vẫn trắng tay'. 
Theo dõi những thông tin liên quan đến chiến dịch Nhân Quyền 2015. Cá nhân tôi cho rằng… nếu nhìn ở mức độ thành công thì chưa đạt như mong muốn, nhưng đã tạo được sự hưởng ứng lên tiếng của nhiều cá nhân trẻ, nhất là giới nghệ sĩ, vì họ có chút ảnh hưởng nhiều đến quần chúng. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu? Vì sao cả một tháng với biết bao nỗ lực mà chỉ đạt được chưa tới 1/5 thành quả? Nói ra điều này không phải để làm nhụt chí mọi người, mà tôi chỉ muốn nêu lên nguyên nhân để chúng ta cùng suy ngẫm nhìn ra ưu khuyết của vấn đề. 
Chắc hẳn quý vị cũng đồng ý rằng… trong quá khứ 'chúng ta' đã để lại nhiều những 'sai lầm'. Ở đây tôi không muốn nhắc đến chi tiết, bởi điều ấy không cần thiết nếu mọi người coi đó như một bài học kinh nghiệm để làm hành trang cho tương lai. Có lẽ tôi cũng là một trong những người hiểu hơn ai hết một khi niềm tin bị chà đạp, nhất là niềm tin mang ý nghĩa thiêng liêng cho một lý tưởng Quốc gia, nhưng không phải ai cũng có cùng một cách ứng xử. Trong nhiều năm qua... từ những kiến nghị của các bậc 'trí thức' cho đến ký thỉnh nguyện thư, hay thư ngỏ ít nhiều cũng khiến nhiều người 'thất vọng', nguyên nhân của sự thất vọng cũng không có gì làm khó hiểu. Bởi sự việc chỉ thực hiện bằng 'cảm xúc' theo dòng sự kiện, nó mang tính chất hiện tượng hơn là một chiến dịch hay một phong trào. Bởi nó chỉ là 'hiện tượng' nên trách nhiệm của nó cũng chấm dứt sau khi sự kiện qua đi. Ngược lại 'chiến dịch' hay 'phong trào' nó mang tính 'chủ động' và có 'chiến lược' về lâu dài. Trong quá khứ… kể từ thập niên 80 đã có biết bao phong trào, chiến dịch được khởi xướng từ nhiều cá nhân và tổ chức, đã để lại những hệ lụy không nhỏ. Điều đáng buồn và cũng là nguyên nhân của sự mất 'Niềm Tin' bởi những chiến dịch và phong trào đó chỉ nổi cộm từ những ngày đầu phôi thai, sau đó là những ngày dài chợt buồn lê thê… ! Thế nhưng… tất cả những gì xảy ra đã là quá khứ. Những người trẻ hôm nay họ không có trách nhiệm gì với cái sai lầm quá khứ đó, họ là những gương mặt mới, ý tưởng mới để phù hợp với chiến lược toàn cầu và cũng là khả năng 'hạn hẹp' của họ trước khi tìm ra những kế sách hay hơn, hữu hiệu hơn. Họ là những người tự mò mẫm đi trong bóng tối và rất cô độc. Xin đừng áp dụng những cảm xúc mất niềm tin của quá khứ vào những người trẻ hôm nay, xin hãy đồng hành cùng họ, đừng đặt nặng những nghi vấn vào những công việc mang tính bộc phát cá nhân hay một vài ý tưởng về những phong trào như 'Chúng Tôi Muốn Biết' hay 'Tôi Không Thích Đảng Cộng Sản' v...v. Đó chỉ là những cảm xúc biểu hiện thái độ muốn biết hay bất tuân dân sự và nó chỉ có trách nhiệm ở một giai đoạn cần thiết để tạo thành thói quen và mong mỏi sự quan tâm của mọi người. Vì không nằm trong 'trách nhiệm' mang tính cách chiến lược, nên sự kéo dài của phong trào chỉ tùy thuộc vào sự tiếp tay và ủng hộ của nhiều người, nếu chúng ta coi nó như một chuyện chẳng đi đến đâu thì nó phải chết tức tưởi là chuyện hiển nhiên. Vì sao những phong trào 'Chúng Tôi Muốn Biết và Tôi Không Thích Đảng Cộng Sản' lại không đi đến đâu ? Xin thưa… bởi vì 'chúng ta' mang tư tưởng chủ bại ngay khi bắt đầu biết đến phong trào này. Lửa còn đang chụm mà đổ nước lạnh vào thì làm sao vo gạo nấu thành cơm được.
