23/4/15

Chân dung tỵ nạn

 Chân dung tỵ nạn


Chân Dung Tỵ Nạn - Họa sĩ Trần Thúc Lân

Phùng Mai - Bức tranh "Chân Dung Tỵ Nan" là bức tranh sơn dầu, dài hơn 3m cao 1m do họa sĩ Trần Thúc Lân từ Paris vẽ trong suốt 2 năm trời đã hoàn tất vào đúng tháng 4 năm nay để kỷ niệm 40 năm Việt Nam đắm chìm trong gông cùm cộng sản. Lộ trình bức tranh này bắt đầu được chính họa sĩ kể lại trong một bài hồi ký dưới đây, chúng tôi nhận thấy đây là một tác phẩm rất công phu nên giới thiệu đến quý bạn đọc. Bức tranh sơn dầu này sẽ được triển lãm ở Kennedy Center vào tháng 6, sau đó lưu trữ ở San Jose Viet Museum.
*
Cánh Hải Âu
Hồi Ký – Trần Thúc Lân 
Khoảng vài tuần trước ngày Quốc Hận thứ 38, (Friday, May 17, 2013) tôi nhận được thư của anh Lê Minh bên Úc. Anh Lê Minh một lần nữa lại ủng hộ Quỹ Tù Nhân Lương Tâm bằng cách đặt tranh tôi vẽ. Tôi thật cảm kích với hảo tâm của anh ấy vì xung quỹ với tiền công làm việc cực nhọc ở cái tuổi mà thường tình người ta chỉ mong sớm được về hưu an nghỉ. Nhưng lần này không như thường lệ, anh không đặt chân dung cho một người hùng Chiến Sĩ Tự Do nào, mà lại đặt chân dung của ‘chúng ta’, của Thuyền Nhân!! Lẽ dĩ nhiên tôi rất hân hạnh được nhận vẽ, nhưng tôi không khỏi nôn nao bồi hồi, phần vì hăng hái trước một dự án đối với tôi ‘lớn lao’, phần thì lại lo lắng trước sự phức tạp của chủ đề khi sức tôi mỗi ngày một yếu…
Thế là kế tiếp những đêm mất ngủ băn khoăn suy nghĩ, những ngày tìm tòi tài liệu hình ảnh… Tôi tự hứa sẽ không mang hình ảnh đến từ trong ký ức và kinh nghiệm của bản thân vì không muốn hạn chế bức tranh với những kỷ niệm riêng tư của tôi. Phần thì phải nói, gợi lại những hình ảnh hay nói đúng hơn những ám ảnh đó quá hãi hùng, quá đau đớn cho tôi… Tôi ước muốn vẽ cho mọi Thuyền Nhân chứ không chỉ vẽ về cuộc vượt biên của riêng tôi. Phải chăng đó chỉ là một dụng cớ để tránh nhớ lại những gì tôi đã tự hứa khóa chặt trong tâm não?... Tôi chú tâm tìm đọc trên mạng thật nhiều chuyện thuật lại hành trình khốn khổ của biết bao Thuyền Nhân… Lẽ dĩ nhiên, tôi không còn cứng rắn đủ như xưa kia để cầm lại nước mắt, và tự nhủ, Quốc Hận năm nay, không những mình đã tưởng niệm mà lại còn có cảm tưởng như đã để tang thật kỹ thật nhiều…
Nội dung của bức tranh từ từ hiện lên trong đầu tôi... Cả lộ trình của biết bao nhiêu người thì làm sao vẽ trong một bức được… Vì thế phải nhiều bức ráp lại với nhau như để biểu tượng những đoạn trường phải trải qua trên lộ trình vượt biên, hay để gợi lên những mảnh đời tan nát, chia lìa cũng như những cuộc hội ngộ, đoàn tụ sau bao tuyệt vọng, những câu chuyện riêng đã in hằn trong tâm ức chung của người Việt tỵ nạn… Và để ráp những bức đủ cỡ đó lại với nhau, tôi cần tìm một yếu tố làm cái ‘fil conducteur’, một dây nối tượng hình để gắn liền các bức tranh lại với nhau… Và tôi tìm được nó khi hồi tưởng lại câu chuyện sau đây…