Những điều tôi nói có thể sẽ làm buồn lòng ai đó. Xin hãy vì cái chung của Tổ Quốc mà tha thứ cho tôi. Nhân vô thập toàn, trên đời này không có điều gì là tuyệt đối. Trong cái ưu điểm cũng sẽ có nhược điểm. Mặc dù cái nhược điểm đó chưa hẳn lỗi do người hoặc nhóm khởi xướng. Tôi tự nghĩ… 'Chúng Ta' có bao giờ đã làm hết lòng với những phong trào do người khởi xướng đưa ra?, hay đã kết luận và đóng đinh ngay từ khi nó vừa kịp chào đời?. Qua đó đã làm cho người hoặc nhóm khởi xướng chán nản và bỏ cuộc, cuối cùng họ phải mang cái tội 'đánh trống bỏ dùi'. Nhưng sao họ vẫn không bỏ cuộc? Nghịch lý quá phải không? Thưa không… vì họ mang trong lòng một hoài bão, một ước mơ đem nụ cười trên đôi môi trẻ, giọt nước mắt hạnh phúc trong mắt Mẹ, niềm tự hào trên gương mặt Anh, hay chút bình an của Chị bên cạnh mái ấm gia đình. Họ không bỏ cuộc vì không muốn người Việt Nam phải sống kiếp đời nô lệ, làm thân trâu chó cho bọn cường quyền, bọn mãi quốc cầu vinh. Nếu bảo rằng họ làm điều đó là vì danh, vì lợi… tôi chưa thấy có cái danh lợi nào lại lớn hơn mạng sống con người. Hãy nhìn lại trong ba năm có đến 260 trường hợp bị chết khi tạm giam, tạm giữ mà một tên khả ố như Nguyễn Sinh Hùng cũng phải lên tiếng ái ngại (cho dù là giả dối), thì ai có thể bảo đảm người kế tiếp sẽ không là họ. 
Nhìn lại phong trào đấu tranh trong suốt mấy mươi năm qua. Có biết bao người đã ra đi vĩnh viễn không một lần trở về quê nhà . Người còn lại ngóng trông về cố quốc nghe ruột đau chín chiều. Ai cũng nóng lòng, ai cũng mong chấm dứt cái chế độ thối nát này. Vì thế phương án 'bạo động' luôn là kế sách ưu tiên. Nhưng lấy gì để bạo động một khi chúng ta chưa từng xây dựng nội lực Đúng cách- Đúng việc- Đúng lúc- Đúng người?
Để tạo thành một cơn bão (cuộc cách mạng) trước nhất phải có sự giao thoa giữa sức nóng (Quốc nội) và cái lạnh (Hải ngoại). Khi giữa hai luồng khí nóng và lạnh gặp nhau mới tạo thành cơn gió lốc (Sức mạnh). Từ đó mới tạo thành cơn bão. Không khí nóng mà tôi muốn nói ở đây… chính là lòng dân. Cái không khí lạnh… chính là sức mạnh yểm trợ của cộng đồng hải ngoại trong vai trò Quốc tế vận mà Nhân quyền là một trong những điều cần thiết để bảo vệ tính mệnh và niềm tin cho những người đang xông pha ở tuyến đầu. 
Cho đến nay… vai trò của Hải ngoại tuy chưa đạt đến mức tuyệt vời, nhưng cũng tạm gọi là đủ mạnh để có thể hỗ trợ Quốc nội khi cần thiết. Từ những giải thưởng Hellman/Hammett, One Humanity của PEN Canada, Committee to Protect Journalists (CPJ) hay mới đây nhất là của Civil Rights Defenders v...v… dành cho cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mà mọi người còn đang xúc động trong niềm hạnh phúc. Tất cả đều là thành quả của những cuộc vận động và công lao của mọi người đã tiếp sức cho niềm tin và sức mạnh.
Nhìn lại những thành quả chúng ta đạt được cho đến nay, phần lớn chỉ nằm ở mức độ trao đổi thông tin và tạo được sự chú ý quan tâm của một số Quốc gia. Nhưng cái LỰC vẫn là Quốc nội. Nếu không đi cùng dân, không vực dậy được dân khí, cơn bão cách mạng khó có thể đi đến hiện thực. Điều đó không khó để nhìn ra. Tôi lấy sự việc mới nhất về việc đình công biểu tình của công nhân thuộc Công ty Shin Sung Vina (Long An). Trước đây chúng ta thầm mong có những cuộc biểu tình con số được vài ngàn người, ngay cả khi dàn khoan Trung cộng đưa vào vùng biển Việt Nam đụng đến nhục quốc thể, có sự chỉ đạo của nhà cầm quyền mà cũng chỉ được vài ba ngàn (Tôi không nắm con số chính xác). Cuộc biểu tình đình công của công nhân Công ty Shin Sung Vina đã lên đến con số vài chục ngàn. Đây chẳng phải là một cơ hội rất tốt sao? Mấy chục ngàn người nếu thiếu người lãnh đạo thì cũng sẽ như bầy ong vỡ tổ. Người lãnh đạo không nhất thiết là một biểu tượng hay một cá nhân nào đó, nhưng nếu những ngày qua có đủ những gương mặt mà tôi gọi là các nhà đấu tranh dân chủ, dân oan cùng phối hợp thì có lẽ công nhân họ ít nhiều cũng cảm thấy được sự hỗ trợ về tinh thần. Dĩ nhiên đây không phải là một sự đòi hỏi, mà chỉ là suy nghĩ bộc phát từ cá nhân tôi. Tôi tin quý vị có cách riêng của mình.
Muốn xây dựng lại niềm tin… quả thật là một điều không dễ. Mặc dù ai cũng nói đến sức mạnh đoàn kết, ai cũng nói đến lòng vị tha... đặc biệt là ai cũng yêu Tổ Quốc… (ngoại trừ nhà cầm quyền) vậy thì tại sao? Xin hãy vì TỔ QUỐC-DANH DỰ-TRÁCH NHIÊM… dẹp bỏ những tị hiềm cá nhân, cho nhau tin yêu qua ánh mắt, nụ cười… qua những lời yêu thương tình người đúng nghĩa. Chìa khóa mở ra cánh cửa NIỀM TIN đã có… xin mọi người cùng bước vào. 
Viết xong ngày 12 tháng 04 năm 2015 lúc 15h35 tại Paris.