Mùa Thu năm 1981, lúc ấy tôi mới sang tỵ nạn tại Paris chưa được 2 năm. Tôi đi chạy hầu bàn ở nhà hàng ĐV ở quận 5. Một chiều tối, một cặp vợ chồng Tây đã đứng tuổi, rất sang trọng bước chân vào quán. Nghe họ nói chuyện với nhau tôi cứ tưởng họ người Gia-nã-đại. Tôi mời chào và giải nghĩa thực đơn bằng tiếng Anh, và người đàn ông lớn tuổi hỏi tôi: 'Anh không nói giọng Mỹ như nhiều người Việt tôi từng gặp! Sao lạ thế?'. Tôi cười xuề xòa: 'Dạ thưa ông, không có giọng Mỹ, nhưng chắc chắn là có giọng Việt Nam chính cống! Giọng của ông thì tôi đoan chắc là tiếng Anh của Nữ Hoàng (Queen’s english), nhưng bà nhà có phải là người Gia-nã-đại? ' Ông ta tươi cười: 'Anh chỉ đúng một nửa. Tôi là người Anh, vợ tôi đây người Bỉ. Tên tôi là Peter Townsend, tôi vừa hoàn tất một quyển sách về một hành trình của Thuyền Nhân, nên tôi đã gặp và phỏng vấn nhiều người Việt trong các trại tỵ nạn ở mọi nơi…'
Vì bàng hoàng, tôi hấp tấp hỏi ông một cách vụng về và vô duyên: 'Thế thì ông có quen với Cha Hugo không?', cứ như là hễ một người Anh nào mà quan tâm đến Thuyền Nhân đều phải biết linh mục này mà chính tôi lúc đó cũng chưa gặp mặt và cũng chẳng biết tên họ của linh mục này là gì. Người ta vốn nói ‘Thánh nhân đãi kẻ khù khờ’, thì trước câu hỏi ngu ngơ của tôi ông Townsend trố mắt, ngạc nhiên đến ngớ ra: 'Làm thế nào anh biết cả con trai tôi à?'. Đến phiên tôi giật mình và chống chế vội vã: 'Trời ơi! Ông là bố của… Chả là con gái tôi đang đi học ở Luân-Đôn, nó thuộc về giáo xứ của Cha Hugo, và đã được Cha dẫn đến thăm trại tạm cư của các Thuyền Nhân, gần giáo xứ, ngay giữa lòng Luân-Đôn!...'. Ông Townsend gật gù và thoải mái hơn, nên đùa: 'Trong một khoảng khắc, tôi cứ tưởng là người Việt nào cũng thần giao cách cảm, đọc được trong đầu của người đối diện chứ!'…
Sau bữa ăn, ông ta chìa cho tôi một tấm thiệp có tên tuổi và địa chỉ của ông và nói một cách rất chân tình: 'Khi nào anh có rảnh, gọi điện thoại số này cho tôi, rồi lên tôi dùng trà, tôi có một vài chuyện muốn hỏi anh để tìm hiểu thêm về Thuyền Nhân Việt Nam…'. Tôi hân hạnh quá, được gặp rồi lại được mời đến nhà thân phụ của một linh mục Anh mà con gái tôi hết lời khen ngợi… Ngoài ra tôi không biết gì hơn về ông Peter Townsend cả, ngoài quyển sách ông vừa đề cập đến!
Thế rồi một ngày tôi lấy hết can đảm gọi điện thoại và may mắn được ông Townsend nhận ra và hẹn đến nhà ông. Tôi có cố ăn mặc chỉnh tề mà càng đến gần nhà ông lại càng cảm thấy mình như anh ngố mới ra tỉnh. Ông ở một căn lầu trong một biệt thự dưới chân tháp Eiffel lộng lẫy và khổng lồ. Tất cả trong nhà ông đều sang trọng, quý phái làm sao… Tôi tự hỏi, tại sao một người như ông ta, đáng tuổi cha, chú tôi lại muốn hỏi chuyện với một người tỵ nạn tầm thường như tôi? Chắc cũng nhờ Cha Hugo, tôi nghĩ… Rồi trước lời chào đón vô cùng nồng nhiệt và bình dị, tôi bớt hết hồi hộp lo lắng…
Ông Townsend làm trà và mang rót cho tôi, lần đầu tiên tôi thấy sữa đổ vào tách trà. Rồi ông hỏi han về cuộc vượt biên của tôi. Tôi kể lại cho ông, đến những lúc tôi xúc động, cái tách trà cũng run lên lách cách trong tay tôi. Dù nước mắt tôi lưng tròng, tôi cũng thấy được lòng cảm thông trong ánh mắt long lanh của ông. Ông kể đã đi thăm rất nhiều trại tỵ nạn từ Mã-Lai đến Hồng-Kông, từ Thái-Lan sang Phi-Luật-Tân. Nghe kể bao nhiêu chuyện qua lời thông dịch, không làm sao trung thực hoàn toàn được nhưng cũng đủ cho ông thấu hiểu hoàn cành hãi hùng của bao mạng người nhỏ bé giữa đại dương… "Chuyện người nào tôi biết đến cũng thương tâm cả… Làm sao kể lại hết tất cả mọi chuyện… Cuối cùng tôi phải chọn lựa kể lại một chuyện mà tôi cảm thấy là ‘kinh hoàng’ (terrifying) nhất và tôi theo dõi câu chuyện đó cho đến cùng. Đó là câu chuyện của một cô bé gái đi vượt biên cùng người anh/em (brother) trên một chiếc thuyền cọc cạch, không thể nào tồn tại giữa sóng gió biển cả. Trên tàu nhiều người đã đuối sức chết vì đói khát, bệnh hoạn vì lênh đênh quá lâu, cuối cùng tàu tạt vào một bãi san hô… Hai anh em cùng vài người sống sót tập bắt chim hải âu, phơi khô để ăn… cho đến ngày chỉ còn lại có cô bé gái, một mình giữa bao xác chết, chơ vơ trên một bãi san hô mỏng manh giữa trời nước… May mắn sao, vài ngày sau đó một tàu hàng hải đã cứu vớt. Tôi muốn tìm hiểu thêm về nội tâm của cô bé cũng như sự tự tồn của một con người trong một thảm cảnh như vậy. Tôi chỉ tiếc là khía cạnh tâm lý tôi không tường thuật được đầy đủ vì ngôn ngữ và tuổi đời của cô bé không cho phép diễn tả hết được. Tôi đã bao lần suýt chết trong Thế Chiến thứ 2, nhưng tôi tự hỏi nếu tôi ở trong trường hợp cô bé gái ấy, liệu tôi có còn đủ sáng suốt để kể lại không? Tôi muốn thuật lại qua quyển sách này một chuyện thật, để cho thế giới của tôi (my world) hiểu biết hơn về thảm cảnh của Thuyền Nhân Việt Nam, hầu cưu mang họ… Anh đừng hiểu nhầm tôi, không phải là sự tội nghiệp đã thúc đẩy tôi viết… họ khốn khó thật đấy, nhưng họ rất kiêu hãnh, cái phẩm cách của những người đã đi qua địa ngục và sống còn. Qua những ngày tháng đi tìm hiểu về họ, tôi thấy tôi cảm phục họ, họ thu hút đầu óc (fascinate) tôi trên rất nhiều khía cạnh mà tôi mong anh có thể giúp tôi hiểu rõ hơn."
Tôi chỉ tạc ghi trong lòng từng lời ông Townsend nói, hình như tôi không còn nhớ những gì tôi đáp lại ông, như thể những câu trả lời ấy chẳng có ký-lô nào… Tôi chỉ nhớ là lúc đó tôi như mở cờ trong bụng là có những người ngoại quốc suy nghĩ như ông ta. Đây là những điều chính ông đã bày tỏ hôm đó:
Grapevine/Truyền miệng: "Người Anh-quốc chúng tôi gọi hiện tượng này là ‘grapevine’, tin truyền miệng. Trong trường hợp của cô bé gái trong sách của tôi thì cái guồng máy ‘truyền miệng’ của cộng đồng tỵ nạn Việt Nam thật là kỳ diệu, phi thường! Tôi theo dõi trường hợp cá nhân này và tôi phải nể phục, không thiếu phần bàng hoàng, băn khoăn tự hỏi: Họ làm cách nào hay vậy? Một cô bé gái, một thân một mình đến trại ở một nơi xa lạ, không có một phương tiện truyền thông, truyền hình, giấy tờ hành chánh, hay bất cứ một hệ thống liên lạc tân tiến nào… thế mà chỉ qua người này nhắn đến tai người nọ mà tìm lại được cha mẹ (đi trong chuyến tàu khác, trôi dạt đến một nước khác) và cuối cùng gia đình được đoàn tụ và định cư ở Úc. Không chỉ riêng tôi, trong UNHCR (Cao ủy Tỵ Nạn LHQ) ai cũng đã một lần ngạc nhiên khi thấy cách liên lạc tìm kiếm thân nhân không cần sổ sách, giấy tờ (records) gì cả nhưng rất hữu hiệu, xuyên qua tất cả biên giới toàn cầu!?!"
Chiến tranh, Hòa bình và Tự do: "Tôi đã từng chiến đấu để bảo vệ đất nước tôi. Và tôi đã viết sách tường thuật về mặt trận ‘Battle of Britain’ của không quân Vương Quốc Anh (RAF) với không quân Đức Quốc Xã (Luftwaffe). Những gương can đảm tôi đã chứng kiến trong thời chiến, nhưng tôi phải nể sự can đảm của người Việt trong cuộc di dân có thể gọi là một biến cố lịch sử, nhất là khi chiến tranh đã chính thức chấm dứt! Cái gì thúc đẩy họ sẵn sàng bỏ đất nước, liều chết để ra đi? Họ chạy trốn Cộng sản, nhưng khi hỏi thì họ đều nói họ đi tìm Tự do! Tôi có cảm tưởng như họ hãy còn sợ là thế giới bên ngoài chưa lường được đến mực nào ‘Cộng sản là đối tượng của Tự do’. Cái ý thức của họ về chữ Tự do đó mới thật là chính đáng. Khi tôi nghĩ, nước tôi đã đẻ ra cái phong trào Hippy, đưa đến phản chiến, vô tình đã đẩy đưa số phận dân miền Nam Việt Nam vào đường cùng. Cái lũ hippies thời đó chúng xuống đường đòi Tự do, chúng có hiểu Tự do là gì đâu, cái tự do của một lũ lớn lên trong thời bình, chưa biết hy sinh một ngày cho đất nước, chưa biết chiến tranh nhưng đòi hòa bình, sống với đầy đủ các quyền công dân nhưng đòi tự do, cái tự do để yêu đương, để hút sách, để đồi trụy, để hèn nhát, cái loại tự do rẻ tiền, ích kỷ, vô trách nhiệm đó có ngờ đâu đã mang lại sự mất mát của chữ Tự do cao quý của bao nhiêu người ở bên kia trái đất! Tôi muốn gửi bọn chúng đi nghỉ hè bên kia Màn Sắt để học lại định nghĩa của chữ Tự do. Anh biết không, có một Thuyền Nhân nói vói tôi mà tôi nhớ mãi: ‘Khi nằm trên tàu trôi dạt, ai không mơ được bay lượn như cánh hải âu… Ao ước Tự do của chúng tôi đấy!’. Theo tôi, nếu cánh bồ câu tượng trưng cho hòa bình, thì hình ảnh đẹp nhất của Tự Do, phải là cánh hải âu ! Lúc đầu tôi muốn đặt tên quyển sách là The White Seagull (Con Hải Âu Trắng) nhưng sau với nhà xuất bản tôi phải đổi lại thành The Girl In The White Ship (Bé Gái Trên Chiếc Thuyền Trắng), để không nhầm với một tên sách khác đã ấn bản."
Hơn hai mươi năm sau buổi chiều đó, giờ đây tôi có dịp cám ơn ông Townsend một lần nữa, lần này qua những dòng chữ này. Ông đã nhắc nhở cho tôi hình ảnh Cánh Hải Âu trong bức tranh tôi đang phác họa. Ông qua đời đã trên 15 năm rồi, và tôi cũng đã có dịp được hiểu biết tên tuổi lẫy lừng của ông, một anh hùng của Vương Quốc Anh trong Đệ Nhị Thế Chiến, người yêu oan trái của Công Chúa Margaret… Nhưng trong tôi, tôi sẽ giữ mãi hình ảnh của ông chiều hôm đó, một người quý phái nhưng bình dị, cao cả nhưng khiêm nhường, từng trải nhưng luôn băn khoăn, lạnh lùng kín đáo nhưng đầy tình cảm… và ông đã quan tâm đến Thuyền Nhân Việt Nam! Cám ơn ông.
Hồi Ký – Trần Thúc Lân